Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

NHỮNG NGÀY VỀ LẠI CALI




10g đêm ngày 21/5 của Cali, mới đặt chân đến nhà cô em, nơi mà gần 6 năm, Trí được dung thân miễn phí  (đây là chnuện  hy hữu tại đất Mỹ khi mà mọi việc, cho dù bà con, cũng phải tính bằng tiền).

Sáng ngày 22/5, lễ tốt nghiệp diễn ra tại sân cỏ của trường Long Beach, trên ngàn sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành nghề khác nhau, được tổ chức khá long trọng; có những ngành như kiến trúc, xây dựng computer có hàng trăm sinh viên được xướng tên, gần 2 tiếng giới thiệu các chuyên ngành,.thật đột ngột ngở ngàng, chương trình kết thúc  khi ngành Aerospace đến giờ chót những sinh viên tốt nghiệp được nêu tên một  cách nhanh gọn không quá 10 người.Các sinh viên xúng xính trong bộ áo truyền thống màu đen như các cha cố,gương mặt tươi vui rạng rỡ. Trên không trung, chiếc máy bay đầm già kéo theo giòng chữ hoan nghênh sinh viên tốt nghiệp, bay ba vòng rồi biến mất dạng.
                                                          ***
Giờ giấc thay đổi, đồng hồ sinh học cơ thể chưa chuyển kịp với thời gian bên ngoài, nên việc ngủ ngày,thức đêm, suốt tuần lễ làm đầu óc bần thần, đi đứng như kẻ mộng du; thế nhưng, ngày ngày phải theo Trí và mẹ Phương đi chợ Costco hoặc Walmart để sắm ít đồ cần thiết; ăn những món chay tại các tiệm người Việt. Viếng thăm các chùa như chùa Ni Quan Âm, chùa Quán Thế Âm của thầy Pháp Châu, chùa Điều Ngự của thầy Viên Lý, chùa Pháp Vân của sư  Chơn Trí, rồi Hòa Thượng  Kim Triệu của hệ phái Nam Tông; các chùa đều tổ chức Phật Đản vào ngày chủ nhật (27/5) bởi lẽ chỉ ngảy nghỉ mới có người đến chùa.
                                                        ***
Cư sĩ Nguyên Giác, tức Phan Tấn Hải Tổng biên tập Việt báo –mời đến tiệm chay cùng 2 cộng tác viên của báo, ngày hôm sau lại có thêm anh Tâm Diệu thư viện Hoa Sen, anh Đỗ Hữu Tài (gốc Giao Điểm) trao đổi nhau tinh hình sinh hoạt Phật giáo trong và ngoài nước; Cũng chính anh Phan Tấn Hải, tối thứ bảy 26/5 mời tham dự đêm nhạc “Thu Vàng” trong một thính phòng chỉ đủ trên trăm người tham dự, nhưng thật ấm cúng khi bên ngoài khí hậu se lạnh. Những nhạc bản xưa được trình bày bởi các ca sĩ: Thu Vàng – Trung Nam – Diệu Trang – Xuân Thanh – Lan Hương – Vũ Hùng – Trịnh Hoàng Hải.
Xưa kia, Thái Thanh thủ đắc giọng ca cá biệt cho những nhạc phẩm Phạm Duy, thì ngày nay, Thu Vàng cũng đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán thính giả, không những nhạc phẩm của Phạm Duy như: “Những giòng sông chia rẽ - Chiều về trên sông” mà còn nhạc phẩm “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Thiên Thai” của Vân Cao, “Mùa Thu Không Trở Lại” của Phạm Trọng Cầu, “Hương Xưa” của Cung Tiến, “Hồn Vọng Phu”3 của Lê Thương. Mặc dù giọng ca chưa được nhiều người biết đến, người từ Việt  Nam qua, cũng gây sự ngỡ ngàng thich thú không những cho khán thính giả mà còn tạo sự chú ý cho Ban tổ chúc và các nhạc sĩ bậc thầy hiện diện, bởi không chỉ là ca sĩ mà còn là nghệ sĩ nhập hồn vào ca khúc.
                                                        ***
Cali vẫn trầm lắng với không khí trong lành và khí lạnh tràn về  bất chợt. Vẫn những làn đường luôn trôi nhanh giòng xe như thoi đưa trên cao tốc đan xen mắc lưới. Những khu nhà im ắng lặng chìm trong không gian cô tịch. Mọi sinh hoạt  lặng lẽ chỉ vừa đủ cho người lắng nghe, chỉ riêng một con chim lạ luôn vang vọng tiếng thét não nùng suốt đêm ngày trên dây điện trung thế như tìm bạn đời chợt  biến mất, làm cho lữ khách mất ngủ trong đêm phải lắng nghe với tâm cảm bi thương não nuột.
Cái não nuột nặng nề hơn khi trong không gian của ngôi nhà nhỏ hẹp luôn tạo những đợt sóng ngầm xung kích lẫn nhau với những con người được mệnh danh là bà con ruột thịt đối với đứa cháu vừa thành đạt, được một tấm lòng bao dung giúp đỡ. Chính sự đố kỵ ngấm ngầm từ lâu, nay có sự may mắn đến với đứa cháu gọi mình bằng cô, như giọt nước làm tràn đầy, họ manh tâm tạo ngờ vực, chia rẽ giữa cháu mình với ân nhân đang dang tay giúp đỡ nó.
“Con có biết nó là thằng có gia cảnh nghèo? Tại sao con đến với nó khi nó có người yêu tại Việt Nam? Con hãy từ bỏ ý định kết hôn với nó vì nó cũng là du học sinh như con….”
Nhiều vấn nạn của người cô cố tạo cho Sumi lung lay tâm lý. Thật ra Sumi tuổi vừa 18,tuy là con gai, nhưng đáo để không vừa, giả ngu ngơ đẩy người đàn bà đầu 2 thứ tóc đến chỗ tin là gia đình Sumi sai lầm hoặc là gia đình đó đang có ý đồ bất minh khó hiểu. Thật ra chả có gì phải khó hiểu, tại tâm hồn bất chánh nên tự tạo một ảo giác sai lầm để rồi tự mình bất an trước sự kiên định của gia đình Sumi.
Cái gì trước khi thành công cũng phải trãi qua gian nan gai góc, 7  năm trước khi bước chân đến Mỹ, du học sinh còn non lòng dạ trẻ đó cũng đã bị những người mệnh danh là tu sĩ và những người trong hội của chùa, từng được Mỹ là đất nước xa lạ, dang tay cưu mang để ngày nay họ có cuộc sống ổn định và khá giả, thế mà họ không đủ rộng lượng cưu mang một đứa trẻ cùng quê hương,xa nhà trên xứ lạ, tẩn xuất nó lang thang thiếu ăn, không nơi nương tựa qua đêm, thế mà nó đủ nghị lực vượt qua khó khăn đầu đời để ngày nay tương đối vững chải. Cái khổ đầu tiên đó giúp cho nó kiên định khi gặp cú xốc trước dịp may đang đến gần; cái gai góc lại phát xuất từ trong gia đình thật nham hiểm bỉ ổi, một đứa cháu vốn bị ghét bỏ từ gia đình bên nội, nay thành đạt học vị,lại thêm cái may được một gia đình khá giả  cưu mang, vì thế, họ tận lực vùi dập chia rẽ. Nhưng lòng dạ hiểm độc làm sao thắng được tâm độ lượng và phước nghiệp của một người.
Cali vẫn bình dị trong sinh hoạt và bôn ba trong cuộc sống. Tiếng hót đau thương của con chim lạ giữa trời đêm đã bị lọt thỏm giữa không gian u tịch vô tâm của con người, cũng thế, cái ác tâm của con người trước sự thành đạt và dịp may của đứa trẻ đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, cũng sẽ nhạt nhòa khi mà tâm kiên định trước mọi thử thách, mọi khó khăn cũng sẽ trôi nhanh như lọn mây tan loãng giữa mênh mênh của bầu trời.
Giữa vô vàn cỏi lòng rộng mở, vẫn xuất hiện những điểm đen của vài tâm hồn hoen ố ích kỷ hiểm độc, đó là bản chất đương nhiên trong xã hội. Dẫu sao, vẫn phải cám ơn những cánh tay rộng mở cứu giúp lẫn nhau, trong đó cô P đã dành cho cháu một không gian riêng biệt miễn phí để cháu học hành thành đạt ngày hôm nay và  lòng từ tiếp theo đang giúp cháu tiếp bước vào đời một cách nhiệt tình hơn cả ruột thịt, cháu đã gọi người ấy bằng mẹ. Hai mẹ con đồng cảm, mở một tương lai tươi sáng cho 2 đứa trẻ dìu nhau vào đời.
MINH MẪN
27/5/2018

* TÀI LỘC VÀ PHƯỚC BÁU



Trong cuộc sống, việc giàu nghèo không phải là việc ngẫu nhiên hay do sự sắp xếp ban thưởng của đấng quyền năng nào; theo tinh thần nhà Phật, mọi sự diễn tiến tùy thuộc vào nhân quả = nhân lành quả lành, nhân xấu phải lãnh quả xấu.
Người Phật tử chân chính hiểu giáo lý nhân quả, không bao giờ cầu khấn van xin với bất cứ thần tượng nào. Không một Thần thánh nào can thiệp vào nhân quả của một cá nhân, ngoại trừ cá nhân đó chuyên hành thiện hoặc hành trì giới luật nghiêm túc và miên mật, có thể chiêu cảm chư thiện Thần hỗ trợ, bảo vệ một mức độ nào đó.
Của cải vật chất là thế gian pháp, nó sẽ đến với những ai đủ phước báu từng gieo trồng trong quá khứ; tùy mức độ phước báu mà tài lộc được chiêu cảm tương xứng, ví như lượng nước chỉ vừa đủ trong một vật chứa. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dư thừa phước báu nhưng họ từ chối tài lộc đến để hưởng thụ, họ chấp nhận sống giản dị vừa đủ, hoặc họ chuyển tài lộc đó cho những ai có hoàn cảnh kém may mắn, phước báu họ tích lũy thêm.
Cũng không tránh khỏi những trường hợp phước báu kém mà dùng thủ đoạn cố thu gom để có tài sản theo lòng tham, những người như thế, không đủ phước báu để duy trì tài sản, lúc nào đó tài sản sẽ ra đi kéo theo thảm họa khổ đau!
Cổ nhân từng nói: “Tri túc, tiện túc, hà thời túc”, mình biết đủ trong hoàn cảnh hiện có, nói thế không có nghĩa mình thụ động an phận, mà vẫn phải sống và đóng góp lợi ích cho xã hội, không nghĩ đến quyền lợi theo lòng tham. Sở dĩ con người khổ là do lòng tham làm chủ. Kẻ sống trên núi tiền vẫn cảm thấy lo âu, tính toán, bất an, ngược lại người nghèo biết đủ thì luôn được nhàn nhã an lạc – “tri nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”. Cái vui vẻ hạnh phúc không do ai đem lại, cũng không xuất hiện trên cơ sở vật chất mà do chính tự thân không bị lòng tham làm chủ.
Có nhũng người suốt đời bon chen, cật lực kiếm tiền mà vẫn nghèo, cũng không thiếu có người không cần phải khổ thân mà vẫn có của ăn của để. Cổ nhân cũng đã bảo: “Si lung ám á giao hào phú, trí tuệ thông minh khước thọ bần” nghĩa là người ngu ngơ khờ khạo lại giàu có, lắm kẻ khôn lanh tính toán vẫn nghèo, hoặc của nắm trong tay cũng sẽ ra đi vì thiếu phước.
Như vậy phước báu quyết định cuộc sống với tài lộc, nhưng ít ai nghĩ đến nguồn gốc sanh tài lộc mà cứ phải suốt đời bon chen, đôi khi hành động tội lỗi, chiếm đoạt của người để rồi, không sớm thì muộn, tài sản đó sẽ vuột khỏi tầm tay, thay vào đó là tai họa sẽ đến.
Một câu chuyện tuy không thực nhưng rất thực đối với cuộc sống, dạy cho những ai luôn nghĩ đến tiền mà không nghĩ đến việc gieo phước, tuy không hành động, đôi khi ý tưởng xấu xa sâu độc hại người, lời nói nham hiểm cũng là lúc tự mình bào mòn phước báu tự thân.
Chuyện kể, anh cyclo hàng ngày, trước khi đi làm, đều cẩn trọng để trên bàn thờ ông Địa ly cà phê, điếu thuốc và tờ vé số, mỗi chiều, anh ta lắng nghe chăm chú giờ xổ số, thế rồi niềm hy vọng tiêu tan, anh ta lủi thủi tiếp tục còng lưng trên chiếc xe ba bánh kiếm sống qua ngày. Cứ thế, ngày ngày trôi qua, tiền vé số, ly cà phê và điếu thuốc cứ tiếp tục hao tốn một khoản tiền, gom lại một năm, số tiền đó không hề nhỏ so với sức lao động và mức thu nhập hàng ngày của anh ta. Một hôm buồn phiền, anh ta giải khuây vài chung rượu vì suốt ngày không có khách. Say xỉn, anh ta đem ông Địa vứt xuống ao. Ngày hôm sau, khi tỉnh rượu đẩy xe ra khỏi nhà, phát hiện bàn thờ không có ông Địa mà ly cà phê và tấm vé số vẫn còn. Anh ta hỏi người nhà – ai lấy cắp ông Địa của anh? Người nhà bảo – anh vứt xuống ao chứ ai mà lấy. Anh ta đem lên, rửa sạch, tiếp tục thờ.
Một trưa hè, gió thoang thoảng, anh ta thiêm thiếp nằm trên võng bên chái hiên lá, thấy ông Địa về trách – “Sao mầy cứ đem tao vứt xuống ao?” – “Tại sao ngày nào tôi cũng cúng cà phê thuốc lá cho ông mà ông không hề cho tôi trúng số” – “Vậy mày hãy đi theo tao”
Hai người vào một ngân hàng to lớn, từng gói tiền cuộc sẵn, ông Địa bảo –“Mầy vào đó  lựa cuộn nào có tên mày thì lấy”. Lựa suốt ngày mà không tìm thấy, anh ta nói với ông Địa = “Không có tên tôi”. Ông Địa đáp –“Không có tên mày thì lấy gì tao cho, tao chỉ là người đi phát thơ”. Anh ta hỏi –“Thế làm sao tôi có tên”? – “mày phải đầu tư vào ngân hàng, có tích lũy mới có lợi nhuận, nghĩa là ngân hàng phúc lộc mày phải biết làm phúc, bố thí, cúng dường, giúp người… từ nhân đó mới có quả báo chứ”.
Câu chuyện tuy hư mà vẫn thực, cuộc sống không gieo nhân tốt làm sao có quả tốt. Cứ bo bo bảo thủ, hưởng thụ xa hoa thì phước lộc mỗi ngày một tiêu hao, chưa nói trong cuộc sống vô tình hay cố ý ta làm những chuyện tổn phúc, làm người khổ đau, khinh miệt kẻ nghèo kém may mắn, lừa gạt cướp của, dùng quyền lực hà hiếp kẻ cô thế, dùng lời lẽ thoá mạ kẻ khác… cho dù sống trên khối tài sản, có ngày cũng sẽ tiêu vong.
Tóm lại, tài sản vật chất là của thế gian, không do ta tạo ra, khi sanh ta đến thế gian hai bàn trắng, lúc lìa đời ta cũng không mang chúng theo được, của thế gian đến với ta do phúc báu ta gieo trồng trong quá khứ, quá khứ không gieo phúc thì đời nay sao có lộc mà hưởng. Vì vậy, nhà Phật bảo: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” muốn biết nhân quá khứ hãy xem đời sống hiện tại, muốn biết kiếp sau hãy xem việc làm ngày nay. Thế thì van xin cầu khấn là việc mê tín, nếu khấn cầu đều được giàu có may mắn thì mọi người chả ai cần lao tác, cứ ở không mà khấn cầu.

MINH MẪN
30/5/2018

Vùng tệp đính kèm
Đã dùng 14,28 GB (95%) trong tổng số 15 GB

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

* THỰC CHẤT CỦA VIỆC TỪ THIỆN


“Từ thiện” là mỹ từ chỉ cho những trạng huống như bố thí, cứu trợ, ủy lạo, biếu tặng, kể cả hình thức cúng dường… nghĩa là mọi việc đem lại lợi ích cho người khác ở mỗi trường hợp, mỗi vị thế trong cuộc sống khác nhau.
Từ thiện phát xuất từ tấm lòng vị tha thật sự, không kể trường hợp đánh bóng tên tuổi hay vì mục đích quảng cáo cho tập đoàn nào đó, cũng có thể dùng hình thức “từ thiện” để cảm thấy nhẹ nhàng khi tạo ra đồng tiền thiếu trong sạch.
Gọi là “từ thiện” để phân biệt với những tấm lòng vị kỷ chỉ biết sống cho riêng mình, thật ra, “từ thiện cũng chả phải là từ thiện. Tại sao?
Khi sanh ra đời, chúng ta chỉ có đôi tay trắng, của cải vật chất đến với ta, hoặc do cha mẹ để lại, hoặc tự thân nỗ lực tạo lập, vật chất của cải đó là của luân lưu trên thế gian, nay vào tay người này, mai đến tay người nọ, nếu có phước thì cầm giữ lâu dài, nếu thiếu phước thì một thời gian trắng tay.
Của cải có được, nhiều hay ít là do phước báu nhất định từ quá khứ gieo trồng, nếu biết tạo thêm phước dưới hình thức vị tha như  cây tiếp tục  trổ quả cho ta hưởng. Cây không vun phân tưới nước dĩ nhiên sẽ tàn úa.
Một giòng nước hay ao hồ, từ cao chảy xuống thấp, thì giòng nước tiếp tục trong sạch. Nước không luân lưu sẽ trở thành nước ao tù dơ bẩn không xài được. Cũng thế, vật chất của cải ta sử dụng đúng mục đích lợi mình lợi người thì giá trị vật chất ta nắm giữ sẽ không bao giờ cạn. Nước giếng xài thường cũng không hết mà không xài cũng không đầy. Vật chất tích lũy mãi không buông xả, chưa chắc tồn tại mãi, không bị trộm cướp, bệnh hoạn hao tài, con cái phá sản, tai nạn hỏa hoạn, nước trôi hay bất cứ hình thức nào đó nó cũng sẽ ra đi mà ra đi một cách vô nghĩa; tạo tâm trạng tiếc của phiền muộn. Của cải nhiều ít có được là do phước báu cố định, muốn nhiều hơn cũng không được muốn cho đi cũng không nghèo. Tỷ phú Bill Gates hiến phần lớn tài sản cho công ích mà ông ta vẫn không nghèo, ngược lại đó là cách tẩm tưới phước báu cho con cháu tiếp tục hưởng.
Theo kinh Kim Cang: “Bố thí không phải là bố thí mới gọi là bố thí”. Bởi vì của cải vật chất chúng ta không đem theo khi ra đời, và khi chết cũng để lại cho thế gian. Việc gọi là từ thiện chỉ là công cuộc chuyển giao vật chất từ tay mình đến tay người khác, đó là của thế gian ta chuyển lại cho thế gian, ta chỉ có bổn phận gìn giữ để có dịp chuyển giao mà ta gọi là làm “từ Thiện. Người làm từ thiện do tình thương đồng loại, vì thế mình không thể gọi là làm “từ thiện”, đó mới đúng nghĩa “Bố thí không phải là bố thí mới là bố thí”, hiểu như thế, chúng ta chỉ là sứ giả của tình thương chứ chúng ta chả có gì để gọi là bố thí. Thế thì làm gì có người bố thí, vật bố thí và kẻ nhận sự bố thí?
Với tinh thần Kinh Kim Cang như thế, sẽ triệt tiêu bản tính ngã mạn, tự hào khi chúng ta chia sẻ của cải vật chất vô thường cho nhau, từ đó tình thương và tình người phát triển một cách hài hòa. Hai từ “cám ơn” khi trao quà từ thiện, không những làm ấm lòng người nhận mà còn thể hiện tình thương và trách nhiệm khi chia sẻ cho nhau, và lòng mình nhẹ tênh. Tinh thần người con Phật là như thế.
Dưới cái nhìn khác – Từ thiện là trò chơi vừa lợi người, vừa lợi mình, vừa tích lũy phước báu. Có như thế, người tham gia từ thiện mới cảm thấy vui vẻ hào hứng mỗi khi có dịp.

MINH MẪN
16/5/2018

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

ĐƯỜNG VỀ TÂY




























Theo kinh điển Bắc truyền, diễn đạt cảnh giới Tây  phương thật lộng lẫy, dĩ nhiên trên đường về nơi đó sẽ có cỏ cây tươi tốt, cây cối sum suê, nhưng đường về Tây Ninh khác hẳn!
Sáng  ngày 06/5 đoàn Thiện nguyện “Hãy Thương Yêu” do cô Bảo Phương tổ chức, với sự chung tay của các thành viên trong đoàn và  đồng hành có 12 vị y bác sĩ và thân hữn  của vài thành viên chính thức trong đoàn, 44 người có mặt trên chuyến xe 45 chỗ trực hướng Tây Ninh.
Quốc lộ 22 càng về “Tây” càng hẹp dần, nhà cửa cũng ít khang trang. Qua những cung đường tẻ nhánh, xe hướng về giáo xứ Tà Dơ, huyện Tân Châu, Tây Ninh.
Sở dĩ đoàn nhờ giáo xứ phát phiếu lãnh quà, vì cư dân không nhà , không giấy tờ tùy thân, không thuộc quốc tịch nào khi mà cuộc sống bên Campuchea quá khó, bởi nhiều đời cha ông họ sống bấp bênh trên biển Hồ, không được công nhận công dân chính thức, đành trôi giạt về quê cha đất tổ chưa có đất dung thân; chính quyền đang cứu xét hợp thức hóa nhân thân và cấp dưỡng nơi cư trú cho họ. Linh mục quản xứ cho biết độ trên 1.500 nhân khẩu.số quà chung cho 800 hộ giáo dân nghèo khó, được phân phối tại khuôn viên giáo xứ.

Xe đến điểm định đúng 8 giờ sáng, mọi người năng động bắt tay vào việc một cách nhanh gọn nhờ kinh nghiệm hàng trăm chuyến từ thiện của cô Bảo Phương trước đây. Một tuần trước khi khởi hành, chị em trong đoàn phân nhiệm từng khâu, do đó, công việc trôi chảy thuận lợi. Điểm đặc biệt, mỗi khi trao quà, thay vì người nhận cám ơn, anh em trong đoàn vui vẽ cám ơn khi trao quà cho từng người.

Cái khô khốc của Tây Ninh”nắng cháy da người”, tuy là anh chị trong đoàn mệt lã, nhưng khi chứng kiến cảnh cư dân phiêu bạt sống lắt lẻo trên chòi lá chống đỡ bằng những thanh tre mong manh, phủ những tấm bạt nhựa hấp nóng, cái mệt nhọc của đoàn bổng tan biến. Nơi đây cách giáo xứ trên 7km, họ phải đi bộ để nhận những phần quà tình nghĩa của cư dân Thành phố vượt ngoài trăm cây số đến chia xẻ tình người.
Dĩ nhiên đời là bể khổ, nỗi khổ khó mà lấp hết khi chính tự thân mình không tạo phúc, nhưng dù sao đó cũng là dịp để những tấm lòng “lá lành đùmh lá rách”, thể hiện tình người. Mỗi lần cho đi là một lần cảm thấy nhẹ nhàng như vừa hạ xuống một gánh nặng – gánh nặng ưu tư hướng đến đồng loại. Mong anh chị thành viên trong đoàn vui khỏe, may mắn để tiếp tục làm đẹp “hoa cuộc sống”.

Cũng hy vọng đường về Tây Ninh tuy không được như đường về Tây Phương, ít ra không còn những đoạn đường đất đỏ đầy “ổ gà” để cuộc sống cư dân thuận lợi việc đi lại.

Cám ơn các mạnh thường quân, đòan y bác sĩ chung tay để công tác được hoàn mãn tốt đẹp.

MINH MẪN
15/5/2018