Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

CHÙA THANH LƯƠNG PHÚ YÊN MẤT TRỘM BA TƯỢNG HỘ PHÁP




Vụ trộm nóng 3 tượng Hộ Pháp chùa Thanh Lương dính đến chiến dịch trục xuất sư trụ trì?


Phải chăng, vụ mất cắp 3 tượng Hộ Pháp có liên hệ với chiến dịch vu cáo và tẩn xuất để tạo thêm chứng cứ - hoặc không có trách nhiệm bảo vệ tài sản của chùa, hoặc vu cáo thầy trụ trì tẩu tán tài sản - cần tạm giam để điều tra?
Tin từ chùa Thanh Lương (xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cho hay khoảng từ 12g đến 13g, ngày 30/11/2012, kẻ trộm đã lẻn vào chính điện tạm của chùa đoạt mất ba pho tượng Hộ Pháp bằng đồng; Tượng cao nhất là 6 tấc, nhỏ nhất là 4 tấc.
Theo đại diện chùa Thanh Lương thì giá trị vật chất của 3 pho tượng này tuy không lớn nhưng chúng là kỷ vật của chùa, liên quan đến Hòa thượng Thích Từ Hóa, liệt sỹ, trụ trì tiền nhiệm. Chiều hôm qua, công an huyện đã đến chùa xác minh, điều tra vụ việc.
Việc mất trộm trong thời điểm thầy trụ trì gặp khó khăn, quần chúng phật tử chùa đang bị đe dọa tượng Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ bị "khai trừ, trục xuất, thuyên chuyển" để bán cho công ty du lịch Sao Việt
Liệu vụ mất trộm này có liên quan đến âm mưu trục xuất thầy trụ trì để đoạt tượng Quán Âm không?
Hiện nay, khắp nơi, việc mất pháp khí trong các chùa rất thường xuyên, thậm chí còn câu tiền thùng công đức mà chùa Phúc Lâm Biên Hòa đã bắt quả tang; nhưng chùa Thanh Lương nằm trong địa bàn ngoại vi Phú Yên, không xa biển, cuộc sống người dân từ lâu rất an bình, chùa chưa hề bị mất bất cứ gì.
Trong chiến dịch tấn công chùa Cao Linh Hải Phòng, một nguồn tin chẳng biết từ đâu tung ra là chùa tàng chứa vũ khí và heroin, chính quyền điều tra xác minh đó là hoang tin, không đúng sự thật. Sau đó, sự trừng phạt đe dọa của Ban Trị sự PG thành phố Hải Phòng đối với thầy Giác Nghiên đến nay tạm ổn.
Chùa Thanh Lương, Phú Yên gần nửa năm nay, thầy trụ trì còn trẻ, liên tục bị tấn công bằng những vu cáo sai sự thật, chuyện bé xé ra to, ngỡ chừng có thể đi tù nếu không có sự công minh của chính quyền, cũng chỉ vì thánh tượng gỗ quý Quán Thế Âm trôi giạt từ lòng đại dương, mà lòng tham của một "nhóm tà sư" mượn danh Giáo hội" muốn soán đoạt.
Một tu sĩ lòng non dạ trẻ phải chống chọi với bao vu khống, nhiều mưu ma chước quỷ của một nhóm "hung thần sát sư" trong Ban trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên và nhóm lợi ích cấu kết đạo và đời.
Nếu thầy trụ trì không tỉnh táo sẽ bị lọt vào lưới "ác ma" trước khi rời khỏi chùa - hoặc biệt xứ như thầy Nguyên Nguyện, hoặc vào tù bởi những vu cáo thâm hiểm.
Như bài viết trước chúng tôi đã vạch rõ kế hoạch những chùa mà "nhóm ác tăng" muốn soán đoạt, Thanh Lương là ngôi chùa thứ hai trong năm ngôi thuộc tầm ngắm của nhóm sư: Tâm Thủy, Nguyên Đức, và Chúc Phát.
Một ngôi chùa Linh Sơn trên núi, đệ tử ni sư Huệ Từ (Ban từ thiện trung ương Giáo hội), các ni cũng gặp nhiều khó khăn khi mà không đáp ứng nhu cầu vật chất cho các đấng bề trên của BTS PG Phú Yên).
Tuổi trẻ có cơ ngơi là một tai nạn nếu không biết khiêm hạ và có cuộc sống thật đơn giản. Trong quy chế giáo sản của GHPGVN ngày nay đã chừa một khoảng trống để cho các đấng quyền lực tôn giáo thao túng gây thất điên bát đảo cho tăng ni khắp nơi.
Phải chăng, vụ mất cắp 3 tượng Hộ Pháp có liên hệ với chiến dịch vu cáo và tẩn xuất để tạo thêm chứng cứ - hoặc không có trách nhiệm bảo vệ tài sản của chùa, hoặc vu cáo thầy trụ trì tẩu tán tài sản - cần tạm giam để điều tra?
Thời đại mà xã hội tràn ngập tội phạm, trong đạo cũng nở rộ ác ma thì liệu tu sĩ còn biết an trú vào đâu, giáo hội làm sao ổn định kế thừa và phát triển, Phật pháp làm sao xương minh?
Việc kêu cứu của chùa Thanh Lương đến các cấp giáo hội đến nay vẫn chưa được văn phòng 2 phía Nam quan tâm giải quyết. Đây là một trong vô số hiện tượng khủng hoảng trầm trọng của giới tu sĩ trẻ có cơ ngơi, có uy tín, có quần chúng.
Các tu sĩ nầy biết tin vào đâu khi mà thế quyền và giáo quyền là một?
* Hình chỉ mang tính minh họa
Minh Mẫn (01/12/2012)

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

CỨ NGỠ

                                CỨ NGỠ ĐƯỜNG TU, PHÀM TỤC DỨT
                                AI NGỜ CỬA PHẬT- VẪN HAM DANH
                                MỪNG AI MỚI ĐƯỢC VỪA LÊN CHỨC
                                KHẼ NHẮC ĐỪNG QUÊN NỢ CHÚNG SANH!!!


                                                                    HUỆ TRÍ


     

Ngỡ ngàng chờ đợi 5 năm sau



Đại hội Phật Giáo nhiệm kỳ 7 đã hoàn mãn. Trên ngàn đại biểu trong và ngoài nước vui vẻ vì 5 năm mới gặp nhau một lần. Đại hội là dịp để các đại biểu gặp nhau; tổ chức đại hội, hướng dẫn sinh hoạt đại hội đã có ban tổ chức lo nên các đại biểu đều vô tư thong dong như cánh hạc giữa ruộng lúa chớm Đông.

Tuy nhiên, từ phiên họp Trù bị Đại hội ngày 21/11/2012 cho đến kết thúc ngày 24/11/2012, cái ưu cũng như điều khuyết luôn song hành như hai chiếc bóng chị em đỏng đảnh một cách duyên dáng làm cho đại biểu ít ai lưu tâm.

Phiên trù bị chiều 21, hai văn bản: “Thư của Đại hội VII GHPGVN gửi Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước” và “Thư cám ơn chủ tịch nước” được tuyên đọc mà sau đó, trong phần chương trình chính của Đại hội  lại một lần nữa được tuyên đọc; chẳng ai hiểu vì sao đem ra đọc trong phiên trù bị? chẳng phải lấy ý kiến, vì văn bản đã chính thức hoàn thành, vả lại thư của HT Chủ tịch thì đại hội không có quyền góp ý, vì đó là cảm nghĩ riêng.
Việc công cử, tấn phong…do BTC thông qua mà không cần biểu quyết theo thủ tục.
Các bản tham luận đều được phân phối cho các đại biểu, không nhất thiết lê thê phát biểu, nếu cần thì tóm tắt nội dung. Tham luận là góp ý để Ban thư ký tiếp nhận, chọn lọc chuyển đến Ban thường trực HĐTS duyệt xét áp dụng chứ không phải trình ra để Đại hội có ý kiến lúc bấy giờ.
Trong buổi lễ suy tôn đức Pháp chủ thật long trọng và cảm động, nhưng nhiệm kỳ VI lại không có lễ suy tôn như thế mà chỉ tuyên bố thông qua bởi HT Chủ tịch.
Hiến chương Giáo Hội, chương IV – Hội Đồng Chứng Minh – điều 15 quy định: “Hội đồng chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và giới luật của GHPGVN…Ban Thường trực Hội đồng chứng minh gồm các chức danh như: Đức Pháp chủ và chư vị Phó Pháp chủ….”
Trong điều 14 của chương IV ghi rõ:”Chư vị HT thành viên Hội đồng chứng minh tại vị trọn đời, ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới phải phế vị…”
Thế thì Đức Pháp chủ vốn đã là Pháp chủ tại vị của tiền nhiệm, sao phải công cử suy tôn như một cuộc tái đắc cử, có phải đúng Hiến chương quy định?
Thẻ báo chí đến giờ chót vẫn luộm thuộm thiếu hụt như thẻ Đại biểu  của Vesak năm 2008 (thật ra thẻ đại biểu của Vesak không thiếu mà do thầy M.T lúc bấy giờ đang quản lý với điều kiện cá nhân, vì vậy một số đại biều phía Nam, kể cả Làng Mai gặp nhiều phiền toái) Ban báo chí truyền thông vì sao không cung cấp thẻ báo chí đủ khi quý thầy phía Nam đã báo danh sách trước khá lâu, HT Trung Hậu trực tiếp gặp nhân viên truyền thông mà vẫn không giải quyết được?
Bố trí phòng ốc, theo TT Giác Liêm, do một số khách chưa trả phòng nên có lúc  hai ba thầy phải trú chung một phòng tại khách sạn Kim Liên.
Vấn đề tiếp đón rất chu tất. Thiết đãi cơm ăn ba bữa trong ngày suốt thời gian đại hội khá tốt đẹp do chùa Vĩnh Nghiêm đảm trách hậu cần; Nhưng mỗi đại biểu khi nhận thẻ mời có cả giấy mời ‘Tiệc chay’ vào ngày cuối tại Kim Liên, các quan khách theo giờ quy định, đến nơi thì tiệc chẳng có. Một số quan chức kéo đoàn đến với bộ cánh thật lịch sự, trên túi áo để lòi tấm thiệp mời như báo cho ban tổ chức biết khách Vip để khỏi tra vấn, nhưng đúng 6.30 g theo thiệp mời, trên các quầy thực phẩm chỉ còn vài củ khoai lang. Hậu cần cấp tốc nấu miến, bún và mì gói lấp vào chỗ trống.
Chẳng nghe ai trong ban tổ chức đánh thiệp mời khá long trọng, đứng ra xin lỗi hoặc đính chánh. Có nghĩa bữa tiệc chay hôm ấy tệ hơn cả những bữa thường nhật, có lẽ hậu cần chiều hôm ấy hết trách nhiệm lo về ẩm thực, mà trách nhiệm do ban tiệc chay thiết đãi!
Rồi đâu cũng vào đấy để chờ 5 năm sau gặp nhau hỷ hả tâm sự. Các phóng viên của phòng truyền thông báo chí cho Đại hội cũng tất bật không kém, nhưng rồi, khi tất cả đại biều chia tay nhau về trú xứ, thì sáng 25, một vài vị còn lại như thầy Tâm H, thầy Thanh T, thầy An Đ, thầy Trí N ở Huế, anh Giới Minh trong ban truyền thông GH nhiệm kỳ VII, phóng viên báo Kiến thức.net cũng quây quần trên vỉa hè của quán cốc trong khuôn viên Kim Liên tán gẫu, chia nhau từng mẫu bánh ngọt, khoai tây chiên. Mọi mệt mỏi, buồn vui đại hội đều trút sạch bên vỉa hè.
Thầy Tâm H nói đùa với tôi rằng: - Thầy quên em cho em nhờ, may mà thầy chửi chung không nêu tên em, nay em nhớ lại. – uh, tôi đáp:- tôi chửi thiên hạ thì tôi không nhớ, nhưng ai chửi tôi thì tôi chẳng bao giờ quên; trong phòng báo chí, một người chỉ Trần Trọng H hỏi – anh biết người đó không? – sao không, ai chửi tôi là tôi nhớ suốt, mọi người cười hả hê.
Đám ngồi vỉa hè được gọi là “tôn giáo vỉa hè” nói chuyện xoay quanh đạo Phật, rồi cùng chia tay sáng hôm đó, mỗi người một nơi trên đất nước còn lắm nỗi nhọc nhằn, vì thế mọi người cũng phải nhọc nhằn trong cuộc sống, trong công việc như thuyền nan nhấp nhô theo sóng nước.
Ngỡ ngàng chờ đợi 5 năm sau!
Minh Mẫn (27/11/2012)

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Cây lá hòa ca biển hát



Buổi sáng tinh khôi. Vầng mây trong xanh. Cành cây trầm nghiêm tịch lặng. Lòng nhẹ đùa reo cánh gió. Chén trà thơm hương Cổ độ. Từng ngụm ngấm vào nghe vũ trụ mở toang.
*
Chim hát khúc ca dao. Thời gian chở sự sống màu nhiệm về qua trên chiếc kim đồng hồ quả lắc. Mỗi đợt báo giờ là hết một bản hòa ca. Sân khấu Hiện tồn lại mở ra màn cảnh mới. Bài hát Mới vang lên. Lời ca tiếng nhạc dịu êm, thâm trầm, sâu lắng. Rót vào tâm tư làm nhẹ gánh ưu phiền. Đưa người về cõi mộng đẹp thơ nhiên
*
Bàn chân bước song hành đôi bờ Mộng - Thực. Hoa và rác. Chuyển rác thành hoa dâng tặng mảnh vườn tươi đẹp.
Bóng tối đồng hành cùng ánh sáng. Đêm và ngày trao nhịp thở cho nhau.
Vũ trụ hiện bày toàn thể sinh hóa tương tác hòa âm. Mỗi Hiện hữu đồng thời bao dung tương nhiếp như mỗi sợi dây đàn hợp tấu bản tình ca
*
Bốn mùa chuyển giao. Triêu dương. Tịch dương. Sớm chiều triều dâng là khúc hát
Đại dương vẫn trong xanh ngọt ngào mát rượi giọt nước đầu cành treo trên phím lá mơ non. Sóng gió đùa vui hoạt cảnh. Bọt bể tung hê diễn tuồng ảo hóa. Sẽ trở về Vô tướng, Vô thanh, nước màu lắng trong Tuyệt thể
Ánh trăng muôn đời vẫn đẹp. Đóa hoa vô thường vẫn nở. Lá vẫn xanh. Chim vẫn hót
*
Người về hồn nhiên lặng lẽ
Mỉm cười một nụ ban sơ
Tâm Bình

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Đại hội PG toàn quốc 7 bế mạc và nhà sư "nhất bộ nhất bái" về đích: Duyên kỳ ngộ

Chiều ngày 23/11, một nguồn tin khả tín từ Yên Tử của Chùa Phúc Lâm cho hay, 9 giờ sáng ngày 24/11 Đại đức Thích Tâm Mẫn chỉ còn đi 108 bước, lạy 108 lạy nữa là cung đối trước Phật tượng của chùa Đồng, đỉnh cao nhất của non thiêng Yên Tử. Đây có thể được coi là thời khắc lịch sử của Phật giáo Việt Nam vì lần đầu tiên trên thế giới, một nhà sư Việt Nam, 35 tuổi, thực hiện thành công viên mãn hành trình "nhất bộ nhất bái" với độ dài kỷ lục hơn 1800km.
Theo nguồn tin riêng của Chùa Phúc Lâm online, trong thời khắc lịch sử này, đại diện một số cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh và Đại đức Thích Tâm Mẫn sẽ cùng lễ tạ Tam Bảo tại chùa Đồng.
Và cũng trong thời khắc này, có nhiều khả năng phật tử và du khách không được tháp tùng cùng thầy Tâm Mẫn.
Vì vậy, những tấm hình nóng hổi ghi lại thời khắc này sẽ khó có thể có trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là điều rất đáng tiếc!
Một điều bất ngờ khá kỳ thú là ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 bế mạc cũng là ngày nhà sư "nhất bộ nhất bái" viên thành tâm nguyện: duyên kỳ ngộ.
Có vẻ như Đại đức Thích Tâm Mẫn muốn dâng hoa trái tu học của gần 4 năm kiên trì, nhẫn nại này lên chư tôn đức đang tham dự đại hội và toàn thể tăng ni Việt Nam.
Chùa Phúc Lâm online xin giới thiệu vài cảm xúc của cư sĩ Minh Mẫn về duyên hội ngộ độc nhất vô nhị này.
Quần Anh

Đại hội PG 7 và nhà sư "nhất bộ nhất bái": Duyên kỳ ngộ
Sáng ngày 24/11/2012, ĐĐ Thích Tâm Mẫn vừa đến chùa Đồng, núi Yên Tử sau gần bốn năm nhất bộ nhất bái dãi dầu mưa nắng suốt đoạn đường xuyên Việt trên 1800km, phát xuất từ chùa Hoằng Pháp, TP Hồ Chí Minh ngày 27/1/2009 (tức mồng 2 Tết Kỷ Sửu)
Ngày 24/11 cũng là ngày bế mạc Đại hội nhiệm kỳ 7 của GHPGVN tại thủ đô Hà Nội sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.
Quả là một sự trùng hợp kỳ lạ như có sự an bài của tâm linh khi kết hợp hai sự kiện quan trọng trong cùng một ngày tại hai vùng đất thiêng của đất nước.
Trong 5 năm qua, Phật giáo có quá nhiều sự kiện buồn vui trên con đường phát triển thì gần 4 năm qua, một hạnh nguyện an bình trải qua bao khó nhọc của một con người mang thân phàm nhưng có một tâm Thánh.
36 giờ đường tàu hỏa hay 2 tiếng đường hàng không, hành khách cũng đã mệt mõi và trong tâm tư diễn ra vô số buồn vui ưu tư lo toan tính toán từ Sài Gòn đến Hà Nội, thì ngược lại gần 9 nghìn giờ nhất bộ nhất bái giúp cho tâm an trụ trong hạnh nguyện của một nhà sư chưa từng có tại Việt Nam. Bấy nhiêu thôi cũng đủ nói lên một công đức to lớn đủ để hàng phật tử ngưỡng mộ.

trong tiết trời sương mù mịt, thi thoảng lại có mưa rào trên non Yên Tử
Một tâm lành luôn tỏa sáng năng lượng tác động đến chung quanh huống nữa sao khỏi ảnh hưởng đến những người con Phật cùng hướng giải thoát.
Mỗi người có một tâm hạnh, mỗi pháp môn có một cách hành trì, mỗi tổ chức có một khuynh hướng đi lên. Chính vì thế, hàng chục nghìn tăng ni và hàng chục triệu tín đồ đầu tư hướng thiện cho ngôi nhà Phật pháp hưng long đã gặp nhau tại một điểm, một điểm kết thúc kỳ diệu giữa một tập thể và một cá nhân cùng một thời điểm trong một xã hội đang phát triển.
Chỉ khác nhau là một tổ chức Giáo hội kết thúc một nhiệm kỳ 5 năm tại Thủ đô thì một cá nhân kết thúc một công hạnh gần 4 năm tại núi rừng Yên Tử, nơi mạch pháp tồn tại nuôi dưỡng thần khí dân tộc.
Nhìn ở khía cạnh tích cực thì sự thành công của ĐĐ Thích Tâm Mẫn như một tâm hoa cúng dường một chặng dài phát triển của Giáo hội bằng sự thành công của đại hội kỳ nầy.
Trong cuộc sống luôn có những cuộc hội ngộ kỳ thú trên một giao điểm vô tình, nhưng tâm linh không hề vô tình nếu cùng một hướng đi lên.
Thành kính chúc mừng sự hoàn nguyện của thầy Thích Tâm Mẫn cũng như sự viên mãn của Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Hà Nội mạnh Đông, 23/11/2012
Minh Mẫn (Đặc phái viên của Chùa Phúc Lâm online gửi về từ Hà Nội)

Tinh thần từ bi nhà Phật là tạo điều kiện cho mọi người hoàn thiện



Phật tử chúng tôi là người trần, mắt thịt, không hiểu đạo nhưng về đời, chúng tôi đau xót trước lỗi lầm của các thầy bị xử quá nặng, quá ức hiếp.
Kính gửi: Cư sĩ Minh Mẫn (ảnh trái: Cs Minh Mẫn trong một lần tác nghiệp - CPLO)
Thời gian qua, có nhiều sự việc xảy ra trong nội bộ Phật giáo, nhiều việc lẽ ra nhẹ hóa thành nặng qua xử sự của các bậc trưởng thượng, các bậc cao tăng. (Con xin lỗi Thượng tọa Thích Tiến Đạt: "Người tại gia không được cử tội người xuất gia).
Tôi hoàn toàn đồng ý với những  thông tin mà CS Minh Mẫn đăng trên trang web chùa Phúc Lâm. Là người thường xuyên theo dõi các bài viết của cư sĩ, tôi rất ngưỡng mộ, vì có tình, có lý. Cây bút “đạo pháp” của CS khá hiệu quả, thu hút được nhiều người đọc. Và hầu như bài nào có thông tin mới hay, xác đáng đều là của CS.
CS rất có lòng, có tình khi viết: “Tinh thần từ bi nhà Phật là tạo điều kiện cho mọi người hoàn thiện, khắc phục lỗi lầm, luật thế gian cũng chỉ có thế. Chẳng lẽ mỗi lần sai phạm là một lần loại trừ khỏi Tăng đoàn? Chẳng lẽ luật Đạo hà khắc hơn thế gian? Đấy là chưa nói đến trường hợp bới lông tìm vết.
Pháp nạn là nạn đến từ xã hội của thế tục, chẳng lẽ nội tình Phật giáo cũng tạo những pháp nạn cho nhau thì thà ở đời tu tại gia còn hơn vào chùa.
Vậy đi tu để phiền não hay để giải thoát? Oái ăm thay phiền não thì không phải do từ bên ngoài mang đến, mà lại do từ chính bậc trưởng thượng tạo ra cho các tăng ni trẻ!
Thiết nghĩ Trung ương Giáo hội PG nên lắng nghe những nỗi khổ đau của tăng ni hiện nay do các BTS tỉnh, thành hội tạo ra hầu thể hiện trách nhiệm của Giáo hội đối với tu sĩ, và hạn chế những tác oai tác quái của những quyền lực tôn giáo trong các địa phương.”
Tôi bức xúc rất nhiều trước sự việc Thành hội Phật giáo Hải Phòng tẩn xuất ĐĐ Thích Giác Nghiên (chùa Cao Linh, Hải Phòng), khai trừ Đại đức Thích Quảng Ngộ, nguyên trụ trì chùa Thanh Lương (xã An Chấn, huyện Tuy An) ra khỏi hàng ngũ tăng ni thuộc Tăng đoàn PG Phú Yên, đã đoạt thu chùa Từ Ân, trục xuất thầy Nguyên Nguyện lang thang không nơi cư trú…
Nhưng tôi bất lực, không viết nổi một bài báo nào để lên tiếng cho oan khuất của các vị trên. Quý chư tôn đức làm thế nào mà quý thầy phải kêu cứu đến cửu trùng? Quý ngài muốn cho ai tu thì tu, muốn tẩn xuất ai thì tẩn xuất? Các trang báo của đời như Viện Kiểm sát, Bảo vệ Pháp luật, Đại đoàn kết, Giáo dục… thảy đều lên tiếng, bênh vực cho quý thầy chẳng may gặp nạn từ cửa thiền (?), không biết tương lai các tỳ kheo, đại đức đi về đâu khi lang thang, nay đây mai đó?
Phật tử chúng tôi là người trần, mắt thịt, không hiểu đạo nhưng về đời, chúng tôi đau xót trước lỗi lầm của các thầy bị xử quá nặng, quá ức hiếp. Ai cũng nói cửa thiền là chốn từ bi. Ai cũng biết đức Phật kêu gọi từ bi hỷ xã, nên lấy ân báo oán… Ở đây ngay từ chốn thiền môn đã có sự ganh ghét, tỵ hiềm, Sư phụ từ mặt trò, hại nhau không thương tiếc, không biết đau nỗi đau của hàng đệ tử mình, để cho họ phải khốn đốn, đau khổ.
Kính thưa Cư sĩ minh Mẫn, tôi mong ngòi bút CS khỏe hơn để tiếp tục có những trang viết  có Tình, có Đạo.
Rất ngưỡng mộ CS.
A-di-đà Phật
Bạn đọc: Nguyễn Văn Ngọc

Đại hội PG toàn quốc 7 cần chiêm nghiệm những lời mộc mạc của Đức Pháp Chủ



Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thư 7 cần lắng nghe và chiêm nghiệm những lời cô đọng mộc mạc của Đức Pháp Chủ để luôn điều chỉnh trong những phật sự cho nhiệm kỳ mới.
Trang tin Phật tử Việt Nam vừa truyền tải cuộc thỉnh vấn Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 do phật tử Huệ Minh thực hiện.
Trước nhất xin được nói về công hạnh của cư sĩ Huệ Minh; tuy còn trẻ, xuất thân từ lòng đất mà tuổi đời của tác giả được bao trọn bởi chủ nghĩa thế tục, thế mà tâm đạo vẫn không thui chột và mất gốc.
Một thuở, Huệ Minh cũng từng là hành điệu thị giả cho Đức Pháp Chủ, một ngôi cổ tự vùng quê nghèo thiếu mọi tiện nghi vật chất.
Với nhà Phật thì Huệ Minh đã gieo trồng hạt giống Đạo từ tiền duyên nên hiếm ai có căn duyên hầu cận bậc chân đức như thế, trong khi tuổi trẻ cùng thời lấm bụi đời và hậu quả ngày nay rộ lên bao tệ nạn do mất chất tín ngưỡng tôn giáo mà đạo Phật từng là linh hồn của dân tộc.
Tuy ngày nay, lăn lộn vào cuôc sống, không còn hầu cận Đức Pháp Chủ, nhưng Huệ Minh vẫn không gián đoạn với chùa Ráng, giữ được trọn vẹn tâm đạo, vì thế, đời sống thường nhật của Huệ Minh vẫn là đời sống của một cư sĩ sung mãn tâm linh.
Cái đóng góp giá trị nhất cho Đại hội kỳ 7, không là phong cách tổ chức chuyên nghiệp đem lại hoàn hảo mọi mặt cho ngàn đại biểu về tham dự, cái giá trị to lớn về tinh thần – đó là lời dạy mộc mạc đầy trí tuệ của một bậc minh sư khi Huệ Minh thực hiện bài thỉnh vấn này!
Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ, liên tục nhiều nhiệm kỳ, ngài vẫn là bậc mô phạm đạo đức nhân thân và trí tuệ tâm linh đủ làm bóng mát cho thế hệ tăng tín đồ Việt Nam nương tựa.
Suốt thời gian đất nước chìm trong binh biến cũng như say mê xây dựng xã hội chủ nghĩa thì tự thân ngài vẫn không bị cuốn hút theo giòng đời; Tự cày cấy mà sống, tự lao động để phục vụ bản thân. Ngài sống theo tinh thần Bách Trượng: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.
Chính vì “lao động là vinh quang” đó mà tuổi gần 100, vẫn khỏe tuy gầy, da nhăn má hóp nhưng đầy trí tuệ. Thân thể khô khốc nhưng vẫn dí dỏm vui tươi.
Khi Huệ Minh thỉnh vấn về sức khỏe, ngài đáp: "Ở độ tuổi như chúng tôi thì sự mệt mỏi là không tránh khỏi. Qua cảm nhận nghe nhìn, hẳn quý vị cũng thấy, chúng tôi vẫn còn đang tự điều hòa được thân thể, chưa phải làm phiền đến mọi người nhiều. Tuy vậy, thời gian vẫn cứ trôi, hai người bạn Bệnh, Tử còn đang dong ruổi đâu đó nhưng rồi cũng sẽ vui vẻ ghé thăm thôi…”
Tuy chuyên tâm tu tập và lao động, nhưng ngài vẫn nắm sát tình hình Phật giáo  và nêu lên nguyên nhân bất toàn trong những phật sự, do: "Đương nhiên, có làm tất có lỗi. Lỗi hơn cả là nhiều khi còn chạy theo hình thức bề ngoài, hình thức thế gian mà quên đi phương tiện đặc thù và mục đích cứu cánh. Cho nên, làm nhiều mà kết quả chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân là do từ tâm mình, là do tu học và hành đạo không đến nơi đến chốn mà thôi."
Thật là lời dạy đầy minh triết và trải nghiệm tâm linh. Ngài không lên án lầm lỗi. Ngài cảm thông, vì có làm là có lỗi, nhưng lỗi do tu học và hành đạo không đến nơi đến chốn vì cứ chạy theo hình thức bề ngoài.
Tuy lời dạy mộc mạc, nhưng nếu không thâm nhập tâm linh thì khó mà nói được điều với cái tuổi thuộc thế kỷ về trước cho thế hệ sau một cách chính xác.
Về phương diện tổ chức hành chánh cho một cơ chế giáo hội, một số có cái hiểu bất toàn về GH vì lo sợ làm mờ nhạt tông môn, ngài đáp:“Tổ chức sơn môn, trong nội bộ có nhiều điểm mạnh như nề nếp, quy củ, giáo dục, truyền thừa, vân vân, nhưng về đối ngoại thì mỗi nơi mỗi khác, rời rạc nên kém sức mạnh ứng phó với thế gian, mạnh ai nấy lo.
Do vậy, cần có giáo hội. Các bậc tiền bối nhọc công vận động thống nhất Phật giáo là vì lẽ đó chứ không phải để làm hỏng nề nếp truyền thừa của các tổ đình sơn môn. Đó là điều mà tùy theo điều kiện, chúng ta cần suy ngẫm.”
Sơn môn pháp phái là cơ chế gia tộc, là giềng mối duy trì đạo đức gia phong. Giáo hội là một cơ chế xã hội; gia tộc không thể tách rời xã hội.
Cũng thế, giáo hội không thể làm nhạt nhòa tính đặc thù của sơn môn pháp phái, mà phải hòa nhập để tồn tại và phát triển. Ngài đã nhìn tận gốc giá trị của từng vấn đề.
Thế thì một giáo hội được điều hành từ những trưởng tử Như Lai cũng phải thể hiện tính dung hợp với tinh thần trách nhiệm chung, đừng lấy tư kiến nhân ngã để  làm suy vi Phật giáo.
Đại hội là thủ tục để kết nối chu kỳ kế thừa, mang tính kỷ thuật; tinh thần đại hội hàm dưỡng “tứ vô lượng tâm” “lục hòa” và “tứ nhiếp pháp” là tố chất kết nối và tăng trưởng để thành công.
Đại hội cần lắng nghe và chiêm nghiệm những lời cô đọng mộc mạc của Đức Pháp Chủ để luôn điều chỉnh trong những phật sự cho nhiệm kỳ mới.
Hà Nội mạnh Đông, 23/11/2012
Minh Mẫn (Đặc phái viên của Chùa Phúc Lâm online gửi về từ Hà Nội)

Vẫn những tiếng kêu quen thuộc của chim “quốc” trong đêm


Bình luận nóng trước giờ khai mạc Đại hội PG 7

Chớm Đông, Hà Nội phát triển quá nhanh nên không còn giữ được nét hồn hậu của thời 36 phố phường trong văn học sử; Hà nội không còn thấy sương mù lãng đãng giăng phủ mặt hồ.
Hàng sấu vẫn còn ngậm ngùi chưa muốn thả lá trên những con đường cổ kính bị che khuất bởi các dãy nhà cao tầng hiện đại. Hà nội bây giờ là giòng chảy vội vã để ứ đọng nhiều con đường vào giờ cao điểm.
Cơ sở vật chất, biển quảng cáo và rừng người phủ tràn khắp kinh đô Thăng Long biến thành một xã hội công nghiệp bán hiện đại. Hà nội bây giờ là cô gái quê vừa lên tỉnh, tuy nhạy bén nhập cuộc với cái mới nhưng vẫn chưa phai được nét ngỡ ngàng một thời chân lấm tay bùn.
Trên 1000 đại biểu các tỉnh thành trong và ngoài nước về tham dự Đại hội Phật giáo lần thứ 7, cũng khách sạn Kim Liên và nhà khách công đoàn, vẫn cung văn hóa hữu nghị Việt Sô, và vẫn những quen thuộc từ các khuôn mặt cũ; không có gì xa lạ, như vòng xoay tất định của bánh răng cưa trong guồng máy chạy một cách đều đặn.
Tham luận trong đại hội vẫn ra rả vấn đề nhân sự, khả năng và nhân cách đạo đức, có lẽ cũng phát xuất từ kinh nghiệm bản thân khiếm khuyết của mình. Rồi nói đến hoằng pháp vùng sâu vùng xa mà bao năm vẫn bỏ xa vùng sâu cho thiên hạ thao túng; nào từ thiện xã hội, giáo dục; chỉnh đốn nội bộ, tấn phong, chức sự… đều là những tiếng kêu quen thuộc của chim “quốc” trong đêm.
Tuy nhiên, mỗi đại hội đều có một tiêu chí, tiêu chí nhiệm kỳ 7 là “Kế thừa - ổn định-phát triển”. Hiến chương mỗi nhiêm kỳ đều được điều chỉnh hoặc bổ sung. Nhân sự tăng lên tuy 5 năm qua một số chức sắc Phật giáo đã vãng hóa cõi Tịnh.
So với những nhiệm kỳ trước khi mà bánh xe GH chưa có trớn quay, nhiệm kỳ VI có nhiều cung bậc và sắc màu vừa tương hợp vừa tương phản để có những cái nhìn lại, đặt vấn đề cho nhiệm kỳ mới.
Có lẽ những thành tựu của nhiệm kỳ VI là bản lề kinh nghiệm để nhiệm kỳ 7 phát triển đúng tiêu chí đề ra. Nhưng, cũng trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ VI, số chức sắc viên tịch đã để lại nhiều vấn đề mắc mứu cho nội tình, nhất là trung ương; chính vì thế, trước thềm đại hội không tránh khỏi những áng mây xám.
Trong 54 tỉnh thành, Phật giáo cũng chưa phủ kín Ban trị sự (BTS). Không những vùng Tây Bắc mà tại miền Trung Quảng Bình, bao năm rồi vẫn nhất tự nhất tăng, BTS cũng chỉ duy nhất có một Hòa thượng là hoa trong độc bình làm kiểng. Giáo hội không tiếp tay giải quyết hỗ trợ để vực dậy một vùng đất vốn là chiếc nôi Phật giáo một thời.
Tình trạng thừa và thiếu nhân sự vẫn là căn bệnh ở một số địa bàn như căn bệnh nan y mà văn phòng trung ương hai miền xem như chuyện hàng xóm
Chiều ngày 22-11, tại Cung văn hóa Hữu nghị đã diễn ra phiên trù bị Đại hội PG toàn quốc lần thứ VII
Chiều ngày 20/11, trong buổi họp cuối cùng để rà soát công tác Đại hội PG toàn quốc kỳ 7, các tỉnh thành như Hưng Yên, Daklak, Bình Định đều chưa thỏa mãn tình huống giải quyết của Giáo hội khi những BTS đó đề bạt, một chút bất đồng thuận vì thiếu tinh thần dân chủ theo Hiến chương.
Thành quả đạt được trong 5 năm qua do những sự kiện mang tầm vóc lớn, có sự chủ động của GH hay chỉ là kết quả tất yếu khi những sự kiện đó góp phần đẹp mặt cho quốc gia mà do nhà nước chủ đạo? Bất cứ đại hội nào cũng đưa ra mặt tích cực và hiệu quả, còn những bất toại chưa dám công khai để tự nhận trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho khách quan, ngoại tại.
Đại hội PG kỳ 7, ngoài hình thức truyến thống theo chu kỳ, GH vẫn còn một chút lấn cấn trong tinh thần lục hòa về nhân sự đề bạt.
Chiều ngày 19/11, ban nhân sự Phật giáo phía Bắc họp tại Ban Tôn Giáo chính phủ do ông Nguyễn Thanh Xuân chủ tọa có sự tham dự của các ban ngành liên quan như Ban Dân vận T.Ư, UBMTTQ, Bộ Công An, và Ban Tôn giáo chính phủ.
Vấn đề nhân sự mà từ lâu sau sự ra đi của cố HT T.Thanh Tứ từng gặp nhiều khó khăn; TT Thanh Quyết được Ban Tôn Giáo chính phủ đánh giá cao về mặt ngoại giao, nhưng chưa được đồng thuận trong giáo hội, cũng đã là tảng đá nằm trước cổng chào.
Một số quan chức hiện diện tại cuộc họp cũng đã trung dung để nội tình GH giải quyết; Tuy chư tôn đức hòa dịu nhưng tinh thần căng thẳng không tránh khỏi trước sự cứng rắn của Ban Tôn giáo chính phủ.
Đột nhiên, lá thư sám hối Giáo hội của TT. Thanh Quyết do HT. Gia Quang tuyên đọc đã làm mọi người ngỡ ngàng, bất động trong giây lát; Một sinh khí làm mát dịu hạ nhiệt cho Đại hội; có lẽ do tâm lành của những trưởng tử Như Lai làm tỉnh ngộ tham sân si trước tiền đồ Đạo Pháp.
Một lá thư sám hối cho dù thật lòng hay một chiến thuật tùy địa hình, cũng đã nói lên sự hiểu biết của người  trong cuộc để gương mặt PG sáng sủa hơn trong giai đoạn chuyển tiếp.
Như thế, sự kế thừa có ổn định mới mong phát triển còn tùy thuộc sự khéo léo của giới lãnh đạo GH, sự hy sinh vì đại sự của các nhân sự và sự tôn trọng quyền tự quyết cho tôn giáo.
Thành quả giữa hai nhiệm kỳ không chỉ những gì thu nhặt từ các sự kiện lớn trong 5 năm qua, mà tinh thần hòa hợp của Đại hội mới là thành quả báo hiệu cho một tương lai 5 năm tới.
Hà Nội mạnh Đông, 21/11/2012
Minh Mẫn (Đặc phái viên của Chùa Phúc Lâm online gửi về từ Hà Nội)

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

XONG PHIM



“Khóa môi nhà sư”: Một kết thúc có hậu không bất ngờ!
Khi thông tin nóng “Nhà sư khóa môi Thích Pháp Định đã hoàn tục” được đăng tải đầu tiên trên kienthuc.net.vn, những ai theo dõi sự kiện này đều có thể đoán được hồi kết của vụ việc sẽ phải như thế, nhưng không khỏi chạnh lòng xót xa.
Khi đón nhận hình ảnh bất hảo trên mạng, ai cũng phẫn nộ, thậm chí có người mong giáo hội Phật giáo lột áo nhà sư đó.
Khi giáo hội xử theo luật Phật, các sư tỏ lời sám hối, ai cũng cảm nhận sự thương xót, rồi xoay qua chĩa mũi dùi vào Đàm Vĩnh Hưng. 
Khi Đàm Vĩnh Hưng (ĐVH) nói lời xin lỗi và nhận lỗi về mình, một số hả dạ, một số nổi xung thiên bằng lời lẽ cay nghiệt. Dĩ nhiên rất đắn đo khi ĐVH nói lời xin lỗi ( nghĩa là ĐVH có quyền im lặng) vì thế, bằng tấm chân thành, họ Đàm nhận hết lỗi về mình.
Khi ĐVH đem một ít sự hiểu biết về Phật giáo để  bộc bạch thế nhưng, một số vẫn chưa vừa lòng, mỉa mai và cho rằng: “ĐVH không đủ tư cách nói về đạo Phật” cho đó là biếm nhẽ.
Vậy, ngoài cộng đồng Phật gáo, không ai có quyền dùng lời lẽ và tinh thần nhà Phật để nói chuyện; Phật giáo chỉ dành riêng cho những người theo Phật dù đó là người không có lời lẽ từ ái của nhà Phật?
Đến khi một tu sĩ phân tích một cách thái quá về ĐVH, ghép sự sai phạm đó vào chiếc khung tôn giáo của họ Đàm, buộc lòng ĐVH với lời lẽ khiêm tốn (có ăn học) trả lời với các ngài bằng xưng hô hết sức tôn kính (có thề ĐVH không cần phải như thế, nếu muốn), và bật mí một ít khía cạnh của sự thật về nhà sư “áo nâu”.
ĐVH có đủ tư liệu cho đêm diễn đó mà không muốn trưng dẫn, có thể vì là một người Công giáo nên họ Đàm "ngại" đụng tôn giáo bạn, nhất lại là nhà sư! 
Khi họ Đàm phân trần với một tu sĩ của tôn giáo khác nặng nhẹ với mình, thì bên trong cổng thiền viện Phước Sơn, trước đó một ngày, Thượng tọa Thích Bửu Chánh đã nhận đơn xin hoàn tục của nhà sư  “áo nâu”, đồng thời cử hành lễ tác pháp Yết-ma để giải giới tỳ kheo và thu hồi y bát của vị sự này sau khi đã được Ban trị sự PG Đồng Nai chuẩn thuận.
Nhà sư “áo nâu” tức Pháp Định tự mình chọn giải pháp hoàn tục để cứu vớt uy tín cho cộng đồng tăng sĩ, là một thái độ tự trừng phạt và nhận lỗi khôn ngoan ngầm hiểu, mọi lầm lỗi do nơi Pháp Định, như thế một phần thanh minh cho ĐVH.
Thầy Giác Ân bị tạm phế quyền trụ trì mà không hề phản kháng, chứng tỏ đã ăn năn vì xuất hiện với chiếc áo nhà tu trong sự kiện tạo tai tiếng bất ngờ!
ĐVH một lần thành tâm nhận lỗi cho hai sư, tưởng rằng cơn địa chấn chấm dứt, nhưng do nhiều comment và bài viết với lời kết tội thiếu từ bi của một tôn giáo từ bi, ĐVH đành bộc toạc để rồi những ai đó mới biết rằng mình đã bênh vực cho đồng đạo bị hố, rồi lại xuống nước cầu hòa khi biết ĐVH nắm trong tay những chứng cớ nhiều hơn những gì ĐVH bật mí.
Một tu sĩ tạo scandal cũng đã tự trừng phạt mình.
Một tu sĩ chấp nhận mất quyền trụ trì đang “thụ án” theo luật đạo.
Một Đàm Vĩnh Hưng thể hiện lòng tốt bao che cho tu sĩ Phật giáo cũng đã nhẹ lòng khi những ai đó mạt sát mình, nay đã hạ nhiệt và cảm thông.
Một tu sĩ quá lời vì nóng lòng cho đồng đạo, nghĩ oan cho kẻ khác cũng đã biết lỗi.
Như vậy, trong cơn bão "dư luận", những ai trong cuộc đều chẳng ai có lỗi hoàn toàn.
Một Pháp Định mang thân nghiệp ngoài ý muốn (một nghiệp mà xã hội ngày nay đa phần bị vướng cũng như một số các tu sĩ của nhiều tôn giáo đều có, chẳng qua thiếu kềm chế nhất thời).
Một Giác Ân vì lòng từ thiện thiếu cân nhắc;
Một ca sĩ họ Đàm quá nhiệt tình không nỡ từ chối sự mời gọi của sư “áo nâu”. Không cố tình bôi bẩn nhà tu, tất cả ngỡ rằng góp vui cho đêm đấu giá, không ngờ trượt chân quá xa khỏi sân khấu “không tên”.
Và những phản ứng của mọi người, kể cả những người lên tiếng nặng lời, cũng đều nóng lòng trước hình ảnh đáng tôn kính làm mất niềm tôn kính, và vạ lây cho người chủ chốt của đêm diễn.
Sau khi đơn hoàn tục được chấp thuận, sau khi ĐVH xót xa bật mí sự thật, sau khi những ai nặng lời họ Đàm xuống nước cầu hòa, thì cơn địa chấn không để lại dư chấn mà để lại dư âm êm dịu như chưa từng có gì xẩy ra.
Một kết thúc có hậu bất ngờ, có lẽ tất cả đều mang tâm lành trong cơn bão tố thoáng qua!!!
Mong rằng, bài học nầy sẽ dành cho một số tăng sĩ trẻ còn bồng bột nên cân nhắc; một bài học đáng giá cho những nghệ sĩ đến với mọi tôn giáo bằng tinh thần tôn giáo và một bài học cho những tín đồ mộ đạo đừng quá cuồng nhiệt một sự kiện mà ngỡ chừng xúc phạm tín ngưỡng mình, bên trong luôn có những ẩn tàng hai mặt.
Xin cám ơn Ban trị sự PG Đồng Nai, Thượng tọa trụ trì thiền viện Phước Sơn cũng đã có những quyết định đúng lúc.
Ngoài ra, trong bóng tối để có một kết thúc có hậu, ai biết được rằng một xúc tác sáng suốt giúp cho sự kiện thoát xác một cách êm dịu là ai đó có cái nhìn rất nhân bản, rất văn hóa, ẩn tàng cho mọi sự xuất hiện thật “kịch tính” như vậy.
Ân hận và xót xa đang dần mờ nhạt!!!
Một tối mạnh Đông, 17.11.2012
  • Minh Mẫn

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Truất quyền trụ trì chùa Thanh Lương: Hành xử theo bản năng tham sân si?


 Truất quyền trụ trì chùa Thanh Lương: Hành xử theo bản năng tham sân si?
Đến nay, vấn đề chùa Thanh Lương do thầy Thích Quảng Ngộ trụ trì bị BTS PG Phú Yên gây bức xúc không ít cho cộng đồng Phật giáo trong và ngoài nước.
Năm trước đây, chính  thầy Tâm Thủy, Trưởng BTS và thầy Nguyên Đức, phó Trưởng Ban thường trực BTSPGPY, đã đoạt thu chùa Từ Ân, trục xuất thầy Nguyên Nguyện lang thang không nơi cư trú.
Giờ đây, rút kinh nghiệm hành động sái nguyên tắc đối với Từ Ân, BTS do thầy Nguyên Đức chủ động, truất quyền trụ trì để lấy chùa Thanh Lương hầu trưng thu tượng Phật Bà mà trước đây dự định đem  trao đổi với Công ty New City và Công ty TNHH Sao Việt để lấy tiền.
(… Rạng sáng ngày 24/12/ 2004, một pho tượng Quán Thế Âm Bồ-tát bằng gỗ quý có chiều cao 2,2 mét, đứng trên một con rồng, từ biển khơi trôi dạt vào Hòn Dứa, được ngư dân địa phương phát hiện và báo cho chùa Thanh Lương.
Nhận được tin, Ban Hộ tự liền thông báo cho chính quyền sở tại biết, đồng thời tổ chức phật tử cung nghinh ngài về phụng thờ tại chùa Thanh Lương.
Từ đó đến nay, rất nhiều phái đoàn, trong đó có cả chư tôn giáo phẩm trong Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, các nhà khảo cổ, tăng ni, phật tử trong, ngoài nước đã đến chùa Thanh Lương chiêm bái pho tượng này.
Sau khi pho tượng này thu hút nhiều khách hành hương, ngày 21/12/2007, HT Thích Nguyên Đức, Phó Ban thường trực THPGPY ký công văn số 095, xin phép chính quyền cho di dời tượng Phật bà ra khu du lịch Sao Việt tại Gành Ông , xã An Chấn ( Khu Du Lịch còn nằm trong dự án ).
Đổi lại "nhà đầu tư (Công ty New City và Công ty TNHH Sao Việt - PV) và Tỉnh hội nhất trí dành một phần kinh phí để hoàn tất chùa Tổ (chùa Bảo Tịnh - PV) tại trụ sở tỉnh Hội và trùng tu chùa Thanh Lương"...-  trích Phú Yên: Khai trừ Đại đức trụ trì chùa có tượng "Phật bà bỗng ngoi lên từ đáy đại dương", nguồnhttp://chuaphuclam.vn )
Một số tăng ni trẻ ở Phú Yên luôn lo sợ sẽ bị cướp chùa nếu thầy Nguyên Đức cảm thấy chùa đó có nhiều phật tử hoặc có lợi nhuận cao…
Những chùa trong tầm ngắm của BTS PG Phú Yên do thầy Nguyên Đức chủ động là chùa Thanh Lương, chùa Thiên Tôn xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên, sau Thiên Tôn sẽ là chùa Châu Lâm rồi sẽ đến chùa Phước Sơn  ở Sơn Hòa… lần lượt trụ trì các chùa nầy sẽ là nạn nhân của những chức sắc quyền uy của BTS PG Phú Yên.
Trên nguyên tắc, đem tượng Phật đổi lấy tiền vì bất cứ mục đích nào, cũng đều là loại buôn Thần bán Thánh.
Trên phương diện đạo đức tôn giáo và lương tâm con người, vì quyền lợi mà truất quyền trụ trì chùa của một tu sĩ và khai trừ một tu sĩ ra khỏi Tăng đoàn  với một lý do không chính đáng, không nằm trong giáo luật và quy chế Tăng sự, đều là hành động vô lương tâm và lạm dụng chức quyền đem lại khổ đau cho tu sĩ, không cần biết tương lai của tu sĩ đó thế nào.
Trong cả nước, không chỉ có Hải Phòng và Phú Yên mà còn nhiều trường hợp một số tu sĩ vì thấp cổ bé miệng, tiếng kêu cầu cứu không đến tai những lương tâm chức sắc Giáo hội.
Chư tôn đức, suốt đời hành đạo không tránh khỏi những sai phạm thường tình thì tăng ni sao khỏi những điều bất cập? Nhất là những bất cập không đủ yếu tố phạm luật phạm giới để BTS dùng quyền tẩn xuất.
Tinh thần từ bi nhà Phật là tạo điều kiện cho mọi người hoàn thiện, khắc phục lỗi lầm, luật thế gian cũng chỉ có thế. Chẳng lẽ mỗi lần sai phạm là một lần loại trừ khỏi Tăng đoàn? Chẳng lẽ luật Đạo hà khắc hơn thế gian?
Đấy là chưa nói đến trường hợp bới lông tìm vết. Pháp nạn là nạn đến từ xã hội của thế tục, chẳng lẽ nội tình Phật giáo cũng tạo những pháp nạn cho nhau thì thà ở đời tu tại gia còn hơn vào chùa.
Bậc trưởng thượng phải thể hiện lòng độ lượng đối với kẻ hậu học, làm gương cho đồ chúng. Phật tử nhìn vào những nhiêu khê trong các chùa, họ sẽ nghĩ gì về các sư mà họ tôn kính cúng dường?
Đại đức Thích Quảng Ngộ, trụ trì chùa Thanh Lương tiếp đoàn Bộ Lễ nghi - Tôn giáo Campuchia. Ảnh: CPLO
Chức sắc chỉ là giả danh để phụng sự Phật Pháp chứ không phải quyền lực để khống chế tăng ni. Các ngài chỉ làm theo bản năng tham sân si mà không dùng trí tuệ kết hợp lòng từ mà hành xử. Như vậy Thiền môn sẽ trở thành nơi quyền lực tôn giáo để truy thu lợi nhuận và thể hiện bản ngã?
Cho dù tăng ni có phạm giới, phạm luật cũng chỉ  dùng tác pháp Yết ma để chỉnh đốn, thậm chí scandal do Đàm Vĩnh Hưng tạo ra vừa rồi, tai tiếng không nhỏ cho Phật giáo, thế mà Giáo hội cũng chỉ xử biệt chúng ba tháng đối với hai sư.
Quảng Ngộ, Giác Nghiên hay ai đi nữa, đã vi phạm quá mức luật đạo, luật đời chăng để phải chịu sự đau khổ, khủng hoảng tinh thần suốt thời gian dài như thế, còn tâm trí đâu mà tu hành?
Vậy đi tu để phiền não hay để giải thoát? Oái ăm thay phiền não thì không phải do từ bên ngoài mang đến, mà lại do từ chính bậc trưởng thượng tạo ra cho các tăng ni trẻ!
Thiết nghĩ Trung ương Giáo hội PG nên lắng nghe những nỗi khổ đau của tăng ni hiện nay do các BTS tỉnh, thành hội tạo ra hầu thể hiện trách nhiệm của Giáo hội đối với tu sĩ, và hạn chế những tác oai tác quái của những quyền lực tôn giáo trong các địa phương.
Thật trớ trêu khi mà chính quyền tạo sự dễ dàng cho mọi hoạt động tôn giáo hiện nay, thì chính các chức sắc luôn gây phiền não khó khăn cho mọi phật sự.
Minh Mẫn (15/11/2012)

"tốt khoe, xấu che"?


 "tốt khoe, xấu che"?
Ông bà thường nói: “Tốt thì khoe, xấu thì che”, đúng thế; Một người bị bệnh hiểm nghèo, mặc cảm nên lánh xa mọi người, khi xóm làng đều biết và cảm thông, anh ta trở lại thân thiện , thường tâm sự với mọi người về căn bệnh và nguyên nhân đưa đến bệnh do cuộc sống buông thả, mục đích để làm bài học cho những ai mon men theo con đường đó. Nghĩa là không cần che đậy mữa.
Đứa con trong nhà ăn cắp vặt, cha mẹ không để làng xóm biết, nhưng khi mọi người biết rõ  nó, đều cảnh giác về nó thì sự che giấu đồng nghĩa với đồng lõa; Cha mẹ khôn ngoan hơn, đem con xin lỗi mọi người và nói rõ bản chất hư hỏng để thiên hạ thông cảm chứ không phải bêu xấu gia đình cho mọi người biết. Nghĩa là xấu không thể che mãi được.
Cộng đồng tôn giáo hay tập thể cũng vậy, chuyện bất như ý xẩy ra chưa ai biết thì nên đóng cửa bảo nhau, nhưng một khi dưới ánh sáng mặt trời, lộ toàn diện vấn đề thì câu nói trên không còn tác dụng, lắm khi phản tác!
Ai cũng muốn tôn giáo mình tốt nên bêu xấu tôn giáo khác; chuyện bới lông tìm vết để đổ tội cho tôn giáo khác cho dù việc phạm lỗi không hề liên can đến tôn giáo họ đang theo. Tinh thần a dua hùa theo dẫm đạp một nạn nhân mà đôi khi chính nạn nhân kia không phải người có lỗi. Một nạn nhân giao thông bị một thiếu nữ va quẹt, nạn nhân lịch sự quan tâm đến người gây tai nạn cho mình thì bị thân nhân hiểu lầm, hành hung nạn nhân – tai nạn thêm một tai nạn!
Có những trút giận vô cớ cũng dễ hiểu khi mà người nhà, phe ta bị trừng phạt lúc sự cố xầy ra, do nóng lòng hay thừa gió bẻ măng cho hả cơn giận, đó là thói thường thiếu suy nghĩ. Nạn nhân biết lỗi không do mình tạo, im lặng che giấu lỗi của tác nhân để  mình chịu trừng phạt, thế nhưng búa rìu dư luận vẫn ác nghiệt đập xuống bằng lời lẽ không phải của tôn giáo mà người sử dụng lời lẽ cay độc vẫn đeo thẻ “đại biểu tôn giáo” và hãnh diện khi thẻ đại biểu toòng teng lủng lẳng lúc xô xát trên diễn đàn.
Giới trí thức bàng quan nhìn thấy mà ngao ngán huống thay bậc tôn túc có nhân cách chỉ thấy lỗi mình mà không quan tâm lỗi người, sao khỏi đau lòng cho đồng đạo gây nên cảnh trái ngang cho tôn giáo, lại thêm một cơn sóng ảo vùi dập cho người trong cuộc đang muốn bảo vệ uy tín cho đồng môn mình. Vì mình chỉ thấy lỗi người mà không thấy cái tốt của người, cứ muốn vùi dập triệt tiêu đối tượng.
Lúc như vậy, có cần “tốt khoe, xấu che” để mang tiếng đồng lõa hay cần phơi trần sự việc một cách khách quan, vừa mang tính giáo dục, vừa thể hiện sự biết điều?
[Phật giáo có nên che đậy, hoặc làm như không thấy, không nghe, không biết sự cố "khóa môi" khi nó đã được phơi bày trên công luận? Hay các nhà lãnh đạo PG cần phải nhanh chóng xử lý nghiêm sự cố này hầu vực dậy niềm tin của quần chúng? Hỏi tức trả lời. Xin bạn đọc tự tìm câu trả lời riêng cho chính mình. - CPLO]
Cổ nhân từng bảo: “tiên trách kỷ - hậu trách bỉ”, thời nay ngược lại chăm chú vết lọ trên mặt người mà không thấy thùng rác trong nhà mình!
Thà chịu sỉ vả nhục nhã xem như tai nạn nghề nghiệp còn hơn ăn miếng trả miếng, phơi bày toàn chân bản chất của đối phương để rồi chính mình không được cảm thông mà còn bị những tâm hồn hẹp hòi đe dọa mạng sống, đó là tâm tốt của người bị ngờ làm chuyện xấu.
Nếu cứ tiếp tục gán ép vì lý do tín ngưỡng tôn giáo vào một nạn nhân, không những vô tác dụng, đôi khi còn bị tác dụng ngược. Nạn nhân có thể cam chịu, nhưng đồng nghiệp, đồng đạo liệu họ có đủ sức cam chịu khi tôn giáo mình bị lôi vào một sự cố ngoài ý muốn? Hay để rồi trên diễn đàn tiếp tục nhục mạ nhau, bươi móc lẫn nhau? Tín đồ với tín đồ hành xử như thế còn cảm thông, chứ tu sĩ chen vào thì chính mình làm hoen ố tôn giáo mình trước khi hạ nhục tôn giáo khác.
Có những sự cố như gió thoảng mây bay, nhưng cũng có sự cố gây đau nhức lâu dài cho chính nội bộ; Hãy khép lại tất cả để mỗi người tự chiêm nghiệm và sám hối, kẻ bàng quan không nên châm dầu vào lửa tạo vết thương trầm trọng; Tinh thần tôn giáo, nhất là Đạo Phật, cho dù ai có lỗi, hãy chăm sóc cả hai khi sự cố xẩy ra vì trong cuộc hay ngoài cuộc đều là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của một bất trắc ngoài ý muốn.
Ai cũng bị trừng phạt từ dư luận và lương tâm thì không còn lý do gì dẫm đạp tiếp để triệt tiêu một tâm hồn còn biết hối lỗi!
Khi hiện tượng xẩy ra, khách quan thường phẩn nộ, khi sự kiện được xử lý, khách quan cảm thấy chua xót, khi sự kiện được phơi bày thực chất thì sự ngao ngán tràn ngập phủ kín mọi căm giận; Thế thì đổ lỗi cho nhau được ích gì hay là chạy tội, đồng lõa sự bao che một cách ích kỷ hẹp hòi.
Cho dù tác nhân hay nạn nhân đều là con người; trong một sự kiện cả hai đều là nạn nhân thì cần có sự chăm sóc, an ủi, tạo điều kiện cho họ hoàn thiện. Không ai là ác quỷ nếu tâm mình nhìn người không mang bản chất ác quỷ!!!
Trước sự chân thành hối lỗi của người mà mình cứ ngờ vực theo chiều hướng xấu đối với họ thì chính tâm ác đã sống chung với mình, mang danh tôn giáo để mà chi?
“Tốt khoe xấu che” cũng chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định mà thôi.
Minh Mẫn (15/11/2012)

bài gửi từ Thái Không ở Mỹ


Giòi bọ từ đâu phá đạo nhà?
Từ trong Tôn giáo chúng bò ra.
Mang danh Đại đức làm mất ĐỨC
Đội lốt tu hành lầm chết CHA.
Lắm kẻ nhiều tiền thì trửng mỡ
Bao người khó khổ lại kêu ca.
Hỡi ai Tỉnh trí đừng mê tín.
Chớ móc hầu bao cúng bọn tà !

TNKL