Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

* LỖI MỘT KIẾP NGƯỜI



1./- Dậy đi con - ông Khánh đánh thức lũ trẻ; bên ngoài trời còn mờ sương của núi rừng.

Mặc dù được bố báo trước mấy hôm, cha con sẽ về thăm quê sau nhiều chục năm định cư ở nước ngoài. Lũ trẻ chưa muốn rời khỏi giường, cố nấn ná như đang tiếc nuối giấc mộng vàng vào lúc tàn canh.

- Đi sớm vậy bố - miệng nói, mắt vẫn nhắm để giấc ngủ được tiếp tục, thằng cu cố liếm ngón tay như tiếc vị ngọt của cây cà rem còn dính trên mấy đầu ngón trong giấc mơ.

- Đi sớm kẻo lỡ chuyến bay, mình còn qua nhiều chặng đường. chả biết phương tiện di chuyển ngày nay trong nước mình có khá hơn không! Ông Khánh lẩm bẩm tự nói chỉ để mình nghe.

2./- Mặc dù tuổi đã xế chiều, cảm giác về quê thuở thiếu thời mỗi lần đi xa trở về, đến bây giờ vẫn không khác; hồi hộp, nôn nóng, bao ý tưởng đẹp xuất hiện trong đầu; nào là mấy chú sẽ ra tận sân bay với lũ cháu chen lấn khách đón người thân. Họ sẽ nhón gót lên nhìn từng người tay xách nách mang hành lý từ bên trong ra dần ngoài phòng chờ đợi. Rồi lũ trẻ sáng mắt nhìn từng món quà từ phương xa, được gọi là đồ ngoại có giá trị gấp đôi đồ nội. Vâng, hình như "ngoại" luôn thân thiết hơn "nội" thì phải. Thuở nhỏ, mình cũng được gần gũi với ngoại hơn, được ngoại cưng chiều và dành cho những món ăn ngon - ông Khánh nhớ lại thuở bé.

Ông Khánh nhìn cảnh vật nào cũng dễ thương, từ con trâu ngoài đồng đến chái tranh xiêu vẹo nhưng tràn đầy sức sống, giòng chảy hiền hòa của sông Hương hay chiếc cầu sắt Đông ba, thôn Vĩ Dạ cũng mang hình ảnh cổ kính. Cứ thế mà ông Khánh tin vào bản lãnh của mình khi rời mảnh đất thân yêu, bước vào xã hội xa lạ nơi chân trời viễn mộng. Ông Khánh rời quê từ tờ mờ sáng, mệ ngoại bó cho gói cơm vắt và nắm muối mè; đường làng cũng đã có người gồng gánh ra chợ, nhà nông vác cày, dắt trâu ra đồng. Không khí tinh mơ thơm mùi cỏ non, rơm rạ, đất sét, tre làng và nước sông phảng phất. Xa gia đình đi tìm sự nghiệp, trải qua nhiều tỉnh thành; nơi quê nghèo mà cứ mỗi năm có lụt, nước mấp mé gầm giường, Ông Khánh không quên được, dù đang sống trên xứ người, thi thoảng hình ảnh đua nhau bắt chuột đồng, chính phủ Ngô Đình Diệm ra giá, cứ 100 đuôi chuột sẽ lãnh 10 đồng (thời giá 1958). Khánh lội lõm bõm theo lũ mục đồng; nước lúp xúp nửa ống chân, chủ yếu lội nước cho vui chứ Khánh có bắt được gì đâu. Trong khi đó ở nhà, mệ ngoại vất vả vì đống củi ướt; mỗi lần nấu nướng là khói xông mù mịt khắp nhà. Ôn ngoại phụ mệ bê mấy tấm mẹt lên cao để những lát khoai mỳ (sắn) khô khỏi ngấm nước. Lúc về, sợ ngoại rầy, Khánh nhặt được con cá trê chết kẹt trong gốc rạ, khoe đã đi bắt cá thay vì bắt chuột như lúc xin đi. Ngoại nhìn, cái miệng móm mém trầu còn dính màu đỏ hai bên khóe, nói - cha mi, cá chết lượm về còn khoe. Nét hiền từ và giọng trìu mến đối với đứa cháu ngoại mồ côi, ông Khánh cảm thấy ấm lòng suốt thuở nhỏ sống nơi quê, gần miệt Sịa.

Cứ thế, những kỷ niệm ấu thời trôi qua ký ức mỗi khi nhớ về quê hương. Bươn chãi với mưu sinh, tha phương lập nghiệp, thế nhưng, ông Khánh không bao giờ bỏ giọng Huế. Những lúc vào Nam sinh sống, dịp Tết ông hay về thăm ngoại, vài món quà mọn cũng làm cho ôn mệ vui. Biết Khánh về, chòm xóm cứ đến đầy nhà nhìn như người hành tinh vừa xuất hiện, đua nhau hỏi han mà ông Khánh không tài nào nghe hết, người miền quê là vậy. Nghe Ngoại thường khoe với bà con chòm xóm - thằng nhỏ có hiếu, sống xa gia đình mà luôn nhớ ôn mệ, lại không ăn chơi sa đọa như bầy trẻ Sài Gòn...

3./- Theo tàu vượt biên đã hơn hai mươi năm, thời gian đầu chưa quen ngôn ngữ, chưa hội nhập tập quán với cư dân địa phương, ông Khánh cảm thấy khó khăn và có lúc thối chí, muốn quay về lại quê nhà. Được các tổ chức thiện nguyện giúp, ông Khánh có việc làm, tối về đi học ngoại ngữ miễn phí, nhờ môi trường này, ông quen với "O" đồng hương, họ tự nguyện đến với nhau rồi ra county làm giấy kết hôn. Thấp thoáng thế mà đã 38 tuổi, ông thầm nghĩ, cái tuổi này ở quê mình chắc gì đã ổn định cho cuộc sống, trên đất khách quê người, tuy  trắng tay nhưng chắc gì vẫn hoàn tay trắng. Ông tự nhủ, tương lai còn sáng. Con đầu lòng ra đời một năm sau đó. "O" vợ được công ty cho nghỉ dưỡng, chẳng những thế, quản đốc còn cho người mang quà mừng cháu bé, bạn bè đồng nghiệp cũng chia vui. Ông Khánh ngạc nhiên về sự đối đãi của người không cùng giòng máu; họ đã đùm bọc, cưu mang bao nhiêu gia đình xa lạ, họ săn đón nhiệt tình mỗi khi thuyền nhân cần. Không khí gia đình đầm ấm hẳn, giờ đã quen với nếp sống mới.

4./- Những năm trước về thăm quê, bà con giòng họ tấp nập nhộn nhịp từ sân bay, thuê xe nhiều chỗ tháp tùng về đến làng. Ông Khánh nhìn từng ngôi nhà, từng lũy tre, từng con trâu thong dong gặm cỏ, từng "O" gánh bánh bèo bột lọc, cơm hến ra phố, gánh bún bò Huế bốc khói thơm lựng, nổi lềnh bềnh nước đỏ sẩm trông bắt mắt, lâu rồi ông Khánh chưa được biết mùi vị món ăn địa phương. Những cảnh tượng đó như hương vị đậm đà thẩm thấu vào da thịt mình; ông hít thật sâu khí hậu trong lành, hương lúa chín từ hai bên đường ruộng phả vào tóc, vào mặt như len vào cả người ông, ông lẩm nhẩm - Ôi quê ta, hơn 10 năm xa cách! Ông cảm thấy thiếu vắng những tà áo dài cổ truyền mà ngay cả mụ buôn ve chai cũng lướt thướt với đôi quang gánh. Sinh hoạt cũng từ tốn, người dân trông cứ như có cái gì trơ trọi trên người!

 Hai giờ sau, từ phi trường Hội Bài về đến làng, Thanh Hà là ngôi làng nghèo nhất huyện Quảng Điền, vùng đất trũng thấp luôn ngập úng vào mùa mưa. Các xã lân cận mọc lên nhiều mái ngói đỏ. Đường từ Bao Vinh về, nhà ngói Thanh Toàn, hai lò nung gạch vẫn còn vươn khói. Cảnh vật không thay đổi mấy. Giòng sông chảy từ bờ Đông Ba xuống làng để trôi ra biển, vẫn màu xanh đục. Những rặng tre vẫn rũ bóng bao bọc khu làng trầm lắng. Cây đa đầu làng phủ tàng che mát ngôi miếu cổ, nơi mà thuở bé, ông thường trốn ngoại giờ trưa, ra đánh đổng với lũ trẻ cùng trang lứa. Cội hoa dại thu mình bên góc miếu không còn nữa.

5./- Cậu Tư  đó sao? Ôi sao mà tóc bạc hết nhìn không ra, hơn 10 năm trước, cậu tiễn con ra bến đò, vào Sg, trông cậu còn nhanh nhẹn trẻ trung thế mà giờ đây... Ông Khánh kinh ngạc nhìn hết người này đến người nọ, trông ai cũng sa sút sức khỏe, nét phong sương cơ cực sạm nắng trên khuôn mặt lộ rõ má hóp sâu làm nhô cao hai xương gò má, chìm sâu cặp mắt phờ phạc.

- Con bảo sao sung sướng như dân nước ngoài được, xưa kia quê mình tuy độn khoai sắn khô, cơm vẫn còn dính đáy nồi, giờ chỉ có bột mỳ, bo bo, không đủ ăn; làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm mà còn chưa no. Hợp tác xã không phát triển được, nhân công trẻ cũng 10 điểm một ngày, già ra đồng ngồi chơi xơi nước cũng 10 điểm một ngày, con nít phụ nữ , thanh niên ra đồng đều bình quân đầu người 10 điểm hết. Cán bộ ngồi không để chấm công cũng được 10 điểm. Mình có sức phải gồng gánh cho những người yếu, tất cả đều là bà con trong làng mình chứ có ai xa lạ đâu con. Rồi ma chay giỗ chạp trong làng, hết nhà này đến nhà khác, tuần nào cũng phải đi mấy đám, gần cuối năm lại thêm cưới hỏi, làm sao có dư. Những lúc vắng mặt ngoài đồng đều bị trừ điểm... cậu Tư than thở!

- Không được, xã hội như thế ta cũng phải giảm bớt thủ tục rườm rà. Quy định nhà nước không theo tập quán của dân thì dân phải thu xếp tục lệ cho tương thích với chính sách nhà nước. Theo con nghĩ, bà con mình giảm bớt ma chay giỗ chạp, một năm dồn chung làm một ngày, gọi là hiệp kỵ, vừa đỡ mất thì giờ, vừa bớt phần tốn kém... Đám cưới cũng thế, trong làng bao nhiêu đám, đăng ký tổ chức tập thể, tiện lợi thời gian và tiền bạc.

- Ơ hay, tập tục ông bà xưa nay mà con bảo giảm bớt sao được. Không sợ ông bà quở? Còn đám cưới cũng phải chọn ngày giờ thich hợp tùy tuổi tác của đôi lứa chứ. Con không thể đem cách tổ chức máy móc từ nước ngoài về áp dụng cho làng quê được.

- Mấy em học hành thế nào cậu?

- Chúng nó, đứa đang học phổ thông cấp ba, đứa học cấp hai; học cho có học chứ chả ra gì đâu con. Chương trình giáo dục chả hiểu thế nào mà về nhà chả thấy đứa nào ôn tập; suốt ngày ngoài giờ ở trường, về nhà là chúng lêu lỏng... cậu Tư than vãn.

- Thế là không được, cậu phải tịch thu hết phương tiện giải trí, xe máy; cho chúng đi bộ đến trường; ngày xưa tuổi cậu và con có được sướng như thế đâu. Đi học về là phụ giúp việc nhà, để ở không mà sanh tệ. Tập cho chúng canh tác quanh nhà, kiếm thêm nghề mà học...

- Mỗi thời đại mỗi khác con ơi, không thể đem cuộc sống xa xưa áp dụng thời nay được. Mình không thể sống khác biệt với xã hội bên ngoài. Nhiều đứa con nhà nghèo phải bỏ học, bỏ làng lên tỉnh học đòi se sua, ăn chơi, kết bè lập đảng đi ăn trộm, nghiện xì ke hút chích. Trẻ con bây giờ căng quá nó sẽ bung đấy con. Giáo dục con trẻ bây giờ khó lắm. Con trai thì sợ chúng hư hỏng, con gái thì như quả mìn nổ chậm, theo dõi kiểm soát còn thì giờ đâu mà kiếm cái ăn!

6./- Ông Khánh đưa 2 con ra thăm mộ ôn mệ cố ngoại, lên Từ đường thắp nhang cho cửu huyền. Ngôi Từ đường mái ngói âm dương phủ rêu xanh, trông nặng nề đè nặng bốn vách đất,  hấp lè tè, vách đất sét trộn rơm mang mùi ẩm mốc, làm cho không gian bên trong âm u tăm tối đến lạnh người. Bước qua ngạch cửa vào bên trong, ông Khánh phải cúi gập người; lũ trẻ con chưa quen, cứ nhìn dáo dác toàn cảnh Từ đường, có cảm giác xa lạ với ngôi nhà chúng nó đang ở với ba mẹ bên Mỹ.

Cậu Tư đưa ông Khánh và con ra thăm mộ ôn mệ ngoại. Đốt hết bó nhang, ông Khánh đưa cho thằng con lớn một ít đi cắm các mộ chung quanh, thằng con lớn hỏi - Sao mộ người ta mình phải cắm? - Người trong làng đa phần là bà con giòng họ mình - Ông Khánh giải thích. Đến dọc bờ sông, ngôi nhà ngói đỏ bề thế trội hẳn giữa những mái tranh lúp xúp, cậu Tư chỉ - đó là nhà ông Tường, bà con đầu ông đầu bà, hiện là bí thư xã kiêm chủ tịch Hợp tác xã của làng mình. Vào đến sân, cậu Tư đon đả giới thiệu ông Khánh với ông Tường; bệ vệ như quan đầu tỉnh, ông Tường đưa tay chỉ chiếc ghế sa lông mời hai cậu cháu ngồi, ông Khánh nhìn hai thằng con, chúng vội khoanh tay cúi đầu chào ông Tường.

- Nước ngoài mới về? - Ông Tường hỏi - làm ăn thế nào?
- Dạ cũng tạm đủ sống - Ông Khánh đáp
- Cháu thấy làng mình có khá hơn lúc cháu ra đi? Ông Tường hỏi
- Dạ, cũng chả khá bao nhiêu, ngoài ngôi nhà của chú.
- Sao vậy, cháu nói như vậy là sao?

- Dạ cháu xét bề mặt kiến thiết xây dựng thì trong làng chỉ có nhà chú là khang trang, một vài nhà ngói cũng chưa thay đổi được bộ mặt của làng xã. Hầu hết là mái tranh vách đất như mấy mươi năm trước.

Ông Tường có vẻ hơi khó chịu - thế theo con thì làm thế nào để quê mình phát triển?

Điều này, theo con nghĩ, chú là quan chức, phải có tầm nhìn khi mà các huyện lân cận đều có nhà ngói, cuộc sống người dân có vẻ sung túc hơn, phải chăng do sự điều hành của chính quyền và đảng bộ - ông Khánh e dè. Ông Tường nói - mỗi làng mỗi huyện đều có một lợi thế riêng, con không thể so sánh như thế. - Ông Khánh tiếp - con đồng ý, chính vị trí đặc biệt mỗi nơi mà mình phải có kế hoạch kích hoạt, trong thế bí cũng có lối thông chú ạ. Ông Tường ngẫm nghĩ giây lâu rồi hỏi - kinh nghiệm học từ nước ngoài, theo con góp ý cho làng mình thế nào? Ông Khánh mạnh dạn đáp - thưa chú, hãy bỏ Hợp tác xã, giao khoán cho dân tự sản xuất, tự canh tác theo khả năng và sáng kiến của họ. Ông Tường đáp - như thế không được, những nơi đất ruộng nhiều màu mỡ thì khác, làng mình đất ruộng trũng thấp, phải có Hợp tác xã điều hành... Ông Khánh lắc đầu - như chú đã biết, cha chung không ai khóc, mấy mươi năm nay Hợp tác xã dân mình có khá hơn đâu; hãy cho người dân mạnh dạn góp ý phê bình sửa sai; chấp nhận óc sáng tạo không nằm trong quy chế ràng buộc của chính sách. Phải can đảm thay đổi theo cách của mình, cứ y theo chỉ đạo chỉ có chết. Trên cao họ có hiểu đặc tính của từng địa phương, cứ áp dụng chung chung thì chỉ có chết. Mỗi địa phương có sự sáng tạo riêng cho mình. - Trước đây cũng có cán bộ cao cấp đề nghị như con, liền bị khiển trách và cho về vườn, khó lắm con ơi. Muốn yên thân cứ nhắm mắt theo chỉ đạo mà làm, đi ngược lại là tự sát -ông Tường phân bua.

- Chính vì thế mà đất nước luôn tuột hậu - ông Khánh than thở.
Ông Tường thầm nghĩ - bọn này ảnh hưởng tư tưởng phản quốc, muốn thay đổi chính sách có nghĩa muốn thay đổi chế độ, dám chống lại chủ trương của đảng và nhà nước... phải cho người dân trong làng học tập, cô lập ý tưởng phản động đó.

7./- Kể từ dạo đó, lần về thăm quê duy nhất, ông Khánh cứ ngỡ góp ý trung thực là góp phần xây dựng quê hương. Những năm sau, khi có đồng lương khấm khá, ông và vợ con trở về, hình như bà con xóm làng không mặn mà như trước. Căn nhà ôn mệ ngoại di chúc lại cho ông Khánh đã bị con cháu chiếm đoạt, nơi mà ông xem như ngôi Từ đường thiêng liêng của đời mình, bao kỷ niệm, bao tâm huyết, và ông thường xuyên gửi tiền về tu sửa, nay không còn thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, ông vẫn còn hy vọng tình đồng bào ruột thịt máu mủ, những trắc trở mang tính cục bộ nhất thời như cơn giông mùa hè rồi sẽ trôi nhanh như rác rưởi theo giòng nước ra biển khơi. Ông góp tiền tu bổ mã mồ, tái thiết Từ đường, tráng nhựa đường làng, cấp học bổng cho con em trong làng, mời cả bác sĩ về khám bệnh miễn phí. Trước ngày về lại Mỹ, ông tổ chức cúng đàn thật lớn, cầu nguyện cho bà con đã khuất, chiến sĩ trận vong, chẩn tế thập loại cô hồn, phát quà đồng bào nghèo trong thôn ấp, cấp học bổng...

8./- Tuy được hưởng lương trợ cấp tuổi hưu, nhưng ông Khánh vẫn cố làm thêm, làm part time lén lút để có đồng dư gửi về giúp xóm làng nghèo. Tâm trạng ông chùng xuống như vùng đất trũng thấp tại quê ông, mỗi khi nghĩ đến cuộc sống nghèo khó luôn dai dẳng đeo đuổi cuộc đời của họ. Một đêm mưa nhiều vùng núi Bắc Cali, không xa Sacramento bao nhiêu, ông trở mình nhiều lần. O vợ biết ý, khuyên chồng không nên quá ưu tư, mỗi người có một biệt nghiệp, mỗi quốc gia, xứ sở thôn làng có một cộng nghiệp, mình nôn nóng không giải quyết được gì, con én sao tạo được mùa Xuân, hãy yên phận tuổi già trên đất khách. Bà vừa nói vừa vỗ vào lưng ông Khánh như từng dỗ giấc ngủ cho lũ trẻ còn thơ. Tiếng thở dài của ông Khánh làm cho "O" vợ thêm não nuột.

Sáng ra, ông đánh xe lên tòa Lãnh sự Việt Nam, xin visa cho gia đình về thăm quê lần cuối; dự định sẽ lưu lại thời gian ba tháng, tận hưởng không khí quê hương, cảm nhận những thiêng liêng của dân tộc, nơi mảnh đất đã sanh ra và nuôi ông khôn lớn bằng trái bắp củ khoai. Ông sẽ ngắm nhìn giòng sông Hương thật kỹ, quan sát sự sinh hoạt chợ Đông Ba, chính tay chạm lên các hoành phi tại đình chùa. Sẽ tay bắt mặt mừng với bất cứ ai dù xa lạ. Ông sẽ đi chân đất để chạm với sự nhiệm mầu của quê mẹ. Ông hít thở thật đầy lồng phổi những đợt gió thoảng đồng quê, ông sẽ trầm mình dưới giòng nước mát từ sông Hương chảy qua làng… Ôi bao nhiêu ý tưởng phấn kích trong hồn để ngày về lần cuối với quê hương, ông thấy thật ý nghĩa và sung sướng đến lạ, như giọt sữa ngọt thấm từng đoạn ruột gan khi nó chảy qua.

9./- Lũ trẻ tỉnh hẳn khi máy bay vừa chạm đất. Không khí trong lành mùa Thu lất phất từng đợt nước bay xiên xiên trong bầu trời trắng đục. Không khí lạnh làm cảnh vật tươi tỉnh, nhưng ông Khánh vẫn cảm thấy nóng ran người. Ông nhìn quanh tìm người thân ra đón. Sân ga Đà Nẵng như thưa thớt làm lộ cái gì đó mà ông Khánh cảm thấy hụt hẩng. Đáng ra ông bay thẳng về Hội Bài, nhưng muốn kéo dài cảm giác háo hức nôn nao kỳ lạ, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng ít hôm để tâm thái ổn định. Mình còn những ba tháng lưu trú trên quê hương, hai lần trước về, phép thường niên của công ty cho hai tuần, không đủ đi thăm giòng họ.

Nhũng người ra đón lại là bà con xa, được người làng Thanh Hà báo tin. Hai bên có vẻ ngỡ ngàng như vừa thân quen vừa xa lạ. Đặc biệt có thằng cháu xa lạ, tuy cùng làng, lại có mặt ra vẻ xởi lởi như thân quen lắm. Linh tính cho biết sẽ không được hài lòng trong chuyến về thăm quê lần này, ông Khánh thầm nhủ, có lẽ họ ngại thời tiết không khô ráo, nên chả ai muốn ra tận sân bay...!

Xe bảy chỗ đưa ba cha con và hành lý hướng thẳng khu resort gần Hội An, nhìn ra biển. Gió thỉnh thoảng xô giạt từng cơn sóng lăn tăn chạy vào bờ. Vừa nhận phòng, lũ trẻ vội chạy ra biển, lâu lắm chúng không được nhìn thấy biển xanh và bầu trời bao la như thế. San Francisco, có cái cầu cổng Vàng mây mù lãng đãng phủ hơi sương lạnh, chưa bao giờ được thấy nước biển xanh vùng vịnh hay về miền Nam để hưởng nắng ấm Cali. Không gian bãi biển nơi đây bao la quá, thoáng đạt làm hồn bay bổng tận mây cao, chúng không hề biết người cha già nghĩ gì, chúng cũng chưa từng có kỷ niệm nào trên quê hương của ba mạ mình. Ông Khánh ngã lưng trên chiếc ghế phao tơi, hít đầy lồng phổi làn gió trong lành, nhìn tận chân trời giáp biển, xa mãi xa mãi sẽ giáp đất nước mình xem là quê hương thứ hai, sẽ gửi bộ xương khô nơi đó, cho lũ con không còn biết tiếng mẹ đẻ, lớn lên thành đạt, thế hệ thứ ba của Việt kiều là công dân thuần túy của nước Mỹ.

10./- Dự định vài tuần sau khi nghỉ dưỡng tại bãi biển Đà Nẵng, nhưng lòng dạ nôn nao cứ như có ai đó kéo dài từng khúc ruột, chỉ ba ngày sau, ông quyết định ra Huế. Xe qua hầm chui Hải Vân rồi thấp thoảng biển xanh chạy dài về Huế; ông Khánh không bỏ sót một cảnh vật nào trên đường đi. Qua khỏi Lăng Cô, tự nhiên hồi hộp như lần đầu về quê sau nhiều năm xa cách. Lũ trẻ cũng thích thú ngắm núi cao, biển xanh rồi xuống đồng bằng, lưa thưa vài nóc nhà nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ngập nước; cái gì cũng lạ lẫm, chúng thích thú chỉ cho ba đàn cò trắng lượn lờ tìm bãi đáp. Huế đây rồi - ông lẩm nhẩm đủ mình nghe.

Xe vào bến, ông Khánh gọi chiếc xe Taxi bảy chỗ; qua Đông Ba, Bao Vinh, thẳng về làng, con đường mà xa xưa chưa có cầu, mỗi lần lên phố phải đón ghe. Ôn ngoại mỗi tháng tản bộ lên phố để lãnh tiền trợ cấp của cô dì, có lần ông Khánh được ngoại dắt theo, giờ đây hai bên đường không còn ruộng lúa, thay vào đó là những nhà ngói đỏ hoặc cơ xưởng từ đâu về lập nghiệp.

Xe dừng, ông Khánh và lũ trẻ bê va li hành trang, quà cáp xuống, vài người trong làng trông thấy, nhận ra ông Khánh, họ phụ tay giúp và đưa ông về nhà. Con Mực sủa vang cả xóm, cha con ông Khánh bước vào nhà thì con Mực lại càng thụt lùi, gầm gừ ầm ỉ. Sao cảnh tượng vắng thế, ông ngạc nhiên, tự nhủ, có lẽ họ ra đồng hết. Ông đưa lũ trẻ ra thăm mộ ôn mệ, mộ cậu Tư và Từ đường. Trời chếch bóng khỏi đọt tre, trâu lang thang về chuồng, rãi rác dân làng quần xăn khỏi gối, kẻ vác cày người vác cuốc tẻ về các ngõ đường làng. Cuối cùng, con cậu Tư cũng về đến. - chào anh Khánh và mấy cháu vừa về- miệng nói, tay cầm nón tời rách bươm như không mấy quan tâm sự hiện diện của cha con ông Khánh.
-         Bà con làng mình vẫn khỏe? Ông Khánh hỏi, con cậu Tư lại ảng nước lấy gáo dừa múc đầy gáo nước mưa, vừa uống ừng ực, vừa xối rửa tay, rửa mặt, không buồn quay lại ông Khánh, trả lời - vẫn vậy anh Khánh à.
Trời mùa Thu chóng tối, hơi lạnh từ sông thổi lên mang hơi nước mát dịu.
-         Anh và mấy cháu dùng cơm, em nấu luôn nhé - con cậu Tư lên tiếng
Ông Khánh thầm nghĩ, sao lại hỏi câu vô duyên thế, về nhà không ăn cơm chả lẽ nhịn à. Ông không trả lời, hỏi lại - em chưa có vợ, nhà một mình đơn chiếc thế sao.
-         Mình nghèo ai mà thương anh, làm không đủ sống, lấy đâu nuôi vợ con. - Con cậu Tư vừa nói, vừa khom lưng thổi ống khói cho lửa rơm đốt cháy mấy que củi khô. Ông Khánh nhìn quanh nhà, ngọn đèn điện bóng tròn, ánh sáng tù mù, không đủ soi rõ mấy tấm vách đất sét trộn rơm, được dán vài tấm hình bóng đá, tấm lịch cũ, hình các nghệ sĩ ca nhạc cải lương được quảng cáo những khi về diễn ở làng. Chính nơi đây, trên góc tối kê tấm phảng, ông Khánh từng bị con rắn lục táp vào tay, nó tưởng là con chuột, một loài rắn chuyên ăn chuột. Những kỷ niệm ấu thời còn lẫn khuất đâu đó; hình bóng mệ ngoại khom lưng thổi lửa trong mùa nước lũ... Bao ký ức tràn về giữa màn đêm cô tịch.
Bên ngoài sân, thân cây Vả rũ bóng bên cây rơm khô, in rõ khối đen sậm trên nền trời trong xanh; Ông Khánh chìm vào giấc ngủ phiền muộn, cô đơn.

11/.- "O" vợ ông Khánh ngạc nhiên nhận được điện thoại, hẹn mai ra sân bay quốc tế Ontario đón chồng con. Từ ngày ông Khánh báo tin đã về đến sân bay quốc tế Đà Nẵng hơn 10 ngày nay, bà có cảm giác không vui, bồn chồn lo lắng, quả nhiên… bà tin vào trực giác của mình. Chồng con về lại Mỹ, chả biết nên vui hay buồn, những chắc chắn, chồng mình - ông Khánh - bà nghĩ, sẽ mang về một nỗi buồn thất vọng nào đó; không phải lo về thủ tục lưu trú, nhưng chả lẽ... lòng tha thiết quê hương, cuối đời, thất vọng đến thế sao!

MINH MẪN
24/10/2017
Vùng tệp đính kèm

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

* ÂN SƯ VÀ TÔN SƯ



Đối với chúng đệ tử, đức Phật là một ân sư, Người vạch con đường để chúng ta thoát khổ. Đối với các nhà nghiên cứu Tôn giáo, các học giả và chính trị gia, xã hội học, Ngài là một Tôn sư.

Sau Phật nhập diệt, chư Thánh Tăng là ân sư của chư đệ tử kế thừa, là Tôn sư của hàng tín chúng quy ngưỡng.

Sau hàng ngàn năm mạch pháp gián đoạn, vắng bóng bậc chứng đắc, chư Tăng theo kinh điển giáo pháp tự tìm con đường hành tập; cũng có một ít vị thể nhập được mạch pháp tự thăng hóa, làm chỗ dựa cho môn nhơn.

Cho dù không nhập được mạch pháp, đắc pháp thì bậc chân tu vẫn nghiêm trì giới đức, là ngọn hải đăng cho tứ chúng giữa cuộc sống còn nhiều tăm tối, tha hóa.

Thời cận đại, trên đất nước ta, không thiếu những bậc chân tu thạc đức, đóng góp cho sự phát triển đạo giác, hoặc biên tập, dịch thuật, trước tác, giảng dạy cho đàn hậu học. Tuy nhiên cũng có những bậc lấy hạnh nguyện hành cước làm thân giáo cho đồ chúng quy ngưỡng.

Cũng thế, cố Hòa Thượng viện chủ tu viện Phước Hoa, thượng Thông hạ Quả là một ân sư cho hàng trăm đệ tử xuất gia, và một số đệ tử tục gia có duyên học hỏi trực tiếp từ người và là Tôn sư cho hàng ngàn tín đồ quy kính chưa có duyên tiếp thừa pháp mạch.

Có đến, nghe và nhìn công hạnh của một Tôn sư, mới thấy được ngài là Ân sư của bao đệ tử xuất gia đã rải khắp mọi miền đất nước đem giáo pháp khai mở các vùng miền, họ là những đệ tử thành đạt trưởng tử Như Lai. Những bậc xuất sĩ phát xuất từ nguồn gốc Phước Hoa, có lẽ không quên được những kỷ niệm tháng ngày được gần bên Ân sư, học từ thân giáo, khẩu giáo và tâm giáo của người.

Thoáng đã đến ngày đại tường của bậc chân tu, từng khó nhọc khai mở tu viện trên 30 năm tại vùng đất hoang dại. Cũng từ đây, chúng đệ tử xuất gia được khai hóa như sự khai hóa đám cỏ dại, để ngày nay, trên vùng đất xuất hiện uy nghi một tu viện, cũng như xuất hiện nhiều bậc xuất sĩ đủ năng lực đi khắp mọi miền đất nước. Đó là công đức cao dày của bậc minh sư làm tròn nhiệm vụ "truyền đăng tục diệm" cho đàn hậu học.

Chắc chắn ngày đại tường sẽ đủ mặt bốn chúng để tận mắt chiêm ngưỡng công năng của ngài mà đệ tử kế thừa lưu dấu bằng ngọn tháp uy nghi trên tòa sen biểu tượng. Biểu tượng ngôi tháp, không chỉ biểu hiện tâm tôn kính Ân sư mà còn là biểu tượng nhiều ý nghĩa ít có ngọn tháp nào được dáng dấp như thế. Có lẽ một nghệ thuật không chỉ về kiến trúc mà còn biểu hiện tâm hồn nghệ thuật mà lúc sanh tiền, người từng quý mến văn học nghệ thuật của Phật giáo thông qua anh chị em văn nghệ sĩ. Thuở ấy, anh chị em văn nghệ sĩ từng xem Phước Hoa là Tổ đình của họ, cho dù ngài ra đi, đệ tử kế thừa vẫn duy trì tinh thần thân quý đó để Phước Hoa không chỉ là tu viện mà còn là Tổ đình của giới văn học nghệ thuật mãi mãi.

Chiêu cảm lòng người, dù đệ tử xuất gia hay cư sĩ tại gia, không chỉ thông qua cung cách cư xử mà còn thể hiện năng lượng tu tập của một Ân sư, một Tôn sư. Chính nguồn năng lượng từ bi và tuệ giác đó mà đủ nuôi dưỡng lòng thành kính của mọi người.

Những Phật tử xa xôi từ phương Bắc, những môn đồ lưu lạc tại miền Nam đã quy phục Phước Hoa vô điều kiện qua công việc hỗ trợ cũng như ca tụng của họ luôn hướng về vùng đất thanh tịnh đó.

Không còn mấy ngày nữa lễ Đại tường một Ân sư, một Tôn sư, công đoạn chót hoàn thành một bảo tháp mà cả năm thi công không ngưng nghỉ, đủ thấy sụ kiên trì và năng động của một trụ trì kế thừa sự nghiệp Ân sư; chắc chắn sẽ hùng vĩ cho một ngày Đại tường; có mặt nhiều bậc cao Tăng, đông đủ những tín chúng sẵn lòng vì đạo, vì thầy.

Ban tổ chức sẽ vô cùng bận rộn sau những ngày tháng hoạch định kế hoạch, đích thân cung thỉnh chư Tôn đức, giấy mời đến từng Phật tử và giới văn nghệ sĩ, điều hành mọi khâu trách nhiệm trong buổi lễ. Nhiếp chúng không chỉ là nhiệm vụ và còn thể hiện uy đức. Chính uy đức đã thành tựu mọi pháp sự từ hành trì, chấp tác đến kiến trúc và giáo dưỡng, để Phước Hoa đi vào ổn định nề nếp cho dù Ân sư đã không còn. Người kế thừa cũng chứng tỏ đủ năng lực như vị Ân sự đã có; đó là sự đền đáp xứng đáng cho Ân sư và Tôn sư quý kính, đồng thời vẫn là chỗ dưa vững chắc cho niềm tin tứ chúng.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT!

                                MINH MẪN                                                                                  23/10/2017

* TẠP GHI: CHUYẾN ĐI XỨ DỪA


Chuyến đi Hội thảo tổ Khánh Hòa tại Bến Tre được thầy Huyền Lan, trụ trì chùa Phước Hoa –Đồng Nai tài trợ phương tiện đi lại. Những chuyến Phật sự không xa Sài Gòn, có mặt Dương Kinh Thành, đều được thầy giúp đỡ. Chẳng những thế, không hiểu ông thần họ Dương nhõng nhẽo thế nào mà hàng năm ra Cần Giờ nhậu đồ biển dịp lễ “nghinh ông” của ngư dân, đều được thầy đáp ứng một cách nhiệt tình. Thật ra các anh em văn nghệ sĩ thầy đều chu đáo như thế!

1/ Xe đến Hốc Môn hơn 8.30 sáng, xe vừa mở cửa, ông thần họ Dương vội nhảy ra ghế sau dành cho Vip, nhường vị trí phụ xế cho “tiện dân”. Xe lăn bánh, từ đàng sau ông thần họ Dương đưa túi thực phẩm – nào là 4 ổ bánh mì “đại cán đặc ruột”, chả, dưa leo, rau ngò, ớt, không quên kèm theo con dao nhỏ bằng ngón tay cái, và hộp thực phẩm chay, chả hiểu là kho hay xào, nhìn qua đã bắt mắt bởi màu vàng nghệ phủ mỏng lớp sả lên các thớ mỳ căn xé phay và mấy lát sườn non chay. – Miệng thì nói khỏi lo đồ ăn, khi đưa thì chớp lẹ thế, ông Thần họ Dương càm ràm. Kể cũng lạ, dân chuyên làm bạn với bia bọt mà lại biết nấu chay, chẳng những thế, một thân một mình lẻ loi, mỗi lần đi chung là chàng ta lo chu đáo việc ăn uống cho bạn đồng hành. Nhìn bên ngoài và cách ăn nói, người ta bảo là Dương Kinh Hoàng chứ đâu biêt ẩn sâu bên trong có cái tương phản mà Dương Kinh Thành ít lộ. Ông Tiêu, ông Hộ Pháp là hóa thân của Phật bà Quán Âm, mặt tương phản là thế. Ngay cả Bùi Giáng sinh thời, người ta bảo ông điên, sống gần một năm ở chùa Huyền Trang Nhà Bè mới thấy cái tâm tinh tế của tiên sinh. Thế mới biết, nhìn “mặt mà bắt hình vong” đôi khi cũng trớt huớt.

Xe ra đường song hành, còn trong địa phận Hốc Môn, tạt vào quán ăn bên đường, Điệp lái xe và chàng họ Dương  gọi ngay mỗi người một tô cháo lòng và tô hủ tíu. Cô chủ quán ngạc nhiên, sao ba người mà chỉ gọi mỗi thứ 2 tô, hiểu ý, “tiện dân” lên tiếng, dạ thưa cô, đây là 2 đại gia, còn “tiện dân” túi rỗng nên chỉ dám ngồi cạp bánh mì  chả thôi ạ! Nhưng chủ quan nhạy bén hỏi – chú ăn chay à? – Dạ, không có tiền nên phải ăn chay thôi! Điệp cười, chàng Dương lườm mắt.

2/ Đường cao tốc Trung Lương đã thâu ngắn thời gian, thế mà đến điểm hẹn cũng đã 11 giờ; qua địa phận Mỹ Tho, xe rẽ mặt về hướng Bến Tre. TP Bến Tre không lớn lắm, thế mà hỏi taxi, xe ôm, người dân không ai biết đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở đâu, kể cũng lạ! Nếu BTS PG Bến Tre chịu khó treo pano, cờ hay băng rôn các ngả đường vào chùa như các tỉnh thành khác thì ít ai lúng túng. Đến cổng chùa mới thấy phơ phất màu cờ ngũ sắc trên tường rào. Trước cổng chùa lại treo tấm quảng cáo “Hoan hô duyên dáng phụ nữ Bến Tre và tuổi trẻ Bến Tre Đồng khởi, khởi nghiệp và lập nghiệp” ngay trong ngày Hội thảo. Chứng tỏ HT trụ trì kiêm Trưởng BTS PG Bến Tre hiền lành chất phác, nhưng ít ra chính quyền địa phương cần tôn trọng ngày hội mang tính toàn quốc dành cho bậc cao Tăng xuất thân từ Bến Tre mà chính quyền chấp nhận cho tổ chức.

Sau bữa cơm chay thanh đạm do chùa thết đãi, anh Thiện dẫn đoàn về khu nghỉ dưỡng Mỹ An, nằm cạnh sông Hàm Luông. Resort rộng thoáng, các lối đi lát đá và bậc thềm rêu xanh xen kẽ trang điểm. Vào nhận phòng, Điệp và chàng Dương ngã lưng ngay trên 2 giường. “Tiện dân” không quen nằm nệm, chọn khoảng nền hẹp để qua đêm, nhưng mọt, kiến bò lổm nhổm, thỉnh thoảng vài chiếc máy bay đầm già hạ cánh xin tí huyết. Quạt trần vặn bao nhiêu cũng quay tà tà như kẻ “vô sự”. Còn chiếc máy lạnh thì chỉ vâng lời nhân viên điều khiển.

Đầu giờ chiều, chàng Dương phát hiện quên đem theo “khô mực” để thắt cổ, 2 tên tội phạm lãng nhách ngao du đến siêu thị, lượn lờ như “hai lúa” về phố thị. – Cô cho hỏi nơi nào bán cà vạt? Chàng Dương, miệng thì hỏi, mắt ngơ ngác nhìn không gian đồ sộ của siêu thị miền tỉnh. Nếu không được hướng dẫn của nhân viên siêu thị, đi cả tháng cũng khó phát hiện những con “khô mực” cuốn mình nằm trong hộp nhỏ ẩn kín giữa bộn bề sản phẩm muôn màu.

- Dạ, 235 ngàn ạ! Cô bé bán hàng đáp sau khi chàng Dương hỏi giá. Bớt 35 ngàn còn 200 nhé,! - Dạ không được, con không quyết định giá. Đùa thế thôi, vào tiệm vàng cũng như vào siêu thị ai mà trả giá như hàng chợ. Mua thêm bản đồ TP Bến Tre, hai chàng ngố dạo quanh, ra đến cửa, dừng lại xem cửa hàng đồng hồ lấp lánh phản chiếu từ những ngọn đèn led lên các mặt số mạ vàng, chàng Dương buộc miệng – coi người ta không để ý thì mình… vừa nói đến đó, “tiện dân” chợt nghĩ, chả lẽ bảo mình chôm đồ trong tủ kính đã khóa chặt. Chàng nói tiếp – người ta không để ý thì mình đi để họ khỏi chào mời mình… à hóa ra là thế, chàng Dương cũng tinh tế ra phết!

Chiếc giày há mồm như tàu há mồm đổ bộ vào bãi biển, thế mà cùng “tiện dân” lê lếch khắp phố chợ cùng chàng Dương. Mưa lất phất làm chàng Dương nhớ đến bài ca “mưa xứ dừa”, yêu cầu hát, không có đàn đệm nên chàng không hát “chay” được. Xe chạy dọc sông mà không tìm ra quán nước nào sát bờ. Bên đường lưa thưa vài quán ăn, quán nước ngọt. Chọn được quán cà phê, cầm trên tay bản menu mà ba người cứ đổ cho nhau lựa món uống, “tiện dân” gọi -  cho sinh tố khoai môn, 2 cô khách ngồi bàn kế buộc miệng cười, có lẽ họ nghĩ ba người này từ cõi trên xuống! Những sợi mưa xiên xiên trên nền trời trắng đục tạm ngưng, “tiện dân” kéo chàng Dương ra bờ sông, lấy máy chụp hình bấm lia lịa cho bỏ ghét. Cu cậu được đà cứ tạo dáng như xếp lớn thất tình trên sông vắng.

Chạy ngược ra phố tìm mua đặc sản, xếp lớn oai vệ bước vào cửa hàng cứ như giám đôc đến đặt hàng cho công ty, chủ cửa hàng đon đả đón mời, ngồi ngoài xe thầm nghĩ, cửa hàng gặp khách xịn lúc mưa rơi, 15 phút sau khệ nệ bê ra 2 trái dừa rượu, chả hiểu rượu dừa thế nào, nhưng chắc là sản phẩm đắc ý của ông thần họ Dương. Tưởng đâu mua hết cửa hàng – chàng than, mắc quá, 2 trái đã hơn 200 ngàn.

3/ Trời đen như mực, đêm Bến Tre có khác, dưới sông vọng lên tiếng nói của những ngư dân; mở rộng cửa đón làn gió sông thổi vào. Điệp và chàng Dương xuống phố tìm bia giải khát, “tiện dân” trải mền trên nền gạch chuẩn bị vào mộng; điện thoại reo – anh xuống căn tin chứng minh cho tụi em nhậu. 2 người lái xe ra khỏi resort hơn trăm thước phải quay lại, anh Thiện trong BTC hướng dẫn tập thể từ chùa Xá Lợi xuống Bến Tre, gọi chàng Dương đến nhậu. Vậy là được cuộc nhậu ngoài dự tính, khỏi tốn tiền mà uống thoải mái. Điệp uống 2 chai Tiger rồi lên phòng, còn lại chàng Dương và anh Thiện, “tiện dân” nhâm nhi chai nước khoáng ngồi chứng minh cho 2 lão tín hữu đạo bia làm hết 24 chai, chia tay cũng gần 10 giờ đêm.

Chả hiểu ai ngáy hơn ai, mà ai cũng đổ thừa tại ông ngáy mà tui không ngủ được. Cái ngáy là cái Trời cho, nếu ai không ngáy, ốm o gầy mòn. Câu nói lúc bé nghe bọn trẻ nói, gần một thế kỷ vẫn áp dụng để chạy tội được. Điệp cứ bấm máy lướt Web hay nhắn tin cho vợ, cho bồ nhí sao chả chịu ngủ, giường bên kia chàng Dương đã chìm vào mộng như mộng được chìm vào hủ bia. Kiến, muỗi hay bất cứ cái gì cũng chào thua khi giấc ngủ đã kéo sập mi mắt. Màn đêm tĩnh lặng…

4/ Tờ mờ sáng, anh Thiện điện nhắc chàng Dương có mặt ở chùa để ăn sáng. Anh Thiện hỏi anh Thành đâu? “Tiện dân” chỉ ra tiệm phở ngoài chợ. Lần lượt đại biểu, các nhà nghiên cứu, chư Tôn đức lên hội trường trên lầu, sau khi nhận tài liệu, gs Lê Cung, gs Nguyễn Công Lý kéo “tiện dân” tìm chỗ ngồi gần nhau, một người Khánh Hòa, một người Thừa Thiên, lỗ tai hai bên thay nhau tiếp nhận và chuyển âm của hai vị thật nhanh nhạy. Riêng chàng họ Dương chào thua với âm điệu chim hót của dân Huế.

 HT trưởng BTC kiêm BTS PG Bến Tre phát biểu khai mạc, sau đó HT Thiện Nhơn, chủ tịch HĐTS PG phát biểu tham luận ngoài chương trình hoạch định, GS Lê Mạnh Thát cũng thế. Màn tiếp nhận hoa chúc mừng do các đơn vị trong và ngoài Tỉnh trao tặng, động tác vái chào, bắt tay lia lại làm cho HT chủ quản cứ như người robot nhuần nhuyễn.

Hội thảo chia làm ba nhóm do các GS TS chủ tọa bắt đầu vào phiên làm việc. Nhóm thứ ba với chủ đề: TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE. Chủ đề thoát ra ngoài Tổ KHÁNH HÒA, vì thế Hiến Pháp Lữ Minh Châu đã nói đến cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ni giới Bến Tre kế thừa Di sản tổ Khánh Hòa do Thích nữ Như Uyên trình bày trong 9 đề mục của nhóm ba, làm cho khán thính giả hiểu lầm là tham luận viên đi lạc chủ đề Hội thảo. Nghe đến đây, quý Tăng trẻ mang bánh bao đến từng người, chàng họ Dương đoán là sẽ ăn và làm việc tại chỗ, thế là kéo “tiện dân” rời hỏi hội phòng, xuống lầu, đã gặp ngay Thanh Nguyên và Đào Nguyên ngồi vào bàn ăn. Điệp, chàng Dương, “tiện dân”, Đào Nguyên và Thanh Nguyên, 5 người, tự động khai hỏa bàn tròn dành cho 10 người.

Chiếc xe con đưa tất cả về nhà nghỉ Mỹ An, giữa khu resort im ắng. Sau đó, Tể tướng Lưng gù (Thích Vân Phong) điện hỏi – Pháp sư đang ở đâu, nhà nghỉ Mỹ Lan? Dạ không, Mỹ An, thế là thêm một tội đồ Hội thảo trốn khỏi cuộc chơi.

5/ 13 giờ, vẫy tay chào Mỹ An, chia tay chùa Viên Minh và các tham luận viên đang say sưa đọc tham luận. Quanh co qua các ngỏ phố, sinh hoạt người dân nơi đây cũng từ tốn hiền hòa như cư dân Huế, sông cũng chảy nhẹ nhàng như sông Hương, trời ảm đạm không khác mùa mưa của đất Thần Kinh. Người buôn bán ăn nói cũng nhẹ nhàng êm dịu, dù biết khách nói đùa, vẫn nở nụ hàm tiếu chứ không chanh chua đanh đá như chốn chợ trời. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm cho chàng họ Dương nao lòng chưa muốn ra đi. Nói thế chứ chàng ta sợ chim cu của chàng ở nhà đói. Chả biết đạo chích viếng nhà có chừa lại cho cái nồi nấu cơm, và nhất là trả xe càng sớm càng tốt, kỳ sau còn dám mở miệng xin tiếp.

- Anh xin thầy chuyến xe đi Daklak nhé, em xin hoài kỳ lắm. Chàng Dương xúi quảy. Tiếng nói của “tiện dân” sao bằng Dương Kinh Hoàng. Điệp chen vào, chú M chỉ làm việc lớn thôi. Chàng Dương không vừa, liến đáp, đúng rồi, người nhỏ con thích làm lớn, ngay cả mặc chiếc áo cũng rộng thùng thình nên khoác thêm áo cánh khỉ vô che bớt. Tội quá các cha, áo em xin đồ từ thiện nên mặc không vừa, nếu đại ca muốn, em tặng lại, tướng đại ca to, mặc vừa đấy.

Xe về đến Hốc Môn đúng 15 giờ, xuống xe, ông Thần bia không quên đòi lại mấy hộp nhựa đựng đồ ăn đề lần sau còn có mà đựng. Hội thảo ba ngày, mới có ngày rưởi đã về mà còn hẹn lần sau!!!

Lên xe còn quay lại nói vói – nhớ xin thầy chuyến xe đi Daklak hén!

MINH MẪN
20/11/2017


+++++++++++++++++++++



* HỘI THẢO KHOA HỌC:
"HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ TRUYỀN THỐNG BẾN TRE


Sáng 19/10/2017 nhằm 30/8 Đinh Dậu, viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, kết hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đã tổ chức cuộc Hội thảo chuyên sâu về HT Khánh Hòa, người có công khởi xướng công cuộc chấn hưng PGVN vào thập niên 30 của thế kỷ XX, tại chùa Viên Minh, v/p BTS PG tỉnh Bến Tre.

Chứng minh có HT Thiện Nhơn cùng chư vị GH văn phòng 2, chủ tọa đoàn gồm: HT T. Nhật Tấn trưởng BTC, TT T.Đồng Bổn, HT Huệ Xướng, GS Lê Mạnh Thát, HT Lệ Trinh, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, ông Chu văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó Viện nghiên cứu Tôn giáo, ông Trần Ngọc Tam, ông Nguyễn Hữu Phước và bà Trần Hồng Liên.

Tham dự có các viên chức TW và địa phương, cùng trên 100 Tăng Ni Phật tử. Phóng viên báo đài. Trên 50 Tham luận chia làm ba nhóm để thảo luận:

Nhóm thứ I: thảo luận chủ đề - HT KHÁNH HÒA VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM, do HT. T. Nhựt Tấn, TT TS T. Đồng Bổn, TS Nguyễn Quốc Tuấn chủ tọa và điều hành.

Nhóm thứ 2: thảo luận chủ đề: PHONG TRÀO CHẤN HƯNG P.G.V.N. Chủ tọa đoàn gồm PGS.TS Chu văn Tuấn, PGS TS Trần Hồng Liên, PGS TS Lê Cung.

Nhóm thứ 3: thảo luận chủ đề - TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VÀ PHẬT GIÁO TỈNH BẾN TRE. Do TS Nguyễn Đại Đồng, TS Nguyễn Hữu Nguyên, ông Nguyễn Quang Trị làm chủ tọa đoàn.

15.45 giờ cùng ngày hoàn mãn. Theo chương trình, BTC sẽ hướng dẫn đoàn tham quan chùa Khải Tường, xã Phú Lễ, mộ Phan Thanh Giản, mộ Võ Trường Toản; thăm chùa Bửu Sơn, viếng lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Nội dung tổ chức khá chặt chẽ, chư Tăng Ni tỉnh nhà nhiệt tình trong mọi khâu công tác. Tuy nhiên phía ngoại vi, các ngả đường dẫn về trung tâm Hội nghị thiếu sắc màu pano và cờ Phật giáo như các tỉnh thành khác đã làm tăng thêm vẻ sinh động của cuộc Hôi thảo. Thậm chí con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nơi chùa tọa lạc, không một ai biết, kể cả taxi, xe ôm và người dân  cách đó chưa tới 100m, có nghĩa là nhà chùa vẫn chưa được quần chúng quan tâm. Trước cổng chùa, thay vì treo băng rôn phô trương cuộc Hội thảo quan trọng mang tính toàn quốc, lại là tấm biểu ngữ "Liên hoan duyên dáng phụ nữ Bến Tre" và "Tuổi trẻ Bến Tre Đồng Khởi, khởi nghiệp và lập nghiệp". Nghĩa là mọi sinh hoạt Hội thảo chỉ gói gọn trong khuôn viên chùa, không cần xã hội biết và quan tâm.

Tổ Khánh Hòa xuất thân và khởi nghiệp tại Bến Tre, cũng như cụ Đồ Chiểu, cụ Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, những danh nhân được sử sách ghi nhớ đều có tên đường, ít nhất tại tỉnh nhà; bảo rằng tổ Khánh Hòa chỉ có công với Phật giáo, thế thì Bồ Tát Quảng Đức tại sao nhiều tỉnh thành vẫn được đặt tên? Ít ra cũng được đặt tên tại quê hương nơi ngài khai sáng chấn hưng Phật giáo toàn quốc.

Mặc dù lần đầu tổ chức Hội thảo về tổ Khánh Hòa tại quê hương Bến Tre, nhưng hy vọng là truyền thống để tiếp tục có những cuộc Hội thảo cho những vị hữu công chấn hưng Phật giáo cùng thời và tiếp theo con đường chấn hưng đó.

Chúc mừng cuộc Hội thảo thành công tốt đẹp, mong cho những cuộc Hội thảo khác sẽ phát triển sâu rộng để quần chúng cùng chia sẻ với sự tồn sinh của Phật giáo Việt Nam.

MINH MẪN
19/11/2017