Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

SAU CUỘC CHIẾN


Em nghe gì không em ơi, con chim hót ở trên đầu cành…
Vụ án Bát Nhã đã chìm vào quá khứ, nhưng dư âm và tàn tích vẫn chưa phai nhoà sau gần hai tháng. Thầy trò họ Đồng hả hê thiết tiệc ăn mừng đã giải phóng toàn bộ mặt bằng, thống nhất cơ đồ, nhưng không có quần chúng, nhân sự tu sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay càng làm tăng vẻ cô tịch giữa đồi núi bạt ngàn một tu viện mà trước đó không lâu, từng có hàng trăm tu sĩ thảnh thơi dưới tàng thông, hàng ngàn tín đồ quây quần như trẩy hội.

Khi lãnh sự Mỹ đến viếng,cơ sở vật chất được tô trét phục hồi vội vã, Đức Nghi huy động một số Tăng sĩ các nơi, kể cả những công nhân di dân kinh tế cạo đầu mặc áo vẫn không đủ lấp trống cái không gian mênh mông của Bát Nhã mà gọi là 400 tu sĩ trẻ từng có mặt. Đám đệ tử ngây ngô và những công nhân hái chè thuê của Đức Nghi tin rằng họ thành công vẻ vang như sự thành công giải phóng đất nước, thu hồi độc lập từ tay đế quốc! Nhưng hơn ai hết, sư phụ của họ thấm thía đứng nhìn những hoang tàn sau cuộc chiến, uy tín mất mát, quần chúng tẩy chay, đồng đạo xa lánh, Giáo Hội tuy chưa làm phép Yết ma để cử tội phá hoà hợp Tăng, nhưng tự thân Đức Nghi cũng đã thấy những cơ sở vật chất chiếm đoạt của Làng Mai, giờ đây vô nghĩa và vô dụng, tình thầy trò đã bị màn vô minh ngăn cách; Một số quân sư muốn Đức Nghi làm đơn sám hối để cứu vãng thanh danh cả đôi bên, nhưng không dễ gì thực hiện; Thầy trò họ Đồng chưa biết làm gì với cơ ngơi mênh mông đó, chỉ chờ nhượng lại cho Trung quốc khai quật Bauxite, hợăc hy vọng làm cảnh du lịch vui chơi…

Về mặt chính quyền, đang tìm mọi cách hướng dư luận sang một suy nghĩ khác về thực tế của Bát Nhã, với những phương tiện truyền thông sẵn có, nhưng vẫn chưa có một luận cứ hợp lý, báo đài càng chống chế, càng bộc lộ sự vụng về thô thiển. Nếu sự cố do nội bộ Bát Nhã, nói đúng ra do Đức Nghi không bảo lãnh cho Tăng sinh tu theo pháp môn Làng Mai thì hà cớ nhà nước phải tận dụng cả một hệ thống báo đài rầm rộ đồng loạt đánh vào cá nhân TS Nhất Hạnh mà không đá động gì đến Đức Nghi? Dưới nhãn quan nhà nước Việt Nam, TS Nhất Hạnh có cái sai nào đó mà chưa chứng minh hợp lý để phải có hành động không đáng có như vậy, thì dưới tầm nhìn quốc tế, Việt Nam đã có cái sai không thể phủ nhận đối với hiến pháp và công pháp; Về mặt chính trị, rõ ràng Việt Nam đã non cơ hơn Làng Mai một bước. Mọi người vẫn thắc mắc tại sao TS Nhất Hạnh không hề lên tiếng khi đệ tử bị khủng bố hơn một năm, đến khi bị tan đàn xẻ nghé thì dưới bút danh Nguyễn Lang tha thiết chua chát một cách ngắn gọn gửi cho Nguyễn Minh Triết, gọi những thành phần khủng bố đó không phải là con cháu Cách Mạng! xin kêu cứu, thì thế giới thấy được sự im lặng đáng sợ của Đạo lực và những hành động ấu trĩ của quyền lực, thêm một vết đen cho chính sách Việt Nam đối với tôn giáo. Nói theo kỳ thủ, Làng Mai đã đi những con cờ buộc đối phương lâm vào thế bí khó xử! Bàn cờ tuy đã phân định, nhưng vẫn còn nhùng nhằng chưa dứt khoát , vẫn không sắp lại, cũng không giải tán để ai về nhà nấy. Có như thế mới thấy rằng Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào thì dễ mà không dễ bứng gốc những tu sinh lòng non dạ trẻ xuôi tay cho bạo hành! Để gỡ gạc hầu chứng minh nhà nước khách quan trong vụ án, là xử rõ trắng đen cơ sở vật chất để quy tội Đức Nghi lật lọng chiếm đoạt làm tai tiếng cho chính sách, nhưng Làng Mai có đâm đơn thưa kiện đâu mà xử, đó là một sự khôn ngoan thứ hai. Ngày vào Việt Nam, nhà nước đâu buộc Làng Mai phải chính thức làm đơn xin sinh hoạt theo luật pháp Việt Nam, mà nhà nước đã thông qua con cờ Đức Nghi bảo lãnh một cách ngắn gọn khi mà con cờ Làng Mai đang có giá, trong lúc đó, các tôn giáo có mặt trong nước từ trước 1975, phải làm đúng thủ tục để được xét duyệt chấp nhận sinh hoạt hợp pháp, rất nhiều năm. Đây không phải lỗi Làng Mai mà lỗi nhà nước đã không công bằng trước luật pháp đối với mọi tổ chức tôn giáo, do đó việc cấm đoán hay trục xuất, giải tán, là gậy ông đập lưng ông. Chính những sơ suất hay chủ quan bước đầu đã đưa nhà nước vào chỗ bế tắt.Nhà nước thành công dùng vũ lực giải phóng đất nước, triệt mọi lực lượng yêu nước để nắm thế chủ động trong cuộc chiến là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận trong cuộc chơi quyền lực, và có chính nghĩa khi đánh đuổi những người không đồng chủng tộc có mặt trên quê hương, được xem là Đế quốc xâm lược. Tăng sinh Bát Nhã không phải người ngoại quốc, những giáo thọ có quốc tịch ngoại đều bị tống khứ, những tu sĩ non trẻ đó là công dân có quyền ở bất cứ nơi nào trên đất nước mình một cách hợp pháp, và có quyền chọn cho mình một pháp môn tu hợp lý, họ không phải là những lực lượng đe doạ quyền lợi của Đảng và nhà nước,việc giải thể bằng bạo lực như giải tán đế quốc hoàn toàn thất nhân tâm. Tam Toà, Loan Lý, Khâm sứ…có lý do về tài sản công thổ, Bát Nhã hoàn toàn không có một lý cớ để hành xử như vậy. Người trí có lối hành xử của người trí. để di dời một tảng đá lớn, nhiều người lực lưỡng dùng sức một cách khó nhọc, ỳ ạch, nhưng người trí chỉ dùng đòn bẩy nhẹ nhàng đẩy đi, không tốn công vô ích. Cuộc sống không có bất cứ vấn đề nào không thể giải quyết nếu có Tâm và có Trí mà không cần đến vũ Lực.

Ngày xưa, khi học thuyết Mac Lê triển khai trên đất nước, lực lượng công nhân thợ thuyền được tôn vinh, trí thức bị xem nhẹ và tôn giáo là rào cản của chủ nghĩa xã hội, quan niệm sai lầm đó đã đưa những quốc gia cọng sản vào chỗ trì trệ. Ngày nay đổi mới, tất cả cán bộ đều phải có trình độ, họ phấn đấu, tối thiểu phải có cử nhân, đa phần là Tiến sĩ, thậm chí, một cán bộ xã cũng mon men lấy cho được Tiến sĩ, đó là điều đáng mừng một đất nước lấy kiến thức và trí thức làm chủ lực để xây dựng tổ quốc, chứ không thể đem dân tộc làm thí điểm một cách mù loà, sai đâu sửa đó như quá khứ, và nhà nước đã dành một sân chơi cho các tôn giáo, cho dù để trang trí hay làm phương tiện vận động quần chúng vẫn tiến bộ hơn 70 năm trước liệt tôn giáo vào thành phần không đáng tồn tại trong xã hội. Thế nhưng, với mớ kiến thức cử nhân, Tiến sĩ đó, vẫn chưa giúp cán bộ hành xử trí thức hơn, tập quán bạo lực đã ngăn che những trí tuệ phát sanh từ trí thức. Ngày nay tôn giáo rộ nở khắp ba miền mà bảo là đàn áp Tôn giáo, không hợp lý. Bát Nhã là tôn giáo, nhưng tôn giáo không chỉ có Bát Nhã. Đàn áp Tam Toà, đàn áp Loan Lý, đàn áp Bát Nhã chứ không thể gọi là đàn áp Tôn giáo, không nên cường điệu trong vấn đề nầy. Những cuộc trấn áp trên đều có lý do của nó, cho dù lý do nào, bạo lực không nên có khi xã hội ngày một văn minh. Ngay cả xứ sở cờ hoa, cảnh sát đã bạo lực đối với người dân da màu do óc kỳ thị, đây không phải chính sách của toà Bạch ốc hay Lầu Năm góc. Nhưng bạo lực như thế, một phần do phạm nhân da màu không hành xử theo đúng luật lệ sở tại để những kẻ có roi điện lạm dụng trả thù. Một lời hăm doạ của Hồ Quang Phương, du sinh tại Mỹ, tưởng chừng vô hại, nhưng luật pháp Hoa kỳ không cho phép tồn tại trong xã hội đó. Cộng đồng Việt kiều phản đối thái độ bạo lực của cảnh sát Mỹ là đúng và thể hiện được tình đồng hương trên đất khách. Buồn cho thân phận người Việt có mặt khắp các quốc gia, phần lớn thành phần lao động đã bị ngược đãi xem thường, một số rất ít trí thức khoa học người Việt được các nước sở tại được trọng dụng kính nể. Chính quyền Việt Nam cũng phản đối một du sinh Hồ Quang Phuơng bị bạo hành, phải chi những nạn nhân lao động khác, nhất là ngư phủ bị sát hại ngay trên lãnh hải của mình mà được nhà nước lên tiếng bảo vệ như thế thì người dân bớt phần khốn đốn. Nhà nước cũng đã mạnh dạn phản đối Indonesia về luật biển nhằm đe dọa sinh mạng ngư dân ta.Như vậy, bạo hành, nơi nào cũng có, nó thể hiện trình độ của người hành xử, chỉ khác là bạo hành tự phát hay có chủ trương. Những người có quyền lực, cứ nghĩ các đế quốc hùng mạnh nhất thế giới còn đánh được, hà huống những nhóm người không có tấc sắt trong tay! Đành là vậy, nhưng di chứng ung thư làm sao mà chữa?

Bứng khỏi Bát Nhã những tu sinh Làng Mai cũng trầy trật sau hơn một năm, khi mà Đức Nghi dùng hung khí đe dọa đánh đập không thành công, thầy trò họ Đồng trở thành kẻ phụ hoạ cho chiến dịch ngày 29/9/09. Trò họ Đồng mở tiệc ăn mừng trong khi sư phụ ruột gan não nuột như tương Tàu, biết mình đã sai lầm làm chốt thí để thân bại danh liệt. Chính sách giải tán Làng Mai tại Việt Nam đã thành công một nửa, một số phụ huynh đã đem con em về, nhưng số còn lại vẫn bám trụ, vì không có thầy tổ, chùa tổ để về. Một tổ đình ở tận bên Pháp, một thầy tổ gọi là sư phụ đã bán đứng bầy con, các chùa khác không được phép bảo lãnh…Nhà nước, Làng Mai đều lúng túng trước vấn đề số phận cho những tu sinh non trẻ. Đưa vào trại mồ côi? Đưa vào trại tâm thần? đưa ra côn đảo? đưa lên trại tập trung lao động hay đưa trở lại phần đất tại Bát Nhã do làng Mai tạo mãi mà Đức Nghi đứng tên? Thật ra không có gì khó xử nếu chấp nhận họ là những người có quyền công dân, họ không vi phạm luật pháp, họ chọn một lý tưởng tốt mà luật pháp Việt Nam cho phép thì tại sao họ không có chốn dung thân trên quê hương của họ, trong khi những tên da đen xứ lạ đang cư trú trong Thành phố lớn, từng cướp giựt, sống bằng mại dâm, không giấy tùy thân mà nhà nước vẫn cho họ cư trú?

Đã có người đề nghị dùng giải pháp Nhành Cây Lạ để hoá giải, nhà nước vẫn quản lý được mọi sinh hoạt của số tu sĩ kia, Giáo hội vẫn kiểm soát được Tăng sĩ của mình, xã hội được có thêm những tinh hoa làm men giống cho dân tộc, quần chúng có điểm tựa tâm linh, thế mà, sự việc tưởng chừng dễ lại hoá khó, Bột ngọt Vedan bị truy tố tội thải nước ô nhiễm môi trường, tưởng là đang khó xử , hoá ra dễ khi được vinh tặng ba giải thưởng Top trong 100 giải về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xã hội ta có nhiều chuyện tréo ngoe, người dân không biết đâu mà mò.

Cái khó hiện nay của vụ án Bát Nhã, tự nhà nước đưa mình vào thế khó xử sau khi đã sai lầm trong cách hành xử, tiếp đến là chối bai bãi mọi trách nhiệm, rồi cho báo chí tuyên truyền xuyên tạc vu khống mà đáng ra nên im lặng. Nếu nội bộ Bát Nhã thì nhà nước mở chiến dịch truyền thông như thế để làm gì? Càng chống chế, càng bộc lộ thế yếu của một nhà nước trước một cá nhân như TS Nhất Hạnh, chả lẽ cá nhân một Việt kiều lưu vong có thể làm khuynh đảo một thể chế? Một bộ mặt lớn như TS Nhất Hạnh được thế giới ngưỡng mộ mà cố tình bôi nhọ là việc thiếu khôn ngoan, quốc gia nào có một người dân làm rạng danh cho dân tộc, hãnh diện cho một quốc gia mà mình lại muốn dìm xuống bùn đen. Cá nhân TS Nhất Hạnh không quan trọng, nhưng quan trọng là sự thành đạt của một người Việt Nam trên đất khách, làm thầy của những chính khách quốc tế và là một lãnh tụ tinh thần của Phật giáo mà Phật giáo Việt Nam nên hãnh diện. Thế nhưng, rất tiếc, của quý không biết xài! Thế giới chê cười cho một Việt Nam từng nhận có 4.000 năm văn hiến là vậy! Dĩ nhiên sự sai lầm nầy do nhân sự cấp dưới bộ làm không đúng, nhà nước phải lãnh đủ, con dại cái mang đã đành, còn tâm tư tình cảm của 80 triệu dân trước những tan thương niềm tin thì sao??? Trong nước đã thế, ngoài nước, một nhân sĩ trí thức như Trần Chung Ngọc lại tiếp tay đổ dầu vào lửa, bôi nhớt lên khuôn mặt mang tầm Phật giáo quốc tế mà cứ ngỡ là bôi trơn chế độ, thật ngỡ ngàng cho giới trí thức và quần chúng Phật tử từ lâu tôn sùng Trần Chung Ngọc là thần tượng sau Charlie Nguyễn! châm thêm một ngòi nổ vô hình làm hoang mang quần chúng và tan nát niềm tin trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam, đã đến lúc đời người đổi trắng thay đen nhanh thế sao! Quyền lực và bạo lực có thể làm được tất cả nhưng khó có thể khuất phục nhân tâm nếu thiếu chính nghĩa, chính nghĩa không thể là hệ quả tất yếu hướng dư luận về một chiều.Khâm sứ hay đâu đó của Kitô giáo gặp khó, cả thế giới kitô giáo đoàn kết la ó, ngược lại những tu sinh trẻ bị giải quyết không thấu đáo, thì người của Phật giáo lại tiếp tay phân hoá nội tình, như thế mới thấy hai tôn giáo có hai trình độ, hai tổ chức quá cách biệt

Hơn 30 năm thống nhất tổ quốc, công trạng nầy được trọn vẹn và thế giới ngưỡng mộ nếu không có những trại tù cải tạo, không có những cuộc di dân thế kỷ, không đánh tư sản mại bản và hoà hợp hoà giải thật sự, thì dân tộc ta, đất nước ta không thua Nhật Bản sau khi bị tàn phá bởi Hiroshima và Nagasaki. Xã hội Việt Nam ngày nay, đô thị phát triển, cuộc sống người dân khá hơn, nhưng vẫn thua xa các nước trong khu vực. Các công trình đồ sộ đều bị rút ruột khác nào một ông phổng nhẹ như phao! phồn hoa giả tạo vì người dân vẫn chạy ăn hằng ngày, con em bị thất học, quần chúng không ổn định cuộc sống, tuổi trẻ mất phương hướng sống xô bồ đua đòi, và đạo đức xã hội, đạo đức tâm linh không có chân đứng, đồng tiền khuynh loát từ cơ quan, tôn giáo ra đến ngõ ngách; nền tảng gia đình bị biến dạng, mái tóc tuổi trẻ bị đổi màu theo xu thế thời trang hợm hỉnh.Nền giáo dục Việt Nam đang lên xuống theo cơn thủy triều…

Nhà nước cố gắng đưa quốc gia vào quỹ đạo hưng thịnh, phát triển uy tín trên thế giới, nhưng một bộ phận cán bộ đã đi lệch hướng làm con thuyền quốc gia chông chênh. Chuyện đoàn kết và hoà hợp dân tộc với khúc ruột ngàn dậm đang còn dang dở thì vụ án Bát Nhã đã làm mất niềm tin sâu xa với mọi người.

Sau cuộc chiến, cảnh vật tan hoang, đổ nát, còn có thể xây dựng lại, vì con chim lạc bầy còn có thể hót trên nhánh cây sống sót; lòng người vỡ vụn thì lấy gì xâu kết. Vụ án Bát nhã, cảnh hoang phế vẫn chưa được hàn gắn, mọi tàn tích còn nguyên trạng trong cộng đồng Phật giáo. Họ có cảm tưởng cuộc sống không còn chính nghĩa, tất cả ngoài tầm tay. Một bài học sau ngày thống nhất đất nước vẫn còn đó, một bài học cho vụ án Bát Nhã ngỡ chừng nhỏ bé như Khâm thiên; Tam Toà vẫn chưa phai, mong rằng sẽ không xẩy ra những bất toàn trên đất nước đang trong thời hội nhập. Cá nhân có sĩ diện cá nhân, quốc gia có sĩ diện quốc gia, khi hành xử, phải nghĩ đến sĩ diện đó mà đừng vì lòng tham hay tự ái mà tội nghiệp cho dân tộc, và cũng đừng tạo thêm cớ cho những ai muốn phá hoại sự bình an của đất nước, có lý do để họ hô hào.
Vụ án Bát Nhã đã kết nối nhiều thành phần gọi là hiệp thông, nhưng trong nội tình Phật giáo có sự phân hoá trầm trọng, tuy một số không đồng tình với TS Nhất Hạnh nhưng không ai vui vẻ nhìn con em mình bị khủng bố thê lương, bị đánh đuổi giữa mưa bão đói rét. Quần chúng trong mọi thành phần của xã hội cũng bất nhẫn trước tai nạn vô lý đối với những bậc chân tu. Bầy chim non đó không muốn xa đàn, đành chấp nhận phong ba bảo tố.

Dư luận thế giới về vụ án Bát Nhã rồi cũng sẽ quên đi, vết hoen ố của bạo lực cũng sẽ qua đi, tập quán thiếu văn hoá cũng sẽ quen đi, nhưng tình người, lương tâm sẽ còn ray rứt mãi, lịch sử sẽ khó bỏ qua những sai lầm trầm trọng. Thể hiện một thiện chí để cải thiện cũng không quá khó nhưng khó là tạo được cái nhìn thiện cảm của con người với con người để chung sức xây dựng quê hương có niềm tin chính nghĩa. Tình trạng tu sĩ Bát Nhã không thể tiếp tục để lững lờ như thế hầu mong cứt trâu để lâu hoá bùn, vì số tu sĩ kia còn bất an thì quần chúng Phật tử liên hệ không thể yên tâm làm ăn, một bộ phận quần chúng chưa an thì xã hội làm sao phát triển. Vua chúa thời phong kiến còn biết thương dân như con đỏ mới giữ vững cơ nghiệp, cơ chế dân chủ ngày nay được tiếp thu văn minh chả lẽ xem thường lòng dân. Người lãnh đạo đất nước luôn nghĩ đến an nguy tổ quốc, phát triển xã hội đoàn kết lòng người chứ không chỉ duy trì vị thế của riêng ta. Sau thời gian dài đổi mới, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, để bắt kịp với cộng đồng thế giới, chúng ta cần cố gắng nhiều hơn, tránh những tai tiếng không cần thiết như thế.

Tiếng chim hót trong buổi bình minh hay lạc bầy trước lúc hoàng hôn cũng tạo một chút nao lòng, huống nữa lời khát vọng của người dân chả lẽ không đủ đánh động lương tri của người có trách nhiệm? Bát Nhã vẫn là niềm đau của đất nước!

MINH MẪN
30/10/09

1 nhận xét: