Hình như bất cứ lãnh vực nào, bước vào chuyên sâu, đều
luôn có những chướng ngại, hoặc chướng duyên;nhất là hành giả trên con đường
tâm linh giải thoát.
Trạng thái tâm lý do tập khí lâu ngày là một chướng
ngại khó đoạn, nhất là tạp niệm, loạn tưởng, phóng tâm làm chệch hướng con đường
đang đi.
Nhà Thiền nêu lên chánh niệm, trong chánh niệm thiếu
tỉnh giác cũng lạc sang vọng niệm. Bảo là chánh niệm là chánh niệm làm sao lạc
sang vọng niệm?
Ví dụ một cụ bà tay lần tràng hạt nhất tâm trì niệm “A
Di Đà Phật”, niệm theo thói quen lâu ngày không còn chú ý vào câu niệm, tay vẫn
lần tràng hạt, miệng niệm, tâm bám vào âm ngữ, nhưng ý thức nhường cho vô thức
lập lại đều đều theo âm thanh nào đó nhập vào nhĩ căn, tâm liền bám theo âm
thanh đó lặp đi lặp lại thay cho trì niệm danh hiệu. Thật ra không nhất cứ phải
trì hồng danh, bất cứ chủ đề nào chuyên trì một cách tỉnh thức không máy móc
cũng đưa đến định.(đây ta nói đến việc chuyên niệm nghiêm túc,miễn bàn vấn đề cầm
tràng hạt,vừa đi vừa nói chuyện hay làm việc khác).
Trạng thái cứ bám theo thói quen thiếu tỉnh giác dễ
lạc sang vọng tưởng, tạp niệm. Vọng tưởng tạp niệm có hai trường hợp: một là tập
khí do thói quen trong tàng thức xuất hiện, lúc ngủ gọi là chiêm bao mộng mị,
lúc thức xuất hiện xen lẫn vào công việc đang thực hiện; thứ hai là trường hợp
vọng tưởng suy nghĩ lang bang thiếu tập trung.
Trên đây là chướng duyên phổ cập, còn những trở ngại
trong lúc hành trì là “hôn trầm”, gọi là ngủ gục, u trệ, ngủ không ngủ mà thức
không thức. “Thụy miên” là ngủ mê man. “Trạo cử” là bồn chồn, xôn xao, tay chân
không yên. “Hối quá” là tâm bất an những chuyện đã qua. “Nghi” không tin chính
mình, không tin pháp giải thoát hay còn hồ nghi chưa dứt khoát một việc gì. Đây
là năm món chướng ngại cho việc tu tập. Không đọan trừ được thì không thể bắt
tay vào hành trì giải thoát.
Nghe thì gian nan, nhưng quyết tâm sẽ được.Quyết tâm
không có nghĩa cố đè nén, càng đè nén càng vọng động.Cứ bình tĩnh ngồi xuống nhìn
từng vấn đề một, lý do sanh khởi để gỡ rối.
Ví dụ: trước khi Thiền, ăn quá no dễ sanh “hôn trầm”.
Không làm chuyện sai quấy thì tâm không phải bị”hối quá”.Cuộc sống đừng lăng
xăng, tranh đấu hơn thua,ước muốn đủ thứ thì tâm bớt “trạo cử”. Thân không quá
vất vả, mệt mỏi thì không bị “thụy miên”.Tính tình dứt khoát không lạc vào trạng
thái “nghi”.
Một khi giải quyết nhẹ nhàng từng vấn đề thì tâm “hỷ
lạc” sẽ xuất hiện.Đó là những “triền cái”. Vượt qua ngũ triền cái, còn phải đối
diện với bảy “kiết sử”.
“tham kiết sử,sân kiết sử,kiến kiết sử, nghi kết sử,mạn
kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử” và thập kiết sử như “tham, sân, si,mạn,
nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ”.
Tất cả đều là vi tế phiên não, phân tích cho thấy trạng
thái tâm thức chúng ta trùng trùng điệp điệp cấu thành các tập khí nhiều đời đã
cản trở con đường thanh tịnh tâm thức của hành giả.
Phân tích để thấy vây bủa các tập tính như thiên la
địa võng, thực ra khi hành giả nhất tâm nhiếp niệm lâu ngày các tập khí sẽ tan
loảng mà không cần phải gỡ rối từng mắt một. Tập khí không phải là một thực thể
hữu hình, chỉ là trạng thái tâm lý đã được un đúc lâu ngày. Tâm tịnh an nhiên
trước mọi vấn đề như cây lặng yên gió giữa trưa Hè, như trời trong vắt giữa đêm
trăng.
Thiền phái Trúc Lâm của vua Trần Nhân Tông quan niệm:
“đói ăn, khát uống, buồn ngủ cứ ngủ” đó là Thiền cần chi phải tầm cầu! Nói như
vậy nhưng không phải hành trạng của người thường, hành giả luôn tỉnh giác để biết
mọi việc mà không hành xử theo phản ứng
thường nhật.
Thiền sư Nhất Hạnh thiền hành từng bước chân an lạc gọi
là “hiện pháp lạc trú”. Thiền trong cuộc sống, nghĩa là mọi sự việc, hiện tượng
đều có thể tham thiền của một hành giả.
Cứ việc ngồi xuống, buông bỏ mọi tâm tưởng, luôn tỉnh
giác, không để vô thức làm chủ. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể Thiền, đó chỉ là
nhiếp tâm, nhưng khó định, chỉ có ngồi mới định được thâm sâu, mới phát sanh tuệ
trí, gọi là Thiền định.
Dĩ nhiên hàng ngày phải tập buông mọi cảm thọ, mọi ham
muốn, mọi tác động tâm lý,mọi ràng buộc vật chất tự dưng tâm nhẹ, lắng đọng dễ
đi vào Thiền và định.
MINH MẪN
31/7/2024