Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

@@@ THẬT


@@@ THẬT…
Cuộc sống, nhìn quanh đâu cũng thấy Thật. Bạo động cũng có thật, giả dối cũng là thật, tham dục cũng hiện hữu thật, sợ hải cũng có thật, nhiếp phục uế trược cám dỗ cũng thật, tài sản, vợ con, tình yêu, danh vọng, địa vị… đều thật hết.
Chính cái Thật đó mà khổ đau phát sanh cũng là Thật.
Kinh Sự Thật Đích Thực (do sư ông Làng Mai tuyển dịch)
(Kính Diện Vương Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ năm, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Paramatthaka Sutta,Sutta-Nipàta 796-803
1. Mình còn mờ mịt mà cứ nói rằng kẻ kia chẳng bằng mình. Vướng víu si mê, cứ để tháng ngày trôi qua, bao giờ mới có cơ hội thấy rõ chân lý? Chưa có pháp môn tu đạo mà cứ nói mình đã thực tập xong xuôi. Tâm còn loạn động, chưa biết hành trì, bao giờ mình mới có được kiến giải thực sự?
2. Cứ nghĩ rằng người khác phải hành trì theo cái hành trì của mình. Tự cho rằng cái thấy, cái nghe và cái thực tập của mình là không ai bằng được. Chính mình đang bị sa đọa và ràng buộc vào trong năm cái hang động dục lạc của cuộc đời mà mình vẫn cứ ba hoa nói mình hơn người.
3. Còn ôm chặt si mê và vọng tưởng mà cứ tưởng rằng mình đã đạt tới chỗ chí thiện. Cái học hỏi và sự thực tập của mình còn sai lạc mà mình lại cứ ham muốn độ đời. Những gì thấy, nghe, suy nghĩ, và cả những nghi lễ và cấm giới mà mình hành trì, mình vẫn còn bị kẹt vào đấy, chưa thoát ra khỏi.
4. Bậc thức giả thấy người thế gian đi theo con đường ấy thì nhất quyết không chịu đi theo. Ta chỉ nên hành trì theo chánh niệm và trong khi hành trì phải hết sức thận trọng. Đừng cho rằng mình bằng người, hơn người hoặc thua người.
5. Cái bây giờ mình không nắm bắt, cái sau này cũng tuyệt đối không làm mình vướng bận. Buông bỏ mọi chủ thuyết, mọi ý tưởng, một mình đi trong tự do. Tuy vẫn có cái biết và cái thấy, nhưng thường quán chiếu để không bị kẹt vào chúng.
6. Không kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên, không kẹt vào ý niệm thọ mạng, ý niệm về đời này và đời sau, kẻ trí giả đi theo con đường trung đạo, quán chiếu các pháp để đạt tới thiền định chân chính.
7. Phải quán chiếu về những gì thấy, nghe và cảm nhận để đừng khởi lên tà niệm và bị kẹt vào tri giác sai lầm. Dùng trí tuệ để quán chiếu tâm ý và đối tượng tâm ý để buông bỏ được tất cả, không còn bị vướng vào một pháp nào trong thế gian.
8. Nếu các pháp đều không thực sự hiện hữu, thì còn pháp hành trì nào nữa để cho ta kẹt vào? Phải biết tìm trong pháp hành trì của mình cái đệ nhất nghĩa đế, cái sự thật đích thực. Không bị kẹt vào nghi lễ và giới cấm, không cho đó là chân lý, nhờ đó mà vượt qua được bờ bên kia, không bao giờ còn trở lại chốn sinh tử.
Qua Kinh Sự Thật Đích Thực do sư ông Làng Mai diễn dịch từ 8 bài kệ, cho thấy tính chủ quan của mình khi đánh giá người khác về nhiều khía cạnh, nhất là pháp hành trì. Tự cho pháp hành của mình là đúng, người khác là sai. Còn chấp chặt si mê vọng tưởng mà ngỡ mình đã đạt đến chỗ chí thiện, ham muốn độ đời. Hành giả cần quán chiếu thoát vượt nhị nguyên để không bị vướng kẹt chấp ngã, chấp pháp bởi tri giác sai lầm. Các pháp thật sự không hiện hữu!
Tầm nhìn do định kiến được chủng tử huân tập trong quá khứ, môi trường sống và sự truyền đạt hiện tại, hướng đến xây dựng một tương lai trên cơ sở tri giác sai lầm… tất cả đều là sự thật. Nhưng, trước cái quanh quẩn lòng vòng kiếp sống, các nhà viễn kiến khoa học đi tìm nguyên nhân ban đầu để xác định cái Thật hiện tại. Trải qua bao giai đoạn trong quá khứ, từ một hiện tượng giản nở, Big Bang ra đời, xem đó là khởi nguyên của hiện hữu. Đối với nhiều người, Big Bang đã thay thế ý niệm về sáng tạo thế giới của tôn giáo. (Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn học) cũng lúc này, để tương thích với khoa học, dọn chỗ cho giáo lý Kito với khoa học, năm 1951, Giáo Hoàng Pius XII đã liên kết lời Chúa dạy trong sách Sáng Thế Ký "Hãy có Ánh sáng" với sự nổ bùng của Big Bang. Nhưng, đối với nhà khoa học kiêm tu sĩ Lạt Ma bảo rằng: Big Bang như thế chỉ giản dị là một giai đoạn nào đó trong một chuỗi dài chuyển đổi liên tục vô thuỷ vô chung…
Dĩ nhiên trước đó cũng đã sản sanh lý thuyết Thần tạo. Trong số tín hữu Thần tạo lần ra manh mối một luồng sáng mới đối nghịch với sự truyền đạt tín điều, quan kiến đó đã bị bịt đầu mối, mãi đến khi khoa học khai sáng nhiều yếu tố vừa mang tính thực dụng, vừa mang tính siêu hình; tất cả những lý thuyết quá khứ phải xét lại. Từ thế kỷ hậu bán thứ XV, khoa học chớm phát triển, mãi đến tiền bán thế kỷ XX, vật lý thực dụng giúp khoa học có bàn đạp tiến sâu vào lĩnh vực vũ trụ học, trong đó viễn vọng kính Hubble đã giúp các nhà khoa học có tầm nhìn và định lượng thoáng đạt hơn về vũ trụ.
“Ngay từ những năm 1940, người ta đã bắt đầu nung nấu ý định về một chiếc kính viễn vọng không gian nhưng mãi đến cuối những năm 1970 thì đó vẫn chỉ là ý tưởng, đề xuất và nhiều nhất là phác thảo trên bàn giấy. ..Rồi thì qua bao nỗ lực, cuối cùng vào tháng 4 năm 1990, Hubble đã hoàn thành và chính thức phóng lên quỹ đạo từ Trạm không quân mũi Canaveral, Hoa Kỳ. Nó có thể thu nhận ánh sáng từ vật thể cách xa 12 tỉ năm ánh sáng (Kính viễn vọng không gian Hubble).
Và lý thuyết dây ra đời (String Theory) Lý thuyết dây không chỉ dừng lại như là một thuyết của tương tác mạnh, mà nó còn là một thuyết hấp dẫn lượng tử. , thuyết dây là một thuyết hấp dẫn lượng tử có nền tảng toán học vững chắc, và các nhà lý thuyết hy vọng có thể đo được giá trị của hằng số vũ trụ dựa trên các tiên đề của nó. (lý thuyết dây)
Các nhà khoa học thẩm thấu vào lý thuyết dây, vở lẽ rằng chúng cũng chỉ là sự tập hợp các nguyên tử, mà nguyên tử cũng không phải là điểm cuối cùng, chúng có đám mây di chuyển chung quanh hạt nhân trung tâm gồm proton và neutron, và bên trong proton, neutron còn có những hạt nhỏ hơn gọi là hạt quark, biến nó thành sợi dây năng lượng dao động, chúng tạo ra các phân tử khác nhau cấu thành nên thế giới vật chất. Vì thế nếu những quan niệm này đúng, đây là khung cảnh siêu vi của vũ trụ Thật. Nó được xây dựng bởi một số lượng lớn các sợi năng lượng dao động siêu nhỏ, dao động với các tần số khác nhau. Những tần số khác nhau này tạo ra các phân tử khác nhau. Các phân tử khác nhau này chịu trách nhiệm làm nên cuộc sống giàu màu sắc quanh ta... (lý thuyết dây và sự cố gắng của nhân loại). Đây là sự Thật ư?
Vậy do đâu có string theory? Đến đây là đoạn bế tắt, các nhà khoa học vật lý cần một bước nhảy qua một khoảng không vô tận, khoảng không này có thể là black hole, có thể là "duy thức học" của nhà Phật? Đây là sự Thật!
Trong quá trình truy tầm và thử nghiệm, Lý thuyết siêu đối xứng, Lý thuyết dây là học thuyết lớn nhất, Thuyết tương đối rộng và thuyết trường lượng tử... đều là lý thuyết trừu tượng chứng minh sự hiện hữu vật thể, lúc bấy giờ được xem những phát minh đó là Thật. Nhưng cái gì làm ra chúng???
Đến khi, nhà khoa học Brian Greene nói mọi vật kể cả chúng ta là con người có thể là hình chiếu holograms, nếu “tắt đèn chiếu” đi thì mọi vật sẽ biến mất. Hình holograms là hình nổi như thật, nhưng đó chỉ là chiếc bóng không sờ đụng được, khác với hình ảnh trên màn hình, nó xuất hiện trong không gian như thật, khi tắt máy thì chúng cũng biến mất; Đây quả là bước tiến nhảy vọt không cần thông qua lý thuyết trừu tượng để chứng minh mọi vật hiện hữu chỉ là ảo ảnh, do đó, neutron, proton, hạt nhân, hạt quark.... cũng chỉ là chiếc bóng chập chờn trước ống kính tâm thức lão hóa. Brian Greene đã chạm đến ngưỡng cửa khoa học “Duy thức” của Phật giáo. Đây là sự Thật.
***
Về khoa học vật lý mằn mò đã là thế, lòng vòng không tìm thấy đầu dây mối nhợ, trong lúc đó, các nhà khoa học tâm linh không cần sử dụng tiện nghi vật lý, vẫn có thể chứng minh được sự hiện hữu mọi hiện tượng.
“Khoa học thẩm thấu nhiều ngóc ngách cuộc sống, trong đó, cổ sinh vật học, cổ địa lý học, cổ khí hậu học, cổ thực vật, sinh vật, động vật học và sinh thái học... về mối tương quan, tương tác lẫn nhau, đưa đến sự tiến hóa trong vũ trụ và riêng tinh cầu chúng ta.
Theo quan kiến của các bậc minh triết chứng đắc:... trong tiến trình sinh hóa, loài Kim thạch tiến hóa thành loài Thảo mộc, thì các phần tử Kim thạch phải tan biến thành đất để nuôi loài Thảo mộc, sắc tướng Kim thạch có tan rã thì sắc tướng Thảo mộc mới phát sinh. Nói một cách khác, Kim thạch có hy sinh làm đất thì Thảo mộc mới có thể sinh sôi nảy nở. Cũng như thế, loài Thảo mộc có trở nên thức ăn nuôi dưỡng thì loài Thú cầm mới có thể phát triển được. Cỏ cây hoa lá có hy sinh thì sự tiến hóa của chúng xuyên qua các loài Thú cầm mới tiếp tục được. Sắc tướng này có chết thì sắc tướng khác mới nảy sinh. Sự tiến hóa từ loài Kim thạch qua loài Thảo mộc không gây đau khổ vì sự phát triển của chúng còn thô thiển nên chưa có cảm xúc.Tuy nhiên bắt đầu ở loài Cầm thú thì các thể tình cảm đã phát triển nên chúng biết cảm xúc. Tuy nhiên bắt đầu ở loài Cầm thú thì các thể tình cảm đã phát triển nên chúng biết cảm xúc đau đớn nhưng vì lý trí chưa phát triển mấy nên chúng sống bằng bản năng nhiều hơn. Khi tiến hóa chuyển kiếp thú thành người, các thể tình cảm phát triển rất mạnh, nhưng con người khác con thú ở điểm họ bắt đầu phát triển thêm về lý trí nên có thể tự do lựa chọn. Loài Kim thạch, Thảo mộc, Cầm thú hoàn toàn sống theo các định luật thiên nhiên, nhưng con người có thể quyết định đời sống của mình.
Chu trình tiến hóa của loài người bắt đầu phát triển các thể tình cảm (xác thân) và sau đó phát triển các thể lý trí (tinh thần) và khi lý trí chủ trị được tình cảm thì họ sẽ bước vào một giai đoạn tiến hóa mới.” (Trở về xứ Tuyết của Nguyên Phong).
Những minh chiếu trên đây cũng là giai đoạn triển khai hữu hình trong một chuỗi dài diễn hóa tâm thức. Nó là Thật của cái thật vọng tưởng. Một câu nói nổi tiếng của một Thiền sư: “Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không”.
Trong giấc mộng, mọi hiện tượng đều là thật, và thấy rất thật đến khi tỉnh thức, những hiện tượng đó hoàn toàn diễn ra hết sức phi logic, cái biết phi logic này cũng rất thật. Cái Thật của mộng và cái thật lúc thức đều là thật trong giai đoạn ước định.
Cuộc sống trầm luân là đêm dài lắm mộng, tạo ra mắc xích nhân quả, tạo nên luân lưu trong lục đạo thấy như là Thật, có khổ đau thật, sung sướng thật, cõi Trời hưởng lạc là thật, địa ngục khổ đau là thật... cũng như màn ảnh Holograms, dưới tuệ giác của bậc chứng đắc giác ngộ, chúng là hình nổi trong không gian đa chiều như là Thật; mà Thật như là… “nhạn quá trường không - ảnh trầm hàn thủy”.
Khi đã hiểu mọi vật là Không Thật, đó là sự thật trong nghiệp thức quy ước của trầm luân. Nó không có một bản thể cố hữu quyết định làm nền tảng, thì làm gì có nguyên nhân khởi đầu để làm căn bản tìm ra manh mối cho thiên hà vạn vật là Thật?
Hành giả khai phá vũ trụ qua tâm thức không bị bế tắt như nhà khoa học đứng trên đầu sào trước hố thẳm cheo leo. Trang bị hành trang cho hành giả là tinh thần Bát Nhã tâm kinh, trong khi khoa học gia phải trang bị mớ kiến thức và lý thuyết hỗn độn bên đống ngổn ngang máy móc vật lý. Dùng vật lý đi tìm khởi nguyên vật lý cũng chỉ là người trên lưng trâu đi tìm trâu. Hành giả buông bỏ, kể cả ý niệm về buông bỏ mới thấy được ngọn ngành của mọi hiện tượng. Sự thật được hiển bày.
***
Từ đây được hiểu rằng, đối thoại, phán xét được trang bị kiến thức một chiều, chắc chắn không thể đúng đối với đối tượng bị phán xét, bị kết tội, có một trang bị kiến thức, hiểu biết ở một lãnh vực khác chiều. Đây là sự thật nếu muốn hóa giải một cách dung hợp trong tinh thần đoàn kết xây dựng. Với Kinh Sự Thật Đích Thực, hãy từ tốn, chẫm rãi thấm đượm từng phần, chiêm nghiệm từng phần, sẽ thấy vị tri ta đang đứng ở đâu, đang là thầy thiên hạ hay là đang xin học những gì thế gian có, để làm tư lương vượt thoát kiến giải đang bị nhị nguyên bó buộc.
Cái hiểu biết, cái học hàm học vị là chiếc bóng tàng cây lê thê quét trên mặt đất, chả giúp làm sạch bụi bẩn, và cũng chả giải quyết được ảo ảnh nghiệp thức của muôn loài, đây là sự thật mãi đến khi tìm được sự thật thoát khỏi vô minh.
Kinh Sự Thật Đích Thực:
1. Mình còn mờ mịt mà cứ nói rằng kẻ kia chẳng bằng mình
2. Cứ nghĩ rằng người khác phải hành trì theo cái hành trì của mình
3. Còn ôm chặt si mê và vọng tưởng mà cứ tưởng rằng mình đã đạt tới chỗ chí thiện.
4. Bậc thức giả thấy người thế gian đi theo con đường ấy thì nhất quyết không chịu đi theo. Ta chỉ nên hành trì theo chánh niệm và trong khi hành trì phải hết sức thận trọng
5. Cái bây giờ mình không nắm bắt, cái sau này cũng tuyệt đối không làm mình vướng bận. Buông bỏ mọi chủ thuyết, mọi ý tưởng, một mình đi trong tự do.
6. Không kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên, không kẹt vào ý niệm thọ mạng, ý niệm về đời này và đời sau, kẻ trí giả đi theo con đường trung đạo, quán chiếu các pháp để đạt tới thiền định chân chính.
7. Phải quán chiếu về những gì thấy, nghe và cảm nhận để đừng khởi lên tà niệm và bị kẹt vào tri giác sai lầm.
8. Nếu các pháp đều không thực sự hiện hữu, thì còn pháp hành trì nào nữa để cho ta kẹt vào?
Với tinh thần thiền sư thì:
Bóng trúc quét sân trần chẳng động,
Vầng trăng xuyên biển nước không xao.
(Hoè An Quốc Ngữ)
Thật….
MINH MẪN
24/4/2019

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

* LẠ...



Cái gì chưa biết, gặp lần đầu thấy cũng lạ!
Cái gì chưa học, gặp lần đầu thấy cũng lạ!
Cái gì chưa biết nói, học nói lần đầu thấy cũng lạ!
Cái gì chưa bao giờ nghe, mới nghe lần đầu thấy cũng lạ...

Đành là thế, nhưng thế cũng chưa phải LẠ, có những cái từng biết, từng gặp, từng nghe mà vẫn thấy Lạ! Trong cuộc sống có nhiều cái lạ, quá lạ;

Thường lạ trở thành Lạ thường, nhưng khi xét lại vẫn luôn là Lạ.

Tàu lạ đâm ngư dân, không phải không biết tàu đó của ai, nhưng lạ là từng thề thốt “môi hỡ răng lạnh, thắm thiết 16 chữ vàng” thế mà vẫn giết nhau mới Lạ.

                                                      ***
Khi ấy, đức Phật đang ở tại thành Vương Xá, vào buổi sáng sớm đi khất thực, nhìn xa xa về phía núi Kê Túc thấy có một chàng con nhà trưởng giả tên Thi-ca-la-việt đang chải đầu, súc miệng, rửa mặt, thay y phục sạch sẽ, rồi hướng về phương đông lạy 4 lạy, hướng về phương nam, phương tây, phương bắc cũng lạy mỗi phương 4 lạy, lại hướng lên trời lạy 4 lạy, hướng xuống đất lạy 4 lạy.

Đức Phật liền đến nhà người ấy, hỏi: “Con đang làm gì vậy?” 
Thi-ca-la-việt đáp: “Con ở đây lễ lạy sáu phương.”
Đức Phật hỏi: “Lễ lạy sáu phương như vậy là theo pháp gì?” 
Thi-ca-la-việt đáp: “Khi cha mẹ còn sống có dạy con mỗi buổi sáng sớm phải lễ lạy sáu phương, con cũng không hiểu để làm gì. Nay cha mẹ đã qua đời, con không dám trái lời dạy.”
Phật nói: “Cha mẹ con dạy việc lễ lạy sáu phương không phải dùng thân lễ lạy như thế.Con đã hiểu sai ý của cha mẹ con rồi.”
Thi-ca-la-việt liền quỳ xuống thưa: “Xin Phật từ bi vì con giảng giải ý nghĩa việc lễ lạy sáu phương.”
Phật dạy: “Được, con hãy lắng nghe cho kỹ! Hãy để tâm vào lời dạy, ta sẽ vì con giảng rõ. 
“Hàng trưởng giả, những người trí thức, nếu như có thể trừ dứt sáu pháp xấu ác, đó chính là lễ lạy sáu phương.
“Những gì là sáu pháp xấu ác? Một là tham uống rượu, hai là mê cờ bạc, ba là thích ngủ sớm dậy trễ, bốn là ưa mời thỉnh khách khứa, năm là thích kết giao cùng kẻ xấu, sáu là ham thích việc giết hại, lừa gạt, dan díu vợ người. Nếu có thể trừ dứt sáu việc ấy, đó là lễ lạy sáu phương. 
“Nếu con không trừ được sáu việc ấy thì sự lễ lạy nào có ích gì? Lại còn lan tràn tiếng xấu, việc nhà rối loạn, tiền của tiêu tốn, thân thể yếu đuối, gầy còm, việc lành ngày càng mai một, kẻ xa người gần không còn ai kính trọng!
Phật lại bảo Thi-ca-la-việt: “Bảo con lễ lạy phương Đông là có ý nghĩa phụng dưỡng cha mẹ...
“Lễ lạy phương Nam là có ý nghĩa người học trò phụng sự thầy... 
“Lễ lạy phương Tây là có ý nghĩa vợ chồng đối đãi nhau theo lễ…...                      
“Lễ lạy phương Bắc là có ý nghĩa trong sự giao tiếp cư xử với thân thuộc, bạn bè, đôi bên...                                  “Lễ lạy phương dưới là có ý nghĩa người chủ và kẻ giúp việc cư xử với nhau trên tinh thần trách nhiệm...                “Lễ lạy phương trên là có ý nghĩa bổn phận của người cúng dường các bậc sa-môn, thiện tri thức. Nếu không làm được như vậy, dù lễ lạy cũng là vô ích.”
Bấy giờ, Thi-ca-la-việt liền xin thọ trì Năm giới, ân cần lễ bái Phật...
Lần đầu tiên Thi Ca La nghe được giáo nghĩa sâu xa việc lễ lục phương, thầm nghĩ kể cũng LẠ.

                                                     ***
Suốt 45 năm khuyến giáo đồ chúng, hầu hết đệ tử của Ngài phát xuất từ Bà La Môn giáo; Một tôn giáo nặng đa thần, có đệ tử xuất thân từ Hỏa thần giáo, cũng có vị là Phiếm thần giáo... thế nhưng, họ đều lấy làm lạ trước một giáo pháp chưa từng có trong xã hội Ấn lúc bấy giờ. Phật dạy: “Không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Một tuyên ngôn bình đẳng giai cấp trong xã hội bị ràng buộc 4 giai cấp một cách chặt chẽ mà tu sĩ, tôn giáo và quần chúng buộc phải chấp hành, kể cũng Lạ. Cái Lạ nữa là ngoài 1,250 Tỳ Kheo trực thuộc Tăng đoàn thân cận Phật, còn vô số sa môn, rải rác khắp thôn xóm, núi rừng, đa phần tăm tắp nghiêm trì giới luật, oai nghi tế hạnh làm nổi bậc khác hẳn giữa các đạo sĩ của các tôn giáo đương thời Chính vì do thân hành nghiêm túc mà suốt 12 năm đầu, chưa có vị Sa môn nào phạm luật, Phật chưa giáo giới. Năm thứ 13, có hiện tượng pháp hữu lậu xuất hiện, Tăng đoàn ít có phần chứng đắc giải thoát, ngài Tu Đề Na là vị Tăng đã trở về với gia đình sống chung vợ con như lúc chưa xuất gia, từ đó đức Thế Tôn mới chế giới, áp dụng cho vị nào phạm giới để thanh tịnh hóa Tăng đoàn và trang nghiêm giáo đoàn, làm chỗ dựa cho chư Thiên và loài người. Cho nên, Hán tạng gọi là “Thập cú lợi”, Pali gọi là “Thập lợi”. Mười điều lợi đó là:

1. Chỉnh đốn Tăng già
2. Làm cho Tăng hoan hỷ
3. Khiến cho Tăng được an lạc
4. Giúp ngời chưa tin sanh lòng tin
5. Giúp người đã tin càng thêm bền vững
6. Điều phục những người khó điều phục
7. Làm cho người hỗ thẹn được an lạc
8 Đoạn nghiệp hữu lậu trong hiện tại
9. Đoạn trừ nghiệp hữu lậu trong tương lai
10. Khiến Chánh pháp trụ lậu lâu dài.

Chư Tăng phạm giới làm ảnh hưởng đến ba vấn đề tự thân người phạm trong việc tu tập, ảnh hưởng đại chúng và mất niềm tin với quần chúng: 

1. Trở ngại con đường giải thoát và quả chứng
2. Tổn thương đến sự hòa hợp và an lạc của Tăng đoàn
3. Gây sự chê bai, hủy báng hay làm mất niềm tin đối với quần chúng.

Việc chế định giới luật là điều tất yếu để duy trì mạng mạch Phật pháp cũng chưa có gì lạ, Một cái Lạ là lúc đương thời, Phật vừa viên tịch khi  ấy, thầy Tỳ Kheo tên Bạt nan đà cũng có mặt, chợt phát biểu: “ Lúc này chúng ta nên vui mừng chứ sao lại khóc lóc như thế. Như Lai đã nhập diệt rồi, khỏe, chúng ta từ nay được tự do khỏi bị câu thúc hay ức chế gì nữa, muốn làm gì thì làm, mặc sức.”. Nghe những lời vô trí của Tỳ Kheo ấy, tôn giả Ca Diếp xót xa, lo lắng từ nay vắng bóng đức Đạo sư, không biết kỷ cương phép tắc của tăng chúng sẽ ra sao nữa ?Ngài bèn triệu tập 500 bậc La Hán cử ngài Ưu ba Ly trùng tụng 80 lần luật giới, toàn đại chúng nhất trí giữ nguyên không thêm bớt giới luật do đức Thế Tôn chế tác. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh mà linh động châm chước những điều nhỏ nhặt. (Luật học đại cương).

Không quy định rõ giới nào là nhỏ, nhưng qua  nhiều lần trùng tụng, cả Nam và Bắc truyền đều thống nhất những giới trọng không hề sai biệt. Có một điều lạ, tuy là giớitrọng không thay đổi, nhưng trong thời gian càng xa Phật, giới trọng lắm khi bị xem nhẹ hơn điều nhỏ, cái mà linh hoạt gia giảm điều nhỏ thì giới trọng cũng bị linh hoạt gia giảm một cách linh tinh, từ đó, Ba La Di là giới mà một khi tu sĩ phạm xem như không còn giới thể của một vị Tăng, bị tẩn xuất khỏi cộng trụ giới.
Ba La Di là giới quan trọng của tu sĩ, ngày nay, việc sai phạm thường xuyên mà không thấy Tàm quý cũng là chuyện Lạ trong nhà Phật. Sinh thời đức A Nan nằm mộng thấy 7 điều chẳng lành, đem trình với đức Phật: 

KINH BẢY GIẤC MỘNG CỦA ANAN
Hán dịch: Đời Đông Tấn_Thiên Trúc Tam Tạng TRÚC ĐÀM VÔ LAN

~ Việt dịch: HUYỀN THANH

A-Nan (Ānanda) ở tại nước Xá Vệ (Śrāvastī) có bẩy giấc mộng, nên đi đến thỉnh hỏi Đức Phật. 

Ngài A Nan, đệ nhất đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni trong 27 năm, khi còn trú tại thành Xá Vệ, ở phía Bắc Ấn Độ, Ngài đã có 7 giấc mơ kỳ lạ:

1. Mộng thấy lửa cháy đùng đùng trên mặt nước, những cột lửa nghi ngút tận trời cao.
2. Mộng thấy mặt trời biến mất, để lại thế giới Ta Bà chìm trong bóng tối. Thậm chí không có một vì sao trên bầu trời.
3. Các Tăng Ni, Phật tử bị rơi xuống một cái hố sâu, để cho con người thế tục bước qua trên đầu.
4. Rất nhiều lợn rừng trong rừng rậm đào xới gốc cây Bồ Đề.
5. Mộng thấy A Nan đội đỉnh núi Tu Di trên đầu mà không hề thấy nặng.
6. Voi bố mẹ bỏ lại đàn con của mình.
7. Cái chết của sư tử, chúa tể rừng xanh. Những cánh hoa rơi trên xác con sư tử, tất cả thú vật đều bỏ chạy toán loạn. Không lâu sau, các con bọ bắt đầu xuất hiện trong cái xác và ăn thịt nó.

Những điềm mộng báo hiệu mạng mạch Phật pháp suy tàn sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn; như thế cũng chưa lạ mà lạ là các trưởng tử Như Lai chú trọng bề ngoài, chú trọng áo mão xuênh xoang, tranh đua quyền cao chức trọng, chạy chọt giáo phẩm cao quý, hãnh diện vật chất cao sang... giữa lúc quần chúng thèm đói giáo pháp; quần chúng vùng sâu vùng cao ước mong có bóng dáng Tăng sĩ hòa nhập vào đời sống bần khổ cùng họ. Sống nhờ bá tánh mà chả ai chịu khó đến với bá tánh cũng là chuyện hết sức Lạ. Còn vô số cái lạ khi PGVN được nhà nước hỗ trợ mọi mặt, phát triển bề nổi mà nội lực thiếu rèn luyện. Những bậc chuyên tu như đức Pháp chủ hay một số vị ẩn cư không đủ vực dậy những giới luật trong hàng Tăng chúng. Bản thân Ban Tăng sự dẫm chân tại chỗ, hơn 40 năm thống nhất mà Tăng sự chưa có kế hoạch chỉnh đốn Tăng già, củng cố nội lực, chưa có viện chuyên tu thực sự để có những sứ giả chân chánh ra phụng sự đạo. Phải chăng, những chức sắc trong GH không cần kiến thức, không cần chân tu,không cần giới luật, không cần năng động, miễn đáp ứng và thừa hành tốt mọi công việc được giao, đó là chuyện Lạ trong một tổ chức không còn lạ hiện nay.
Một chuyện lạ là có vài người mặc áo tu sĩ và sau đó, cả trăm thiện nam tín nữ mặc áo Lam, từ miền ngoài đến xin Lòng thương xót của Chúa ở Giáo Điểm do cha Trương đình Long quảng cáo thiếu nghiêm túc, đa phần là những kẻ không hiểu Phật pháp, không có trình độ hiểu biết, trong khi, trước 1975 cũng như sau này, nhất là Làng Mai, một số tu sĩ khác đạo có trí thức, vẫn lặng lẽ quy y nhà Phật mà chả ai làm rùm beng, kể cũng Lạ.

Thế thì chả Lạ gì những hiện tượng bất bình thường trong PG để rồi quần chúng bức xức bêu rếu những tà sư giả danh làm ô nhục nhà Phật. Chư Tăng tùy nghi linh động với pháp thế gian để lấy lòng dẫn dắt quần chúng, phương tiện đó lâu dần biến thành tùy tiện bị chúng sanh dắt dẫn theo nhu cầu của họ mà không hay. Thế giới ngày nay, chánh tà bất phân, tà mạnh chánh yếu, chánh bị xem là tà, tà được xem là chánh. Tâm thế đảo điên, chính vì vậy nhiều bậc chân chánh đều ẩn thân hoặc im lặng trước làn sóng áp đảo tà tâm. Đó là chuyện lạ giữa cuộc sống được xem là không lạ hiện nay.

MINH MẪN
13/4/2019

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

* GIẬU ĐỔ BÌM LEO

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

@@@ SAU MỘT CƠN MÊ



x


Việt Nam bắt đầu chuẩn bị vào Hè, nhiệt độ miền Nam oi bức báo hiệu vào cơn mưa nhẹ, miền Trung và Bắc tuy chưa chính thức hứng chịu cái nóng gió Lào chuyển sang, nhưng đôi khi ngột ngạt bất thường cũng làm ê ẩm cuộc sống.

Phật giáo không vì thời tiết mà trễ nãi việc đón nhận lễ Tam Hợp tại chùa Ba Chúc, tỉnh Hà Nam, vào năm 2019. Những năm gần đây, trước bao khó khăn dồn dập, GHPGVN đã vượt qua và thể hiện tầm vóc sáng giá. Tạo thế đứng giao tế với Phật giáo các nước bạn; thường đón nhận những đoàn nước ngoài đến viếng thăm; tạo điều kiện cho nước ngoài đến tìm hiểu về Phật giáo trong nước...

Với những sinh hoạt bận rộn như thế, Giáo hội vẫn phải bận tâm giải quyết những việc mà chỉ cần ban ngành liên quan vào cuộc. Việc Tăng phạm luật hay vài hiện tượng bất bình thường trong giới tu sĩ, đó là thuộc phạm vị của Ban Tăng sự, Ban nghi lễ, Ban giám luật... Có những vụ tai tiếng như ngày mồng một Tết tại chùa Phước Sơn cúng dường cho cả ngàn sư giả hàng năm, đã xảy ra đánh nhau, loan truyền chóng mặt trên các trang mạng. Đáng ra, Ban Tăng sự phải điều chỉnh lại việc phổ đồng cúng dường như thế, để sư Bửu Chánh rút kinh nghiệm. Những năm trước, cũng tại chùa Phước Sơn, sư Pháp Định thường trú, cũng gây xôn xao với Đàm Vĩnh Hưng trên trang mạng. 

Gần đây, một vài người mặc áo tu sĩ ni, đến “thú tội” với linh mục Long trong chương trình Lòng Chúa thương xót. Ở đây, ta không nói đến cách tiếp cận đối với những người tự nhận là tu sĩ Phật giáo của cha Long, cách quảng cáo, cách đặt câu hỏi và xưng hô thiếu tế nhị của cha Long, nhưng điều ta muốn nói là Phật giáo không thể nào quản lý chặt chẽ với những tu sĩ tự phát hoặc tu sĩ giả danh làm mất uy tín rất nhiều cho Phật giáo. Đây là một vấn nạn ngàn đời của Phật Giáo Việt Nam, vì Việt Nam có nhiều Tôn giáo, không như những nước lấy đạo Phật làm quốc giáo như Thái, Myanma, Lào, Campuchea...

Hiện tượng sư giả, sư mất nhân cách, sư làm tiền, sư khoe khoan tài sản như Thanh Cường phía Bắc, sư hát hò nhún nhảy trên trang mạng vùng quê Nam bộ... gần đây. Các sư Tân đồ lô (chứ không phải Tân Đầu Lô) đánh nhau ngoài đường... hàng ngày luôn xảy ra khắp nơi. Những ung nhọt nhức nhối đó nói lên cách quản lý không nghiêm túc của Giáo Hội, bởi lẽ, tinh thần tự giác, tự ngộ, tự độ của nhà Phật khó mà khép tu sĩ vào một quy luật khắc khe. Nhưng nhìn chung, nội tình Phật giáo, nếu có những hiện tượng bất kham, cũng chưa đến độ phạm giới trọng, mà có chăng, cũng chỉ phạm luật so với thời hiện tại. Nghiêm túc mà xét theo giới và luật cơ bản, thì khó ai mà giữ đúng trong cuộc sống ngày nay. Ví dụ giới không cầm giữ tiền bạc của quý. Vào thập niên 60 về trước, chư Tăng Khất sĩ không giữ tiền, sống bằng cách đi khất thực, ngày nay khó mà xin xe hay máy bay đi quá giang nếu không giữ tiền. Không những phải giữ tiền mà quý kim ngoại tệ cũng khó từ chối. Theo tinh thần nhà Phật, tùy nghi ứng biến, khế thời, khế lý, khế cơ mà linh động hành xử. 

Tuy nhiên, những dạng sáng mặc áo Phật đi xin, chiều thay đồ đi nhậu, tối lên sòng bài sát phạt của những kẻ tha phương lập nghiệp khó mà xử phạt; pháp luật không xử được thì Phật giáo cũng phải bó tay, chỉ thương cho quần chúng cứ thấy đầu tròn áo vuông là cúng dường, không phân biệt thật giả. Đó là những thành phần ngoài vòng cương tỏa. Quan tâm chăng là nội tình tu sĩ Giáo Hội. Có những trường hợp Ban Tăng sự cả nể thả trôi rồi “cứt trâu để lâu hóa bùn” cũng xong chuyện. Có những việc khi báo chí lên tiếng thì Giáo Hội lại xông xáo ra trận, nhưng lại đập ruồi bởi một lực sĩ. Những việc mà cho là mê tín, khi nó trở thành truyền thống của Phật giáo Bắc truyền, đành rằng sai đối với giáo lý lại nghiễm nhiên hợp lý với đức tin quần chúng cần nương náu. Chuyện áp vong, thỉnh vong, cúng vong... là việc cá thể của từng chùa; nếu sai phạm giáo lý mà không phạm giới luật, chỉ cần Ban Tăng sự địa phương, hoặc Ban Thường trực GHPG Tỉnh góp ý hoặc cảnh cáo, đâu nhất thiết cả một Giáo hội vào cuộc, chủ tịch HĐTS phải ký văn bản đình chỉ mọi chức vụ đợi giải quyết.

Một tu sĩ phạm luật, chỉ cần Yết Ma sám hối, nếu phạm trọng tội thì biệt trú hoặc tẩn xuất. Giáo luật nhà Phật có đủ tiêu mục giải quyết, nhưng rất tiếc, việc giải vong, áp vong... ở phái Bắc xảy ra qua nhiều hình thức như ngoại cảm, đồng bóng, tứ phủ, thầy mo, thầy pháp... Tu sĩ phía Bắc trước đây, không biết hầu đồng là không được lòng quần chúng, chứ không phải hiện nay mới có. Việc báo chí thổi phồng một việc quá bình thường và thêm vu khống việc tiền bạc đã tác động tai tiếng, lạc dẫn dư luận không ít, tạo cớ cho những kẻ ác cảm với Phật giáo nhập cuộc. Video clip của những người từng tham gia áp vong, giải oan đính chính với báo Lao Động về những vu vạ không đúng sự thật vụ chùa Ba Vàng. Trước áp lực của báo chí và dư luận, buộc Giáo hội nhập cuộc, nhưng nhập cuộc quá đà không cần thiết.

Khi báo chí nói không đúng sự thật, không những Phật giáo mất uy tín mà còn giúp cho nhiều đầu óc phong phú suy diễn những thế lực hậu thuẫn phía sau... một mũi tên bắn trúng nhiều mục tiêu. Biến thành cơn nóng cao độ khi mùa hè chưa đến vội. Bao nhiêu Phật sự đa đoan hàng ngày và lễ Vesak gần kề, chúng ta cần tỉnh táo phân biệt và nắm vững vấn đề chứ không bị tác động bởi dư luận báo chí. Những khả năng vực dậy một Phật giáo trầm luân lâu nay, không dễ gì bị đốn ngã gốc cổ thụ hàng ngàn năm tuổi.

Mọi ê ẩm vì thời tiết sẽ qua đi, mọi ê ẩm loạn động đưa ta vào cơn mê cũng có lúc phải tỉnh thức, đạo Phật vẫn là đạo Tỉnh thức, tại sao ta không tỉnh thức trước những cơn mê của kẻ loạn động làm rối loạn cuộc sống? Phía Bắc tuy chưa ảnh hưởng cái nóng mùa Hè, vẫn bị tác động bởi dư luận bị lạc dẫn bởi kẻ ác muốn hạ nhục Phật giáo.

SAU MỘT CƠN MÊ!

MINH MẪN
05/4/2019