Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009
BẤT TRI KỲ NGỘ
4 giờ sáng ngồi trên máy, nhận được bài thơ TÌNH YÊU của người bạn từ chân trời xa gửi về, một bài mà tôi tâm đắc và thuộc nằm lòng từ thập niên 1970, thỉnh thoảng đâu đó, vẫn nghe một vài người đọc lại.
Sáng nay cái hẹn với LS Q để triển khai công việc của công ty thực phẩm chay Long Hoa, được chuyển sang hướng khác: đi gặp một nhân vật của đối tượng hình thành bài thơ trên. Chiếc xe Từ Thiện Bảo Hoà chở 8 anh em đến đón tôi, hơn 8 giờ mới tới. Trên xe , vài người quen thuộc, vài người xa lạ, nhưng, ngoài tôi, không ai xa lạ nhau cả, tất cả đều là tín đồ thuần tâm!
Chủ nhà được báo trước, có lẻ vì thế mà việc đón tiếp chuẩn bị tươm tất. Cánh cổng màu xanh bạc đóng kín, biểu hiện cuộc sống an phận trong vùng ngoại vi Thành phố; Hai người đàn ông trên 65 đưa đoàn chúng tôi vào nhà, qua một khoảnh sân không rộng, trồng cây sung và vài cây bông già; Một bà cụ gần 95 vui vẻ mời chúng tôi vào ghế. Nét son phấn thời trẻ vẫn còn phưởng phất trên khuôn mặt phúc hậu về chiều của cụ, không dấu được vẻ đẹp một thời của cô gái miền Tây Nam bộ. Anh Tư trưởng nhóm từ thiện Bảo Hoà mở lời: Thưa bà năm, anh em chúng con đến viếng thăm bà, đồng thời xin bà cho chúng con biết thêm tin tức những gì bà Năm từng biết đến đức Thầy chúng con, trong đó, bài thơ Tình yêu, có phải Thầy đã làm năm 1946, lúc quen bà?
Chiếc miệng móm mém, bà cười thật dễ thương, gật đầu, bà kể: Đúng, tôi gặp anh Tư hai lần, một , vào năm mười mấy tuổi, lúc còn đi học với nhau, lần thứ hai khi tôi đã có gia đình năm hai mấy tuổi. Thời thế loạn lạc, Pháp đô hộ. Tôi xin phép quý ông, tôi gọi Thầy bằng anh Tư, vì chúng tôi rất thân quen từ thuở bé, khi thầy chưa ra làm đạo.
Thầy Quới, anh Tư Bảo Hoà cùng đồng đạo im lặng như cố tiếp nhận từng lời của bà, không bỏ sót một chi tiết; Với tuổi tác và thời gian truân chuyên từ thuở hàn vi, bà từng vào thôn xóm thu mua rau xanh, ra bán cho các quan Tây, quan Nhật; Bà lưu lạc từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam, từng nằm dưới xác chết của đồng bào trong thời loạn, thế mà bà vẫn không quên bất cứ điều gì; Bà nhớ vánh vách như chuyện mới xẩy ra hôm qua. Người cậu của bà đã lập chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tam Tông Miếu, chùa Xá Lợi vào thời điểm nào, bà còn nhớ, khi cố HT Tâm Giác thi đấu võ thuật tại Nhật Bản, mang nội thương, về tiếp nhận tái thiết Vĩnh Nghiêm như thế nào, bà cũng không hề quên; Có điều, khi nhắc đến những kỷ niệm về đức Thầy, bà đưa tay áo lên thấm những giọt lệ khô trên khoé mắt buồn: bà nói:
Cuộc đời tôi đã quá nhiều đau khổ, đã bao lần nước mắt đổ, hơn 90 năm nước mắt đã khô, nhưng mỗi lần nhắc đến anh Tư, tôi không khỏi động lòng.
Giữa tôi với anh Tư lúc bấy giờ là một đôi trẻ hoàn toàn trong trắng. Bà ngoại tôi rất nghiêm khắc theo môn đăng hộ đối của gia phong cổ. Anh Tư là một chàng thanh niên có lý tưởng cao rộng, tuy thân hình mảnh dẻ yếu đuối nhưng anh có một chí khí dũng mãnh, anh xem tôi như một đứa em gái, anh từng khuyên tôi khi mà cuộc sống bấy giờ còn rất êm đềm, thời gian sau những gian truân khốn khổ, tôi mới thấu hểu lời dạy của anh Tư mang tính tiên đoán, làm lực thúc đẩy cho tôi can đảm vượt qua mọi khốn khổ trong đời. “ Hương à, sau nầy cuộc đời của Hương có thể cực khổ trầm luân, thân có thành các bụi, cuộc sống có khốn khổ đoạ đày thì Hương vẫn giữ tâm Đạo, lúc bấy giờ Trầm Hương sẽ lan toả khắp không gian”…
Từ đó, anh Tư đặt cho tôi Pháp danh - Trầm Hương cư sĩ!
Muốn cho Thầy có cuộc sống ổn định, bà nhờ người chị gửi Thầy vào làm ngân hàng, nhưng cũng không vì thế mà có thể cột chân một chí sĩ. Bà cũng từng săn sóc cho Thầy khi ghẻ chốc bệnh hoạn. Là một người con gái, con tim không tránh khỏi những lúc giao động tự nhiên, chính vì thế, đức Thầy đã tặng bà bài thơ Tình Yêu:
Tôi có tình yêu rất đượm nồng
Yêu đời, yêu lẫn cả non sông
Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu
Thì trong tâm trí hãy xoay chiều
hướng về phục vụ cho nhân loại
sẽ gặp tình ta trong khối yêu
Ta đã đa mang một khối tình
Dường như thệ hải với sơn minh
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh
Sau khi bà có gia đình, cũng là lúc Thầy trở lại gặp bà lần thứ hai, thời gian xa cách, bà chẳng biết thầy làm gì, đi đâu, nhưng linh tính cho bà biết, đây là lần cuối gặp nhau, bà sẽ theo gia đình ra nước ngoài tránh loạn, thầy đi theo tiếng gọi của tổ quốc lâm nguy; Bà cắt mấy sợi tóc tặng người chí sĩ để gọi là ân tri ngộ, biết đâu những sợi tóc mảnh mai đó đủ ấm lòng chiến sĩ xông pha nơi trận mạc.
Thưa bà, trong thời gian bà ở Pháp, có biết Thầy lâm nạn? tôi hỏi
Không, vì không có liên lạc, đến khi về lại Việt Nam sau nầy mới biết.
Bà đưa chúng tôi sang phòng riêng của bà, đồ đạt bề bộn, tấm hình của đức Thầy và tấm hình của ông Năm, mà bà gọi là hộ pháp của bà, thờ chung một chỗ, được che lại bởi tấm bình phong nhỏ.
Thưa bà Năm, bà còn giữ bút tích hay vật kỷ niệm của Thầy, xin bà cho lại Giáo Hội để làm báu vật cho môn phái. Anh Tư Bảo Hoà gợi ý
Vâng, tôi đã nhờ con cháu tôi ở bên Pháp lục tìm, sẽ gửi lại chứ tôi giữ làm gì. Bà đáp
Xoay qua những ông trên dưới 70, bà nói: Những cậu nầy theo tôi từ nhỏ, tôi xem như con mình, họ sống hết lòng với tôi suốt mấy mươi năm rồi.
Chúng tôi thắc mắc cách bài trí phòng khách cũng là phòng thờ, một tấm vải trắng viền đen bề ngang độ 1m5, bề cao độ 3m, treo ngay gian giữa, hai bên là tượng đức Phật Bổn sư và tượng sơ sanh. Cái ghế của bà ngồi để chính giữa, lưng tựa vào tấm phông trắng. Dưới đất là những tấp tapi đan tròn để ngồi. Phía ngoài là bàn để bông hoa. Hai bên gian nhà là các bàn tròn và bộ ván gỗ. Thật đơn sơ nhưng mang vẻ huyền bí, ẩn mật.
Bà nói chuyện rất nhiều và nhiều nhất là những kỷ niệm về Thầy, bằng sự quý mến và kính trọng; Bà không bao giờ lẫn, bà minh mẫn như con người tuổi độ 20; nói rất có thứ lớp, rõ ràng;
Bằng sự chân tình của một người nữ, bà hỏi: Các cậu có biết, từ ngày ấy đến giờ, anh Tư có người bạn đời nào hay bạn gái nào cùng chí hướng, đồng đạo không?
Thưa bà Năm, hoàn toàn không, Thầy không có thời gian lo việc cá nhân, tâm hồn Ngài chỉ có việc đạo, việc nước non thôi…Anh Tư Bảo Hoà xác định.
Bà Năm có vẻ mãn nguyện nói tiếp: Có lẽ anh Tư luôn theo phù hộ tôi, mỗi khi nhắc đến anh là tôi có cảm giác ớn lạnh hai vai, nhờ anh mà tôi còn sống đến ngày hôm nay!
Hẳn nhiên đức Thầy là bậc thuần thiện nên chiếm một vị trí tuyệt đối trong sự ngưỡng mộ của tín đồ. Ngài hy sinh cuộc đời để chống ngoại xâm cũng như cứu nhân độ thế trước thiên tai dịch bệnh; Sứ mệnh Ngài hoàn mãn nhưng tình cảm quần chúng giành cho ngài vẫn luôn trường tồn, trong khối tình cảm của hàng triệu tín đồ đó, có một loại tình cảm, không phải của một tín đồ thuần túy, không phải loại tình cảm thế tục thường tình mà một tình cảm sâu sắc kỷ niệm của tuổi ấu thời vừa là bạn, vừa là anh em vừa là bậc thầy đáng kính, mà hơn 90 năm qua, bà Trầm Hương cư sĩ luôn tưởng đến Thầy. Ngày về lại sống trên quê hương, bà không ngờ anh Tư năm xưa, nay đã là một giáo chủ hệ phái Phật giáo miền Tây Nam bộ, bà rất hãnh diện về mình, về một đất nước đã sản sinh là một chí sĩ kiệt xuất anh tài. Bà Hoàng Thị Liên Hương, mãn nguyện một kiếp người vốn đã cưu mang!
MINH MẪN 20/6/09
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét