Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

KHÔNG THỂ ĐỂ CÁC THẦY CÚNG THAO TÚNG CỬA CHÙA

~ Thích Minh Hạnh

Trong Phật giáo không có thầy cúng, nhưng do trong quá trình du nhập vào một vùng mới, vì tính dung hoà và giản dị, Phật giáo đã chấp nhận những hình thức cúng bái ngẫu tượng và phong tục thờ cúng địa phương, vì thế những loại hình cúng bái do nhu cầu xã hội bắt đầu bén rễ.

Thầy cúng mượn nhiều hình thức để thu hút sự chú ý và mở rộng dịch vụ tín ngưỡng thờ cúng và phương thức sinh nhai của mình một cách hiệu quả hơn, nên đã bỏ quên và bất chấp sự suy thoái đạo đức và tinh thần xuất gia giải thoát của một tu sĩ. Trong đó có nhiều hạng thầy cúng mang hình thức một tín ngưỡng địa phưong, hay của một tôn giáo khác, trong đó điển hình là của Phật giáo và Đạo giáo.

Trong nhiều thời kì đen tối của Phật giáo thì cũng do thầy cúng gây ra, khi họ đã đưa hình thức cúng vái vào công việc tâm linh để vận hành thế giới của họ thì sự đảo lộn xã hội là một điều chắc chắn, đạo đức cũng từ đó suy đồi, vì bản thân của sự cúng vái không giải quyết một sự thật nào cả, mặt dù có khi được xem là một hình thức nghi lễ tôn giáo hay an ủi người sống, tất cả điều bị lầm lẫn, lầm lẫn ở đây là vô tình đẩy xã hội rơi vào tay của tà giáo. Mà như chúng ta biết, ngày xưa khi xã hộị và trật tự xã hội bị rơi vào tà giáo thì kết quả xã hội ấy đầy thảm hại, mà con người trong xã hội ấy muốn vựt dậy cũng khó.

Hiện nay, thầy cúng hầu hết họ đều tập trung ở đô thị mà chẳng thèm đến vùng nông thôn nghèo khó, vì ở đó không có ai mời cúng. Đồng thời khi xã hội được bày biện bởi sự cúng cấp thì cũng sinh ra nhu cầu của nó, vì thế xã hội cũng chỉ cần thầy cúng là đủ. Vì vậy vai trò của chánh giáo dễ bị đánh tráo, hiểu nhầm và dễ bị kẻ lợi dụng gây tai hại cho xã hội và cho Phật giáo. Hãy nhìn vào Phật giáo Hàn quốc là một ví dụ điển hình, Phật giáo chính thống không đủ sức mạnh để đẩy lùi lực lượng thầy cúng ở đây, đã có gia đình và mọc rễ trong cảnh chùa chiền.

Hơn thế nữa, hầu hết những chức sắc tôn giáo đều do họ nắm giữ, bởi những lí do rất đơn giản mà xã hội đã tạo nên, đó là giàu có về tiền bạc, sở hữu về vật chất, truyền bá mê tín và những trang phục đắt tiền. Ngoài ra cũng hơn 90% chùa chiền đều do họ nắm giữ cương vị trú trì, để dễ dàng hoạt động phục vụ tín ngưỡng cúng vái.

Ở trong chùa, một tu sĩ mới nhập môn cần phải trải qua các thời kì đi cúng, đến nỗi không cần học cũng biết nghề, vì sự lập đi lập lại quá nhiều, đến nỗi không còn thời gian để tu học và thực hành. Rồi từ đó họ nghĩ rằng đi cúng cũng là một cách hành trì. Thật nguy hại hết sức.

Thế rồi Giáo hội khi cần đến cơ sở hạ tầng để phục vụ cho giáo dục thì hỡi ôi không còn cơ sở nữa, mà muốn có cơ sở mới thì không đơn giản tí nào. Một cơ sở Giáo hội do bởi một lí do khách quan tạo thành một ngôi chùa, thì từ đó không còn cơ hội để trở lại mục đích ban đầu mà trở thành một trung tâm phục vụ việc cúng vái, chánh điện làm nơi thờ các loại hình tín ngưỡng dân gian, nhà linh nhà cốt ngênh ngang, suốt ngày pháp hội, chẳng thấy một từ giáo lí, mặt dù đọc trong bài cúng thì ngôn từ bằng chữ tàu dù có ngụ ý Phật pháp cũng chỉ là bài ca bài thán sơ sài.

Lại nữa, khi xã hội được vận hành bởi mục đích vật chất thì sức mạnh của nó là tiền bạc, những thứ này vốn tự con người tạo ra chứ không có tội gì cả, là phương tiện trao đổi, thể hiện tính văn minh của con người, thế nhưng nếu không biết cách sử dụng vật chất và tiền bạc, con người sẽ trở thành kẻ nô lệ. Trong bất cứ môi trường nào, kể cả trong tôn giáo, khi thầy cúng đã nắm toàn bộ cơ sở vật chất, có sức mạnh về tiền bạc, có chức có quyền thì dĩ nhiên sự điều hành của họ cũng theo thiên hướng cúng tế.

Một thực tế cho thấy, hầu hết các lễ hội trong Phật giáo đều một hình thức như nhau, thí dụ, một hội thảo khoa học cho Phật giáo hình thức chẳng khác mấy một đám tang của tu sĩ, hoặc một buổi lễ hội tín ngưỡng cũng chẳng khác mấy một lễ chẫn tế. Nội dung không có gì nêu bật ý nghĩa của tổ chức, ngược lại vai trò của “thầy cúng lên ngôi”. Vì trong chương trình của những buổi lễ này toàn là nghi với lễ, đón với rước, lọng che kèn trống om xòm. Mở đầu cho một buổi lễ như vậy bằng một lễ “hưng tác thượng đại tràng phan”, thì thật còn gì là một buổi hội thảo khoa học. Kết thúc chương trình là “đăng đàn chẩn tế”. Thử hỏi có ai đặt vấn đề này với Giáo hội với các chức sắc mà đã được gọi là “tôn sư”, nhưng thực tế họ là những “pháp sư” cúng dạo.

Một sự thật cay đắng là khi đi tham dự lễ thì cho dù là vị đó ở địa vị nào cũng phải đến tham dự, hoặc bằng phương tiện tự túc, hoặc tập trung để cùng đi bằng phương tiện số đông, thế nhưng thầy cúng thì Giáo hội phải đón rước bằng xe hơi, đến từng chùa, lo tiếp đón long trọng. Chờ cho những bậc thầy cúng này xong phần tiếp đón, vớ tất giày hia, mũ mão đường bệ, y áo gấm lụa, thừ thừ theo kèn trống rinh rang “quang lâm” thì cũng đã quá trưa, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, vừa không có lợi gì cho việc tu tập giải thoát.

Trong thực tế, khi phát tâm xuất gia người tu sĩ Phật giáo mong muốn có được một cơ hội học hỏi và tu học cho mục đích giải thoát, thế nhưng do nhu cầu xã hội và hình thức cúng vái đã biến chuyển phẩm chất của họ, rồi họ bỏ học sang đi cúng, thấy lợi trước mắt chứ không thấy được giá trị của con đường giải thoát mà Đức Phật đã dạy. Có lúc không cần tu học mà bước vào con đường đi cúng lấy tiền, có lúc bỏ học để đi cúng, hoặc chuyển hẳn sang nghề đi cúng, nhưng họ không hề hay biết, hoặc không may mắn vào xuất gia với thầy cúng hoặc trong chùa chuyên đi cúng, vì vậy mục đích của họ dần dần bị biến tướng và quên hẳn lí tưởng giải thoát. Nhưng tệ hại nhất là hình thành một ý thức hệ đi cúng, có vai vế và có địa vị trong giáo hội tại địa phương. Đây là một trong những tai hại của Phật giáo, thậm chí làm cho vai trò tôn quí của sự giải thoát bị lu mờ, Phật giáo lâm vào cảnh thế tục hoá.

Sự lạm dụng hình thức cũng như các hoạt động của thầy cúng đã đi đến sự xáo trộn trật tự trong Phật giáo. Việc đi cúng được họ gọi là làm Phật sự hay Pháp sự, đi cúng được cho là phương pháp hành, rồi từ đó chê bai hiềm khích tu sĩ biết học, biết tu và biết cố gắng bằng những ngôn từ miệt thị như “tiến sĩ” không bằng “tiến linh”, “đi tu không bằng đi cúng”… Còn trao đổi và nói chuyện thì ngôn ngữ của họ khỏi phải bàn…

Về từ ngữ “thầy cúng”, Tự Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo lý nhà Phật”. Hiện nay thì số thầy cúng chiếm được chùa, cuộc sống hưởng thụ vật chất, trong lúc đó tu sĩ quan tâm đến đạo Pháp thì bị chèn ép, lại thiếu cơ sở để làm Phật sự. Thời gian dành cho việc tụng đọc kinh điển Phât giáo của những thầy cúng rất ít, họ toàn lợi dụng kinh điển của Đức Phật là “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ …, rất trễ, thời xưa ở Ấn Ðộ chẳng có, sau khi truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có, nhưng sau đó do ảnh hưởng Lão giáo mà phát triển và thịnh hành, rồi lan rộng sang Việt Nam.

Chúng ta cần nhận định rõ vấn đề này, bởi vì đây là một vai trò của Phật giáo, quyết không để mê tín tràn lan, vừa hại cho đạo mà cũng vừa ai cho đời. Một tu sĩ Phật giáo đã cạo bỏ râu tóc, mình mặc áo cà sa, là quyết định cuộc đời vì mục đích giải thoát và cứu độ chúng sinh, chứ không có hình thức mang hia đội mão, áo cà sa hoại sắc thô bố chứ không phải gấm tía hài son. Đừng ham danh lợi mà phải mượn nón này mũ nọ, hài son y tía, mà thu hút hoặc tô thêm uy nghi. Đức Phật dạy uy nghi có được là nhờ vào sự giữ gìn Giới luật, đức hạnh là nhờ vào sự trang nghiêm của hành vi đạo đức, chứ không có cái gì tô vẽ nên được.

Thiết nghĩ, Phật giáo vốn chẳng có những việc như thế, nhưng vì Đạo Phật là đạo từ bi, mà phương tiện để độ chúng sanh từ mê sang ngộ, mà Phật giáo từ buổi đầu đã chấp nhận những hình thức tín ngưỡng dân gian địa phương mà truyền bá chánh Pháp. Nhờ những hoạt động uyển chuyển như vậy mà Phật giáo dần dần dạy cho người dân biết được nhân quả, làm lành tránh dữ, ngõ hầu đem lại cuộc sống an lạc hạnh phúc cho người dân. Do đó, dù đạo Phật không chủ trương cúng bái, cầu xin, nhưng khi tới địa phương nào thì cũng tùy thuận chúng sinh mà làm lễ bái cho dân chúng, rồi sẽ nhân đó mà giảng giáo lý nhà Phật, rất minh bạch rõ ràng, rồi còn chỉ cho họ con đường đi đến giác ngộ giải thoát, và chứng đắt đồng với quả vị của Đức Phật.

Nhận thấy đây là một vấn đề cần phải được xem xét, đề nghị Giáo hội cần phải rõ ràng trong vấn đề tu sĩ và thầy cúng, chớ có lẫn lộn mà hại cho Phật giáo. Việc nghi lễ cũng là việc cần làm tuy nhiêm đừng để bị lạm dụng không những tai hại cho Phật giáo mà xã hội cũng bị ảnh hưởng lây. Cần phải đặt vai trò giáo dục Phật giáo và đào tạo Tăng tài, nâng cao vai trò ý thức việc đi cúng hoặc cấp phát chứng chỉ mới được đi cúng. Những cơ sở xưa là cơ sở của Giáo hội mà nay do các thầy cúng trú trì thì phải cần cử tu sĩ đến thay đổi hoặc làm các cơ sở phục vụ cho mục đích số đông. Việc làm cần thiết hơn nữa là cải cách nghi lễ, những yếu tố có thiên hướng đi xa với ý nghĩa thực tế thì bỏ, đưa các hình thức cầu nguyện đúng đắn.

Thích Minh Hạnh

(Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán – Huế)

CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT

 ~ Thích Nhật Từ

Quan điểm của đạo Phật sau khi con người hay loài động vật nằm xuống, đó không phải là dấu chấm hết, mà chỉ là một dấu chấm nối kết lại với những dấu chấm khác trên một con đường thẳng. Con đường đó mở ra dài hay rộng, sớm hay muộn tùy thuộc vào bản chất tâm lý, hành vi của chính con người hay loài động vật tạo ra. Trong thời đức Phật, nhiều cuộc đối thoại diễn ra được ghi nhận lại trong kinh Trường Bộ về quan niệm và bản chất của cái chết, hay nói cách khác đời sống sau cái chết là gì.
Quan điểm của các nhà duy vật cổ xưa Carvaka của Ấn Độ cho rằng sau khi con người chết, thân thể tâm vật lý bao gồm năm yếu tố: cấu trúc vật lý, dòng cảm xúc, ý niệm hóa, nhận thức phân biệt, và sự vận hành của tâm linh sẽ hoàn toàn trở về với cát bụi. Họ quan niệm rằng ý thức chỉ là một phần của vật chất. Học thuyết này đã được chủ nghĩa duy vật thời nay phát huy tối đa như một hệ thống tư tưởng chịu ảnh hưởng lớn đối với các nước xã hội chủ nghĩa.
Đức Phật đã đưa ra khá nhiều minh chứng để khẳng định quan niệm chết là hết, hoặc một sự vật, hiện tượng chấm dứt mà không có vòng dây tiếp tục là một quan niệm sai lầm. Học thuyết của Ngài được ghi chép rõ trong kinh, đặc biệt là kinh Kim Cang thể hiện duy nhất với bốn chữ “bất sanh, bất diệt”. Triết lý này cho rằng nếu mọi sự vật, hiện tượng không từ đó mà sanh ra, nghĩa là không có nguyên nhân khởi đầu thì tiến trình kéo dài của nó sẽ không có nguyên nhân kết thúc. Nó chuyển từ hình thái này sang hình thái khác tùy theo tính điều kiện, môi trường, hoàn cảnh và cộng nghiệp của con người, vũ trụ v.v…
Hãy thử quan sát khi ta cầm quả bóng trên tay và ném nó vào vách tường. Khi tiếp xúc với vách tường, nghĩa là quả bóng đã rời khỏi bàn tay. Trong tình huống này, có người cho rằng quả bóng đã kết thúc, không còn nằm trong bàn tay mình nữa. Dưới cái nhìn vật lý của không gian mặt phẳng, điều này có thể đúng, do vì không còn nhìn thấy quả bóng nữa nên ta cho rằng nó đã kết thúc; nhưng nếu nhìn ở chiều kích không gian đa chiều thì quả bóng đó di chuyển từ ngay điểm xuất phát của nó, tức là bàn tay của ta đến vách tường với một khoảng cách, và đến đây nó vẫn chưa hoàn toàn là hết. Chính sự va chạm của quả bóng vào trong vách tường đã tạo ra một lực có tác động dội ngược lại. Đây là sự phản hồi lần thứ hai, và đến đây nó vẫn chưa kết thúc. Khi dội ngược lại, quả bóng sẽ tiếp tục lăn trên mặt đất. Cái lăn sẽ va chạm vào chân tường và những đồ vật khác, hoặc nó sẽ đi theo tiến trình lăn tự nhiên cho đến khi nào lực đẩy không còn nữa, nó sẽ dừng lại. Cái dừng lại đến đây vẫn chưa hết, nó tiếp tục tạo ra hệ phản ứng trực tiếp hay gián tiếp đối với các sự vật xung quanh nếu bên dưới là mặt nước, hoặc tạo sự chấn động chung quanh kéo dài.
Bằng cách thức này, khi phân tích lực phản hồi của bất kỳ hoạt động, hay sự sống của một chủng loài đều diễn tiến theo cách bất tận như vậy, không thể truy đến tận đích điểm cuối cùng. Bởi vì lực phản hồi trong một cấu trúc rất phức hợp và đa dạng. Bằng nhãn quan vật lý thông thường để nhận định, đánh giá, ta cho rằng nó đã kết thúc; nhưng với nhãn quan của nhà khoa học vật lý thì tất cả mọi thứ vẫn còn tiếp tục tác động và diễn tiến dựa trên cấu trúc của nó. Do đó, chết không phải là hết.
Việc các nhà triết học quan niệm chết là hết hoặc theo quan niệm của đức Phật có một đời sống sau khi chết, liên hệ đến tính đạo đức của vấn đề. Rất nhiều nhà duy vật cổ xưa Ấn Độ không chấp nhận quan niệm có đời sau, mặc dù bản thân đời sống hiện tại của họ rất đạo đức, nhưng điều mà đức Phật nhìn thấy và muốn lưu ý ở đây chính quan niệm sai lầm này sẽ mở cửa, tạo điều kiện dẫn khởi, xúc tác cho những hành vi con người đi vào quỹ đạo gây bất lợi cho bản thân và tha nhân. Bởi kết cuộc của sự sống và cái chết đều giống nhau, như vậy chẳng ai muốn làm lành lánh dữ hay nỗ lực dấn thân phục vụ xã hội để làm gì.
Với niềm tin có một kiếp sau sẽ làm con người nghĩ đến tính trách nhiệm về đạo đức nhân quả trong mỗi hành động, lời nói, và việc làm dù kiếp sau có thể chẳng có gì. Quan niệm như thế vẫn tốt hơn cho cộng đồng và xã hội trong đời sống hiện tại có mặt trên cuộc đời, huống hồ chi về mặt qui luật vật lý không có vật gì là mất hẳn.
Khái niệm bất sanh bất diệt là khái niệm triết học vẽ ra tiến trình chạy trôi chảy của các chúng sinh, với mỗi điểm là một phần của sự sống. Sống và chết chập trùng trong những điểm lên và xuống của tiến trình. Nói cách khác, ta chết đi trong từng giây, từng phút, từng ngày và từng giờ để tái tạo lại sự sống trong từng giây, từng phút, từng ngày và từng giờ về phương diện sinh học, vật lý. Đây là quan niệm của đạo Phật, và nó hoàn toàn phù hợp với quan niệm sinh học và vật lý học hiện đại.
Cái chết về mặt vật lý hoặc còn gọi là chết lâm sàng được xác định bằng sự ngưng hoạt động của não, kết thúc nhịp đập của tim, các giác quan hoàn toàn lặng tắt, đây chỉ là một phần đánh giá về bản chất của cái chết mà đôi lúc nó không chuẩn xác hoàn toàn từ cái nhìn của đạo Phật.
NGUỒN ĐIỆN CỦA BÓNG ĐÈN
Thỉnh thoảng, ta vẫn được nghe kể lại những câu chuyện khó tin nhưng có thật từ những người mà cuộc sống của họ gắn liền với nghề giữ xác trong bệnh viện. Chẳng hạn như một bệnh nhân đã tắt thở hoàn toàn, tim mạch ngưng hoạt động, thân thể đã lạnh cứng; do vì không có thân nhân đến lãnh xác nên thi thể của họ được đưa vào trong nhà lạnh, tạo cơ hội cho các sinh viên thí nghiệm, thực tập mổ xẻ trong ngành y. Thế nhưng đôi lúc có những trường hợp các thi thể ấy đã sống lại sau ba, bốn, hoặc năm ngày trong nhà xác. Trước hiện tượng này đã làm cho các nhà khoa học hoang mang vô cùng. Lý giải thế nào về cái chết lâm sàng đứng từ góc độ và tầm nhìn của y học hiện đại, khi máu ngưng hoạt động và tim đã ngừng thở trong vài ngày?
Theo quan niệm của đạo Phật, sự sống của người chết và các loài chúng sinh có liên hệ đến một yếu tính quan trọng, đó chính là sự hiện hữu tương thức của dòng chảy tâm thức bên trong, hỗ trợ mật thiết cho sự vận hành theo qui luật nhân quả cùng với dòng cảm xúc. Yếu tố quan trọng để nối kết, xác định, kéo dài và tái tạo sự sống được sánh ví như nguồn điện của chiếc bóng đèn, bóng đèn được ví như thân xác của con người. Để cho chiếc bóng đèn phát quang cần có nhiều điều kiện như tăng-phô, con chuột, bóng đèn, đường dây điện, nguồn điện v.v… chỉ cần một trong những điều kiện này bị trục trặc có thể dẫn đến việc ngưng phát quang của bóng đèn. Trong tình thế đó, không nên đẳng thức hóa và kết luận rằng dòng điện đã ngưng hoạt động, mà trên thực tế nó vẫn tiếp tục hiện hữu. Bóng đèn không cháy có thể vì tăng phô bị hư, con chuột bị đứt hoặc do bóng bị đen ở hai đầu, tức là điện quang bên trong không đủ làm cho chiếc đèn có thể bật sáng. Giống như tình trạng chết lâm sàng khi tim, não và máu đã ngưng mà dòng cảm xúc hay ý thức vẫn tồn tại và tái sinh gắn liền với những nỗ lực, do vì thái độ nuối tiếc, không muốn chấp nhận cái chết đó. Trong một vài tình huống như thế sẽ dẫn đến việc kéo dài cái chết và cuối cùng tái tạo lại sự sống.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao có nhiều người cũng muốn níu kéo, không muốn chấp nhận cái chết mặc dù cái chết đang diễn ra, nhưng sự sống lại không tiếp tục có mặt với họ lần thứ hai?
Tâm lý học và nghiệp báo của đạo Phật lý giải rằng, không phải con người ước muốn điều gì cũng có thể đạt được, bởi vì nó liên hệ đến tính điều kiện để cho ước muốn đó trở thành hiện thực. Nói cách khác, chúng sanh đó vừa qua đời và được tái tạo mạng sống lần thứ hai là bởi trong quá khứ họ đã gieo trồng rất nhiều hạt giống của sự sống, bảo vệ sự sống và quyền sống của con người và các loài động vật. Chẳng hạn như các nhà môi trường làm hết mình với tất cả tấm lòng, ý thức, bảo hộ sự sống cho mọi người và mọi loài chúng sinh. Chính điều này đã tạo ra phước lực rất lớn, trong thời điểm ra đi đột ngột dẫn đến sự nuối tiếc, muốn níu kéo mạng sống. Nhờ sự níu kéo này đã tạo ra chất xúc tác mãnh liệt, dưới tác động của nó, thay vì để cho tiến trình tái sinh được diễn ra bình thường, quả của nghiệp thiện ích về đời sống sẽ trổ ở đời sau, nhưng bây giờ nó trổ quả ngay. Tương tự như một loại trái cây, nếu để tự nhiên phải mất đến vài ngày mới có thể chín, nhưng vì mưu sinh, người ta dùng khí đá hoặc một loại hóa chất để dú, thúc đẩy độ chín của nó diễn ra sớm hơn so với bản chất tự nhiên.
Trong tình huống níu kéo sự sống mà con người hay chủng loại nào đó không đủ chất xúc tác và điều kiện cần thiết của phước lực sẽ dẫn đến tình trạng tồn tại dưới hình thức hồn ma bóng vía, nghĩa là phủ định và không muốn thừa nhận cái chết của mình. Tiến trình đó kéo dài hay ngắn lệ thuộc vào dòng cảm xúc của hương linh có chịu buông bỏ hay níu kéo. Cái chết được tái sinh là chuyện hy hữu, nó là điểm để con người nhận định, đánh giá, phản hồi lại bản chất đời sống của mình. Cái sống hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực nghiệp báo và hành vi thiện ác của con người đã tạo. Đứng về góc độ tâm lý học thì sự níu kéo sau cái chết rất nguy hiểm, bởi vì trong chúng sanh có mấy người níu kéo được sự sống lần thứ hai, và toàn bộ những người không may mắn đó phải chấp nhận cái chết cho dù họ cố tình phủ định, điều này dẫn đến tình huống trở thành ngạ quỷ.
Thế Tôn đã khá tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ, nếu chỉ dùng ngôn từ hồn ma bóng vía thì chưa đủ, mà phải dùng thêm tính từ “ngạ”. Ngạ là đói khát, bởi vì khi ra đi hương linh không chấp nhận, cứ bám víu vào một cái gì đó và đẳng thức hóa nó là cơ thể vật lý của mình. Chẳng hạn như di ảnh, hài cốt, bàn thờ, mồ mả, nhà trưng bày hoặc viện bảo tàng v.v… Cái tôi đẳng thức hóa đó với cấu trúc vật lý của thân, dù là tổng hòa giữa cấu trúc vật lý và bộ phận quan trọng của tâm lý gồm bốn yếu tố: cảm xúc, ý niệm hóa, sự vận hành của tâm và nhận thức phân biệt.
Đẳng thức hóa thường kéo theo quan niệm sai lầm dẫn đến sự nuối tiếc. Do vì nuối tiếc, hương linh rất khổ đau khi nhìn thấy cảnh tượng con người sinh hoạt, hưởng thụ và cảm xúc, khiến hương linh như đang sống lại với đời sống mình từng trải qua trong quá khứ. Thế nhưng hương linh không thể nào thỏa mãn được những điều này, vì không còn cơ thể vật lý để ăn, không còn thân thể để mặc áo quần và trang sức. Càng bám víu, nuối tiếc nhiều chừng nào thì dòng cảm xúc tạo ra năng lực khổ đau lại càng nhiều chừng đó. Đối với loài ngạ quỷ chưa đi đầu thai, họ đói
 về cảm xúc, vật thực, đời sống cùng mọi phương diện hưởng thụ khác.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

CÓ PHẢI THAY ĐỔI TÂM SẼ THAY ĐỔI ĐƯỢC VẬN MỆNH?

TRONG NHÂN TƯỚNG HỌC, KHUÔN MẶT XINH ĐẸP CŨNG LÀ MỘT ĐIỀU PHÚC BÁO. CŨNG CÓ NHỮNG NGƯỜI KHI SINH RA CHƯA CÓ KHUÔN MẶT ĐẸP, NHƯNG CÀNG VỀ SAU CÀNG TOÁT LÊN VẺ XINH ĐẸP. VẬY ĐIỀU ĐÓ DO ĐÂU MÀ THÀNH?

Trong nhân tướng học, khuôn mặt xinh đẹp cũng là một điều phúc báo. Dù là phúc báo gì cũng đều có căn nguyên của nó, giống như tài phú tới từ bố thí, tôn quý tới từ khiêm cung, một khuôn mặt xinh đẹp từ dịu dàng lương thiện. Khi đến tuổi trung niên, tướng mạo đã đi vào ổn định, cũng đã thể hiện đầy đủ của tính cách của một người. Và kèm theo đó, muốn cải tạo tướng mệnh cũng cần có các “bí quyết” đặc biệt.

Những người phúc hậu sẽ sở hữu khuôn mặt có hiền lành, những người dịu dàng lương thiện có khuôn mặt xinh đẹp. Người thô bạo, vẻ mặt hung dữ; đa phần phụ nữ trung niên lão niên có tính cách không được tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt, cũng gọi là tướng bạc mệnh, khắc chồng. Thật ra, tướng mạo của mỗi người không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của một quá trình tu tâm và hành động lâu dài; cũng vì lý do đó, tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của mỗi người. Xem tướng cũng giống như một loại tích lũy kinh nghiệm, tướng tùy tâm sinh, từ mặt biết tâm, từ tâm biết mệnh.

Vậy nguồn gốc khuôn mặt tuổi thiếu niên ở đâu? Đặc trưng của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da màu tóc, nhưng khuôn mặt dáng người cùng với mức độ xinh đẹp, phúc hậu là dựa theo những đời trước mà sắp đặt thành.

Nửa đời trước của một người, là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau, chính là tự mình. Vậy mới nói, sau khi đến tuổi trung niên, ai cũng phải chịu trách nhiệm với những hành vi của chính mình.

LÒI PHẬT DẠY:
Lòng từ bi cũng là một khía cạnh quan trọng. Những người mang thiện tâm, thường từ trong ra ngoài phát ra ánh hào quang, càng khiến cho mọi người thuận mắt, càng ngày càng thích tiếp xúc. Mà người ích kỷ, giảo hoạt, so đo, tất khó nhìn, thậm chí xấu xí; cho dù may mắn sở hữu khuôn mặt đẹp đẽ, thì trên mặt cũng sẽ dần hiện ra một vài chỗ làm cho người khác không thích, người ta thường nói rằng khuôn mặt đó không có duyên, chỉ lần đầu gặp cảm thấy thuận mặt, tiếp xúc nhiều sẽ không thấy thuận nữa.

Xin hãy tin rằng, tướng mạo là có thể từng bước thay đổi đấy! Nhất là một khuôn mặt xinh đẹp sẽ từ trong ra ngoài sẽ toát ra một sức hấp dẫn, khiến cho người gặp bất tri bất giác sinh lòng mến mộ. Và người đó có xinh đẹp, phúc hậu hay không là chính là từ tâm mà nhìn.

Bởi thế, muốn sở hữu một dung mạo đẹp, trước hết, phải có một nội tâm đẹp!

1. Một người cam tâm tình nguyện chịu thiệt, lại nhận được càng nhiều. Người có thể chịu thiệt, nhân duyên nhất định sẽ tốt, nhân duyên tốt, cơ hội tự nhiên sẽ nhiều. Mỗi người khi còn sống, có thể nắm bắt một hai lần cơ hội là đủ!

2. Người thích chiếm phần hơn, cuối cùng chẳng chiếm được bao nhiêu, nhặt được một ngọn cỏ, mất đi một rừng cây. Người mà vừa đến lúc tính tiền liền kiếm cớ đi việc khác hoặc móc hoài không ra tiền, cơ bản đều là những người không có thành tựu gì.

3. Người có ánh mắt tiểu nhân, tâm địa nhỏ hẹp. Lúc bạn bè hội tụ, nói ra ba câu, đều không thoát khỏi chuyện cá nhân, người này chính là ốc sên chuyển thế, nội tâm hư không, ích kỷ. Trong nội tâm chỉ có chuyện nhà mình, những chuyện khác liền không liên quan đến anh ta.

4. Chỉ có tiếc duyên mới có thể tục duyên, tức là vun bồi duyên phận. Trên đường đời, nhiều người chúng ta gặp, thật ra đều có duyên mới gặp được nhau, hơn một nửa người thân chính là bạn tốt trong đời trước, còn bạn tốt thì hơn một nửa là người thân trong đời trước, mang đến phiền muộn cho bạn vì hơn một nửa là người bạn đã từng gây tổn thương. Vì vậy cần nhớ: Đối xử tử tế với người thân, quan tâm người bên cạnh, khoan dung những người làm bạn tổn thương, vì đây đều là nhân quả.

5. Nội tâm vô khuyết gọi là phú, có thể bao dung người khác gọi là quý. Luôn vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một loại năng lực.

6. Biện pháp giải quyết phiền muộn tốt nhất, chính là quên nó đi.

7. Tiếu khán phong vân đạm, toại đối vân khởi thì (cười nhìn gió mây nhạt, ngồi trông áng mây trôi).

Không giành là từ bi, không biện là trí tuệ, không nghe là thanh tịnh, không nhìn là tự tại, tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là buông.

8. Nội tâm không nổi loạn, không khổ vì tình, không sợ tương lai, không giữ quá khứ.

9. Hết kiếp này, bất kỳ thứ gì cũng sẽ không thể mang đi được, vì vậy hãy sống với hiện tại, cười với hiện tại, và hãy “ngộ” ngay bây giờ!

Sưu tầm

Cảm động chuyện khỉ nhận chó con bị bỏ rơi làm “con nuôi”

Câu chuyện về một chú khỉ chăm sóc một chú chó con bị bỏ rơi như con của mình đang khiến cộng đồng mạng tại Ấn Độ cảm động.

Nhiều người qua lại trên một con phố đông đúc ở thị trấn Rode (Ấn Độ) đều phải chú ý đến hình ảnh một chú khỉ luôn giữ chặt một chú chó con trên tay.
Ban đầu nhiều người nghĩ rằng chú khỉ này chỉ đang đùa giỡn với chú chó con, tuy nhiên sự thật hoàn toàn không phải như thế. Theo người dân địa phương, chú chó con đã bị bỏ rơi và lang thang trên đường phố trước khi được chú khỉ giữ lại nuôi và chăm sóc như con của mình.

Những hình ảnh được truyền thông địa phương ghi lại cho thấy chú khỉ đã bảo vệ chú chó con khỏi bị những con vật khác “bắt nạt”, chia sẻ bữa ăn của mình cho chó con.
Theo thông tin từ tờ báo địa phương The Logical Indian, thậm chí chú khỉ còn chờ cho “con nuôi” của mình ăn no rồi mới bắt đầu bữa ăn của mình.

Câu chuyện về “tình cha con” không cùng huyết thống giữa chú khỉ và chó con được lan truyền nhanh chóng trên Internet và “gây sốt” trong cộng đồng mạng tại Ấn Độ. Nhiều người sau khi biết được câu chuyện đã mang thức ăn đến cho cặp khỉ và chó này.

Những hình ảnh tình cảm “cha con” giữa khỉ và chó:

Cảm động chuyện khỉ nhận chó con bị bỏ rơi làm “con nuôi”

Chú khỉ luôn giữ chặt “con nuôi” của mình ở bất cứ đâu

Cảm động chuyện khỉ nhận chó con bị bỏ rơi làm “con nuôi”

Chú khỉ bảo vệ chó con khỏi bị bắt nạt bởi những con chó khác lớn hơn

Cảm động chuyện khỉ nhận chó con bị bỏ rơi làm “con nuôi”

Chú khỉ luôn chia sẻ thức ăn với “con” của mình và bao đảm chó con ăn no trước khi thưởng thức bữa ăn

Cảm động chuyện khỉ nhận chó con bị bỏ rơi làm “con nuôi”

Cảm động chuyện khỉ nhận chó con bị bỏ rơi làm “con nuôi”

Câu chuyện được lan truyền nhanh chóng trên Internet và rất nhiều người cảm động, thán phục tình cảm giữa hai con vật khác biệt nhau.

SỰ ĐỐI THOẠI CỦA TÔI VỚI NHỮNG NHÀ KHOA HỌC

~ DALAILAMA

Inline image 1

TẠI SAO 1 TU SĨ PHẬT GIÁO LẠI QUAN TÂM ĐẾN KHOA HỌC?
TRONG NHỮNG THẬP NIÊN gần đây, chúng ta đã chứng kiến những sự tiến bộ phi thường trong sự thấu hiểu của khoa học về não bộ và thân thể con người, và cùng với những sự phát triển mới về di truyền học, sự khảo sát về chức năng của sinh vật sống bây giờ đã đạt đến một trình độ rất vi tế về gien cá nhân. Những khả năng không tưởng đến trước đây cho việc vận dụng chính những mã của con người đã có kết quả từ việc này. Một hình thể mới toàn bộ về thực tại bây giờ đang hiện lên cho con người.

Ngày nay câu hỏi về sự tương tác giữa khoa học và con người không còn chỉ là một vấn đề có tính chất học thuật nữa nhưng phải có một ý nghĩa cấp bách cho tất cả những ai quan tâm đến vận mạng của loài người. Cho nên, dường như đối với tôi thì một cuộc đối thoại giữa khoa thần kinh học và xã hội có thể giúp để làm sâu sắc hơn sự thấu hiểu căn bản của chúng ta về điều gì có nghĩa là con người bằng việc xác định rõ đặc điểm những trách nhiệm đối với tự nhiên mà chúng ta chia sẻ với những chúng sanh khác. Tôi vui mừng để đề cập rằng, như một bộ phận của sự tương tác rộng rãi hơn này, một số nhà thần kinh học đang cho thấy ngày càng thích thú hơn trong việc tham gia vào những cuộc đàm luận sâu sắc hơn với những nguyên tắc quán chiếu của Đạo Phật.

Tôi đã bắt đầu tiếp cận đến khoa học với sự tò mò của một cậu bé không thể thỏa mãn vốn lớn lên ở Tây Tạng. Sau đó tôi dần dần nhận biết về tầm quan trọng to lớn của khoa học và kỹ thuật trong sự thấu hiểu thế giới đương thời. Không phải tôi chỉ cố gắng để hiểu những khái niệm khoa học, nhưng tôi cũng muốn khám phá quan hệ mật thiết rộng rãi hơn của những tiến bộ gần đây trong khoa học về lãnh vực tri thức con người và năng lực kỷ thuật. Những thế giới đặc thù của khoa học mà tôi đã khám phá trải qua bao năm là vật lý hạ nguyên tử, vũ trụ học, sinh học, và tâm lý học. Sự hiểu biết giới hạn mà tôi có được trong những môn này, tôi nhờ và hàm ơn Carl von Weizsacker[1] và David Bohm[2] đã rộng rãi chia sẻ với tôi. Tôi biết ơn họ một cách sâu sắc, và tôi xem họ như giáo sư của tôi về cơ học lượng tử. Về sinh học và thần kinh học, vị thầy của tôi là Robert Livingstone[3] và Francisco Varela[4], cả hai đều đã qua đời. Tôi cũng hàm ơn rất nhiều đến nhiều vị học giả ưu việt mà với các vị ấy tôi đã có đặc ân đàm luận dưới sự bảo trợ của một học viện khởi đầu những hội nghị "Tâm Thức và Đời Sống" tại nơi cư trú của tôi ở Dharamsala, Ấn Độ, năm 1987. Những cuộc đàm luận này tiếp tục theo thời gian, và chúng tôi đã kết thúc lần cuối cùng ở thủ đô Hoa Sinh Tân, Hoa Kỳ, vào tuần này.

Tôi hiểu rằng nhiều người trong quý vị tự hỏi, "Tại sao một tu sĩ Phật Giáo lại quá thích thú với khoa học? Có sự liên kết gì ở đấy giữa khoa học và Phật Giáo, một truyền thống triết học cổ xưa của Ấn Độ và tâm linh? Lợi ích gì có thể để cho một môn như thần kinh học có được bằng việc dấn thân trong một cuộc đàm luận với truyền thống quán chiếu của Phật Giáo?

Mặc dù truyền thống của chúng tôi và khoa học đương đại đã tiến hóa từ những nguồn gốc lịch sử, trí tuệ, và văn hóa khác nhau nhưng tôi tin tưởng rằng từ chiều sâu, chúng chia sẻ một quan điểm triết học và phương pháp học giống nhau. Ở trình độ triết học, Phật Giáo và khoa học hiện đại đều nghi ngờ về bất cứ khái niệm tuyệt đối nào, cho dù nó trình bày tự nó như một bản chất siêu việt, một nguyên tắc vĩnh cửu, bất biến, chẳng hạn như linh hồn, hay như một nền tảng cơ bản của thực tại. Phật Giáo và khoa học đưa ra tầm quan trọng của sự tiến hóa và sự hiện hữu của vũ trụ và đời sống, trong hình thức của những mối liên hệ hổ tương phức tạp xuất phát từ quy luật tự nhiên của nhân quả.

Như đối với phương pháp học của chúng, cả hai truyền thống đều nhấn mạnh vào vai trò của kinh nghiệm luận. Vì vậy, trong sự khảo sát của Phật Giáo, từ ba nguồn tri thức - kinh nghiệm, lý trí, và sự chứng nhận - bằng chứng thực nghiệm là đầu tiên, với lý trí thứ hai và sự chứng nhận là cuối cùng. Điều đó có nghĩa là, trong Phật Giáo vấn đề thực tại, tối thiểu ở trình độ nguyên tắc, bằng chứng thực nghiệm giữ vai trò thống soái đối với thẩm quyền của kinh điển, bất chấp một kinh điển có thể được tôn kính như thế nào. Thậm chí trong trường hợp tri thức bị giảm thiểu bởi lý trí hay suy luận, thì giá trị rốt cùngcủa nó phải được thừa nhận bằng kinh nghiệm thực tế.

Do bởi quan điểm phương pháp học này, tôi thường trình bày với những đồng nghiệp Phật Giáo của tôi rằng những khám phá được thẩm tra thực nghiệm qua thiên văn học hiện đại bắt buộc chúng  ta phải điều chỉnh, và trong một vài trường hợp, phải phủ nhận nhiều khía cạnh của vũ trụ học truyền thống được giải thích trong những luận điển tôn giáo cổ truyền.

Vì Phật Giáo phân tích về thực tại với động cơ chính là việc tìm kiếm cơ sở để vượt thắng khổ đau và hoàn thiện tình trạng con người, cho nên định hướng chính của truyền thống khảo sát là để thấu hiểu tâm thức con người và những cách biểu hiện khác nhau các chức năng của nó. Sự tiên đoán là bằng việc thu thập một sự thấu hiểu thậm thâm hơn về tinh thần, thì chúng ta sẽ tìm ra cách để chuyển hóa những tư tưởng, cảm xúc của chúng ta, và những xu hướng tiềm ẩn của chúng để vạch ra một cung cách sống lành mạnh hơn, thỏa mãn hơn.

Trong một phạm trù như vậy, truyền thống Phật Giáo đã cung cấp một sự phân loại đầy đủ những tình trạng tinh thần, cũng như những phương pháp quán chiếu hướng đến việc làm tinh tế hơn những phẩm chất nào đó của tâm thức. Một sự thay đổi xác thật đã được thiết lập giữa kiến thức và kinh nghiệm tích tập của Phật Giáo và khoa học hiện đại trên những vấn đề lớn hơn đối diện với tâm thức con người, từ việc nhận thức và những cảm xúc đến sự thấu hiểu về năng lực vốn có của não bộ cho việc chuyển hóa. Sự đối thoại này hóa ra là việc rất hấp dẫn và lợi ích sâu sắc. Về phần của tôi, tôi đã rút ra nhiều điều từ cuộc trò chuyện của tôi với những nhà thần kinh học và tâm lý học khi chúng tôi thảo luận về bản chất và vai trò của những cảm xúc tích cực và tiêu cực, của sự chú ý, tưởng tượng, và tính tạo hình của não bộ. Bằng chứng không thể chối cãi được được trang bị bởi thần kinh học và y học về vai trò thiết yếu của tình cảm được truyền đạt bởi sự xúc chạm thân thể giản dị trong việc quan tâm đến sự phát triển vật lý của não bộ một trẻ em mới sanh trong tuần lễ đầu tiên của đời sống xác nhận sự nối kết giữa từ bi và sự tìm kiếm của con người cho hạnh phúc.

NHÂN LOẠI ĐANG Ở 1 BƯỚC NGOẶT

TÔI TIN CHẮC RẰNG một sự hợp tác gần gũi giữa hai truyền thống, Phật Giáo và khoa học, có thể đóng góp một cách quan trọng cho việc phát triển một sự thấu hiểu về thế giới phức tạp nội tại của kinh nghiệm chủ quan mà chúng ta gọi là tâm thức. Những lợi ích của một sự hợp tác như vậy là đã được chứng tỏ rồi. Theo các báo cáo sơ khởi, những  hiệu quả của việc rèn luyện tâm thức, chẳng hạn như thực tập chính niệm đơn giản trên căn bản thông thường hay việc phát triển từ bi trong ý nghĩa của Phật Giáo, đã kích thích cho những thay đổi có thể thấy được trong những lãnh vực của não bộ liên hệ tới các thể trạng tích cực tinh thần. Những sự thay đổi này đã được lượng định, và những khám phá mới đây trong thần kinh học đã chứng minh sự nhu nhuyến của não bộ, trong dạng thức của cả những nối kết của thời kỳ tiếp hợp và sản sinh những thần kinh mới qua sự kích thích ngoại tại chẳng hạn như những rèn luyện thân thể tự nguyện hay một môi trường phong phú.

Truyền thống quán chiếu của Phật Giáo có thể giúp để mở rộng lãnh vực nghiên cứu này của khoa học bằng việc cung ứng những hình thức của việc rèn luyện tâm thức phối hợp với sự nhu nhuyến của não bộ. Nếu nó chứng tỏ, như truyền thống Phật Giáo đề cập, rằng sự thực hành tinh thần có thể ảnh hưởng đáng kể thời kỳ tiếp hợp và sự thay đổi các thần kinh trong não bộ, thì điều này có thể có những ý nghĩa quan trọng. Những kết quả của sự nghiên cứu như vậy sẽ không bị giới hạn với sự phát triển kiến thức của chúng ta về não bộ con người. Có lẻ một cách quan trọng hơn, chúng có thể cống hiến đến sự thấu hiểu của chúng ta về giáo dục và sức khỏe tinh thần. Tương tự thế, nếu, như truyền thống Phật Giáo thừa nhận, sự thực tập cẩn trọng về từ bi có thể mang đến một sự thay đổi rõ ràng trong quan điểm của một cá nhân, dẫn đến một sự thấu cảm lớn hơn cho người khác, điều này có thể có những hệ quả quan trọng cho xã hội một cách tổng quát.

Cuối cùng tôi tin rằng sự hợp tác giữa thần kinh học và truyền thống quán chiếu của Đạo Phật có thể tỏa ra một ánh sáng mới cho những cái chung giữa đạo đức học và thần kinh học, vốn quan trọng cho sự sống. Bất cứ điều gì chúng ta nghĩ về mối quan hệ giữa đạo đức học và khoa học, trong thực hành thật sự, khoa học liên hệ trước như một nguyên tắc kinh nghiệm, đạo đức, trung tính. Thành ra nó được nhìn nhận một cách chính yếu như một phương pháp khảo sát vốn cung ứng một kiến thức chi tiết của thế giới kinh nghiệm và những quy luật tiềm tàng của tự nhiên.

Từ một quan điểm thuần khoa học, việc tạo ra vũ khí nguyên tử đại diện cho một thành tựu đáng chú ý. Tuy nhiên, vì những vũ khí này có năng lực gây ra một sự khổ đau rộng lớn khủng khiếp bằng việc làm chết chóc và sự tàn phá vô số, cho nên chúng ta phải xem sự thành tựu này như một điều sai lầm của khoa học.

Chính sự lượng định đạo đức cho phép chúng ta quyết định điều gì là tích cực hay tiêu cực trong khoa học. Cho mới đến gần đây, dường như rằng đạo đức học và khoa học đã được phân chia một cách thành công, với sự thấu hiểu rằng năng lực con người cho việc suy nghĩ đạo đức tiến hóa cùng với tri thức. Tuy  nhiên, ngày nay, tôi tin rằng nhân loại đang ở tại một bước ngoặt. Những tiến bộ căn bản trong thần kinh  học, một cách đặc biệt trong di truyền học, vào cuối thế kỷ 20, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Chúng ta đã đạt đến một chỗ mà những thách thức đạo đức được đưa ra bởi những sự tiến bộ này là quá rộng lớn.

Rõ ràng, tư duy đạo đức của chúng ta đã không theo kịp sự phát triển tri thức và năng lực mà nó có như vậy. Nhưng sự phân nhánh của những khám phá mới này và sự áp dụng của chúng là rất hiệu quả mà chính nhận thức của chúng ta về bản chất con người và sự duy trì loài người chúng ta phải thử thách với sự chính xác của nó. Cho nên không còn có thể chấp nhận việc thừa nhận quan điểm rằng trách nhiệm của chúng ta như một xã hội một cách đơn giản là để hổ trợ tri thức khoa học và củng cố năng lực của kỷ thuật, chúng ta hãy để mở vấn đề những gì nên được thực hiện. Chúng ta phải tìm một cung cách để cho phép những sự cân nhắc nhân đạo và đạo đức quyết định phương hướng của tiến trình khoa học, một cách đặc biệt trong khoa học đời sống.

Bằng việc viện dẫn những nguyên tắc đạo đức, tôi không đang tán thành một sự hợp nhất giữa đạo đức tôn giáo và nghiên cứu khoa học. Đúng hơn là tôi đang liên hệ đến điều tôi gọi là "đạo đức thế tục," nó bao gồm những nguyên tắc đạo đức then chốt  chẳng hạn như từ ái, bi mẫn, bao dung, ân cần, và việc sử dụng có trách nhiệm khoa học và năng lượng. Những nguyên tắc này vượt lên trên ranh giới giữa tín ngưỡng và không tín ngưỡng, cũng như giữa những môn đồ của các tôn giáo khác  nhau. Thế giới mà chúng ta sống là một thế giới. Kinh tế, truyền thông, du lịch quốc tế, và những vấn nạn môi trường, tất cả, nhắc chúng ta nhớ một căn bản hàng ngày vấn đề liên hệ nhân duyên hổ tương như thế nào trong thế giới hiện đại. Những cộng đồng khoa học đóng một vai trò quan trọng trong thế giới liên hệ nhân duyên hổ tương này. Khoa học ngày nay có được một sự tôn trọng và tin tưởng của xã hội, lớn hơn nhiều so với những nguyên tắc triết lý và tôn giáo của tôi. Tôi kêu gọi những nhà học giả đem vào việc làm chuyên môn của họ những giá trị xuất phát từ những nguyên tắc đạo dức căn bản mà tất cả chúng ta chia sẻ như những con  người.

ĐẠO ĐỨC TRONG KHOA HỌC ĐỂ CỨU HỘ SỰ SỐNG
TÔI THẤY MỘT DẤU HIỆU đáng khích lệ trong tính thích hợp gia tăng giữa khoa học và tôn giáo. Suốt thế kỷ 19 và phần lớn thế kỷ 20, có một sự hổn độn sâu sắc do bởi xung đột  giữa hai quan điểm dường như mâu thuẩn này của thế giới. Vật lý học, sinh học và tâm lý học ngày nay đạt đến một những trình độ phức tạp đến nổi nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu bằng việc hỏi những câu hỏi sâu sắc về bản chất rốt ráo của vũ trụ và sự sống - những câu hỏi tương tự là cho sự quan tâm chính yếu về lãnh vực của những tôn giáo. Thế nên năng lực thật sự cho một viễn kiến thống nhất hơn thật sự hiện hữu. Một cách đặc biệt hơn, một khái niệm mới về tâm thức và vật chất dường như hiện lên. Một cách lịch sử, phương Đông quan tâm hơn về việc thấu hiểu tâm thức và phương Tây liên hệ hơn trong việc thấu hiểu vật chất. Bây giờ cả hai đã gặp nhau, những khái niệm về tâm linh và vật chất về sự sống có thể gặp gở để làm hài hòa nhau.

Chúng ta phải làm mới những chí nguyện của chúng ta với những giá trị nhân bản trong khoa học. Mặc dù mục tiêu chính của khoa học là để thành tựu những tri thức chưa bao giờ có về thực tại, thì mặt khác mục tiêu của nó là để cải thiện phẩm chất của đời sống. Không có động cơ vị tha, các  nhà khoa học không thể phân biệt giữa những kỷ thuật lợi ích và những thủ đoạn tai hại ngắn hạn. Sự tổn hại đối với môi trường chung quanh chúng ta là hậu quả rõ ràng nhất cho sự rối rắm này. Một động cơ thích hợp thậm chí cấp bách hơn khi nó là một câu hỏi của việc quản lý quang phổ ngoại hạng của công nghệ sinh học mới mà với nó bây giờ chúng ta có thể tác động đến những cấu trúc vi tế của sinh vật sống. Nếu chúng ta không đặt căn bản những thao tác này trên nền tảng đạo đức, thì chúng ta có hiểm họa làm ra những tổn hại không thể khắc phục với mạng lưới phức tạp của sự sống.

***

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ rằng Phật Giáo hiện nay của chúng ta nên lãnh một trách nhiệm đặc biệt, một thứ xuất phát từ giáo huấn của Đức Phật vốn đặt vị trí của việc thiền tập vào mối lệ thuộc hổ tương như không thể tách rời với sự thực hành về từ bi. Khái niệm lệ thuộc hổ tương, như nó được trình bày bởi Đức Phật 2,500 năm về trước và sau đó được luận giải bởi những hiền nhân của Ấn Độ và Tây Tạng cổ xưa, thích hợp với quan kiến của thế giới xuất phát từ sự tương đối phổ thông và sự phát triển tiếp theo đấy. Trong chủ đề này, Đức Đạt Lai Lạt Ma thường trích dẫn Abdul Kalam, người mà ngài gọi là "Shakharov của Ấn Độ." Vị cựu tổng thống Ấn Độ này, một chuyên gia về vật lý nguyên tử, đã nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng ông đã khám phá bản chất không chắc chắn của lượng tử trong tư duy của hiền nhân Ấn Độ, Long Thọ, như được biểu lộ trong những dòng kệ tán dương Đức Phật:

Tôi kính lễ Ngài, bậc siêu việt thế giới,
Thiện xảo trong trí tuệ của sự không có!
Vì lợi ích của thế giới
Ngài đã khổ đau trong một thời gian dài, với lòng đại bi
Ngài thừa nhận rằng bên cạnh với những tập hợp uẩn đơn giản
Không có chúng sanh nào tồn tại.
Tuy nhiên, Ô bậc Đại Hiền Nhân, Ngài liên tục duy trì
Hoàn toàn tận tụy vì lợi ích của chúng sanh.
Một vật hiện hữu là không sanh,
Cũng không là một vật không tồn tại, cũng không phải cả hai.
Nó được sanh không phải từ tự nó cũng không phải từ thứ khác,
Cũng không phải từ cả hai, vậy thì làm sao có sự sanh?
Trước tiên nhất, không hợp lý cho một kết quả hiện ra
Từ một nhân mà nó tự hủy diệt;
Nó cũng không được sanh từ một nhân không hủy diệt.
Cho nên Ngài chấp nhận sự sanh giống như một giấc mộng.
Sự hiện ra của những kết quả từ một nhân
Qua sự tàn phá hay không tàn phá,
Sự sanh này giống như sự biểu hiện của một vọng tưởng,
Và Ngài đã dạy rằng điều này là thật đối với mọi thứ.
Bất cứ điều gì được sanh ra trong sự lệ thuộc
Ngài xác nhận là trống rỗng
Rằng nó không tồn tại như một thực thể độc lập,
Đó là điều mà Ngài tuyên bố với tiếng rống của sư tử,
Ô bậc Đạo sư vô tỉ
Vì Ngài dạy về cam lồ tánh không
Nhằm để giúp chúng ta từ bỏ mọi khái niệm,
Ngài lên án một cách mạnh mẽ
Hành động bị dính mắc với tánh không này,
Vì mọi hiện tượng là trì trệ, lệ thuộc, và trống rỗng,
Tương tự như một ảo ảnh và được sanh từ những điều kiện
Ngài làm nó được biết rằng chúng không có thực tại.
Không thâm nhập vào thiền quán,
Như đấng Tôn Quý đã chứng minh,
Sự tỉnh giác có bao giờ hành động mà không có biểu tượng không?
Không có sự thâm nhập vào sự vắng mặt của những biểu tượng
Thì không có sự giải thoát, Ngài đã tuyên bố.
Thế nên Ngài trình bày sự vắng mặt của biểu tượng
Một cách hoàn toàn trong những kinh điển Đại Thừa.
Bằng việc tán thán Ngài, Ô bậc hiện thân từ bi tôn kính
Cảm ơn tất cả những công đức mà tôi đã đạt được,
Nguyện cho tất cả chúng sanh, không trừ một ai,
Giải thoát khỏi sự nô lệ với những biểu tượng.

THẢM HOẠ 11 THÁNG 9 2011 ĐÃ DẠY TÔI RẰNG
CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC TÁCH RỜI ĐẠO ĐỨC VỚI SỰ TIẾN BỘ
NHỮNG CẢM XÚC TÀN PHÁ như sân hận, sợ hãi, hay thù oán có thể có những  hệ quả tàn phá trên thế giới. Khi những sự kiện hiện tại cung ứng cho chúng ta một sự nhắc nhở bi thảm của sức mạnh tàn phá của những cảm xúc này, thì chúng ta nên hỏi chính mình rằng chúng ta có thể kiểm soát chúng như thế nào. Dĩ nhiên, chúng luôn luôn là một bộ phận của điều kiện con người. Nhân loại đã bám víu chúng hàng nghìn năm. Nhưng tôi tin rằng chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để chuyển hóa chúng, cảm ơn một cách đặc biệt sự hợp tác giữa tôn giáo và khoa học. Chính là với tư tưởng này trong đầu mà bắt đầu từ năm 1987 tôi đã trở thành liên hệ với một loạt những cuộc đối thoại được tổ chức bởi viện Tâm Thức và Đời Sống; tôi thấy rằng trong khi những khám phá khoa học cống hiến một sự thấu hiểu sâu sắc hơn trong những lãnh vực của tri thức như vũ trụ học, thì những sự giải thích của Phật Giáo có thể giúp những học giả thấy lãnh vực nghiên cứu của  họ trong một ánh sáng khác.

Sự đối thoại của chúng tôi không chỉ lợi ích cho khoa học mà cả tôn giáo. Mặc dù người Tây Tạng có những tri thức giá trị về thế giới nội tại, nhưng chúng tôi vẫn xa rời với sự tiến bộ vật chất do bởi thiếu tri thức khoa học. Giáo huấn nhà Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu thực tại; do thế, chúng ta nên thẩm tra vấn đề những nhà khoa học đương đại thấy thực tại như thế nào qua sự khám phá bằng những thực nghiệm của họ và chỉ số của họ.

Vào lúc đầu của những cuộc đối thoại này, không có nhiều Phật tử. Tôi là người duy nhất, làm việc với hai người thông dịch. Nhưng gần đây, chúng tôi đã bắt đầu giới thiệu những môn khoa học hiện đại trong các tu viện của chúng tôi, và trong những buổi đối thoại gần đây có khoảng hai mươi tu sĩ Tây Tạng trong tham dự.

Mục tiêu của những cuộc đàm luận này là hai phần. Một là của tính chất học thuật: việc phát triển tri thức. Trong tổng quát, khoa học tiêu biểu cho một khí cụ phi thường để thấu hiểu thế giới vật chất, và nó đã tạo ra những sự tiến bộ khổng lồ trong đời sống của chúng ta, mặc dù nhiều thứ vẫn còn đang được khám phá. Nhưng khoa học hiện đại dường như không tiến triển nhiều tương hợp với sự chú ý kinh nghiệm nội tại.Về mặt khác, Phật Giáo, một hệ thống tư tưởng Ấn Độ cổ xưa, biểu lộ một sự phân tích thậm thâm về vấn đề tâm thức thể hiện chức năng như thế nào. Qua hàng thế kỷ, rất nhiều những thiền giả đã sử dụng tất cả tri thức thuận tiện đối với họ và đã đưa đến những gì được gọi là "những cuộc thí nghiệm'' trong thế giới này và đã đạt đến những kết quả đáng chú ý và đôi khi là phi thường. Một cuộc thảo luận sâu hơn cùng với sự nghiên cứu được tiến hành với cả những nhà khoa học và học giả Phật Giáo có thể rất lợi ích trên trình độ học thuật trong việc hổ trợ cho tri thức của nhân loại.

Trên một trình độ khác, nếu nhân loại tồn tại, thì hạnh phúc và sự hòa bình nội tại  là thiết yếu. Bằng khác đi, sự sống của con cháu chúng ta và người khác có hiểm họa bất hạnh, thất vọng, và ngắn ngủi. Thảm họa 11 tháng Chín 2001, cho thấy rằng kỷ thuật hiện đại và sự thông minh của con người, được hướng dẫn bằng thù hận, có thể đưa đến những sự tàn phá khủng khiếp. Dĩ nhiên, sự tiến bộ vật chất đóng góp cho hạnh phúc đến một mức độ rộng rãi nào đó và cho sự thoải mái của đời sống. Nhưng như vậy không đủ. Để đạt đến một trình độ sâu xa hơn của hạnh phúc, thì chúng ta không thể lãng quên sự phát triển  nội tại của chúng ta. Tôi nghĩ rằng cảm nhận của chúng ta về những giá trị con người căn bản phải được theo đuổi nhịp nhàng cùng tốc độ như sự gia tăng hiện tại của những năng lực vật chất.

Đó là tại sao tôi đã động viên những học giả thẩm tra những thiền giả Tây Tạng tiến bộ nhằm để quyết định vấn đề sự thực tập tâm linh của họ có thể lợi ích hơn cho những người khác ở bên ngoài phạm vi tôn giáo như thế nào. Vì thật quan trọng để có một sự thấu hiểu tốt hơn về thế giới của tâm thức, về sự tỉnh giác, và về những cảm xúc.

Những cuộc thí nghiệm đã được tiến hành chứng tỏ rằng những thiền giả có thể đạt đến một thể trạng của hòa bình nội tại và duy trì nó, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Những kết quả chứng tỏ rằng họ hạnh phúc hơn, ít lệ thuộc với những cảm xúc tàn phá, và dễ tiếp thu những cảm giác của người khác hơn. Những phương pháp quán chiếu không chỉ hữu dụng mà cũng không đắc tiền! Quý vị không phải mua bất cứ thứ gì hay làm bất cứ điều gì trong một nhà máy. Quý vị không cần phải uống thuốc hay chích thuốc.

Câu hỏi là làm sao để chia sẻ những kết quả này với những người không phải Phật tử. Vì vấn đề là sự khám phá này không bị giới hạn cho Phật Giáo hay với bất cứ tôn giáo nào khác, nhưng là sự hiểu biết tốt hơn năng lực của tâm thức con người. Nhưng phương pháp tâm linh là sự tùy ý sử dụng của chúng ta, nhưng chúng ta phải làm sao cho chúng có thể tới được đại đa số những người không thích thú với tâm linh. Đây là cách duy nhất mà chúng sẽ có tác động hiệu quả lớn nhất.

Một sự khởi đầu như vậy là quan trọng vì chỉ riêng khoa học và kỷ thuật mà thôi thì không thể giải quyết tất cả những vấn nạn của chúng ta. Chúng ta phải phối hợp sự tiến bộ vật chất với sự phát triển nội tại của những giá trị nhân bản của từ ái, bi mẫn, bao dung, tha thứ, tiết độ, và kỷ luật tự giác.

***

Trong sự tiếp cận với thảm kịch 11 tháng Chín 2001, như một vấn nạn "tâm linh", Đức Đạt Lai Lạt Ma vạch ra việc vắng mặt của quy tắc đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Như kết quả của sự vắng mặt này, những hành động quan trọng được thai nghén bởi tâm thức con người chống lại con người, cho dù trong vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, trong những thí nghiệm di  truyền không kiểm soát được, hay trong sự suy thoái nhanh chóng môi trường vốn đe dọa những thế hệ tương lai. Như một tu sĩ Phật Giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng cũng trong câu hỏi này, tâm linh, sự thấu hiểu như một sự trở lại những giá trị nhân bản cần yếu, là chìa khóa cho sự sống còn của chúng ta.

Ẩn Tâm Lộ, Tuesday, January 26, 2016

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

TRĂNG XƯA...

~ Nguyễn Duy Nhiên


Vậy là đêm trung thu đã qua đi. Lại một lần trăng tròn rồi sẽ dần khuyết. Đêm Trung Thu. Treo một chiếc lồng đèn giấy lên cây hoa Ngọc Lan trước cửa nhà. Chiếc lồng đèn có lẽ được em gái mua ở một tiệm người Tàu. Bánh Trung Thu thì bày bán ở nhiều nơi (tiệm Việt và Tàu).
    Lạ một điều là đã thử nhiều ...hộp với nhiều nhãn hiệu khác nhau nhưng sao không thấy ngon như ăn bánh Trung Thu ngay trên quê nhà. Không thấy ngon dù đã cầu kỳ pha mấy ấm trà Long Tỉnh - Có lẽ vì là trăng viễn xứ chăng?
    Cũng đã thử rất nhiều bánh Trung Thu - từ Như Lan đến Hỷ Lâm Môn, Kinh Đô - để cố tìm lại hương vị miếng bánh đã ăn ngày thơ ấu. Hoài công. Chỉ thấy lên ký thôi.
    Mùa Trung Thu. Ấn tượng với những chiếc lồng đèn giấy. Những chiếc đèn đưa về ngày thơ ấu với tình cha êm đềm. Trung Thu năm ấy, ba quá yêu thích một chiếc đèn giấy với hình vẽ quá đẹp. Không chỉ là một chiếc đèn. Đó còn là một tác phẩm hội họa. Ba treo nó lên trước hiên nhà. Con gái đã nài nỉ, ỉ ôi, rồi thì mè nheo, làm mình làm mẩy để lấy cho được chiếc đèn  xuống rước đi vòng vòng quanh sân cư xá với lũ bạn.
    Cuối cùng thì ba cũng chiều ý sau khi đã dặn dò đủ thứ. Tuy nhiên, khi ba đang tắm thì ở ngoài này, nó đã làm cháy chiếc đèn. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Con bé đứng đờ ra như ngây dại khi ngọn nến đột ngột nghiêng qua và rồi thì vèo một cái ra tro. Hốt hoảng, con bé chạy ngay về nhà và cứ thế, đứng ngay trước cửa phòng tắm chờ ba. Ba đã không la tiếng nào nhưng nó không thể nào quên được ánh mắt của ba lúc ấy.
Bao nhiêu mùa trung thu đã qua đi. Trăng cứ tròn rồi lại khuyết. Kỷ niệm còn mãi. Semester mùa thu năm kỉa năm kìa, ở trường College, khi làm bài luận với đề tài Simple Present and Simple Past, đã viết về một mùa trung thu với ba. Bà giáo già vốn nổi tiếng "kẹo" khi cho điểm đã cho một điểm A duy nhất trong lớp.
...I had a sweet experience when I was a seven year old girl. …That night, my father led me to the Big Hall where I enjoyed the wonderful performance, received toys, fruits and moon-shaped cakes as gifts form the local officers. Especially, I also received a paper lantern.  ...In the sky, the full moon is at its brightest color in the year. My father went beside with me  and his eyes lit up with his love for me. ...The  memory of that Mid- Autumn festival makes a deep impression and lasts forever to me....etc...
    Thương lắm hình ảnh con bé đi bên ba trong mùa trăng tròn, đèn giấy thắp sáng trên tay, còn ánh mắt ba thì thắp sáng lên ngọn lửa của tình cha.
    Năm tháng trôi đi. Đông, Xuân, Hạ rồi Thu và Thu...  Bao nhiêu mùa lá rụng. Bao nhiêu mùa trăng tròn trăng khuyết. Con người đổi thay. Lòng người thay đổi. Bao vật đổi sao dời.
    Bây giờ thì ba đã đi về đâu mùa trăng nào? Vẫn cầu nguyện và tin rằng ba đang nơi ấy - mùa trăng vàng Tịnh Độ.
    Đổi thay. Dâu bể. Bao giờ cũng làm tiếc nuối. Xót xa. Dằn vặt.
    Rất hữu duyên là trong mùa trăng này lại được đọc Ánh Trăng Trong Trang Kinh Xưa của Nguyễn Duy Nhiên.  Trăng tâm mình lại được trở lại bình yên, sáng dịu dàng. Bởi, anh đã mở ra, một "ánh trăng trong sáng một cách kỳ diệu, như mở ra từ một trang kinh xưa."  Anh viết, “...Trăng đêm nay cũng là một ánh trăng đã từng chiếu cho ai đó dưới gốc cây bồ đề hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, chưa bao giờ đổi thay."
    Anh lại nhắc đến Nguyễn Du với, Nguyệt dạ không đình nguyệt mãn thiên. Y y bất cải cựu thiền quyên.  Dịch - Trăng khuya tràn ngập vườn sân vắng. nguyên sơ trăng vẫn sáng như thưở nào.
    Cám ơn lời nhắc nhở của bậc thiện tri thức.  Mừng vui đến muốn khóc. Vâng. Giữa vô thường vẫn còn đó chơn thường.  Chân Như.
    Thấy thanh thản.  Bình Yên.
    Trăng tròn. Trăng Khuyết. Trăng vẫn là trăng. Không đổi thay. Cha nay đã ở mùa trăng Tịnh Độ, nhưng tình cha vẫn tràn đầy. Nhìn trăng và thấy cha.
    Những mối tình đã trôi về xa ngái nhưng đã có một thời nồng nàn. Và, trân trọng những tốt đẹp cho nhau. Trong Tình yêu, đã bao gồm cả Tình Người.
    Một mùa trăng.  Đẹp như mở ra từ một trang Kinh xưa.
    Thích và chép lại bức tranh trăng tròn này từ trang của anh Duy Nhiên
Kim Cúc

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

TÔI KÊU GỌI 1 CUỘC CÁCH MẠNG TÂM LINH



dalai lama 0234131
CHÚNG TA CÓ THỂ SỐNG KHÔNG CẦN TÔN GIÁO
NHƯNG KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ TÂM LINH
NHƯ MỘT TU SĨ Tây Tạng, tôi được giáo dục để tôn kính những nguyên tắc của Phật Giáo. Toàn bộ cung cách suy nghĩ của tôi được hình thành bởi sự kiện tôi là một là một đệ tử của Đức Phật, nhưng tôi muốn vượt qua khỏi những ranh giới tín ngưỡng của tôi để làm sáng tỏ những nguyên tắc phổ thông nào đó, với mục tiêu giúp đở người khác tìm hạnh phúc.
Dường như là quan trọng đối với tôi để phân biệt giữa tôn giáo và tâm linh. Tôn giáo bao hàm một hệ thống những niềm tin căn cứ trên nền tảng siêu hình, cùng với những giảng dạy về giáo lý, nghi lễ, hay cầu nguyện. Tuy nhiên, tâm linh, tương ứng với sự phát triền những phẩm chất nhân bản chẳng hạn như từ ái, bi mẫn, kiên nhẫn, bao dung, tha thứ, hay một ý nghĩa của trách nhiệm. Những phẩm chất nội tại này, là nguồn gốc của hạnh phúc cho tự thân và những người khác, là độc lập với bất cứ tôn giáo nào. Đó là tại sao, thỉnh thoảng toi đã tuyên bố rằng chúng ta có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể không có tâm linh. Và một động cơ vị tha là một yếu tố tổng hợp những phẩm chất mà tôi định nghĩa như tâm linh.
CÁCH MẠNG TÂM LINH VÀ CÁCH MẠNG ĐẠO ĐỨC
TÂM LINH, TRONG QUAN ĐIỂM của tôi, bao hàm sự chuyển hóa tâm thức. Cách tốt nhất để chuyển hóa nó là làm quen thuộc với sự suy nghĩ trong một cung cách vị tha hơn. Thế nên đạo đức là căn bản cho mọt tâm linh thế tục cho tất cả mọi người, ta không bị giới hạn trong một nhóm những người tin tưởng trong một tôn giáo này hay tôn giáo kia.
Cuộc cách mạng tâm linh mà tôi chủ trương không phải là một cuộc cách mạng tôn giáo. Nó tương ứng với một sự định hướng lại thái độ đạo đức của chúng ta, vì nó là một vấn đề của việc học hỏi để đem những nguyện vọng của người khác vào sự quan tâm của chúng ta tối đa cũng như của chính chúng ta.
Cuộc cách mạng tâm linh mà tôi chủ trương không tùy thuộc vào những điều kiện bên ngoài nối kết với tiến trình vật chất hay kỷ thuật. Nó sinh ra bên trong, và được động viên bởi một khát vọng thâm sâu là để chuyển hóa tự thân nhằm để trở thành một con người tốt đẹp hơn.
Người ta có thể phản đối rằng một cuộc cách mạng tâm linh không thể giải quyết những vấn nạn của thế giới đương thời. Họ có thể thêm rằng, trên trình độ xã hội, bạo động, say sưa, ma túy, hay sự mất mát những giá trị gia đình nên được đối phó với căn bản của chính họ qua những lượng định đặc thù. Nhưng chúng ta biết rằng từ ái hơn và bi mẫn hơn sẽ giới hạn sự mở rộng và tính nghiêm trọng của những vấn nạn này. Không phải tốt hơn để tiếp cận chúng và xử sự với chúng như những vấn nạn của một trật tự tâm linh hay sao?
Tôi không cho rằng những vấn nạn như vậy sẽ biến mất ngay lập tức, nhưng tôi thật sự nói rằng bằng việc giảm thiểu chúng đối với lãnh vực xã hội và bằng việc thờ ơ không gian tâm linh của chúng, thì chúng ta không đang cho chúng ta phương tiện để giải quyết chúng trong một cung cách lâu dài. Tâm linh, khi chúng ta thấu hiểu như sự phát triển những giá trị nhân bản nền tảng thì chúng ta có mọi cơ hội để cải thiện cuộc sống của những cộng đồng chúng ta.
SỰ BỆNH HOẠN CỦA TÍNH 2 MẶT
THẬT QUAN TRỌNG ĐỂ tỉnh giác với sự liên hệ hổ tương bằng việc nhận ra rằng một hiện tượng xảy ra do bởi nhiều nguyên nhân và điều kiện phức tạp. Giảm thiểu thành một nhân tố đơn độc sẽ đưa đến một sự phân liệt thực tại. Việc nhận thấy sự liên hệ hổ tương cuối cùng đưa đến một sự ít bạo động hơn. Hơn thế nữa vì khi chúng ta đặt mình vào một phạm vi rộng rãi hơn, chúng ta trở nên ít bị tổn thương hơn với những hoàn cảnh ngoại tại và có được một sự phán xét lành mạnh hơn. Bất bạo động không giới hạn trong một sự vắng mặt bạo lực, vì nó là vấn đề của một thái độ năng động, được động viên bởi mong ước mang lại sự tốt lành cho người khác. Nó tương đương với lòng vị tha.
Lòng yêu thương vị tha thường bị hiểu sai. Nó không là vấn đề của việc quên lãng chính mình vì lợi ích của người khác. Trong thực tế, khi quý vị làm lợi ích cho người khác, quý vị làm lợi ích cho chính mình do bởi nguyên tắc liên hệ nhân duyên hổ tương.  Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng tâm hồn quý vị và đem nổi khổ đau của người khác vào trong chính mình. Lòng vị tha thay đổi tính khí của chúng ta, tính tiếu lâm của chúng ta, những nhận thức của chúng ta và cho phép chúng ta phát triển một sự thanh thản hơn, một tính khí bình lặng hơn. Ngược lại với lòng vị tha làm chúng ta dễ bị tổn thương với những hoàn cảnh ngoại tại hơn.
Chủ nghĩa vị kỷ chống lại tự nhiên, vì nó phớt lờ sự liên hệ nhân duyên hổ tương. Nó là một thái độ đóng lại tất cả những cánh cửa, trái lại lòng vị tha phát triển một tầm nhìn sâu sắc. Chúng ta nên phát triển cảm giác thuộc về một gia đình nhân loại rộng lớn. Những nguyên nhân và điều kiện của tương lai chúng ta một cách rộng rãi nằm trong tay của chúng ta.
VIỆC KHÔNG ĐỂ Ý MỐI LIÊN HỆ NHÂN DUYÊN HỖ TƯƠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI PHƯƠNG TÂY
MỘT CÁCH TỔNG QUÁT, tôi rất ấn tượng với xã hội phương Tây; tôi đặc biệt ngưỡng mộ năng lượng của nó, sự sáng tạo của nó, và lòng khao khát tri thức của nó. Tuy thế, một số yếu tố nào đó trong cung cách sống của phương Tây dường như đáng lo ngại đối với tôi. Tôi đã chú ý, thí dụ, người ta đã sẳn sàng nghĩ về mọi thứ như hoàn toàn trắng hay hoàn toàn đen, như hoặc là thế này hay thế kia, quên lãng thực tại của mối liên hệ nhân duyên hổ tương và tương đối. Họ có khuynh hướng đánh mất tầm nhìn của những vùng xám bất định giữa những ý kiến.
Một điều nữa trong sự quán sát của tôi là có nhiều người ở phương Tây sống một cách rất thoải mái trong những thành phố lớn, trong khi vẫn duy trì sự cô lập với đại đa số nhân loại. Thật đáng ngạc nhiên rằng với một sự nhàn hạ vật chất như vậy và với hàng nghìn anh chị em hàng xóm, một số lớn con người như vậy lại chỉ có thể biểu lộ tình cảm thật sự với những con chó và con mèo của họ. Trong nhãn quan của tôi, điều đó chứng tỏ một sự thiếu vắng những giá trị tâm linh. Một phần của vấn nạn có thể là sự ganh đua căng thẳng - một nguồn gốc của sợ hãi và bất an sâu sắc - liên hệ với đời sống trong những xứ sở như vậy.
Trích từ quyển My Spiritual Journey của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Ẩn Tâm Lộ, Wednesday, January 20, 2016