Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

TỰ TÁNH DI ĐÀ 7

Các pháp hành

Trong Phật giáo Bắc truyền, Tịnh cũng có nhiều dạng, Mật cũng lắm chi nhánh, thì Thiền càng có vô số phương pháp đối cơ, khế thời, hợp lý mà không vướng kẹt vào ngôn ngữ truyền thống. Những pháp hành do Thiền sư Phật giáo khởi xướng thì được xem là của Phật giáo. Những pháp hành cùng mang tiêu chí giải thoát và lý thuyết không xa Đạo Phật, được các Thiền sư ngoại giáo hành trì thì bị xem là tà đạo. Ngay cả góc độ Thiền, một vài vị nhìn pháp môn niệm Phật như là pháp ngoại đạo, vì nương cầu tha lực; nhưng căn cơ chúng sanh vô số thì cũng phải có vô số pháp đối cơ để dẫn dắt chúng sanh. Như thế, không có pháp nào là tà hay chánh, không có ai là nội giáo hay là ngoại đạo, mà chỉ có tư tưởng bất dung thông và nhân cách hành giả mà đưa đến dị biệt mà thôi. Chúng ta xét tiếp một số pháp hành khác nhau nhưng cùng đưa đến mục tiêu giải thoát như nhau, chỉ khác nhau cao thấp, nhanh chậm mà thôi.

C/ Lăng Nghiêm Đại Định tu chứng viên thông. Trong 25 vị Đại Bồ Tát trình công hạnh tu chứng, riêng Bồ Tát Quán Thế Âm giải trình pháp tu “Nhĩ căn viên thông”, được đức Thế Tôn ngợi khen pháp dễ tu dễ chứng. Lìa căn dứt cảnh qua năm công đoạn.

Tất cả chúng sanh đều bị hạn chế vào căn và cảnh. Lỗ tai và đối tượng của lỗ tai là âm thanh. Do từ căn tiếp với trần cảnh sanh ra căn thức. Lỗ tai tiếp xúc với âm thanh sanh ra cái hiểu biết của lỗ tai về âm thanh. Từ đó khởi sanh vọng tưởng, nguyên nhân xa rời tánh thức. Bồ tát Quán Thế Âm trình bạch : …”Bạch đức Thế Tôn, con nhớ vô số kiếp về trước có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, từ nơi đức Phật đó mà con phát tâm Bồ Đề. Ngài dạy – khi con nghe và suy nghĩ để nhập vào Tam Ma Địa. Con vâng lời Phật dạy và thực hiện. Lúc đầu từ cái nghe để quán nhập vào tánh nghe viên thông, xả bỏ ngoại trần. Trần sở đã vắng lặng thì Động và Tịnh không còn phát sanh. Như vậy tiến dần cái nghe và cái được nghe đều vắng bặt. Cũng không trụ lại cái biết về sự vắng bặt đó nên tánh giác năng sở cũng không còn. Tướng sanh diệt đã mất thì bản tánh tich diệt hiển lộ.”…

Nghe là khả năng tiếp nhận. Lỗ tai để nghe và âm thinh được nghe thuộc vọng trần có sinh có diệt, nhưng tánh nghe tức khả năng tiếp nhận luôn thường hằng không tùy thuộc vào căn và cảnh. Hành giả lắng nghe lại cái khả năng tiếp nhận kia, gọi là “phản văn văn tự tánh”. Khi trụ vào tính thường hằng sẽ vượt khỏi vọng tưởng chi phối triền miên chấp tướng.

Tóm tắt qua năm công đoạn của pháp tu “Nhĩ căn viên thông”:

1/ Trong cái nghe thể nhập vào tánh nghe mà quên âm thanh bên ngoài (sơ ư văn trung, nhập ư văn sở).

2/ Nhập vào trạng thái vắng lặng thì tình trạng động tịnh đối đãi không còn sanh khởi ( sở nhập ký tịch, động tĩnh nhị tướng liễu nhiên bất sanh ).

3/ Trạng thái vắng lặng như thế tăng dần thì cái nghe và cái được nghe sẽ không còn. ( như thị tiệm tăng, văn sở văn tận ).

4/ khi năng văn và sở văn triệt tiêu, tính giác về năng sở cũng không còn (tận văn bất trụ, giác sở giác không ).

5/ Khi tính giác về năng giác sở giác cũng bị triệt tiêu thì năng không sở không biến thành tuệ giác tánh không - quang năng tự tánh hiển lộ. ( không giác cực viên, không sở không diệt).

Đến đây, khi vượt thoát năm trạng thái đó thì tánh Giác tự hiện ra. Vượt khỏi thế gian và xuất thế gian, ánh sáng tỏa khắp mười phuong hợp cùng biển tuệ chư Phật và lòng từ phủ khắp chúng sanh.

Trong Lăng Nghiêm thể hiện Thiền –Tịnh viên dung. Tuy mỗi Bồ Tát thể hiện một công hạnh nhưng hàm chứa tự tánh viên dung trong mỗi cá thể. “Phản văn văn tự tánh” là pháp trực chỉ chân tâm, không thông qua ý thức; Vọng tình vắng bặt thì tánh giác quang minh hiển lộ, đó là năng lượng sinh thức khai phát. Hành giả phải tiếp tục dụng công miên tục để nhập vào tự tánh siêu thức.

D/ Tịnh Độ. Một pháp môn thịnh hành trong các quốc gia Phật giáo châu Á. Theo truyền thuyết, khi vua A Xà Thế giam vua cha Tần Bà Sa La và hoàng hậu vào ngục, trong cơn đau khổ, vua và hoàng hậu hướng về Linh Thứu, nơi Phật an trụ để khẩn cầu. Phật phóng quang vào ngục để thuyết giảng về nhân quả giữa hai cha con để giải kết oan nghiệp, và hướng dẫn vua niệm Phật cầu vãng sanh cảnh về giới của đức Phật A Di Đà. Tuy nhiên, các sử gia nghiên cứu lịch sử giáo truyền thì cho rằng các bộ kinh Bắc truyền khởi lập sau khi Phật nhập diệt trên dưới 6 thế kỷ, trong đó có đại bổn Di Đà, Đại thừa vô lượng nghĩa, Quán Vô Lượng thọ,…Đương thời, Đức Thế Tôn khuyến tấn 37 phẩm Trợ Đạo là một trong những điều căn bản thiết lập nhân Tịnh Độ theo học phái Nguyên thủy.

Lịch sử thành lập cỏi A Di Đà, do Tỳ Kheo Pháp Tạng vào thời Phật Thế Tự Tại phát 48 đại nguyện thành lập cảnh giới Tịnh độ để độ thoát chúng sanh; xem như trạm trung chuyển hỗ trợ cho chúng sanh tiến đến giải thoát hoàn toàn. Về tướng mà nói thì với tập khí sâu dầy của chúng sanh, khó mà tự lực tu tiến, vì thế , tha lực của đức Phật A Di Đà là một nguồn năng lực ngoại vi tiếp sức hành giả tu tịnh. Những đặc điểm hành trì của một hành giả tu Tịnh độ, cần phải có: Tín-Hạnh-Nguyện. Phương thức hành trì với nhiều dạng: Trì danh niệm Phật – Tham cứu niệm Phật – Quán tưởng niệm Phật – Thật Tướng Niệm Phật – dù dưới bất cứ hình thưc hành trì nào, cũng đòi hỏi một đức tin dõng mãnh và chuyên tâm nhất niệm. “Trì danh niệm Phật” không phải loại niệm Phật công cứ mà phải chuyên biệt đến độ niệm vô niệm tức niệm vô biệt niệm, không còn kẽ hở, miên tục như giòng nước chảy; tạp niệm không sanh thì năng lượng sinh thức hiện diện, quang năng tự tánh hiển lộ, niệm lực câu thông với bản lai diện mục làm nền tảng tiến vào năng lượng siêu thức khi nhân quả bị triệt tiêu. “Tham cứu niệm Phật” cũng vậy, không phải nghiên cứu mà là thâm nhập vào tâm lưu miên mật trì niệm, đưa đến kết quả như trì danh. “Quán tưởng niệm Phật” là hình thái nhập tâm uy tướng của đức Di Đà chiếm trọn vẹn tâm thức hành giả, nói cách khác, tâm thức hành giả lúc bấy giờ là toàn thân của đức A Di Đà, kết hợp hai trong một thì mọi tạp niệm không có cơ xâm nhiễm vào tàng thức. Nếu hành giả có trình độ, căn cơ cao tột thì pháp hành “quán thật tướng niệm Phật” là nhập vào tự tánh Di Đà, giúp hành giả hòa nhập vào biển ánh sáng vô biên của cảnh giới Di Đà tức năng lượng sinh thức lộ diện. Pháp hành thì như thế, nhưng hành giả cũng phải tô bồi công đức bằng những phước đức hữu vi bởi tâm từ vô lượng mới đạt Vô sanh nhẫn. Người tu niệm Phật như thế đạt tâm khai trọn vẹn.

Tịnh độ được lưu truyền qua 13 vị Tổ mà trong đó có những vị từng là Thiền sư, tùy căn cơ chúng sanh mà ngài hướng dẫn Tịnh hoặc Thiền như Tổ Thừa Viễn (712-802).

Không riêng cảnh giới Đức Di Đà mà còn nhiều cỏi Tịnh độ khác nhau của vô số đức Phật như: Đông phương Dược sư – Nam phương Tịnh độ của Phật Bảo Sinh – Bắc phương Tịnh độ của Phật Cổ Âm. Tịnh độ Diệu Hỷ của đức Bất Động Như Lai, Tịnh độ Đâu Suất của đức Di Lặc… Trong “Tây Phương hiệp luận” phân tích 10 đặc tính Tịnh Độ: Tỳ Lô Giá Na Tịnh độ - Duy Tâm tịnh độ - Hằng chơn tịnh độ - Ký báo tịnh độ - phân thân tịnh độ - y tha tịnh độ - thập phương tịnh độ - nhất tâm tịnh độ - bất khả tư nghì tịnh độ, nhưng tựu trung vẫn không ngoài bốn loại: Thường Tịch Quang Tịnh độ - Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh độ - Phương Tiện Hữu Dư Tịnh độ - Phàm Thánh Đồng cư Tịnh độ. Về tánh mà luận, mỗi loại tùy phân biệt khác nhau do công hạnh hành trì, nhưng tựu trung vẫn do năng lượng sinh thức ứng hiện tương thích với khuynh hướng tu tập. Trì niệm Hồng danh để câu thông tha lực ngoại biên của đức Phật A Di Đà, thì quán tưởng thể hiện tự lực để nhiếp tâm nhập định. Quán tưởng tuy mang tính tự kỷ ám thị, nhưng do đoạn trừ vọng niệm loạn tưởng mà năng lượng sinh thức khởi phát. Vì vậy, tổ Huệ Viễn đời nhà Tùy sáng lập Tịnh độ tông. Tánh tướng viên dung đưa đến định lực cần thiết cho một sinh thức nở hoa ngàn cánh trên đỉnh Côn Lôn! Tuy nhiên, theo lão cư sĩ Hạ Liên Cư trong Tịnh Tông Tiệp Yếu thì chính đức Đại Thế Chí trong kinh Thủ Lăng Nghiêm là người tổ khai sáng pháp môn niệm Phật.

Tịnh độ trong Kim Cang thừa cũng không mấy khác với Tịnh độ truyền thống; Theo truyền thống Đại thừa tạo cho quần chúng nghĩ rằng cảnh giới của đức A Di Đà nằm tận vũ trụ xa xôi – mười vạn ức quốc độ chư Phật về hướng Tây của cỏi ta bà nầy, thì Kim Cang thừa lại quan niệm Đức A Di Đà hiện hữu trong ta mà giáo lý của Dzogchen cho rằng tinh hoa tâm thức siêu việt và tự tánh vô sanh của tâm thức chỉ là một. Tinh hoa tâm thức siêu việt hay tự tánh vô sanh cũng chỉ là cách nói khác chỉ đến năng lượng siêu thức khi mà vượt thoát khỏi năng lượng sinh thức. Kim Cang thừa còn chú trọng đến tâm từ hỗ trợ cho Tín-hạnh-nguyện. Tâm từ là cốt lõi của mọi pháp hành mà hành giả bất cứ pháp môn nào cũng phải có.

Trong Nikaya, Pali gọi Tịnh độ là Tịnh cư. Theo Pali, Tịnh độ có nghĩa chốn Thiện thú, lạc cảnh tương đương với cỏi nhân thiên. Còn Tịnh cư có ý nghĩa sâu xa hơn biểu thị cho Tịnh độ của chư Phật. Theo A Tỳ Đàm, các hành giả trước khi chứng thánh quả A La Hán, đều kinh qua cỏi sắc giới của Phạm Thiên, nơi mà các bậc Thinh văn, bất lai quả còn thọ dụng sắc tưởng cuối cùng của ngũ uẩn. Cảnh giới Tịnh cư chỉ có nghĩa trạm dừng chân cuối cùng cho Bất lai quả để tiếp cuộc hành trình tiến tu đến tứ thánh quả; 37 phẩm trợ đạo là cốt lỏi của một hành giả Tịnh độ trong Phật giáo nguyên thủy. Như thế, Tịnh độ của Phật giáo nguyên thủy không chỉ giới hạn trong một cảnh giới mà trạng thái phổ quát của tâm hành đưa đến tâm chứng.

Nói cách khác, Tịnh độ của Bắc truyền hay Nam truyền chỉ là cách diễn đạt hiện tướng của tâm chứng trong một giai đoạn trung chuyển khi mà năng lượng sinh thức trên quá trình tiến đến năng lượng siêu thức để hiển lộ chân như phật tánh, bản lai diện mục hay nguồn cội của mọi tâm linh.

Chính việc niệm Phật có công năng chứng đắc mà trong Lăng Nghiêm Đại Định, Đức Đại Thế Chí trình bày pháp chứng do công năng niệm Phật mà thành.

Từ thời đại Đức Phật lịch sử làm cuộc cách mạng quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo, san bằng giai cấp xã hội và những triết thuyết tiêu cực có mặt, một số học phái tâm linh ra đời chịu ảnh hưởng Phật giáo đã làm cho hệ thống cổ truyền Bà La Môn cảm thấy bị đe dọa, đó là một trong những lý do Phật giáo đã bị những giáo sĩ Bà La Môn cực đoan triệt hạ Phật giáo trước khi Hồi giáo ra tay hủy diệt đạo Phật tại Ấn. Một số giáo sĩ Bà La Môn chấp nhận quan điểm của đức Phật và để giữ lại số tín đồ ngã sang đạo Phật lúc bấy giờ, họ thay đổi cách hiến tế; thay vì hỏa thiêu con người, dùng gia súc thay thế. Một số nghi lễ lỗi thời, họ chấp nhận cải sửa, nhưng không thể từ bỏ giai cấp thống trị tinh thần và sang bằng giai cấp mà từ đó đã bảo vệ sự hưởng thụ qua nhiều thế kỷ trong giới giáo sĩ đó. Đó là nguyên nhân đe dọa giai cấp giáo sĩ Bà La Môn từ giáo lý của Đức Phật. Và cũng ảnh hưởng tinh thần cách mạng tín ngưỡng, cách mạng tôn giáo, cách mạng chính trị xã hội của Đức Phật lúc bấy giờ, một số học thuyết, tín ngưỡng ra đời, tách khỏi ảnh hưởng truyền thống của Bà la môn.

Cùng niên đại với đức Thế tôn, một học phái xuất hiện, đó là Đạo Jain. Sở dĩ gọi là học phái, vì nó mang nặng tính chất triết lý nhiều hơn là tôn giáo. Theo giáo sử của Kỳ Na, quá trình hình thành trải qua 24 đời truyền thừa, chưa có chứng tích minh định sự có mặt của Kỳ Na trước Phật giáo. Cùng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Bà La Môn, Kỳ Na cũng chịu ảnh hưởng tinh thần cải cách sâu rộng từ Phật giáo. Nhưng chiều sâu triết lý bị hạn chế bởi một số hành giả Yoga và phái khắc kỷ đương thời, vì thế, ngoài những quan điểm bất hại, bất bạo động, luân hồi, nghiệp quả, tuyệt dục, các hành giả Kỳ Na chưa nắm được cốt lõi trong việc giải quyết nghiệp nhân để hướng đến giải thoát. Giống như một số dòng tu khổ hạnh hành xác của Kito giáo, họ hành hạ thể xác để không cho nghiệp dục phát sanh và diệt trừ nghiệp nhân trong quá khứ. Những dòng khổ tu của Kito giáo quan niệm đánh vào thân xác để đền tội trước mặt Chúa. Trong khi đó, Phật giáo không quan niệm thân xác là nguyên nhân tạo nghiệp nếu không do tác ý chủ động. Thân xác là hệ quả tất yếu những nghiệp nhân quá khứ chứ không là nguyên nhân tạo nghiệp trong quá khứ. Đã một thời Đức Phật trải qua 6 năm khổ hạnh để thân xác tiều tụy mà không mang lại kết quả nào, ngược lại thân xác là điều kiện tất yếu để hành giả tiến tu đạo nghiệp. Chính vì quan nệm không chính xác về nghuệp nhân và nghiệp quả nên hành giả Kỳ Na cũng như một số phái khắc kỷ đương thời đi vào ngõ cụt trước khi đạt thành chí nguyện giải thoát. Một khi thân xác không đủ năng lượng sinh học dồi dào thì năng lượng sinh thức cũng khó phát triển về mặt trí tuệ. Một nhánh của Kỳ Na có quan niệm không thọ nhận của thế gian, vì thế không mặc quần áo và ăn của cúng dường. Trong giáo đoàn Phật đương thời, Đề Bà Đạt Đa cũng muốn khắc khe việc hành trì giới luật và tu tập để xiển dương một giáo đoàn nổi trội hơn giáo đoàn của đức Thế tôn, nhưng đã bị thất bại. Tinh thần trung đạo của Phật Giáo giúp hành giả chuyên tu dễ thành đạt chí nguyện.

Sau khi Phật giáo xuất hiện, vừa giải quyết vấn đề giai cấp trong xã hội, bất bình đẳng trong giới tính, vừa chỉnh lý tín ngưỡng Thần học cực đoan của Bà La Môn; trên quan điểm ý thức, Đức Thế tôn đưa đến một pháp hành không dựa vào niềm tin tôn giáo, vào truyền thống tín ngưỡng, vào kinh điển tiền nhân, không nương tựa vào một đối tượng Thần thánh mà xây dựng đạo đức nhân sinh, đạo lý giải thoát ngay chính tự thân hành giả. Phật giáo lấy con người làm trọng điểm để giải quyết mọi khổ đau và bất toàn thay vì khẩn cầu Thần linh, Thượng đế theo truyền thống của các tôn giáo tiền nhiệm. Qua 49 ngày chuyên sâu Thiền định dưới cội Bồ Đề, Đức Phật phát hiện ra rằng – mọi chúng sanh đều có giá trị và khả năng như nhau để tự giải thoát, bởi chính mỗi cá thể đều có mầm mống tuệ giác, đó là quang năng tự tánh, một ánh sáng phủ trùm vạn vật

Thật sự Phật giáo ngoài những Thánh tích, không còn gì lưu lại nếp sinh hoạt giáo đoàn như thời kỳ đức Thế Tôn cho đến triều đại Asoka. Gần 10 thế kỷ, Phật giáo Ấn vẫn chưa phục hồi nội lực nguyên thủy. các quốc gia Phật giáo có mặt trên đất Ấn chưa đủ sức vực dậy một thời huy hoàng mà Phật giáo từng tác động lên cuộc sống tâm linh, chính trị, xã hội của một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ.

Phật giáo Ấn chỉ còn được biết trên giáo sử - lịch sử của Ấn; ngược lại, hào quang Phật giáo lan tỏa khắp năm châu, được khẳng định như một giáo thuyết trọn vẹn cả mặt tâm linh, đạo đức xã hội, tâm lý-khoa học và chuẩn mực của tôn giáo-tín ngưỡng. Tuy nhiên, tiếp nối truyền thống tâm linh của đạo Phật, có những giáo thuyết hình thành từ các tôn giáo cổ, mang âm hưởng của Phật giáo cả về mặt nhân sinh- vũ trụ quan mà còn cả hướng đi cho linh thức tách bạch hẳn một Thần tượng đối ngẫu.

Kể từ tiền Phật giáo tại Ấn, Áo Nghĩa Thư, Một bộ Thánh thư được xem là kim chỉ nam cho Ấn giáo, một phần ca ngợi chư Thần, tuyên dương các vị vua và bộ tộc chiến đấu anh dũng; một phần nói lên quan điểm triết học, vũ trụ, thiên nhiên và hướng dẫn nghi cách hiến tế Thần linh; một phần dành cho những hành giả chìm sâu trong tịch mặc mà gọi là Yogin trong giáo trình của Yoga - một bộ phận không nhỏ trong Thánh thư Ấn giáo.

MINH MẪN

02/02/2012