Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009
LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG DỰ ÁN KHU DU LỊCH TÂM LINH - QUY NHƠN
8 GIỜ NGÀY 29/8/09, Tức 10/7 Kỷ Sửu, tại Xã Cát Tiên, huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định, đã diễn ra lễ động thổ khởi công xây dựng dự án Khu Quần Thể Du Lịch –Lịch Sử - Tâm Linh, do UBND Tỉnh Bình Định hợp tác với Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam thực hiện.
Bình Định nổi tiếng võ nghệ một thời từng sản sanh ra anh hùng áo vải Tây Sơn, Hoàng Đế Quang Trung, Nguyễn Huệ; Vùng đất từng có những trang sử chống ngoại xâm oai hùng. Nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng gợi cho mọi người quan tâm tới Quy Nhơn. Tuy đất đai khô khan cằn cổi, nhưng con người Bình Định bất khuất can cường. So với cả nước, Bình Định không trơ vơ như Phan Rang, nhưng cũng không màu mỡ như các tỉnh phía Nam. Một thời mà cả nước tranh đua phát triển về cơ sở hạ tầng, kinh tế doanh thương, thì Bình Định cố góp mặt với đất nước chiếc cầu Thị Nại, vượt biển dài, tính từ mép đôi bờ, nếu kể luôn hai nhịp đầu cầu, phải gần 7km; chưa tỉnh thành nào có được. Cuộc sống dân cư chưa khá lắm.Công ty xí nghiệp phần lớn khai thác, biến chế lâm sản; Công nghiệp thương mại; xuất nhập khẩu; dịch vụ hải cảng; nuôi và khai thác thuỷ hải sản; cùng du lịch. Hướng Đông là biển lấn vào, hướng Tây thì núi đẩy ra, vùng đất cát, vàng vọt, cũng chắt chiu nuôi những người con quê hương lây lất sống qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, quê hương đó ngày nay cũng từng có những nhân tài tha phương lập nghiệp. Cũng có những bác sĩ, kỷ sư, chuyên viên các ngành nghề trong và ngoài nước.
Từ độ cao nhìn xuống, Quy Nhơn chỉ là nhóm nhỏ nhà cửa nằm lẽ loi bìa dãy Trường Sơn, như bị núi rừng nuốt chửng bởi màu xanh bạt ngàn.
Quy Nhơn được nâng lên cấp Thành Phố, từ quyết định ký ngày 03/7/1986. cấu trúc đô thị tương đối đồng bộ. Đời sống tại phố chợ tuy nhộn nhịp nhưng không dấu được vẻ trầm lắng. Ra khỏi cái nhộn nhịp phố phường thì nhà cửa dân chúng vẫn còn đơn sơ, cuộc sống quá đạm bạc. Tổng diện tích TP là 284,28km2; có 16 phường.Dân số trên dưới 300 ngàn người. Nằm phía Đông Nam của tỉnh Bình Định.
Quy Nhơn hình thành trên 400 năm, phát triển với văn hoá Champa thế kỷ 11; vào triều đại Tây Sơn và cảng Thị Nại vào thế kỷ 18. Thị xã Quy Nhơn được thành lập vào ngày 20/10/1898 do vua Thành Thái ban chỉ dụ.
Quy Nhơn là một trong ba Thành phố sầm uất của miền Trung Việt Nam: Đà Nẵng – Nha Trang – Quy Nhơn; trong tương lai, Quy Nhơn cố phấn đấu để là một đô thị trực thuộc trung ương
Những năm gần đây, các địa phương được các đại gia đua nhau phát triển khu du lịch Tâm linh, phía Bắc có Bái Đính, phía Nam có Đại Nam là những tầm cở mà những nhà đầu tư có tham vọng sẽ làm một kỳ tích của Đông Nam Châu Á. Tuy là vậy, nhưng chưa có công trình nào hoàn chỉnh, đạt kết quả mong muốn như khu Du Lịch Suối Tiên, vừa là vui chơi giải trí, vừa mang tính giáo dục đạo đức Tâm linh và xã hội, chỉ là tầm cở quốc gia!
*
* *
Vùng đất mà UBND Tỉnh Bình Định và Ngân Hàng Đầu Tư – Phát Triển Việt Nam chọn khai thác, lại là gần biển và núi, một ngôi chùa cổ nổi tiếng có tuổi hơn 300 năm. Vào năm thứ 23 đời vua Lê, niên hiệu Chính Hoà ( 1702) nhà sư tên Mộc Y Sơn Ông, tu tại hang núi nơi đây. Mỗi khi dân chúng vướng phải dịch bệnh, ông tự xuống núi chữa trị mà không nhận bất cứ thù lao nào. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 1733 đã xây lại chùa, tặng chùa với danh hiệu là Linh Phong Thiền Tự hay còn gọi là chùa ông Núi; sau đó, năm Tân Dậu, 1741, chúa Nguyễn triệu thỉnh Sơn Ông về kinh vấn đạo.
Trong cuộc giao tranh giữa nhà Nguyễn và quân Tây Sơn, chùa đổ nát, Sơn Ông viên tịch. Năm 1785, đạo chúng xây tháp thờ Ngài. Trong thời chiến Pháp - Mỹ, một lần nữa chùa thành bình địa, chỉ trơ vơ cổng Tam quan. Sau hoà bình, chùa từng bước tái tạo, nhưng không còn giữ được nét cổ kính như xưa. Năm 1994, Bộ Thông Tin Văn Hóa công nhận chùa là Di Tích Lịch Sử quốc gia, ngoài tên tuổi trên ba thế kỷ, chùa còn là nơi lực lượng Cách Mạng nương náu.
Hàng năm, ngày giỗ tổ tháng giêng, quần chúng hàng ngàn người tấp nập lũ lượt kéo nhau lên lễ Phật, biến thành lễ hội thường niên như lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Chính vì truyền thống tín ngưỡng sâu đậm đó,Tỉnh và Ngân Hàng Đầu Tư – Phát Triển Việt Nam đã chọn nơi nghèo khó làm điểm du lịch, vừa phát triển kinh tế, vừa phục vụ Tâm linh mà từ lâu, Bình Định chưa là điểm thu hút khách du lịch đúng với tầm vóc.
Chúng minh buổi lễ có chư tôn đức giáo phẩm Trung Ương Giáo Hội, và BTS PG Tỉnh Bình Định, tham gia của các viên chức địa phương và TW. Các nhân sĩ, quan chức khắp tỉnh thành trong nước được mời tham dự; Ban Kinh Sư Vĩnh Nghiêm cũng phụ trách nghi bái thỉnh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Ngàn), cáo Sơn Thần Thổ Địa…Đại Đàn chẩn tế do PG Tỉnh Bình Định đảm trách.
Ngân hàng Đầu Tư- Phát Triển Việt Nam cũng chu cấp hàng trăm phần quà cho đồng bào nghèo tại địa phương.
Dự án khu du lịch rộng hàng chục hecta, công trình gồm 4 hạng mục: Quảng Trường Pháp Luân, Đường hành lễ, Tượng Đức Phật Bổn sư, và vườn tượng Phật như Bái Đính. Theo dự án, Tượng Bổn sư sẽ là một kỳ tích đứng đầu Đông Nam Á châu.
Không phải tự dưng mà các Đại gia chú hướng vào các khu du lịch Tâm Linh, bởi lẽ, các điểm thuần tuý du lịch hiện nay không có gì hấp dẫn ngoài các trò chơi cho trẻ con, hoặc giả các casino không phải ai cũng có tiền để vào mà phần lớn quần chúng Việt Nam không có máu đen đỏ. Ngược lại, thiên hướng Tâm Linh hiện nay rộ nở trên khắp vùng châu Á cũng như một số châu lục, đây là lúc cần đầu tư, vừa mang tính kinh tế, vừa lưu truyền và xây dựng đạo đức tâm linh để xã hội không lâm vào khủng hoảng Tâm linh như các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến nay.
Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện các nhà Tài trợ, cùng với ông chủ tịch UBND Tỉnh Bình Định đồng tổ chức cuộc động thổ khởi công dự án nầy. Những ngày nầy, các khách sạn lớn như Sài Gòn, Hải Âu, Thanh Bình, Hoàng Yến… đều đông nghẹt khách mời khắp nơi. Theo dự án sẽ hoàn tất trong ba năm, nếu ba năm song suốt, Quy Nhơn sẽ xuất hiện một resort du lịch Tâm linh, sẽ thu hút rất nhiều giới trong và ngoài nước đến tham quan, liệu Quy Nhơn sẽ nổi trội hơn Bãi Bụt, Bà Nà và lễ hội Quan Thế Âm của Đà Nẵng với lượng người về tham dự???
MINH MẪN
29/8/09
Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009
LỄ TẠ PHÁP TẠI TRƯỜNG HẠ TỔ ĐÌNH VĨNH NGHIÊM – TP HCM
SÁNG 27/8/09, Ban Chức sự Trường Hạ Tổ Đình Vĩnh Nghiêm đã trang trọng tổ chức lễ Tạ Pháp với sự chứng minh của HT T. Hiển Pháp. Phó Pháp chủ kiêm Phó chủ tịch HĐCM GNPGVN; HT T. Đức Nghiệp, Phó chánh Thư Ký TW GHPGVN kiêm Trưởng Ban Quản Trị Tổ Đình Vĩnh Nghiêm, đồng thời là Thiền chủ Trường Hạ Vĩnh Nghiêm. Chư tôn Đức trong HĐTS trung ương GH và Thành Hội PG TP HCM. Các BĐD quận huyện PG nội ngoại thành PG TP HCM; Chư Tôn Đức Ni, BGĐ Ngân Hàng TMCP SG, Cty vận tải Phương Trang, Đại diện BTG TP, chính quyền quận 3, các mạnh thường quân và Phật tử khắp nơi, đồng tham dự.
Qua thủ tục hành chánh, các thành phần tham dự được giới thiệu; HT thiền chủ T.Đức Nghiệp đã mở lời tán dương chư Tôn Đức, chào mừng các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho khóa an cư được viên mãn, chư Phật tử và mạnh thường quân đã liên tục hỗ trợ cho chư tăng qua ba tháng an cư. Tuy ngắn gọn nhưng đầy suc tích, đã thay lời khai mạc buổi lễ Tạ Pháp.
Đoàn nữ Phật tử tu viện Quán thế Âm, Phú Nhuận dâng hoa chào mừng chư tôn Đức, trước khi ĐĐ T. Giác Hiệp, phó Duy Na trường hương, báo cáo sinh hoạt của trường hạ, đã nêu được những ưu và khuyết trong chúng hành giả. Mặt ưu điểm, các hành giả đã được truyền thụ các bộ: Kinh Chuyển Pháp Luân, Thiền Lâm Bảo huấn, Thiền học, Luận Câu Xá, Nhị khóa Hiệp Giải, Kinh Pháp Hoa mà những Trường Hương khác chưa có.Điểm nổi bậc khác đạt được, bởi lẽ ngoài Tổ Đình Vĩnh Nghiêm là Trường hạ mẫu trong TP, Vĩnh Nghiêm còn là trung tâm văn hóa PG tại TP, vì thế Trường hạ đã hân hạnh được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến viếng và trồng cây Bồ Đề vào ngày 15/8/09. Trường Hạ còn tiếp đoàn Giáo sư và Nghiên cứu sinh thuộc chủng viện Thần học Liên Hiệp (United Theologycal Seminary),Dayton, Ohio, Hoa Kỳ, đến thăm viếng.
Một điểm khác, Trường Hạ do ĐĐ T. Thanh Phong điều hành tổ chức đại lễ kỳ siêu mang tầm vóc quốc gia tại Phú Quốc, Khe Sanh…được chư tôn giáo phẩm và các cấp chính quyền tham dự.
Do điều hành pháp sự quá nhiều, các hành giả đã mất thời gian cho việc tu học mà ba tháng đòi hỏi phải thúc liễm thân tâm, môt số ít hành giả không tránh khỏi những chểnh mãn.
Về tổ chức sinh hoạt, trường Hạ cũng có các khóa tu học cho Phật tử như Gia Đình Phật Tử, đoàn A Dật Đa, và Ban Thọ Bát Quan Trai.
Trường Hạ cũng dành một khoản tiền không nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong quần chúng.
Tuy nhiên, nhu cầu Phật sự ngoài nước cho các Phật tử Hải ngoại cũng là điều cấp thiết, Trường Hạ đã cung cử chư tăng sang các nước như Hungary, Ba Lan.Đức, CH Sec để tổ chức Vu Lan cho quần chúng Việt Kiều nhớ lại cội nguồn, ấm lòng người tha phương.
Tuy 9 tuần cho hơn 100 chúng Tăng an cư theo truyền thống Phật Giáo Bắc truyền, kể từ sau Đại lễ Phật Đản đến Vu Lan, Trường Hạ Vĩnh Nghiêm đã hoàn thành một khối lượng Pháp sự không nhỏ.
HT T. Thiện Nhơn, đại lao cho chư tôn giáo phẩm, ban đạo từ cho hội chúng thật uyên áo và trôi chảy, sau khi chư Tăng hành giả đọc lời khánh tuế và tri ân chư tôn.
Để kết thúc lễ, đoàn Phật tử tung hoa theo điệu nhạc do ca sĩ Phật tử Hiếu Ngọc hát cúng dường. Chư Tăng và Phật tử trong Ban hộ trì Tam Bảo lần lượt dâng Pháp y và tịnh tài lên chư tôn túc và quan khách.
Tuy lễ tạ pháp là thủ tục hành chánh của bất cứ trường hạ nào mà gần 2600 năm qua, vẫn duy trì, Bắc truyền cũng như Nam truyền PG, với sự chuyên tu giới đức trong mùa an cư , Trường hạ Tổ Đình Vĩnh Nghiêm vừa mang sắc thái truyền thống tín ngưỡng, vừa thể hiện tính tương quan xã hội và trách nhiệm của Tăng sĩ đối với đất nước.
Nếu tất cả các trường Hạ trong nước đều thực hiện việc làm công ích ngoài chương trình tu tập, có lẽ Phật giáo sẽ gần gủi với quần chúng như từng gần gủi trong thời Lý Trần. Hy vọng Trường Hạ đã làm được như thế, thì thời gian 9 tháng còn lại trong năm, Vĩnh Nghiêm cũng như chư Tăng khắp chốn Già Lam sẽ phát triển hơn nữa trong công cuộc Hoằng pháp lợi sanh cũng như Lợi sanh để Hoằng Pháp khi mà đất nước đang cần đến Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
TT Tọa chủ Tổ Đình Vĩnh Nghiêm, T. Thanh Phong đã kết thuúc chương trình bằng lời cảm tạ khá súc tích. Lễ tạ pháp tại Trường hạ Vĩnh Nghiêm không chỉ là thủ tục Phật giáo, mà còn mang ý nghĩa hàm ân sinh loại và dân tộc qua mùa an cư.
MINH MẪN
27/8/09
Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009
BỐ DƯỢNG
Thu Thủy cầm những tờ giấy bạc mới ken, chàng thanh niên lịch sự đưa cho nàng, gọi là phụ giúp gia cảnh khó khăn, nàng ngần ngại nhưng rồi cũng phải nhận trước sự nài ép của anh ta.
Công viên buổi trưa thật trống vắng, chàng thanh niên nghe rõ tiếng thở dài của Thu Thủy; Tuy mới gặp nhau vài lần, chàng ta tỏ ra ân cần sốt sắng; phong cách, ngôn từ và hành động toát hiện vẻ chân thật làm cho Thu Thủy an tâm hơn. Mạ từng dặn con gái – không nên tin ai nếu không biết rõ về họ. Cái xã hội muôn mặt, xô bồ, làm thân gái phải biết cảnh giác.
Chả hiểu tại sao chàng ta chiếm cảm tình Thu Thủy nhanh thế. Các anh huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử của Thuỷ, cũng như các đơn vị bạn từng giao lưu họp trại, cũng lắm chàng trai khôi ngô chất phác, Thu Thủy chưa hề đặt tình cảm với ai. Thu Thủy cũng không có thời giờ để mà nghĩ đến việc ấy. Năm cuối cấp ba phổ thông, liệu mình có thi đậu tốt nghiệp, phải chọn đại học nào cho thích hợp với khả năng và kinh tế gia đình; Bố dượng nằm liệt ba năm nay, mạ phải tảo tần gánh bánh bèo ra chợ Đông Ba mỗi sáng sớm. Việc trong nhà, Thu Thuỷ một tay giúp mạ, hai em còn bé phải nghỉ học, dồn cho chị.
-Hôm nay em phải tập bài Thánh ca mới để đón chào mùa Phục sinh nhé, chàng trai nói.
Thu Thủy phân vân chưa biết tinh thế nào: Em bận quá anh à, chương trình cuối học kỳ nặng lắm, bố dượng một tay em chăm sóc thay mạ, và còn bao nhiêu việc khác nữa…
- Còn đi sinh hoạt GĐPT chứ gì? Anh đã bảo em, những cái đó không có lợi gì cho linh hồn em; cái đoàn thể em đang theo, tôn giáo em đang thờ, họ giúp được gì cho gia cảnh em ? Anh có thể bảo đảm tương lai cho em và cho những đứa bé còn lại.
Thuỷ như bị đánh trúng yếu điểm, cán cân đang nghiêng hẳn về những lời bảo kê; Trong giây lát, Thuỷ chợt nghĩ đến giáo lý mà bao năm các anh chị huynh trưởng hướng dẫn, thầy cố vấn giáo hạnh giải toả bao thắc mắc về kiếp người, về Nhân quả nghiệp báo; nhờ những giáo lý đó mà Thủy vui vẻ chấp nhận mọi khó nhọc để lo cho bố dượng.
*
* *
Khi ba của Thủy mất vì tai nạn giao thông, để lại cho mạ con Thuỷ một tài sản khá lớn, mạ không phải buôn tảo bán tần như ngày nay, một hôm, mạ mời bà con giòng họ đến góp ý để làm kỵ giỗ cho ba, đồng thời tạ ơn xóm giềng bao năm giúp đỡ mạ goá con côi của Thủy. Bạn của mạ góp lời: cô còn trẻ, không thể một thân nuôi dạy con cái, vả lại nhà phải có nóc, mái ấm phải có đàn ông, tôi giới thiệu cho cô một người rất có nhân cách, chí thú làm ăn…
Những tháng ngày vào ra lẻ loi, nhìn bàn thờ chồng cảm thấy có cái gì thiếu vắng. Việc nhà và đưa đón con đi học đều do gia nhân lo liệu. Mạ Thủy ngồi sòng bài Tứ sắc từ tối đến sáng để giết thời gian, có lúc đêm không về nhà. Người đàn ông chung sòng lại là người mà bà bạn giới thiệu.
- Bà bảo là người đàn ông có nhân cách, chí thú làm ăn mà lại ngồi sòng với mình suốt ngày thì làm ăn cái gì? Đồng ý ông ta ít nói và đỉnh đạc.
- Cô không biết đó thôi, tôi mời ông ta tham dự để làm quen với cô và cho cô nhận xét ông ta đấy. Bà bạn phân trần.
Lễ ra mắt bà con thật đơn giản, ông ta bảo – không nên hoang phí, để giành tiền mà làm ăn. Mạ Thuỷ đồng ý, nói với Thu Thủy: Con thấy đó, người ta biết tằn tiện như vậy là đúng. Thủy bướng bỉnh cải: Nhưng mạ có hỏi ý kiến chúng con khi đem ông ta vào nhà mình?
Con là con chứ có phải là mạ của mạ đâu mà phải có sự chấp nhận của con! mạ Thủy nạt. Thủy úp mặt vào gối khóc rấm rức. Thủy nghĩ, ừ thôi cũng được, hãy để mạ được hạnh phúc, mình có sống mãi trong nhà nầy đâu. Vả lại, mình là Phật tử, sao lại ích kỷ hẹp hòi vậy, phải biết hy sinh cho người khác huống nữa là mạ mình…
Bố dượng và mạ mở một công ty TNHH dịch vụ đầu tư, tham gia chứng khoán thị trường, những năm đầu làm ăn suôn sẻ; Đến khi các cổ đông đánh hơi được kinh tế biến động ở hải ngoại, họ thu hồi vốn, sàn giao dịch cũng bắt đầu tuột dốc, địa ốc khựng lại; một số đối tác hủy hợp đồng, tiền cho vay không thu hồi được. Nợ ngân hàng không thanh toán kịp, tài sản bị thanh lý. Gia cảnh Thu Thủy lâm vào bế tắt. Bán dần đồ đạc, thay nhà mặt tiền gần cầu Tràng Tiền để rút vào hẽm Đá Bạc.
Kẻ xấu mồm nói với Thuỷ: Do mạ con ở với người không hạp mạng nên làm ăn sa sút, không thì cũng tản mạn. Nhưng Thủy không nghĩ thế, có lẽ bố dượng bòn rút tài sản của nhà mình để hưởng thụ; Ngày nào mạ và bố dượng cũng đến tối mới về, không gặp mặt con, không có thời giờ tâm sự với con; làm ăn tất bật như thế sao lại sa sút thảm hại được. Đến khi không còn khả năng mướn người giúp việc, Thủy phải quán xuyến mọi việc. Mạ bảo Thuỷ nghĩ học, nhưng bố dượng không đồng ý, thế là mạ phải làm bánh bèo gánh ra chợ. Bố dượng suốt ngày lê la ngoài phố.
- Sao bố không ở nhà phụ giúp mẹ một tay mà cứ long nhong vậy? Thủy than phiền với mẹ.
- Con không biết đó thôi, bố con đi tìm việc làm chứ có phải đi chơi đâu! Mạ đáp.
- Việc làm gì mà con cứ thấy ngồi quán cà phê ngay chợ Đông Ba. mạ cứ bênh vực ông ta, Thủy cãi mạ.
- Nếu không làm thì tiền đâu lo cho con và hai em ăn học như người ta. Gánh bánh bèo không đủ tiền chợ mỗi ngày con à. Bố con thương các con lắm, không muốn các con thất học và thua kém bạn bè, tính ông ta ít nói vậy thôi.
Bố dượng của Thủy bị bao hàng quá nặng, ngã đè lên người, chấn thương cột sống khi khuân vác vào chợ. Thần kinh toạ bị đốt xương cùng lệch chèn, Mất sức lao động từ đó. Bảo hiểm lao động bồi thường số tiền đủ cho gia đình chi dụng vài tháng, không đủ để vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình Sài gòn điều trị. Bố dượng cũng không muốn sử dụng số tiền đó để chữa trị, để lại mạ Thuỷ lo cho con cái
*
* *
- Em liệu có khả năng lo cho gia đình em về lâu về dài, khi mà em chưa có việc làm? tiền đâu em tiếp tục đi học? chàng Thanh niên hỏi Thủy
Những chiếc lá vàng từ tán cây phượng bị gió lùa xuống ghế đá công viên, chỗ Thuỷ và chàng ngồi, làm cho Thủy chợt nhớ bài hát Mùa Thu Lá Bay, Tuy hoàn cảnh Thủy khác với Hàn Ni, không ngang trái tình cảm, nhưng gia cảnh thật ngang trái. Mùa Thu sắp qua, Năm học sắp đến, giờ nầy Thủy chưa có áo quần, sách vở. Nhìn mạ và gánh bánh bèo mà Thủy không dám xin tiền. Mạ Thủy cũng biết, nhưng đào đâu ra để cho con nhập học; Thuỷ xin đi tìm việc làm mùa nghỉ hè để phụ với mẹ, nhưng bố dượng ngăn cản. Bố dượng nhiều lần muốn gọi Thủy lại để vỗ về an ủi, nhưng có cái gì ngăn cách. Thủy tận tình lo cho bố để tròn bổn phận, chưa một lần Thủy cảm thấy một tình thiêng liêng gắn bó giữa hai người như từng gắn bó với ba ruột của mình.
Vu lan sắp về,Thủy chợt rùng mình, hình ảnh ba mạ ngày nào ngồi trên hàng ghế danh dự để cho Thuỷ cùng với đoàn sinh dâng quà, lạy tạ ba mẹ trong mùa Báo hiếu; Thủy hãnh diện được nhận cánh hoa màu hồng trên ngực áo lam; ba được thờ trong chùa, mỗi tuần sinh hoạt Thủy đều đến thắp nhang, tâm sự với ba. Từ ngày bố dượng ngã bệnh, Thủy không thường xuyên đi sinh hoạt, nhưng các anh chị vẫn đến thăm gia đình Thủy;
Mấy lần được chàng thanh niên hướng dẫn Thánh kinh, Thủy chưa cảm nhận được ơn Chúa. Vị Mục sư rao giảng cũng như dàn hợp xướng trong Hội Thánh, Thuỷ cũng chưa rung cảm như chưa từng cảm thông với bố dượng. Không thể, Thủy tự nhủ thầm, không thể thay đổi từ cuộc sống đến tâm linh khi mà mình chưa đủ ý thức tự chủ.
*
* *
Khác với đám ma của ba ruột, bố dượng nằm xuống mà Thủy và cả nhà không ai nhỏ được giọt nước mắt, mặc dù ai cũng thương xót cho người ra đi. Mạ Thủy bơ phờ rũ rượi sau những tháng năm chật vật. Thủy cũng hốc hác mệt mỏi. Bà con lối xóm ai cũng nhiệt tình phụ giúp. Tro cốt đưa vào chùa thờ chung với ba Thủy. Căn nhà trở lại vắng vẻ như ngày ba Thủy mới mất. Thủy thu dọn mọi vật dụng của bố dượng đem tẩy giặt; Một mãnh giấy và ít tiền rơi xuống từ áo gối, mạ Thủy nhặt lên đọc: Em, anh để dành số tiền trong sổ tiết kiệm để cho con ăn học; số tiền chơi hụi vẫn chưa hốt. Sổ nợ các cửa hàng vẫn còn thiếu công Lao động của anh, em hãy thu gom lo cuộc sống của mạ con. Em cố gắng cho Thủy hoàn tất Đại học; tiếp tục cho hai con đi học. Thủy ra trường sẽ giúp lại em nó.
Thủy con, mặc dù bố con mình chưa hề tâm sự với nhau, nhưng lúc nào bố cũng dành tình thương cho các con; Bố phải để mẹ con vất vả hầu các con thấy được giá trị của đồng tiền và công lao của mẹ cha; khi bố đi rồi, mạ con phải ở nhà lo cho các con, vì gánh bánh bèo không tương xứng với công khó nhọc của mạ con. Số tiền bố lao động cật lực để lại cho các con ăn học. đủ cho gia đình sống qua ngày đến khi con ra trường. Con rất ngoan vì con là một Phật tử; Nếu bố có làm điều gì Phật ý, các con nên tha thứ cho bố. Riêng bố, chưa hề tủi hổ lương tâm khi ý thức trách nhiệm và bổn phận với gia đình mạ con. Bố chưa hề hưởng thụ cho riêng mình; những lúc cả nhà hưởng thụ món ngon vật lạ do bàn tay lao động của bố, lúc đó bố tận hưởng niềm vui trọn vẹn. Bố rất biết ơn khi con tận tụy phục vụ những ngày bố nằm trên giường bệnh. Bố chúc gia đình hạnh phúc an lạc; Riêng con vẫn là một người con Phật ngoan hiền và vị tha. Bố chào mạ và các con…
Những giọt lệ lăn xuống áo gối, Thủy tấm tức khóc, không hiểu tại sao phải khóc, có một điều làm cho Thủy ân hận vì đã hiểu lầm bố dượng; Thủy bàn với mạ làm trai đàn, cúng trai tăng cho cả ba và bố nhân mùa Vu Lan.
*
* *
- Anh ạ, em xin gửi lại số tiền của anh đã giúp, vì bố dượng không còn nữa, em không phải lo. Mạ con em đủ sống rồi. Thủy nhìn thẳng vào mắt chàng trai và can đảm nói
Chàng ta kinh ngạc trước thái độ của Thủy: Em vẫn về Hội Thánh vào mỗi chúa nhật?
- Dạ, thưa anh, nếu rỗi, em sẽ đến.
Chàng cầm số tiền đi vòng công viên để tìm con chiên lạc khác. Thủy đạp xe vòng qua Đông ba, lên cầu về thẳng nhà mà lòng thanh thản chi lạ; Thủy thấy rõ lòng mình, không phải trúng đối tượng tình cảm như mình nghĩ mà chỉ cảm xúc trước nghĩa cử cao thượng của một chàng trai xa lạ.
*
* *
Thủy ủi thẳng nếp áo dài lam mà từ lâu xếp vào góc tủ, chiều lên chùa để trở lại với các anh chị em đoàn sinh thân thương, một lần nữa được hát bản Bông Hồng Cài Áo. được nhận cánh hoa vô thường màu tím, tri ân thêm một người cha mà công lao như một người cha ruột. Mạ và hai em đều tham dự lễ cài hoa; Thủy nhìn được gương mặt mẹ thanh thản hơn; Mọi gánh nặng được trút bỏ. Riêng Thủy, gánh nặng không phải là cuộc sống vật chất, mà là mặc cảm tội lỗi với tổ tiên, với chư Phật, với anh chị em GĐPT và với ba mạ mình khi nhận số tiền để đánh đổi niềm tin.
Trong sân chùa vang vọng: Một Bông Hồng cho anh, một Bông Hồng cho em, và một Bông Hồng cho những ai… cho những ai đang còn mẹ…
MINH MẪN
20/8/09
Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009
Alexandre de Rhodes
Một thời gian xôn xao về những nhân vật từng “cỏng rắn cắn gà nhà” hoặc “ “ áo chùng thâm che đậy mưu đồ xâm lược” đất nước ta, giờ đây, một lần nữa gợn sóng trên ngôn luận xã hội.
Tạp chí Văn nghệ số 69 bộ mới ngày 02/7/09; tạp chí Văn Hoá Phật Giáo, số 86, Tuổi trẻ online ngày 29/6/09 cũng như một số báo giấy, báo điện tử trong và ngoài nước rộ lên những phản hồi về vụ ông Phạm văn Hạng đã hoàn thành tượng Đắc Lộ nặng 43 tấn, bằng đá hoa cương trắng, để tại Thủ Dầu Một, nguyện hiến tặng Hà nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Lịch sự, chính quyền Hà Nội phúc đáp bằng văn thư, hứa sẽ cho đoàn vào thẩm định giá trị tác phẩm điêu khắc.
Nếu chỉ thuần hiến tặng thì chả có gì để nói, ý của tác giả nhấn mạnh là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nhưng, ai là con dân đất Việt đều biết, nhà nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là kỷ niệm tưởng nhớ công lao Đức Thánh Vương Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, sau đổi tên là Thăng Long để đế nghiệp và dân tộc được trường lưu. Không những đó là một quyết định chiến lược, địa lợi mà còn là nơi phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị trên vùng đất cao ráo, thông thoáng, không bị núi sông ngăn trở như Hoa Lư. Hoa Lư có địa thế giá trị của một quân thành nhờ núi non che chắn vào thời chiến, thì khi Lý Thái Tổ thống nhất đất nước, an cư lạc nghiệp cho bá dân, Đại La được chọn làm kinh thành là điều đắc địa.
Không những chiếu chỉ dời đô: Đầu năm 1010, vua Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, có đoạn: “Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ chầu, ở giữa nam, bắc, tây, đông, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng và bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật thịnh đạt, phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”. Mùa thu năm đó, vua cho dời đô từ Hoa Lư về và đổi gọi là Thăng Long.
(Theo Đại Việt sử kí toàn thư, tập I, Sđd, tr. 241)
Tuy là vua một nước của thể chế quân chủ phong kiến, nhưng vua biết lắng nghe ý kiến của quần thần và nhân dân khi nêu lên lý lẽ bất khả bác trong ý định dời đô:
Trong Chiếu dời đô do nhà vua tự viết để hỏi ý kiến quần thần, đã nói rõ việc dời đô là việc lớn không thể "theo ý riêng tự tiện chuyển dời", mà phải "tính kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo chí dân". Nhà vua chọn thành Ðại La với đủ các tiêu chí thủ đô của một quốc gia thống nhất và thịnh đạt “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Ðông, Tây, tiện hình thế sông núi trước sau", là "thắng địa" "muôn vật rất phồn thịnh mà phong phú", "là chỗ hội tụ của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”.
Sau khi ổn định đế đô, Đức Thánh Vương cũng đã chấn chỉnh tổ chức hệ thống hành chánh như: Đứng đầu nhà nước là nhà vua, nắm quyền chính trị, luật pháp quân sự, nghi lễ, đối ngoại, xây dựng giáo dục, kiến trúc…Dưới vua là các Tể tướng, đại Thần. Các cơ quan pháp lý, hành chánh gồm: sảnh, viện, đài…Hạ tầng cơ sở về nông nghiệp, điền địa, thuỷ lợi có các quan bố phòng trách nhiệm.
Về địa giới, vua tổ chức Lộ, phủ, huyện, châu, hương, xã. Toàn quốc có 24 Lộ.Mỗi địa phận đều có quan trông nom như quan Lộ, quan Phủ, quan huyện, quan xã. Khu vực Vương thành chia làm hai – khu của vua quan và phố phường của nhân dân do quan Lưu thủ quản lý. Các sứ quân dấy loạn đều bị dẹp sạch để thống nhất nước nhà, đem lại an cư thịnh vượng cho bá tánh.
Về quân sự, vua chia làm hai lực lượng: Cấm binh, bảo vệ an ninh khu nội thành của vua quan, Lộ binh trấn giữ bờ cỏi. luân phiên canh gác xóm làng và canh tác nông nghiệp. Lúc an bình là thế, nhưng khi loạn lạc, vua, quan, vương hầu, quý tộc và nhân dân đều có quyền tuyển mộ quân binh để hợp lực cùng vua chống giặc, giữ an quê nhà.
Về luật pháp, tuy chưa hình thành một bộ luật chi tiết, nhưng nhà vua cố gắng thành công xây dựng các cơ sở Xã hội, chính trị, tư tưởng, giáo dục. Chính sách nhân đạo do thấm nhuần tinh thần Phật giáo, đã giúp nhà vua dành được cảm tình của nhân dân, vì vậy, Ngài được xem là vị vua nhân hậu, đồng thời mở đầu cho các trều đại nhà Lý kế tục theo tinh thần thân dân kết hợp với tôn kính Phật Pháp, làm nền tảng vững bền cho triều đại kéo dài suốt 215 năm, về sau, đã hình thành bộ luật Hình thư rõ ràng để cai trị đất nước được công minh hơn.( đó là bộ luật đầu tiên cấu thành văn bản của dân tộc ta, bước đầu của ngành lập pháp, cai trị bằng pháp luật ). Nhà nước triều đại Lý đã kết hợp Pháp trị với đức trị, đem lại sự gắn bó giữa nhân dân và nhà nước phong kiến quân chủ lúc bấy giờ, mà được coi là quân chủ theo tinh thần dân tộc. tránh được tình trạng quân chủ quan liêu chuyên chế theo mô thức nho học, từng đem đến nhiều áp bức cho dân lành. Vua cũng biết tiếp nhận ý nguyện của dân, bằng cách tạo nhiều phiên trạm ngoài thành để lắng nghe tiếng chuông kêu oan của dân chúng.
Về chính trị, vua đã gả các công chúa, thứ phi, gia tỳ cho các tù trưởng những bộ tộc miền núi. để trấn thủ ngoại biên. Tinh thần nhân ái, thương dân, dang tay kết nạp mọi thành phần, chủng tộc đã giúp triều Lý ổn định giang san. Thánh vương Lý Thái tổ là tiên đế, mở đầu cho các đời vua kế tục một sách lược củng cố xã tắc vững bền bằng cách thu phục nhân tâm, do lòng từ bi của đạo Phật, xây dựng trên nền tảng thôn ấp làng xã.
Về xã hội và nông nghiệp, các triều đại nhà Lý đã chẩn bần bố thí, giảm thuế, khuyến nông. Lấy nông nghiệp làm căn bản “dĩ nông vi bản” nhà vua còn giữ thông lệ cày ruộng tịch điền làm gương cho dân; khai hoang lập ruộng. Phát triển thủ công, tạo lập thị tứ, giao thương biên giới, lưu thông tiền tệ. chương trình dẫn thuỷ nhập điền… đã củng cố một xã hội phát triển phồn thịnh.
Về văn hoá, giáo dục, triều Lý cũng đã quan tâm phát triển giáo dục, mở mang văn hoá. 1070 lập Văn miếu, 1075 mở khoa thi, 1076 thành lập Quốc Tử giám; khuyến khích con dân lai kinh ứng thí. Một thời đại mà xã hội phát triển mọi mặt, kiến thức, đạo đức, kinh tế, chính trị…chính vì thế mà lòng dân đoàn kết trên dưới một lòng đã đẩy lui nhiều cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Chưa có thời đại nào mà quốc gia Đại Việt được tôn trọng ngang hàng như một quốc gia độc lập có chủ quyền như các triều Lý. Là một Phật tử thuần thành, vua cho tu tạo chùa miếu, dùng đó làm cơ sở giáo dục quần chúng về văn hoá lẫn đạo đức.
Sau khi các triều đại nhà Lý phạt Tống bình Chiêm, các vua luôn giữ tình giao hảo bình đẳng với các lân bang, nhờ các quốc sư cố vấn giỏi, tạo uy thế cho Đại Việt trước mộng bá quyền phương Bắc; Tóm lại, mở đầu triều đại nhà Lý, Thánh vương Lý Thái Tổ đã biểu thị một phong cách lãnh đạo của đấng minh vương, giúp quốc gia phát triển vững mạnh về mọi mặt,sau khi thoát khỏi một ngàn năm nô lệ giặc Tàu. Kéo dài sự thanh bình an lạc cho nhân dân qua nhiều thập kỷ.
Với công đức khai sơn lập nghiệp như thế, nhân dân ta luôn tri ân tiền nhân là điều tất nhiên. Qua thời gian Pháp xâm thực đất nước, dưới hai chế độ Cộng Hoà, công đức to lớn của tiền nhân vẫn chưa được ghi nhận đúng mức ngoài những con đường nhỏ hẹp mang tên, nằm lẫn khuất đâu đó trong các Thành phố sầm uất. Thế nhưng, nhà nước đương vì, tuy mang tiếng vô Thần, nhưng biết dành một nơi tôn quý nhất tại thủ đô để tri ân tiền nhân vào dịp 1.000 năm dời đô về Thăng Long. Đó là việc làm đúng và đáng trân trọng.
Alexandre de Rhodes mà lịch sử xôn xao công và tội, nếu gọi là chữ quốc ngữ dưới dạng La Tinh do công của Đắc Lộ, điều này các nhà nghiên cứu như Bùi Kha đã phủ nhận một cách xác đáng; Ngoài cái công ảo hoá đó, Đắc Lộ làm được gì cho dân tộc như một Pasteur, một Yersin…? Nếu bảo Đắc Lộ là nhà văn hoá Tôn giáo thì ngôn ngữ khiếm nhã trong phép giảng tám ngày đòi chém thằng Thích Ca thì loại văn hoá gì? Một giáo sĩ đi truyền đạo luôn triệt tiêu văn hoá và tôn giáo của một dân tộc , thì đó là loại văn hoá tôn giáo gì?
Không những tại Việt Nam đã có một thời bài xích các cố đạo mà trước đó họ cũng đã nâng đỡ các các cố đạo, ngay cả Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ…cũng đã chống báng vì sự ngạo mạn của các giáo sĩ xem thường phong tục, tập quán, tín ngưỡng của bản địa, muốn áp đặt văn hoá Thần học để khống chế tinh thần quần chúng, biến con người thành một sinh vật chỉ biết vâng lời các chủ chăn mà không cần đến lý trí phán đoán đúng sai.
Hơn 5 lần Alexandre de Rhodes bị chúa đàng trong - đàng ngoài trục xuất, và cũng nhiều lần trốn trở lại Việt Nam hoạt động bất hợp pháp, chứng tỏ một nhân cách thiếu nghiêm túc và bất khả tín. Những tàng thư minh chứng cầu viện ngoại binh và giáo sĩ đến chiếm đoạt đất nước ta mà Đắc Lộ đã khẩn cầu Pháp hoàng Louis IV. Đắc Lộ cũng báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế, thương mãi, tôn giáo, chính trị, địa dư…của Việt Nam cho Pháp và các Giám mục của Giáo Hội Pháp. Hành động đó nếu không gọi là tình báo thì gọi là gì? Ý đồ chiếm đoạt một đất nước bằng quân sự và tình báo chả lẽ là có công với dân tộc Việt???
Hình ảnh một đấng minh Vương dầy công dựng nước như Lý Thái Tổ, một kẻ phạm tội với dân tộc Âu Lạc như Alexandre de Rhodes, chả lẽ tôn kính ngang nhau?
Ông Phạm Văn Hạng nghĩ gì khi đề nghị tặng tượng Đắc Lộ vào dịp kỷ niệm nhớ ơn tiền nhân của đất nước? Phải chăng đây là một sự biếm nhẽ khinh thường tổ tiên, hay là một thử thách trình độ nhận thức của các nhà lãnh đạo Hà Nội về lịch sử dân tộc?
Hình ảnh một Đắc Lộ được đưa lên báo giấy và báo điện tử, có đúng là thật ảnh của Đắc Lộ hay do tay nghề kém của tác giả mà biến tác phẩm điêu khắc thành một gương mặt quỷ??? Trên đầu Đắc Lộ tác giả vẽ mấy vần chữ ABC ý muốn nói Đắc Lộ là tổ khai sinh ra chữ quốc ngữ La Tinh hay ý muốn nói cái đầu đó chỉ là trình độ ABC??? Nếu cho đó là tổ khai sinh ra chữ quốc ngữ La Tinh, quả thật trình độ sử học của tác giả có vấn đề, cần học hỏi.
Và nếu tác giả chọn năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long để hiến tặng nhà nước Việt Nam bức tượng Đắc Lộ, đó là một sự sỉ nhục dân tộc Việt và xem thường nhà nước Việt Nam, ngành khoa học lịch sử Việt Nam.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, mọi người con dân đất Việt thể hiện sự tôn kính và ủng hộ bằng cánh hoa, nén nhang cũng là tấm lòng đối với tổ tiên tiền bối. Nếu tượng Đắc Lộ đúc bằng vàng khối mà dâng tặng vào dịp nầy cũng được xem là sự quái gở thế kỷ, chẳng khác nào kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh lại đem tặng quả bom hay con khỉ, đó là một phạm thượng không thể chấp nhận.
Sự phản hồi của nhiều người đã nói lên niềm phẩn uất trước thái độ khiếm nhã của Phạm văn Hạng, hãy chờ xem sự quyết định của UBND TP Hà Nội và ngành khoa học lịch sử Việt Nam.
MINH MẪN
01/8/09
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)