Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

VẪN LÀ CHUYỆN TÔN GIÁO




Thời gian qua, những chuyện bất ổn xẩy ra từ các giáo xứ Công giáo, phần lớn từ đàng ngoài. Một thời gian xôn xao như Nghệ An, Hà Tĩnh, Cồn Dầu, Con Cuông, Thái Hà... rồi đâu lại vào đấy, để rồi, lưu lại dấu ấn phiền muộn cho giáo dân, cho quần chúng như vết đau khó phai.

Trên trang "Việt Nam Thời Báo" và "Việt Nam Mới", có tựa đề: "Linh mục Trần Văn Thành đang hăm dọa chính quyền?".Báo nêu nguyên văn lời của Linh Mục Trần Văn Thành, với đại ý chính quyền thiếu công minh: - “Nếu đúng như thế thì đừng mong có một khối đại đoàn kết và có sự hợp tác tốt đẹp giữa Chính quyền và Công giáo!”. 

Đó là câu kết trong stt của Linh mục Phêrô Trần Văn Thành, Chánh xứ Tam Tòa, GP Vinh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) sau khi nhận được công văn phản hồi của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 14/7/2017 về việc không bố trí thêm quỹ đất cho giáo xứ do “GX Tam Tòa nằm trong khu trung tâm của TP Đồng Hới, có quỹ đất hạn chế, không có điều kiện mở rộng do khu vực xung quanh đã có quy hoạch được phê duyệt và các dự án đang được triển khai, sử dụng ổn định”.

Xin mời đọc nguyên văn bài viết của tác giả An Chiến:

Toàn văn stt của Linh mục này như sau: “NGÔI NHÀ THỜ BỊ “BỨC TỬ” TRONG KHI ĐANG HỒI SINH"

Dấu hiệu tâm linh đã trở lại nơi vùng đất hoang tàn đổ nát một thời, tp Đồng Hới qua sự hiện diện của ngôi nhà thờ Tam Toà và ngôi chùa Đại Giác. Mặc dù cả hai công trình đều được xây lại cùng thời và cùng nơi (gần nhau, nằm trên cùng một con đường), nhưng ngôi chùa Đại Giác có diện tích được cấp là 10.000 mét vuông và đã được cấp đất bổ sung 2 lần. Trong khi đó, nhà thờ Tam Toà đề nghị cấp 9.000 nhưng chỉ được cấp trả lại 6019 mét vuông (cấp trả là vì Chính quyền đã lấy khu nhà thờ cũ Tam Toà và cấp trả lại nơi mới).

Và giáo xứ Tam Toà đã xin cấp bổ sung 4 lần, (mục đích là để cho công trình này có đủ không gian thoáng làm nên một công trình có giá trị văn hoá, một điểm đến hấp dẫn cho du khách, và là một trong những điểm nhấn cho thành phố du lịch), nhưng đều bị từ chối, vì lý do xung quanh đã quy hoạch (mặc dù quỹ đất vẫn còn và bỏ hoang).

Điều này cho thấy, mặc dù ngôi nhà thờ Tam Toà đang được hồi sinh nhưng nó cũng đang bị “bức tử” trong “phôi thai”.
V
ì với diện tích đã được cấp thì sau khi xây dựng xong nhà thờ và các công trình phụ trợ, mật độ xây dựng quá dày và phá vỡ nét đẹp đáng có của công trình nhà thờ.
Phải chăng Chính quyền tỉnh Quảng Bình đang có một sự kỳ thị tôn giáo, vô tâm và thiếu tầm nhìn trong quy hoạch về một thành phố đang phát triển về du lịch?”.

Không hiểu nhiều người sẽ nói gì khi đọc stt này nhưng tôi cho đó là một sự hăm dọa của Vị linh mục này về mối đoàn kết giữa chính quyền và Công giáo, ít nhất liên quan đến Gx mà Linh mục này phụ trách.

Và ngầm hiểu sự hăm dọa này là: Khi không được đáp ứng thì đừng mong Linh mục, giáo dân nơi đây có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền, thực hiện, nghe theo các hoạt động quản lý từ chính quyền….

Ở đây không muốn nói nhiều và phân tích sâu thêm những điều được Linh mục này hướng đến. Chỉ xin nhắc Linh mục Trần Văn Thành rằng: Bài học đến với Linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vẫn chưa hề lỗi thời chút nào!

Giáo dân có thể che chở các ông nhưng nhân dân nói chung thì sẽ không dung thứ nếu các ông để xảy ra tình trạng mất đoàn kết lương – giáo, đoàn kết toàn dân tộc. Và chính quyền nhân nhượng không có nghĩa là họ để các ông làm gì thì làm! (An Chiến)

                                                           *****
Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung BộViệt Nam. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông). Quảng Bình  giáp Hà Tĩnh về phía bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía nam; giáp Biển Đông về phía đông; phía tây là tỉnh Khăm Muộn và tây nam là tỉnh Savannakhet của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên.

Năm 1069Lý Thánh Tông - vua của Đại Việt đánh Champa bắt được vua Champa đưa về Thăng Long, để được tha vua Champa đã dâng đất (Địa Ly, Bố Chính, Ma Linh) tương ứng với tỉnh Quảng Bình và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, bắc Hướng Hóa của Quảng Trị ngày nay cho Đại Việt và Quảng Bình chính thức thuộc về Đại Việt từ năm 1069.
Năm 1976 ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, đến năm 1989 lại tách ra như cũ.
Khi tách ra, tỉnh Quảng Bình có 5 đơn vị hành chính gồm thị xã Đồng Hới và 4 huyện Bố TrạchLệ NinhQuảng TrạchTuyên Hóa.
Sau ngày thống nhất đất nước, Quảng Bình tuy có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng vẫn chưa thoát được cái nghèo trên vùng đất nhỏ hẹp nhất so với các tỉnh bạn. Tình hình chung là vậy thì vấn đề tôn giáo cũng không khá hơn.
Trải qua nhiều cuộc binh biến như thời Trịnh Nguyễn phân tranh -(1774), phong trao Văn Thân khởi nghĩa ( 1886). Năm 1968 chiến tranh đã tàn phá nhà thờ Tam Tòa.
Nhà thờ Tam Tòa là một nhà thờ Công giáo toạ lạc đường Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.Tam Tòa thuộc hạt Nguồn Son, Giáo phận Vinh. (Từ năm 2005 về trước Tam Tòa thuộc Tổng giáo phận Huế).Được xây từ năm 1886 với phong cách kiến trúc Bồ Đào Nha, đây được coi là một trong những nhà thờ đẹp nhất ở Việt Nam, mặc dù ngày nay nó chỉ còn là phế tích.

Ngày 23 tháng 10 năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục Xã Đoài cùng thống nhất và ký bản ghi nhớ với nội dung: "Khuôn viên nhà thờ Tam Tòa cũ hiện là chứng tích tội ác chiến tranh. Hai bên sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ... Giáo hội có nhu cầu xây dựng cơ sở thờ tự, thì làm thủ tục xin cấp đất theo đúng quy định, trên cơ sở quỹ đất của địa phương và quy hoạch tổng thể thành phố Đồng Hới."
Tam Tòa trước kia thuộc Giáo phận Huế, ngày 15/5/2006, Tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. (có hơn 1,000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Ðồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà).
Qua những đơn khiếu kiện về tài sản Giáo hội, chính quyền Quảng Bình đã cấp cho Tam Tòa 6.019m2 thay vì 9.000m2 theo yêu cầu, bởi khu vực Tam Tòa nằm ngay thị tứ không còn đất thừa. Trong khi chùa Đại Giác được cấp 10.000m2. Tại sao?
Quá trình xây dựng công trình nhà thờ hiện nay, chính quyền tỉnh Quảng Bình cũng đã nhiều lần gỡ rối, hợp lý hóa các sai phạm của Gx để mọi thứ được êm xuôi. Đáng chú ý là việc Gx tổ chức đặt viên đá đầu tiên với sự hiện diện của nhiều vị khách quan trọng khi chưa được cấp phép thiết kế xây dựng. Trước việc này, để Gx không mất mặt trước quan khách khi chính quyền đến đình chỉ xây dựng vì sai phạm, Chính quyền tỉnh Quảng Bình đã linh hoạt cấp phép từng phần công trình (vì trước đó Gx chưa gửi hồ sơ phê duyệt thiết kế đến Sở xây dựng tỉnh này). Tiếp đó, dù liên tiếp có các sai phạm khác như xây dựng phần còn lại không phép, xây quá thiết kế được phê duyệt nhưng với tinh thần đối thoại và linh hoạt chính quyền Quảng Bình đã không làm khó Gx. 

Sáng ngày 21/4/2016, Tam Tòa đã diễn ra thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ giáo xứ. Hiện diện trong thánh lễ có Đức TGM Leopoldo Girelli – đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Giám mục Phaolô – chủ chăn giáo phận, Đức cha Giuse Võ Đức Minh – Giám mục giáo phận Nha Trang, một người con của giáo xứ Tam Tòa và Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên. Đồng tế trong Thánh lễ còn có đông đảo Quý LM trong và ngoài giáo phận, Quý chủng sinh, Quý tu sĩ nam nữ, Quý khách và khoảng 5000 bà con giáo dân, mà chính quyền vẫn du di mặc dù không được thông báo các nhân sự từ các nơi khác đến.
Đối với Phật giáo,khu đất chùa Đại Giác hiện diện, không đơn giản chỉ là khu đất thoáng đạt. Trước kia, nơi đây, địa phương cũng đã cấp cho giáo xứ Tam Tòa, nhưng Giáo xứ chê vì đó là hồ nuôi tôm sâu hơn 3m, diện tích cũng hơn 6.000m2 vì thế, nhà nước cấp cho Giáo xứ địa điểm ngay trung tâm Thành phố như hiện nay; vì trong Thành phố, quỷ đất đều nằm trong dự án quy hoạch, vì thế qua 4 lần xin cấp thêm vẫn không được, chính quyền yêu cầu Giáo xứ liên lạc với sở xây dựng điều chỉnh mật độ xây dựng theo quy hoạch để tương thích với diện tích đang có.
Trong khi chùa Đại Giác là cơ sở của Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Quảng Bình, chấp nhận ao trũng để san lấp tốn kém gấp đôi xây dựng trên nền đất phẳng của Giáo xứ Tam Tòa, và dĩ nhiên, sau khi san lấp và xây dựng trên đầm tôm thì diện tích không đủ cho những sinh hoạt cộng đồng mỗi mùa đại lễ, phần đất hẹp,trũng còn lại, chắc chắn không cơ quan nào muốn nhận, vì thế, BTS PG Quảng Bình đề xuất xin tận dụng. So với các cơ sở tôn giáo hiện nay, chùa Đại Giác của Phật giáo tương đối có bề thế, những chùa còn lại chưa đến 10 ngôi,mang vóc dáng cũ kỹ, chưa chính thức được xem là cơ sở sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, một số ngôi chưa được hoàn trả lại cho Giáo hội. Như thế, tài sản vật chất của Phật giáo chỉ bằng 1/10 của Công giáo hiện nay, tại sao phải đặt vấn đề diện tích Đại Giác 10.000m2  mà giáo xứ Tam Tòa chỉ 6.019m2.
Quảng Bình tuy là vùng đất hẹp, nhưng là địa danh sản sanh nhiều vị đi vào lịch sử như Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Đỗ Mậu, Thiền sư Thích Trí Quang. Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840), giáo dân Công giáo, được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988Lê Văn Thái (1890-1968), giáo sĩ Tin Lành, nguyên Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam thời kỳ (1942-1960)...
Đồng thời Quảng Bình cũng là vùng đất chịu nhiều tang thương chinh chiến, do thế cái nghèo cái khó luôn đeo bám người dân.Trận bão lũ năm 2016 đã nhấn chìm bao nhiêu gia cảnh tang thương, chùa Đại Giác đã tiếp 137 đoàn từ thiện Phật giáo từ Nam ra, họ cứu trợ không phân biệt Lương-Giáo.
Hàng năm, theo thông tin từ các cha quản xứ khu vực tỉnh Quảng Bình, các giáo xứ: Hòa Ninh, Cồn Sẻ, Vĩnh Phước, Cồn Nâm, Liên Hòa, Diên Trường, Văn Phú, Giáp Tam, Yên Giang, Tân Phong, Kinh Nhuận, Phù Kinh, Minh Cầm, Tân Hội, Chày, Hà Lời và Trung Quán vẫn bị ngập nặng. Nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Những hoàn cảnh tan thương như thế, người dân Quảng Bình luôn đối diện với khổ đau, tôn giáo nên bắt tay nhau và cần sự hỗ trợ của chính quyền làm vơi đi những đày đọa trời hành mỗi năm. Trước những vấn nạn của xã hội và cuộc sống, Phật giáo thì quá nhũn nhặn đến độ thụ động, Công giáo thì quá kiên cường đến độ đối đầu, cả hai thái cực như thế chả giải quyết được gì. Tinh thần Bi-Trí-Dũng của nhà Phật được áp dụng đúng mức, có lẽ giúp cải thiện nhiều cho dân tộc hiện nay.

*****
NGÔI NHÀ THỜ BỊ “BỨC TỬ” TRONG KHI ĐANG HỒI SINH" hay là: “Nếu đúng như thế thì đừng mong có một khối đại đoàn kết và có sự hợp tác tốt đẹp giữa Chính quyền và Công giáo!”, hy vọng đây không thể là lời phát biểu của một vị LM quản xứ, Giáo xứ Tam Tòa, nhưng sự thật trên facebook cá nhân của LM, người đọc không thể nhầm:... 

"… Ngôi chùa Đại Giác có diện tích được cấp là 10.000 mét vuông và đã được cấp đất bổ sung 2 lần. Trong khi đó, nhà thờ Tam Toà đề nghị cấp 9.000 nhưng chỉ được cấp trả lại 6019 mét vuông".

Lời phát biểu nóng vội đã manh nha sự chia rẽ không nên có. Hy vọng các chức sắc tôn giáo cần cẩn trọng vì sự so bì hay hăm dọa. Thể hiện tinh thần ôn hòa trong đối thoại dẫu sao vẫn là phương cách tốt thể hiện nhân cách của một vị lãnh đạo tôn giáo đối với tôn giáo và tôn giáo đối với nhà nước.


MINH MẪN
17/8/2017


20108124_334558460299421_4955181959652477053_n-1


                                                                       


                                                                                  









PHẬT GIÁO PHÚ YÊN VÀ NHỮNG CƠN SÓNG NGẦM




Thật không vui khi tiếp tục đặt vấn đề bất cập của một số BTS Pg các tỉnh thành trước Đại hội Phật giáo toàn quốc sắp tới vào tháng 11.

Phật giáo Phú Yên qua những nhiệm kỳ trước, kể từ khi thành lập BTS PG tỉnh, do HT Tâm Thủy và HT Nguyên Đức điều hành, chưa có một Phật sự nào nổi bật về sự phát triển Phật giáo, ngoại trừ một vài sự kiện trấn áp những cơ sở do đố kỵ, do quyền lợi cá nhân, trong đó, có ĐĐ Nguyên Nguyện để giờ đây thầy phải tha phương cầu thực khi Phú Yên không còn là mảnh đất dung thân bởi những bóng ma quyền lực trong Phật giáo địa phương đầy ám ảnh.

Rồi đến vụ chùa Thanh Lương do ĐĐ Quảng Ngộ kiên cường bảo vệ tôn tượng Quán Thế Âm do ngư dân vớt lên từ biển cả, đến nay BTS không thực hiện được mưu đồ cướp tượng, đã cô lập và loại trừ ĐĐ Quảng Ngộ ra khỏi Giáo hội.

Ngoài ra còn một số tu sĩ gặp không ít khó khăn khi bị lọt vào tầm ngắm của nhị vị chức sắc Phật giáo tỉnh như chùa Linh Sơn và một vài chùa xa thành phố.

Để rồi, nhiệm kỳ mới (2017-2022) nội tình BTS PG tỉnh đã đến lúc "cơm không lành, canh không ngọt" giữa vị trưởng và phó trực. Thầy trưởng BTS xin nghỉ và yêu cầu thầy phó trực cũng phải nghỉ. Do quá tuổi quy định đối với thầy Tâm Thủy, trưởng BTS tỉnh, theo tinh thần trẻ hóa Giáo hội, nhưng thầy Nguyên Đức, tuổi chưa quá quy định, theo tinh thần quy chế hoạt động trong BTS PG các cấp, phó trực có quyền kế thừa Trưởng Ban trong những trường hợp khuyết vị có thời hạn, hoặc được Đại hội Đại biểu các cấp bầu chọn. Danh sách đệ trình lên Ban Thường trực HĐTS TW chuẩn thuận.

1./ Biên bản số 337/BB.HĐTS- họp nhân sự nhiệm kỳ VII (2017-2022) vào lúc 14g ngày 17/6/2017, tại văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, gồm Ban chỉ đạo Đại hội TW, Ban Tôn giáo chính phủ phía Nam, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, Ban chỉ đạo Đại hội thống nhất cung thỉnh HT T. Tâm Thủy và HT T. Nguyên Đức vào cương vị chứng minh nhiệm kỳ 2017-2022. HT T. Đồng Tiến đảm nhận nhiệm vụ trưởng BTS có thời hạn để quy hoạch nhân sự kế tiếp. ĐĐ Nguyên Nhã, ĐĐ Nguyên Minh được giới thiệu tham gia BTS với chức vị phó BTS. Đến giữa nhiệm kỳ 2017-2022, suy cử bổ sung ĐĐ T. Nguyên Nhã giữ chức vụ phó BTS; giữa nhiệm kỳ sau 2017-2022 suy cử bổ sung ĐĐ Nguyên Nhã giữ phó thường trực BTS. Đến giữa nhiệm kỳ 2017-2022, HT T.Đồng Tiến không tiếp tục đảm nhận chức trưởng BTS thì suy cử ĐĐ Nguyên Nhã lên làm trưởng BTS.
2./ Trong Biên bản 367/BB.HĐTS ngày 26/6/2017 tại v/p 2 TW GHPGVN tiến hành phiên họp liên tịch ban nhân sự gồm có Ban chỉ đạo Đại hội Trung ương, thường trực BTS PG tỉnh Phú Yên, điều 3, mục g/ ghi: - Đến giữa nhiệm kỳ 2017-2022 được giải quyết theo 02 hướng: - Nếu HT Đồng Tiến quy hoạch nhân sự chưa hoàn tất thì suy cử bổ sung ĐĐ T.Nguyên Nhã giữ chức phó Trưởng BTT. Nếu HT Đồng Tiến quy hoạch nhân sự hoàn tất thì suy cử ĐĐ.T.Nguyên Nhã giữ chức Trưởng BTS.

*****
Trong quá trình suy cử hoặc chỉ định các BTS PG phía Nam, chỉ duy nhất tỉnh Đak nông do vừa thành lập tỉnh, thiếu nhân sự, buộc lòng suy cử ĐĐ T. Quảng Tuấn lúc bấy giờ làm tưởng BTS PG tỉnh; phần lớn trưởng BTS PG tỉnh đều là TT hoặc HT có tuổi đời và hạ lạp cao. Phú Yên không phải là mảnh đất mới, bề dày lịch sử Phật giáo Phú Yên đã có những điểm son nổi bật về chư tôn đức chân tu và những cao Tăng thạc đức từng là long tượng trong ngôi nhà chánh pháp và là thạch trụ trong Giáo hội Phật giáo trước kia. Thế thì tại sao trong hai phiên họp nhân sự giữa Trung ương Giáo hội và BTS PG tỉnh Phú Yên, cũng như cuộc họp có sự tham dự của chính quyền, Trung ương Giáo hội đều chỉ định ĐĐ Nguyên Nhã vào chức vụ Trưởng BTS hoặc phó BTT nếu quy hoạch nhân sự chưa hoàn tất?

Trong khi đó, danh sách nhân sự dự kiến của BTS PG tỉnh Phú Yên đề bạt ĐĐ Nguyên Nhã làm phó BTS kiêm phó Ban Tăng sự nhiệm kỳ 2017-2022, dĩ nhiên nhiệm kỳ trước ĐĐ Nguyên Nhã cũng chỉ là ủy viên bình thường trong tổ chức Giáo hội địa phương. Một tỉnh có bề dày lịch sử Phật giáo, nên chăng chỉ định một vị ĐĐ tài non tuổi trẻ liệu đủ kinh nghiệm và uy đức điều hành Phật sự, nhiếp chúng đại Tăng? Chưa từng đóng góp những Phật sự nổi bật hoặc có công trạng với Giáo hội. Đây là điều mà làm cho Tăng Ni cư sĩ trong tỉnh Phú Yên đặt nhiều vấn đề.

"Trong chương V của Hiến chương quy định quyền hạn của Hội Đồng Trị Sự, điều 19 mục 5 ghi: Được quyền phân công, luân chuyển nhân sự tham gia Ban Trị sự trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong trường hợp Ban Trị sự cấp tỉnh, thành thiếu nhân sự."

Hàng ngàn tu sĩ trong một tỉnh như Phú Yên chả lẽ thiếu nhân sự để Giáo hội công cử một ĐĐ lên nhiếp chúng?

Tình hình Phật giáo Phú Yên nhiệm kỳ VII đã xảy ra những biến cố nội tại là điều khá lạ. Phú Yên cũng như Bình Định, Khánh Hòa và những tỉnh miền Trung từng là chiếc nôi đào tạo, sản sinh nhiều cao Tăng thạc đức. Các Giáo phẩm là bóng cây che mát hàng hậu học; trong Phật giáo không có "đức vâng lời" bề trên như Công giáo, nhưng Tăng Ni trẻ đều y giáo phụng hành những bậc thầy nhiều uy đức. Ngay cả hàng giáo phẩm cũng chưa từng sanh tâm tỵ hiềm, đố kỵ lẫn nhau. Đó là hình ảnh đẹp của chư tôn đức trước 1975, do Tăng sai phải phụng mệnh, không dám từ khước hà huống có việc tranh chấp ngôi vị, quyền lực như một số nơi hiện nay, mà lại là những bậc trưởng thượng trong hệ thống giáo quyền.

Vấn đề nhân sự trong BTS PG Phú Yên có hai điều lạ:
1/ HT Tâm Thủy đồng ý thôi giữ chức Trưởng BTS PG tỉnh với điều kiện thầy Nguyên Đức cũng phải nghỉ (quá tuổi quy định buộc phải nghỉ là đúng, tại sao buộc người đồng hội đồng thuyền phải nghỉ?). Chưa nói đến nhiều việc làm quá sai nguyên tắc hành chánh, vi hiến và quy chế sinh hoạt BTS PG. Theo nội quy trong tổ chức, sau khi cung cử nhân sự thông qua các BTS cấp huyện, xã, phải đệ trình lên HĐTS TW xét duyệt trước khi chuyển qua cơ quan chủ quản quyết định, nhưng thầy Tâm Thủy với tư cách trưởng BTS đã vượt cấp, để rồi Ban Tôn giáo thuộc sở Nội Vụ phải bác đơn và hướng dẫn BTS PG tỉnh làm lại theo hệ thống hành chánh quy định. Thầy Tâm Thủy cũng tự động bổ cử nhân sự, ký tên đóng dấu để tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ VII (2017-2022) không thông qua bất cứ ban ngành trong Phật giáo các cấp, tạo sự ngỡ ngàng cho chính quyền lẫn nội bộ Phật giáo tỉnh. Những nguyên tắc quan trọng như thế mà còn vi phạm thì còn bao nhiêu việc khuất tất khác sao tránh khỏi?

2/. Đơn Kiến nghị ngày 11/8/2017, gửi đến HĐTS TW, Ban Thường trực HĐTS, Ban chỉ đạo Đại hội TW và các ban ngành chức năng của chính quyền, thầy Nguyên Đức nêu lên 9 điểm thì hết 7 điểm quy tội thầy Tâm Thủy, một điều nói về khả năng, sức khỏe của thầy Đồng Tiến để kết luận thầy Đồng Tiến không thể đảm nhiệm chức trưởng BTS PG tỉnh. Điểm cuối cùng là tán thán quá trình tự thân đã đóng góp công sức cho Phật sự đã được HĐTS TW ghi nhận trong Thông báo 425, nguyện vọng xin được làm trưởng BTS PG tỉnh nhiệm kỳ VII (2017-2022).

Chức trưởng BTS là gì mà ai cũng ham muốn trong khi dám cạo bỏ râu tóc, cắt ái ly gia để cầu giải thoat khỏi trần lụy phiền muộn? Ai dám bảo rằng trong quá trình vận động chức quyền, đấu đá nội bộ mà không sanh phiền não trong mỗi người tu? Chưa nói đến hao tốn kinh phí mà nguồn tiền của Tam bảo do bá tánh nhịn ăn nhịn mặc đóng góp cho quý thầy tu tập! Chả lẽ con đường danh lợi ở chợ đời đang lấn sân vào cõi thiên môn? Để rồi ông Huỳnh Phước Kỷ, trưởng BTG tỉnh phải khuyên quý thầy nên hài hòa để Phật giáo được "Đoàn kết- Ổn định và Phát triển"!
*****
Nói là thế, nhưng một khi tham gia Phật sự, cũng cần người có tâm và có tầm chứ không chỉ ngồi chơi xơi nước cho hết nhiệm kỳ mà Phật sự cũng còn nguyên tệ nạn. Một khi nắm quyền mãn ước thì ít ai nghĩ đến nỗi vất vả của Tăng Ni, trái lại luôn gây khó khăn mỗi khi họ cần chứng thực giấy tờ hay cần can thiệp những rắc rối tại địa phương.
Thử đặt vấn đề, những bậc quá tuổi quy định đều tôn lên hàng chứng minh, tuổi trẻ như ĐĐ Nguyên Nhã chưa đủ tầm để đứng đầu BTS PG tỉnh, vậy HT Nguyên Đức qua nhiều nhiệm kỳ và cũng đã từng nắm giữ nhiều chức năng Phật sự, tuổi tác cũng chưa lọt vào danh sách "về vườn", có thể tái đắc cử nhiệm kỳ 2017-2022, có đủ năng lực điều hành Phật sự theo chiều hướng cởi mở và cảm thông cho Tăng Ni chăng? Có dám trả lại nguồn lợi "nghĩa trang" cho Giáo hội? Có đủ tự tin sám hối với đại chúng về những sai phạm trong quá khứ, dám mời TT T. Nguyên Nguyện trở về trụ xứ, có hỷ xả để ĐĐ Quảng Ngộ trở lại sinh hoạt trong cộng đồng Giáo hội, có sáng kiến mời chư Tăng Ni và tín đồ có năng lực tham gia Phật sự làm thay da đổi thịt cho Phật giáo Phú Yên. Và nhất là, thầy Nguyên Đức sám hối với chư tôn đức HĐTS mà thầy từng tuyên bố vụ chùa Thanh Lương :"Quý thầy ra Phú Yên, BTS tỉnh sẽ không đón tiếp? Nếu thầy Nguyên Đức đủ can đảm và thật lòng tự hoàn thiện thì Giáo hội Trung ương cần xét lại để Phú Yên khỏi đình trệ Phật sự.

*****
Xã hội ngày nay quá suy thoái, chả lẽ người tu cũng vậy sao? Chức vụ quyền lợi đã vướng vấp gót chân giải thoát, nhưng đừng để thế tục đứng ra hòa giải mà nội tình Tăng già không tự hòa giải mỗi độ Đại hội Phật giáo diễn ra, và hãy kềm hãm sự sân hận trước mặt các quan chức chính quyền trong cuộc họp mà nhị vị Hòa thượng đã đấu tố lẫn nhau qua lời nói và hành động.


MINH MẪN
19/8/2017

* CHỌN CÁNH HỒNG HOA



Nhộn nhịp, tấp nập, hơi người, bụi bẩn, khói nhang, inh ỏi kèn trống, kinh tụng, nhạc... như khuấy động không gian u tịch thường ngày nơi cổ tự lặng sâu trong vùng nông thôn vườn trầu.

Không thích màu trắng, bé gạt tay, chọn lấy cánh hồng, tại sao người ẳm bé cài hoa hồng mà mình lại màu trắng, ậm ừ, bập bẹ, hiểu ý bé, cánh hồng vẫn được cài lên áo, bé cười, nụ cười mãn nguyện hồn nhiên.

Mùa Vu Lan, báo hiếu? Tri ân? ngọn cỏ úa, lá lìa cành, sự ra đi hay là chuyện trở về? Hiện tượng ấp ủ trong vỏ bọc giai đoạn, được định danh như định danh một mầm sống vừa chào đời. Chào đời có cái tên mới của một giai đoạn sống, lìa đời mang theo đích danh của lúc chào đời, mang theo bao ân oán nợ nần từ lúc được định danh. Khi trở lại cuộc sống, được làm người, cái danh mới được định đặt, mọi sự trở thành mới, món nợ cũ cũng thành mới, thân bằng quyến thuộc trở thành mới, cho dù nợ nần của nhau bao đời kiếp cũng vẫn là mới, như chồi non từ gốc cỗi cũng là mới, trong cái mới ẩn tàng mầm móng cũ, đó là ân, đó là nhân, một loại ân nhân xoay vòng rối tung mờ mịt như vó ngựa dặm trường phủ mờ nhân ảnh.

Tri ân vạn loại tức trở lại chính nhân quá khứ trong 6 nẻo luân hồi, hiện tượng tri ân, bản thể tri tâm; chúng sanh đồng nhất thể, tứ trọng ân trong hiện tượng sống, vẫn là ân quá khứ, ân hiện tại, ân tương lai và cuối cùng đích đến là ân giải thoát. Là năng lượng sinh thức luôn đeo mang vào đời như túi vải trên vai Bố đại Hòa Thượng. Đời người là loại ốc sên bò đến đích giải thoát phải trải qua vạn dặm nghìn trùng.

Cánh hồng, cánh trắng là biểu tượng, một biểu tượng trong một đoạn đường sống. Người đi suốt đoạn đường dài gập ghềnh vẫn hãnh diện mang theo cánh hồng, bé chào đời, nằm cạnh xác mẹ bú giọt sữa cuối cùng mà cứ ngỡ giòng sữa ngọt, chít trên đầu màu trắng mà ngỡ được làm đẹp tuổi thơ. Tự hỏi, tại sao cho bé hoa trắng, không, bé không chấp nhận màu tang tóc, tự chọn màu hồng cho mình; dưới cặp mắt hồn nhiên của bé, giòng sống luôn là giòng sữa ngọt, mất mẹ cứ như mẹ tạm vắng, tại sao phải bù đắp vào khoảng trống màu trắng cô đơn!

Nhộn nhịp trong mùa lễ như tự đánh lừa cảm giác cô đơn trống vắng hơn là tri ân tự chính mình, vì chúng sanh và mình là một, tứ trọng ân là bốn hướng đang xoay quanh một điểm, một điểm tri ân hay một điểm tri tâm của chính mình. Bé có lý vẫn chọn cho mình một màu hồng trong cuộc sống hồn nhiên, vì màu trắng gợi lên bao nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh, xã hội đã định hình đó là nỗi bất hạnh, nhưng biết đâu là hạnh phúc để thức tỉnh về kiếp mong manh sương khói không quá 100 năm tồn tại.

Hồng và trắng chỉ là màu vô cảm, nhưng đủ tác động buồn vui kiếp người mỗi độ Vu Lan về, con người luôn bị tác động buồn vui chỉ do màu sắc; bé chọn màu hồng không vì ý thức hạnh phúc hay cô đơn, chỉ duy nhất đó là màu trong sáng tỏa rạng mà bé thích cho cuộc sống cho dù bé không còn mẹ trên đời!

MINH MẪN
24/8/2017 (Vu Lan 2561)