Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

LẠM DỤNG CHỨC QUYỀN CƯỚP CHÙA


LẠM DỤNG CHỨC QUYỀN CƯỚP CHÙA

Qua sự kiện chùa Phúc Lâm đưa tin: Hải Phòng: Vì sao một Đại Đức trụ trì phải kêu cứu thấu đến "Cửu trùng"? Có lẽ đây không phải là hiện tượng duy nhất xẩy ra tại Hải Phòng; mà cũng đã từng xẩy ra ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Năm ngoái, Ban Tri Sự Phật giáo Phú Yên đã tẩn xuất ĐĐ Thích Nguyên Nguyện bằng sự hợp tác với các cơ quan chức năng, phóng loa suốt nửa tháng, họp dân lên án, đem lực lượng vũ trang, lôi kéo ĐĐ Nguyên Nguyện, vất đồ đạt ra ngoài, khóa chùa Từ Ân để giao cho vị khác. Mặc dù quần chúng phản đối, nhưng cách hành xử dùng lực lượng công an, dân phòng, như bao vây tiêu diệt địch trong thời chiến đối với một tu sĩ tay không.

Giờ đây, chùa Thanh Lương cũng thuộc Phú Yên, huyện Tuy An, xã An Chấn cũng lâm vào tình trạng bị BTS cướp để giao lại cho những vị “đủ tiêu chuẩn thủ tục đầu tiên”, với lý do: ĐĐ Quảng Ngộ không tham gia Giáo Hội và thời gian làm trụ trì 5 năm đã mãn.

Cũng nhắc lại những năm trước đây, một tượng Phật Quán Âm bằng gỗ quý, trôi giạt từ biển, quần chúng thỉnh về chùa thờ, BTS yêu cầu chùa giao lại cho BTS để chuyển nhượng cho công ty du lịch Sao Việt; nhưng thầy Quảng Ngộ và quần chúng Phật tử không đồng. Từ đó, giữa BTS và thầy Quảng Ngộ luôn có mối bất hòa. Chủ động là thầy Nguyên Đức phó Ban thường trực thao túng cả HT Tâm Thủy, trưởng BTSPG Phú Yên.

Thật tình mà xét, một tu sĩ thuộc sự quản lý của Giáo Hội địa phương bảo là không tham gia Phật sự là chuyện vô lý. Hiến chương Giáo Hội, nội quy ban Tăng Sự và kể cả Pháp Lệnh tín ngưỡng không hề quy định thời hạn trụ trì 5 năm như BTS Phú Yên đã ban hành.

Một số nơi, chức sắc Phật giáo lạm dụng quyền hành, dựa vào Ban Tôn Giáo, Ban Nội Vụ, Mặt trận áp chế tu sĩ với những lý do vu vơ. Cho dù một tu sĩ sai phạm giới luật hay phạm pháp nhà nước, cũng chưa cần phải tẩn xuất nếu quá ba lần giáo dục kiểm điểm sám hối mà không biết phục thiện. Khi tẩn xuất, địa phương cũng như giáo hội không có trách nhiệm tìm nơi cư trú cho họ, để họ phải lang thang như kẻ không nhà. Đây là việc làm thiếu trách nhiệm, thiếu dân chủ và thiếu tình người. Yêu cầu giáo hội trung ương cũng như Bộ Nội Vụ, Ban Tôn Giáo chính phủ, Mặt trận tổ quốc phải quán triệt cho các cấp chức sắc Phật giáo về quyền hạn trong phạm vi Hiến chương, nội quy Tăng sự, không được hành xử quá quyền hạn cho phép, đẩy những tu sĩ thế cô vào con đường cùng.

ĐĐ. T. Giác Nghiên chùa Cao Linh cũng là một trong những nạn nhân như ĐĐ Nguyên Nguyện và hiện giờ là ĐĐ Quảng Ngộ trụ trì chùa Thanh Lương, do các chức sắc lạm quyền đẩy nạn nhân xách gói ra đi, mà bao năm qua, quý vị nầy đã bỏ công sức tu tạo cơ sở và hướng dẫn quần chúng tu tập đạo đức một cách ổn định. Chả lẽ ngoài xã hội có những chuyện bất cập, trong đạo, nguời tu không biết thương nhau, bậc trưởng thượng lại đè ép Tăng trẻ chỉ vì tự ái và quyền lợi vặt???

Đừng tạo một tiền lệ để Giáo Hội không còn là tổ chức tâm linh cho thế tục noi theo!

MINH MẪN

24/8/2012

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

MIỀN VĨNH NGHIÊM


MIỀN VĨNH NGHIÊM

Miền Vĩnh Nghiêm là tên gọi cho cộng đồng Phật giáo miền Bắc sống trong Nam, sau 1964 Phật giáo thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chia vùng hành chánh theo từng miền:

1. Miền Vạn Hạnh: Bắc duyên hải Trung phần từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trụ sở ở Huế

2. Miền Liễu Quán: Nam duyên hải Trung phần từ Bình Định đến Bình Thuận, trụ sở ở Quy Nhơn

3. Miền Khuông Việt: Cao nguyên Trung phần từ Kontum đến Quảng Đức, trụ sở ở Ban Mê Thuột

4. Miền Khánh Hòa: Miền Đông Nam phần từ Bình Tuy lên Phước Long, Tây Ninh xuống đến Gia Định

5. Miền Huệ Quang: Miền Tây Nam phần Tiền Giang

6. Miền Khánh Anh: Miền Tây Nam phần Hậu Giang

7. Miền Quảng Đức: Thủ đô Sài Gòn, trực thuộc Viện Hóa Đạo

8. Miền Vĩnh Nghiêm: Phật tử Miền Bắc di cư và đại diện cho cả Miền Bắc

Đây là kết quả cuộc họp liên tục và cân nhắc của Phật giáo lúc bấy giờ sau khi nhà Ngô sụp đổ. Cuộc họp bắt đầu từ ngày 31 Tháng Chạp năm 1963 tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn với:

1. Ủy ban Liên phái Phật Giáo: Thượng Tọa Thích Tâm Châu

2. Giáo hội Tăng già Bắc Việt: Thượng Tọa Thích Tâm Giác

3. Thiền tịnh Ðạo tràng: Thượng Tọa Thích Minh Trực

4. Giáo hội Nguyên Thủy Việt Nam: Thượng Tọa Thích Pháp Tri

5. Giáo hội Theravada: Lục Cả Lâm Em

6. Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam: Thượng Tọa Thích Thanh Thái

7. Giáo hội Tăng già Trung phần: Thượng Tọa Thích Huyền Quang

8. Giáo hội Tăng già Nam Việt: Thượng Tọa Thích Thiện Hoa

9. Hội Phật học Nam Việt: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

10. Hội Phật giáo Nguyên thủy: cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu

11. Hội Phật giáo Trung phần: Thượng Tọa Thích Trí Quang

12. Hội Việt Nam Phật giáo: cư sĩ Vũ Bảo Vinh

13. Ðại diện Phật tử Theravada: cư sĩ Sơn Thái Nguyên.

Như vậy, trên phương diện lãnh thổ, các Miền quy định địa dư rõ ràng, riêng Miền Vĩnh Nghiêm chỉ là danh nghĩa dành cho cộng đồng Phật tử miền Bắc đang sống trong Nam đại diện cho phía Bắc, vì quần chúng Phật tử miền Bắc có mặt tất cả khắp phía Nam, không có địa giới rõ ràng; tuy là đại diện cho Phật tử phía Bắc, nhưng không liên lạc với phía Bắc. Vì vậy gọi là miền Vĩnh Nghiêm là miền lơ lửng giữa 7 miền còn lại. Tuy nhiên, nề nếp sinh hoạt tôn giáo và cơ sở vật chất vẫn là một thực tại. Miền Vĩnh Nghiêm lúc bấy giờ do cố HT. T. Tâm Giác làm chánh đại diện.

Nhân sự:

Trước 1975, lúc bấy giờ, chư Tăng Miền Vĩnh Nghiêm, hay nói cách khác là chư tôn đức miền Bắc vẫn có một trọng lượng đáng kể trong tổ chức GHPGVNTN, tuy ít. Cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác, HT. T.Thanh Long, cố HT T. Quảng Long, cố HT. T. Đức Nhuận, HT T. Tâm Châu, HT. T. Quảng Độ, HT. T. Đức Nghiệp, HT. T. Quảng Thiệp, HT. T. Giác Đức… là những gương mặt sáng giá trong tổ chức GHPGVNTN đủ đại diện cho cộng đồng Phật giáo miền Bắc sinh hoạt tại miền Nam. Các Ngài đã góp công rất lớn cho việc phục hoạt tổ chức Phật giáo Việt Nam sau 1963.

Về phía Bắc, chùa tổ Vĩnh Nghiêm, trong thời chiến, thiếu nhân sự thừa kế, một số chư Tăng phải xếp cà sa khoác chiến bào, vì vậy một thời gian dài tổ đình Vĩnh Nghiêm Bắc Giang thiếu bóng tu sĩ, kể từ lúc tổ Thanh Hanh (1838 – 1936) cố Thiền gia Pháp chủ phía Bắc có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo của thế kỷ 20, viên tịch.

Sau 1982, GHPGVN ra đời, khu vực hành chánh đã xóa tên miền Vĩnh Nghiêm cũng như các miền khác, chỉ còn danh xưng Ban Trị Sự Phật Giáo song song với cơ cấu hành chánh của nhà nước; Riêng Vĩnh Nghiêm được phục hoạt danh xưng như một dòng phái khởi nguồn từ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần Nhân Tông, hay còn gọi là Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử, từ đây, nhân sự của dòng Vĩnh Nghiêm cũng được gia tăng theo chiều dài lịch sử.

Nếu đệ tam Tổ Huyền Quang chấn hưng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, phát xuất mạch nguồn từ thiền sư Hiện Quang (đời thứ 15 dòng Vô Ngôn Thông) lấy chùa La (Vĩnh Nghiêm) Bắc Ninh làm cơ sở khởi đầu, thì ngày nay, Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang trở thành trung tâm du lịch tâm linh, có bề dày lịch sử về cơ sở đào tạo Tăng tài đầu tiên của đất nước, có lối kiên trúc đậm nét đặc trưng miền Bắc cổ; nằm ở vị trí non nước hữu tình về mặt cảnh quan, mà còn chiếm vị trí địa linh làm nẩy nở một thời dòng Thiền thuần Việt.

Cơ sở:

Tuy được xây dựng từ thời Lý, nhưng mãi đến đời Trần, vua Trần Nhân Tông và các đồ đệ chọn chùa La làm cơ sở hoằng pháp. Từ đó, Vĩnh Nghiêm mới đi vào lịch sử gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Kể từ khi Trúc Lâm Đại Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, cùng 2 đệ tử Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập phái Thiền tông hay còn gọi là dòng thiền Trúc Lâm Tam tổ, (kết hợp ba dòng Thiền trước đó: Tỳ Ni Đa Lưu Chi - Vô Ngôn Thông và Thảo Đường) mở mang hệ thống chùa tháp dọc theo hai sườn dãy Yên Tử, từ đó lan tỏa xuống vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong đó chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La) và vùng Yên Tử trở thành trung tâm đào tạo Tăng tài cho toàn quốc. Vua Trần Nhân Tông thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm đầu tiên. Sau đó Pháp Loa kế nhiệm trụ trì, khi Pháp Loa viên tịch, Thiền sư Huyền Quang kế thế thủ tọa, từ đây dòng thiền Trúc Lâm phát triển lớn mạnh. Phát xuất từ chùa La (Vĩnh Nghiêm), hình thành một giáo hội chính thống, có chủ trương, có tổ chức hành chánh, phong hàm giáo phẩm, có điệp đàn Tăng tịch. Lần đầu tiên Phật giáo có trường đào tạo tu sĩ, có khuynh hướng giáo dục rõ ràng.

Tuy nhiên, sau khi Thiền phái Trúc Lâm phát triển sâu rộng qua nhiều thời kỳ, Vĩnh Nghiêm không còn được xem thuộc trường phái Trúc Lâm Yên Tử, mà tự thân là một dòng biệt lập, mãi đến ngày nay. Dòng Vĩnh Nghiêm truyền thừa trên 800 năm, không mang một sắc thái thiền của Trúc Lâm Tam tổ, và thời gian cận đại, sinh hoạt Thiền môn của dòng Vĩnh Nghiêm không khác với các sinh hoạt của những thiền môn trong cả nước, Thiền Mật Tịnh dung thông.

Ngày nay, dòng Trúc Lâm Yên Tử do Hòa Thượng T. Thanh Từ hướng dẫn, lần lượt phục hồi và kiến tạo các cơ sở Trúc Lâm. Trong đó, tại Bắc Giang, Trúc Lâm Phượng Hoàng tại vùng đất Nham Biền, không xa chùa La, được hưng công một cách bề thế, có nghĩa, chùa Vĩnh Nghiêm không còn nằm trong hệ thống Trúc Lâm hiện nay.

Năm 1964, HT. T. Tâm Giác cùng HT. T. Thanh Kiểm đứng ra xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm tại Saigon, trên đường Công Lý mà hiện nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, do kỹ sư Bùi Văn Tố và Nguyễn Bá Lăng thiết kế xây dựng. Kế thế cố HT Trụ Trì Thích Thanh Kiểm, hiện nay là TT. T. Thanh Phong. Đây được xem là tổ đình Vĩnh Nghiêm phía Nam. Hàng ngày có hàng trăm du khách tham quan, mỗi đại lễ, có hàng vạn Phật tử tham dự; không những tổ đình Vĩnh Nghiêm đại diện cho dòng phái phía Nam mà còn là nơi du lịch nổi tiếng. Nơi đây có nhiều sinh hoạt gắn liền với xã hội và tín ngưỡng, tạo một uy tín vững vàng trong giới Phật giáo hiện nay.

Sau năm 1975, một số Tăng sĩ thành lập các nhánh Vĩnh Nghiêm như ở Mỹ do HT. T. Minh Thông chủ tạo. Tại Tiệp Khắc do một nhóm Phật tử tạo lập. Bên Úc, vùng Sydney có Vĩnh Nghiêm của TT. T. Viên Chơn sáng lập vào thập niên 80s. Thiền viện Vĩnh Nghiêm- Vũng Tàu do ĐĐ. T. Phúc Hải trụ trì. Tu viện Vĩnh Nghiêm quận 12 TP HCM do TT. T. Thanh Phong chủ tạo. Chùa Vĩnh Nghiêm Thành Phố Nürnberg, bang Bayern, C.H.L.B Đức-ÂU CHÂU hình thành năm 2009. Hiện phía Nam có trên 80 cơ sở thuộc dòng Vĩnh Nghiêm, và trên 500 Tăng Ni đang tu học khắp phía Nam, chưa kể số lượng tu sĩ và cơ sở vật chất từ Quảng Bình trở ra Bắc.

Một vài chùa miền Nam có liên đới với Phật tử miền Bắc trước đây, được xem là cơ sở dòng Vĩnh Nghiêm như chùa Giác Minh, chùa Từ Quang, chùa Phúc Lâm Biên Hòa, chùa Phổ Minh Tây Nguyên… hiện vẫn sinh hoạt không lệ thuộc dòng phái mà tiếp xúc, vẫn có nét riêng của Phật giáo phía Bắc.

Ảnh hưởng tâm linh:

Tuy dòng phái Vĩnh Nghiêm sau khi tách khỏi ảnh hưởng Thiền phái Trúc Lâm, nhưng tinh thần tu tập và gắn kết với cộng đồng xã hội vẫn không khác với chủ trương của Trúc Lâm Tam tổ. Những Thiền sư kế thừa dòng thiền Trúc Lâm vẫn lấy tôn chỉ: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” làm chủ đạo. Ngài linh động kết hợp giảng kinh thuyết pháp, mà các dòng phái trước kia chuyển ẩn dật, cách biệt xã hội, thì Thiền Trúc Lâm chứng minh cho thấy “Đạo đời viên dung” Phật pháp bất ly thế gian pháp. Trong thời chiến cũng như lúc thanh bình, chư Tăng thuộc dòng Vĩnh Nghiêm cũng từng tham gia mọi công ích, kể cả xếp cà sa khoác chiến bào để làm tròn bổn phận công dân. Thậm chí, thời kỳ này Hòa Thượng Thích Tâm Duyệt là người trực tiếp chèo đò chở cán bộ, bộ đội trên bến đò La qua sông Lục Nam. Sư Duyệt được Nhà nước tặng Huân chương vì đã có công trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Công tác xã hội ngày nay, chư Tăng dòng Vĩnh Nghiêm nói chung, TT. Thanh Phong phía Nam và TT. T. Thanh Vịnh, trụ trì tổ đình phía Bắc nhiệt tâm trong mọi công tác xã hội và hậu thuẫn cho giáo hội trong mọi sinh hoạt liên hệ đến kinh tế.

Vĩnh Nghiêm Bắc Giang là một cơ sở có nhiều vinh hạnh được chư danh Tăng thạc đức làm tọa chủ. Người đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh, kế đến là Ngài Đạo An, ngài Minh Tâm, ngài Bảo Tánh và ngài Huệ Quang (tức vua Lý Huệ Tông). Từ đó, các vua chúa, quần thần đều hướng về Vĩnh Nghiêm, nhất là khi Trúc Lâm đặt cở sở phát huy thiền phái của mình tại Vĩnh Nghiêm, nghiễm nhiên chùa La trở thành trụ cột cho Phật giáo thời bấy giờ, tiếp nối các danh Tăng về thủ tọa. Đến năm 1930, thế kỷ 20, Hòa Thượng T. Thanh Hanh, đệ nhất Pháp chủ thiền gia phía Bắc, rồi đệ nhị pháp chủ là Hòa Thượng T. Mật Ứng, HT. T. Quảng Duyệt, HT. T. Đức Nhuận đều xem Vĩnh Nghiêm là Già Lam Tổ đình cho Tăng ni an cư bốn mùa. Hiện nay là TT. T.Thanh Vịnh thủ tọa.

Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm thủ đắc kho mộc thư được ấn bản từ thời cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 gồm nhiều thể loại như kinh, luật luận, thi phú, sách thuốc và chú giảng… được Unesco công nhận là di sản thế giới.

Tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, tuy phát triển cơ sở vật chất, vẫn mang tầm vóc tâm linh, thổi hồn vào để duy trì tinh thần Phật giáo qua các cơ sở vật chất như bảo tháp để lưu tồn ân đức của chư vị tiền bối có công với dòng phái. Phía Bắc, tổ đình cũng không làm mất dáng vẻ cổ kính mặc dù nhiêu lần tu tạo tái thiết. Cho dù nơi đâu, cơ sở vật chất của dòng Vĩnh Nghiêm vẫn còn phảng phất nét văn hóa Phật giáo một thời của miền Bắc. Đó là nét đặc thù mà ngoài dòng phái Vĩnh Nghiêm, hiện nay chưa có dòng phái nào tồn tại lâu dài trên đất nước phía Bắc còn duy trì được văn hóa cá biệt của mình. Phải chăng, văn hóa tâm linh của dòng phái đã giúp chư Tăng bảo tồn được sắc thái đó?

Tập quán:

Hầu hết các chùa phía Bắc ảnh hưởng nặng Tam tòa Tứ phủ, vì thế, chư Tăng ít nhiều cũng phải biết nghi pháp hầu đồng. Đền miếu chùa đình là một quần thể văn hóa tín ngưỡng của miền Bắc. Từ ngày thành lập GHPGVN, chư Tăng giảm dần việc cúng sao giải hạn, đốt vàng mã. Tuy nhiên, quần chúng vẫn khó mà thay đổi. Một số tu sĩ trẻ được đào tạo từ học viện, phần nào ý thức và phân biệt được giữa tín ngưỡng truyền thống dân tộc và tín ngưỡng tâm linh Phật giáo, nhưng các trụ trì vẫn không thoát khỏi sự chi phối của quần chúng về tập quán Thần Phật. Trụ trì không biết hầu đồng múa rỗi thì khó mà được quần chúng yểm trợ. Chư Tăng dòng Vĩnh Nghiêm cũng thế, nhưng sinh hoạt tín ngưỡng dòng Vĩnh Nghiêm hiện nay có nhiều thay đổi hơn xưa. Đặc biệt, tuy nhập thế thời đại, chư Tăng được trang bị kiến thức tối thiểu, nhiều vị được du học, khi về lãnh sứ mạng hoằng pháp, hành đạo, vẫn giữ được nét truyền thống cổ về kiến trúc, duy trì được Tăng phong dòng phái mà không bị lỗi thời với hiện đại. Tuy thích nghi với thời đại về kiến thức, về kiến trúc, về sinh hoạt xã hội mà vẫn giữ được nét cổ kính của dòng phái do nhiều đời danh sư truyền đăng tục diệm. Tập quán sinh hoạt thiền môn phía Bắc vẫn không bỏ, nhưng cập nhật văn minh hiện đại vẫn có thừa. Nhất là chư Tăng phía Bắc được duy trì tập quán bởi quần chúng miền Bắc vẫn chưa nhạt nhòa nếp sống cổ xưa, đòi hỏi chư Tăng phải giữ được tập quán thiền môn mà hàng ngàn năm, phía Bắc từng là chiếc nôi của đạo Phật. Cái khó hiện nay của chư Tăng nói chung trong thời kinh tế thị trường, đòi hỏi phải thích nghi thời đại mà không phụ lòng nhu cầu tâm linh cổ xưa quần chúng miền Bắc. Tập quán vẫn là chiếc vành để giữ miệng thúng đạo đức tín ngưỡng được vững vàng hơn.

Tuy nhiên, chư Tăng dòng Vĩnh Nghiêm ở phía Nam tương đối ít bị ràng buộc bởi tập quán cổ thời, họ đã hòa nhập với nếp sinh hoạt phía Nam một cách uyển chuyển, tuy không đánh mất gốc cổ truyền, nhưng cũng không đi quá xa về Tăng phong đạo cách của Thiền môn.

Tóm lại, cùng với sự phát triển chung của Phật giáo, giòng thiền Trúc Lâm đang khôi phục cơ sở vật chất chưa đồng bộ với tăng trưởng tâm linh, tuy gọi là giòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, chưa cung cấp cho văn học Phật giáo Việt Nam hiện tại một nội chất đặc thù của Thiền phái ngoài danh xưng và các đời truyền thừa phả hệ của chư Thiền sư, chưa làm nổi bậc một pháp hành đặc thù như Tam Tổ đương thời, tuy nhiên khôi phục tinh thần Trúc Lâm trên cơ sở vật chất cũng là điểm tựa cho tinh thần dân tộc một thời được hưng phấn bởi giòng thiền Phật giáo Việt Nam duy nhất. Song song với sự phát triển của dòng Trúc Lâm khi tách biệt hẳn cơ sở chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm Bắc Giang), dòng Vĩnh nghiêm vẫn duy trì được tông phong và âm thầm phát triển. Tuy dòng Vĩnh Nghiêm mang tính truyền thừa của tiền hiền liệt tổ, dẫu sao vẫn còn duy trì tầm vóc một thời mà những chi phái khác có tên tuổi như Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Liễu Quán, Thiên Thai giáo quán tông… đã vắng mất hệ thống tổ chức truyền thừa. Lâm Tế và Tào Động cũng chỉ còn trên phả hệ mà không có truyền thống tục diệm rõ ràng. Ngày nay, dòng thiền của Ngài Duy Lực còn quá mới mẻ, chưa phát triển sâu rộng, chưa thành một dòng phái có tầm vóc, vì thế, dòng Vĩnh Nghiêm hiển nhiên có một vị trí tương xứng trong cộng đồng sinh hoạt của Phật giáo trong và ngoài nước hiện nay.

Dòng Vĩnh Nghiêm, ngoài cơ sở vật chất và lượng số Tăng Ni khá lớn. Phả hệ tương đối tồn tục, nhưng sắc thái tâm linh vẫn chưa có một hương vị đặc thù nào để sử gia có thể phân biệt dòng Vĩnh Nghiêm khác với các giáo hệ đương đại mà Nhật Bản, Cao ly có một ranh giới rõ ràng cho các dòng phái.

Dẫu sao, qua bao biến thiên lịch sử, dòng phái Vĩnh Nghiêm vẫn có chỗ đứng thực sự trong giáo sử cận đại, song song đó, các trường phái nổi danh một thời nay cũng chỉ còn trên những trang sử quá độ của Phật giáo Việt Nam.

Miền Vĩnh Nghiêm hay dòng Vĩnh Nghiêm cũng chỉ là tên gọi cho sự liên tưởng một thời, dành cho chư Tăng Ni Phật tử từng hãnh diện chùa Tổ vốn là nguồn gốc phát xuất cho một trang sử oai hùng của dân tộc và Phật giáo từ thời Trần khai nguyên Thiền phái nước Việt. Đất nước bao lần thay ngôi đổi chủ, thể chế chính trị bao lần mang màu sắc khác nhau, nhưng Vĩnh Nghiêm vẫn là dòng phái tồn tại song hành với sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam.

MINH MẪN

21/8/2012

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

LẠI VỤ VIỆC CỦA ĐĐ TÂM MẪN


Suốt tuần nay, trên các trang mạng xôn xao về hành động côn đồ của những thanh niên đi theo thầy Tâm Mẫn, và chỉ thuần túy việc hành hung người dân, thế nhưng, báo GDVN – Lê Ngọc Dương Cẩm thực hiện, lại lái sang hành trạng của thầy Tâm Mẫn để làm nhạt nhòa điểm chính mà quần chúng đang quan tâm về hành động của thanh niên côn đồ đó. Mục đích như thế để làm gì?

Thầy Tâm Từ, phó trụ trì chùa Hoằng Pháp đã xác nhận nhân thân và hành trạng của thầy Tâm Mẫn đều đáng kính và không sai tinh thần Phật pháp, không vượt quy tắc của chùa khi xuất gia, thì vấn đề quá khứ của một nhân thân không cần phải vạch lá tìm sâu như tác giả báo GDVN đưa ra.

- Xin lỗi Đại đức trước khi đặt câu hỏi cuối cùng này. Có một số thông tin bất lợi cho thầy Tâm Mẫn đang lan truyền trên mạng: Trước khi xuất gia, thầy Tâm Mẫn có một thời lầm lỗi, sống chung với dân “anh, chị”. Thêm một thông tin khác: Thầy Tâm Mẫn đã từng là một bác sĩ nhưng do tắc trách làm chết bệnh nhân... Đại đức có ý kiến gì trước những thông tin này?

Thông tin từ báo nào nêu ra thầy TM có một thời lầm lỗi sống chung với dân “anh chị”, mà đã là dân anh chị tức bản chất giang hồ thì sao lại là một bác sĩ??? Có phải mâu thuẫn? Cho dù thật sự như thế, đó là chuyện quá khứ của một người bình thường, bây giờ người xuất gia, sống đúng tinh thần Phật pháp mới là điều cần quan tâm. Ai không có quá khứ sai lầm? Nếu đặt quá khứ làm tiêu chuẩn thì làm sao đức Phật độ cho ngài Vô Não từng giết hàng trăm người? Và ngài cũng từng độ cho bao kỹ nữ trở thành người thánh thiện hoàn lương? Ngay cả giáo hội Thiên Chúa, hiện tại, tuy Vũ Thành An, một nhạc sĩ nổi tiếng, mang tai tiếng hại nhiều tù nhân cải tạo, thế mà vẫn chấp nhận Vũ Thành An vào cộng đồng tu sĩ Kito giáo La Mã??? Phải chăng quá khứ không là vấn đề khi hiện tại con người biết hướng thiện. Tôn giáo luôn dang tay đón nhận kẻ hoàn lương, tại sao cứ phải vạch trần quá khứ ba đời theo kiểu chính trị trần tục? Với mục đích gì??? GDVN lại dùng từ: “chuyến hành đạo theo cách mỗi bước đi, mỗi bước lạy” xuất gia”- là gì? Lối viết tối nghĩa như vậy nên tác giả mới thấy đó là kiểu tu lạ lùng, Thầy Tâm Từ chùa Hoằng pháp đã trả lời rõ ràng đối với tác giả về công hạnh nầy, nên không cần phải giải thích cái hiểu lạ lùng của Lê Ngọc Dương Cầm nữa. Cái lạ lùng của tác giả về sự hiểu biết nông cạn đối với Phật giáo chưa bằng cái lạ lùng khi tác giả đưa vấn đề nhân thân của thầy Tâm Mẫn ra không cần thiết, trong lúc sự kiện chính là hành động côn đồ đánh dân. Thầy Tâm Mẫn âm thầm gần bốn năm qua đủ trả lời cho mọi người thấy nhân thân hiện tại của thầy, không cần bươi móc quá khứ. Thánh nhân nào không có quá khứ??? Tại sao tác giả không làm trong sạch hóa xã hội đối với những kẻ hung bạo mà cố tình làm nhơ bẩn hóa hành trạng của một bậc chân tu??? Đây là chủ trương của GDVN hay của cá nhân tác giả bài báo? Độc giả có quyền yêu cầu GDVN trả lời và xác định mục đích đưa những thông tin méo mó để đánh lạc hướng sự kiện với mục đích gì?

Đáng ra những chuyện không tốt đẹp của thanh niên côn đồ nầy nên khép lại để cơ quan chức năng làm sáng tỏ, ngược lại cố tình bươi móc bóp méo sự kiện để lái độc giả sang một chiều hướng phá hoại công hạnh của thầy Tâm Mẫn trên đoạn đường còn lại, đó là chức năng của người cầm bút hướng dư luận theo ác ý của mình? Hy vọng không một bài báo nào nữa nêu việc thầy Tâm Mẫn một cách vô lý như thế, nếu không muốn nêu những hành động côn đồ đáng trách của thanh niên tháp tùng kia.

MINH MẪN

21/8/2012

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

XÔN XAO


Mấy hôm nay, trên các trang mạng thông tin điện tử, cư dân mạng xôn xao về hành động côn đồ của những người tháp tùng theo thầy Tâm Mẫn, đánh người dân.

Dĩ nhiên cũng có rất nhiều người không thích Phật giáo, vì thế chuyện bịa đặt xuyên tạc việc hành trì của thầy Tâm Mẫn là điều không tránh khỏi. Việc phê phán khen chê, tự nó không làm tăng hay giảm giá trị thật của sự việc, giá trị thật nằm ngay chính bản thân của sự kiện, lời khen chê chỉ là lớp sơn phủ thêm bên ngoài để sự kiện thêm nhiều màu sắc!

Với thời gian gần bốn năm dãi dầu mưa nắng trên đoạn đường hơn hai nghìn km bằng thao tác lễ bái như thế, khó ai và chưa ai làm được tại Việt Nam, nếu không phát tâm dõng mãnh. Gọi là âm mưu hay chơi nổi, không cần phải thời gian dài như thế. Cũng không thể bảo do một thế lực, quyền lực nào đó đóng vai. Để làm gì? Được những gì? Vì thế vấn đề thầy Tâm Mẫn không cần phải đặt ra, chỉ thuần túy xem đó là một hạnh nguyện trong vô vàn mật hạnh của người tin Phật.

Trở lại vấn đề hành động côn đồ của những người tháp tùng. Chùa Hoằng Pháp không cử bất cứ ai theo thầy Tâm Mẫn để bảo vệ. Đi đến đâu là có Phật tử tại địa phương nơi đó yểm trợ. Có chăng là một người duy nhất mang hành trang tối thiểu cho cuộc viễn hành khổ hạnh của thầy Tâm Mẫn. Trên trang mạng đưa tin lý lịch tên Nhuận Hải (đầu cạo, lúc mặt áo nâu, lúc mặc áo thun trắng, từng tung chưởng, ném nón cối, mà clip không quay được người bị rượt đánh), cũng là vấn đề chưa được xác minh. Mọi người có quyền đặt vấn đề hành tung bất hảo của nhóm côn đồ tháp tùng theo thầy Tâm Mẫn, để làm gì, mục đích gì? Tự phát hay có thế lực phía sau? Nếu một thanh niên bình thường không thể rỗi công đi theo suốt đoạn đường dài, ngày này qua ngày nọ như thế mà không có công việc làm ăn lo cho gia đình. Nếu là người có nhiệt tâm hỗ trợ cho chuyến khổ hạnh của thầy Tâm Mẫn, thì không thể có hành động bôi bẩn nhà sư đang thể hiện đức kiên nhẫn, khiêm cung như thế. Chi phí ăn ở suốt đoạn đường và thời gian dài như thế, thầy Tâm Mẫn được quần chúng cúng dường, còn những cư sĩ đầu trọc, chi phí từ đâu để trú khách sạn? Nếu là một đại gia thì không ai đủ kiên nhẫn tháp tùng, không là đại gia, không là phật tử thì họ là ai, hẳn nhiên phải có ai đó chu cấp và bảo kê mới ngang ngược giữa phố thị đông người để xem thiên hạ chỉ bằng nắm đấm. Dĩ nhiên hành trạng của thầy Tâm Mẫn cũng như hành tung của kẻ tháp tùng, không qua mắt được cơ quan chức năng, thế tại sao hành động côn đồ thường xuyên xẩy ra suốt đoạn đường dài như thế mà không ai xử lý? Một sự tương phản cực kỳ khó hiểu giữa hai hành trạng cùng một chuyến đi có chuẩn bị cho một đoạn kết tốt đẹp? Ma vương quấy nhiễu Đường Tăng đã tạo một hào quang cho Huyền Trang khi thành đạt; liệu hành động côn đồ có làm sáng giá đức khiêm cung và sự kiên trì của thầy Tâm Mẫn hay sẽ làm cho hạnh nguyện của thầy bị nhuốm đen và kết thúc trong thất vọng? Thầy phát nguyện do khởi từ tâm Bồ Đề, thành phần côn đồ tháp tùng xuất phát từ đâu? Hẳn nhiên việc gì, hiện tượng gì cũng phải có mục đích, một tiêu điểm. Đó là điều mà mọi người cần biết về những kẻ tháp tùng một cách khó hiểu. Cho dù thế nào, ai cũng mong thầy đạt được mục đích cuối cùng ở non Yên Tử. Đoạn đường còn lại hy vọng sẽ sáng sủa, sạch sẽ hơn để tương xứng với công hạnh của một người xuất gia như thầy Tâm Mẫn.

Có Phật là có ma, có chánh phải có tà, đó là cặp song hành trong cuộc sống, nhưng không vì thế để tà lấn chánh, để ma giả Phật, làm mất niềm tin ít ỏi còn lại trong cuộc sống hiện nay.

MINH MẪN

20/8/2012


Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

côn đồ tháp tùng nhà sư Tâm Mẫn




LẶNG BUỒN!!!



Vừa đọc tin: "Nhóm côn đồ tháp tùng nhà sư "nhất bộ nhất bái" vừa đuổi lãnh đạo Giáo hội Phật giáo VN". Thật choáng, và choáng hơn nữa khi biết nhóm nầy đã đánh nhiều người dân khi họ đến gần nhà sư thích Tâm Mẫn, trong đó, anh Cường ( trú tại xã Liên Mão, Tiên Du, Bắc Ninh) bị đánh tét đầu.

Đây không phải lần đầu tiên nhóm côn đồ nầy hành hung người dân ái mộ nhà sư “nhất bộ nhất bái”. Trên mạng, cũng từng đưa hình ảnh người cạo trọc tung chưởng ném nón cối, đá song phi người dân khi nhà sư Tâm Mẫn qua địa phận miền Trung.

Hình ảnh nhà sư khiêm hạ từng bước đi, chịu dầm mưa dãi nắng, kiên nhẫn suốt trên 2000km với thời gian gần 4 năm kiên trì, trở thành một biểu tượng đẹp cho hàng vạn người ngưỡng mộ; thế nhưng, ngược lại, những thành phần tháp tùng, đã có những hành động quá ư côn đồ, không thể xem đó là hộ đạo mà là phá đạo, phá hỏng hình ảnh đẹp của một hạnh nguyện khiêm cung. Họ là ai? Lấy quyền hành gì để bạo động với những cư dân ngưỡng mộ? Một Phật tử thuần thành yểm trợ nhà sư thì không thể có hành động côn đồ như thế. Sau lưng họ là ai? Dựa vào thế lực nào để hủy báng hình ảnh đáng kính của nhà sư Phật giáo như thế? Không phải lần đầu tiên mà rất nhiều lần hành xử thiếu văn hóa , thiếu đạo đức, thế mà họ vẫn ngang nhiên tồn tại. Điều nầy nhường câu trả lời cho các cơ quan chức năng.

Chỉ còn trên dưới 50km nữa là đến Yên Tử, một kết thúc cao đẹp trong lịch sử PGVN lần đầu tiên một nhà sư trẻ đã thể hiện hạnh nguyện kiên trì như thế. GHPGVN cũng nên đặt vấn đề nầy để làm sáng tỏ những hành động tương phản làm giảm giá trị hành trình một bước một lạy của nhà sư Tâm Mẫn nói riêng, ảnh hưởng uy tín Giáo hội nói chung. HT Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn bị đám côn đồ bắt nạt thì người dân sao khỏi bị đánh. Đây không chỉ đơn thuần hành động côn đồ, mà nó còn liên hệ đến hủy nhục hạnh nguyện tôn giáo và tội phạm hình sự khi xâm phạm đến thân thể người dân một cách vô cớ, gây mất trật tự giao thông, nêu hình ảnh xấu của một đất nước; làm người dân bất mãn và ngầm hiểu sau lưng những kẻ đó là một thế lực ngầm bảo kê sự phá hoại và đe dọa…Chẳng lẽ đất nước nầy loạn đến thế sao? Người dân có thể bị bất cứ ai hành hung cũng được sao?

Kẻ côn đồ không chịu trách nhiệm trước pháp luật, pháp luật không có trách nhiệm bảo vệ người dân bị hành hung? Cả giáo hội và nhà nước không ai có trách nhiệm trước những sự cố lộng hành? Thế thì người dân chỉ biết lặng buồn trước những nhiêu khê trong cuộc sống hiện nay. Phải chăng hồn ai nấy giữ???!!!

Hãy chờ sự trả lời của GHPGVN và các cơ quan có thẩm quyền để chuyến kết thúc của nhà sư Tâm Mẫn sắp tới, còn giữ được vẻ đẹp và giá trị của một hạnh nguyện.

Minh Mẫn (18/8/2012)

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

RONG RÊU CUỘC SỐNG


RONG RÊU CUỘC SỐNG

Bề mặt nổi xã hội là những tòa nhà cao tầng; nhiều nhà hàng sang trọng, các quán bar hoạt náo thâu đêm, đèn màu lập lòe theo nhịp nhảy nhót của khách dư tiền của. Xe hơi đắt tiền khoe mình khắp các đại lộ trong thành phố.

Sau các dãy nhà cao tầng, sâu hút vào con hẽm là những ngôi nhà ổ chuột nhầy nhụa sình lầy, rác bẩn. Ra ngoại ô, sự bẽ bàng càng lộ diện khi chúng ta chịu khó nhìn xuống giòng sinh hoạt âm thầm của đại bộ phận dân chúng đói nghèo, bệnh tật mang nhiều bất hạnh!

Bà cháu bà Hường ở nghĩa trang Giáo xứ Trung Mỹ Tây, cô Xuân, ung thư thời kỳ cuối ở quận 12, cũng chỉ là một trong vô vàn hiện tượng nghiệt ngã của kiếp nhân sinh. Họ đã được nhiều người chiếu cố, trong những người chiếu cố có người bị bệnh như họ, nhưng vẫn chia sớt những đồng tiền ít ỏi để sưởi ấm tấm lòng cho nhau. Một anh du sinh ở Mỹ, gửi số ít tiền còm do nhín nhút tiêu xài để chia sớt cho bệnh nhân trên, ở quê nhà. Vâng, còn biết bao tấm lòng với đồng bào ruột thịt, nhưng rất tiếc họ đều nghèo. Có lẽ cái nghèo mới gần gũi thông cảm nhau. Nếu ai đó chỉ cần nhín phần hưởng thụ một ngày nơi các nhà hàng siêu sao, bớt một đêm truy hoan hàng ngàn đô la với gái đẹp, bớt đi một canh bài chung chi bạc tỷ… có lẽ những người dân đói nghèo, bệnh hoạn, bất hạnh sẽ giảm phần nào buồn tủi.

Đành rằng nghèo đói, bệnh tật là kết quả của nghiệp bất thiện, nhưng tình người không vì thế mà nghiệp ai nấy chịu, ai bệnh tự lo, ai nghèo tự biết. Tinh thần tương trợ trong xã hội là tinh thần tình người. Xã hội là một cộng nghiệp, vì thế có sự liên đới tất yếu giữa cộng nghiệp và biệt nghiệp. Xã hội là một cơ thể mà con người là một bộ phận không thể tách rời. Nếu vô tâm với cuộc sống chung quanh, có nghĩa tự chúng ta tách rời cuộc sống.

Nghiệp được định giá bằng sự trả quả. Nếu nghiệp nhẹ có thể trả bằng sự đau đớn hoặc tốn kém chút đỉnh. Nghiệp nặng tùy mức độ tâm thiện trong hiện tại mà có phần gia giảm. Có những bệnh ung thư hành hạ bệnh nhân, nhưng ngược lại, một bệnh nhân biết hướng thiện, thay vì tốn kém cho việc chữa trị, họ dùng số tiền tương đương chi phí thuốc men, để bố thí giúp kẻ bệnh tật khác, phóng sanh và làm nhiều việc công ích… thì bệnh tự thuyên giảm. Bởi vì bệnh nghiệp là quả báo buộc phải trả giá bằng cảm thọ và tài vật, đau đớn và tiêu tốn cho chữa chạy chưa chắc đã khỏi, bởi vì đó chỉ là quyền lợi cá nhân, thay vào đó, hướng đến sự giúp đỡ kẻ khác, cũng với sự tiêu tốn đó, nhưng được niềm hoan hỷ của mình và niềm hoan hỷ của người được giúp. Chúng ta có sức mạnh cảm thọ an lạc gấp đôi sự cảm thọ đau đớn phải trả quả bệnh của mình. Đây là sự trao đổi để chuyển nghiệp.Âm dương đồng nhất lý, tuy vô hình nhưng hữu lý. Mắc nợ một người, không có tiền trả, giúp đỡ tận tình người thân của chủ nợ tương xứng hoặc trội hơn món nợ kia, tất nhiên chủ nợ không nỡ đòi. Cũng thế, hành thiện bố thí cầu nguyện hồi hướng tốt đẹp cho kẻ thọ ân, bệnh mình sẽ thuyên giảm. Nói theo khoa học, năng lượng sinh học được cung ứng và hoàn chỉnh bằng tâm thiện, khí lực được bù đắp bởi giao thoa sóng trường, nội thân được cân bằng tâm sinh lý, thì sự an lạc hiển lộ. Một người tâm luôn an lạc hoan hỷ nhẹ nhàng thì khó có bệnh. Không thể tự dưng an lạc nhẹ nhàng nếu không biết tương quan chia sẻ với nhau về tinh thần lẫn vật chất cho tha nhân. Bố thí là cách nhận lại cho mình, hy sinh cho người tất lo cho chính mình. Hưởng thụ sa đọa không thể đem lại an lạc, nhẹ nhàng hoan hỷ. Chỉ cần hạ mình giúp cho người ăn xin vài đồng, tự dựng lòng nhẹ nhỏm, thế thì với số tiền để hưởng thụ hay lo cho bản thân mà chia sớt cho kẻ khác thì niềm vui sẽ lớn biết bao.

Sự tương quan xã hội và tình người đã như thế, thì tình thương của tôn giáo dành cho tha nhân ắt hẳn phải có giá trị tuyệt đối.

Trong cuộc sống còn quá nhiều cách biệt thì không tránh khỏi những gia cảnh thê lương vẫn còn tồn đọng như những rong rêu bám chặt đời người. Ta hãy nhìn hoàn cảnh sau đây của em La Thành Nhân 36 tuổi, bệnh 5 năm chưa biết căn gốc, vì không có tiền đi xét nghiệm. Vợ ngoại tình, đem trai về hành hạ đánh đập để có cớ chia tay, Nhân đành chui rúc chung căn nhà gần chục mạng người nơi góc sâu ngoại ô Thành phố, đang sống bám với anh chị em. Nhóm khiếm thị từ thiện Hốc Môn tài trợ cho em chiếc máy may để làm gia công. Một cháu 7 tuổi bị úng não, đang hành khổ ông bà cha mẹ, cũng từ miền tỉnh về chui rúc trong phòng trọ tận hẽm sâu, cuộc sống công nhân không đủ tiền lo cho con bệnh. Một cụ bà 85 tuổi, con cháu bỏ rơi, đi nhặt bịch nilon…

Bà Hường đã được nhiều thành phần quan tâm kể từ khi bài báo được lên mạng, cuộc sống bà đã tương đối ổn định. Cám ơn các nhà hảo tâm đã chiếu cố đến gia cảnh bà cháu của bà Hường và cô Xuân bệnh ung thư thời kỳ cuối. Giờ đây, chúng ta hướng tầm nhìn về những mãnh đời còn lại. Hy vọng những đoàn từ thiện đến các vùng xa, tốn hàng trăm triệu, chỉ giúp mỗi người một phần quà vài trăm ngàn, không giải quyết được gì về lâu về dài cho họ, để rồi họ vẫn nghèo, thay vì thế, với số tiền đó, chúng ta tập trung giải quyết những số phận nghiệt ngã chung quanh ta, giúp họ thoát khỏi đau thương đang có.

Rong rêu cuộc sống vẫn còn đầy dẫy chung quanh ta, chỉ có lòng từ bi, hành thiện mới gột rửa dần những rong rêu đó.

MINH MẪN

13/8/2012

1. LA THÀNH NHÂN SỐ PHONE: 01664414064

2. BỐ CỦA CHÁU ÚNG NÃO: 633667266

ĐỊA CHỈ: 55/9A ẤP HẬU LÂN - XÃ BÀ ĐIỂM - HỐC MÔN - TP/ HCM

3. BÀ CỤ 85 TUỔI CHƯA BIẾT NHÀ

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

CON XIN SÁM HỐI !!!


CON XIN SÁM HỐI !!!

Chú tiểu Trí Trần viết:“Con xin sám hối MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT. Con xin sám hối SƯ PHỤ. Có lẽ con không xứng đáng mặc màu áo này. Con đã làm bẩn nó rồi. Có lẽ giờ đây hình phạt ra khỏi tăng đoàn là phù hợp với con. Con xin nhận hình phạt này”.

Ai trong chúng ta không khỏi xúc động trước tấm chân thành của chú tiểu Trí Trần xin sám hối và tự nguyện rời khỏi Tăng đoàn như thế?

Trí ơi, liệu con chọn phương cách rời khỏi Tăng đoàn là một giải pháp tối ưu để sám hối và tự trừng phạt mình cho thỏa cơn thịnh nộ của một số cư dân mạng???

Con biết rằng, một khi được quy y với Tam Bảo là một phúc duyên, được xuất gia là một căn phần tiền duyên hay ít nữa, con cũng đã gieo một chủng tử thoát tục hiện tại. Đó là một việc làm cao cả đối với con người, huống nữa là tuổi trẻ như con trong xã hội lắm tệ nạn hiện nay. Con à, sai phạm ai cũng phải có, “Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai”. Chẳng lẽ mỗi lần sai phạm là một lần mình tự hủy hoại lý tưởng cao đẹp của mình? Mình xây dựng lý tưởng tâm linh bằng sự suôn sẻ sao con? “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Sai phạm là bài học cho chúng ta sửa đổi, tu là sửa đổi như con đã nói, thế tại sao trước sự sai phạm bị nhiều người chống báng, con lại không sửa mà lại từ bỏ? Con muốn mọi người đều đồng tình sự sai phạm của con sao? Tất cả đồng tình là họ đã giết con đấy, con hãy cám ơn những phê phán gắt gao để thấy được lỗi lầm mà tiến lên sự vững chãi cho lý tưởng con à!

Một số chú bác sửng sờ, xót xa nghe tin con xin từ bỏ Tăng đoàn, họ áy náy vì vô tình đã đẩy con ra khỏi nếp sống xuất gia của một mầm non. Hoàn toàn không ai có ý muốn đó, nhưng do phẫn nộ nhất thời đã đẩy con vào mặc cảm.

Con đã sám hối với chư Phật, với thầy tổ, con cũng nên sám hối với những ai quan tâm con, cho dù phê phán hay đồng tình; con cũng sám hối với song thân và bạn bè để cho con được trưởng dưỡng lòng khiêm hạ, tăng thêm công đức. Không giới luật nào khắc khe đến độ vừa sai phạm đã bị tẩn xuất. Con tự nguyện rời Tăng đoàn cũng là điều không nên, vì con chưa đủ bản lãnh đối diện với nghịch duyên, thì sau này con cũng sẽ thất bại trong cuộc sống còn nhiều chướng ngại. Chí nam nhi là phải đối diện để chuyển hóa chứ không trốn chạy, biết chấp nhận sự thật để tự sửa chứ không đầu hàng.

Con hãy bình tâm lắng đọng tự sám hối chính mình một thời gian nếu con còn tin vào thần lực và lòng từ của chư Phật. Còn nhiều tuổi trẻ sai phạm trầm trọng hơn con, nhưng con hơn họ là biết chấp nhận lỗi. Tất cả sẽ hoan hỷ trước tấm chân thành sám hối của con. Trên mạng, có biết bao chú tiểu biểu diễn những động thái bạo lực không thua người đời, nhưng có bao giờ bị khiển trách mà phải từ bỏ cuộc sống lý tưởng? Con hãy mạnh dạn ở lại với cộng đồng tu sĩ, ngày mai con sẽ trưởng thành và là người chững chạc, có ích cho đạo và đời con à! Sự sai phạm vừa rồi là do con đam mê nghệ thuật, quên mất chiếc áo đang mặc chứ không phải con cố tình bôi bẩn nhà tu. Những cô bác hiểu biết vẫn quý kính tuổi trẻ như con có tâm hồn nghệ thuật song song với tín tâm Tam Bảo, nhưng vì con chưa biết cách hòa điệu cuộc sống nên vô tình tạo ra phản cảm thôi.

Chúc và mong con hãy ở bên thầy con một thời gian cho lắng đọng và thâm nhập thêm các bộ luật Tỳ Ni Nhật dụng của một người xuất gia, con sẽ thẩm thấu sâu xa tinh thần nhập thế của đạo Phật, lúc bấy giờ con sẽ hành xử vô ngại mà không hề bị phản cảm con nhé.

Một mầm non đáng thương, ý thức lỗi lầm như con, cô bác và chư Tăng đang đặt nhiều niềm tin một Tăng tài phát khởi từ sai lầm như sen mọc từ bùn lầy con à. Hãy cố lên, vui lên và tinh tấn mãi nhé!

MINH MẪN

13/8/2012

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

HÃY CỨ TIN TÔI !! ??


Trên trang mạng xôn xao về một chú tiểu nâng váy, chăm sóc cho các hoa hậu, trước sự phản ứng mạnh mẽ từ Phật giáo, hãy nghe sự phân trần của chú tiểu TRí Trần:

: "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! có lẽ thời gian vừa qua quí vị phật tử đã quá đau lòng với một chú tiểu như tôi. Tôi biết tôi đã đi quá giới hạn của một chú tiểu. Nhưng thật sự không biết phải giải thích sao cho quý vị hiểu. Phật Pháp là con đường để tất cả chúng ta tìm đến sự an lạc, nhưng để đến sự an lạc thì mấy ai biết và hiểu rằng chúng ta phải sửa, thế đấy tôi bỏ gia đình tìm THẦY học đạo.

Đoạn văn ngắn trên đây gồm có hai ý: 1/ - chú xác nhận việc làm của chú đã đi quá giới hạn của một người tu, tạo sự bức xúc cho Phật giáo. 2/ - Đoạn thứ hai chú muốn nói đi tìm sự an lạc có nhiều cách, trong đó chú bỏ gia đình tìm thầy học đạo. Đồng thời chú vẫn là một con người bình thường:

Không dám mong đến bờ giải thoát chỉ mong rằng chữ NGỘ trong tôi thật đúng nghĩa và trọn vẹn, tôi là một vị tu sĩ nhưng vẫn đi học vẫn có bạn bè và tất nhiên vẫn là con người.

Một ví dụ dễ hiểu, để làm một bài toán chúng ta có nhiều cách giải nhưng đáp án cuối cùng phải chính xác đó là mong ước của người làm bài toán ấy. Tôi cũng vậy, tôi tin tưởng hoàn toàn vào sự màu nhiệm của PHẬT PHÁP nhưng đường đi của tôi là cách tôi chọn và tất nhiên sẽ có người ủng hộ và cũng sẽ có người không ủng hộ, nhưng không sao quan trọng là cái đích để đến, tôi luôn ngủ ngon giấc bởi lẽ tôi tin rằng tôi đang đi trên đoạn đường rất khó khăn nhưng tôi hoàn toàn có thể vượt qua.

Nghĩa là chú đi tu không cần giải thoát mà chỉ cần tìm đến sự an lạc cho bản thân giữa cuộc sống còn nhiều liên hệ? Vì thế có nhiều cách để đi đến đích như chú giải thích. Dù có ủng hộ hay không, chú vẫn ăn ngon ngủ yên!.

Đúng là cái ngông của tuổi trẻ có khác. Trước nhất, chỉ biết ích lợi cho bản thân mà xem thường dư luận và uy tín của tập thể, đành rằng dưới cặp mắt của chư Phật, Phật chọn tấm lòng của chú chứ không quở trách cái ngông của chú, nhưng cộng đồng Phật giáo không phải là Phật đã thành! Thứ nữa, trước sai phạm quá lớn mà Trí Trần không có lời xin lỗi cộng đồng Phật giáo, lại biện hộ một cách ngây thơ!

Về mặt khách quan nhận xét, Qua lời văn và là thành viên hộ tống đoàn thi hoa hậu, chắc chắn Trí Trần có chút ít chữ nghĩa từ trường lớp, có khiếu chăm sóc nghệ thuật sắc đẹp; nhưng chú chưa vượt qua được ý thức của tuổi trẻ, muốn làm là làm, thiếu suy nghĩ. Ngày nay, tuổi trẻ không có ăn học, thường làm xằng bậy trở thành tệ nạn xã hội. Có ăn học thì muốn thể hiện cá tánh nổi trội kiểu chơi ngông. Trí Trần là loại tuổi trẻ có lý tưởng, có đam mê, muốn bắt cá hai tay, vừa thích là tu sĩ vừa muốn lấn sân qua nghệ thuật chăm sóc sắc đẹp, tạo một mode mới cho mọi người lưu ý. Không ai cấm chú chọn cả hai, nhưng chú khôn ngoan hơn, nên mặc thường phục khi phục vụ nghệ thuật đó, cho dù cái đầu không tóc, vì đó là thời trang hiện nay của một số tay chơi cộm cán. Lúc về chùa, hãy mặc lại áo cà sa, chẳng ai phiền chú chuyện này. Tuổi trẻ ngày nay thích đi chùa, thích làm một chú tiểu như một kiểu dáng thời trang khi mà một số diễn viên, một vài siêu sao xuất gia nhà Phật như: nghệ sĩ Thanh Ngân – Châu Thanh…và một vài diễn viên nước ngoài…Tóm lại, cạo đầu, mặc đồ tu và tham gia hoạt động ngoài đời như chú Trí Trần là mode thời thượng của một vài giới trẻ hiện nay.

“Thế gian pháp tức Phật pháp” là dụng pháp thế để giải thoát thế pháp chứ không phải dùng Phật pháp để thể hiện pháp thế. Tuổi trẻ đã thiếu suy nghĩ như chú. Chú còn bảo vẫn ăn ngon ngủ yên là do tâm chú không có mục đích hủy báng Phật pháp. Nhưng dù sao, chú vẫn biết đó là lỗi, phân trần bằng lời lẽ ôn tồn nhưng hàm chứa sự bất cần đời.

Câu chuyện con chó chết giữa giòng sông khi chiều về nghe mùi thịt nướng bên kia sông, tuy ở chùa ăn chay lâu năm mà vẫn chưa quên mùi trần tục, bơi qua giữa chừng, lại nghe tiếng chuông công phu, quay trở lại, cứ thế mà qua lại không dứt khoát nên đuối sức giữa giòng sông. Con người nên chọn dứt khoát một hướng đi cho tâm linh hoặc cho trần tục, mode thời thượng sẽ không giải quyết được gì cho đời mình, vì một ngày nào đó hiểu ra cũng đã phí một đời.

Những vị Phật tử kính yêu những bạn bè, người thân của tôi ơi quý vị đừng bận tâm về tôi nhé xin quý vị hãy tin ở tôi. Lần nữa xin khẳng định với những bạn, những anh chị cô bác đang thắc mắc về tôi rằng mọi người đừng vì tôi mà thoái chuyển tâm BỒ ĐỀ..."

Đấy, dù sao chú vẫn còn biết nghĩ đến đồng Đạo, sợ họ thối tâm Bồ Đề. Vẫn còn có cơ may phục thiện. Vậy, với tấm lòng khoan dung của người con Phật,chúng ta nên khuyên răn tuổi trẻ để chuyển hóa tánh ngông cuồng ngạo mạn hơn là xua đuổi đẩy các cháu vào con đường bất mãn rồi phản ứng tiêu cực trước đức tin Phật giáo.

”Hãy cứ tin tôi” con muốn mọi người tin con về điều gì? Tin con không làm ô danh tu sĩ Phật giáo? Hẳn nhiên không thể! Tin con không sa ngã thế tục? đó là việc của con, của thầy con và của gia đình con, bạn đồng tu của con

Trí Trần ơi, chưa muộn đâu, con hãy sám hối chư tôn đức và quần chúng Phật giáo để rồi con vẫn tiếp tục hướng đi của con trong xã hội mà không cần phải mặc chiếc áo nhà tu! Hy vọng con vẫn giữ được niềm tin Tam bảo cho dù quần chúng phẩn nộ.

MINH MẪN

11/8/2012

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

TRÒ CON KHỈ CỦA NHỮNG TÊN VÔ Ý THỨC


Gần đây, cộng đồng Tây Tạng và Bhutan mạnh mẽ lên tiếng với công ty Icon Shoes về việc sử dụng hình ảnh Đức Phật trên đôi giày, nhưng chúng vẫn im lặng, không có lời xin lỗi, không thu hồi những sản phẩm thiếu văn hóa ý thức trên đây.

Văn bản viết: "Thật là điều đáng tiếc, theo truyền thống Phật giáo, hình tượng của Đức Phật và thánh chúng phải được đối xử một cách tôn kính. Việc đưa các hình ảnh này lên trên giày dép là thiếu tôn trọng đối với các Phật tử", Bhuchung Tsering thuộc Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng (International Campaign for Tibet) bày tỏ.

Thành viên của Quốc hội Tây Tạng ở Bắc Mỹ, ông Tashi Namgyal, đã viết một lá thư phản đối gửi tới công ty giày dép Icon Shoes nói: "Xin vui lòng xem xét lại việc này và thu hồi lại những đôi giày như thế".

“Tôi đi đôi giày có hình Đức Phật được sản xuất bởi công ty của bạn, điều đó đã làm tôi hoàn toàn bị sốc và mất tinh thần trước một thái độ vô cảm như vậy", Namgyal viết.

"Đức Phật được tôn thờ bởi hàng triệu triệu người trên thế giới trong đó có cả người viết lá thư này ... Vì vậy, tôi mạnh mẽ kêu gọi công ty hãy thu hồi tất cả các hàng hóa được bán có hình Đức Phật và ngăn chặn không những việc bán mà còn cả việc sản xuất những sản phẩm như vậy. Hơn hết, tôi yêu cầu công ty phải xin lỗi trên trang web của mình về vấn đề này", Tashi đề nghị.

Cộng đồng Bhutan và Tây Tạng là những nhóm nhỏ ở Bắc Mỹ đã có ý thức bảo vệ hình ảnh thiêng liêng đáng tôn kính của mình trước sự xúc phạm nặng nề như thế. Quần chúng Phật giáo tại Mỹ đâu chỉ có Bhutan và Tây Tạng?

Những năm trước đây, những kẻ vô ý thức cũng đã dùng quyền tự do trên đất Mỹ để in hình Phật vào quần lót, bị cộng đồng Phật giáo phản ứng mạnh, giờ đây lại thêm một hành động vô ý thức, chơi trò khỉ lại tái diễn. Chả lẽ một đất nước tự do cho phép tự do giết người, tự do nhục mạ niềm tin kẻ khác, cho phép xem thường tôn giáo khác dưới nhãn hiệu thương mãi? Pháp luật Mỹ không cho phép nhục mạ kẻ khác, không làm mất phẩm cách kẻ khác thì lại cho phép hạ nhục tôn giáo khác bằng cách đem giáo chủ của người khác cho xuống tận đáy vật dụng tầm thường?

Quần chúng Phật tử trên đất Mỹ cũng như khắp thế giới không chấp nhận việc làm thiếu văn hóa như thế thì luật pháp Mỹ lại chấp nhận?. Thiết nghĩ với lời lẽ ôn tồn của cộng đồng Tây Tạng tại Bắc Mỹ trước việc làm vô văn hóa trầm trọng như thế, không tương xứng! Phật tử hãy mạnh dạn truy tố trước luật pháp về sự nhục mạ nầy.

Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước nghĩ thế nào???

MINH MẪN

08/8/2012

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

NGHIỆP BỆNH


Trong xã hội nào cũng có mầm mống bệnh hoạn, nhưng riêng những nước chậm tiến, cuộc sống thiếu tiện nghi vệ sinh, thường là mầm mống phát sanh bệnh nhiều nhất.

Nói theo nhà Phật, do cộng đồng nghiệp lực, còn gọi là cộng nghiệp, nếu cộng nghiệp có nhiều phước báu thì cuộc sống đầy đủ tiện nghi và vệ sinh bảo đảm, bệnh ít phát sinh; Một cộng đồng trong một xã hội không có một căn bản vật chất, cái ăn cái uống thiếu tinh khiết, chắc chắc bệnh lan tràn hơn là những nước phát triển. Dĩ nhiên thực phẩm đóng vai trò quyết định bệnh hoạn. Xã hội nghèo đói, thực phẩm không an toàn thì bệnh lây lan nhanh, xã hội phát triển, văn minh thực phẩm thì thực phẩm văn minh cũng không tránh khỏi độc tố dư thừa trong việc cân đối tố chất cho cơ thể.Trong đất nước văn minh hầu như tim mạch và ung thư nhiều hơn những bệnh khác.

Việt Nam ngày nay đang đối diện nhiều loại bệnh hiểm nghèo mà người dân đang gánh chịu, nhất là ung thư. Do hoàn cảnh nghèo đói, đưa đến tình người cũng hạn chế, vì thế mà rất nhiều gia cảnh khi lâm trọng bệnh, thân nhân bỏ mặc, sống nương nhờ bà con chòm xóm. Chị Phan Thị Xuân, 42 tuổi, gốc Quy Nhơn, trên 10 năm bệnh, chồng chán nãn bỏ đi, một thân một bóng lê lếch vào Nam với đứa con dại bán buôn sống lây lất qua ngày. Ba tháng gần đây, bác sĩ xác định ung thư thời kỳ cuối, khối u đường ruột, ung thư tá tràng, đại tiểu tiện phải qua đường ống ngang hông. Nhà trọ mỗi tháng và ăn uống thường ngày cho mẹ con là vấn đề nam giải khi mà chị không còn đi đứng được nữa. Người mẹ chồng đã 66 tuổi, từ quê vào nuôi, tất cả ba người sống trong căn phòng chưa tới 16m2, ẩm thấp, hầm nóng, hôi hám, trong con hẽm không sạch sẽ.

Hiện tạm trú tại 307,Trung Mỹ Tây, quận 12 xã Trung Chánh. Điện thoại số 01695896343. của bà Phụng, mẹ chồng bệnh nhân.

Căn bệnh đã xác định được thời gian sống còn lại, nghĩa là vô phương cứu chữa thì tiền bỏ vào thuốc chỉ là muối bỏ biển, có chăng lòng từ của những người có tâm hiện nay chia sớt cho nhau, chỉ giải quyết được cái ăn cái ở cho người bệnh hằng ngày, đó là sự mong ước của gia đình bệnh nhân đối với những tầm lòng nhân hậu của dân mình. Sự quan tâm chia sớt cho nhau lúc hoạn nạn, là hạt giống tốt bỏ vào ruộng phúc của chúng ta mai sau. Ngưỡng mong ai đọc được tin nầy xin quan tâm.

MINH MẪN

` 05/8/2012

CHẮT CHIU


Bên cạnh nghĩa trang Giáo xứ Trung Mỹ Tây, xã Tân Xuân, Hốc Môn, cách chùa Giác Đạo hơn 50m, mỗi chiều thường xuất hiện một người đàn bà đội chiếc nón lá che khuất mặt, một cháu bé chưa đầy hai tuổi, quấn quýt một bên khi người đàn bà lom khom thổi lửa sắc thuốc.

Bà Võ thị Kim Hường, tuy 55 tuổi mà gương mặc trông khắc khổ già trước tuổi. Quê Bến Tre, mang bệnh tiểu đường, chuyển qua ung thư, mắt bắt đầu đục, hạn chế tầm nhìn. Từ ngày mang bệnh, thân nhân xua đuổi, bà lang bạt lên Thành phố để kiếm sống nuôi cháu ngoại vừa tròn 23 tháng.

Con gái của bà còn nhỏ, dân quê chơn chất, 13 tuổi rưỡi đã bị tên sở khanh lừa gạt; sau khi sanh con được một tháng, em bỏ đi biệt tích; có tin là bị bắt, có tin bị đưa qua Trung quốc, cũng có tin em đi giang hồ, hoặc đã chết; mấy năm mòn mỏi trông chờ không được, bà đành ẳm cháu kiếm sống các nơi. Miền quê khó ai giúp cái ăn cái mặc, bà cháu trôi giạt về chợ đầu mối Tân Xuân, hàng ngày đi xin ăn, có lúc cơm chùa, có khi cơm tiệm nhờ vào tấm lòng đùm bọc của đất khách quê người. Đến phòng thuốc Nam từ thiện xin về , nhặt củi để sắc thuốc.

Tôi gửi bà vào chùa, chùa chỉ nhận bà mà không nhận cháu, gửi cháu vào nhà trẻ mồ côi, nhà trẻ nhận cháu không nhận bà. Bà không chịu xa cháu, đành dắt díu nhau đi xin, tối về, bà cháu co cụm trong sạp chợ chịu rét chịu mưa để chờ ngày mới tiếp tục kéo dài kiếp khổ nạn.

- Bà mong ước điều gì hiện nay? Tôi hỏi

- Cám ơn cậu đã thường xuyên giúp đỡ bà cháu tôi, tôi chỉ muốn có ít vốn đi bán vé số, mướn phòng trọ để bà cháu được yên ấm về đêm. Bà trả lời.

Thật ra số vốn để bán vé số không nhiều, nhưng làm sao bệnh hoạn như bà có thể bán dễ dàng khi mà bao cô trẻ đẹp từ các nơi đổ về Thành phố, chiêu khách bằng mọi giá. Chưa nói trường hợp gặp kẻ bất lương cướp giựt, hoặc ôm vé quá giờ không kịp trả, sẽ mất cả vốn lẫn lời. Tay xách nách mang cháu ngoại chưa biết nói làm sao đi nhanh để bán được nhiều vé? Khi đã có việc làm thì xin cơm ai cho? Liệu bán có đủ tiền trả phòng trọ? Không có nơi cư trú nhất định, gặp bệnh ngã xuống ai nuôi cháu? Còn biết bao khó khăn trước mắt, nhưng người đàn bà bất hạnh chỉ thấy một nhu cầu tối thiểu là tự làm mà sống nuôi cháu chứ không muốn lê kiếp ăn xin!

Anh Trung, một Phật tử tu tại gia, xã Bà Điểm, tình nguyện giúp vốn ban đầu, tuy nhiên chưa hẳn với số vốn vài trăm có thể bà làm sanh lợi. Ôi, một đoạn đường có bao mãnh đời đau khổ, một xã hội còn biết bao cảnh nghiệt ngã đau thương. Lá lành đùm lá rách, giờ đây lá rách đùm lá nát khi mà kinh tế và đạo đức xã hội đang đi xuống, liệu bao mãnh đời bất hạnh có đủ hy vọng để thoát khỏi túng cùng??? Chỉ biết rằng hiện giờ bà cháu cố chắt chiu nhau mà sống với bệnh hoạn qua ngày.

MINH MẪN

2/8/2012