5 giờ sáng, cuộc điện khác thường từ danh bạ mang tên Thầy G.D:
-
Ông có bà mới?
Tưởng nghe nhầm – hỏi lại – vẫn câu nói trên .
-
Dạ chưa, đó là tấm ảnh lúc nàng 30 tuổi,”
hoa khôi” một huyện ven 40 năm trước .
-
Cô ta là “hoa khôi”, ông là “hoa héo”.
***
Vâng, “hoa héo” xuất hiện sau nhiều thập niên làm
thân cô lữ, là con “bà Phước” trong trại cải tạo, mang thân tù mà không có tội,
chỉ vì làm việc cho một bậc chân tu lãnh đạo một GH trước 1975.
Duyên số thân “hoa héo” ốm đói, đen nhòm, kết duyên
với “hoa khôi”sau khi thoát khỏi cá chậu chim lồng; bơ vơ biết về đâu! Cổng
chùa khép kín, từ chối với tầm nhìn e sợ kẻ mang án tích; cơm cho ăn nhưng
không cho chỗ trú; chùa thường xuyên bị xét hàng đêm. Công viên, gầm cầu là điểm
thường ngã lưng khi bóng đêm vừa phủ .
Nàng là con út trong gia đình nhiều anh chị. Cha mẹ
ra đi khi tuổi đời nàng đủ khôn lớn. Xã hội buổi giao thời, trai tráng ở tuổi
lính đều vào trại tập trung, con tim “hoa khôi” cũng bị giam hãm trong cô quạnh.
Một tí sương tình làm tươi tỉnh cuộc sống muộn màng. Anh chị dòng họ của nàng
không vừa lòng với lứa đôi không ngề nghiệp, không vốn liếng, lại thêm án tù.
Thế nhưng, dẫu sao vẫn còn hơn những tháng ngày dầm mưa dãi nắng trên rừng sâu
nước độc, nuôi bữa bằng rau dại, lá non trong rừng hoang. 6 km đường dài từ nhà
về khu đông dân cư hàng ngày, cứ như cánh chim thênh thang trong bầu trời; vỉa
hè là điểm sống bằng nghề bơm ga dạo.
***
Đầu tiên trong đời biết cầm cuốc, khai hoang đất rừng,gánh
nước tưới rau cung cấp hàng trăm tù nhân; biết kiếm sống trên vỉa hè, biết nhẫn
nhục cho đời dẫm đạp bởi tấm thân “hoa héo”, biết chịu đựng những ngây ngô vụng
dại của một con gái út được cha mẹ cưng chiều.Vất vả, khổ đau từ tấm bé, vẫn bất
mãn những dị biệt va chạm trong mái ấm thường ngày. Sáng đi tối về, vì cuộc sống
biến mình thành cổ máy được lập trình mà buồn vui chỉ là hạt bụi bám vai;sự hiện
diện của nàng như là điều tất yếu phải có. Đến khi nàng ngã bệnh, bình thản
không hề nhăn nhó. Nhiều tháng gửi thân trong nhà dưỡng lão, cách xa 60km, cứ một
vài tuần qua thăm viếng nàng; tuy đường xa và nhiều xe công, đoạn đường canh
báo thường xảy ra tai nạn chết người, thế nhưng, cũng phải cố gắng đến để nàng
được an ủi; nàng tha thiết muốn gặp mặt bà chị và đám cháu, nhưng nào ai quan
tâm tình cảm của người sắp ra đi. Những muỗng cháo bón cho nàng khi sức khỏe
tàn kiệt, cặp mắt u buồn nhìn chồng như muốn nói điều gì. Cuộc điện của con từ
nước ngoài thăm mẹ - mẹ khỏe không? – giọng thều thào yếu ớt đứt quãng đáp – mẹ
khỏe – khóe mắt lưng tròng chảy dài trên khuôn mặt già nua,phúc hậu.
Có nhà cửa, có chồng con, có anh chị bà con họ hàng,
nhưng ra đi nơi xa lạ quạnh quẽ. Giờ phút cuối không nhìn thấy người thân. Quy
y với Phật giáo Khất sĩ, mãn phần được đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo trợ niệm.
Đời người mấy mươi năm từ “hoa khôi” biến thành già
nua bại liệt; có tất cả khi ra đi mất tất cả, còn lại niềm luyến lưu cho người
sống và nghiệp nhân của kẻ lìa đời. Cha con nhắc nhở nhau cái ngày chia ly phải
đến, tinh thần được chuẩn bị và sẵn sàng chấp nhận, nhưng mỗi lần cúng thất, mỗi
khi ai nhắc đến, đứa con 8 năm chưa hề gặp mặt mẹ, đã khóc suốt, đi các chùa nhờ
cầu siêu cho mẹ,gửi đồng tiền ít ỏi về phóng sinh làm phước cầu siêu cho mẹ,
nhưng vẫn không tin là mẹ đã ra đi vĩnh viễn.
***
Chung thất, chư huynh đệ đồng đạo đến nhà dưỡng lão
cầu siêu cho hương linh về chốn an lành. Một số chùa vẫn tự nguyện hàng đêm chú
nguyện. Bao kỷ niệm chung sống tràn về trong ký ức, những nét thân thương đã lấn
át bao phiền muộn nhau. Chứng kiến nhiều cuộc chia ly, làm sao cảm nhận được niềm
đau trầm thống khi người thân của chính mình. Biết tử sanh là lẽ thường, nhưng
nước mắt nhòa nhạt bàn phím khi nhắc lại “hoa khôi” thoáng chốc 49 ngày lìa cuộc
sống; Từ phương xa, thường ngày vẫn điện về tâm sự với cha, con hỏi:- giờ này mẹ
ở đâu hở ba? Tuy câu hỏi ngớ ngẫn nhưng chứa đựng một niềm thương nhớ, khắc khoải
sâu xa. Hai cha con còn lại tấm hình “hoa khôi” và kỷ niệm thuở chung sống dưới
mái nhà, nước mắt lại thấm áo. Trước sự mất mát lớn lao trong đời, mỗi khi con
nhận được điện thoại bất thường từ Việt Nam gọi qua, hay con gọi về nhiều cuộc
mà không nghe máy, lo sợ thêm một bất hạnh, con gọi điện những bạn quen của ba
để xác định, vì đời con nơi xa lạ xứ người, chỉ còn người cha già trên quê
hương, suốt cuộc đời tần tảo cho con ăn học thành tài, chưa biết lúc nào gặp lại.Ngày
nào đó, cha con cũng phải xa nhau, nước mắt tiếp tục thấm vào lòng con,đó là
quy luật ngàn thu. Cảm thấu được niềm đau mất mát, xin chia buồn cùng những ai
đã có gia cảnh tương tự.
Mọi phước báu có được, xin hướng về hương linh Nguyễn
thị Bạch Lan an hưởng nơi cõi lành.
MINH MẪN
14/01/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét