Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

* VẾT HẰN TRÊN ÁNH HÀO QUANG



3.000 năm huyền diệu sóng sánh đạo vàng; nơi ươm nở, chốn tỏa hương. Đâu đó non cao núi thẳm, đức thầm lặng ẩn mình rèn đạo lực, một góc tinh cầu tỏa ngát hương từ.

Lan tỏa thắm nhuần đất Âu Lạc, mặt trời rạng chiếu buổi bình minh. Đã bao lần ân đức nguồn khai sinh giải thoát, hoa từ bi rạng rỡ một thời. Tiếp sức sống vua Trần nhân hậu, chốn Tăng đồ tiếp đuốc lưu danh. Phật giáo Việt Nam đậm trang lịch sử, một thời tỏa sáng Á châu. Nơi ấy, 400 năm an thịnh hòa bình.

Trăng lúc mờ lúc tỏ, đạo có thịnh có suy. Đuốc quang minh mờ bóng kinh kỳ. Nguồn đạo lực chân truyền cạn sức. Thiền môn phủ mờ trần tục, Tăng nhân nhuốm bóng bụi phàm. Suốt đêm dài, chuông đại hùng não nùng lan tỏa, cô đơn len giữa dương trần. Ôm sức sống thê lương vào dân tộc. Dân tình điêu linh, áo giải thoát bạc màu sương gió. Một ngàn năm tôi đòi vong quốc, non trăm năm học tiếng xứ người, thiền môn chìm khuất góc quê hương, chốn phố thị phô bày Đạo lạ. Hiểu biết và kém học, áo chùng nâu dăm câu kệ ê a, đoạn ngày tháng giữ gìn văn hóa. Lực giải thoát lưu trang kinh sách, để mà xem mà tụng qua ngày. Mò kim đáy biển dễ tìm đâu bậc giải thoát vô minh.

Một ngày kia đất nước tạm thanh bình, chia đôi ngã dân tình thế thái. Một bác sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám, một Thiều Chửu, một Mật Thể, Mật Nguyện... truyền lưu chủng trí, sớm mai kia hoa nở đất Thần kinh, lan tỏa miền Nam đất Việt. Hệ thống Khuôn hội, chùa, niệm Phật đường, tu viện, trường Bồ Đề, đại học Vạn Hạnh... Đoàn áo lam rộ khắp bốn vùng. Trí thức, doanh nhân, thanh thiếu niên bô lão lòng như mở hội. Qua rồi đoạn khúc khuỷu gian nguy. 11 năm, anh chị em nhìn nhau như ruột thịt, thầy và trò chung một lối về. Nhưng, tiếng súng kết nối cầu Hiền Lương mối tình ruột thịt. Hơn 20 năm cách mặt xa lòng, ruột thịt đối mặt như người dưng nước lã; e dè, ngần ngại. Vết thương lòng phủ khắp quê hương. Kẻ còn người mất, kẻ ở người đi phù màu tang tóc. Sau 40 năm hòa dần cách biệt, lăn lóc đường dài ê ẩm người và ta, Phật giáo hồi sinh như mầm sống mới, cũng là lúc đạo lực tha hóa trầm trọng; chiếc vỏ hào nhoáng che đậy nỗi ô nhục tự thân; “Sư tử trùng thực sư tử nhục”, cậy thế quyền, cậy ô dù, cậy địa vị, ma quân đội lốt tu hành, gây não loạn, tiếng tai dân tình tha oán.

Một vết cắt còn đau thương toàn thân xác, những tà sư sao khỏi thương tổn giáo đoàn. Trên ngôi cao chắc Phật cũng xót thương, vì lời nguyền năm xưa khi Phật còn tại thế, ma vương thách: “Tôi không làm gì được ngài, hiện nay, vì oai lực ngài phủ trùm tam giới, nhưng ngàn năm sau, trong nhà của ngài tôi sẽ là ma tăng ân oán phải trả”. Biết là thế đành chịu thế, Dân tình thề chỉ quy nhị bảo, Tăng bảo không còn tin cậy. Phật giáo đang lên hay xuống dốc? Chùa chiền khắp nơi tìm một bậc chân sư quả là ảo vọng. Nay tai tiếng, nọ ô danh lan truyền tranh đua bão tố. Tướng thịnh thì tánh suy, quy luật ngàn đời khó mà chuyển đổi. Danh-lợi-tình cuốn trôi nét đẹp Tăng già. Trong đã rỗng thì ngoài phải hào nhoáng; thương dân lành bám tựa điểm chông chênh. Thầy về đâu, trò về đâu; đồng cung bậc hoàng hôn miền cô lữ!!!

Trên thảm nhung hào quang rực rỡ, vết hằn đen loang lỗ tím niềm đau. PGVN đồng xướng góc trời Nam vang vọng, khỏa lấp đường gập ghềnh che khuất ô danh. Hãy tin rằng, tận cùng tê tái, ngày hồi sinh hào quang tỏa không lâu. Vết hằn trên ánh hào quang chỉ chợt đến chợt đi, vì ẩn khuất các chân sư còn đó.

MINH MẪN
30/3/2019

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

* LỘNG GIÓ THIỀN MÔN

 
 Người ta nói rằng thầy tu làm giàu không cần vốn!
Người ta nói rằng đất nước suy thoái do Phật giáo!
Người ta nói rằng đạo Phật dẫn dắt con người vào chỗ mê tín!
Người ta nói rằng các sư sống cách biệt với quần chúng nghèo khó!
Người ta nói rằng các sư ngồi mát hưởng bát vàng!
Người ta nói rằng Phật giáo không đóng góp hữu ích gì cho dân tộc!
Và người ta nói rằng...
Trong luật Phật, chư Tăng độ ngọ, nghĩa là không ăn chiều; thời đức Phật chỉ một bữa trưa, sáng không ăn và chiều cũng nhịn. Ngày nay Phật giáo nguyên thủy vẫn duy trì giáo luật như thế, nhưng sáng chư Tăng có điểm tâm, chiều uống bột, nước sữa hay thức uống lõng. Một số bậc chân tu Bắc truyền cũng sống không ngoài giới luật. 

Tổ Bách Trượng chủ trương một ngày không lao động, ngày đó không ăn. Hiện nay, Tổ chùa Ráng, tức Đức Pháp chủ của GHPGVN hiện thời, tuổi ngoài 103, hàng ngày vẫn vác cuốc ra đồng. Vào thế kỷ XX về trước, một số chùa nông thôn tự cày cấy mà sống, nhà chùa có nông trang, nông điền tự cung tự cấp. Các chùa trong thị tứ, không có nông Thiền, phải tiếp nhận sự cúng dường; một số chùa trợ giúp quần chúng ma chay tế lễ xem như cùng nhau trao đổi cuộc sống. Một số bậc chuyên tu miên mật, không có thời gian lao tác, không giao tiếp trần tục, thường ẩn cư trên non cao núi thẳm, hạn chế nhu cầu bản thân tới mức tối thiểu. Sao gọi là ngồi mát ăn bát vàng?

Những chùa chiền nơi đô thị, kết hợp với quần chúng thường ủy lạo vùng sâu vùng cao; xây cầu đóng giếng, hỗ trợ bệnh nhân và dân nghèo những suất cơm từ thiện mỗi ngày. Một số chùa là nơi giảng dạy giáo lý, khóa tu chuyển hóa cho lớp trẻ về đạo đức, người lớn lấy niềm tin làm điểm tựa cho cuộc sống; hướng dẫn phạm nhân trong các lao xá; điều hướng cho các doanh nhân... trong phạm vi khả năng chỉ có thể đóng góp như thế, nếu là một Phật tử đủ uy đức và địa vị uy quyền như các đời vua nhà Trần, chống ngoại xâm, giữ bờ cõi, mở mang đất nước, khai sáng dân trí... sao bảo Phật giáo không làm hữu ích cho dân tộc?

Với giáo lý mang tính thực tiển, đem lại an lạc từng bước chân, từng hơi thở. Có lần đức Phật không trả lời những vấn nạn mang tính siêu thực; Phật giáo chủ trương giải quyết nỗi khổ niềm đau trong kiếp sống chứ không hướng đến những chuyện viễn vông. Đó là những tiêu chí cho các tu sĩ chuyên tu miên mật. Trong xã hội mở ngày nay, công cuộc hoằng pháp lợi sinh, tu sĩ kết hợp những tập tục lưu truyền do tinh thần Nho gia để lại mà chư Tổ đã uyển chuyển kết hợp với giáo lý nhà Phật, giúp quần chúng sống hài hòa, vừa thỏa mãn niềm tin nhân quả, vừa an lòng hiếu hạnh với thân nhân quá vãng qua nghi thức báo hiếu. Cũng từ đây, nghi thức tiếp linh, triệu linh, cúng vong, biến thành phong tục của người Việt. Hòa nhi bất đồng đã được Phật giáo khéo léo ứng xử hòa hợp trên tinh thần Tam giáo đồng nguyên, tránh được những bất hòa xung đột mà một số quốc gia xảy ra giữa tôn giáo với tôn giáo.

Sau thời gian chinh chiến đưa đất nước lâm vào chỗ kiết quệ, người sống mất thân nhân, tình cảm day dứt, nhu cầu áp vong càng nở rộ tại các vùng miền Bắc, các nhà ngoại cảm chỉ là hậu thân của các loại hình thầy pháp, thầy mo, công đồng tứ phủ, đồng bóng... Cuộc sống cơ cực đẩy con người tìm đến niềm tin vô hình, mong đáp ứng nhu cầu thân nhân quá vãng đòi hỏi, và tin vào lời chỉ dẫn của người đã mất. Từ đó, một số chùa đã phát sinh tiếp vong, độ linh, nghi thức giải oan cắt kết... rộ nở. Không chỉ chùa Ba Vàng, trong Nam có thầy Giác Nhàn và thầy Giác Hạnh cũng quan tâm đến chư vong, nhưng mỗi vị có cách hóa giải oan hồn khác nhau. Việc áp vong của chùa Ba Vàng không có gì là lạ và ghê gớm lắm.

Trong Phật giáo chính thống không có bất cứ hình thức nào thiên về vong linh; không cầu an, cầu siêu, không cúng sao giải hạn, cũng không có tuần thất hay 49 ngày. Thậm chí không thờ ảnh tượng. Kinh điển Nam truyền và Bắc truyền có nói đến thế giới ngạ quỷ, A tu la, nhưng hoàn toàn không có nghi cúng cho chủng loại đó. Sau khi du nhập vào Trung quốc, hòa nhập Khổng Lão, chùa chiền linh động cúng Đại Bàng kim xí điểu, rồi cúng vong, dần dà mở rộng qua nhiều hình thức xa rời Phật giáo nguyên thủy. Tất cả không ngoài mục đích hộ quốc an dân đem lại cuộc sống ổn định tâm lý để hướng đến đạo đức nhân quả.

Vậy tại sao chùa Ba Vàng lại trở thành tâm điểm cho báo chí, truyền thông rầm rộ như cuộc tập kích chiến trận để rồi họ tự hào: “Quân ta thắng, quân địch thua?" 

Thật ra đấy chả là chuyện gì ghê gớm lắm, chuyện cúng vong nhan nhãn khắp các chùa, mục đích truyền thông đồng loạt cùng thời điểm hướng dư luận dồn cái nhìn thiếu thiện cảm về thầy Thích Chúc Thái Minh, thậm chí, xuyên tạc, vu khống, chụp mũ về đời tư mà ai từng gặp, tiếp xúc với thầy, không thể đồng thuận với giới truyền thông đầy ác ý đó. Một tu sĩ xuất thân từ giảng viên đại học, có nhân cách, điềm đạm và vị tha, luôn nghĩ đến việc phát triển đạo Phật, không thể là một người tồi tệ như giới truyền thông ác ý xuyên tạc để lạc dẫn quần chúng thiếu thiện cảm với nhà Phật. Mục đích và động lực của giới truyền thông đó là gì?

So với hệ thống tham nhũng hàng vạn tỷ, lấy cắp tài khoản trong ngân hàng hàng trăm tỷ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trong xã hội hàng ngày, giết người cướp của và vô số tệ nạn, đáng ra, đó là điều cần quan tâm, hay những gương người tốt việc tốt trong các tôn giáo nên đề cao để xã hội có cái nhìn thông thoáng và thanh thản, có niềm tin trong cuộc sống; chả lẽ nhiệm vụ người cầm bút luôn chỉa vào những chuyện không cần thiết để bé xé ra to, tác hại uy tín Phật giáo trước thềm Vesak sắp tới. Quả việc làm này đã có chủ đích đối với Phật giáo!!! 

Vấn đề báo chí phanh phui việc ra giá cho cuộc lễ, không chỉ có ở một vài chùa của Phật giáo,mà vài tôn giáo khác vẫn có, tùy tâm hay thuận ý của người xin lễ, nói theo thế gian: thuận mua vừa bán, có gì là tội? Cần gì phải lên án. Báo chí cũng không có quyền truy vấn số tiền hàng tỷ mỗi năm đi về đâu, sao không hỏi cơ ngơi chùa Ba Vàng tiền từ đâu mà có? Ai có quyền truy vấn lương hàng tháng của bạn sử dụng thế nào, để làm gì??? Phải chăng đã dẫm vào quyền tư hữu công dân mà luật pháp đã quy định. Rồi phanh phui chùa Ba Vàng chiếm dụng nhiêu mẫu tây để phát triển cơ ngơi trên núi. Thế thì chùa Phật Quang Bà Rịa, núi Dinh từng bị lập biên bản vì chiếm dụng rừng phòng hộ, chính quyền địa phương bó tay, báo chí sao không lên tiếng, chưa nói đến nội tình trong đó có nhiều vấn đề.

Chuyện lạ là phần lớn quần chúng đã bị báo chí lạc dẫn vào mê hồn trận, chỉ thấy cái lỗi to đùng của chùa Ba Vàng do báo chí trương phồng mà không thấy cái sai của báo chí chỉa mũi vào tôn giáo những chuyện quá vặt vãnh. Xâm phạm vào đời tư cá nhân. Báo chí chỉ có quyền vào cuộc khi ai đó làm đơn tố cáo, hoặc vào cuộc đối với một ổ tội phạm ảnh hưởng an ninh xã hội, thế mà cả Giáo hội bổng chốc, như bị phỏng lửa, chưa rõ đâu đúng đâu sai, chưa rõ căn cứ luận tội, vội xem thầy Chúc Thái Minh là một tội phạm. Nếu có sai phạm trong phạm vi tôn giáo, thì chỉ là sai phạm về nghi lễ, nhưng việc cúng vong là một nghi lễ đã phổ biến trong Phật giáo mặc dù không chính thống của Phật giáo. Lỗi chăng là thầy trụ trì đã để cho một cư sĩ nữ lên phát ngôn không chính thống, bản thân ĐĐ Chúc Thái Minh không có lỗi theo luận tội về giới luật. Khi đại Tăng chưa Yết Ma thì chưa bị xem là phạm giáo luật. Truyền thông báo đài chưa hẳn lúc nào cũng đúng.

Oan gia trái chủ là mang tính nhân quả của nhà Phật, việc giải quyết oan gia trái chủ đối với chư vong tùy thuộc vào tác sự của mỗi chùa. Việc thờ cúng tổ tiên, oan gia trái chủ đã là nét truyền thống của PGVN. Không ai có quyền phán xét, xâm phạm vào tín ngưỡng riêng của người khác. Giáo hội vội vả ngã theo truyền thông đầy ác kiến sẽ bị sập bẫy, tự mình đánh lại mình. Giáo hội công minh để xét đoán nhân sự đúng sai trên tinh thần lục hòa và giáo luật chứ không phải theo áp lực của thế tục. Nếu xét thấy báo đài phản ánh không đúng về nhân thân và xuyên tạc sự việc, Giáo hội cần yêu cầu Thông tin văn hóa xử lý kẻ làm dậy sóng xã hội. Đất nước văn minh có quyền truy tố báo chí nếu họ cố tình xuyên tạc ác ý với bất cứ ai; huống thay, đây là bộ mặt uy tín của một tôn giáo như đạo Phật thường xuyên là nạn nhân của các báo đài gần đây, cố tình bôi tro trét trấu Phật giáo để nâng một đối trọng khác cho quần chúng hướng đến. Chúng ta không phải bao che, nhưng ít ra xử lý đúng nhân cách văn hóa của một tôn giáo lấy trí tuệ từ bi làm đầu, nếu xét thấy có tội. Hiện giờ chưa có cơ quan thẩm quyền nào phán thầy Chúc Thái Minh là có tội.

Một số người bất mãn cuộc sống, hậm hực xã hội, bèn quy tội cho Phật giáo đã rước CS vào, chọn vài nhân vật điển hình để đánh phá tạo mất niềm tin trong quần chúng đối với Phật giáo. Cuộc sống có ai toàn thiện? Không Tôn giáo nào toàn thiện, không cá nhân nào toàn thiện, vậy ai có quyền phán xét kẻ khác? Trong Thánh kinh, khi đưa người phụ nữ phạm tội ngoại tình ra ném đá, họ bảo Chúa Jesus ném viên đá đầu tiên, Chúa  phán, trong đây ai là người chưa hề phạm tội hãy ném đá trước, thế là mọi người lặng lẽ rời khỏi hiện trường. Thế đấy, con người thích nhìn lỗi và kết tội người khác, nhưng không thấy lọ trên mặt mình. Lục tổ dạy: đừng thấy lỗi người mà hãy nhìn lỗi mình. Thánh nhân khác chúng ta chỉ có thế thôi.

Ngày nay, phương tiện truyền thông trở thành con dao hai lưỡi, người đạo đức sử dụng sẽ giúp ích nhân loại, kẻ bất nhân sẽ giết con người bằng phương tiện truyền thông. Cửa chùa luôn rộng mở, vì thế còn gọi là “không môn”, chính không môn mà mọi luồng gió đều tuồn vào dễ dàng, không bị cản trở, trong những luồng gió mát có cả loại gió độc. Dù trong lành hay độc địa đều mang theo tính nhân quả. Thương cho kẻ ác ý hại người vì lý do nào đó, cũng không tránh khỏi luật trả vay. Nghiệp vận của dân tộc và nghiệp vận của Phật giáo luôn đồng hành, luôn gặp nhiều loại gió độc.

MINH MẪN
29/3/2019


Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

LỄ HỘI QUAN ÂM


NAM MÔ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM!

Trường phái Tịnh độ, phần lớn, ngoài hồng danh A DI ĐÀ, tín chúng thường niệm đức Bồ Tát Quán Thế Âm, biểu tượng tình thương và sự lắng nghe. Trong khi đó bên cạnh giáo chủ Tây phương cực lạc là đức Đại thế Chí, biểu tượng cho đại trí tuệ, lại ít người hướng đến.

Vì sao? Ta bà là cảnh giới mà con người bình thường muốn tránh khổ tìm vui. Khổ vui là hai mặt trong đời sống của mọi sinh loại. Do tập nghiệp nhiều đời, do tầng lớp chủng loại khác nhau mà khổ và vui cảm thọ khác nhau. Không bao giờ vui toàn diện hay khổ triền miên, trong vui có chất khổ, trong khổ vẫn có niềm vui do sự cảm thọ và quan niệm của mỗi người. Tuy là vậy, mang thân người mấy ai đủ bản lãnh để lấy khổ làm vui, gặp vui luôn nhìn thấy cái khổ đang tiềm ẩn rình rập; ngoại trừ người hiểu đạo, vui và khổ đều là bài học cho cuộc tiến hóa tâm linh.

It ai đủ can đảm đối diện với cái khổ đời người, cờ bạc, ăn nhậu... là những phương tiện khỏa lấp niềm đau, nhưng sau những cơn đam mê, niềm đau nỗi khổ gia tăng gấp bội; có những cuộc trốn chạy bằng sự  kết liễu đời mình, nhưng khổ vẫn hoàn khổ, để cơn đau dư chấn cho người còn lại. Rồi lại than: đời là bể khổ.

Trước sự bất lực của kiếp sống, người tin Phật bèn cầu khẩn đức Bồ Tát cứu độ, bởi lẽ, ngài đã phát 12 đại nguyện cho chúng sanh nương tựa. Qua ý nghĩa 12 đại nguyện, hành trạng luôn hướng về chúng sanh, được triển khai bởi kinh Phổ Môn:

“Phật bảo ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: "Thiện-nam-tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán-Thế-Âm Bồ-Tát này một lòng xưng danh. Quán-Thế-Âm Bồ-Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát...”

Đó là duyên cớ để chúng sanh luôn hướng về ngài. Từ lâu lắm, 19 tháng 2 âm lịch, các chùa luôn tổ chức lễ Vía. Nghi lễ “thù ân chúc tán” xa xưa trong các sơn môn vào canh khuya cho mỗi đại lễ hay sám pháp tại miền Trung, nay chỉ còn một vài nơi duy trì. Đặc biệt, cũng vùng duyên hải Trung Việt, cũng nơi từng được xem “khỉ ho cò gáy”, nhưng là nơi ươm mầm cho đức tin quần chúng, sản sanh lắm bậc đạo cao đức cả phủ trùm ân đức cho niềm tin. Duyên đã khởi, thời đã sanh, Ngũ hành sơn hiện bóng Ngài trên vách, từ đó, chư Tăng thường trụ bản sơn duy trì nguồn mạch tôn vinh Bồ Tát hàng năm. Từ năm 1991, chùa Quán Thế Âm đã long trọng hưng long lễ vía. Thời gian gần đây, TT.T.Huệ Vinh tiếp bước tiền nhân, ngày càng long trọng tổ chức đại lễ với hình thức đa dạng.

Khởi sự từ ngày 17 đến 19/2 âm lịch. Lễ chính được các bô lão địa phương cáo thần bản địa. Đoàn P.G Đại Hàn trình diễn vũ điệu. Các đoàn thể, đạo tràng tiến lễ; các đơn vị Gia Đình Phật tử về tham gia lửa trại. Các phòng trưng bày tranh ảnh, hội họa do họa sĩ Xuân Sơn, chủ nhiệm CLB Trúc Văn (hội mỹ thuật ĐN) cùng một số họa sĩ triển lãm. Nếu tổng tính ba ngày thì lượng người tham dự trên ba mươi ngàn. Gần 30 gian hàng ẩm thực, giải khát, văn hóa phẩm P.G.

Sự nhộn nhịp trong ba ngày, thay đổi sinh hoạt trầm lắng quanh năm nơi núi năm ngọn hướng về đại dương. Khác hơn chùa Linh Ứng Bãi Bụt, quanh năm khách tham quan đủ mọi quốc gia, không dưới một trăm lượt người mỗi ngày, nhưng không gian yên tĩnh vẫn phủ trùm dưới chân Phật bà Quan Âm cao 67m. Địa linh vùng Sơn Trà, như kiềng ba chân, ba ngôi chùa cùng tên Linh Ứng ngự trị với biển cả che chở cho cư dân từng bị đe dọa nhiều cơn bão tố hướng về TP Đà Nẵng. Linh Ứng Non nước nằm trên hòn Thủy sơn, Linh Ứng Bà Nà và Linh Ứng Bãi Bụt. Ngũ hành sơn vẫn ẩn tàng linh khí thiêng liêng, vượt qua nhiều thăng trầm bao thời đại để tồn tại đến hôm nay.

Buổi lễ chính thức vào sáng ngày 24/3 tức 19/2 âm lịch, Chứng minh và tham dự có chư Tôn đức Trung ương G.H, và BTS PG TP Đà Nẵng, một số quan chức TP. Đặc biệt, chiều ngày 18 có giáo sư Lê Mạnh Thát thay mặt TS Bùi Hữu Dược nói chuyện với đại chúng hiện diện. Mỗi năm chương trình và hình thức tổ chức lễ hội Quan Âm mỗi khác. Có những năm, mưa tầm tã thịnh nộ trút nước làm tung tóe cảnh trang trí, TT Huệ Vinh khấu đầu khấn vái, dứt cơn mưa cũng vừa đúng lúc lễ bắt đầu. Năm nay, sau buổi lễ chính thức, trời dịu mát rải vài hạt sương chưa đủ thấm đất như chúc mừng những công hạnh của ban tổ chức và niềm tin vào Bồ Tát của hàng vạn tín đồ. Tóm lại, cư dân địa phương cho biết, dù mưa trước hay sau cuộc lễ, chư Thiên vẫn chừa lại khoản thời gian cho buổi lễ được trọn vẹn.

Cuộc lễ được BTC đầu từ trước một thời gian khá dài và khá chi tiết, mặc dù chùa vẫn chưa xây dựng xong, các đoàn từ nước ngoài hoặc từ các tỉnh về dự, được BTC tiếp đãi ưu ái, chọn khách sạn tối ưu và ăn uống rất đa dạng. Điều đáng nói, một số anh em nghệ sĩ đều hoan hỷ tề tựu. Thi sĩ lãng du Tâm Nhiên, mặc dù được TT Huệ Vinh ưu đãi dành một căn phòng lưu trú, chàng nghệ sĩ lãng du lưu linh suốt năm trên con ngựa sắt, Bắc Nam không thiếu dấu chân giang hồ, vừa trở về với không gian lễ hội. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên cũng bận rộn với tập san Diệu Âm ra mắt kịp đại lễ hàng năm, phong độ vẫn còn nguyên chất thuở nào, dĩ nhiên việc áo cơm cũng đành giao cho phu nhân Vô Biên, Đình Quân, Nguyễn văn Nho, và còn nhiều nhân sĩ, cây bút xuất sắc của Quảng Nam không quên ngày tri ân của mẹ Quan Âm.

Lễ hội Quan Thế Âm, không chỉ là ngày vía Bồ Tát được TT Huệ Vinh long trọng tổ chức trở thành truyền thống, còn là ngày để quần chúng có dịp hội ngộ chân thành nguyện cầu, và, đối với anh em văn nghệ sĩ, xem như là mùa hội ngộ trên mảnh đất “ngũ phụng tề phi” nghèo khó.

Đà Nẵng giờ đây, trở thành điểm sáng cho du lịch, linh địa cho tín ngưỡng và địa lợi cho kinh tế, chính trị, văn hóa, xứng đáng là cái nôi cho lễ hội Quan Âm hàng năm, có lẽ nhờ thế mà Đà Nẵng trở thành TP gương mẫu cho sự phát triển và nổi trội với danh xưng TP văn minh hiện nay.

MINH MẪN
24/3/2019 
19/2/ Kỷ Hợi






Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

* OÁN HỒN VÀ NGHIỆP



Gần đây và không những gần đây, những hiện tượng bất bình thường trong cuộc sống mà nhiều người tin là sự báo oán do oan gia trái chủ nhiều đời bách hại, khi y học bó tay, họ hướng về tâm linh một cách mê vọng, xem đó là điểm tựa cuối cùng.
Theo nhà Phật, y báo và chánh báo tùy thuộc phước nghiệp của mỗi cá nhân, do vậy, sự bất bình đẳng về trình độ, về vị thế, về thụ đắc sản nghiệp, về sự may rủi trong đời không ngoài năng lực nhân quá khứ tác thành quả hiện tại mà nhà Nho cho là “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”. Nghĩa là có sự định đoạt từ trước, vậy ai định đoạt? Họ cho là ông Trời! Kito giáo quan niệm: “Cộng lông sợi tóc trên đầu rơi xuống không ngoài ý muốn của Thượng Đế”. Do những quan niệm như thế đã biến nạn nhân thành kẻ thụ động. Nguyễn Du từng nói: “Có trời mà cũng có ta – xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều”…
Vậy nghiệp là gì???
Nghiệp là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng PhạnKarma được dịch là Nghiệp. Nghiệp là nguyên nhân đưa tới Quả báo, cả hai tạo thành Luật Nhân-Quả. Nhân và quả liên tục luân lưu đưa đến vòng xoay qua sáu nẽo luân hồi  không dứt.
Nghiệp được hình thành do ba nguyên nhân: thân – khẩu và ý. Ý là chủ đạo hình thành nghiệp nhân. Nghiệp có hai loại, định nghiệp và bất định nghiệp. Nhân của định nghiệp do ý tác động có chủ đích; nhân của bất định nghiệp do tính vô ký hình thành.
Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, Đức Phật đã dạy rằng: 
"1) Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với Ý ô nhiễm. Nói lên hay hành động. Khổ não bước theo sau. Như xe, chân vật kéo. 2) Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với Ý thanh tịnh. Nói lên hay hành động. An lạc bước theo sau. Như bóng, không rời hình."
Nghiệp chung còn gọi là cộng nghiệp và nghiệp riêng cho từng cá nhân gọi là biệt nghiệp. Sống chung trong một quốc gia, sanh cùng một gia đình, sinh hoạt cùng một cộng đồng… đó là cộng nghiệp, vì chịu tác động chung một số phận đẹp xấu sướng khổ… Tuy vậy, mỗi cá thể có những nhu cầu, những ảnh hưởng giáo dục, những may mắn hoặc khổ đau riêng… gọi là biệt nghiệp. Nhân nghiệp đưa đến quả báo cảm thọ gọi là nghiệp báo. Tuy nhiên, nghiệp báo không hoàn toàn buộc chúng ta phải tuân phục một cách thụ động hoàn toàn như sự an bày của định nghiệp. Trong kinh A-Hàm Đức Phật dạy: "Người gây nhân bất thiện, biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy". Như vậy chúng ta thấy rõ muốn thoát Nghiệp phải tu tập tích lũy công đức, càng nhiều công đức thì chúng ta mới có thể hóa giải dần để chuyển nghiệp mà chúng ta đã tạo, nên gọi  "Tu là chuyển Nghiệp" hay "Tu là giải Nghiệp".
Trong kinh Na Tiên Tỳ kheo, vua Milanda hỏi Na Tiên:
"Thế thì nghiệp nó nằm ở đâu?"
Tỳ kheo Na-tiên trả lời như sau: "Thưa Đại vương, không thể bảo nghiệp được "cất giữ" một nơi nào đó [cố định] trong cái tri thức luôn luôn chuyển động không thể nắm bắt được, hoặc một nơi nào đó trong thân xác. Thế nhưng nó lại tùy thuộc vào tâm thức và vật chất (thân xác) và sẽ phát hiện vào một thời điểm thích nghi. Cũng thế không thể bảo rằng các quả xoài được "cất giữ" một nơi nào đó trong cây xoài, thế nhưng nó lại lệ thuộc vào cây xoài và hiện ra (đơm quả) khi mùa màng thích nghi"…
Hạt giống tiềm ẩn trong tạng thức, hội đủ nhân duyên cơ, lý, địa, thời sẽ trổ quả báo, ngoại trừ nghiệp nhân được hóa giải bằng sự tu tập. Nghiệp báo tùy thuộc vào cường độ tác ý cá biệt. Nghiệp báo phát tác qua ba giai đoạn: hiện báo – sanh báo – hậu báo.
 Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được."
***
Như vậy, quả báo hiện thời do hội tụ đủ nhân và duyên để trổ quả. Nhân và duyên trong cuộc sống hiện tại do phương tiện sống, do tâm thức tác động và do cộng hưởng xã hội. Riêng ở phạm vi tâm linh, trong một môi trường âm trưởng dương suy, môi sinh, thực dưỡng quá nhiều âm chất, tư tưởng yếm thế bi quan, cơ địa suy nhược… dẫn đến nhiều hệ lụy bất kham. Chấn động lực địa lý cộng hưởng tâm thức bi lụy đưa đến suy nhược thần kinh, xuất hiện ảo giác. Tu là cách hóa giải, chuyển hóa nghiệp thức và quả báo. Không một ngoại lực nào hóa giải nghiệp lực cho một cá thể nếu cá thể tự thân không tự chuyển hóa tư tưởng, nhân cách sống theo chiều hướng tích cực trong sáng và nhân hậu, đem lại lợi ích cho tha nhân. Tha lực chỉ là nhân tố trợ duyên cho một cá thể có đủ nhân cách tự vượt.
Theo tinh thần Phật giáo như thế thì việc cầu đảo khấn vái đều là hình thức mê tín. Nếu hình thức cầu đảo có kết quả thực sự thì chả cần phải tu, có tiền bỏ ra nhờ thầy cúng vái; dĩ nhiên kẻ giàu sẽ được thoát nạn và người nghèo chấp nhận kiếp trầm luân khổ nạn. Xã hội hiện thời cho thấy, không thiếu đại gia đủ điều kiện bạc vạn cúng vái cầu đảo, dâng sao giải hạn mà hạn vẫn không thoát, tù tội vẫn đeo mang. Lợi dụng tín ngưỡng dẫn dắt quần chúng vào đường mê tín, tiền mất tật mang.
Báo Lao Động trưng dẫn chùa Ba Vàng, Quảng Ninh, hàng tháng thu nhập hàng tỷ đồng để giải oán cho bao nạn nhân mê muội, mỗi vụ giải oán từ vài triệu đến hàng chục triệu. Không chỉ chùa Ba Vàng, trước đây chùa Viên Giác đường Bùi Thị Xuân Tân Bình cũng mã hóa tôn tượng Phật, mà vị trụ trì là thành viên Ban nghi lễ thực hiện. Hiện nay còn nhiều nơi lợi dụng niềm tin thiếu chánh pháp lạc dẫn chúng sanh nghiệp chồng nghiệp mãi kết duyên với sáu nẽo luân hồi, thay vì giảng dạy giáo lý chánh pháp Như Lai để họ tự cởi trói nghiệp quả, gieo nhân lành nghiệp duyên, đó là mục đích ra đời của đức Phật.
Một tín đồ ngoại đạo lễ bái lục phương, đức Phật do duyên đó, chuyển hóa cầu đảo lục phương thành trách nhiệm sáu lãnh vực trong quan hệ tương liên với cuộc sống cho người ngoại đạo. Trái lại, đệ tử Phật hướng dẫn quần chúng từ chân lý sang qua tà thần để mong tránh được quả báo.
Giáo hội kêu gọi bài trừ mê tín đốt vàng mã, trong khi thành viên và cơ sở của Giáo hội từ Nam ra Bắc, một số nơi vẫn phát triển hiện tượng phi chân lý của nhà Phật.
Trách nhiệm này thuộc về ai nếu những nơi ấy vẫn thuộc hệ thống GHPGVN hiện nay???

MINH MẪN
20/3/2019

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

* QUÊ HƯƠNG CỦA GIÓ










Đường của ruộng, lúa đồng phả hương con gái, phất phơ gió mùa mơn mởn làng quê. Vẫn tên giòng nước năm xưa soi bóng lũy tre, uốn mình dọc bờ về quê ngoại; cánh cò điểm trắng nền xanh lúa mạ, nước Hương Giang tiếp sức cổ thành.

Phú Bài cổ kính khép mình đón từng bánh xe lăn trên phi đạo, xe bus buồn chuyển khách về ga. Vẫn gió, vẫn nắng trải dài bạn đường trung du nuôi sống mảnh đất khô cằn Trung Việt, xui đẩy bao gót người chân đất xa quê. Phương xa ấy nở hoa trí tuệ, làm đẹp mặt một giống dân khốn khổ thăng trầm. Khoa học có, tôn giáo có, những người dân con Việt, làm rạng danh giòng giống Lạc Hồng, từng lạc lõng giữa lòng quê mẹ. 

Lá rụng về cội, tuổi già lay lắt điểm sao đêm. Màu đất sét mảnh áo thâm che thân cằn cỗi, hiu quạnh trên chiếc xe lăn, lần cuối nhìn từng cội thông già như tuổi già bệnh hoạn thân người. Hồ bán nguyệt tung tăng cá lội, cổng tam quan rêu phủ tuổi đời. Tổ đình đó, lặng chìm không gian u tịch, tháng năm dài hơi thở buồn tênh, bổng chợt về, chợt đi như mây trời tụ tán theo đoàn người viễn xứ hồi hương. Gió Thu mặc thêm hơi ấm quê mình, người lại về như đoàn quân vinh quang đặt chân lên đất Thần kinh chùa Tổ; ấm lòng giữa đồi thông già, già hơn tuổi đời người về từ viễn xứ. Con cháu sum vầy quây quần dưới chân thiền sư mặc niệm. Quê cha đất mẹ mở rộng vòng tay ôm ấp người con danh giá. Rồi Đông về, Xuân sang, thêm một dịp hội ngộ, những cánh chim bạc màu nâu sẫm, trong và ngoài địa giới quê mình, hồi hương đoàn tụ kỵ Tổ như trẩy hội. Bao nôn nao chớm nở giữa rừng thiền, nhưng thần tượng biệt tăm hơi bóng nhạn, để lại bồng bềnh nguồn thất vọng cô đơn. Trùng trùng gót chân lê thê giã biệt, kẻ về phố thị, người xuôi quê người, rừng thông Từ Hiếu ve sầu trỗi nhạc, gió rừng thiền hương tỏa mây trôi.

                                     ***

Vòng xoay sinh tử, lá rụng về gốc, hai cội bồ đề đại lão {1} tỏa mát đế đô, Tăng Ni trẻ nương vào thân giáo. Đất lành ấp ủ thạch trụ, Phật sự thăng hoa. Phải chăng phước nghiệp dân ta, đến hồi hưởng quả!


MINH MẪN
15/3/2019  

{1} Hai đại lão thạch trụ PGVN T. Trí Quang và Thiền sư Nhất Hạnh


Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

* DỤC VÀ DIỆT DỤC




Dục, theo nghĩa nôm na là ham muốn; trong phạm vi này, chúng ta tìm hiểu về trạng thái của dục, biểu hiện của dục và phương cách đoạn dục, diệt dục, tránh dục qua quan điểm của một số hành giả.

Theo tinh thần nhà Phật, cõi chúng ta đang sống được gọi là “dục giới”; ham muốn về thể xác, giới tính và những ham muốn khác. Dục giới có 6 loài hữu tình:
Địa ngục - Ngạ quỷ (Quỷ đói) - Súc sinh (Loài thú) - Loài người  - A-tu-la - Cõi trời ở cõi dục (lục dục thiên) - Trời Tứ thiên vương - Trời Đao lợi - Trời Dạ-ma - Trời Đâu-suất - Trời Hoá lạc - Trời Tha hoá tự tại.
Theo Phật Quang Đại từ Điển:

DỤC Phạm: Cũng gọi Nhạo dục. Tên tâm sở. Là tác dụng tinh thần mong muốn sự nghiệp được hoàn thành. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng Dục là tác dụng theo tất cả tâm mà khởi lên thuộc về đại địa pháp. Tông Duy thức thì cho rằng tâm đuổi bắt đối tượng là do tác dụng của tác ý (chú ý) chứ không phải tác dụng của Dục, cho nên Dục chẳng phải theo tất cả tâm mà khởi, mà chỉ là tâm sở Biệt cảnh mong cầu đối tượng mà khởi lên. Dục có ba tính: Thiện, ác và vô ký (không thiện không ác). Dục tính thiện là nguồn gốc phát khởi tâm tinh tiến cần mãn, dục mang tính ác thì thèm muốn tài vật của người khác, gọi là tham, là một trong những phiền não căn bản.

DỤC D 1322 Dục có nhiều loại: Năm dục, sáu dục, ba dục. Năm dục: Say đắm năm cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Cũng gọi năm dục đức, năm diệu dục. Hoặc ham muốn của cải, sắc đẹp, ăn uống, tiếng tăm, ngủ nghỉ, cũng gọi năm dục. 2. Sáu dục: Say mê sắc đẹp, dung mạo, uy nghi tư thái, giọng nói quyến rũ, làn da mịn màng, tướng người xinh đẹp. 3. Ba dục: Ham đắm dung mạo, tư thái, làn da mịn màng... Lại vì dục làm nhơ bẩn thân, nhiễu loạn người nên ví dụ dục là bụi bặm, là ma, là sự trói buộc v.v... [X. luận Câu xá Q.4; luận Phẩm loại túc Q.2; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1; luận Thành duy thức Q.5]. (xt. Ngũ Dục, Lục Dục).

DỤC ÁI Chỉ cho phiền não trong cõi Dục. Tức là vọng chấp đối với năm dục. Bồ Tát ưa thích chính pháp gọi là Pháp ái; trái lại, phàm phu tham đắm năm dục (của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) gọi là Dục ái.[X. kinh Trường a hàm.
Q.10; kinh Lăng nghiêm Q.1; luận Tập dị môn túc Q.4]. (xt. Ái).

DỤC GIỚI ĐỊNH Thiền định thuộc cõi Dục. Cũng gọi Dục định. Về vấn đề cõi Dục có định hay không, thì có nhiều thuyết. Có thuyết bảo cõi Dục không có Thiền định, chỉ có tâm tán động, bởi thế, cái gọi là định cõi Dục là chỉ cho định Vị chí, tức là ở giai đoạn trước khi vào Sơ thiền. Có thuyết cho rằng cõi Dục tuy nhiều tán tâm, nhưng vẫn có một phần nhỏ định tâm, và chính lấy phần nhỏ định tâm này làm định cõi Dục. Vì định tâm ở cõi Dục không liên tục mà tiêu diệt rất nhanh, nên cũng gọi là Điện quang định (định ánh chớp). Nhưng, luận Thành thực quyển 11 thì bảo cõi Dục thực sự có thiền định và thiền định này có thể phát ra trí không động. [X. luận A tì đàm tì bà sa Q.41; Thất thiếp kiến văn Q.3 phần cuối].

DỤC GIỚI TAM DỤC Ba món dục ở cõi Dục. Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 3 nêu ra ba món dục của phàm phu trong cõi Dục, đó là:
1. Ẩm thực dục: Phàm phu đối với các thức ăn uống thơm ngon sinh tâm tham đắm.
2. Thụy miên dục: Tâm phàm phu phần nhiều mờ tối, ham mê ngủ nghỉ nên không thể siêng tu đạo nghiệp.
3. Dâm dục: Tất cả nam nữ do tâm tham nhiễm lẫn nhau, nên làm các việc dâm dục.
DỤC HỎA Lửa dục. Nhiệt tình dâm dục giống như lửa hay thiêu đốt tâm chúng sinh, hoặc vì tâm dâm dục bốc cháy như lửa khó dập tắt, nên gọi là Dục hỏa....
Kinh Lăng nghiêm quyển 8 (Đại 19, 143 hạ), nói: “Tất cả các đức Như Lai trong 10 phương coi việc hành dâm như lửa dục. Bồ Tát thấy sự dâm dục thì tránh xa như tránh hố lửa”. [X. Pháp uyển châu lâm Q.44].

Với cái nhìn của khoa tâm lý thì: Tính dục ở loài người là năng lực giới tính, thể chất, tâm lý, và sinh dục, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của nam giới và nữ giới. Tính dục là một khái niệm có nội hàm rộng, vừa phản ánh mối quan hệ giới tính, vừa chứa đựng những yếu tố hữu hình và ẩn giấu của cá nhân. Trong tiếng Việt, tính dục, đặc biệt khi chỉ đề cập tới mối quan hệ giới tính, còn được gọi là tình dục.
Khái niệm tính dục bao hàm:
• Nhận thức và cảm giác về cơ thể mình và cơ thể người khác
• Tính chất tâm lý bên trong và hành vi ứng xử bên ngoài
• Cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu gần gũi về tình cảm với một ai đó.
• Cảm giác hấp dẫn tình dục với người khác
• Các tiếp xúc tình dục: từ động chạm cơ thể đến giao hợp (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Do quan niệm người thường nói đến dục là nghĩ ngay đến cái xấu, thực ra dục có ba loại, dục thiện, dục bất thiện và dục vô ký. Do ham muốn mà chúng sanh mãi trôi lăn trong sáu cõi, ba đường. Dục giới của loài người có cả hạnh phúc và đau khổ. Do đủ hai trạng thái đó mà chư Bồ Tát thường chọn cõi dục loài người để thực hiện hạnh phục vụ vô ngã, hành các pháp tiến đến đạo quả giải thoát. Nơi đây là điểm cuối trước khi Bồ tát đắc quả vị Phật. 6 loại chư Thiên trong cõi dục, Đao Lợi thiên là nơi ngự trị của Trời Đế Thích. Đâu Suất thiên là chỗ của các vị Bồ Tát trọn đủ hạnh nguyện, chờ tái sinh vào cõi người lần cuối.
Ngài Bồ Tát Mettaya (Di Lạc), vị Phật tương lai, hiện đang ở cảnh trời nầy, chờ ngày tái sinh vào cảnh người để thành tựu Đạo Quả Phật.

Trong quá trình thiền tập, cho dù dục thiện cũng là một chướng ngại; mong cầu sự giải thoát, ham muốn đạt kết quả cho việc thiền tập... đều vướng vào chướng ngại đưa đến giải thoát thật sự; ngay cả cố gắng tập buông xả dục thiện cũng là một chướng ngại.
***
Dù là loại dục thiện hay bất thiện đều là nhân tố đưa đến luân hồi, bởi đó là hạt giống gieo vào nghiệp thức. Hạt giống dục thiện giúp nhân thân hậu lai dễ tiếp cận môi trường thuận lợi hỗ trợ thăng tiến cho việc tu tập tiếp theo, sớm gặp chánh pháp. Trong phạm vi chữ dục làm ngăn trở đạo quả, chúng ta xem xét tiếp. Cuộc sống nhân thừa, Phật giáo không phủ nhận, ngăn cấm dục vọng trong đời thường, vì đó là phạm vi chuẩn mực đạo đức, nhân bản, nếu không lạm dụng thái quá. Tuy nhiên, đối với vị trí của bậc xuất thế ly trần, dục vọng phàm tình là điều ngăn trở tiến tu đạo nghiệp, chữ dục biến thành thiện dục cho bước đầu sơ tâm xuất gia với lòng mong cầu giải thoát; bởi mong cầu cũng đã là dục nhưng là thiện dục. Dục là hạt giống tiềm ẩn trong tạng thức, luân lưu nhiều kiếp trong ba đường sáu nẽo. Đức Phật dạy ái dục đứng đầu dẫn dắt vào cõi trầm luân. Luật giới Sa môn giới dâm đứng đầu. Đối trước những cám dỗ đời thường, hành giả tự mình chiến đấu thật vất vả, hạt giống dục ẩn tàng dưới mọi sinh hoạt đời thường; nhẹ thì ái nhiễm về ăn uống ngủ nghỉ, nặng thì đắm nhiễm vào lạc thú xác thịt, cờ bạc, say sưa... Hành giả muốn vượt thoát sanh tử, đối diện với ái dục, phải hành xử thế nào? Đức Phật dạy: đối diện với nữ sắc, Đừng nhìn chúng. Đó là câu trả lời của Đức Phật dành cho ngài A Nan trong kinh Đại bát Niết Bàn. Nhãn căn và sắc trần tương ưng dễ khởi tà tâm; chớ có nói chuyện với chúng; không nhìn ngắm chúng; nếu phải tiếp xúc thì không khởi tâm phân biệt đẹp xấu, ưa thích... Kinh An trú tâm cũng khẳng định tương tự: ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên. Xem như người thân; người nữ lớn hơn xem như mẹ hoặc chị, nhỏ hơn xem như em, cháu mình. Theo kinh Tăng Chi, hai đức tính tàm và quý che chở cho thế giới. Nhờ hai đức tính này nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, đây là vợ của anh hay em của mẹ, đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Sống làm người phải biết tàm quý. Con người không biết tàm quý đôi khi thua loài cầm thú. Kinh Giáo giới La Hầu La ở Am Bà La, nếu một người không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Quán vô thường và quán bất tịnh, chú tâm quán sát thân thể người nữ từ lúc thanh xuân qua đến tuổi già, bao nhiêu bệnh tật bẩn nhơ, thân hoại diệt phơi trần giữa rừng dòi bọ. Suy niệm về bản chất của dục, ví như con chó gặm khúc xương không còn thịt, gặm mãi không thỏa mãn, dục ái cũng thế, nó là loài rắn độc nguy hiểm. Đời tu sĩ còn tham ái dục, ví như tội nhân bị đưa vào hố than đỏ hồng, vùng vẫy, sợ sệt, đau khổ.

Đức Phật hỏi: Các thầy nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, việc nào là tốt hơn: ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần đống lửa lớn đang cháy đỏ rực, hay ôm ấp, ngồi gần, nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát-đế-lỵ, người con gái Bà-la-môn hay người con gái gia chủ? Sau khi nghe câu trả lời, Đức Phật đã xác tín rằng khi nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh thì bất hạnh, khổ đau còn hơn bị quăng vào hố than hừng.
Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
Tụng phẩm IV

... Chư Hiền, thế nào là ái, thế nào là tập khởi của ái, thế nào là đoạn diệt của ái, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của ái? Chư Hiền, có sáu loại này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Từ tập khởi của thọ, có tập của ái, từ đoạn diệt của thọ, có đoạn diệt của ái, và Thánh Ðạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của ái, tức là: Chánh Tri kiến... Chánh Ðịnh. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri ái như vậy, tuệ tri tập khởi của ái như vậy, tuệ tri đoạn diệt của ái như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của ái như vậy, khi ấy, vị ấy, đoạn trừ tất cả tham tùy miên... và thành tựu diệu pháp. (KINH TRUNG BỘ)

Ái dục không bao giờ thỏa mãn, thỏa mãn ái dục nầy thì ái dục khác phát sanh, dĩ nhiên khổ đau luôn theo sau ái dục.
***
Các hành giả thấy được ái dục nguy hiểm, bèn tìm mọi cách tránh né, diệt trừ. Sau đây là kinh nghiệm và quan niệm của một số hành giả (không kể xuất gia hay tại gia) trong quá trình thiền tập.

Trong sinh hoạt giao tiếp thường nhật, tính dục ẩn tàng dưới nhiều hình thức; nhìn đối tượng liền nảy sinh nhận xét đẹp xấu, ưa ghét, móng khởi tà tâm tưởng tượng tiếp theo những ý tưởng để thỏa mãn tư tình. Nhìn vật quý, ham muốn tìm cách chiếm đoạt sở hữu, khởi tâm hành động những kế hoạch xấu ác nhất, nếu có thể! Mọi việc khác cũng đều như vậy.

Hành giả tinh tấn tiến tu, dĩ nhiên không để những tà ý như thế khởi lên khi lục căn giao tiếp với lục trần, nhưng, giai đoạn thiền tập, những hạt giống bất thiện thường trỗi dậy; đó là đợt sóng ngầm trong vô thức, thường quấy rối hành giả. Tìm ngoại cảnh để giải quyết sẽ không bao giờ kết quả. Một hành giả bỏ phố lên rừng cầu nơi thanh tịnh, thế nhưng, chim muông vẫn làm cho hành giả giao động, chưa nói đến không gian yên ắng càng làm cho vọng tâm bùng khởi. Một hành giả suốt thời ấu thơ được thầy cho ở trên núi, đến lúc trưởng thành, xuống núi theo thầy đi hóa duyên, nhìn thấy nữ giới cứ ngẫn ngơ đứng nhìn. Thầy biết rằng suốt thời gian nơi núi rừng không thể xóa tan hạt giống sắc dục của người đệ tử; thầy mua tấm hình lõa lồ, treo trên vách, hướng dẫn người đệ tử quán xét mỗi ngày từ trên đầu xuống bàn chân, sự bất tịnh toàn thân để thấy vóc dáng ấy chỉ là bọc thịt nhơ bẩn của sự hôi thối như sự hôi thối những thây ma thường thấy bỏ trên núi cho kênh kênh chim quạ ăn tại vùng Tây Tạng, hay thây ma thiêu cháy nổi lềnh bềnh trên sống Hằng.

Một hành giả khác biết tâm dễ giao động khi nhìn thấy nữ sắc, người bèn lãng tránh chỗ khác, nếu phải đối đầu thì nhắm mắt như không hề thấy, nếu phải nói chuyện, cứ tưởng tượng là người thân của mình, thế nhưng, sự tò mò của tưởng thức không bao giờ để hành giả yên tâm. Tuy không nhìn thẳng, không thấy mặt, vẫn thấy vóc dáng gói gọn trong bộ đồ vải mỏng, và rồi, con khỉ vọng tưởng bắt đầu nhảy lung tung, quấy rối lúc thiền tập. Hành giả quên rằng, không phải do con mắt mà tâm tưởng đã chủ động.
Trong lúc thiền tập, hai giờ đầu cố gắng điều thân, nhưng tâm vẫn chưa lắng đọng. Hành già lắng nghe câu niệm chú hay niệm Phật để trấn áp vọng tưởng, nhưng chả bao lâu câu niệm chú niệm Phật đó đã bị lấn át bởi bao nhiêu vọng tưởng khởi lên. Vọng tưởng như cỏ sẽ tìm mọi cách chui lên khỏi vật đè nén cho dù đó là gạch đá, cement, bê tông... cố gắng đè nén vẫn là vọng tưởng. Dùng vọng tưởng diệt vọng tưởng càng sanh thêm vọng tưởng. Không ai có thể duy trì chánh niệm 24/24, thất niệm là chuyện bình thường, thất niệm chính là một dạng của vọng tưởng.

Kinh nghiệm của một hành giả khác bảo rằng – vọng tưởng cứ để mặc nó khởi, hành giả chuyên tâm vào pháp hành thì lâu ngày hạt giống vọng tưởng sẽ tàn rụi như cỏ khô cháy dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, vọng tưởng sẽ thiêu hủy dưới năng lượng đại định.

Một hành giả khác đạt được mức độ thiền định đã thấy nghiệp dục sẽ xảy đến cho mình, suốt ngày hôm đó không ra thất, không nhận cơm. Mãi đến 12 giờ đêm, mở cửa ra đi vệ sinh, một thiếu nữ mang cơm ngồi đợi từ trưa, nhào đến ôm chầm, thế là hành giả mất hết mọi khả năng từ lâu thiền định mang lại, và rồi, hành giả đó trở nên không bình thường, vì hạt giống nghiệp dục vẫn còn ẩn tàng.

Hành giả khác tu hành miên mật tuy chưa đạt được thành quả nào ngoài sự hỷ lạc và thanh tịnh, thanh thản nội tâm, nhưng lúc cận tử nghiệp, tâm hôn mê, không làm chủ được, nghiệp dục bị đè nén và trốn chạy trong quá khứ, trỗi dậy, một đối tượng xa xưa, nghe tin, đến cầm tay từ giã mới chịu trút hơi thở cuối cùng.

Thậm chí, một hành giả phải cần một tí nước mắm mới cam tâm bỏ xác ra đi... Nhiều và rất nhiều những hạt giống nghiệp dục chưa được chuyển hóa, vẫn ẩn tàng chờ đủ duyên bùng phát làm khổ hành giả.

Một hành giả chuyên tu còn gặp bao khó khăn như thế khi nghiệp dục chưa được chuyển hóa, hà huống bao nhiêu lần trong ngày, chúng ta mãi chiều theo vọng tưởng khi căn tiếp xúc với trần mà không hề biết đó là mầm mống của trầm luân. Khi tâm có khuynh hướng rõ nét về một tâm sở, thì chính đó là hạt giống dẫn dắt vào 6 nẽo và rồi sẽ tiếp tục phát triển nếu không đủ khả năng nhận diện chận đứng để chuyển hóa. Nếu hành giả duy trì được chánh niệm trong lúc cận tử, không thoát khỏi luân hồi thì cũng tái sinh vào cõi lành.

DỤC LÀ HẠT GIỐNG TIỀM ẨN TRONG MỌI CHÚNG SANH, VIỆC DIỆT DỤC, ĐOẠN DỤC... CHỈ LÀ CÁCH NÓI NẾU KHÔNG CÓ PHƯƠNG ÁN CHUYỂN HÓA NGHIỆP DỤC, THÌ VIỆC DIỆT HAY ĐOẠN VẪN LÀ HẠT GIỐNG CHỒNG THÊM HẠT GIỐNG VÌ MONG MỎI ĐƯỢC DIỆT HAY ĐOẠN DỤC.

MINH MẪN
13/3/2019