Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009
HỒ GƯƠM
Tôi trở lại Hà Nội lần thứ ba trong tình huống không hề được dự tính trước. Sáng nay cùng với anh em tác viên Tiếp Hiện thăm hồ Hoàn Kiếm khi chờ đợi vài hôm nữa, chương trình sinh hoạt của Thiền sư Nhất Hạnh bắt đầu.
Sáng chủ nhật du khách dạo phố không đông lắm, nhưng đủ cho sinh khí Thủ đô mang màu sắc thanh nhã nhàn du. Người nước ngoài phần nhiều Tây ba lô, một ít người Thái, Hàn quốc, Đài Loan và một số người Việt các tỉnh thành đổ về. Số Tăng sĩ và tín đồ theo sư ông Làng Mai cũng bách bộ thong dong.. Trên các ghế đá công viên quanh hồ, một vài cặp tình nhân trẻ thể hiện tình cảm tự nhiên như “người Hà nội”, phớt tỉnh Angle trước mắt bàng dân thiên hạ. Chung quanh là chai lọ, bịch nilong nằm bừa bãi. Bên dưới, lềnh bềnh mặt nước các rác thải theo gió tấp vào ven bờ; xác chết con vật thối rữa cũng nhấp nhô theo sóng lăn tăn. Một con rùa bằng bàn tay ngoi lên mặt nước để thở, hai chú học sinh vỗ tay, bé rùa bơi vào như van xin được cứu thoát khỏi khối nước xanh rêu đầy ô nhiễm. Vớt bé rùa, nâng niu một lúc, các em lại vứt xuống giòng nước đục, không thấy trồi lên, mọi người bình thản ra đi.
Một góc bờ hồ, nhà hàng nhô ra mặt nước,thực khách hả hê bên ly cà phê, quanh mâm thức ăn, vô tư trò chuyện; thỉnh thoảng vứt tàn thuốc xuống hồ, phía sau phòng vệ sinh, nhà bếp cũng đổ nước bẩn xuống.
Chúng tôi qua cầu Thê Húc, vào đền Ngọc Sơn; bên trong đền,một lồng kiến lớn trưng bày con rùa loại mu mềm, đã chết cũng từ hồ nầy. Các phòng bên trong, trưng bày hàng lưu niệm. Bên ngoài đền, cây cổ thụ ngả mình, soài cành lá và rễ xuống mặt nước. Anh Tâm Hải, mặc áo Tác viên, nghiêng người xuống vớt mấy mảng rác, anh bảo vệ và những nhân viên vệ sinh đứng từ xa quan sát. Chu vi hồ gần 2km, nhân viện vệ sinh khó mà quán xuyến hết. Cách vài mét có tấm bàng đề: Cấm bán hàng rong, cấm để xe đạp, xe máy trên vỉa hè. Kể cũng lạ, tại sao không cấm vứt rác bừa bãi, hoặc quy định mức phạt cho những hành động thiếu sạch sẽ? Đứng nhìn khối nước xanh rêu đục ngầu, thật tội nghiệp cho bao sinh vật đang trầm mình dưới hồ gươm. Nếu công ty du lịch, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, và những ban ngành liên đới có phương án xử lý nước bẩn và rác thải khắp Thành phố thì Hồ Gươm sẽ hảnh diện một Thủ đô du lịch văn minh, thanh lịch. Điều nầy không nằm ngoài tầm tay của nhà nước, nghèo cho sạch, rách cho thơm trước mắt các nhà du lịch! Một điều mà cả Hà nội lẫn Sài gòn giống nhau, các tay móc túi chuyên nghiệp đã cuổm mất cái điện thoại của một tác viên Tiếp hiện trong đoàn một cách tài tình ngay ngày đầu tiên đến Hà nội, tại sao Đà Nẵng không xẩy ra?
TP Hà Nội phát triển rất nhiều, người dân ăn mặc lịch sự hơn, nhưng cách ăn nói của nhân viên xe bus và một số thanh thiếu niên còn nhiều thô lỗ. Ngược lại, khách đi xe bus tại Hà nội luôn tôn trọng người lớn tuổi, thanh niên nam nữ tự động nhường chỗ cho thiếu phụ, người già, điều mà các nơi, kể cả Sài gòn hiếm có như thế.
Về lại chùa Đình Quán, tôi gặp thầy Minh Thủ, cũng từ Đà Nẵng ra sau, chưa hiểu thế nào mà gần một ngày, BTC vẫn chưa sắp xếp chỗ nghỉ cho thầy. Năm 2005, thầy theo sư ông suốt ba tháng, bị thầy Thiện Tánh đuổi khỏi chùa Phổ Quang, nay theo đoàn hơn hai tháng mà vẫn không được tháp tùng theo đoàn. Tôi và thầy Minh Thủ được anh Tâm Hải ( tác viên Tiếp hiện) đề xuất nhập đoàn đi Hà nội, chả hiểu thế nào, thầy bị loại tên khỏi danh sách, do vậy, tôi nhường phần lộ phí đã chuẩn bị, cúng dường cho thầy ra Hà nội.. Đêm đầu tiên đến Đình Quán, thầy Pháp Khâm, tuổi hơn 40, giáo thọ sư của Làng Mai, đồng thời là tiền trạm và phụ trách nhiều việc cho đoàn mỗi khi đoàn đi hoằng hóa, gọi tôi đến giáo dục: Tôi đã đọc bài của chú, có vài ý kiến với chú, thầy trầm ngâm chẫm rãi nói tiếp, việc chú bị đuổi xuống xe, không riêng gì chú mà cả quý thầy, ví dụ thầy Minh Thủ, không nằm trong đoàn, không ai đảm bảo phong cách của họ thích hợp với Làng Mai, và theo lệnh công an, đoàn không để bất cứ ai ngoài đoàn tháp tùng, vì thế không thể nhập đoàn với lý do an ninh.. Chuyện viết lách của chú có tính cách cá nhân không tác dụng đến bài báo, đăng hay không là quyền của Làng Mai. Tường trình nơi nào cũng năm sáu ngàn người tiếp đón không quan trọng, quan trọng là có phản ảnh được nội dung sư ông thuyết giảng…Thầy quay qua anh em Tiếp hiện: Đi Sóc Sơn, anh em sắp xếp cho chú Minh Mẫn đi với!
Tôi và anh Sanh. Tác viên Tiếp Hiện ngủ ngoài hiên chùa vì trời quá oi; mãi trằn trọc những lời giáo huấn của thầy; sự phản ánh trung thực hẳn nhiên không vui cho đoàn, nhưng không thể mọi việc đều nói tốt hết. Bài gửi đi, tôi chưa hề yêu cầu ai đăng, việc chọn bài là do Ban biên tập các trang chủ chứ không riêng gì Làng Mai, sao thầy đặt vấn đề đó với tôi, bài được đăng không hẳn là một ân huệ. Ghi nhận sinh hoạt Làng Mai tại Việt Nam và ghi nhận tình hình đón tiếp của Phật tử Việt Nam đối với Làng Mai là thái độ phản ánh khách quan, trung thực để những người xa quê có điều kiện thẩm định; Tại sao tôi phải có bổn phận triển khai nội dung pháp thoại của sư ông trong khi tôi không là người có nhiệm vụ của một phóng viên, ký giả cho đoàn. Tuy lời lẽ tế nhị, từ tốn của thầy, tôi cảm nhận một trách móc và hướng tôi vào quỹ đạo của Làng Mai. Nhưng không hẳn thế, vì Làng Mai cũng không cần tôi làm việc đó; việc tán dương hay bình phẩm đâu là gì đối với bản chất của một Thiền sư; phải chăng ngôn bất tận ý, dễ đưa đến hiểu lầm cho nhau. Và người em tinh thần kia, đứng góc độ riêng tư cũng có cái nhìn can thiệp vào việc làm riêng tư của tôi để tạo một lầm lẫn không đáng có.
Tôi là một Phật tử không thiên huớng Giáo hội hay giáo đoàn nào, cá nhân nào, nhưng cố gắng tạo mọi thiện cảm một cách khách quan cho quần chúng đối với những chân sư, cao Tăng hành hóa Phật đạo tại Việt Nam.
Tôi là người Việt Nam, không khuynh hướng bất cứ thể chế chính trị nào, nhưng có bổn phận bảo vệ quyền lợi và an ninh cho dân tộc, vì thế , mọi lằn tên mũi đạn từ mọi phía, phải chấp nhận, biết đâu vẫn có người đồng cảm đâu đó.
Tôi cố gắng đi tiếp những đoạn lại trong chuyến hoằng hóa của Thiền sư Nhất Hạnh. Lòng nước Hồ Gươm hay lòng nước tình người cần phải xử lý cho trong sáng, không những làm đẹp bộ mặt Thủ đô mà còn làm đẹp bộ mặt Phật giáo đang cần có sự đoàn kết và cảm thông.
MINH MẪN
15/4/2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét