Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

HIỆP SĨ NĂM NÀO!!!


Tờ mờ tinh sương, vào Tổ đường bái vọng sư phụ, chàng trai trẻ khoác lên mình tay nải, lủi thủi khép nhẹ cửa gió, thong dong bước xuống núi.

Cỏ cây còn ngậm sương khuya, gửi theo chân chàng trên hai ống quần đẫm ướt. Trăng hạ tuần mờ nhạt lối đi. Con đường quen thuộc bổng lạ lùng từng nhánh cây hoang dại; chàng vạch bụi rậm đưa bàn chân nhẹ nhàng như sợ dẫm phải con trùng vô tội. Xuống đến chân núi, tia sáng đầu ngày le lói trên đỉnh non cao.

Lần đầu tiên xa núi rừng, xa thầy Tổ, tuổi vừa tròn trăng mang theo bao hoài bảo, ước vọng chấn hưng đạo đức, phục dựng văn hóa dân tộc đang bị mai một. Chàng biết rằng sẽ đối diện nhiều khó khăn nơi thị tứ. Sẽ lạ lẫm lối trang phục của tuổi trẻ đang trộn lẫn với nếp sống ông cha nhiều đời; nhưng không, cái quan tâm của chàng mang dòng máu hiệp sĩ là loại văn hóa ngoại lai đang bào mòn hồn thiêng sông núi; cái niềm tin tâm linh bị thay thế bằng niềm tin xa lạ, và đạn bom đang cày xới băm nát quê hương. Chàng tự hỏi :phải làm gì với đôi tay trắng và khôi óc trong sáng mang nhiều lý tưởng – tưởng chừng không tưởng. Co tay đấm mạnh vào không gian như tự nhủ không hề sờn lòng.

Luồng gió mới thổi từ phương Tây trộn lẫn trong xã hội như món chợ trời đẹp có, xấu có, thật có giả có khó phân. Những cái mới lạ luôn là điều hấp dẫn lôi cuốn. Chàng lẩm nhẩm cố phân biệt giá trị từng món lạ lẫm, hy vọng bồi đắp cho nền văn hóa cha ông.

Chàng tiếp nhận kiến thức tân thời một cách phấn kích để hòa nhập với cộng đồng. Như cánh diều lộng gió, chẳng bao lâu,chàng mạnh dạn tung cánh vào trời Tây, bỏ lại sau lưng những dằn xé chiến tranh đang chôn vùi bao lớp trẻ một cách vô vọng.Phải làm gì giữa chốn xa lạ ? đất khách quê người không thân quyến không bạn bè, chàng can đảm tiếp nhận nền văn hóa tân tiến, len chân vào đất nước có nhiều cơ hội, cơ hội đó đã đưa chàng lên đỉnh vinh quang. Bắt đầu có tiếng nói trong chính giới, hy vọng đóng góp cho quê hương một hòa bình thật sự. Chàng không còn đơn độc khi có những con người đồng chí hướng tuy khác màu da. Chàng trở thành đối tượng cho nhiều phe phái không thích; chàng đã phải chọn đất khách làm quê hương dung thân suốt những năm tháng chịu kiếp  lưu đày. Trong tâm luôn đau đáu cho quê hương.

Không thể phí uổng thời gian cho vận mệnh đất nước do những thế lực đen tối chi phối.Chợt lóe tia sáng một lối rẽ, một lối rẽ không còn chông gai gập ghềnh như thuở bồng bột. Trở lại phục hung con đường đạo học dân tộc cưu mang qua bao thế hệ. Con đường chàng “hiệp sĩ” nở hoa đã được tôn vinh như những nhân vật được tôn vinh “danh nhân văn hóa”. Chàng là một nhà văn, nhà thơ,nhà sử học, nhà giáo dục, một Thiền sư…nhưng vẫn là một nghệ sĩ đúng nghĩa.Bản chất nghệ sĩ đã dung hóa giữa  Đạo và đời, giữa hai nền văn minh dân tộc và thời đại. Trên đất khách vẫn tồn tại màu đất sét quê hương nơi tấm áo; chiếc nón lá rộng vành trở thành thời trang trên vùng trời Âu Mỹ. Một đoàn người gồm nhiều chủng tộc đầu tròn áo vuông chậm bước trên đất nước công nghiệp.tâm thái từ tốn giữa xã hội sôi động. Nếp sống xa lạ đã chinh phục được bao trái tim không phân biệt màu da, tín ngưỡng. “Hiện pháp lạc trú” đã thay đổi hơi thở trong nhiều tầng lớp xã hội. Phương Tây đã tiếp nhận một cách nhẹ nhàng như hơi thở vào ra. Rồi quê hương, sau bao năm chấm dứt chiến tranh, kinh tế dần phục hồi, nhưng đạo đức là mối lo canh cánh của chàng “hiệp sĩ”.Trên bốn mươi năm tha hương, đoàn người vừa quen vừa lạ đặt chân lên quê mẹ như đoàn con thân thương trở về xóm cũ với tâm hồ hởi; nhưng rồi, chàng “hiệp si” năm xưa vẫn là kẻ xa lạ trên chính quê hương mình.

Bóng chiều chếch về Tây, hoàng hôn sắp phủ cảnh vật, chàng “hiêp sĩ” năm nào vẫn men về lối cũ, leo lên dốc đá mệt mỏi, nhìn lại chốn xưa, cổng Tam quan hé mở, chàng ngã mình bên tháp cổ, nhìn cảnh vật hoang sơ như thuở ra đi. Một giấc mộng mấy mươi năm để rồi vẫn là quê hương ta dó. Sự nghiệp, danh vọng chỉ còn áng mây lưng trời. Công lao vạch lối cho một thế hệ tiếp bước hy vọng thay đổi tầm nhìn mà lâu nay bị cô đọng trong biên kiến ngã chấp.

Sao mai vừa mọc, lại một cánh sao lìa trần giữa lúc Xuân sắp về, chàng hiệp sĩ năm xưa ra đi lúc nước nhà đang chinh chiến, nay trở về cát bụi là lúc quê hương dính phải dịch ôn. Sứ mạng lịch sử nhân loại bia đề, nhưng sâu đậm vẫn là hạt lệ nặng lòng của bao con người thương tiếc tiễn đưa.

Chàng “hiệp sĩ” năm xưa nay là một “nghệ sĩ” trên nền trời văn hóa tâm linh của thế hệ đương thời.Nhân loại nghiêng mình cung tiễn người đi!

 

MINH MẪN                                                                                                                  
   22/01/20

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

CỘI TÙNG NGÃ BÓNG

 

Ngôi chùa cổ miền Trung nước Việt, ngoài cây đa, cội đề, còn có vô số cây kiểng tô đẹp vườn chùa, trong đó cội tùng, không chỉ là cây kiểng, còn là biểu tượng uy nghi khi mà cây Bồ Đề có một gốc rễ thám sâu bảo vệ lòng đất của chùa, tất cả đều tỏa bóng hợp đoàn làm nên bóng hình đặc thù của đạo Phật và hồn quê.

Miền Trung là vùng đất chịu nhiều áp lực thiên tai, do vậy, kinh tế cũng trở nên khó khăn hơn miền Nam quá nhiều thuận lợi. Địa linh sanh nhân kiệt, từ chốn khổ đau trăm bề, trui rèn người dân sức chịu đựng và có tinh thần hướng thượng.Ai không đành rời quê để bám trụ mưu sinh trên ruộng đồng khô khốc vào mùa nắng, lầy lội ướt sũng lúc mưa sa; quanh năm vẫn tời lá chống lại mưa phùn lom khom vùng chợ quê truyền thống. Tuổi trẻ, cầu tiến, tha phương lập nghiệp, cũng không thiếu người thành đạt nơi đất khách là những danh nhân, thi sĩ, tôn giáo tài hoa. Huế là vùng đất lạ, bao kẻ ra đi luôn nhớ quê nhưng ít ai muốn về để nhìn lại nét lủng lờ của sông Hương, tầm cao khiêm tốn của núi Ngự; vẫn thủy chung nhưng không cùng với nghiệp dĩ.

Những cơn bảo hung tợn tàn phá quê hương hay làn gió phớt nhẹ đong đưa cây lá, hồn quê và chùa quê vẫn trầm mặc vô tư nuôi lớn cội Tùng vốn yếu đuối hơn gốc Bồ Đề; Bảo táp qua đi, mưa phùn lê thê suốt ba tháng chấm dứt, nắng cháy da đón gió hạ Lào tràn san, cây vẫn xanh, hoa vẫn tươi quê làng vẫn trầm mặc muôn thưở.

Rồi một ngày, cội tùng già cỗi, trong đêm giá lạnh Xuân về, thầm lặng xuôi thân trên đất mẹ. Một thời vang bóng tùng lâm, cội tùng đã đi vào biên niên sử Phật giáo, một cội tùng, trên đất mẹ như vừa lạ vừa quen, tưởng chừng bao lần gục ngã, thế nhưng, kiên cường, bất khuất, với tinh thần vô úy và thầm lặng, cội tùng đã góp phần to lớn cho “mái chùa che chở hồn dân tộc”, đã vĩnh viễn khuất bóng. Trên mãnh đất này, sẽ còn những  chồi non đang vươn, tiếp nối khung trời mỗi khi Phật giáo đón thái dương hay lặng chìm trong cõi hoàng hôn của kiếp sống.

Được tin, trên quê hương đó, một nhân cách lẫy lừng quốc tế, làm rạng danh Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, một Thiền sư nhập thế vừa ra đi lúc khuya ngày 22/01/2022. – Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH.

 

MINH MẪN                                                                                                             
22/01/2022