Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

ảnh phát quà tại Thiên Quang ni tự
















DƯỚI BÓNG CÂY




Sáng ngày 17/5/2012, góc sân Thiên Quang Ni Tự (phường Đông Hòa, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) của sư cô Hương Nhũ diễn ra cuộc “hội chúng khiếm thị” trên ba trăm anh chị em đến từ Bình Dương, Biên Hòa, Thành hội, quận 11, Thủ Đức và Hốc Môn… những người từng có duyên với sư cô Hương Nhũ và người em kết nghĩa - Trang Thị Ngọc Phượng, từ nửa vòng trái đất trở về, cũng chỉ vì những anh chị em khiếm thị.
Chị Trang Thị Ngọc Phượng thỉnh thoảng về Việt Nam không ngoài công tác từ thiện. Chuyến nầy có cả người anh là Trang Văn Khang và cô con gái Trang Thị Ngọc Hân. Trên chuyến bay Viet Nam airlines từ Canada về, 24 giờ vượt không gian bao la, chị về quê với một tâm nguyện Bồ Tát và một tấm thân bệnh hoạn.
Suốt tuần lễ qua, chị luôn canh cánh về những người có số phận kém may, vì thế mà thời gian dành cho việc chữa trị cũng không được thoải mái.
Chị Phượng là người em kết nghĩa của sư cô Hương Nhũ. Chị hướng Đông em hướng Tây, thế mà hạnh nguyện “không đụng hàng” của hai chị em luôn nhịp nhàng hợp ý.
Phượng là người tài trợ để sư cô Hương Nhũ in ấn những bản kinh chữ nổi cho người Phật tử khiếm thị tụng đọc. Ngày đầu tiên ra mắt kinh cho người Khiếm thị, chỉ có ba người được nhận lãnh thì hôm nay, số người phật tử khuyết tật đã được gia tăng đáng kể. Chẳng những là kinh nhật tụng thông dụng, còn có những bộ kinh lớn thuộc đại tạng Bắc truyền như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm… Đây là công việc truyền pháp cho người khiếm thị chưa từng có, vì thế, một công việc của một hạnh nguyện “không đụng hàng”.
Hàng năm số Việt kiều về nước làm từ thiện rất nhiều, đa số là tặng quà cho các vùng sâu vùng xa; một ít thực phẩm như thế đến với người nghèo khó chỉ đủ vài hôm, sau đó họ lại đối diện với nghèo đói; Việt kiều Ngọc Phượng và Việt Ni Hương Nhũ có một hướng đi để lại dấu vết sâu đậm sau bước đi tiên phong đó đối với người nhận quà - quà vật chất lẫn quà tinh thần.
Chính quà tâm linh mới là thực phẩm cần thiết để chuyển hóa đời sống của những người kém may mắn, thiếu ánh sáng như anh chị em khiếm thị - họ đã mất đi gần phân nửa giá trị cuộc sống, nhưng, sư cô Hương Nhũ đã có sáng kiến kết hợp cùng Ngọc Phượng bù đắp phân nửa mất mát đó, đem lại cho một số anh chị em vui vẻ, yêu đời hơn khi biết đọc tụng những bản kinh mà chưa ai làm được.
Cũng từ kinh điển của người khuyết tật, một số khuyết tật trở thành những Phật tử thuần thành, trường trai tu tập tự thân và còn xả kỷ lập hội Thiện nguyện chia sẻ những bất hạnh đối với chung quanh, kể cả thế giới của những người mắt sáng gặp lúc hoạn nạn.
Một ngọn lửa nhỏ, tiếp nối bởi một tâm nguyện lớn, để ngày nay, Thiên Quang Ni Tự biến thành "Tổ Đình" của những người khiếm thị có duyên với sư cô Hương Nhũ và chị Trang Thị Ngọc Phượng.
Năm nay, lần đầu tiên, ba trăm người từ những vùng lân cận đã hân hoan đến với chùa, dưới táng cây thưa của chùa, bóng mát của Tam bảo, tình cảm đạo vị của sư cô Hương Nhũ và có sự chứng minh của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác - viện chủ tu viện Quan Âm, Biên Hòa, cùng chư tôn đức. Chị Phượng tuy mãn nguyện nhưng không dấu được nét mệt mỏi, hầu như tất cả những người có mặt hôm nay đều có một cảm nhận chung tấm lòng đạo đức của người con Phật không những ban phát mà còn chan hòa. Các em sinh viên cũng chung tay với chùa để có những phần cơm cho mọi người hiện diện.
Trong phần văn nghệ, các em nhỏ khiếm thị, tuy giọng chưa điêu luyện như các chị các cô lớn, đã làm xúc động mọi người không ít với nhạc phẩm: "Hãy đến với em" và "Lớn lên trong tình người" của thầy giáo Sim đồng cảnh ngộ. Các em trên dưới 10 tuổi, sử dụng nhạc cụ rất chuẩn.
Một số báo đài cũng có mặt để chứng kiến một việc làm hy hữu của người con Phật, tận mắt thấy được nỗi bất hạnh của thế giới mù lòa, họ nắm tay từng đoàn tăm tối đi giữa ánh sáng Phật pháp, họ gặp nhau một điểm chung là niềm tin tôn giáo, niềm tin tình người, vì thế, họ vẫn sống một cách an lạc yêu đời và đóng góp không nhỏ cho xã hội chúng ta, khi mà xã hội đang cuồng nhiệt tranh thủ làm giàu thì họ chỉ vừa đủ ăn.
Chẳng những thế, có những người bị kẻ sáng mắt gạt gẩm cướp từng xấp vé số trên tay họ, gây tai nạn cho họ rồi bỏ chạy. Có em bị mất chiếc đàn hàng chục triệu đồng, đó là tài sản quý báu mà các em phải vay mượn để kiếm sống qua ngày, còn vô số hoàn cảnh bất hạnh khác do người sáng mắt thiếu lương tri đem đến cho họ; nhưng tuyệt nhiên họ không hận thù oán than, không phải họ an phận trong cảnh tối tăm mà họ an lạc trong tâm của người con Phật.
Người con Phật mắt sáng đến với con người mắt tối để rồi biến họ thành những người sáng lòng. Họ đã được truyền ngọn lửa niềm tin nên họ thật sự đã sáng tâm hơn những người còn tăm tối không định hướng cho mình giữa kiếp ba đào.
Trời không cánh nhạn bay qua,
Nhạn in đáy nước xóa nhòa một khi.
Người con Phật làm việc thiện cũng thế, không muốn lưu lại dấu vết của thiện hạnh cho cõi đời vì danh, nhưng thực sự họ đã để lại dấu vết khó phai cho những mảnh đời bất hạnh, mà từ đó, nỗi bất hạnh đã biến thành lạc hạnh được lan tỏa rộng dần.
Các bạn khiếm thị cầu mong Tam bảo gia hộ cho chị Ngọc Phượng bệnh hoạn tiêu trừ, mong sư cô Hương Nhũ hoàn thành tốt trong những công tác hoằng pháp, và hy vọng "tổ đình" Thiên Quang sẽ khang trang để có chỗ cho các anh chị em khiếm thị đến tu tập mỗi tháng. Vì ngoài chị Ngọc Phượng, Thiên Quang đã trở thành bóng mát cho nhiều mảnh đời bất hạnh hiện nay.



Minh Mẫn
(17/5/2012)

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

ACE - NTTV Cùng làm Lễ trồng cây Bồ Đề tại Bối Diệp Tự - Bình phước.

clck vào giòng chữ xanh trên đây xem tiếp hình ảnh

PHẬT VỀ - GIỮA CHỐN HOANG VU


Tờ mờ sáng, chiếc xe 7 chỗ đưa vài anh em Phật tử hướng về Lâm Đồng. Nhiều lần đi lạc , thế mà 2 giờ chiều, đoàn cũng đến được xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Tuy đường tốt, các ngã rẻ vào khu kinh tế mới trước kia, nay biến thành thị trấn trù phú , đoàn đi mất 8 tiếng lái xe mà đáng ra chỉ mất 5 giờ!

Qua khỏi ranh giới Lâm Đồng, một thị trấn mà sau 1975, nơi đây hoang vu; vùng kinh tế mới cho dân chúng Quảng Ngãi vào lập nghiệp, giờ đây, khá sung túc bởi bao công sức, mồ hôi nước mắt họ đã đổ ra. Sông Sài Gòn làm ranh giới giữa, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Rừng nguyên sinh làm khu sinh thái Cát Tiên, phía Nam thuộc Đồng Nai, phía Bắc thuộc Lâm đồng chiếm một không gian bao la. Ra khỏi thị trấn Đồng Nai thuộc Lâm Đồng, nhà cửa thưa thớt, mênh mông núi đồi xanh mơn mởn. Những vuông ruộng mượt mà giáp chân núi, cạnh đường xe, không rộng như miền Tây Nam bộ nhưng đủ ăn cho những gia đình mặt bám đất, lưng chống trời qua năm tháng. Khung cảnh không dấu được cái khó cái nghèo vẫn còn đeo bám cư dân. Thỉnh thoảng, vài lá cờ ngũ sắc tung bay giữa mênh mông gió núi. Người Phật tử miền Trung đi đâu, dù thâm sơn cùng cốc, họ vẫn duy trì tín ngưỡng truyền thống của cha ông, vì thế, ngày Phật Đản vẫn là ngày trang trọng đối với họ. Càng đi sâu vào nẻo hoang vu, dân cư càng thưa dần. Từ ngoài lộ Madagui quẹo trái vào gần 60km thuộc tỉnh Bình Phước, giữa màu xanh của núi, màu đỏ của đất, từ xa đã hiện ngôi thất trắng vôi chênh vênh trên ngọn đồi hẹp, thấp, nhà tole, tường xây, diện tích không quá 80m2, một gian 16m2 làm nơi thờ Phật, gian giữa làm nhà bếp, gian chót làm nơi nghỉ ngơi. Ngoài sân làm bàn thờ cúng thí nhân mùa Phật Đản. Ngày lễ đông, nhà bếp phải dời ra ngoài sau để đun nấu.

Bối Diệp thất là tên ngôi thảo am của thầy Ngộ Chánh, vừa xây dựng đơn sơ hơn nửa năm. Dân cư nghèo, thầy vay mượn để tậu khu đất chưa đến 300m2 làm ngôi Tam bảo cho bá tánh vùng sâu có nơi lễ bái. Không như vùng Lâm Đồng vừa đi qua, Bình Phước đa số người sắc tộc. Tuy còn trẻ, thầy không chọn phố thị như hầu hết đồng môn, thầy đến với đồng bào lam lũ bằng đôi tay trắng. Tiền xây dựng còn nợ vật liệu gần hai trăm triệu, tiền dẫn điện vào chùa, tiền đóng giếng và bao chi phí mà vùng hẻo lánh xa xôi như thế, nếu không có tâm, không trì chí thì khó mà trụ lại nơi đây. Chị Trang, một Phật tử đạo tâm ở Mỹ đã ủng hộ cúng 5 pho tượng bằng đá trắng. Làm sao đủ khi mà nơi đây không phải phố thị đông người. Ai có tâm lắm, cũng chỉ vài mươi đồng lẻ. Suốt buổi lễ, dân địa phương cúng được 50 ngàn đồng VN, tương đương 2,5 Mỹ kim. Phật tử Thành phố Bảo Lộc cúng được 2 triệu. số tiền như thế chỉ đủ nồi cháo mà thầy nấu đãi bá tánh nhân mùa Phật Đản. Thầy còn nhiều dự án giúp dân nghèo, con em hiếu học. Thầy từng vận động hội từ thiện “Những Trái Tim Việt” do anh chị em trẻ ở SG lên ủy lạo đồng bào. Ước vọng thầy mở lớp học tình thương và những công tác hữu ích khác giúp đồng bào khốn khổ; Nhưng, lực bất tòng tâm khi mà cái ăn cái ở của thầy giữa nơi hoang vu như thế, chưa đầy đủ. “Thượng điền tích thủy, hạ điền khan” đúng như ông bà thường nói, nơi quá đầy đủ, chỗ thiếu mọi bề. Một số Tăng trẻ sau khi tốt nghiệp học vấn, không về địa phương để giúp Phật sự, thì nơi đây, người dân quanh năm thèm khát một chỗ gửi gấm tâm linh, tu sĩ trẻ như thầy Ngộ Chánh đã tình nguyện đến với họ. Gặp tại SG, thầy than: - mùa Phật Đản, Thành phố nhộn nhịp, ai có chùa cũng vui như trẩy hội, giờ nầy Ngộ Chánh phải lánh mặt vì nợ đòi, chùa chưa có gì để cúng kiến. Phật tử cứ hỏi sao thầy chưa tổ chức mừng Khánh Đản..

Tháp tùng với anh chị hội từ thiện “Những Trái Tim Việt” vượt trên 200km, chứng kiến cảnh đơn điệu của ngôi “Bối Diệp Thất” mới cảm thông được cái khó của một tu sĩ trẻ năng động giữa cuộc sống bon chen cạnh tranh ngày nay. Gần 50 người địa phương và Thành phố Lâm Đồng, SG đến dự, chen chúc trong dãy nhà chật hẹp cảm thấy vui lẫn buồn. Tất cả ngồi bệch dưới đất mà ăn. Quần chúng vui vì đã có nơi để họ tới lui lễ bái, nhưng ai có tâm đều buồn giữa thiếu thốn mọi bề. Ai hiểu được nỗi khổ của thầy- tính cảm quần chúng bao la nhưng nợ nần bao vây như thế. Tất cả đến với thầy bằng cái tâm, vì vật chất ngoài tầm tay của họ.

Thầy là con của nhà thơ nổi tiếng: “ Nguyễn Đức Sơn” đang bám trụ trên 50 mẫu đất của Phương Bối Am suốt mấy mưới năm qua. Khu đất ở Bảo Lộc mà ai từng đọc” Nẻo về của ý” của thầy Nhất Hạnh đều biết. Những người con của Nguyễn Đức Sơn đều mang vóc dáng giống cha, rất may, tính tình không cổ quái như cha. 10 anh em, một người đã chết sau 1975 ăn nhầm nấm độc vì quá đói 1úc bấy giờ. Thầy Ngộ Chánh mang giòng máu nghệ sĩ đó, thích núi rừng và lăn lóc với đồng bào nghèo khổ. Chính vì vậy mà bao năm tháng thầy phải tất bật với khổ nghèo để đến vùng sâu vùng xa như thế.

Thầy ước nguyện có nơi thờ phượng trang nghiêm tươm tất, thầy ước nguyện có điều kiện giúp đồng bào và con em hiếu học, thầy ước nguyện làm thật nhiều việc cho công tác từ thiện xã hội. Quần chúng địa phương mong thầy thanh toán hết nợ, họ mong thầy ở lại lâu dài với họ, họ mong có bóng mát tâm linh mỗi khi gia đạo hữu sự. Cây điều, hạt lúa giúp họ qua ngày để sống, nhưng niềm tin tôn giáo giúp họ sống có đạo đức, có ý nghĩa của kiếp người hơn Những người ở thành phố và các nơi khác hy vọng thầy sẽ được các mạnh thường quân hỗ trợ cho thầy hoàn thành mọi dự án. Ước vọng, mong mỏi, hy vọng bao giờ thành sự thật?!

Ai có đến mới cảm thông. Trên xe, từ xa đã nhìn thấy sự lẻ loi của ngôi “Bối Diệp Thất” chông chênh trên đồi đất hẹp giữa màu xanh của đất trời đồi núi, cũng như sự lẻ loi của một Tăng sĩ trẻ lăn lóc giữa đồng bào đói nghèo như thầy Ngộ Chánh. Vùng sâu vùng xa như thế cần quan tâm nhiều hơn vì họ thiếu thốn mọi bề ngoài tình cảm đồng bào ruột thịt của mình.

Mùa Phật Đản đã về giữa chốn hoang vu, tuy muộn hơn các nơi, gió núi đẩy đi những cơn oi bức mùa hạ. Hoàng hôn để lại vài tia nắng vổ về cảnh vật sau khi kết thúc khóa lễ bằng bữa ăn thanh đạm cho dân chúng địa phương; Mọi người giải tán, xe lăn bánh hướng về thành phố để lại nổi trống trãi hiu quạnh cho “Bối Diệp Thất”. Hy vọng một ngày mai…

MINH MẪN

05/5/2012 (16/4/ Nhâm Thìn. P.L 2556)