Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

* TĂNG BÀO



Từ thế tục cho đến Tôn giáo, thậm chí có những hội đoàn, quân đội… đều có màu sắc, dáng kích sắc phục khác nhau. Nhìn vào phân biệt ngay là đoàn thể, tổ chức hay Tôn giáo nào, ngay cả trong một Tôn giáo còn có nhiều sắc phục khác nhau cho mỗi hệ phái, dòng tu… Tăng bào còn gọi là pháp phục, pháp y của Tăng sĩ nhà Phật.
Từ thời Đức Phật, gọi là y ca sa, người sau gọi là “áo giải thoát”, còn gọi là “Phước điền y”. Ca sa phát âm bởi chữ kasaya, có nghĩa là màu sắc phai nhạt, hoại sắc, không phải là màu sắc chính thống rõ ràng, chứng tỏ sắc phục Tăng sĩ không sặc sỡ lòe loẹt của thế gian, mang tính đạm bạc giản dị, thanh thoát.
***
Thời gian đầu thành lập Tăng đoàn, chư Tăng vẫn phải sử dụng y phục giống các tu sĩ ngoại giáo, để phân biệt tu sĩ của Cồ Đàm và tu sĩ các tôn giáo khác,vua Tần-bà-sa-la đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Theo Luật Tạng Đại Phẩm tập 2, “Vào lúc bấy giờ, các vị Tỷ kheo nhóm Lục sư mặc các y cà sa màu ngà voi chưa được cắt. Dân chúng phàn nàn, phê phán chê bai rằng: ‘Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy’. Các vị đã trình sự việc lên Đức Thế Tôn, ngài dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, không nên mặc các y chưa cắt; vị nào mặc thì phạm tội dukkata.”
Nhân lúc, Phật và Anan đi giảng thuyết ở Dakkhināgira, Ngài nhìn thấy ruộng lúa ở Magadha có hình vuông cách nhau bằng  đường bờ ranh đê, ngài liền bảo Anan theo mẫu ấy may y cho chư Tăng:  “Này Ānanda, ngươi có khả năng tạo nên các y có kiểu mẫu như thế cho các vị Tỷ kheo không? - Bạch Thế Tôn con có khả năng.”
Anan liền tạo mẫu theo lời dạy của Phật, Phật rất vừa ý và khen “A Nan Đa là người khéo léo, ngay cả trong lĩnh vực khâu vá! Một Sa môn đủ đức hạnh là người biết tự khâu vá mảnh y của mình, không để chỉ viền bung ra, và không bao giờ bị chỉ trích là phí phạm vật dâng cúng của các hàng thiện nam tín nữ”. Phật nhớ lại trong quá khứ, “Chư Phật đều lấy hình thức thửa ruộng làm điều tướng của Y, từ đây về sau cũng phải y như vậy lấy hình thức này làm điều tướng của Ca Sa…”.
Gọi là Cát Triệt Y hay Điền Tướng Y tượng trưng cho sự tăng trưởng và phước lành, cũng gọi là pháp y.
Y ca sa của một tỳ kheo có ba loại: “ngũ y, thất y và đại y (25 điều). Y  không sử dụng gấm vóc lòe loẹt sang trọng, không dùng vải lông thú, tơ tằm để tổn hại sinh vật; chỉ cần vải thường thô sơ khỏi phí phạm của bá tánh. Do đó, trong Luật tạng ghi rằng: “Phật chế tam y câu dụng, thô sơ ma bố, thú mao tàm khẩu hại vật thương từ, y khả bất giới dư?” 
Ba y gồm “tiểu, trung và đại”. Theo luật nghi Khất sĩ do tổ sư Minh Đăng Quang quy định, ba y gồm có y thượng mặc khi hành lễ hoặc đi ra khất thực, trung y là loại mặc ở trong và hạ y là mặc ở dưới.
Luật Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu gọi Ngũ y (pháp y 5 điều), gồm 5 mảnh, cả tấm y gồm 10 mảnh, cứ một mảnh dài ráp với một mảnh ngắn theo chiều dọc gọi là một điều.
Trung y mặc ở trên. Y này gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, cứ 2 miếng dài thì 1 miếng ngắn ráp lại thành một điều.
Đại y là đắp ngoài của chư tăng. Y này gồm 9 mảnh nên còn gọi là y cửu điều. Cả tấm y gồm 27 miếng, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn ráp lại gọi là một điều. Luật tạng cũng quy định, tùy theo cấp bậc và đạo hạnh mà chiếc y Tăng-già-lê có thể có từ 9 đến 25 điều. Những vị càng đạo cao đức trọng càng có tấm y Tăng-già-lê nhiều điều.
Cũng theo  Phật Giáo Bắc truyền, thì Y Ca Sa có 3 bậc: Thượng, Trung và Hạ, chia thành chín phẩm:
- Bậc Hạ: từ y 9 điều đến 13 điều. Ba y này mỗi điều có 2 khoản dài, 1 khoản ngắn.
- Bậc Trung: có y 15 điều đến 19 điều. Ba y này mỗi điều có 3 khoản dài, 1 khoản ngắn .
- Bậc Thượng: từ 21 điều đến 25 điều.
Ba y này, mỗi điều có 4 khoản dài, 1 khoản ngắn. Y 25 điều tức là Y Bá nạp, vì trong 4 khoản dài, 1 khoản ngắn, tính ra có trên 100 miếng vải nhỏ nối ráp lại, nên cũng là y Bá nạp .Như vậy, quan điểm Bắc truyền khác với nguyên thủy về ba y, vì Bắc truyền bên trong nội y mặc đồ vạt khách, đồ ngắn, ba y kia để đi ra ngoài, khi tiếp khách hoặc lúc hành lễ.
***
Khởi nguyên trước khi chế ra hình thức điều, chư Tăng nhặt vải từ nghĩa địa, từ đường cái, từ hố phân, từ giường trẻ, vải tẩy uế, vải từ chỗ tắm, vải trên đường về nghĩa địa, vải bị cháy, bị gia súc ăn, bị kiến ăn, bị chuột ăn, vải rách, vải làm cờ, vải bỏ từ điện thờ, y của nhà khổ hạnh, vải từ cuộc lễ, vải do thần thông biến hoá, vải gió bay, vải do thiên thần bố thí, vải trôi giữa biển, lấy một trong những thứ vải này vị ấy nên xé bỏ những mảnh rách nát, giặt sạch những mảnh lành lặn để làm thành một cái y, gọi là y phấn tảo. Hiện nay chư Tăng tại một số tu viện lớn ở Srilanka hay Miến Điện vẫn còn giữ được truyền thống đó.
Tại sao phải ba y? Theo truyền thuyết, đức Thế tôn nhìn thấy một số chư Tăng có vị cuộn y đội đầu, kẹp nách, có vị thì cuộn y ở vai, có vị thì cuộn y ở hông, Phật liền hạn chế về y cho các Tỷ kheo. Vào một đêm mùa đông, tuyết sa rất lạnh, đầu đêm Thế Tôn đắp chiếc y nhập vào thiền có giác, có quán, đến lúc nửa đêm cảm thấy hơi lạnh, Thế Tôn bèn đắp thêm chiếc y thứ hai, nhưng đến cuối đêm, lại cảm thấy lạnh hơn, bèn đắp thêm chiếc y thứ ba. Thế rồi, ngài suy nghĩ: “Các đệ tử của Ta chỉ cần mặc ba y (ngày xưa Ấn độ tu sĩ chỉ đắp y mà không mặc áo như Bắc truyền) là đủ ngăn ngừa những khi quá lạnh, quá nóng, đề phòng muỗi mòng, che khuất sự hổ thẹn, không làm tổn thương đến thánh thể. Nếu ai không chịu nổi rét lạnh thì Ta cho phép đắp thêm những chiếc y cũ kĩ.”
Sáng sớm hôm sau, Thế Tôn đi đến chỗ các Tỳ kheo Ngài chế giới mỗi Tỳ Kheo chỉ nên sắm và mặc ba Y: “Từ hôm nay trở đi, Ta cho phép các Tỳ kheo chỉ cất giữ chừng ba y. Nếu được vải mới thì may một y Tăng già lê hai lớp, một y Uất đa la tăng một lớp và một y An đà hội một lớp. Nếu ai không kham chịu lạnh thì Ta cho phép tùy ý sử dụng thêm những chiếc y cũ.”
***
Sau khi chế tác các “y điều”, Tăng Huy ký giải thích: “Trong ruộng chứa nước, sanh trưởng mầm lúa, lấy gạo nuôi dưỡng thân mạng, còn Pháp Y là ruộng bởi thấm nhuận nước Tứ Tư Lương:
 1. Phước Đức Tư Lương, tức thiện căn của việc Bố thí, Trì giới.v.v… hành 5 Pháp trong Lục Độ.
2. Trí Đức Tư Lương, tức do tu tập pháp thứ 6 trong lục độ, hành trì pháp chánh quán cho nên đắc được diệu trí.
 3. Tiên Thế Tư Lương, do kiếp trước tu tập tích tụ thiện căn cho nên đời nầy có đầy đủ phước trí trang nghiêm.
 4. Hiện Pháp Tư Lương, do công năng tu tập ở đời này mà được phước trí đầy đủ. Làm tăng trưởng mầm Tam Thiện (tức vô tham, vô sân, vô si, nhân đó mà sanh vô lượng thiện pháp) lấy các pháp đây làm chất dinh dưỡng để nuôi lớn Pháp Thân Huệ Mạng.
Nhuộm y thành màu ca sa là không còn giữ được màu sắc chính, đã được nhuộm bằng nước do các vỏ cây giã ra, đặc biệt là từ gỗ và vỏ cây mít băm vụn, đun trong nồi, biến thành màu hoại sắc.Nghĩa là không xanh vàng đỏ trắng đen… Xưa kia do lượm vải chắp vá nên sắc màu không đồng nhất, vì thế không nhất thiết phải nhuộm như sau này. Thích Thị Yếu Lãm ghi rằng: “Áo Cà Sa do nơi màu sắc mà được gọi tên như vậy, tiếng Phạm gọi đủ là Ca-La-Sa-Duệ. Xứ này gọi là không chánh sắc”. Trong Tứ Phần Luật dạy: “Tất cả các màu thuộc chánh sắc đều không được dùng làm màu của áo Ca Sa, màu của áo Ca Sa dược dùng là màu hoại sắc…”. Trong Nghiệp Sớ ghi: “Màu của Ca Sa được định vào thời Lương Võ Đế, dùng màu đỏ thêm vào mực đen cho ngã sắc thành nâu, đây là màu hoại sắc của Đạo phục Tăng Ni.”. 
Về sau, xã hội hòa nhập, giao lưu trên thế giới, tùy tập quán khí hậu thổ nhưỡng mà chiếc áo cà-sa cũng phần nào cải cách, từ cách may cho đến màu sắc để phân biệt hệ phái tông phong của mỗi quốc gia. Ở Ấn Độ và các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nhuộm y nâu, đỏ bầm; ở Việt Nam, Trung Quốc y cà sa nhuộm các màu vàng đậm vàng tươi; ở Hàn Quốc y cà sa nhuộm màu lam; ở Nhật Bản y cà sa nhuộm màu đen hay nâu đen (màu trà); ở Tây Tạng, y cà sa nhuộm màu nâu đỏ…
Do giá trị của Tăng bào mà có nhiều định nghĩa khác nhau trong giáo luật Bắc truyền như: Y Ca Sa còn gọi là Giải thoát phục, là ly nhiễm phục.
Kinh Hiền Ngu Phật dạy: “Ca Sa là áo xuất thế”. Kinh Như Huyễn Tam Muội Phật dạy: “Ca Sa là Y Vô cấu, còn gọi là Y nhẫn nhục, Y Liên hoa vì không nhiễm bùn nhơ, Y Tràng tướng vì không bị tà ác làm cho khuynh ngã, Y Điền tướng vì khi người nhìn thấy không sanh tâm ác, Y Tiêu sấu vì người đắp y này có thể diệt trừ các phiền não, còn gọi là Y Ly trần, Y khứ uế.
Theo sách Phật chế Tỳ Kheo Lục Vật Đồ thì y cà sa có 12 tên gọi là: 1.Cà sa; 2. Đạo phục (áo của người tu hành theo đạo Phật); 3. Thế phục (áo của người xa rời thế tục); 4. Pháp y (áo theo đúng pháp quy định); 5. Ly trần phục (áo của người thoát tục); 6. Tiêu sầu phục (áo có khả năng tiễu trừ phiền não); 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn); 8. Gián sắc phục (áo không dùng năm màu chính để nhuộm); 9. Từ bi phục (áo của người thực hành đức từ bi); 10. Điền tướng y (áo theo hình thửa ruộng); 11. Ngọa cụ (dụng cụ để ngồi); 12. Phu cụ (dụng cụ dùng để đắp).
Do giá trị uy đức của chư Tăng sử dụng y, nên đời sau để làm tăng giá trị của y tướng, nên, Kinh Bi hoa nói về 5 đức tính của y như:
1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà-sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa),
 2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà-sa cũng đắc Tam thừa,
3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc vải của chiếc áo cà-sa cũng được no đủ,
 4. Chúng sinh hằng tâm niệm về chiếc áo cà-sa sẽ phát sinh được lòng Từ bi,
 5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà-sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận.
Trong kinh Tâm Địa Quán thì nêu lên 10 lợi ích của chiếc y cà sa, đó là: Che thân khỏi thẹn ngượng; tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên; nảy sinh bảo tháp tướng diệt mọi tội; màu không rực rỡ không làm nảy sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; như nơi đất tốt có thể làm nảy sinh lòng bồ đề; như giáp trụ, mũi tên độc phiền não không làm hại được.
***
Như vậy, phước điền y là Tăng bào, là đạo phục biểu thị cho nhiều đức tính và đức tướng giải thoát. “Thử tại tâm trung xuất hình ư ngoại” – do tâm giải thoát nên biểu hiện tướng giải thoát, trong đó vật dụng của chư Tăng như y và bát cũng đơn điệu, giản dị.
Từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, ảnh hưởng tín ngưỡng bản địa và cung cách lễ nghi tôn giáo, phong cách Thiền đã mờ nhạt trước trào lưu lễ nhạc cung đình. Tăng bào phần lớn ảnh hưởng đình đám ma chay trở thành lễ phục sắc màu lòe loẹt. Áo hậu đôi tay lụng thụng như phẩm phục vua quan, pháp y là những mãnh vải lụa gấm kết hợp màu sắc thế tục. Hình tướng gần giống áo mão cân đai triều phục, lễ nhạc không xa với âm điệu cung đình. Những bậc chân tu giữ đúng giới luật Phật chế ẩn thân nơi chốn non cao núi thẳm. Vì thế, tín đồ không còn biết đạo Phật chính thống là thế nào. Nhìn lại hình ảnh đức Thế Tôn và Tăng đoàn đầu trần chân đất –
Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua
(Đường xưa mây trắng - HT Thích Nhất Hạnh)
***
Những bậc có chí hướng xuất ly tam giới mới chọn nếp sống “tam thường bất túc”, cuộc sống giản dị thanh bần. Tỳ kheo có 3 nghĩa: Khất Sĩ, Bố Ma, Phá Ác, thì pháp tướng là điều tiên quyết thể hiện chân tâm ly trần. PGVN ngày nay, chư Tăng ưu tư cho những pháp phục không đồng nhất, khó phân biệt trật tự giữa các giáo phẩm, các hệ phái… nên đã từng có những cuộc hội thảo đặt ra từ điền y đến pháp phục.Ngoài ba y mà Phật chế, nay có thêm pháp phục. Truyền thống PGVN xa xưa, “áo nhật” màu lam các chú sa di thường mặc, “áo tràng” màu dà các thầy sử dụng chấp tác lao động hoặc đi ra ngoài. Áo hậu màu vàng và pháp y dùng để hành lễ. Như vậy ba y chỉ dùng cho lúc hành lễ, không như hệ phái Khất sĩ và Phật giáo Nam tông pháp y là vật bất ly thân.
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu cho biết, trong Luật Nghi ghi rằng: "Phật chế ba pháp y là áo mặc duy nhất của Tăng đồ khi thọ giới và cũng để làm trang phục hoạt dụng thường ngày như hành lễ, thuyết pháp thọ trai, khất thực…, vì đó là y phước điền, y giải thoát trong giới đức tinh nghiêm biểu hiện sự trang sức, là lễ phục đẹp nhất của người tu sĩ Phật giáo".
Trong đời sống hội nhập, PGVN không còn là ốc đảo biệt lập, vì thế nhiều yếu tố đặt ra, trong đó thống nhất về pháp phục mà sắc màu phước điền y là quan trọng; nhưng thật tâm mà nói, nếu chỉ chú trọng giải quyết về ngoại tướng gọi là thống nhất pháp phục thì khó mà thành công nếu không chú trọng khuyến giáo và nâng cao chí hướng xuất trần, có thế Phật giáo mới kềm hãm được những hành tung sa lầy thế tục. Hiện tượng pháp y không còn chế tác đúng với luật nghi, chẳng những thế lễ lộc cũng được một số nơi chế tác quá đà lạc sang thế tục hóa. Cũng từng có nhà sư giữ chức sắc nghi lễ trong GHPGVN hiện nay, làm tượng Phật bằng hàng mã để đốt như từng đốt hình nhân. Phật giáo đã đi quá xa nguồn cội thế sao? Chả trách họ đem kinh điển ra ngả giá cho mỗi tang ma đám cúng! Thế thì áo mão cân đai sắc màu thế tục múa lửa đình đám cũng chỉ làm trò mua vui chứ không còn là thể hiện nhân cách giải thoát của đệ tử Phật.
***
Phước điền y nguyên thủy, được phục hoạt bởi Tổ sư Minh Đăng Quang vào bán thế kỷ XX tại miền Nam Việt Nam, sau đó năm 1930, Phật giáo Nam Tông xuất hiện để hình ảnh Tăng đoàn đức Phật xa xưa tái hiện. Tuy Tăng bào nguyên thủy xuất hiện khá muộn tại Việt Nam so với Phật giáo các quốc gia Nam truyền, dẫu sao cũng còn lưu truyền giá trị để cho quần chúng hiểu được thế nào là một “giải thoát y – phước điền y”. Đức Phật khi xưa đã dạy:
 “Ai mặc áo cà sa
Tâm chưa rời uế trược
 Không tự chế, không thực
 Không xứng áo cà-sa”.
(Pháp cú, 9)
 “Ai rời bỏ uế trược
Giới luật khéo nghiêm trì
 Tự chế, sống chơn thực
Thật xứng áo cà-sa”.
(Pháp cú, 10)

MINH MẪN
14/10/2018

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

* HOẠT DỤNG CỦA THIỀN ĐỊNH




Ngày nay chủ đề Thiền không còn xa lạ đối với những ai muốn tìm hiểu và muốn định nghĩa một cách minh bạch, nhưng mấy ai hiểu và cảm nhận một cách chính xác và minh bạch về những hoạt dụng của Thiền. Tùy mỗi trường phái, mỗi góc độ để nhìn và hiểu về Thiền khác nhau, từ đó, việc hành hoạt cũng khác biệt.

Theo Tổ sư thiền, thoại đầu hay công án là phương tiện diệu dụng nhưng khó nuốt, đòi hỏi căn cơ bén nhạy, nhưng Như Lai thiền lại dễ hành trì, không đòi hỏi trực giác để kiến tánh như Tổ sư thiền, y cứ vào giáo pháp Như Lai mà tuần tự hành trì. Các phương pháp hành thiền này đều dựa vào kinh, luật và luận như thiền Quán niệm hơi thởthiền Tứ niệm xứThiền Sổ tức v.v… Loại thiền này được gọi là Như Lai Thiền. Còn Tổ Sư Thiền thì ngược lại không có thứ bậc, là pháp trực tiếp chỉ thẳng vào bản thể chân tâm Phật tánh. Tổ sư thiền đòi hỏi dụng công miên mật, không an trú vào đề mục như Như Lai thiền, luôn đặt tâm thức vào tình trạng căng thẳng của nghi tình, trong trạng thái hưng phấn; nghi đây không phải nghi ngờ mà là nghi vấn (thắc mắc), một nghi vấn không tìm lời giải đáp. Điều này hơi khó hiểu đối với một số vị chưa quen với pháp hành.

Ngày nay, trường phái thiền Vipassana đang hưng thịnh. Vipassana không phải trường phái thiền mới được sáng tạo như Tổ sư thiền trước kia, nó có từ thời đức Phật. Vipassana là một trong những phương pháp thiền định cổ xưa nhất của Ấn Độ. Nó được Đức phật khôi phục lại cách đây trên 2500 năm, đó là phương pháp cốt lõi mà Đức phật đã tu tập và giảng dạy. Được truyền thừa đến ngày nay, nhiều Thiền đường nổi tiếng phát xuất từ Miến Điện Và Thái Lan; từ đó phát triển khắp nơi, đồng thời quay trở lại nơi “chôn nhau cắt rốn” tại Ấn để gieo hạt phục hoạt.
Pháp Quán Niệm Hơi Thở Theo Bài Kinh Tứ Niệm Xứ xuất phát từ bộ kinh An Ban Thủ Ý do ngài An Thế Cao dịch. Trong nội dung lời chú giải có mười sáu đề mục quán niệm hơi thở.
Khác với những đề mục quán tưởng khác, quán niệm hơi thở bao gồm cả hai phương pháp Chỉ và Quán hay Minh sát Vipassana).
Quán Niệm Hơi Thở có mười sáu giai đoạn, chia ra làm bốn phần, mỗi phần có bốn cách tập. Chủ yếu là tạo ý thức tỉnh giác, căn bản của tuệ giác, và bốn giai đoạn quán niệm là bốn lãnh vực tỉnh thức về thân, thọ, tâm, pháp. Nó cũng không giống với các phương pháp thiền định khác do chính Phật truyền dạy như 10 đề mục quán bất tịnh, bất tịnh nơi thân thể v.v…
Về sau, khi Phật giáo lưu truyền sang các quốc gia hướng Bắc, để thích nghi với căn cơ và thổ nhưỡng đương thời, chư Tổ đã phương tiện chế tác ra pháp hành theo chủ trương của đức Bồ Đề Đạt Ma “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Khán thoại đầu hay thiền công án, nếu sở đắc, cũng chỉ hạn chế đối với một đương cơ nhất định, khác với trường phái thiền Nguyên thủy như Vipassana, mang tính phổ biến cơ bản, một lớp thiền 10 ngày đầu, những thiền sinh tham gia, ít nhiều cảm nhận được sự huyền nhiệm của tâm thức, có một thay đổi nhất định trong tâm thức và đời sống thường nhật, làm căn bản cho những khóa thiền với thời gian dài hơn, tiếp theo. Đã có những thiền sinh sở đắc phần nào tuệ giác theo cách quán sát 16 giai đoạn trên “thân thọ tâm pháp”. Tuy nhiên, năm chướng ngại căn bản của tâm thức, không những cản trở bước tiến, đôi khi lạc dẫn thiền sinh vào ảo giác khi mà hành giả không phân biệt được thế nào là ảo giác, thế nào là tuệ giác khởi hiện.
Đức Phật giảng dạy tóm tắt việc chế ngự năm triền cái ấy như sau:
“… Vị Tỳ-khưu lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp…”
Ở đây, năm chướng ngại ấy trong tiến trình tu tập hành thiền của hành giả là:
1. THAM DỤC 
2. SÂN HẬN 
3. HÔN TRẦM
4. TRẠO CỬ
5. HOÀI NGHI
***
Qua những trải nghiệm của các hành giả khi thực thụ bước vào lãnh vực “chánh định”, giữa cận định và chánh định, thường xuất hiện những hiện tượng như là ảo giác, ảo ảnh, xuất  hiện ánh sáng rực rỡ, tâm thái an lạc, hoan hỷ, tình thương tràn đầy, hay âm thanh vi diệu…
Đó là những chủng tử có sẵn trong a lại ya thức, tâm nhiễm ô thì chúng lặn, tâm thanh tịnh chúng xuất hiện. Khi chúng xuất hiện ở ngưỡng cửa chánh định mà khởi tâm đắm trước, trở thành một chướng ngại lớn cho việc tiến tu, việc hành trì sẽ bị dẫm chân tại chỗ.

Căn cơ chúng sanh không đồng thì cũng không thể áp dụng duy nhất một pháp hành, cũng như nhiều căn bệnh, hay một loại bệnh có nhiều nguyên nhân, đòi hỏi liệu trình chữa trị phải khác nhau. Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho điều đó:

“Đệ tử trẻ của Tôn giả Xá lợi phất: "Hãy thay bến nước khác" (Bổn sanh Tittha, Jàt. 182).
Chuyện kể rằng theo lời dạy của Tôn giả, một người đệ tử trẻ đã thực hành quán tưởng bất tịnh trong bốn tháng nhưng vẫn không có tiến bộ trong việc phát triển Thiền quán. Tôn giả quán biết người đệ tử có duyên được Phật độ, đã đưa người đệ tử đến yết kiến Thế Tôn và trình lên Thế Tôn sự việc.
Thế Tôn biết tâm hướng của người đệ tử trẻ ấy thích hợp với đối tượng quán tịnh hơn, do vì nhiều kiếp trước sinh vào gia đình thợ vàng chuyên thấy vành thanh tịnh. Thế Tôn bèn cho người đệ tử trẻ ấy, mặc y phục trong và ngoài tốt đẹp, dẫn đi khất thực các thức ăn thượng vị, cho nghỉ trưa ở hương phòng, rồi cho đi ngắm một hồ sen tuyệt đẹp (hồ sen do thần lực của Thế Tôn thị hiện), ở đó có đóa hoa tuyệt thắm, đẹp mắt. Thế Tôn bảo người đệ tử trẻ ngắm sen và chờ Thế Tôn về hương phòng một lát sẽ trở lại.
Ðang lúc mải ngắm đóa sen tuyệt thắm, đóa sen bổng dưng héo và rụng. Người đệ tử hốt nhiên bừng sáng lý vô thường, tâm hoàn toàn ly tham, trực đắc A la hán quả.”
Ðây là một trường hợp điển hình về đối tượng quán tưởng tương ưng với tâm lý của hành giả.
Khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa, do căn cơ Phật pháp hạn chế, quen với truyền thống hành trì cầu phúc, nghe Tổ phủ nhận phúc báu xây chùa tạo tượng, Lương Vũ đế bèn cho Tổ là ngoại đạo vì chưa hiểu được tinh thần thượng thừa của nhà Phật. Suốt thời gian dài 9 năm quay mặt vào vách, được một truyền nhân duy nhất là Huệ Khả, cứ thế thầy truyền cho trò đến Tổ thứ sáu là Huệ Năng. Qua 6 đời, mỗi đời chỉ đào tạo duy nhất được một người kế thừa. Do pháp kén chọn căn cơ nên lượng số thiền sinh đạt chuẩn quá hạn chế, trong khi pháp hành Vipassana hoặc những phép quán tương tợ, thiền sinh dễ hành trì và tuần tự tuệ giác phát sanh. Mục đích đức Phật trao truyền mang tính đại chúng chứ không chỉ có thế một thầy một trò tương ứng với nhau.
Từ Bồ Đề Đạt Ma cho đến chư Tổ về sau, vẫn bị truyền thống lễ nghi tôn giáo trong nhà Phật lúc bấy giờ xem là tà giáo ngoại đạo, trải qua thời gian dài thử thách, những gì là chân lý luôn tồn tại và phát triển, lúc bấy giờ, một bộ phận Tăng sĩ cấp tiến và giới trí thức kiểm chứng pháp hành của Tổ sư thiền, xác nhận vẫn hàm tàng “tam pháp ấn” và đích đến vẫn là giải thoát khỏi tam giới. Câu nói “Ai thấy Phật là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật”, bởi vậy – “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ Đề, cáp như cầu thố giác”. Lá rơi, suối reo, gió động, vô thường… đều là pháp trợ duyên cho hành giả quán nhân duyên mà đắc pháp. Vô lượng pháp môn tu là thế.
Càng lâu dài, càng phát sanh nhiều pháp môn mang nhãn mark Phật giáo, nhưng đôi khi đưa hành giả lạc vào ma trận đồ; người khai sáng ra pháp mới lạ, tuệ giác chưa đủ công năng bạt trừ nghiệp chướng tự thân, làm sao giúp đệ tử khỏi bị lạc dẫn vào mê lộ tà thuật, ngã mạng cống cao. Kinh Lăng Nghiêm giúp cho hành giả bất cứ pháp hành nào nắm vững ngũ ấm ma nội tâm, sẽ tự điều chỉnh từng công đoạn lộ trình tiến tu đạo nghiệp.
***

QUAN ĐIỂM DỊ BIỆT

Tùy mỗi pháp, có một lý giải khác nhau, lý sự tương đồng pháp hành mới vững chải. Tuy nhiên đứng một góc độ toàn triệt, Krishnamurti hiểu về tham thiền có khác:

Giải thoát khỏi mọi hành vi vị ngã mà không có cố gắng
(Krishnamurti)
“Câu hỏi được đặt ra là: có thể nào giải thoát khỏi mọi hành vi vị ngã mà không có cố gắng, không nỗ lực giải trừ nó, để rồi tạo nên vấn đề không? Tôi hy vọng đã đặt câu hỏi rõ ràng, bằng không thì những điều được trình bày kế tiếp sau đây sẽ thiếu minh bạch hoàn toàn. Danh từ "tham thiền", đại khái, có nghĩa là suy xét một điều gì, khám phá nó, dừng lại với nó; hoặc cũng có thể danh từ ấy chỉ một tâm thái chiêm ngưỡng trong đó không có tư tưởng. Danh từ ấy rất ít có ý nghĩa đối với phần đất này của thế giới, nhưng nó mang một nghĩa lý phi thường ở Đông phương. Người ta đã viết nhiều về đề tài này, có nhiều trường phái giảng dạy những phương pháp và những hệ thống khác biệt về tham thiền. Theo tôi, tất cả những cái đó đều không phải là tham thiền. Tham thiền là tự "làm trống rỗng" tâm thức mình, chứ ta không thể tự cưỡng bách làm trống rỗng tâm thức mình bằng cách thực hành một phương pháp, theo một trường phái hay hệ thống.”
Với tuệ giác toàn triệt của Krishnamurti, điều này đúng, nhưng một thiền sinh bước đầu thâm nhập vào lãnh vực tâm linh, “tự mình làm rỗng tâm thức” hay “cưỡng bách làm rỗng tâm thức” đều là một, khác chăng chỉ là dụng công cố gắng. Cho dù “tự mình làm rỗng tâm thức” cũng lạc vào “ngoan không” khi mà hành giả chưa thực thụ đứng hẳn vào khu vực tuệ giác như Krishnamurti.

“Thực hành một phương pháp tham thiền là đuổi bắt cảm giác và nhận thức, đó là toan tính sống một kinh nghiệm cao hơn hay "cùng tột", và khi ta đã thấu hiểu bản chất của tất cả mọi kinh nghiệm rồi, thì ta dẹp hết mọi phương pháp, ta gác chúng qua một bên, ta xa rời chúng vĩnh viễn, bởi vì ta không còn là đệ tử của ai cả, ta không còn tìm cách sống những kinh nghiệm nữa, ta không còn muốn có những thấy – biết nữa. Tất cả mọi tìm kiếm để thấy biết, tất cả mọi sự căng thẳng giả tạo về cảm giác – bằng những chất ma túy, bằng những giới luật, bằng những nghi thức lễ bái, sùng thượng, bằng cầu nguyện – đều toàn là hành vi vị ngã.”
Nếu bảo thực hành một phương pháp tham thiền là đuổi bắt cảm giác và nhận thức, đó là toan tính sống một kinh nghiệm cao hơn hay “cùng tột”… thế thì mọi pháp hành do đức Phật để lại đều vô nghĩa??? Buông bỏ tất cả, vô tu vô chứng, mọi sự đều không không, không thầy không đệ tử, không giới luật…???

“Cái gì đã là tràn đầy ánh sáng, tất không đòi hỏi thêm ánh sáng – tự nó là ánh sáng rồi, và tất cả mọi ảnh hưởng nhiễm độc, mọi kinh nghiệm xâm nhập vào vùng ánh sáng ấy liền được thiêu hủy từng phút từng giây, để tâm thức luôn luôn sáng tỏ, vô nhiễm mới có thể thấy được chỗ siêu xuất khỏi giới hạn đo lường của thời gian.”

Điều này Krishnamurti nói đúng, đã tràn đầy ánh sáng thì không cần đòi hỏi thêm ánh sáng. Mọi ảnh hưởng nhiễm độc không bị giải trừ thì “ánh sáng tuệ giác” làm sao hiển lộ? Muốn giải trừ mọi nhiễm độc mà không dụng công là điều không tưởng. Ánh sáng tuệ gác tự nó hiển lộ thì mọi nhiễm độc tự nó cũng hiển lộ vậy thôi.

“Khi tâm thức tự hiến và quên mình trong một sự đồng nhất trọn vẹn, tâm thức có thể hoàn toàn tịch lặng, nhưng nó rơi vào một trạng thái loạn thần. Ước vọng đồng nhất vào một mục đích, một ý niệm, một biểu tượng, một xứ sở, một chủng tộc, tức là mắc chứng loạn thần, như trường hợp tất cả những người gọi là tu hành mộ đạo. Họ tự đồng nhất vào Đấng Cứu thế, vào đức thầy, vào cái này cái nọ, điều đó tạo cho họ một niềm an ủi lớn lao và một cái nhìn hạnh phúc về đời sống. Thái độ này hoàn toàn là loạn thần.”

Nói như Krishnamurti, nhập vào Thượng đế, Atman nhập vào Brahman (Tiểu ngã hòa nhập vào Đại ngã), Phật tánh là năng lượng tuệ giác và từ bi, hành giả chứng đắc là đồng nhất với tuệ giác và từ bi… đều là loạn thần??? Theo Krishnamurti chỉ có một loại tịch lặng đồng nhất do tâm thức tự hiến và quên mình, ngoài ra nếu có sự tịch lặng nào khác, đó là trạng thái tịch lặng loạn thần!
Cũng thế, theo Krishnamurti, cái gọi là đạo đức theo mô hình xã hội hay tôn giáo chưa phải là đạo đức thực sự, đó là loại đạo đức rập khuôn, không có tự do. Nhưng một khi còn bị ràng buộc vào những định chế xã hội, tôn giáo, một khi tự thân chưa đủ năng lực tự mình “làm rỗng tâm thức”, làm sao thoát vượt được cái đạo đức rập khuôn đó nếu không từ bàn đạp tôn giáo để bước vào lãnh vực phi tôn giáo như ngài Krishnamurti?

***

Tóm lại: Nơi đây ta không bàn đến trạng thái “nhập thần” và ngôn ngữ xuất thần như ngài Krishnamurti, chỉ tạm tìm hiểu các trạng thái “tịch mặc” của những hành giả bước qua ngưỡng cửa chánh định. Một câu hỏi sẽ xuất hiện – lấy gì làm căn cứ để xác định hành giả đó đang ở trong lãnh vực đắc pháp? Chúng ta đừng lầm lẫn giữa đắc pháp và đắc đạo, đắc pháp là tiến trình đưa đến ngộ đạo. Hành giả nắm được mấu chốt pháp hành, thường tinh tấn một cách miên mật, trong quá trình hành trì đó, trạng thái tâm sinh lý có nhiều chuyển biến tích cực; mọi tính hư tật xấu tự nó rơi rụng mà không cần dụng công loại trừ. Tâm thái an lạc, trầm tĩnh, từ tốn; trong tâm thức không tồn tại mọi thắc mắc ngờ vực, hay ham muốn mong cầu; lòng từ bi phủ trùm trong mọi ý nghĩ, hành động và lời nói; trí tuệ phát triển và có nhiều khả năng đặc biệt…

Tất cả mọi ưu điểm đó không do học hỏi trong đời này, chúng là những hạt giống chìm lặng trong tiềm thức khi mà bị những cơn sóng loạn động u trược phủ lấp. Hành giả thủ đắc trạng thái tịch mặc, những cơn sóng loạn động u trược đó biến thành mặt hồ tĩnh lặng, những hạt giống siêu xuất tự chúng hiển lộ. Đối trước mọi biến cố, mọi vấn nạn, hành giả thong dong như kẻ vô sự, đó là những hoạt dụng của Thiền định.
Như vậy, bất cứ pháp hành nào xuất phát từ Phật giáo hay ngoài Phật giáo, mang tính giải thoát, ẩn tàng tam pháp ấn, đem lại hiệu quả nhất định, đều là con đường đưa đến chân lý. Cũng có không ít những bậc duyên giác, không tu theo Phật, không học với ngoại giáo, chủng tử hướng thượng sẵn có, đối diện với nhiều khổ đau bất trắc, bổng chốc trực diện trước những cái bất ngờ ngoài trí tưởng tượng hiểu biết, một cảm xúc một trạng thái bất chợt “đứng hình”, khác nào trạng thái hành giả đứng trước sự bế tắt một công án Đấy là một trong những hình thức đưa đến sự tịch lặng. Nếu đương cơ tiếp tục duy trì trạng thái đó lâu dài sẽ bước vào đại định, ánh sáng tuệ giác sẽ hiển lộ.
Hoạt dụng của Thiền định thiên hình vạn trạng, tùy thuộc vào căn cơ của hành giả, khó mà lột tả.

MINH MẪN
01/10/2018

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

BÚT KÝ: BỌT BÓNG SẮC MÀU

 Chả biết tự  bao giờ, xã hội ngày nay xuất hiện khá nhiều những hình ảnh “thiện nguyện” như ngọn đèn thu hút đám phù du trong màn đêm.

CHƯƠNG MỘT
  • “Thần tượng” của anh đi tu gieo duyên cầu nguyện cho Quốc thái dân an kìa. – chị Bảy chìa màn hình cảm ứng về phía Tuấn, lộ rõ hình ảnh các sư quấn y nâu chậm rãi bước dọc con lộ. Một cậu trung niên quỳ gối thành kính dâng thực phẩm.
  • Sao không thấy “người ấy” trong hình? Tuấn thắc mắc.
  • Có lẽ họ đang cầm máy ghi hình. Chị Bảy giải thich.
Những sự kiện nổi, họ thường xuất hiện để đánh bóng tên tuổi. Chả biết tự  bao giờ, xã hội ngày nay xuất hiện khá nhiều những hình ảnh “thiện nguyện” như ngọn đèn thu hút đám phù du trong màn đêm.
***
GIĂNG BẨY
Ngày ấy, xe chở đoàn rẽ vào hướng tòa  Giám mục Kon tum, mãi đến 15 giờ cha Đông vội vả về đến; - đúng ra  18g cha mới về, vì đi thăm các xứ vùng sâu - cha Đông phân bua.
Vóc người tầm thước, tuổi tròm trèm 80, da rám nắng pha màu mật ong, giọng người Bình Định, khí lực mạnh mẽ, cha Đông vui vẻ xởi lởi tiếp đoàn. Xuất thân từ nhà Dòng, là một trong số người Bình Định lập cư tại Kon tum, người từng quản xứ các vùng Tây nguyên, vừa về quản nhiệm Tòa Giám mục chưa bao lâu, hiểu rất nhiều về tập quán của cư dân thiểu số, bặt thiệp khi giao tiếp với người kinh dù trong họ Đạo hay ngoài xứ Đạo. Người ăn nói rất giản dị, bình dân và thân thiện nhưng không kém phần hóm hĩnh, dễ thuyết phục lôi cuốn người nghe. Người tỏ ra quan tâm đến đời sống đồng bào thiểu số, cha trình bày nhiều dự án giúp ổn định cuộc sống của họ trong các xứ đạo vùng sâu. Cha than phiền – vật chất đã thiếu mọi bề, nghề truyền thống của họ là phá rừng trồng rẫy đã bị cấm, vốn liếng không có để chăn nuôi; họ quá thật thà nên bị một số thương buôn lợi dụng; cứ ngồi chờ Thượng đế quan tâm, thế mà nhà nào cũng không dưới năm bảy trẻ con nheo nhóc, mặc dù nhà nước khuyến khích: “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”, đối với họ -“dù gái hay trai, có thai là đẻ”…Sau khi trình bày những khó khăn trong các vùng sâu, cha Đông hướng mắt về “người ấy” như chờ mong sự hỗ trợ. Cha nói tiếp – “nghe đâu con sắp về lại Mỹ? Tao biết mầy hết tiền là về lại bên ấy”. Cách xưng hô tiếp đãi như giữa hai cha con.
Xe ra khỏi tòa Giám mục, “nguời ấy” nói – “mỗi khi thiếu thốn, cha thường gọi mình hỗ trợ. Trại phong, nhà dưỡng lão, cô nhi viện, kể cả nhà  bệnh tâm thần do một gia đình đứng ra nuôi dưỡng, mình đều hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Mỗi tháng  hỗ trợ cho vùng Tây nguyên từ tám đến mười ngàn đô la. Mình có 6 mẫu đất để mai táng các thai nhi, mỗi ngày có từ vài chục đến một trăm thai nhi được thu gom từ bệnh viện, bãi rác, tập kết làm khu mộ tập thể, bây giờ không còn chỗ. Chi phí mỗi phần mộ là ba trăm ngàn…” Nói vừa dứt, cuộc gọi đến báo cáo hôm nay đã thu gom 50 thai nhi…” người ấy” chỉ thị vị trí mai táng và những việc cần làm tại nghĩa trang…
Trong đoàn ai cũng thầm tán thán hiếm có khi chứng kiến vùng nghĩa trang thai nhi và các cơ sở từ thiện mà “người ấy” đưa đến. Người trong đoàn nói – “có đi mới thấy “người ấy” thật vĩ đại” – một anh bạn trong đoàn chêm vào – “vĩ đại cả hai nghĩa, vừa là tâm hồn thông qua việc làm, vừa là thân thể của người ấy”. Cả đoàn cười đắc ý, “người ấy” cũng rung rinh khối thịt mỡ và cặp ngực chảy sệ như hài lòng với sự tán thưởng.
***
“Người tháp tùng chuyến từ thiện hôm đó, chị còn nhớ? Người lớn tuổi nhất mang vẻ trầm tĩnh đấy” - Sư cô Q.D giới thiệu – “ dạ, con nhớ, nhưng mà sao sư cô” – “người ấy” hỏi. Chẫm rãi, sư cô tiếp - “ tuy vị ấy lớn tuổi nhưng có con còn nhỏ lắm, đang học ở Mỹ, chưa có thẻ xanh…” – người ấy mau mắn đáp –“ dạ được, để con giúp cho, con có đứa con gái đang học ở New york”.
Vài ngày sau đó, sư cô và “người ấy” mời Tuấn đến chung cư The Star.
  • “Xin giới thiệu – đây là thầy Tuấn, và đây là cô P, người có nhã ý sẽ giúp cháu ở lại Mỹ”. – sư cô Q.D sốt sắng giới thiệu.
Người đàn  bà có thân hình phì nộm, súng sính trong bộ đồ mỏng, nhanh nhẹn như khối thịt chưa từng cản trở đôi chân củ cải nổi cổm từng lọn thịt chắc nịch tợ đòn bánh tét; leo lên các bậc cấp như con ếch sãi chân trong hồ nước; miệng luôn nở nụ cười thân thiện.
  •   “Theo thông thường, một hợp đồng như thế phải từ năm chục đến sáu chục ngàn, nhưng sư cô giới thiệu, con xem như người nhà, chỉ cần mười ngàn để luật sư  lo thủ tục, đăng ký tại city hall. Sau đó, cháu đi làm có tiền sẽ trả dần đến khi đủ 29 ngàn mà không có thời hạn quy định”. – Người đàn bà tên P đưa ra một điều kiện trông thật dễ dãi.
Tuấn trầm ngâm nghĩ ngợi. Đoán chừng sợ Tuấn đổi ý, “người ấy” nói tiếp – “nếu chưa có tiền, con sẽ tạm ứng”. Đòn khích tâm lý làm trỗi dậy tính tự ái, Tuấn nghĩ, chả lẽ mới gặp, mình lợi dụng lòng tốt khi mà họ đã giúp mình; Tuấn nói – “ chờ tôi vài tuần để đi vay, tôi không có sẵn tiền. Nhưng liệu con bé có đồng ý?” “người ấy” nhanh nhẩu đáp – “ cứ yên tâm, con bảo nó phải nghe”.
***
  • “Anh, nghe mẹ nói, em sẵn lòng giúp anh. Hình như em không còn nghe lời mẹ nữa mà em nghe theo con tim của em dành cho anh nè” tin nhắn mang tên con bé từ phương trời nào đó mà “người ấy” bảo là đang ở New York, ngày đêm cứ nhắn tin qua lại bằng tiếng Anh, có những lời lẽ tình tứ của lứa tuổi vừa lớn, tỏ ra ngớ ngẩn trước ngưỡng cửa biết yêu, làm cu cậu tan chảy con tim. Tuyệt nhiên, không bao giờ nghe được giọng nói từ bên kia đầu giây.
   CHƯƠNG HAI

THÁNG NGÀY ĐẬM ĐÀ

Cứ vài hôm, người ấy đánh xe đến rước vợ chồng Tuấn đi nhà hàng. Mua sắm áo quần cho cậu rễ tương lai. Ghé vào nhà hàng Highlands coffee đãi cho vợ Tuấn sản phẩm hương vị cà phê đẳng cấp. Bắt mùi, cứ mỗi lần về Thành phố, bà nhà quê lên tỉnh thường nhắc - “nhớ ghé cà phê Highlands chú Duy hén” “mèn ơi, hột vịt đây hạ giá, nữa mình mua về làm hột vịt bảy món đãi ba mâm tiệc cưới cũng tiện hén”. Nghe giọng nói chơn chất đậm nét dân quê, chân thật một cách tội nghiệp, “người ấy” xoay qua chú Duy tài xế cười tủm tỉm.
  •   “ngày mai có chuyến từ thiện cứu trợ Việt kiều Campuchea trên Tây Ninh, con mời cả nhà mình tham gia” – người ấy quay người xuống hàng ghế sau dọ ý.
Dĩ nhiên Tuấn không từ chối để vui lòng “ân nhân”

***
Tây Ninh nắng cháy da người, cái nóng phủ trùm, cảnh vật như bị đun vào lò lửa. Bụi đường mịt mù che lấp xe chạy phía sau. Xe lắc lư qua từng đoạn ổ gà, ổ voi. Máy lạnh trong xe không đủ khỏa lấp mồ hôi rịn rĩ trên khuôn mặt mọi người. Gần ba giờ rời khỏi Thành phố, ngoằn ngèo qua nhiều cung đường hoang vắng, cuối cùng khu dân cư vài mươi nóc nhà cũng hiện ra giữa tháp chuông cao vót của nhà thờ.

Được chuẩn bị và phân công sẵn, đoàn y bác sĩ ổn định từng khâu khám và phát thuốc, số còn lại vận chuyển hàng hóa vào tận trong cùng. Đồng bào Việt kiều đã hội tụ từ sớm, họ đi bộ vượt qua gần 10km để nhận phần quà khiêm tốn. Khu tạm cư nằm ven hồ, một nhánh từ hồ Dầu Tiếng. Từng căn chòi chênh vênh trên những cọc tre, được chắp vá từ những tấm bìa giấy, bạt nilon hay bất cứ thứ gì nhặt được. Không một ai có giấy tờ tùy thân đã đành, cả chữ viết biết mặt họ mà họ chả hề quen biết chúng. Nhìn cuộc sống nheo nhóc cả già lẫn trẻ thân người đen nhẽm, tưởng chừng cảnh giới cỏi âm tái hiện trên dương trần.
                                                   ***                                                  
  • “Mẹ! lên nhà xem ba con sao mà không điện được” – cu T gọi “người ấy” bằng mẹ từ lúc người con gái xa lạ ở tận chân trời đâu đó chưa hề biết mặt, hứa là “người tình trăm năm” để giúp cu cậu hợp thức hóa công dân Mỹ quốc.
Hơn một giờ sau, “người ấy” có mặt; hỏi vợ Tuấn, bà ấy bảo – “ổng có sao đâu, đang ngủ mà”. Trong căn phòng chật hẹp, vừa đủ chỗ ngã lưng và để vài vật dụng, mùi xú uế bốc ra; Duy xốc người Tuấn ra xe, đến bác sĩ gần nhất, bắt mạch, đo tim, họ từ chối điều trị. Xe chạy trong phố thị đông đúc như bị ma rượt, nửa giờ sau, họ dìu Tuấn vào bệnh viện Vạn Hạnh. Sau khi làm thủ tục, thử máu…”người ấy bảo –“bác sĩ nói bị nhiễm trùng máu, tim mạch, áp huyết, đường huyết quá cao…” Anh Quang, một ông bạn đã có mặt suốt thời gian nằm bệnh, tận tình chăm sóc như người thân, tỏ ra lo lắng. tự hỏi – sao lại nhiễm trùng máu!
Tuấn trường trai, ăn uống hạn chế, sao lại có những bệnh lý như thế, bình thường không có một biểu hiện bất thường về sức khỏe. Ngày hôm trước đi Tây Ninh, ổ bánh mì pa tê chay do cô Hồng trong đoàn từ thiện làm, chả lẽ là nguyên nhân đưa đến tình trạng này? Ngày xuất viện, hồ sơ bệnh lý, không như “người ấy” bảo, mà chỉ là nhiễm trùng đường ruột.
***   
ĐI  MỸ

Một tuần sau, Tuấn đi Mỹ dự lễ tốt nghiệp cho con trai.”người ấy” đi cùng ngày, nhưng trước ba tiếng. 19 giờ ngày hôm sau hạ cánh xuống phi trường Los Angeles; xong thủ tục và hành lý, ra khỏi khu vực sân bay đã 20 giờ đêm. “người ấy” vẫn bộ đồ mỏng manh giữa màn đêm khá lạnh, chen lẫn đám khách đón chờ thân nhân, miệng tươi cười thân thiện, vẩy tay chào đón Tuấn. T con Tuấn, nhanh nhẹn chất hành lý lên xe. Hơn một tiếng, về đến Westminster.

Hai ngày hôm sau, “người ấy” gợi ý muốn qua nhà cô của T, xin ở tạm để đi tìm mua nhà. Đây là dịp để cô của T, từ Việt Nam qua dự lễ tốt nghiệp của cháu, tìm hiểu nhân thân, nguồn gốc của SM.con bé thật thà cho biết –“ con cũng là du học sinh qua Mỹ được ba năm, chưa có thẻ xanh làm gì có quốc tịch”…

  • Anh hai, coi chừng bị gạt, tình trạng này xảy ra nhan nhãn ở Mỹ, những gì anh nói, không đúng như con bé trình bày. Cô H của T nhận xét.

“Người ấy” cho biết, người cô của T xúi con bé SM bỏ T vì nhà T nghèo, nó cũng là du học sinh như con thôi…

T nghe lời mụ ấy, nổi cơn điên, hai cô cháu hiểu lầm nhau, một trận lôi đình xảy ra giữa đêm khuya.

                                                     ***
Suốt hai tuần trên đất Mỹ, T cầm lái đưa “người ấy”, lúc đi ăn, khi đi mua sắm, mở tài khoản “người ấy” và T đứng tên chung, liên lạc công ty địa ốc mua nhà… những ngày gần về lại Việt Nam, ngôi nhà rộng thoáng, hội tụ hai già hai trẻ, vẻ lên hình ảnh mái ấm hạnh phúc ngỡ chừng trên trần gian chỉ có thế là cùng.
  • “mình đi xuyên bang chơi” – “người ấy” gợi ý. T tuy quá mệt mỏi, cũng phải chìu ý “mẹ vợ”. Sáng hôm sau, khởi hành từ 7g sáng mãi đến 10 g đêm mới tới Utah. Trên free way xuyên qua Nevada, Arizona, vùng sa mạc khô khốc, những nóc nhà ngập trong ánh nắng chói chang của mặt trời tưởng chừng sắp bốc lửa, khi vào địa giới Salt lake của Utah, khí hậu mát dịu như cao nguyên Việt Nam. Gọi là đi chơi, thật ra “người ấy” đến tạ  ơn một gia đình từng cưu mang SM qua du học tại đây.
***
GIA  ĐÌNH  HẠNH  PHÚC
Người ta thường nghĩ – muốn có hạnh phúc cần có tiến; nhưng đôi khi có nhiều tiền đưa đến tan vỡ hạnh phúc với nhiều lý do – ông bà thường nói –“giàu đổi bạn, sang đổi vợ” .
Người lãng mạng họ nghĩ chỉ cần “một túp lều tranh 2 quả tim vàng”, thực ra túp lều tranh của thời đại cày sâu cuốc bẩm không còn thich hợp với thời đại @ ngày nay.Cái nghèo đôi khi cũng tạo sự đổ vở nhiều cho gia đình.
***
Trên con đường xuyên bang, từ Cali qua Utah, vừa chạm đến ranh giới Arizona, Nevada, (vùng đất xa xưa của người da đỏ, nay trở thành trung tâm cờ bạc nổi tiếng Las Vegas), cái nóng thiêu đốt như chực bốc cháy mọi vật, 170 độ F hơn cả cái nóng của Việt Nam ở mức 36-38 độ C. Từ lạnh, bước ra khỏi xe như bị vứt vào lò lửa “bát quái”, vội chạy vào cửa hàng bán bánh kẹo, tạp phẩm để trốn chạy cuộc đuổi bắt của bà hỏa.
  • Con muốn ăn gì? bà P dịu ngọt với SM nũng nịu. Thức ăn của SM luôn chọn cửa hàng Mc Donald với món chicken hoặc Ding tea những món uống khoái khẩu, trà sữa là khẩu vị của con bé.
SM xuống xe, điệu đàng như con vịt bầu, vừa đi vừa lom khom diễu cợt cố cho cu T để ý. Cu cậu không bỏ sót bất cứ lời nói, cử chỉ, động tác hài hước của SM, bên ngoài cu cậu cứ trang bị bộ mặt “hình sự”, lạnh lùng, ít nói, mà chỉ hơn một tháng trước, người ở Cali, kẻ sống đâu đó, suốt đêm trao nhau những tin nhắn cực kỳ bay bổng. SM cũng chả vừa, vẫn để ý cu cậu, nhưng cứ như tất cả thế giới đều là ảo ảnh phù du. Tiểu thư được nuông chiều, há dễ hạ mình cho anh vừa lòng. Trong phòng 2 giường của hotel cách thủ phủ Utah không xa, “người ấy” hay đùa với cu T, 10g đêm muốn đi ăn, nói “hai mẹ con mình đi”, thế là quơ tay múa chân, SM cầm khăn tắm quất tới tấp vào bà P, với thái độ cuồng điên làm cho mọi người không thể nhịn cười.
  • Anh đừng chọc em cười, để em ra tay mới được, - vừa nhìn qua T, SM như càng quê, leo lên giường dùng tay “Hộ pháp”, đấm bóp ngắc nhéo tới tấp “người ấy”, bà ta phải chào thua, buộc lòng cả ba người đi ăn, để Tuấn ở nhà “trông chùa”. Ghé tụ điểm giải trí, SM mua kem, không quên mua cho anh chàng ngố của nàng; hai tay cầm 2 nụ kem, giữa khí lạnh trong đêm, lom khom chạy lạch bạch diễu cợt
***
Hơn 10 tiếng lái xe trên fee way, cu T thể hiện tay lái lụa, cố gắng vượt qua mệt mỏi; “gia đình hạnh phúc” 4 người bên nhau lượn lờ qua các khu phố; những căn nhà im ắng màu xám sậm, ẫn mình bên cạnh cội hoa và cây cối khoe lá nhuốm đủ sắc lạ, thể hiện sự thanh bình, an lành nơi đáng sống. Thăm viếng hồ muối thiên nhiên, vào nhà bảo tàng chiến tranh từ thời đệ nhị thế chiến, đến khu bảo tàng chiến tranh mà Nhật phải lãnh nhận 2 quả bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima và Nagasaki. Những chiếc máy bay chỉ nhìn cũng đủ khiếp vía về sức tàn phá, giết chóc của chúng, biểu thị sức mạnh của không lực Hoa kỳ; nhiều kiểu dáng máy bay quân sự trong thời chiến chống Nhật, chống Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam đều được trưng bày và giải trình cặn kẽ. Các gian phòng rộng thoáng, bố trí các khí cụ binh lực, các anh hùng không quân và minh họa những hình tượng không khác người thật. Đó là những chiến tích do Utah đóng góp. Trước khi giả từ Utah, “gia đình hạnh phúc” đến viếng ngôi nhà thờ của đạo Mormon (Mật Môn), một hệ phải chiết nhánh từ đạo gốc Kito La Mã, giống như Tin Lành không thờ Maria, nhưng có một cơ cấu tổ chức vững vàng, Utah trở thành thủ phủ của đạo Mormon, người vào đạo được cấp nhà ở, tạo công ăn việc làm, sau đó phải trich 20% lợi nhuận hàng tháng góp vào công quỷ cho nhà thờ, vì thế quỷ của giáo phái này lớn hơn bất cứ nguồn tài chánh nào trên thế giới. Tín đồ Mormon không được phép nhận trợ cấp hay bất cứ hình thức quyền lợi nào của chính phủ, mọi nhu cầu trong cuộc sống, kể cả bảo hiểm sức khỏe, đều do hội Thánh tài trợ. Ngoài ngôn ngữ và đồng tiền chung cùa quốc gia, Utah như là quốc gia trong một quốc gia, tòa Thánh La Mã cũng thế, một quốc gia nằm giữa lòng nước Ý. Ngoài địa giới Utah, Mexico city, Panama city, Los Angeles, Sydney Australia, San Diego, Washington DC… hơn 10 địa điểm trên thế giới đều có cơ sở tín ngưỡng của giáo phái này. Đặc biệt, ngày chủ nhật, các cửa hàng, cơ sở, công ty đều phải đóng cửa để đi lễ. Tín đồ rất ngoan đạo. Tất cả ăn mặc sạch sẽ và lịch sự, trẻ con trên 10 tuổi đều mặc áo trắng, thắt cà vạt, theo cha mẹ vào nhà thờ, họ quy tụ trong khuôn viên để thảo luận hoặc nghe cha mẹ nói về giáo lý. Một gia đình đưa 9 đứa con đi lễ, sau khi bố mẹ dẫn giải về giáo lý, một em lớn đứng lên trình bày lại cho các em nhỏ nghe, Thấy thế, bà P bảo – 2 đứa bây phải đẻ cho tao đủ chín đứa, có cả gái lẫn trai, không đủ chín tên hoặc toàn trai hay toàn gái, tao đập hai đứa bây chết, cu T trả lời, “giáo hội Mormon  tài trợ toàn bộ, càng sanh nhiều họ càng thich, để con dân Chúa phát triển, tụi con đẻ như thế ai nuôi”.
Tất cả họ tin rằng, dù tội lỗi hay thánh thiện, sau khi qua đời đều được lên Thiên đàng ở cạnh cùng Chúa, tuy nhiên tất cả tín đồ sống rất chân thật, thân thiện, vi thế, khác với Cali, không hề thấy bóng dáng cảnh sát, và cũng chưa từng nghe tội phạm hình sự trong vùng đất Thánh đó.
                                                           ***
Trong căn nhà gọi là “mới mua” rộng thênh thang, cu T đi học gần 22 giờ mới về, SM theo trường đi chơi cũng về thật muộn. bà P ngồi nhìn qua khe mành cửa sổ, mỗi lần thấy đèn xe ngừng trước đường vội mừng rỡ - T về kìa thầy, rồi lại thất vọng vì không phải “con mình”. Tuấn định vào ngủ, bà P gọi lại để trò chuyện đở trống vắng giữa màn đêm hiu quạnh. Thật không phải khi để người đàn bà đơn độc chờ con, Tuấn đành bỏ quên cơn thèm ngủ để nói chuyện không đầu không đuôi. Tâm trạng người mẹ dành cho con nuôi không thua gì con ruột, thể hiện tình thương và sự thèm khát có con của người đàn bà gần tuổi 50, chưa từng được muộn con do mình sinh ra. Bà P luôn muốn các thành viên ít ỏi trong ngôi nhà thênh thang, phải đoàn tụ mỗi đêm, đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho một gia đình kỳ lạ.
T đã về, bà P mừng một đứa, còn chờ một đứa, đây cũng mừng một đứa thế chỗ để Tuấn được rút lui, vừa vào phòng, chưa kịp lên giường, lại được lệnh ra ngồi “đồng” với người có thân hình Hộ pháp mà tâm hồn thật cô đơn, có lẽ sự cô đơn được che đậy bằng cuộc sống sôi động với mọi người, bà P tỏ ra chiều chuộng hai trẻ rất mực lạ lùng, dọn phòng, giặt đồ cho T, đấm bóp cạo gió mỗi khi T bệnh hoặc mệt mỏi, đùa cợt nhau như chị em, tỏ ra bao dung độ lượng mỗi khi chúng lầm lỗi..
Cu cậu nhà T, cảm thấy ấm lòng được sự tận tình thương yêu chăm sóc của “người ấy”, một tình cảm mà ruột thịt T chưa bao giờ có được, T xem bà ta là một dưỡng mẫu, và “người ấy”  cũng tuyên bố T là con nuôi của mình. Đến nhà một ân nhân ở Utah, nơi SM từng trú ngụ, bà P giới thiệu với ông bà chủ nhà -  T là con nuôi, với ánh mắt khó hiểu và cái môi dày, SM liếc mụ ta sắc lẽm như dao lam cạo lông heo. Ai biết SM nghĩ gì lúc ấy. Ba của SM bảo với bà ta, đi đâu, gặp ai cũng phải giới thệu T là chồng của SM, thế nhưng, chưa bao giờ có cơ hội để xác định vị thế ông xã của nàng dâu 18 tuổi.
***
“Mập, mập ngủ với con, con không muốn mập ngủ riêng”, chỉ cần tiếng nói nũng nịu, thêm vài giọt nước mắt hối hận của SM, lòng mụ P như tan chảy, quên bẵng cơn giận dỗi vừa xảy ra; không bao lâu, hai người lại tràn đầy tiếng cười, SM khôn ngoan tinh tế đem lại sự vui vẻ. SM rất lễ phép, người mà chưa đầy 2 tháng, khi cô cậu còn trao đổi tin yêu cho nhau, còn gọi ba của T là “dad”, nay đưa lên hàng “ông”, vì bà P vẫn gọi thầy xưng con. Đây là giai điệu lệch cung, chuyện tình trong một gia đình chưa hề có, nhưng vẫn có cái gì đó ràng buộc một cách vô hình thấm đượm hạnh phúc. SM thỉnh thoảng vẫn nói đùa với “ông”, vẫn tinh tế ghẹo T, thế mà T vẫn chưa gắn nụ cười thoải mái trên gương mặt phiền muộn, T còn mắc mứu những chuyện lo âu cho tương lai cô cậu mà đầu đời gặp phải, cho dù gia đình của SM đứng sau hậu thuẩn mọi việc, thế nhưng, tính tự lập, không ỷ lại và bản chất tự trọng cao, làm cho khuôn mặt T già hơn tuổi tác. Toàn bộ gia đình SM tiên đoán T sẽ phải khổ vì tánh nết bướng bỉnh của con bé. Trước mắt, T đã lo âu cho tính xài hoang phí của SM, đôi khí còn nói nửa đùa nửa thật về vị trí của T, coi T là anh hai, hứng chí tuyên bố, con không bao giờ lấy chồng… làm cho cu cậu băn khoăn nghĩ ngợi. T nghĩ, tại sao mình lấy vợ quá nhỏ để phải khổ vì tánh khí ngang bướng của SM. Thật ra, cả 2 người ai cũng có chướng khí như nhau.
Căn nhà rộng thênh thang mà vẫn không đủ dung chứa tiếng cười khi cả nhà hội tụ đông đủ. Bà P và T, lẫn SM, đùa bởn như ngang lứa. Niềm hạnh phúc gia đình mà T chưa từng được nếm trãi, giờ đây, T ngỡ chừng như đang ở trong mơ. Suốt 7 năm đã nếm trãi nhiều đắng cay tình người và áp lực tiền bạc giữa xã hội thực dụng, bổng qua một đêm, mọi sự xoay 180 độ, T không tin là sự thật. Cuộc đời không ai hưởng trọn vẹn mọi tốt đẹp, luật tương phản buộc T phải gánh chịu tánh khí của con ngựa hoang… nhưng, mộng vẫn là mộng, hư hư thực thực vẫn là chiêm bao!
***
Hơn 2 tuần có mặt tại Cali, T đưa bà P đi công việc mỗi ngày, tất bật lo từ nhà ở, mua sắm, tiền bạc cho đến quần áo cho cô cậu. T phờ phạc thấy rõ, nhưng vẫn vui vì đã có mẹ nuôi cận kề. Ngày cuối trước khi về VN, bà P cần mọi người quây quần trong phòng khách, bà P đọc bài và nhắn tin cho ai đó với vẻ mặt thật tươi tỉnh, phấn chấn, SM la: “Mập tối ngày cứ nhắn tin cho đàn ông có vợ”. T học bài với cuốn sách hàng trăm trang, ngồi cạnh ba đang viết, SM học xong lại chăm chú trò chơi trên điện thoại, mong nhận được cặp kính cận trúng thưởng; mãi 12 giờ đêm, hai mẹ con rơi rụng chỉ còn lại hai cha con tiếp tục làm việc., để rồi sáng ra, SM đi học, bà P và T đi shopping, cũng kéo Tuấn theo, vì không muốn một ai trong gia đình phải xa cách nếu không có việc cần thiết.
Ba ngày đi và về nghỉ dưỡng ở Utah giữa công việc bộn bề mà “người ấy” phải gánh vác, chỉ còn vài ngày “người ấy” về lại Việt Nam, cuộn chỉ rối tung trong cuộc sống, bà P “phù phép” thấy như  ổn thỏa. Phải chăng vì hai đứa trẻ là động lực giúp bà P có sức sống kỳ lạ. Nguồn hạnh phúc tràn trề trong mái ấm lạ lùng, nguồn hạnh phúc không xây dựng trên tiền của vật chất hay túp lều mộng mơ. Phải chăng lòng khát khao tình mẫu tử, vượt lên quá khứ bất hạnh trờ thành một gia đình hạnh phúc thật sự. Và thật sự như thế ư? Sao bà P đột hứng tuyên bố giữa mọi người trong nhà: “ chắc kiếp sau tôi đầu thai làm chó, tội lỗi quá ác, nhưng xin làm chó nhà giàu” bé SM vô tư chêm vào, “làm chó vào nhà tui sướng hơn”. Tuấn bổng chốc bâng khuân nghĩ ngợi –“ thế là thế nào, có cái gì lương tâm thầm kín đang cắn rứt mụ ta”?
***
“người ấy” hứa qua Mỹ, tháng bảy sẽ đăng ký kết hôn, tổ chức 30 bàn tiệc do city hall bao trọn gói, mua sắm lễ cưới cho T và SM; chuyển qua viber cho Tuấn xem mẫu thiệp cưới và cặp nhẫn mà bà ta cho biết đã có sự đồng thuận của 2 đứa nhỏ, nhưng chờ mãi vẫn không nghe động tịnh, “người ấy trở về VN. T còn sáu tháng nữa là mãn chương trình Aerospace, tài khoản chỉ còn 3.000 USD, suốt thời gian “người ấy” ở Mỹ, một số chi phí tốn kém T phải chi. – “mẹ thiếu con bao nhiêu rồi, mẹ chuyển qua tài khoản con 2.000USD chịu không” – mụ cố tình nói vừa để  an lòng T cũng cho Tuấn biết sự hào phóng của mụ. Đến ngày mụ ta về lại VN, T không nhận được tiền như mụ hứa, công ty địa ốc đến xiếc nhà, đuổi hai đứa nhỏ lúc màn đêm rơi xuống. SM qua tá túc nhà bạn, T mướn nhà kho chỉ vừa đủ để chiếc ghế bố qua đêm. Tài khoản của T bắt đầu cạn dần khi phải đóng tiền nhà và mọi thứ tiền chi phí khác. Mọi ởm ờ xảo trá bắt đầu lộ diện. Cuộn chỉ rối tung tưởng chừng với bàn tay phù phép được bà ta giải quết ổn thỏa,nhưng đó chỉ là bàn tay phù phép của đầu óc của mụ phù thủy điêu ngoa.
                                    CHƯƠNG BA
ĐẦU XUÔI ĐUÔI KẸT
  • “Con đưa thầy 30 tấm thiệp Đính hôn, nếu dư, thầy đưa cho Trí mời bạn nó. Còn đây là 20 thư báo hỷ ” – vừa đưa xấp thiệp hồng, bà P đưa lên mũi , khen – “thư thơm quá”.
  • “đám tiệc người ta lo hết, tôi chả còn đồng nào suốt 7 năm lo cho con ăn học, bà có gì cho hai đứa nhỏ” Tuấn lên tiếng, mẹ của T vào ngăn tủ thờ, mở hộp thiết, mấy lớp vải và giấy, lấy ra ba lượng vàng bốn số chín và một lượng vàng nữ trang. Đây là vốn liếng mấy mươi năm bán buôn, bà tích cóp để dưỡng già. Sau đó, “người ấy” còn hỏi –“ bà Lan còn vàng không, để con mượn thêm lo đám cưới”.
  • “Còn 10 ngàn đô hôm trước đưa cho họ thì sao”? mẹ của T thắc mắc, Tuấn cau có đáp – “đó là tiền mượn của chùa để “người ấy” lo luật sư hợp thức hóa thủ tục kết hôn”. Nói thế chứ Tuấn cũng đi vay thêm năm mươi triệu để cho con nhân ngày hôn lễ.
  • “ năm mươi triệu làm được gi trong khi tiệc cưới 50 bàn, mỗi bàn 36 triệu, thầy đưa con phụ lo đám” bà P  nhanh tay nhận tiền không hề kiểm lại.
Ngày hôm sau, trong một nhà hàng sang trọng, bà P, thết đãi ông thầy bùa ngãi người Nùng, người mà bà P vừa biết mấy hôm để xin bùa phép; sau đó bà ngỏ lời – “con đang lo tiệc cưới cho cháu còn thiếu một số, thầy cho mượn một trăm triệu, sau đám con gửi lại” .
***
  • “ Thành, vụ cưới hỏi có thật không?” Tuấn thắc mắc. Thành, mẹ ruột của SM : “sao thầy lại hỏi vậy” ? – “ bởi vì nghe bà P nói T sẽ không về được”.
Thành và mẹ của bà P là chị em ruột, có nghĩa bà P và SM là chị em bạn dì, suốt thời gian “câu mồi”, bà ta cứ bảo SM là con gái nuôi, thảo nào chưa bao giờ nghe SM gọi bằng mẹ mà chỉ kêu đích danh “mập”. Khi chưa rõ trắng đen về giai hệ mập mờ trong gia đình bà P, T gọi bà P bằng mẹ thì phải gọi mẹ của bà ta bằng ngoại, gọi bà Thành bằng bà út, dĩ nhiên phải gọi SM bằng dì, vì là em của me P. Đến lúc chiếc mặt nạ giả tạo không thể tồn tại, bà ta giới thiệu trực tiếp giữa hai gia đình, việc xưng hô lỗi đạo trái đời được chuyển đổi, T gọi bà Thành bằng mẹ, bà ba chị bà Thành tức mẹ bà P bằng dì (còn gọi là má ba).
  • “Thầy không muốn ngồi sui với gia đình con nữa sao?” – Thành ngờ vực.
  • “Qua lời giới thiệu ởm ờ của bà P, SM đang là công dân Mỹ, tuy chúng tôi đã nghèo, còn bị lừa mất trắng, vì lời hứa lúc đầu cho 2 trẻ đến với nhau, nay biết rõ sự thật, buộc lòng phải chấp nhận ngồi sui” Tuấn miễn cưỡng trả lời.
***
“Người ấy” là một diễn viên xuất sắc trên sân khấu lừa đảo. Vừa đóng vai mẹ nuôi SM, vừa đóng vai SM để trao đổi những tin nhắn yêu thương tình tứ với T. Vừa là người có quốc tịch và sống ở Mỹ lâu năm, có mối quan hệ làm ăn thượng lưu ở New york, nhờ cái mark đó mà lừa đảo khắp nơi, mãi đến khi không còn đất dung thân tại New York, bà ta về VN tiếp tục sống bằng công tác từ thiện, đến khi visa gần hết hạn, quay lại Cali vài hôm để tiếp tục xin xuất cảnh. Dẫu sao, VN cũng là mãnh đất dễ sống và người VN cũng là con mồi ngây thơ trước con người hào phóng mang quốc tịch Mỹ như bà ta.Cho dù tinh vi gian xảo đến mấy, vẫn có lúc lộ diện bản chất thật, chỉ có gia đình bà ta còn tin tưởng con mình là chân thật. Những chuyến từ thiện, các thành viên đóng góp được nhiêu hay bấy nhiều, còn lại bà ta bao tất, mẹ bà ta tin thế, gia đình bà ta đâu biết rằng nhưng đồng tiền bà ta gửi về giúp gia đình là một phần mồ hôi nước măt của những tấm lòng vị tha góp vào theo lời kêu gọi của bà ta đi làm từ thiện.Dẫu sao bà ta vẫn là người con có hiếu để cái hiếu che mắt gia đình trước những việc lừa đảo mọi người trong xã hội.
Qua những chuyến từ thiện, thành viên trong nhóm phát hiện nhiều ngờ vực về sự khoe khoan của bà ta với những tài sản khắp nơi trong và ngoài nước, kể cả  sáu mẫu đất chôn thai nhi ở cao nguyên do các Linh mục tạo lập, cũng vơ vào của bà ta.
***
Còn 24 giờ nữa là T sẽ đặt chân lên đất mẹ sau 7 năm xa xứ du học. Cu cậu bồn chồn nôn nao, bạn bè gửi sẵn quà cáp về cho thân nhân tại VN, nhưng đấng vô hình đã tạo cuộc gặp giữa hai gia đình để mọi toan tính ngưng trệ. Tuấn, Thanh và “người ấy” họp nhau lần cuối tại lầu ba chung cư The Star, huyện Bình Tân. Quyết  định cuối cùng không nên để T về sau khi dọ hỏi nhiều thầy tâm linh của cả 2 gia đình. Bà ta một mực không đồng ý, yêu cầu T cho ý kiến. Trước một vấn nạn chưa biết tháo gỡ từ đâu, Tuấn gợi  ý: “một là  vì chuyện gia lập gia đình, hai là vì tương lai sự nghiệp, con chọn cái nào? Lấy vợ lúc nào chả được, sự nghiệp đời người chỉ có một lần”. T chấp nhận hủy tiệc cưới. Bà P lồng lộn nhảy dựng – “nếu tau biết mày chọn sự nghiệp thì tau không phải bỏ công vào việc này”. Ai cũng sửng sờ trước thái độ như là “ mất miếng ăn lộn gan lên đầu” của bà ta. Con trai chọn sự nghiệp cho tương lai là việc đương nhiên, chả lẽ vì gái mà chôn vùi cuộc đời. Sau vỡ tuồng bế tắt với nhiều căm phẩn, “người ấy nhắn tin hăm dọa, khủng bố T, chuyển thư trả lời của tòa lãnh sự Mỹ yêu cầu cung cấp chi tiết của người kết hôn giả; lấy danh nghĩa SM mạt sát T… đó là những ngày T gặp khủng hoảng nhất trong đời giữa lúc mùa  thi tốt nghiệp. Sự việc bế tắt đâu phải do T muốn, thế mà một người từng nhận là dưỡng mẫu đối với thằng bé chưa tưng trãi cuộc sống, phải gánh chịu dồn dập những chuyện ngoài ý muốn giữa đất người xa lạ.
 Ngoài ngón đạo diễn lẫn đội lốt người yêu nói chuyện với T hàng đêm, cả SM lẫn T chưa thực sự hiểu gì nhau khi sượng sùng gặp mặt. Thế nhưng, gia đình hiền lành đạo đức của bà ta cứ tin mọi việc làm của bà P đều tốt và có tâm từ thiện. mẹ của “người ấy”, tức chị của Thanh nói: “con P nó tốt lắm” Tuấn hỏi lại “chị muốn nói tốt là sao”? chị ta giải thích – “ tại nó kẹt tiền làm vậy, nữa có nó sẽ trả lại”. “ tôi không nói về tiền bạc, dù nghèo nhưng tôi không quan trọng, đưa ra là tôi xem như không còn của tôi,nếu tốt sao nó nở hăm dọa chửi bới thằng nhỏ vô tội?” Tuấn hỏi vặn, chị ta ngượng, quay mặt chỗ khác.
***
  • “ Tiền đặt cọc tiệc cưới mấy trăm triệu, giờ thầy tính sao? Thầy thanh toán tiền vé máy bay của T, con cho người đến nhà lấy hoặc cho số phone của T để  văn phòng hãng máy bay đến lấy”,  đến giờ chót mụ ta cũng tìm cách moi tiền Tuấn. – “cứ cho ngươi đến gặp tôi” Tuấn cương quyết trả lời, Tuấn dặn T, nếu ai đến đòi tiền thì cứ gọi cảnh sát, ai đăng ký đòi người đó, muốn tống tiền dễ vậy sao. Còn tiền tiệc cưới, Tuấn đâu chủ động phô trương.Mụ ta cũng nhờ Tuấn hỏi vay anh Nhất ngoài Hà nội 40 triệu, Tuấn  từ chối, thế là một tin nhắn vào số điện thoại: “Sau này con không có việc gì để gặp lại thầy nữa, con chúc thầy sức khỏe. Thầy xóa số phone của con dùm. Bye thầy”.
                                                     ***
Ngày 31/7/2018 là ngày đáng nhớ của Tuấn, 70 năm từ ngày cha sanh mẹ đẻ, đầu tiên mang danh đứng “sui”, một loại “sui” chả giống ai trên cỏi đời giả tạo nhiều biến thiên, hình như cả cuộc đời Tuấn, mọi sự đến rồi đi cũng chả giống ai. Theo gợi ý của gia đình Thanh, ngày Đính hôn thiếu chú rễ, cần mời một vị Tăng chơn tu đến chứng minh chú nguyện cho hai cháu. Một TT từng giúp T rất nhiều trong thời gian thiếu tiền đóng học phí, thầy hoan hỷ đến dự. Trong căn phòng nhỏ hẹp vừa đủ đặt chiếc bàn tròn, sau lời thầy khuyến giáo, đưa phong bì cho SM, tặng mỗi cháu một trăm AUD. Tuấn thấy gia đình không biết tạ lễ, tự móc một triệu bỏ bao thư đưa gia đình dâng lên thầy.Để vớt vác sự vụng về của một gia đình từng là đệ tử Phật giáo Nam Tông đối với một ân sư, Tuấn gợi ý ba mẹ của SM nên đến thăm viếng cơ sở Tam bảo của thầy đang xây dựng, vài hôm sau viện lý do nào đó, họ từ chối.
Sau vài hôm SM trở lại Mỹ mà không hề được gia đình đưa đến chào từ giả gia đình chồng. Cũng không hề điện thăm khi biết Tuấn gặp nạn.
                                                       ***
Tại sao lễ đính hôn không làm tại nhà cha mẹ ruột của SM mà lại chọn nhà dì ba? Tại sao Tuấn không hề được mời đến nhà cha mẹ SM?
Tại sao họ phải chọn T làm rễ khi gia đình chưa hề gặp gỡ,biết mặt T và quyết định tổ chức đính hôn vội vả?
Tại sao gia đình bà P không đặt vấn đề người có quốc tịch Mỹ mãi cứ thường trú tại VN mà không hề làm ăn, lấy đâu ra một tháng đi nhiều chuyến từ thiện hàng trăm triệu? Có lẽ do sự khôn khéo gian xảo và chu cấp cho gia đình đã che mắt người nhà bà ta?
Có người đặt vấn đề, người ta nghèo mà bị con cháu mình gạt mấy trăm triệu, không đền bù thì ít ra nói lời phải quấy, chả thế còn muốn kết sui cũng lạ thật.
Một người bạn ở Mỹ khuyên Tuấn nên đưa đơn lên lãnh sự quán cung cấp tên tuổi hình ảnh tố cáo một công dân Mỹ lừa đảo công cân VN…Anh em ở chung cư The Star cũng khuyên nên đưa ra pháp luật để tránh hậu hoạn cho những người khác về sau, nhưng Tuấn im lặng vì không nỡ làm đau cho một gia đình có đứa con ngoài ý muốn như thế.
Còn nhiều và rất nhiều nghi vấn chung quanh cung cách cư xử của gia đình sui gia thiếu tế nhị trong khi thường xuyên họ cung cấp lương thực cho các bệnh viện???
Thành là một phụ nữ hiền lành chất phác, thiếu kinh nghiệm giao tế, chuyện gì cũng hỏi ý kiến bà chị, nhưng chị ba, dẫu sao tuổi đời trên 73, chồng con đầy đủ, chả lẽ thiếu hiểu biết về cung cách giao tế.
Xã hội phức tạp ngày nay, có một gia đình chị em đùm bọc nhau sống một cách hồn hậu như thế cũng đã là quý; sau cái đạo đức hiền hậu ấy còn có cái gì khó hiểu!
                                                    ***
Tuấn viết vài giòng gửi cho con: “ Ba thật sự thất vọng về gia đình gọi là sui gia. Tuy ba dành rất nhiều tình cảm đối với gia đình hiền hậu ấy; nhưng hiền và đạo đức chưa đủ, cuộc sống cần hiểu biết và xử sự tinh tế hơn nữa.Từ đây, kể như ba không xem họ là sui gia. Họ đã bắt được chàng rễ quý là xong việc, không cần biết sui gia là ai. Tương lai tình cảm do con định đoạt, ba không xen vào.Đính hôn chưa hẳn là sợi giây cột chặt đời người. Con vẫn giữ quan hệ tốt với họ cho dù SM không cần liên lạc với con cũng như họ không cần liên lạc với gia đình mình.
Chuyện lạ trên đời không thiếu, nhưng cái lạ mình là nạn nhân của con cái họ, mình bỏ qua tất cả để giữ cái đẹp của tình người, nhưng tình người như thế thật đáng tiếc phải không con.Đôi khi ba tự nghĩ, mình là nạn nhân của người nhà họ, lại chấp nhận thông gia với gia đình họ, một loại thông gia lơ lững giữa tầng mây…”
                                                   ***
Hình ảnh “người  ấy”đi tu gieo duyên để cầu nguyện cho quốc thái dân an, trên facebook mà chị bảy cho Tuấn xem, thật lạ, tại sao họ không tu dưỡng cầu cho mình trở lại cuộc sống lương thiện, đừng lừa gạt hại người mà lại cầu cho quốc gia  dân tộc, khác nào vết nhơ trên mặt không gột rửa lại lo làm sạch mặt cho người khác. Đời là muôn mặt thế sao???

.................
Đời người ai cũng có một giai đoạn đáng nhớ, những khúc quanh lịch sử đời người có khi vinh hiển, có lúc khổ đau, có khi sung túc may mắn, đôi lúc thê lương cùng tận. chà đạp nhau mà sống, lừa đảo nhau vươn lên…chỉ những ai thủ  tiết lương tri mới chấp nhận thiệt thòi lọt sâu tận đáy xã hội. Một xã hội không công bằng,thiếu tình người thì đừng bao giờ mong có một cuộc sống ổn định an thân.Nền tảng đạo đức xã hội vắng mặt, cho dù nhân danh tôn giáo,nhân danh tín đồ ngoan đạo, nhãn hiệu từ thiện… cũng chỉ là lớp lụa mỏng phủ lấp ổ vi khuẩn hoành hành trong những ai mang tâm ô uế

Tác giả: MINH MẪN (05/10/2018)