Thoáng mà đã qua nửa tháng bảy, một tháng được hiểu là mùa Vu Lan.
Có lẽ tri ân báo hiếu được khởi xuất trên đất nước ta từ thời Phật giáo Bắc truyền du nhập vào quê hương trên dưới 2000 năm. Thuở xa xưa người dân và vua chúa cũng đã thể hiện tình người, tính vị tha, và tính tương thân. Đạo đức vị tha trong chiến tranh, đạo đức hiếu nghĩa trong thân tộc, đạo đức tri ân đối với xã hội và nhân loại, từ bi với muôn loài, tôn trọng mạng sống chúng sanh.
Ngày nay, mùa Vu Lan trở thành truyền thống của dân tộc, người hiện tiền và kẻ quá vãng cũng được quan tâm; Nó không còn là truyển thống tôn giáo mà là đạo nghĩa tình người.
Bước đầu tháng bảy, một vài nơi bắt đầu chẩn thí. Một vài quán ăn chay hoặc là phục vụ miễn phí, hoặc có mạnh thường quân tài trợ cho quán để làm công việc miễn phí trong một ngày. Một vài nơi sắm sửa thực phẩm để cung cấp cho dân nghèo. Phần lớn các chùa đều đãi chay cho bá tánh. Suốt tháng bảy nhiều nơi người có tâm vị tha và hạnh bố thí, đều phát quà, thuốc men, áo quần… cho những ai có nhu cầu. Chim, cá cũng được nhiều người sẵn lòng phóng sanh, và cũng không tránh khỏi một số người sẵn lòng đánh bắt trở lại - tất cả đều trong mùa hoan hỷ!
Tháng bảy trở thành tháng nhộn nhịp cho các chùa, tháng bận rộn cho quần chúng tin vào tâm linh và nhân quả - cầu an, cầu siêu, đền ơn đáp nghĩa… ngoài ân sanh thành, còn nghĩa tương trợ trong xã hội, thập phương sanh chúng; báo đáp ơn Tam bảo, quốc gia thủy thổ… Đó là đạo nghĩa của dân ta.
Tình thương và lòng vị tha không chỉ vào dịp tháng bảy, thường ngày, một vài nơi, đâu đó vẫn có xe bánh mì từ thiện, rằm nguơn luôn phát cơm miễn phí, cơm từ thiện cho các bệnh viện, những bình nước dọc đường cho người đi qua, thùng tiền lẻ cho người vô gia cư đến nhận vừa đủ ăn cơm, tủ quần áo cũ cho những ai có nhu cầu. Làm từ thiện qua nhiều hình thức chỉ vì mục đích vị tha vô ngã. Tinh thần “thi ân bất cầu báo” trở thành truyền thống tốt đẹp của những người con Phật, kể cả người không phải là tín đồ Phật giáo, được lan tỏa ra xã hội… dần thâm nhập ra phía Bắc thập niên gần đây.
Vùng An Giang và một vài tỉnh Miền Tây Nam bộ, cuộc sống không khá giả như thành thị, vẫn tràn ngập việc từ thiện như xây cầu, làm nhà, phát thuốc cho dân thiếu điều kiện. Các bệnh viện luôn được trợ cấp cơm chay miễn phí hàng ngày cho bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh, và nhân viên bệnh viện nếu họ cần. Mổ tim, mổ mắt, cung cấp hòm, trợ táng cho những gia cảnh khó khăn, hỗ trợ viện phí, có xe đưa đón bệnh nhân về vùng xa cho những trường hợp không đủ khả năng. Đó là việc làm thực tế trong cuộc sống hiện nay.
Những việc hành thiện không phô trương, không vụ lợi phát xuất từ tâm lành, không chỉ trên hành động mà còn vương vấn trên nét mặt hồn hậu, đúng với câu cổ nhân từng nói: “Thử tại tâm trung xuất hình ư ngoại”. Những người phát tâm bố thí hành thiện thực sự, dĩ nhiên không có hành động cao ngạo của kẻ bố thí, không mưu cầu lạm dụng trong việc làm từ thiện.
Càng ngày, người dân đã quan tâm cho nhau trong cuộc sống khốn cùng, đó là hiện tượng đáng mừng, một nét văn hóa tình người thì tự khắc lòng vị kỷ sẽ giảm thiểu.
Ông bà xưa bảo: “Phú quý sanh lễ nghĩa”, cuộc sống dân ta hiện nay chỉ đủ ăn, chưa được gọi là phú quý, thế mà biết quan tâm chia sẻ cho nhau. Văn hóa tình người như thế, sẽ lan tỏa và nhân rộng, thì chắc chắn văn hóa của một dân tộc không thể bị đánh mất. Văn hóa không bị đánh mất thì dân tộc ta không thể suy vong.
Chính tính vị tha tương trợ thường ngày trong xã hội, làm nền tảng ôm ấp cho mỗi độ Vu Lan hoặc rằm lớn, trở thành một trào lưu tâm linh, tính nhân quả và thấm đẫm tình người, là những cánh hoa đẹp nở rộ trên áo của mọi người khi bước vào cổng chùa trong dịp Vu Lan; Những ai không bao giờ đến chùa mà vẫn thể hiện hạnh bố thí, đấy cũng là tự gắn vào lòng sự thanh thản, ươm mầm cho phúc báu tương lai.
Từ nét đẹp Vu Lan biến thành “văn hóa tình người” cho cuộc sống xã hội hiện nay.
MINH MẪN
26/8/2018.– 16 tháng bảy năm Mậu Tuất P.L 2562