Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

* KÝ SỰ: NỞ HOA MIỀN TÂY BẮC (KỲ 7)



Trên 10 tiếng từ địa phận Hà Giang về địa phận Lào Cai để đến Sapa, thực ra, nếu không ngừng dọc đường để phân phát quà cho trẻ con miền thượng du thì thời gian cũng sẽ ngắn hơn. Cũng thế, từ Sapa về Điện Biên cũng từng ấy thời gian.

Hà Giang Diện tích: 3.068 km², dân số: 771.200 người, thì Lào Cai diện tích 6.383.9km2, dân số 656.900 người, đồng bào gồm có Việt, H'Mông, Tày, Dao, Thái... (1 thg 7, 2013 - wikipedia),

"Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái. Tỉnh lị là thành phố Lào Cai, cách Hà Nội 330 km.

Với 25 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Trong đó Người Việt chiếm số đông, có mặt khá sớm và đặc biệt chiếm tỉ lệ cao trong những năm 1960 bởi phong trào khai hoang và cán bộ được điều động từ thành phố Hải Phòng các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam... lên. Trong số các dân tộc khác thì đông hơn cả là Người H'Mông, Tày, Dao, Người Dáy,... Người Hoa chiếm tỉ lệ đáng kể. Chính sự phong phú về đời sống các dân tộc đã tạo ra một bản sắc riêng của Lào Cai. Việc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cùng phối hợp tiến hành khai thác Du lịch về cội nguồn chính là phát huy thế mạnh này và đã thu hút được sự quan tâm của du khách.

Là tỉnh miền núi cao, đang phát triển nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200 m - 1.800 m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các sắc tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa.

Dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà của Việt Nam - và có khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên hấp dẫn nhiều nhà khoa học, khách du lịch.

Lào Cai có nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như mận Bắc Hà, rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi, cá tầm..."

Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu thuộc Vân Nam (Trung Quốc) tách nhau qua sông Nậm Thi cũng là một điểm du lịch thú vị."
                                           
                           *****

Qua những di tích của Hà Giang và Lào Cai, đoàn dần về Điện Biên. Từ Lào Cai về Điện Biên theo đường bộ là 270.18km, theo đường chim bay là 123km.

Suốt đoạn đường núi đồi, thỉnh thoảng có chòm xóm dân cư vùng thấp, tụ tập cư dân sinh sống bằng nông nghiệp, không rời rạc như các vùng cao Hà Giang. Vài trẻ con chăn trâu chăn bò, hoặc tìm sống lây lất qua những sườn đồi bằng những rau rừng. Trên xe còn một số đồ, chị Chung và Việt Ly quyết định "giải phóng" cho bằng hết, cứ nhìn thấy trẻ con lang thang là tấp xe vào. Trẻ con nơi đây hình như quen với hình ảnh của du khách cho quà, nên khi thấy xe dừng lại là chúng chạy đến. Du khách không mang quà như đoàn từ thiện, bánh kẹo là quà vặt để du khách làm quen với lũ trẻ. Chỉ riêng đoàn từ thiện của Việt Ly - cô Chung mới lỉnh kỉnh nào bánh kẹo, nón mũ, áo quần, tập vở, đồ chơi, giày dép, bình đựng nước. Riêng đồ phụ họa của Việt Ly cho trẻ là búp bê, kẹp tóc cho cháu gái, xe, batman, cho cháu trai, và bong bóng màu. Chúng thích nhất, không chỉ túi quà to đùng mà chỉ cần gói bánh Kinh Đô và đồ chơi là đủ mãn nguyện. Nơi núi đồi hoang vu, xa thị thành, xa phố chợ, làm gì có những loại quà đặc biệt lạ lẫm như thế. Những toán khách phượt người nước ngoài phần nhiều, họ di chuyển bằng xe hai bánh máy nổ, hành lý đơn giản là chiếc ba lô trên lưng, làm gì họ có đủ quà cáp cho trẻ vùng cao. Thỉnh thoảng, có những đoàn từ thiện của chùa, họ chỉ đi những vùng thấp và không xa phố chợ. Gần đây, đoàn từ thiện của chùa Khánh An ra Mèo Vạt, quà cũng không nhiều và phân phối chung chung chứ không chú trọng riêng cho trẻ con như đoàn của nhóm Từ Tâm - Hiểu và Thương lần này. Năm khi mười họa mới có chuyến đột xuất như thế. Riêng nhóm Từ Tâm thì định kỳ thường niên do vợ chồng Việt Ly hoạch định từng chuyến. Có những chuyến tại miền Tây Nam bộ thì đóng giếng, xây cầu, riêng miền Tây Bắc thì chú trọng trường mầm non để có điểm cho trẻ con quy tụ, có người chăm nom để bố mẹ lên nương rẫy, có chỗ cho các cháu vui chơi giải trí. Tuy chưa bằng phố chợ thì ít ra cũng thú vị cho trẻ con lần đầu biết thế nào là cầu tuột, thế nào là ghế quay. 

Trời mưa lất phất, gió heo mây lành lạnh, trẻ con co rúm trong manh áo mỏng hoặc tấm ni lông bạc màu, Việt Ly nghĩ đến những tấm đi mưa cho chuyến sau để trẻ con chăn trâu hoặc đi học, đi lao động nơi các mỏ khoáng sản, đủ che cái lạnh thấm xương thấu thịt. Còn nhiều và rất nhiều những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống cư dân miền núi, không chỉ áo quần tập vở, đồ chơi, nhưng tầm tay có hạn, khả năng tự nguyện khi mà nhà nước còn chưa đáp ứng nỗi những nhu cầu  cho dân vùng núi. Tại sao muối là điều tối cần mà chả ai nghĩ đến? Loại tro mặn đốt từ gốc cây, hay những mảng đất đượm vị muối được cư dân tận dụng vẫn không đủ đáp ứng cho cơ thể lao động nặng.

Mùa nắng trên vùng cao như Hà Giang thì thiếu nước, thiếu gạo, quanh năm ngô bắp là thực phẩm chính. Mùa Đông thì toàn bộ phía Bắc đều rét cóng, trâu bò phải ủ ấm có lúc còn chịu chết thì trẻ con sẽ biến thành hình nhân ướp đá, chỉ còn cặp mắt khờ khạo quan sát chung quanh để được biết là chúng còn sống. Bên trong căn nhà vách nứa không đủ cản từng cơn gió núi mang khối lạnh xé da. Bếp lửa đỏ rực xông khói căn nhà thế mà chưa đủ hơi ấm cho những con trẻ lăn lóc trên nền đất. Dĩ nhiên những vùng mà ít ai bén mảng đến thì đời sống còn quá nhiều khó khăn, nhất là lương thực, thực phẩm và áo quần cho lũ trẻ. Có lẽ cơ thể chúng thích nghi với thời tiết từng mùa như động vật ngủ Đông vùng Bắc cực. Thời tiết khắc nghiệt, và đời sống cơ cực thiếu thốn mọi điều, đó là một trong những lý do dân số người sắc tộc phát triển khá chậm so với người Kinh. Thế nhưng, họ vẫn cố bám nương bám đất trên những đỉnh núi chót vót cứ như sinh khí lừng lững giữa trời là nguồn sống thiêng liêng của nhiều đời cha ông để lại cần phải bảo lưu.
                           
                        *****

Theo chương trình hoạch định của Tuấn thì từ 21 đến 28 sẽ hoàn tất, nhưng do một số điểm chưa hoàn thành để đoàn đến tiếp nhận và khánh thành, nên có thể dư ra một ngày. Khi đoàn về đến Điện Biên, ngày hôm sau vào trường mầm non xã Tìa Đình, lớp mẫu giáo thôn Tào La, trời đổ mưa, đường trơn trượt, xe thắng sẽ không kiểm soát được, vì vậy Thông giảm thật chậm tốc độ để từ từ dừng lại. Thế là xe nằm lại giữa chừng thôn bảng, vào không được, ra không xong, các thầy cô phải đưa đoàn trú đêm tại nhà sàn của cư dân địa phương. Bên ngoài mưa rả rích, gió phành phạch vách phên, bên trong, đoàn quây quần một cách hạnh phúc và thú vị khi tận hưởng nếp sinh hoạt và có một giấc ngủ theo phong cách của đồng bào thiểu số. Thế là lại chậm thêm một ngày, thay vì dự tính sẽ về Sơn La ngay chiều hôm vào Tào La. Số đã định thì đành chịu vậy.

Đoàn ai cũng mệt phờ phạc nhưng chả ai than vãn, nét tươi cười hoan hỷ luôn xuất hiện từ người lớn tuổi nhất cho đến nhỏ tuổi nhất. Cũng may, đoàn hoàn tất khánh thành trường mầm non Tìa Đình. Đáng ra, Thông và Cún là hai anh em vất vả thường xuyên, ngoài lúc khuân vác quà cáp, giúp đoàn mọi việc, còn gặp cảnh nhiêu khê, bùn đất phủ đầy, suốt 7 ngày đường, hết 5 lần rửa xe từ tiền túi mà Thông không hề phiền hà. Gặp phải cảnh dở khóc dở cười tại thôn Tào La, Thông phải ngủ lại để giữ xe và đồ đạc, quà cáp. Đoàn thầm mong sáng mai trời ngưng mưa, họa hoằn xe mới ra được. Trời cứ sụt sùi thế này có khi đoàn phải lưu trú tiếp một ngày trong vùng hẻo lánh cô quạnh. Thông vui tính, phụ họa có cô Chung, tuy tuổi gần 70 mà cứ nhiệt tình như hồi còn trong bộ đội. Những lúc đường còn xa, cô Chung cứ đề nghị Thông hát, từ phía sau xe, bản sao giọng "Lệ Rơi" cất lên như đoàn đang lọt vào âm hưởng xa lạ, lạc điệu, không ra dân ca mà cũng chẳng phải tân cổ giao duyên. Cứ thế mà Cún vô tư cất giọng "ểnh ương, ngáo ộp" làm cả xe được một trận cười vỡ bụng. Cu cậu biết mình lỡ đà, thế là yêu cầu anh Thông hát, Thông lại chuyển qua cho người khác. Thế là trên xe ai cũng phải trở thành ca sĩ bất đắc dĩ, nhưng nào ai đáp ứng cái yêu cầu áp đặt đó, cô Chung giọng khàn khàn của người vừa mổ bướu cổ, lại tự biên tự diễn những bản nhạc đỏ nằm lòng từ trong quân ngũ. Thay đổi không khí, Việt Ly tiếp những bản nhạc xưa trước 1975 thời còn trai trẻ, rồi đến anh Duy, kể chuyện. Cu Bờm tuy không hát, cứ yêu cầu anh Thông, giọng cu Bờm ảnh hưởng âm điệu tiếng Mỹ, nói tiếng Việt không dấu cứ như người Thượng, chưa nói đến những từ mà Bờm chưa thông thạo. Ăn cơm, Bờm nhờ mẹ hay bố cho thêm chén cơm, Bờm lại nói: - Cho con vay thêm chén cơm...

Xe chưa đến Điện Biên mà cô Chung và Thông đã bảo sắp đến thôn "Tào Lao", xã "Tày Đình". Những âm từ của dân tộc thiểu số, đôi khi nghe trài trại tiếng Việt một cách dí dõm hài hước. Theo cô Chung, kế hoạch kỳ này Tuấn hoạch định sát nút nên đoàn không có thời giờ nghỉ ngơi, suốt ngày ngồi trên xe, trưa không ăn không nghỉ, chỉ có Thông là tay lái kiên cường suốt cả tuần không biết mệt.


MINH MẪN
30/7/2017 (CÒN TIẾP)











Vùng tệp đính kèm

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

* KÝ SỰ: NỞ HOA MIỀN TÂY BẮC (KỲ 6)


Chia tay bốn điểm trường trong mấy ngày qua, đoàn đi về Sapa nghỉ lại đêm. 19 giờ xe lăn bánh vào địa danh nổi tiếng một thời, bây giờ, thất vọng cho một khu núi rừng Tây Bắc không còn giữ được nét hoang sơ, thanh tịnh trầm lắng như 10 năm về trước. Khu Trung tâm, trước nhà thờ, sinh hoạt văn nghệ náo nhiệt, kẻ đi xem đông hơn người bán đồ thổ sản như vải vóc, thủ công mỹ nghệ, cây thuốc...

Thành phố chỉ đi bộ 30 phút là hết đường. Nhà cửa chen chúc không thua phố thị miền xuôi. Rác, vật liệu xây dựng, nước thải tràn trề khắp lối đi. Một khách sạn không đúng nghĩa với tên Đăng Khoa, vừa là khách sạn, vừa là nhà hàng ăn nhậu ồn ào như chợ trời nhộn nhịp; dĩ nhiên việc phục vụ khách trú đêm không được thoải mái vì vệ sinh và cách tiếp đãi kém. Vừa là chủ, vừa là tiếp viên, vừa quản lý nhà hàng tại chỗ. Ngoài nhân viên nhà hàng có 2 cháu gái, hai ông bà chủ, quán xuyến tất. Khi đoàn còn trên đường đến, điện thoại đăng ký phòng, chủ khách sạn bảo phải ứng tiền trước, trưởng đoàn phải nhờ người quen đứng ra bảo lãnh, đây là cách nhận khách một cách lạ đời của một khách sạn nơi xứ du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những khách sạn cao cấp như: Violet, Royal, Victoria,... được xây dựng khoảng 2004 và khách sạn mới Panoramahotel, Graceful đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khá tốt. Nơi đây, không khí trong lành, còn giữ được chút hương thơm rừng núi.

Mặt trời thức muộn nhường cho những án sương mù giăng ngang đỉnh lục, dệt cảnh thần tiên thoáng hiện thoáng ẩn. Điểm chung cho tất cả những phố chợ miền núi vào sáng tinh mơ, sinh hoạt chưa muốn xuất hiện sớm. Vài em bé mang đầy gùi đọt bông bí đỏ ra chợ, mỗi gùi bán được 15.000$, mua 5.000$ xôi ăn sáng, thế là các em còn 10.000$ đem về cho gia đình. Có lẽ các cháu đi vào núi từ 4 giờ sáng để có mặt lúc 6g ra chợ. Chúng an phận cuộc sống, chả cần biết đâu đó trên tinh cầu này, trên dãi đất chữ "S" này, bằng tuổi các cháu, có những trẻ con được nâng niu chiều chuộng, được ăn học và giải trí trong một xã hội sung túc. Và cũng trong một góc của tinh cầu này, không thiếu những trẻ gầy đói bất hạnh như em bé châu Phi. Những trẻ em bị buộc cầm súng giết người dưới tay quân IS. Có những trẻ mang căn bệnh nan y của thế kỷ, và không thiếu những trẻ bất hạnh bị bạc đãi giữa giòng sống loài người. Niềm vô tư hoan hỷ với gùi rau mỗi sáng, rồi suốt ngày cùng cha mẹ lên nương canh tác, cuộc sống các cháu cảm thấy như thế là đủ vui với tuổi hồn nhiên.

                        *****

"Vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, toà chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu."...

"Những ngày chợ phiên ở Sa Pa nhộn nhịp vào tối thứ bảy kéo dài đến chủ nhật hàng tuần. Chợ Sa Pa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới. Người ta còn gọi nó là "chợ tình Sa Pa" vì ở đây nam nữ thanh niên người sắc tộc H'Mông, Dao đỏ có thể nhờ âm thanh của khèn, sáo, đàn môi, kèn lá hay bằng lời hát để tìm hay gặp gỡ bạn tình."

"Đây là nơi sinh sống của 6 sắc dân cư ngụ: Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó. "Mỗi sắc tộc ở Sa Pa đều có những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng:

"Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200 m, cầu Mây là một di tích lịch sử của người sắc tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Phan Xi Păng, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong Thung lũng Mường Hoa. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Ở nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại hoa quý hiếm.

Rời khỏi Sapa độ 12km, Thác Bạc là một huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 4D, tuyến đường huyết mạch để đến tỉnh Lai Châu. Thác Bạc có độ cao hơn 200 mét - là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang mây thoáng. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc. Khu vực Thác Bạc là một trong những nơi tuyết rơi dày nhất tại Sa Pa.

Khu du lịch Thác Bạc có hai đường lên xuống tách biệt, đường lên ở phía bên phải, đến lưng chừng thác, du khách sẽ đi qua một chiếc cầu để sang phần bên trái. Ở khu vực gần cầu Thác Bạc trên tuyến quốc lộ 4A có một số hàng quán bán thức ăn và đồ lưu niệm. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi của du khách và các hàng quán đã khiến cho môi trường khu lịch Thác Bạc không còn được trong sạch.

Có một trung tâm giống cá hồi nằm dưới chân con dốc dẫn lên thác Bạc, nơi đây có tham vọng trở thành trạm nghiên cứu các đối tượng thủy sản nước lạnh lớn nhất cả nước. Cá hồi ở trung tâm được nuôi với nguồn nước dâng từ thác Bạc về có hơn 1.000 mét ống dẫn nước." 

Tấp bên lề đường, vài điểm bán nông sản, cơm lam, hột gà nướng, khoai lang lùi, rau rừng và nông sản địa phương, chợ chồm hỗm bày đồ la liệt dưới mặt đất. Có chỗ được cái sạp tre nứa sau khi lấy những khúc làm "cơm lam", còn lại tận dụng làm tấm nia để bày bán thổ sản. Ngày xưa, đồng bào thượng vào rừng, mang theo nếp, lấy ống "lồ ô" đổ gạo nếp vào, đốt cháy, bên trong chín cơm, họ chẻ ra chấm với muối. Ngày nay họ không làm như thế tại hàng chợ, họ nấu sẵn cơm nếp, nhét vào ống nứa, hơ trên lửa cho nóng để bán cho du khách. Dân miền ngoài mới phân biệt "cơm lam" nấu trực tiếp trong ống nứa hay cơm nếp nấu bên ngoài nhét vào ống nứa. Thông, tài xế đoàn giải thích - cơm nấu trực tiếp trong ống, khi chẻ ra nó có lớp lụa dính vào cơm, cơm nấu ngoài nhét vào thì không được như thế.

Đoàn ngồi xuống những chiếc ghế nhựa thấp tương xứng với mặt bàn. Phía ăn mặn ngồi sát cô chủ quán nướng trứng và cơm lam. Thông vừa ăn vừa tán dóc, nhóm chay lạt thì ngồi ngoài thưởng thức khoai lùi, cơm Lam với muối vừng. Việt Ly mang rong biển muối vừng ăn với cơm Lam, anh Duy khen ngon đáo để. Thật vậy, bên Mỹ làm gì có những món ăn thuần túy dân dã như thế. Mưa rả rích, đoàn ngồi co ro một góc quán, bên trong trưng bày đủ loại thực phẩm địa phương như nấm rừng, măng khô, vải vóc... Nước suối mát lạnh chứa trong thùng nhựa phía sau nhà, kế chiếc cầu bắt ngang đường cho nước suối chảy xuống vùng thấp, rửa tay rửa mặt làm tỉnh hẳn, chả bù những vùng cao thiếu nước mà đoàn đã đi qua. Tuy là đồng bào thiểu số, nhưng cô chủ quán không quá tuổi 30, tiếng Việt ăn nói rành rẽ lịch thiệp.

Bên kia đường, bầy trẻ cầm những xâu đồ thủ công mỹ nghệ nài nỉ du khách. Bánh trái trên xe đem xuống cho chúng chia nhau vui vẻ. Thông dặn, không ai mua gì của chúng, vì mua của một đứa là bao nhiêu đứa bâu vào không đi được. Trẻ con vùng thấp lanh hẳn trẻ vùng cao. Cô Chung trưởng đoàn bảo, trẻ con nơi đây chưa phải nghèo đói như nơi khác nên cho bánh trái như thế cũng đủ.

Hơn nửa giờ ăn sáng, đoàn lên xe rời Sapa về Điện Biên.


MINH MẪN
       27/7/2017       
(còn tiếp)













Vùng tệp đính kèm

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

* KÝ SỰ: NỞ HOA MIỀN TÂY BẮC (KỲ 5)




THỊ TRẤN CỐC PÀI
Cốc Pài là một thị trấn của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Xã có vị trí:

•        Bắc giáp xã Pà Vầy Sủ, xã Chí Cà.
•        Đông giáp xã Phèn Phàng, xã Tả Nhìu.
•        Nam giáp xã Bản Ngò, xã Nàn Ma.
•        Tây giáp xã Pa Vầy Sủ. (wikipedia)

"Cốc Pài nằm chon von trên đỉnh cao và xa nhất về phía Tây Bắc của tỉnh Hà Giang. Mới được thành lập từ năm 2009, thị trấn đơn sơ với một con phố chính dài chừng 3km nối từ đầu cầu Cốc Pài sang phía bên kia là con đường xuống thung lũng Nàn Ma. Có thể nói, đây là một trong những thị trấn nhỏ và cao nhất Việt Nam. Cốc Pài có sức thu hút kỳ lạ. Dân phượt có nhiều người nước ngoài đi xe hai bánh bon bon qua nhiều khúc eo cùi chỏ. Họ tỏ ra thích thú và an tâm cho dù những đoạn đường thật vắng. 

Đường lên Cốc Pài nếu đi từ tỉnh Hà Giang, qua thị trấn Yên Bình rồi rẽ vào con đường dốc đứng có hàng trăm khúc khuỷu cùi chỏ, với vách núi dựng đứng và một bên là vực sâu thăm thẳm, lởm chởm những khối đá tai mèo sắc nhọn. Chính những đoạn dốc hiểm trở như vậy, 62km từ ngã ba Yên Bình lên Cốc Pài trở thành nỗi ám ảnh với cánh lái xe mỗi khi “bò” qua đây. Còn với những người yêu vận động, xe máy là phương tiện khá dễ cho mọi cung đường, nhưng cũng cần khoảng thời gian chừng hơn 3 giờ mới tới nơi. Có thể nói đây là cung đường khó đi nhất của tỉnh Hà Giang và cả vùng Tây Bắc.

Cốc Pài nằm trên cao, càng leo lên cao khí trời càng ôn hòa, mát mẻ. Chắn ngay con đường độc đạo nối từ Bắc Hà – Lào Cai, Cốc Pài được mệnh danh là Sa Pa của Hà Giang bởi khí hậu mát dịu, quanh năm mây phủ. Con đường xuyên thị trấn nhỏ xíu dường như lúc nào cũng lẫn vào mây khiến cho thị trấn càng trở nên tĩnh lặng, hiền hòa. Những ngã rẽ nhỏ trên phố thị chỉ qua vài ba ngôi nhà xây là đã thấy bản làng lấp ló với nhà đất, tường vôi, ngói ống. Lẫn trong bạc màu sương núi là những ngôi nhà của người Mông, người Nùng, La Chí, Cao Lan, những thửa ruộng bậc thang như rẽ cánh quạt.

Thị trấn Cốc Pài cũng có những ngày nhộn nhịp mỗi tuần khi họp phiên vào Chủ Nhật. Chợ bán nông sản, gia súc, gia cầm và hàng tiêu dùng, thổ cẩm thủ công. Những vạt váy đầy màu sắc của người Mông Hoa, màu xanh trầm, màu chàm của người Dao, Nùng, màu đen của người Tày, Cao Lan, những dải vải hoa sặc sỡ của người La Chí... như những cánh bướm rực rỡ tô điểm cho thị trấn mỗi khi chợ vào phiên. Chợ Cốc Pài cũng như những phiên chợ khác ở vùng cao, người ta tới mua bán, trao đổi nhu cầu thiết yếu nhưng cũng là dịp để giao lưu, hò hẹn, hỏi thăm nhau. Chính bởi vậy ở khu vực bán hàng ăn luôn là nơi đông vui nhất. Người dân thường đến đây khi chợ đã quá nửa phiên.Sau những lời chào hỏi, những chén rượu đưa lời, những nụ cười vô tư sảng khoái của người vùng cao luôn tràn ngập không khí chợ phiên. Ở một góc khác, nơi đám thanh niên hẹn hò trò chuyện, gặp những ánh mắt long lanh, nụ cười mỉm khẽ che duyên chiếc răng vàng, đôi má ửng hồng ngượng ngùng mỗi khi gặp ánh mắt của người khách lạ."

Gia súc như trâu bò, dê, heo, chó, gà... chiếm một khoảng đất khá rộng so với chợ nông sản. Tuy Cốc Pài thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, nhưng Cốc Pài có sự hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách, so với các chợ phiên khác như chợ Sủng Là, chợ Ma Lé, chợ Sà Phìn thuộc huyện Xín Mần.

"Nơi Xín Mần, một thôn của Cốc Pài, người dân vẫn không có nước sinh hoạt, họ xuống khe suối, thực ra là mạch nước ngầm, hứng từng ca nước. Nhà ở xa vài km cũng phải mất cả ngày để lấy nước về nấu ăn. Họ tắm giặt phải xuống trận thị trấn. Người dân ở đây cho biết năm nào cũng vậy, nếu vào những tháng mùa mưa từ tháng 6 cho đến tháng 11 dương lịch thì nguồn còn đủ nước để dùng, còn lại khoảng 6 tháng thì thiếu nước trầm trọng. Để có nước phục vụ cuộc sống sinh hoạt, hàng ngày người dân Suôi Thầu phải dùng xe máy đi quãng đường 7 cây số để chở nước từ dưới trung tâm thị trấn Cốc Pài về nhà. Không chỉ vậy mà ngay cả đàn gia súc cũng phải lùa xuống sông, suối ở gần trung tâm huyện để chúng uống nước.Thiếu nước ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của thôn Suôi Thầu."

*****

21 giờ ngày 23/6 đoàn nghỉ lại Cốc Pài. Cả đoàn mệt lả, chỉ cần tắm giặt ngả lưng là đủ thoải mái. Thông, Cún, cô Hoa, cô Hằng phải tìm nơi lót bụng; cả ngày chỉ được ăn sáng, xong đi suốt. Trên xe bánh trái thừa mứa, tạm gọi là điểm tâm giờ "Ngọ". 15 giờ ngồi xe qua bao eo đèo, bao dốc núi, chuyện râm ran trên xe, chả ai thấy đói. Thỉnh thoảng có những gian hàng xiêu vẹo dọc đường, nào mít, mận, dứa... Cô Chung vội nhảy xuống như vớ phải của lạ, hai tay liên tu bóp, nặn, búng hết quả mít này đến quả mít nọ, chả cần biết chủ quán đang ở đâu, thế là lên xe tiếp tục. Một lúc chủ quán người sắc tộc ra đứng nhìn theo xe như ngớ ngẩn, chả hiểu gì!

Thông ghẹo cô Chung: - Tay cô rờ, bóp, nắn thế lại làm bẩn xe cháu mất. Thông tiếp tục ghẹo - Ai mà bán được cho cô Chung thì hôm ấy phải trúng số. Miệng thì hỏi giá, 2 tay túm miệng lon bốc vun đậu phụng (đậu lạc) đầy ắp trong hai bàn tay, gấp đôi lon đậu, thế mà vẫn tính tiền lon đâu. Ối giời...

Cô Chung bảo: - Mày bôi bác bà vừa thôi nhé - cả xe được trận cười dòn dả.

Thông là thanh niên từng bụi đời, sau khi ra khỏi quân ngũ, làm tài xế xe. Còn Cún là cậu em lập gia đình ở miền Tây, vợ bế con qua Mỹ, Cún ra Hà Nội với anh theo chuyến từ thiện. Thế mà hai anh em chưa bao giờ mở miệng tiếng chửi thề thường thấy ở lứa tuổi như thế. Vui đùa cũng lịch sự.Cô Hoa ngồi kế Thông, hai cô cháu khá tâm đắc khi trao đổi cũng như vui đùa suốt chặng đường dài.

Sáng hôm sau, theo thông lệ, 7 giờ đoàn khởi hành, nhưng thật ra ít khi đúng giờ, có khi tìm chỗ ăn sáng cũng mất nửa giờ. Từ thị trấn Cốc Pài vào thôn Thu Tà, Thu Tà cũng là một xã thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Thu Tà có diện tích 27, 36 km², dân số trên 2000 người, mật độ dân số đạt 71 người/km². 

Từ Hà Giang về huyện Xín Mần 150KM, đường biên giáp Trung Quốc 31,7KM. Đa số tộc Nùng, gọi là Nùng "U" Người kinh chiếm 2% dân số, trường mầm non Ngãi Trò có 58 cháu nhỏ. Hơn 1 tháng khởi công, trường mầm non Ngãi Trò xã Thu Tà hoàn thành, nhiệm thu và cắt băng vào ngày 24/6/2017. Độ cao nơi đây trung bình từ 300 đến 1000m so với mực nước biển.

Xã Ngãi Trò chỉ độ 2km cách thị trấn Xín Mần, khánh thành trường điểm, được xe xã chuyển tải độ 10km. Sau đó lại đổi phương tiện do đường quá xấu và vài nơi bị sạt lở. Xe thồ do các cô thầy giáo và cán bộ địa phương vận chuyển từng người. Đến đoạn sạt lở, đoàn lại tiếp tục băng qua suối cạn, đi thêm vài km đường đất sình trơn trợt. Điểm trường nằm chênh vênh trên ngọn núi, cách một nhà dân không xa; Đoàn cấp tốc lắp ráp cầu tuột, ghế quay, bày quà cáp để kịp thời xuống núi sang điểm khác. Trời còn thương, tuy ảm đạm nhưng chưa xả nước xuống ngay buổi cắt băng và phát quà.

Vội vả chuyển qua xã Cốc Rế, Cốc Rế là một xã thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang Đông giáp xã Ngán Chiên, xã Thu Tà. Xã Cốc Rế có diện tích 14, 30 km².

Điểm trường nơi đây do cô KIM BILIFF tài trợ, cô cũng là một trong những mạnh thường quân hào phóng, tài trợ cho các vùng miền cao phía Bắc. Nơi đây, trẻ con được nhận quà trội hẳn các điểm khác nhờ lòng hảo tâm của cô.

Những trường có các cô giáo đẹp thì bác tài nhà ta trang phục cứ như đại gia. Xe hai bánh chuyển vào điểm sâu thì bác tài chọn cô nào xinh và trẻ tình nguyện cầm tay lái. Trong bữa cơm trưa đãi đoàn, Thông luôn ngồi giữa hai cô giáo chuyện trò suốt, chả ăn được gì. Các cô cũng uống rượu ngô ra phết. Được cái bác tài không cho vào môi tí nào. Thông tuyên bố, đối với Thông chỉ cần "rượu ngon và gái đẹp", nói là thế chứ với tuổi như Thông cũng khá đứng đắn và lịch sự.

Đặc biệt địa phương nơi đây, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên và các cô thầy giáo cứ đến từng bàn chúc đoàn và chuyện trò như từng thân quen lâu ngày gặp lại. Đến bàn chay thì họ chịu phép, không nâng ly, không nhậu nhẹt, cũng giảm phần hứng khởi trong câu chuyện "thuần chay" nhạt nhẽo.

Món đặc biệt thổ sản là lạc rang (đậu phụng rang), hạt đậu chắc, to và ngọt tự nhiên. Xuống vùng thấp thì có đậu phụ cũng ngon và thuần đậu tương, không pha trộn như trong Nam. Mỗi vùng có một đặc sản. Ngoài nông sản, hoa quả, vùng cao, nơi các thị trấn, tiệm ăn còn quảng cáo loại "thắng cố". Người miền Nam lần đầu ra chả ai hiểu thắng cố là gì, họ giải thích dạng như là lẩu, nhưng hầm rục thịt ngựa, thịt trâu, bốc mùi tanh khó chịu. Về Điện Biên, ngang qua một quán ăn toàn nghe mùi chúng sanh bị "thắng cố" như thế.

Thế là đoàn đã hoàn thành hai điểm mầm non ở Pó Ngần và Bắc Cạm, trước đó là Pạc Tiến và Ngãi Trò.

Những đoạn đường rơi vải quà cáp là những cung đường vắng vẻ, trẻ con chăn trâu, làm nương hoặc nhặt nhạnh khoáng sản từ các hầm mỏ. Trên đầu các cháu từ 5 tuổi đã gắn ngọn đèn pin soi trên công trường hầm mỏ về đêm. Mặt mày lem luốc bởi áo mỏng không đủ che cái lạnh về khuya. Chân không dép, tay cầm chiếc bao và cây nhọn để bươi móc. Đó là cuộc sống của các cháu trên vùng cao có những hầm mỏ.


MINH MẪN
25/7/2017
 (còn tiếp)













Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

* KÝ SỰ: NỞ HOA MIỀN TÂY BẮC (KỲ 4)


3 giờ chiều đoàn về nghỉ chân tại Thị trấn Đồng Văn - Hà Giang. Không như những ngày qua, về đến khách sạn đã hơn 9 giờ tối, việc ăn uống, tắm rửa vội vả để ngả lưng lấy sức cho hôm sau tiếp tục. Hôm nay, đoàn được thoải mái hơn.

Cô Chung luôn nhanh nhẹn sốt sắng, tác phong của người từng được quân đội rèn luyện. Sau khi nhận phòng, cô là người xuống sớm nhất để tìm tiệm ăn, mượn chỗ nấu chay, nhanh và gọn. Chả chờ lâu, món rau rừng luộc, rau muống xào tỏi, nước rau luộc, cà pháo dầm muối, đậu phụ chiên hoặc luộc cho bữa ăn tối... đã dọn lên bàn kịp lúc gia đình BS Minh Duy có mặt. Hình như mấy ngày qua, hôm nay có bữa cơm ngon và đầy đủ nhất. Bên kia bàn là Thông, Cún, cô Hoa và cô Hằng thoải mái chọn thực phẩm địa phương. Thông ăn rất ít, có những ngày nhịn từ sáng đến chiều mà tay lái vẫn nhuyễn, cà phê luôn đồng hành với bác "tài" trẻ có tánh hài hước. Ngồi ngang với Thông là cô Chung và cô Hoa, nhờ thế mà cuộc "tếu" luôn góp phần sinh động suốt núi đồi không mệt mỏi.

Qua một đêm mưa rả rích, một loại mưa núi có một cảm giác lạ lùng; tuy trong phòng khách sạn mà vẻ u ẩn cứ lẩn khuất đâu đây, tạo cảm giác bồng bềnh xa cách với thế giới hiện thực. Hà Giang vẫn còn mang vóc dáng trầm lặng, uy nghi của những dãy núi đá mõm nhọn. Trong sương mờ, phố phường âm thầm lặng lẽ mà ai đó không đủ can đảm làm tan vỡ không gian u tịch. Những gánh hàng rong, chiếc xe ba bánh đẩy hàng ra chợ sớm, xe máy nổ dè chừng, khiêm tốn băng qua thị trấn một cách ngại ngùng. Nước từ núi cao, hòa lẫn nước cư dân thải ra, róc rách lách qua từng khối đá, chui qua gầm cầu mang vẻ giận dữ trước khi xuôi về vùng thấp. Những loại khách như đoàn từ thiện cần dậy sớm, có lẽ khách du lịch vẫn còn đắm chìm trong giấc mộng được phủ bởi chăn êm nệm ấm, trong khi dân lao động địa phương phủ người bằng tấm ni lông hoặc áo đi mưa mỏng lủi thủi cất bước.

    *****

8 giờ sáng, đoàn đến cột cờ Lũng Cú. Lũng Cú là một xã trong huyện Đồng Văn, nơi mà huyền thoại về cuộc dừng chân của đoàn quân vua Quang Trung trước khi Bắc tiến, và sau khi đuổi quân xâm lược. Hoàng đế Quang Trung chọn Lũng Cú là điểm phân chia ranh giới. Một trong bốn điểm cực Bắc của đất nước, nơi đây, vua Quang Trung cho đặt một trống đồng dùng báo lệnh nơi vùng tiền tiêu lúc bấy giờ, nhờ thế mà người dân nơi đây đã thành thạo sử dụng trống đồng Đông Sơn. Từ Đồng Văn đến Lũng Cú 40km, cách tỉnh Hà Giang 200km; trên độ cao 1800m so với mực nước biển; đứng từ cột cờ nhìn thấy biên giới Trung quốc cách một đỉnh núi không xa theo đường chim bay; tuy màu xanh bạt ngàn, nhưng thực ra toàn đá với đá, được mệnh danh cao nguyên đá Đồng văn; đá chiếm 3/4 diện tích. Cột cờ nằm trên đỉnh núi rồng (Long sơn). Nét phù điêu "trống đồng" Đông Sơn; đỉnh cột cờ màu đỏ hình sao năm cánh phản chiếu xuống mặt hồ Lô Lô xanh ngọc.

Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3,460 ha với chín thôn, bản, đó là: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16km. thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế, dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang.(wikipedia).

Đoạn đường xe lên cột cờ, đang nhóm chợ nên đoàn phải vòng qua khuôn viên trường. Từ đó, xe ôm đưa lên và về 30.000 mỗi đầu người; nhờ khách du lịch, đã tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Băng qua khu đất không rộng lắm, đường lên cột cờ bằng nhũng bận thang cấp có tay vịn bằng inox. Trên cao nhìn xuống, núi rừng trùng trùng điệp điệp, hồ nước quanh năm soi bóng mây trời và cột cờ, xa tít là những hình cong cớn uốn lượn theo sườn núi uyển chuyển của ruộng bậc thang. Gió phần phật lá cờ như xác định sự hiện diện mảnh đất thiên của tổ quốc thi gan cùng tuế nguyệt.

Dưới chân núi cách cột cờ chưa tới trăm mét, công trường đục đá ngổn ngang những tảng đá để chà láng cung ứng công nghệ sản xuất đá phong thủy. Đây là việc làm vô tình hay cố ý đe dọa đến sự tồn vong của cột cờ lịch sử biểu hiện cho linh hồn một dân tộc anh dũng đối diện với tham vọng từ phương Bắc? Chính quyền địa phương có thấy sự đe dọa trong tương lai không xa lắm, chỉ cần mươi trận mưa cuồng phong thì cột cờ sẽ đổ ngã. Nếu ai đó có dã tâm triệt hạ cột cờ, chỉ cần bỏ tiền thuê người xẻ núi lấy đá thọc sâu vào chân cột cờ, kẻ xâm lược không cần ra tay triệt hạ bằng vũ lực. Hiện tượng được báo động chưa muộn lắm, kêu gọi chính quyền địa phương cần ý thức ngăn chận. Dĩ nhiên không một công ty khai thác đá nào tự ý hành động mà không thông qua chính quyền địa phương. Du khách rất quan tâm khi hãnh diện biểu tượng tuyến đầu tổ quốc đang còn hiện diện.

      *****
21 giờ cùng ngày, đoàn đến huyện Xín Mần, thị trấn Cốc Pài, thuộc huyện Hoàng Su Phì; từ huyện này đến huyện kia trên dưới 300km đường núi, dốc quanh co hiểm trở. Hầu hết đèo dốc miền núi, đối diện vách đá là hố sâu thăm thẳm. Xe chạy vòng quanh chân núi lên dần đến đỉnh, rồi uốn lượn xuống sườn để chuyển qua đỉnh núi khác. Tay lái lụa cứ thao tác như vũ điệu "Ba Lê", điều khiển bốn bánh bám sát từng cung đường núi đá. Đồng Văn - Mèo Vạc - Xín Mần là ba điểm khó khăn, nguy hiểm nhất của tỉnh Hà Giang.

Xín Mần ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Bảo Yên của tỉnh Lào Cai, phía Đông giáp Hoàng Su Phì, phía Nam giáp Bắc Quang của Hà Giang. Xín Mần hiện là nơi sinh sống của các dân tộc như Nùng, H’Mông, Tày, Dao, Kinh, La Chí, Phù Lá, Hoa, Cao Lan. (wikipedia)


MINH MẪN
   22/7/2017   
(Còn tiếp