Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009
CHUYỆN BUỒN ĐẤT NƯỚC
Hơn một năm nay, vấn đề Tu viện Bát Nhã ngày càng trầm trọng trong cung cách giải quyết cũng như phương thức giải quyết để nhiều tai tiếng trong và ngoài nước.
Vấn đề Bát Nhã đã trở thành chính sách nhà nước chứ không còn là vấn đề tự phát của địa phương hay nội bộ thầy trò Làng Mai, khi mà văn bản 1329 của BTGCP-PG đưa ra; Ban Tôn giáo chính phủ, đại diện nhà nước quản lý tôn giáo, tiếng nói của BTG tức là tiếng nói quyết định của nhà nước, nói cách khác, đó là quyết sách, vì BTG không thể tự động giải quyết một vấn đề trọng đại của một tôn giáo liên quan đến tâm lý tình cảm của quần chúng và uy tín đối với quốc tế mà không được hội ý hay chỉ thị từ cấp cao;
Vấn đề Làng Mai, vấn đề Thái Hà, vấn đề Mục sư Nguyễn Công Chính, quản giáo hạt Mennonite Tây Nguyên, GHPGVNTN… và rất nhiều chuyện linh tinh các tôn giáo, hẳn nhiên, nhà nước có lý do nào đó để hành xử các vụ việc trên theo chính sách của nhà nước, như từng hành xử với các thành phần dân chủ đối lập, đó là chuyện của nhà nước, người dân không cần biết đến lý do nào để nhà nước quyết định hành xử , nhưng hành xử như thế nào, trên cương vị công lý, luật pháp hay không luật pháp là chuyện khác.
Người dân rất phấn khởi khi nhà nước chấp nhận kinh tế thị trường thay cho cơ chế bao cấp; Và kể từ lúc “đổi mới tư duy” sinh khí trong nước có phần hưng phấn. Đất nước Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trong sự lưu tâm và ưu ái trên chính trường quốc tế đối với bè bạn năm châu. Không những Việt Nam có chân ở Liên Hiệp quốc trong 32 năm qua( 20/.9/1977) mà còn là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo an LHQ; Việt Nam giao lưu với hầu hết các quốc gia mà trước đây từng là cựu thù.Một số quốc gia cũng đã chọn Việt Nam làm nơi hợp tác đầu tư; Những lúc kinh tế tài chánh khủng hoảng vào mấy năm trước, Việt Nam cũng thoát khỏi một cách nhẹ nhàng, hiện nay một số nước lớn chuyển mình một cách đau đớn trên đà tuột dốc kinh tế thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đôi chút, nếu các mặt hàng gia dụng, thực phẩm không bị Trung Quốc phá giá thì kinh tế Việt Nam cũng không đến độ báo động.
Việt Nam cũng chứng tỏ thắng lợi trên mặt trận ngoại giao khi chiếc vòng kim cô CPC lũng lơ trên đầu. Việt Nam cũng tạo được sự kính nể đối với các cường quốc về an ninh chính trị và an ninh xã hội. Về mặt trận quốc tế, Việt Nam có cái nhìn sâu sát và có chiến lược thích hợp; tuy rằng, Việt Nam có lúng túng trước hai thế lực Hoa-Mỹ để duy trì thế đứng tồn tại. Thế và lực Việt Nam đều yếu, buộc lòng nhượng bộ khá nhiều trước những áp lực của bá quyền kề cận, chính vì thế mà được bảo đảm về tính lâu dài của vị thế lãnh đạo. Sự nhân nhượng quá đáng đã đem lại thiệt thòi cho người dân trên vùng biển cũng như trên đất liền; Đối với nước ngoài, muốn tồn tại và được bảo đảm tồn tại thì phải nhân nhượng, đối với trong nước, muốn tồn tại và giữ vững an ninh, giới lãnh đạo bất cứ quốc gia nào cũng phải trấn áp thành phần bất mãn, đối lập nếu trình độ chính trị của những quốc gia đó thuộc loại trung bình.Ngoại trừ những quốc gia tiến bộ, họ hoá giải vấn đề đối lập, khủng hoảng bằng những thái độ tinh vi tế nhị và khoa học hơn . Đó là điều đương nhiên và dễ hiểu đối với mọi giai cấp lãnh đạo.
Nơi đây, chúng ta không thể đề cập phương pháp chuyển hoá của đạo Phật áp dụng vào xã hội khi mà chính trị và quyền lực được xem là tối ưu. Việt Nam cũng từng trải qua 4 thế kỷ an cư lạc nghiệp trước sự đe doạ từ phương Bắc, vào những triều đại quốc giáo đạo Phật. Ông cha ta biết tranh thủ lòng dân, sống bằng lòng dân và hy sinh cho dân bởi tâm đức và chính trị chân chánh; đối với kẻ thù, tuy giao hảo nhưng cương quyết từng tấc đất. Phật giáo không duy trì an ninh xã hội bằng quyền lực và trấn áp,Phật giáo cũng không hoá giải những bất đồng bằng những kế sách tinh vi như các nước tiên tiến.
Khi Thủ Tướng Việt nam sắp sang Mỹ, toà Bạch ốc đã vời các nhà chính trị đối lập với thể chế Việt Nam vào gặp Tổng Thống Bush để hạ nhiệt làn sóng phản đối. Trong khi đó, tổ chức Nhân quyền hay nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam, các nhà đối lập chính trị bị câu lưu hoặc bị quản thúc, đó là hai lối hành xử của hai thể chế chính trị có trình độ quản lý đất nước khác nhau. Phậtgiáo không nằm một trong hai cung cách xử sự như vậy. Đạo Phật chủ trương chuyển hoá nội tâm hơn là trấn áp hình thức cho dù tinh vi. Mỹ là quốc gia có tiếng dân chủ nhất thế giới, nhưng sau cánh cổng nhà tù Guantanamo là gì, cả thế giới đều biết.Hành xử theo thế quyền là vậy, chúng ta phải thông cảm. Các nước khác hầu hết khó tránh khỏi những nhiêu khê trong khâu quản lý điều hành xã hội! Nói như thế không phải chúng ta chấp nhận cách trấn áp đối lập Aung San Suu Kyi của quân phiệt Yangoon, cũng không thể vừa lòng với cách thống trị Tibet của Trung Cộng, tại sao không giải quyết Thiên An Môn theo cung cách Triệu Tử Dương, nếu phải chọn một lối giải quyết vấn đề nhẹ nhàng hiểu biết hơn? Cho dù tế nhị hay thô thiển, cũng đều có cái giá phải trả nhất định của luật tương đối. Obama nhẹ nhàng, biết lắng nghe và lịch sự để thay đổi tầm nhìn và mối thiện cảm của quốc tế đối với quốc gia cờ Hoa nhiều tai tiếng trong nhiệm kỳ các Tổng Thống tiền nhiệm, thì Obama cũng không tránh khỏi những khó khăn cho cuộc canh tân xứ sở. Để xoá những tai tiếng cho Guantanamo, Obama phải chi ít nhất 80 triệu đô mà quốc hội không đồng thuận, rồi sẽ rút quân khỏi Afghanistan, Iraq…mà bao khó khăn đang đối diện. Như thế muốn tốt thì khó mà việc xấu càng dễ phát triển.
Có lẽ khi nắm quyền lãnh đạo, một chức vụ càng lớn mà trình độ càng kém sẽ đưa đến lối ứng xử bất toàn, và cũng khó cầu toàn trong một thế giới không xây dựng trên nền tảng đạo đức tâm linh.
Qua 34 năm thống nhất đất nước, Việt Nam xây dựng khá nhiều cơ sở vật chất cũng như cấu trúc tổ chức kinh thương, đạt được một số thành công nhất định, tuy muộn nhưng xác định được tầm nhìn vĩ mô để hội nhập. Tuy nhiên trong nước, một số chuyên ngành, chưa có tầm vóc thích ứng với một quốc gia đang lên. Ngành giáo dục đang lúng túng, bất nhất. Doanh nghiệp đang bị tuỳ thuộc sự lấn lướt từ Hoa lục; dệt may đã khựng lại, ngành xuất khẩu cũng khó khăn. Hơi thở thị trường chứng khoán không ổn định. Ngành xây dựng nhiều tai tiếng, không bảo đảm chất lượng và an toàn. Vấn đề trật tự xã hội đã ổn cố bằng những phương thức lỗi thời. Trật tự giao thông đã mạnh tay không đúng luật với thường dân, gây phẩn nộ trong quần chúng. Khu công nghiệp đem lại nỗi lo cho sức khoẻ tại địa phương; vô vàn cái bất cập do trình độ cán bộ chuyên ngành không chuyên sâu cộng thêm vụ lợi đã đem đến những vết đen cho đất nước.
Cũng thế, tôn giáo là một ngành đầy nhạy cảm, vì nó là một hợp thể được cấu trúc bởi niềm tin và tình cảm của quần chúng; nó không chỉ là một tổ chức biệt lập với mọi tổ chức, nó cũng vươn rộng đến mọi lãnh vực về phương diện tinh thần. Từng có thời kỳ nó tác động và ảnh hưởng diện rộng vào mọi mặt trong xã hội của một số quốc gia. Hiện nay Hồi giáo cũng quyết định đời sống luật pháp, văn hoá của những nước xem Hồi là quốc giáo. Theravada cũng gắn liền với cuộc sống của Thailand, Myanmar,Srilanka…Tôn giáo đã có mặt khi loài người có nhận thức đối với xã hội và thiên nhiên, vì thế Tôn giáo sẽ tồn tại lâu dài và sẽ chuyển hoá theo trình độ dân trí. Người quản lý Tôn giáo không những phải chuyên sâu về triết giáo mà còn phải hoà nhập vào tính khiết minh của mỗi tôn giáo mới thẩm thấu được nhu cầu và tính tất yếu của tôn giáo đó. Chính sự đặc tính cách biệt của mỗi tôn giáo mà ngành quản lý tôn giáo cũng phải có những phương thức khác nhau cho thích hợp khi giải quyết vấn đề nhạy cảm của tôn giáo. Ngoài triết giáo, còn tùy thuộc điều kiện phát triển và sự hành hoạt của mỗi tôn giáo trong chiều kích xã hội; Công và tội, xấu và tốt, lợi và hại của mỗi tôn giáo trong một giai đoạn nhất định;
Việt Nam có những sai lầm khi giải quyết các tôn giáo đều giống nhau, bởi quan điểm của họ về các tôn giáo đều là một; Chưa nói đến các chi phái mang tính cá biệt. Khi giải quyết một vấn đề khó chịu của tôn giáo mang tầm cở quốc gia, cán bộ tôn giáo thường đặt trên căn bản chính trị và áp dụng luật pháp cũng trên quan điểm chính trị; có thể họ thành công về mặt chính trị nhưng tâm lý và tình cảm quần chúng thì chưa thỏa đáng. Nhà nước chỉ lắng nghe phản ứng của các lãnh đạo nước ngoài mà không lắng nghe phản ứng của nhân dân khi xử lý vấn đề tôn giáo và chính trị; Dùng quyền lực để giải quyết sẽ thiếu chu đáo nếu không biết lắng nghe nguyện vọng của quần chúng theo tôn giáo đó và đặc tính của tôn giáo đó. Quyền lực mà thiếu hiểu biết chuyên môn và không kết hợp tình với lý, thường dẫn đến thô bạo. Giải quyết tính nổi cộm một vấn đề nào đó của tôn giáo không phải là nhiệm vụ của xe ủi đất hay xe xúc đất. Mặt đất, bên dưới đôi khi còn có gốc cổ thụ, đá tảng hoặc bảo vật, chất nổ; tôn giáo không đơn thuần là một tổ chức hành chánh, tu sĩ là cán bộ văn phòng, nơi thờ phượng là cơ quan…mà tôn giáo thường là một tổ chức vượt ngoài mọi tổ chức. Những thành viên được liên kết bằng đức tin và tình cảm chứ không phải nội quy, luật định.
Khi nhà nước xử lý một vấn đề của tôn giáo, đó là tính quyết định của nhà nước đối vấn đề của tôn giáo đó, người dân không có ý kiến, nhưng vấn đề xử lý như thế nào, cung cách xử lý trên căn bản luật pháp hay không. Có lẽ cán bộ chưa quen hành xử theo pháp luật, nhất là đối diện trước những vấn đề nan giải, hoặc giao khoán nội vụ cho thuộc cấp. Vì trách nhiệm hay báo công đối với thượng cấp mà nhân viên cấp dưới thường làm càn, bất chấp luật lệ, miễn đạt được thành quả.
Riêng vụ án Bát Nhã, lúc đầu ai cũng ngỡ là do tranh chấp nội bộ, sự thật cũng là vậy. Một đằng thiếu truyền thông giữa tập quán trong nước và ngoài nước của thầy trò, đồng Đạo Làng Mai; phong cách làm việc của những người quen tập quán của nước công nghiệp đã tạo sự thiếu cảm thông, nhất là thầy tu trong nước, quen truyền thừa tính phong kiến của một trụ trì mà Đức Nghi là một đại biểu. Thêm vào đó khi quyền lợi không thoả mãn, tham vọng không được đáp ứng thì thành kiến, mặc cảm kéo theo những nghĩ ngợi thiếu khách quan, nhìn mọi việc làm của đối thủ đều mang dụng ý xấu, mà Đức Nghi gọi là có ý đồ chiếm đoạt Bát Nhã. Cách nói chuyện của Đức Nghi tạo cho người nghe có một ấn tượng kích động và thương cảm. Phần lớn ngoài trăm đệ tử cạo đầu của Đức Nghi là thành phần đi kinh tế mới từ miền Bắc vào, được cạo đầu để trông nom các cơ sở, vì thế không qua trường lớp tu tập, thiếu giới hạnh, phạm luật là bình thường. Một số quần chúng tỵ nạn kinh tế cũng trở thành công nhân hái chè và chăm sóc hàng chục hecta đất canh tác cho Đức Nghi, với đồng lương lao động bình thường. Hàng tháng nhận thêm tài trợ từ nguồn tiếp tế của Làng Mai thông qua Đức Nghi, con em được gửi vào nhà trẻ, cùng với nguồn bồi dưỡng các cô giáo, bảo mẫu, nên cuộc sống ổn định và hàm ân. Khi nghe Đức Nghi than thở qua giòng lệ bi thương, bị Làng Mai dùng thủ đoạn chiếm đoạt cơ sở, chính những quần chúng đó biến thành xã hội đen hành hung các tu sĩ trẻ tại Bát Nhã; Ban trị sự Phật Giáo Lâm Đồng cũng là đối tượng cần tiêu diệt khi bảo lãnh cho những tu sĩ tại chỗ và cản trở ý đồ Đức Nghi triệt phá Làng Mai; kết quả là TT Thái Thuận bị hành hung thương tích, một số thầy bị ném phân và đá, mấy Phật tử bị trọng thương, xe cộ máy móc bị đập bể, điện cúp, nước cắt, nhà bếp chiếm đoạt, sinh mạng 400 tu sinh và quần chúng có mặt như chỉ mành treo chuông.
Nửa năm trước, sau cuộc tranh chấp nội bộ không đi đến kết quả, Đức Nghi được Ban Tôn Giáo Chính Phủ hổ trợ bằng văn bản 1329 và Thông Tư Giáo hội 037; cục diện tạm lắng để đối phương tìm phương án hữu hiệu hơn. Trong văn bản 1329 có nhắc đến xử lý những đối tượng gây rối tại Bát Nhã, nhưng chưa tìm ra cách để cho các đối tượng Làng Mai vi phạm, thầy trò Đồng Hạnh khiêu khích dưới mọi hình thức; Trước khi bắt tay quyết định xoá sổ làng Mai tại Bát Nhã, Đức Nghi họp đệ tử nói: Nếu làng Mai họ tu đàng hoàng thì thầy trò mình nhường chùa lại cho họ tu. Đó là đòn đánh lạc hướng đối phương, chưa tới 72 giờ, Đức Nghi bật đèn xanh cho Đồng Hạnh chỉ huy đám côn đồ đốt phá, rượt chém, hành hung các tu sĩ, cô lập hoàn toàn khu vực, dồn tu sĩ lên tầng trên, đóng chốt ăn nhậu canh gác phía dưới. Vòng ngoài được 200 công an thường phục bảo vệ , sẳn sàng ứng chiến nếu làng Mai có thái độ phản ứng.
Nguồn tin rúng động khắp nơi, các báo đài nước ngoài đều tường thuật, mọi người theo dỏi sinh mạng các tu sĩ Làng Mai tại Bát Nhã giống như theo dỏi trận chiến ác liệt năm xưa khiến Tướng Hưng tử thủ từng ngày tại An Lộc, và cả tu sĩ lẫn Phật tử đã trên 400 người cũng cầm hơi qua một tuần lễ, không điện nước, không uống ăn, có người đã kiệt sức. Bất bạo động, bất phản kháng đã khiến những hành động vô đạo trong mùa An cư của thầy trò đức Nghi càng lộ bản chất ẩn dương nương Phật, thủ lợi cầu danh,ma tăng ác đạo chứ không phải người con Phật từ Bi Trí Tuệ. Cho dù thầy trò Đức Nghi thắng thế, nhưng bản chất vẫn bị thua trước tinh thần kiên định ôn hoà của tập thể chân tu đó. Những người không cần danh dự thường điên rồ đánh đổi tất cả chỉ vì mục đích tham sân si, càng quậy, thầy trò Đức Nghi càng lún sâu vào tội lỗi và nhơ danh muôn thuở. Bạo lực được hổ trợ bởi thế lực vẫn không giải quyết được vụ án Bát Nhã.
Xét trên bình diện quốc gia, không ai ngây thơ xem vụ bạo động tại Bát Nhã là nội bộ tự phát. Một cá nhân quậy làng phá xóm, đe dọa tính mạng kẻ khác liền bị công an bắt nhốt, một vụ bạo động rung chuyển cả trong và ngoài nước, có lực lượng an ninh địa phương hổ trợ thì không thể bảo là cá nhân Đức Nghi hành xử.
Vấn đề đặt ra, không phải ai hành xử, vì rõ ràng một xã hội quá loạn, không có kỷ cương luật pháp trong mọi mặt của đời sống xã hội, mà phải đặt vấn đề hành xử thế nào để ngưởi dân vẫn thấy luật pháp còn giá trị, cán bộ còn là người đại diện luật pháp. Cứ cho rằng Làng Mai không thích hợp với thể chế chính trị hiện hành, bộ phận chuyên môn về tôn giáo hãy đặt vấn đề theo hai phương án:
1/ Làng Mai làm đơn xin sinh hoạt tại Việt Nam như mọi tôn giáo, tổ chức khác theo luật pháp hiện hành ( Làng Mai đăng ký hay không là chuyện khác, và nhà nước chấp nhận hay không lại là một chuyện); Nếu đăng ký, thì Làng Mai chịu dưới sự kiểm soát của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn Giáo Chính Phủ, an ninh tôn giáo; Điều nầy Làng Mai đã quen với lối sinh hoạt tại hải ngoại, nên không dễ chấp nhận.
2/ Làng Mai không chính thức có mặt tại Việt Nam theo luật định, thì những cơ sở của Làng Mai sinh hoạt tại Việt Nam không hợp pháp, dĩ nhiên nhà nước không chấp nhận, ngoại trừ tu sĩ và tín đổ của Phật giáo Việt Nam có quyền tu theo pháp môn Làng Mai.
Đó là về mặt tổ chức và pháp lý, nhưng tinh thần Phật giáo lại là vấn đề khác, có thể là thành viên của Giáo Hội nhưng tinh thần không nằm trong giáo Hội. Có thể ngoài vòng kiểm soát Giáo hội nhưng vẫn là tu sĩ của Giáo hội. Tổ chức Phật giáo là chiếc bóng chập chờn khó nắm bắt. Cụ thể hoá Phật giáo như mọi tổ chức khó mà thành công, vì thế, lượng số tín đồ Phật giáo khó mà thống kê chính xác.
Biết tận dụng cái hay cái đẹp của Phật giáo nói chung hay Làng Mai nói riêng, không nhất cứ phải là con chim được bảo vệ trong lồng son. Không chấp nhận cái xấu cái dở của Phật giáo nói chung, Làng Mai nói riêng, không nhất cứ phải hành động thô bạo, bởi vì thô bạo đã nói lên khả năng và trình độ kém cỏi, thiếu văn minh.
Ném phân và đá vào chư tôn đức trong BTS tỉnh, vào quần chúng từ SG lên thăm, hành hung tu sĩ tại chỗ; ném phân và đá vào nhà bất đồng chánh kiến, vào mục sư Nguyễn công Chính…đều là những hành động kém cỏi trong cách xử lý, chỉ là cách bôi lọ luật pháp và trét trấu vào mặt chế độ. Con người và con người có ngôn ngữ để thẩm thấu, trao đổi nhau. Con người và con người có trí tuệ và sự hiểu biết để giải quyết nhiều vấn đề mắc mứu nhau. Nói với nhau bằng giày dép đã là vô giáo dục, muốn chuyển hoá đối phương mà dùng bạo lực càng đưa đến bế tắt bất phục tùng, làm sao thể hiện chính nhân quân tử, đại diện cho pháp luật.
Vấn đề giải quyết Làng Mai như thế nào là chuyện của nhà nước, nhưng thô bạo với các tu sĩ trẻ tại Bát Nhã không thể chỉ là lỗi của những kẻ lợi dụng đầu tròn áo vuông tham lợi mà còn là trách nhiệm của kẻ cầm cân nẩy mực.
Nhà nước kêu gọi nhân dân sống và làm việc theo pháp luật thì cán bộ cũng phải thể hiện đúng tinh thần đó.
Hàng ngày báo chí phản ánh quá nhiều tệ nạn cán bộ đối với quần chúng; Tôn giáo là bộ phận lý tưởng đối với quần chúng, không thể xử sự theo cách xã hội đen. Nếu Làng Mai vi phạm luật pháp Việt Nam, nhà nước có văn bản chính thức mời Thiền sư hoặc đại diện TS đến để phân bày và y cứ theo luật pháp Việt Nam giải quyết. Bốn trăm tu sĩ trẻ là sản phẩm của TS Nhất Hạnh và Đức Nghi, muốn giải quyết số phận các tu sĩ đó không thể riêng ý kiến của Đức Nghi như văn bản 037 của Giáo Hội. Tranh chấp là có người tranh chấp và người bị tranh chấp, giải quyết phải có mặt cả hai. Nếu bảo Thiền sư Nhất Hạnh mang con bỏ chợ, đào tạo các thanh thiếu niên thành tu sĩ, khi tu sĩ gặp khó khăn, vẫn im lặng để họ cam chịu, thì Đức Nghi là người đứng ra xuất gia cho các trẻ em đó, giờ lại khủng bố các em chỉ vì quyền lợi vật chất và tự ái cá nhân với TS. Cha mẹ khi chia tay, cũng phải có trách nhiệm với bầy con mình đã tạo. Hai bên phủi tay thì số phận 400 em đó sẽ trở thành bụi đời, phạm pháp hay còn niềm tin vào Tam Bảo chăng? Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng không can dự gì đến Làng Mai, nhưng thấy bố mẹ bỏ rơi, Giáo hội dang tay bảo bọc, đó là tinh thần trách nhiệm của đàn anh đối với kẻ hậu tấn, khi quý thầy trong BTS PG Lâm Đồng bảo lãnh cho các em cũng là lúc các thầy phải chịu áp lực từ mọi phía và nỗi căm thù của thầy trò Đức Nghi dành cho họ là điều tất yếu phải có, thầy Thái Thuận lãnh đạn chẳng phải là oan! Cái oan là 400 tu sĩ vô tội, từ chối mọi cám dỗ tội lỗi của thế gian để trở thành người tốt, có ích cho xã hội lại bị xã hội, bị sư phụ, bị luật pháp đối xử phủ phàng!
Chả lẽ ngành chuyên môn Tôn giáo không còn cách nào giải quyết Bát Nhã theo tinh thần luật pháp hợp lý mà phải mượn tay xã hội đen của Đức Nghi?
Đất nước đã bao năm ly loạn, khổ đau quá nhiều, khi nước nhà thống nhất đáng ra người dân có quyền an cư lạc nghiệp, tôn giáo phát triển để làm chỗ tựa tinh thần cho dân tộc; Người dân khốn khổ vì tài sản đất ruộng bị trưng thu, cuộc sống khó khăn, giờ đây, niềm tin tôn giáo cũng bị lay động tận gốc; Những thành phần bê tha, tệ nạn vẫn nhởn nha sống một cách an lành,
Người lãnh đạo đất nước chả lẽ chỉ quan tâm đến tiếng nói của nước ngoài mà không hề chú ý đến nguyện vọng chính đáng của người dân và nỗi đau buồn của dân tộc hiện nay? Cán bộ chuyên ngành tôn giáo cũng cần cập nhật kiến thức chính trị và tôn giáo song hành để đối xứng với thế giới khi cần điều chỉnh, giải quyết vấn đề. Giải quyết tôn giáo không thể là cách giải quyết giữa hai người đàn bà trong xóm, mà phải là cung cách của cán cân công lý và văn hoá.
Cán bộ hãy lắng nghe nỗi khổ niềm đau của quần chúng khi xử lý vấn đề, nhất là vấn đề trọng đại.
TS Nhất Hạnh có những sai trái nhất định, theo quan điểm luật pháp Việt Nam, thì chỉ có TS chịu trách nhiệm trước pháp luật, các tu sĩ vô tội, không thể là nạn nhân của trầu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.
Đất nước đã chịu quá nhiều tai tiếng, đừng tạo thêm cái nhìn mất thiện cảm đối với thế giới về Việt Nam. Một nhà lãnh đạo tốt là biết thương dân, lo cho dân, đừng làm khổ dân.
Tai uơng, dịch bệnh chưa hẳn là khổ, cái khổ mà người dân luôn gánh chịu là nỗi oan vô cớ đè nặng lên cuộc sống thường ngày.
Hy vọng nhà nước xét lại và ngưng ngay những hành động thô bạo do thầy trò Đức Nghi gây ra cho những tâm hồn non trẻ tại Bát Nhã hiện nay, họ đau một nhưng quần chúng và Phật giáo đau mười trước nụ cười biếm nhẽ của ngoại đạo khắp nơi.
Bao giờ chuyện buồn đất nước được cạn vơi???
MINH MẪN
03/7/09
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét