Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012
Nhất Phi góp ý với Minh Mẫn về "Trẻ hóa Phật sự"
Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012
TRẺ HÓA NHIỆM KỲ VIII TH PG
Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TP. HCM NHIỆM KỲ VIII (2012-2017)
Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012
MÁI ẤM CHÙA PHẬT MINH – BẾN TRE
Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012
Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012
NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHÀNG THANH NIÊN CỦA...
Kính gửi cư sĩ Minh Mẫn bài của nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh và phản hồi của KS Lê Quốc Trinh.
Là người nhiều năm nghiên cứu Phật học, xin cư sĩ cho biết nhận định của KS Lê Quốc Trinh về Phật giáo như vậy là đúng hay sai? (Xin cư sĩ viết thành bài).
Rất mong nhận được bài của cư sĩ.
Kính chúc cư sĩ nhiều sức khỏe.
Trân trọng,
Thích Minh Trí
TẤT ĐẠT ĐA VÀ NGUYỄN TẤT THÀNH
Đặt hai người nầy bên cạnh nhau chắc chắn tôi sẽ bị ném đá.
Người Phật Giáo, không phải là các thiền sư, cho đó là sự phạm thượng. Người cộng sản cho đây là sự xúc xiểm.
Tôi không theo Phật cũng không theo Cộng nên đối với tôi, đó là hai chàng trai, hai chàng trai rất đặc biệt. Hai người ấy thường xuyên hiện hữu trong tâm trí của rất nhiều người Việt
Tất Đạt Đa là một chàng trai diễm phúc, có danh hiệu ai cũng mơ tới và không có mấy người có được: Thái tử. Chàng chuẩn bị lên ngôi vua. Chàng có vợ tuyệt đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc, có người hầu kẻ hạ, sống trên nhung lụa. Thế nhưng chàng không tự giam mình trong lầu son gác tía. Chàng đi xuống với dân gian. Thời đó, Ấn Độ dân đông nên đời sống rất cùng cực do vậy chàng thấy nhân dân mình đói nghèo, khổ sở quá, khổ khắp mọi nơi. Từ đó chàng quy nạp lên cả nhân gian nầy là một bể khổ, ở đâu cũng khổ, trong hoàn cảnh nào cũng khổ: Sinh, bệnh, lão, tử đều khổ. Chàng chạnh lòng nghĩ rằng phải tìm ra con đường cứu khổ cho nhân dân của chàng và cho cả nhân loại. Thế là chàng, trong một đêm trăng sáng, dứt vợ đẹp con ngoan để ra đi tìm đường cứu khổ cho nhân loại.
Ban đầu chàng có lầm lạc, đi sai đường, nhưng sau đó tỉnh ngộ, sửa sai, đi theo con đường khác và chàng đã thành công, đạt được đại giác ngộ, thấy ra con đường tự giải thoát bản thân và giải thoát cho cả nhân loại.
Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này.
Chàng trai Nguyễn Tất Thành sinh sau hơn 2000 năm, có hoàn cảnh bất hạnh hơn. Chàng là công tử con một vị quan nhỏ nhưng ông ta trong cơn say đã lỡ tay đánh chết người, bị truất chức quan đuổi về vườn. Con đường học hành để nối nghiệp cha vì thế cũng bị cắt đứt, chàng xuôi vào
Được sự gởi gấm của cha, khi vừa đặt chân đến trời Tây, chàng đã nhận được sự bảo bọc và dạy dỗ của một nhà cách mạng kiệt xuất thời đó là cụ Phan Chu Trinh.
Nhưng theo như lời chàng kể, con đường cứu nước ôn hòa, đấu tranh dân chủ của cụ Phan là con đường lầm lạc, chàng tự đi tìm con đường khác: Đường Kách Mệnh theo phương pháp đấu tranh bạo lực của ông trùm duy vật bạo lực Lê Nin. Đó là con đường kích động hận thù và đấu tranh bạo lực tiêu diệt nhau giữa các tầng lớp nhân dân để phát triển.
Vài mươi năm sau, chàng về nước cùng nhân dân đứng lên cướp chính quyền từ tay của chính phủ Trần Trọng Kim và của vua Bảo Đại rồi tuyên bố độc lập. Chàng trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tất Thành trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước do chàng và các đệ tử của chàng lãnh đạo vẫn không một ngày dứt cảnh tang thương, lòng người luôn luôn ly tán, tầng lớp nhân dân nầy thù địch với tầng lớp nhân dân kia. Một đệ tử nổi tiếng của chàng đã nói: Có triệu người vui thì có triệu người buồn. Do vậy có triệu người tôn thờ chàng thì cũng có chừng ấy kẻ căm ghét.
Tất yếu phải như vậy, vì con đường của chàng mang từ trời Tây về là con đường lấy sự đấu tranh hận thù giữa các giai cấp làm lẽ sống.
2.9.2012
Huỳnh Ngọc Chênh
* Phản hồi của KS Lê Quốc Trinh
Ông Huỳnh Ngọc Chênh nè,
Tui là Phật tử thuần thành, nghiên cứu triết lý Nhà Phật theo lăng kính khoa học, nên tui có trách nhiệm cần nhắc nhở ông Chênh vài ngộ nhận về Đạo Phật nhe.
Ông Chênh nói rằng: …”Con đường của chàng Tất Đạt Ta là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này”…
Hổng phải vậy đâu ông ơi! Là con người không ai có thể từ bỏ hay diệt tham sân si được đâu, vì đó là trạng thái tâm lý, hiện tuợng năng lượng phát triển. Thái tử Tất Đạt Ta đã vì lòng ham muốn “tìm chân lý” mà phải trải qua biết bao khổ cực, suýt chết đấy. Tham Sân Si thường được Đức Phật so sánh như ba ngọn lửa nóng. Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu. Tuy nhiên Đức Phật không hề kêu gọi “diệt” tham sân si, ngược lại Ngài hướng dẫn phương pháp tu hành để phát triển trí tuệ nhằm kiểm soát ba ngọn lửa đó. Ba nguyên tắc tu học theo thứ tự ưu tiên là GIỚI , ĐỊNH , TUỆ. Chỉ có con đường GIÁC NGỘ, phát triển trí tuệ khám phá chân lý mới giải thoát con người khỏi khổ não mà thôi.
Nói chính xác hơn thì phát triển trí tuệ đi đến giác ngộ chỉ là phương tiện, mà hướng tiến đến chính là “lòng từ bi” yêu thương chúng sinh. Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẫn quẩn của thù hận.
Thân chào ông nhé,
Lê
……………………………………………………………………………………………………..
NHẬN ĐỊNH… bài của nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh và phản hồi của KS Lê Quốc Trinh VỀ HAI CHÀNG TRAI…
Thực tâm mà nói, ông Huỳnh Ngọc Chênh không có ý đồ làm lệch hướng giáo lý nhà Phật cũng như hạ bệ Đức Phật, nhưng do suy diễn theo kiểu tục đế mà làm lệch ý nghĩa sự giải phóng con người khỏi khổ đau trầm luân của Đức Phật.
Một tín đồ nhiệt thành sẽ không chấp nhận đem hai hình ảnh đứng cạnh nhau để xem ai cao hơn ai, nhưng khách quan và khoa học mà xét, điều nầy khả thi ở góc độ triết lý nhân bản.
Xin được lần lượt trả lời với nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh: “Thời đó, Ấn Độ dân đông nên đời sống rất cùng cực do vậy chàng thấy nhân dân mình đói nghèo, khổ sở quá, khổ khắp mọi nơi. Từ đó chàng quy nạp lên cả nhân gian nầy là một bể khổ, ở đâu cũng khổ, trong hoàn cảnh nào cũng khổ: Sinh, bệnh, lão, tử đều khổ. Chàng chạnh lòng nghĩ rằng phải tìm ra con đường cứu khổ cho nhân dân của chàng và cho cả nhân loại.”
Thưa ông Huỳnh Ngọc Chênh, thời đó dân Ấn không đông hơn bây giờ đâu. Hiện giờ trên một tỷ người, tuy Ấn Độ là một trong những nước phát triển khoa học kỹ thuật hiện nay, nhất là về tin học, thế mà mức sống của dân chưa mấy thay đổi, vì đẳng cấp xã hội còn đè nặng lên giai cấp cùng đinh. Nếu nói theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, do nhìn thấy dân mình khổ mà chàng quy nạp nhân gian nầy là bể khổ… thì cái thấy của chàng Tất Đạt Đa còn quá hạn chế.
Tuy còn bé, Tất Đạt Đa đã thấy mạnh hiếp yếu, vật lớn ăn vật nhỏ, đã thấy con người không ai thoát khỏi sanh già bệnh chết từ người đến vật, từ sang đến hèn chứ không chỉ nhân dân nghèo khổ của Ấn độ. Với cái sở học toàn triệt do các đạo sư hiền triết hướng dẫn khi còn trong cung điện, đã giúp cho chàng Tất Đạt Đa có cái ý niệm tổng quát về cuộc đời rồi. Khi ra dạo bốn cửa thành thực chứng hiện trạng kiếp người, Tất Đạt Đa đã phải tìm một phương thức giải thoát cho nhân loại khỏi trói buộc trong vòng lẩn quẩn đó.
“Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát.”
Có lẽ nhà văn chưa phải là một hành giả, chỉ là một học giả, nên không phân biệt được thế nào là từ bỏ Tham-sân-si để đổi lấy Từ-bi-hỷ xả. Thật ra Tham sân si hay từ bi hỷ xả chỉ là trạng thái tâm lý, không là vật thể để có thể lựa chọn từ bỏ hay chấp nhận như một đồ vật. Từ bỏ một chiếc áo bẩn, một đồ vật không thích hợp thì dễ, vì đó là vật ngoài thân, nhưng trạng thái tâm lý dính liền với tưởng thức thì ta nên dùng chữ chuyển hóa đúng hơn. Tốt và xấu là hai mặt trong một hợp thể, nó không phải hai khối rời nhau, để chọn cái nầy bỏ cái nọ được. Như nước đục được chuyển hóa thành nước trong cùng trong một ly nước; làm sao gạt bỏ cái đục để lấy cái trong khi chúng là một hợp thể??? Vì thế Tham sân si được chuyển hóa bằng một quá trình ý thức tu tập thì Từ bi hỷ xả tự lộ diện, đâu cần phải lấy từ đâu tới hay từ ngoài vào để trang bị cho một ý thức, một tâm trạng, mới thương yêu mọi người rồi tiến tới giải thoát? Huỳnh Ngọc Chênh đã chia chẻ quá trình chuyển hóa tâm thức của Phật giáo thành những công đoạn duy vật.
Sự so sánh nhân thân của hai thành phần trong xã hội khác nhau quá xa, xa về ý thức hệ, xa về nhân cách, xa về tổng thể… Mục đích Huỳnh Ngọc Chênh muốn tô hồng đức Phật nhưng thực ra đem cánh sen so sánh với hoa mồng gà quả là sự so sánh lệch lạc. Một đàng hóa giải nỗi thống khổ trần gian bằng tư duy thực nghiệm, một đàng chỉ thấy cái ách thống trị trước mắt mà không thấy tận nguồn của nghiệp thức thì hành động đưa đến dĩ nhiên mâu thuẫn lòng vòng trong đau khổ, lấy bạo lực giải quyết bạo lực, lấy đau khổ trấn áp khổ đau thì đâu vẫn hoàn lại đấy; Vì thế Đức Phật bảo chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù. Kết quả giá trị của hai hành động đã được ông Huỳnh Ngọc Chênh xác minh.
“Một đệ tử nổi tiếng của chàng đã nói: Có triệu người vui thì có triệu người buồn. Do vậy có triệu người tôn thờ chàng thì cũng có chừng ấy kẻ căm ghét.”
Huỳnh Ngọc Chênh đã thấy được tính mâu thuẫn mà học thuyết Mac-Lê đã nói: “Trong một hợp thể, luôn có hai mặt mâu thuẫn đối lập lẫn nhau, giải quyết mâu thuẫn nầy thì mâu thuẫn khác phát sanh…”. Thế thì giải quyết một vấn đề cho một triệu người vui tất phải có hàng triệu người buồn là lẽ tất định. Trong khi giáo thuyết nhà Phật hàng ngàn năm qua, giải quyết vô số người khổ đau có ai bị đau khổ hơn trong vấn đề giải quyết đó, hay đã hoán chuyển họ thành an lạc và giúp chung quanh an lạc, từ bi hơn?
Học thuyết phương Tây lúc bấy giờ, kể cả giáo thuyết, luôn nằm trong thế nhị nguyên, chưa vượt thoát được tính ràng buộc đối đãi, được và mất, hơn và thua. Vì thế đưa ra mặt hay sẽ kèm theo cái dở. Hoặc anh là bạn, hoặc là kẻ thù, đó là lối suy diễn phàm phu, nhà Phật vượt thoát hai phạm trù đối đãi nên không bị kẹt vào hậu quả tương tác. Giải thoát kẻ bị trị bằng tiêu diệt kẻ thống trị, lực lượng triệt tiêu thống trị sẽ trở thành kẻ thống trị kế thừa, đó là quy luật.
Đúng như KS Lê Quốc Trinh viết: “Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẩn quẩn của thù hận”.
Lấy Tham sân si để giải quyết Tham sân si tăng thêm thù hận khổ đau; dùng từ bi vị tha hoán chuyển tham sân si đem đến an lạc hài hòa.
Huỳnh Ngọc Chênh có ý thức tốt về giáo lý nhà Phật nhưng chưa hiểu thấu đáo nên nhầm lẫn trong cách suy diễn, cứ nghĩ muốn làm người tốt là phải lấy cái nầy bỏ cái kia mà không thấy được quá trình chuyển hóa tâm lý của một hoa sen mọc từ bùn. Nếu bỏ bùn lầy thì làm gì có sen phải không ông Huỳnh Ngọc Chênh? Nói theo KS Lê Quốc Trinh là:
“Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu”.
Tóm lại, thế gian pháp và xuất thế gian pháp là hai lãnh vực khác biệt không thể so sánh khập khểnh như thế; cho dù so sánh thế nào cũng không tránh khỏi người đứng giữa hai làn đạn.
MINH MẪN
09/9/2012
Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012
CẦN LÀM RÕ...
Cần làm rõ những bất minh của THPGHP trong việc trục xuất ĐĐ Trụ trì chùa Cao Linh
Mãi đến nay, gần một tháng, từ khi có quyết định số 85/QĐ-BTS khai trừ ĐĐ Thích Giác Nghiên, trụ trì chùa Cao Linh (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) gây xôn xao không ít trong cộng đồng Phật giáo Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, về một văn bản sai nguyên tắc hành chánh, về một việc làm thiếu nghiêm túc của Ban Trị sự PG HP trong tổ chức, về cách hành xử không đúng giới luật nhà Phật và thiếu tình người của những chức sắc, của những bậc thầy đối với hàng đồ đệ đáng tuổi con cháu của các ngài. Phải chăng dùng quyền lực để áp chế tu sĩ mà một số BTS trong nước đã và đang hành xử?
Qua trao đổi với phóng viên Bảo vệ Pháp luật, TT.Thích Thanh Giác, Phó Ban trị sự THPGHP, sư phụ của ĐĐ Thích Giác Nghiên thừa nhận: “Những mâu thuẫn giữa ông và ông Nghiên là mâu thuẫn giữa Thầy với Trò, bố với con. Tuy ông có văn bản trình Thành hội, nhưng không ngờ Thành hội lại ra Quyết định tẩn xuất ông Nghiện lại quá nóng vội, chưa đúng quy trình như vậy...”
Thế nhưng, cũng trong cuộc trao đổi trên, một đoạn khác, TT Thanh Giác lại bảo: Tôi cũng chỉ dẫn ông Nghiên về sám hối, nhận lỗi với Thành hội thì Thành hội sẽ không tẩn xuất. Nhưng, ông Nghiên chỉ có văn bản sám hối gửi tôi, nội dung rất chung chung... Vì vậy, tôi buộc phải có văn bản đề nghị khai trừ sư ông Nghiên ra khỏi Giáo hội.”
Văn bản đề nghị khai trừ thầy Giác Nghiên ra khỏi Giáo hội tức là đã có ý đồ tẩn xuất, chứ không phải là đe dọa, thì việc Thành hội ra văn bản khai trừ, sao TT Thanh Giác bảo là: “không ngờ”; khi báo chí vạch trần sự sai trái của văn bản 85/QĐ-BTS và việc làm vô trách nhiệm của TT Quảng Tùng thì TT Thanh Giác lại chữa cháy bằng cách đổ vạ là "nóng vội, chưa đúng quy trình”. Nếu một vị thầy có tinh thần giáo dục, có trách nhiệm và có lòng từ bi trước sự sai trái của đệ tử lòng non dạ trẻ thì không thể dùng quyền lực của Ban trị sự yêu cầu “khai trừ”, một từ mang tính chính trị-bạo lực của thế gian chứ không phải ngôn ngữ của người tu nhà Phật; và nếu thầy Thanh Giác biết nguyên tắc hành chánh “chưa đúng quy trình” thì thầy đã không hành xử với đệ tử như thế?
Trao đổi với PV về 6 “tội” của ĐĐ.Thích Giác Nghiên, TT.Thích Thanh Giác cho biết: "Đúng là tôi đã có đơn báo cáo thành hội về 6 “tội” của ông Nghiên. Tuy nhiên, tôi cũng không có băng ghi âm, ghi hình, hay chứng lý nào khác, chủ yếu là nghe một số người phản ánh như vậy. Các hành vi vi phạm trên của ông Nghiên chủ yếu là không nghe theo thầy nghiệp sư và báo cáo Thành hội". Một chức sắc trong BTS Thành hội, đã biết đồng nghiệp ra văn bản không đúng quy trình, mà lại làm trật quy trình khi kết tội đệ tử chỉ nghe nói lại mà không có chứng từ, hình ảnh, ghi âm như ông thú nhận với phóng viên?
Qua 6 tội vạch lá tìm sâu, không tội nào mang tính chất phạm giới hay phạm luật. Mở phòng phát hành là phạm giới? Mở khóa tu mùa hè giúp con em rèn luyện đạo đức là phạm giới? Lập Niệm Phật đường giúp Phật tử tiện việc tu tập là phạm luật? Độ người xuất gia là phạm luật? Chỉnh trang và xây dựng bổn tự là trái pháp luật? Xét cho cùng, tất cả chỉ chạm lòng tự ái của các bậc “cao xanh” vì trẻ dám chứng tỏ khả năng vượt trội đàn cha đàn chú. Có nghĩa là trong cơ chế quan liêu của BTS Hài Phòng và một số tỉnh thành phía Nam, không ai được vượt quyền nổi trội hơn các vị có thẩm quyền tại chức, thà để ngoại đạo tự tung tự tác không sao.
Ví dụ, tại một số xã vùng xa ở Bình Dương, không chùa thất nào được quy tụ quá 5 Phật tử đến lễ bái nếu Ban đại diện PG huyện ở đó không cho phép, vì họ sợ phân tán tín đồ trong một mặt bằng rộng lớn của vùng rừng cao su. Hay như Hòa thượng Thích Nhuận Thanh, Trưởng Ban trị sự PG tỉnh Bình Phước không cho phép bất cứ tu sĩ nào tự động sinh hoạt trong các vùng đa phần sắc tộc thiểu số, không một chùa thất nào được mọc lên, mặc dù mỗi lần lễ, tín đồ phải vượt gần trăm cây số để đến chùa. Trong khi đó, các vùng miền Đông cao nguyên, tín đồ Tin Lành ngày một phát triển một cách nhanh chóng.
Thêm một quan chức Phật giáo trong BTS Hài Phòng, ông Giác Hiền, Phó BTS kiêm chánh văn phòng THPG HP, mặc dù là huynh đệ đồng sư với thầy Giác Nghiên, cũng gây khó khăn vô nguyên tắc khi quyền lực đang nắm trong tay: "Hiện tại sư Nghiên mới có 2 hạ, 3 năm đi hạ từ 2007 – 2009 thì đến nay chúng tôi mới tập hợp danh sách việc đi học của ông Nghiên và các sư khác để báo cáo Thành phố cho phép, chúng tôi mới cấp Chứng điệp an cư. Nhưng với khuyết điểm của ông Nghiên như vậy, chúng tôi cũng không thể đưa vào danh sách đợt này, (nhưng theo thầy Giác Nghiên thì đã đủ 10 hạ kể cả thời gian du học ở Đài Loan). Việc cấp chứng điệp an cư đâu liên hệ gì đến việc thầy trò của họ tố khổ mà phải ngưng? Phải chăng đây là việc thừa gió bẻ măng của những tâm hồn hẹp hòi được lộng trong chiếc áo đạo đức tôn giáo???
Về vấn đề TT Quảng Tùng, Phó ban thường trực Ban trị sự THPGHP, trả lời với báo chí: “Căn cứ vào đơn đề nghị của thầy nghiệp sư Thích Thanh Giác, chúng tôi đã cho gọi ông Nghiên lên Thành hội để làm kiểm điểm, sám hối nhưng ông ấy không lên, cũng không gửi văn bản sám hối... thì chúng tôi buộc phải ra Quyết định tẩn xuất thôi. Còn về chứng lý, không cần phải kể 6 “tội” chỉ cần căn cứ vào việc độ giới người xuất gia trái phép là đã đủ “tội” để khai trừ rồi."
Chỉ đơn giản có lệnh “triệu tập” mà không đến thì ra lệnh tẩn xuất khỏi Giáo hội? Luật pháp thế gian cũng phải nhiều lần cảnh báo, ngoan cố mới xử phạt, nhưng chưa phải phạt khai trừ khỏi tổ chức chỉ vì không đến trình diện theo lệnh gọi! Phật giáo mà thiếu lòng từ bi hơn thế gian thì có xứng đáng là chức sắc đại diện cho Tăng Ni và cũng là một trụ cột của Giáo hội? Hầu hết các chức sắc Phật giáo có địa vị chức quyền, cứ nghĩ mình có quyền sanh sát trong tay, thường o ép Tăng Ni, bất kể giáo luật, nội quy, Hiến chương hay Pháp lệnh Tôn giáo, thậm chí còn lạm dụng hành chánh thế gian đòi quản chế tại gia đối với thầy Giác Nghiên? Ôi, loạn từ đời đến Đạo. Nếu TT Quảng Tùng mà là một Tổng Bí thư thì con dân cho đi mò tôm hết chăng?
Thế nào là độ người xuất gia trái phép mà TT Quảng Tùng không trưng dẫn điều khoản nào trong luật tạng hay trong nội quy Tăng sự? Vấn đề độ người xuất gia trái phép, nếu có, nó thuộc về giới luật của Đạo, thì sao xử dụng hành chánh để làm văn bản tẩn xuất? giúp người tu học mà khó đến thế sao? Ông Quảng Tùng lẫn lộn giữa quy tắc hành chánh và luật Đạo nên mới tuyên bố ngớ ngẩn: "Còn về quy trình thì, chúng tôi đã 2 lần cho họp các thành viên trong hội nghị với số lượng còn đông hơn cả Hội đồng Yết Ma, mọi người đều nhất trí, cần gì phải thủ tục thành lập Hội đồng yết ma gì nữa...”
Thế là ông ta chỉ căn cứ số đông theo kiểu bầu bán thế tục chứ không dùng luật Đạo tác pháp Yết Ma??? Ối trời, một chức sắc PG cấp Tỉnh mà trình độ hành chánh và giáo luật như thế sao bảo không loạn; Tăng Ni chỉ sợ quyền lực, làm sao họ kính nể những thạch trụ Phật Pháp như thế! Những vị nầy, Giáo hội nên cho thọ giới Sa Di và học hết bốn cuốn luật trước khi thọ Tỳ kheo trở lại, mới hy vọng không làm hoen ố Đạo và tổ chức Phật giáo. Theo cung cách làm việc cũng như ngụy biện của thầy Quảng Tùng đúng là quan liêu cửa quyền chứ không phải là một chức sắc tôn giáo. Ngay cả ông Phó Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Hải Phòng cũng bảo văn bản của Ban trị sự THPGHP là sai nguyên tắc, và chính quyền địa phương cũng không đồng thuận việc làm tắc trách quan liêu của BTS PG HP.
Khoản 3, điều 43, chương 8, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, ban hành theo Quyết định số 054/QĐ/HĐTS ngày 10-02-2009 của Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, về việc bãi miễn trụ trì quy định: "Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh có quyền ra quyết định bãi miễn và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với cơ sở Tự, Viện khi vị trụ trì cơ sở đó vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước". Vậy thầy Giác Nghiên vi phạm Hiến chương Giáo hội và pháp luật nhà nước trong điều khoản nào để bãi nhiệm trụ trì???
Chuyện Phật giáo Hải Phòng không chỉ đơn thuần chùa Cao Linh mà chắc sẽ còn nhiều tu sĩ bị o ép như thế. Không riêng BTS PGHP mà còn nhiều BTS các tỉnh thành lạm quyền bắt chẹt Tăng Ni. Giáo hội Trung ương chắc chắn không hề biết và cũng không thể xử. Nếu Mặt trận là vệ tinh của đảng thông qua tôn giáo hướng dẫn quần chúng thực hiện chính sách, nếu Ban Tôn giáo là cơ quan chuyên sâu nắm vững tôn giáo đi đúng chính sách và tôn giáo cũng không nằm ngoài quỹ đạo của ngành an ninh xã hội, thì những cơ quan chức năng như thế có bổn phận kết hợp với Trung ương Giáo hội để giúp các chức sắc Phật giáo quán triệt chính sách, pháp luật, giáo luật, pháp lệnh khi làm việc, để những chức sắc Phật giáo là người thầy chân tình, người bạn thân thiện đối với Tăng Ni, người thầy đáng kính của Phật tử, không là hung thần làm méo mó hình ảnh từ bi của nhà Phật.
Yêu cầu các cơ quan chức năng làm sáng tỏ những hành động bất minh của BTSPG HP, hầu giải oan cho những tu sĩ trẻ năng động làm lợi Đạo giúp đời như thầy Giác Nghiên hiện nay. Đồng thời làm trong sạch tổ chức BTS PGHP để chuẩn bị cho Đại Hội Phật giáo trong nhiệm kỳ mới.
Minh Mẫn (04/9/2012)