Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

ĐẲNG CẤP NGÔN TỪ

 

Trên tinh cầu này, từ khi có con người, cũng đã có ngôn ngữ để điển đạt tâm tư, ý nghĩ với nhau.

Khoa học đã thí nghiệm cho biết, ngay cả thực vật cũng có những tầng sóng giao cảm lo sợ, vui mừng…

Động vật hạ đẳng cũng biết thể hiện tình cảm qua đơn âm và động tác…

Tùy trình độ tiến hóa của mỗi loài mà âm ngữ có khác.Riêng con người, một xã hội văn minh, càng có bề dầy văn hóa tâm linh thì ngôn ngữ càng đa dạng; ngôn ngữ đa dạng cũng tùy thuộc đẳng cấp để thể hiện ngôn phong của đẳng cấp đó.

Qua ngôn phong thể hiện đẳng cấp, cho dù thượng lưu trí thức nhưng sử dụng ngôn phong hạ đẳng giang hồ thì vẫn là đẳng cập hạ lưu.Xã hội ta có câu: “lưu manh giả danh trí trí thức”” cái nhãn Tiến sỹ, học vị không đủ thể hiện nhân cách, đẳng cấp, hay nói cách khác nhãn hiệu học vị chỉ để che đậy một số nhân cách khuyết tật của đa số trong xã hội bon chen ngày nay tại Việt Nam chúng ta.

Một khi con người sống trong xã hội hoàn chỉnh đạo đức, cho dù không có học vị, họ vẫn có một tâm thái đạo đức và lương thiện.Tâm thái lương thiện luôn thể hiện qua ngôn từ và hành động lương thiện, có nghĩa khi họ phê phán một vấn đề thì tâm thái của họ mang tính xây dựng chứ không hề mạt sát hủy diệt.

Trong một xã hội đang cải thiện từng ngày, đương nhiên không tránh khỏi những khuyết điểm ắt có. Cho dù một tổ chức chánh trị, Tôn giáo…từ thuở khai thiên cho đến ngày nay luôn xuất hiện những những cái gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”. Một xã hội càng văn minh thì những khuyết tật càng tinh vi; Bởi đây là nhân gian chứ không phải Thiên đường, không thể tất cả đều là Thánh, sửa lỗi này thì lỗi khác phất sanh. Trên nguyên tắc của Phật giáo “ cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh..” Tâm phàm lấn át tâm thiện chắc chắn phải sanh sâu mọt.

Như thế những khuyết tật trong xã hội loài người và Tôn giáo nói riêng, chỉ cần phê bình bằng tâm xây dựng thì sự chuyển hóa nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn là chỉ trích với tâm đố kỵ. Trong Thánh kinh ki tô giáo Chúa nói: “các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Mathi ơ 7:1). Nhà Phật có câu của Lục Tổ: “ hãy thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Chắc gi trong đời sống ta không có lỗi? Ta chưa phải toàn thiện lấy tư cách gì chỉ trích mạt sát người khác.

“Ngày nay đi tu là một sự kiếm lợi”  “Nhiều đền, chùa mài dao cả năm đợi chặt chém du khách”… Ôi, đây có phải là ngôn từ của một trí thức mang danh Tiến sỹ??? Đây là mạt sát Tôn giáo hay là góp ý xây dựng Tôn giáo? Mà dù mạt sát hay xây dựng thì cá nhân của người phát ngôn như thế cũng không đủ tư cách.

Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, hàng chục ngàn tu sỹ làm sao tránh khỏi một vài tệ nạn! Một tổ chức chính trị thế gian mà đã có sai phạm phải vào tù thì đừng đòi hỏi một Tôn giáo được truyền thừa hàng ngàn năm khắp toàn cầu phải toàn thiện là điều không thể.

Ngôn từ nhân loại là để thể hiện tình cảm, tương thân tương ái.Loài hạ đẳng động vật vì không đủ ngôn từ để thể hiện mọi tương quan nên cắn xé lẫn nhau, chả lẽ con người mang danh Tiến sỹ có đẳng cấp trong xã hội lại tụt hậu đến thế sao?

Ngôn từ và Đẳng cấp luôn đồng hành để thể hiện một nhân cách sống.

 

MINH MẪN

24/2/2024

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

BẢO NHỎ NHAU NGHE.


Thời gian gần đây, Tăng tín đồ chỉ có hai lỗ tai, một bên, chuyện xã hội đủ thứ trên đời không còn chỗ để nhét vô nữa,một bên, chuyện nội bộ Phật giáo, ngoài đánh vô, trong dập tiếp, người tin Phật như bị đứng hình trước náo loạn “thiên cung”.

Thử bàn xem cách giải quyết vấn đề nội bộ Phật giáo có thấu tình đạt lý chăng! Chuyện dao động do mạng xã hội đem đến xem như tạm lắng, chỉ còn vài đài báo lá cải bên ngoài cứ muốn châm lửa từ đống tro tàn để hạ uy tín Phật giáo trong nước, với mục đích gì, ai chủ trương, ta không bận tâm làm gì. Quan trọng là nội bộ giải quyết như thế nào cho hợp tình lẫn lý theo thế gian, hợp trình độ, nhân cách căn cơ của bị hại theo tinh thần nhân ái của Phật giáo.

Cùng một phạm nhân phạm một trọng tội, đối với thế luật y cứ vào điều khoản cố định mà xét xử, nhưng trong phật giáo xét đoán y cứ vào ba tiêu chuẩn: mục đích hành động, phương tiện hành động, kết quả hành động trên một bình diện phổ thông và cá biệt, hiện tượng và bản chất của một sự kiện.

Chỉ nhìn hiện tượng mà xét đoán là thiếu sâu sắc nếu không nói là thiếu công minh.Nghĩa là cần có lý lẫn có tình.Không những thế, văn phong ngôn từ cũng không thể sử dụng chung cho mọi đối tượng. Một bị can chưa phân biệt rõ ràng về tội trạng thì không thể xem họ là một phạm nhân; một phạm nhân thuộc thành phần tối ưu trong xã hội không thể dùng ngôn từ trừng trị như một phạm nhân vô văn hóa.

Ví dụ thầy Thích Trúc Thái Minh vừa bị cộng đồng mạng quy chụp về những hành động mê tín,lừa đảo… chắc gì cộng đồng mạng biết rõ về mục tiêu việc làm của thầy tuy rằng hiện tượng là như thế, tiếc thay nội bộ phật giáo cũng vì thế mà quy chụp xử phạt vội vã. Văn bản kết luận dùng những từ như “ tẩn xuất, tước quyền trụ trì…BTS GHPGVN Tỉnh Quảng Ninh tăng cường biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động Tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng, của Đại đức Thích Trúc Thái Minh”.

Văn phong trên đây chỉ dùng cho đoàn thể chính trị, đoàn thể xã hội,Tôn giáo như đạo Phật chỉ là “phát lồ sám hối, yết ma tác pháp” chứ không thể dùng quyền lực áp đảo “tăng cường biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động” cứ như một tội phạm ghê gớm lắm;”tước quyền trụ trì nghe ra như tước đảng tịch không bằng. Ngay thời còn Phật tại thế cũng không thiếu sự sai phạm trong tập thể Tăng đoàn, đến lúc Bố tác Tăng phạm tự biết lỗi mà phát lồ. Ngay cả tội “Ba la Di” chỉ khuyến biệt chúng chứ không bao giờ khai trừ, tẩn xuất như thế tục.

Nhân cách của thầy Trúc Thái Minh và tội lỗi do thế gian gán ép chưa minh bạch, có đáng để Giáo hội dùng những ngôn từ hăm dọa,xử phạt như xử phạt một kẻ vô danh tiểu tốt chăng? Trong khi HT Trưởng BTS TW GHPGVN với lời lẽ nhẹ nhàng đối với một bậc trí chưa rõ công tội như thầy Trúc Thái Minh!

Khách quan mà xét, chúng tôi biết thầy Trúc Thái Minh không đáng tội như cộng đồng mạng bêu rếu mà nếu có sai phạm là sai phạm trong Tôn giáo, góp ý cho Tôn giáo giải quyết có đâu chỉ cần một kích động nhỏ là cả làn sóng chưa rõ mô tê a dua trù dập mắng nhiếc một bậc tu hành như thế.

Cũng như thế, một số BTS PG địa phương cũng dùng quyền lực xử phạt một tu sỹ sai phạm thay vì mang tính giáo dục và tinh thần nhân ái của đạo Phật mà ái ngữ là yếu tố quan trọng trong tứ nhiếp pháp. Sư Giác Minh Luật là một tu sỹ trẻ đã tạo cơ hội cho bao thanh niên đến với đạo Phật, tin Phật qua những thời giảng, vì tương thích với căn cơ thính chúng, phải chăng vì thế mà Ban Hoằng pháp ra lịnh cấm giảng trong các đạo tràng? Phật giáo chủ trương tùy duyên hóa độ mà Ban Hoằng pháp lại cấm hóa độ tùy duyên ?

Quyền trong tay không có nghĩa là quyền sinh sát, ém tài như thế gian mà quên mạng mạch Phật giáo nằm trong phương tiện tạm quyền đó! Rồi hiện tượng Nhuận Nghi chùa Tài Đức ở Đồng Nai,có Tôn giáo nào tu sỹ hoàn hảo thanh khiết? Phật bảo cõi này là cõi dục, mang thân chúng sanh mọi loài đều do dục mà tái sanh;tu sỹ là phàm nhân tập tu,ai giữ được giới luật hay không là bản thân họ xứng đáng hay không với chiếc áo và lời phát nguyện thọ trì giới phẩm. Nghiệp ái là căn bản nghiệp giữa hai phái khác nhau, hoặc là đồng phái gọi đồng tính, cũng có trường hợp lưỡng tính. Một tu sỹ can đảm kềm hãm hay đoạn trừ được nghiệp dục là một thánh hạnh trong nấc thang tiến hóa, bằng không họ chỉ là phàm Tăng tiếp tục tạo nghiệp cho bản thân họ.Trong luật nhà Phật, một Tăng sai phạm, có quyền ra vô bảy lần, thế thì GH lấy luật nào cấm người sai phạm như Nhuận Nghi không bao giờ được gia nhập Tăng đoàn? Dĩ nhiên sai phạm là phải có biện pháp xử phạt, nhưng xử phạt phải mang tính giáo dục tạo cơ hội cho họ hoán cải chứ không phải triệt tiêu đường tiến hóa của họ.

Thánh kinh Kitô có kể chuyện người đàn bà ngoại tình bị ném đá. Chúa hỏi trong đây ai là người chưa từng phạm tội thì hãy ném đá trước, thế là mọi người bỏ ra về.. Như vậy cho ta thấy bất cứ Tôn giáo nào cũng cùng quan điểm phàm phu đồng nghĩa phàm tục làm sao khỏi sai phạm! khác chăng là cách xử lý mang tính giáo dục hay triệt hạ.

Hiện nay vẫn còn một vài địa phương vùng xa dùng quyền chức trong BTS kể cả cấp huyện, cấp xã để o ép những Tăng ni cô thế rỗng túi hoặc không biết khom lưng.Ai hiểu cho nỗi khổ của Tăng ni vào chùa còn bị áp bức. Rất may hiện tượng này không phổ biến.

Trở lại vấn đề nội tình của Phật giáo, quá khứ điều hành tổ chức GH còn nhiều bất cập; thiết nghĩ cách xử phạt Tăng ni sai phạm không thể là cách xử phạt của một đoàn thể chính trị, xã hội. Xử phạt có nghĩa giáo dục chứ không mang tính triệt đường tương lai của họ. Thứ hai phải cân nhắc hiện tượng và bản chất của một vấn đề oan hay ưng. Thứ ba cần nâng đỡ Tăng ni có tiềm năng góp phần tạo uy tín cho Phật giáo; phát hiện những đố kỵ tài năng do một vài nơi đã áp chế Tăng ni.Thứ tư biết lắng nghe cho dù góp ý từ cấp thấp hay người ngoài tổ chức.Thứ năm đức khiêm hạ là cốt lõi của một người tu và cũng là một cán bộ của giáo hội.Thứ sáu đừng tự xem mình là một người lãnh đạo GH mà mình chỉ là người giúp Tăng ni sống đúng với luật pháp và giới thể để tổ chức có uy tín lớn mạnh trong lòng tín đồ.

Còn nhiều vấn đề cần góp ý với nội tình Phật giáo hiện nay, Mong được lắng nghe tiếng nói của quần chúng.

 

QUÁCH  THƯỜNG NHIÊN  (MINH MẪN)

04/02/2024 ( 25 tháng chạp Quý Mão)