Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

CHÙA PHẬT QUANG Ở PHILADELPHIA


Philadelphia là thành phố nằm phía Đông Bắc Hoa Kỳ, tọa lạc dọc sông Daleware và Schuylkill, diện tích 369km². Một thành phố mang tính hài hòa giữa cổ kính và hiện đại. Ngoài kiến trúc dân sự, còn nhiều kiến trúc của Kito giáo được liệt vào di tích cổ. Philadelphia cũng là thành phố lớn nhất trong khối thịnh vượng chung Pennsylvania; dân số gần 6 triệu, đứng hàng thứ 5 của Hoa Kỳ về thành phố đông dân nhất. Cách New York 80 dặm. Phila được thành lập vào ngày 27/10 năm 1682.

Hiện nay, một số giáo đường tại Philadelphia rao bán. Giá cao nhất là 1.4 triệu giá thấp nhất là 350 ngàn USD. Đặc biệt ngôi giáo đường Lutheran của người Đức xây dựng vào năm 1868, cạnh con sông Phila, nằm trên lộ 1001 S4th- street, thuộc loại di tích cổ, đã nhượng lại cho nhà chùa với giá 150 ngàn. Cơ sở vật chất bên ngoài còn tốt, nhưng bên trong nội thất hư hao khá nhiều. mọi tiện nghi như gas-điện-nước vẫn còn đang xử dụng được. Để được hoàn chỉnh, phải tốn trên 200 ngàn đô mới biến nhà Chúa thành nhà chùa đúng nghĩa. Parking rộng chứa được nhiều xe đậu. Không xa chợ và gần trung tâm thành phố. Tòa thị chính và khu thương mại lái xe không quá 15 phút. Không gian thoáng đãng. Thầy Thích Kiến Như đang xoay xở để hạ cây thập giá, thế vào là chữ Vạn, một vị tri quá cao, tính từ mặt đất lên ngọn tháp cũng phải 30m. Thầy Chân Lý, thầy Kiến Như và sư cô Tuệ Đức mua lại vào tháng 7 năm 2010. Vừa mua xong, chính quyền cấp giấy sinh hoạt ngay, vì truyền thống sinh hoạt non-profit và tính pháp nhân của giáo đường vẫn còn giá trị.

Ở Mỹ, việc xin cấp phép xây dựng chùa rất khó, có những nơi gần 20 năm vẫn chưa đủ yếu tố để được chấp thuận. Yếu tố địa lý và diện tích đủ đáp ứng cho số lượng người sinh hoạt hàng tuần, chỗ đậu xe; vệ sinh công cộng, tiện nghi cho người tàn tật; đồ án kiến trúc tổng thể, khi xây dựng được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ từng phần để bảo đảm an toàn và đúng quy cách. Ngoài ra phải mang tính chất hội đoàn. Những yếu tố như thế vẫn chưa đủ để cấp phép nếu ai đó trong cư dân lân cận không đồng ý. Không như ở Việt Nam, tại Mỹ tuy chùa cách xa nhà dân từ 50m trở lên, có những nơi vài trăm mét hoặc có nơi thật hoang vắng, thế mà không được sự đồng thuận của cư dân bản địa, chùa khó mà được sinh hoạt. Chùa Hoa Nghiêm ở Virginia tuy được cấp phép sinh hoạt, nhưng nhà kế cận than phiền xe ra vào ồn ào, police đến làm việc và hạn chế tín đồ vãng lai; chính vì vậy mà có những nơi chùa phải mua những nhà dân lân cận để tránh phiền toái. Tuy rất tôn trọng quyền tự do cá nhân và mang tính dân chủ, đôi khi cảnh sát chỉ theo yêu cầu của đương đơn mà không chịu xét đến nguyện vọng của bị đơn một cách hợp lý.
Ngày nay ở các bang lớn của Mỹ, chùa Việt Nam phát triển như vũ bão, nhưng tầm vóc kiến trúc và sinh hoạt đúng nghĩa của một ngôi chùa truyền thống rất hiếm. Ai có tiền cũng đều có quyền mua nhà làm chùa, dĩ nhiên chưa hợp pháp; vài ba tín đồ ủng hộ cũng lập riêng một chùa, vì thế cộng đồng Phật tử bị phân tán mỏng. Có một số chùa chỉ một thầy một cô sống chung. Trong khi đó, Lào, Miến, Camobodia, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Thái, Nhật, Ấn…mỗi cộng đồng trong một khu vực chỉ duy nhất một chùa, chư Tăng sinh hoạt tập thể, được kiểm soát giúp đỡ lẫn nhau để tu tập, tệ nạn cũng khó xẩy ra và đức tin quần chúng vì thế cũng được gia cố.
Chùa rất cần cho quần chúng tu tập nhưng không cần quá nhiều chùa gần nhau để phân tán mỏng tài sản của tín đồ. Không những gom góp tiền của để xây dựng tại chỗ mà còn quyên góp dưới mọi hình thức để về xây dựng tại quê hương. Như thế có cần chăng khi mà chưa đáp ứng nhu cầu pháp tu và giáo lý cho quần chúng đang mong muốn. Cơ sở vật chất trong và ngoài nước quá nhiều trong khi đức tin quần chúng đối với Phật giáo quá mong manh. Chỉ cần một lời hứa viễn vong nơi Thiên quốc và vài trăm nghìn đồng Việt Nam là có thể hàng loạt người cải đạo dễ dàng. Hiện nay các cơ sở vật chất Phật giáo có xu hướng tạo cảnh quan để câu khách du lịch kiếm lợi nhuận hơn là hướng sâu vào việc tu tập nội lực. Cũng có nhiều nơi hiện nay ở Mỹ hướng dẫn quần chúng tu tập, nhưng chỉ theo mùa và nặng hình thức hơn là thực chất. Rất ít chùa thực sự chuyên sâu vào giải thoát như Thiền viện Sùng Nghiêm ở Cali. Đó là một sự thật mà ít ai can đảm chấp nhận, để trốn chạy sự thật và tiếp tục mê hoặc quần chúng nhẹ dạ bằng những lối vu vạ xuyên tạc chụp mũ kẻ khác.
Rất mong các cơ sở Phật giáo có tầm vóc như chùa Tây Lai của Đài Loan, chùa Việt Nam do HT Nguyên Hạnh tọa chủ và một số chùa vững vàng khác tiếp tục phát triển nội chất để các chùa còn lại noi theo truyền thống uy tín đó. Cũng rất mong một số tu sĩ trẻ trên dưới 40 hiện nay ở Mỹ đang nỗ lực tu học và hoằng pháp sẽ được nhân rộng mà không bị vướng vào vết xe phát triển cơ sở vật chất như một số hiện nay. Ngày xưa Đức Phật và Tăng đoàn hàng ngàn vị không chủ trương xây cất thế mà Đạo Phật vẫn phát triển và phát triển vững chắc, vì chủ trương hoằng pháp chứ không kêu gọi xây dựng cơ sở vật chất. Ngày nay, bề mặt nổi càng nhiều thì nội chất bên trong càng trống vắng. Ở Việt Nam, quận 12, một ngôi chùa trong hẽm sâu, hàng trăm Phật tử tu tập mỗi đêm, cơ sở vật chất nghèo nàn, thế mà thầy trụ trì, vừa là giáo sư Vạn Hạnh, vừa là giảng sư hoằng pháp khắp nơi, chưa hề kêu gọi quần chúng đóng góp để xây dựng lại cơ sở. VN hiện nay cũng không ít Tăng trẻ đã có cái nhìn khác về lối phát triển Phật giáo mà không cần nặng tâm về cơ sở tự viện.
Chùa Phật Quang ở Philadelphia đang phục hồi lại từ nhà thờ, vì thế cần phải hoàn chỉnh cơ sở. Chương trình tu học có cả Thiền và Tịnh, Bát Quan Trai, do Thầy Kiến Như xuất thân từ giòng phái Trúc Lâm Đà Lạt, vốn là một giáo sư Trung học trước 1975, cũng là luật sư tòa Thượng Thẩm SG, đang đảm trách chương trình tái tạo cơ sở và hướng dẫn tu tập cùng thầy Chân Lý tại Philadelphia, với kinh nghiệm và sự tu tập của quý thầy sẽ giúp cho quần chúng có nơi gửi gấm niềm tin vững chắc và sự tiến tu của Phật tử bền vững như sự vững bền của cơ sở Phật Quang hiện nay.


MINH MẪN
28/9/2011

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI



Gần đây, trang Phật Tử Việt Nam có đăng bài viết về: “ Tôn giáo mới qua một chuyến đi chùa”. Sự thật như thế nào?

Một số quần chúng miền Nam thường có khuynh hướng tin “Mẫu” hay gọi là đạo Mẫu, liên hệ từ nguồn gốc “Diêu Trì Kim Mẫu”, “ Bà Chúa Sứ” và xa hơn nữa” “Liễu Mẫu Thượng Ngàn”. Liễu Mẩu Thượng Ngàn có từ xa xưa, phát triển trong giới Tứ phủ phía Bắc, nổi tiếng là Phủ Dầy. Riêng trong Nam, Bà Chúa Sứ, Địa Mẫu, gọi chung là đạo Mẫu. Đó là loại tín ngưỡng nhân gian xuất hiện lâu đời. Những loại vè tự phát để ca ngợi đấng mình đang tín ngưỡng, trong quá trình hình thành, cộng đồng Tứ phủ đã nhịp nhàng trống phách với bài chầu văn mỗi dịp hầu đồng. Phía Nam, tín ngưỡng đạo Mẫu đơn điệu trong ca trù nhưng thể hiện sự thành tín đều giống nhau. Không riêng đối với Thánh tượng Quán Thế Âm, cả tượng Diêu Trì đứng trên quả cầu, tượng Maria và những tượng thờ các tôn giáo mang hình ảnh phụ nữ, họ đều gọi chung là Mẹ, là Mẫu. Đứng trên lĩnh vực tôn giáo như đạo Phật, đạo Chúa, thì họ là những người mê tín ngoại đạo, nhưng trong nhân gian xem họ là những người có khuynh hướng tôn kính thần linh. Chúng ta chưa nói đến đúng sai vì không thể đứng góc độ chủ quan để phán xét. Vấn đề tín ngưỡng nhân gian là quyền tự do tuyệt đối mà Hiến chương Giáo hội không hề đề cập cũng như Pháp Lệnh Tôn giáo không đưa họ vào danh sách một tôn giáo nhất định. Vì thế không xem họ là một tôn giáo cạnh tranh với tôn giáo.

Một vấn đề nữa là những ban hộ niệm tự phát. Trước 1975 và sau thập niên 1930, miền Trung cũng từng có những Ban Hộ niệm, thay mặt quý thầy để trợ giúp các gia đình vùng xa có nhu cầu tín ngưỡng. Lúc bấy giờ lượng số chư Tăng còn quá ít. Trong xã hội phát triển ngày nay, tuy tu sĩ rất đông, nhưng thiên hướng vật chất không những tràn ngập xã hội mà lấn sâu vào đời sống tu sĩ, vì vậy, một số tu sĩ trẻ chưa chuyên sâu tu tập, bị áp lực vật chất chi phối, làm mất niềm tin quần chúng không ít. Đi bất cứ chùa nào, 80% đều nghĩ đến thu nhập. Một tang gia thỉnh sư cũng phải tiêu tốn không dưới mươi triệu. Cho dù thỉnh được bậc chân tu, chẳng lẽ các Ngài uống nước lã cuốc bộ? Gia chủ cũng phải cúng dường. Tín đồ nghèo chạy cơm hàng bữa làm sao cung ứng cho dịch vụ tín ngưỡng khi có nhu cầu. Không chỉ trong nước, ngay cả nước ngoài, đến chùa là phải cúng dường, phải có tiền, đôi khi tiền ít không được ai tiếp đãi; chưa nói đến việc chùa luôn xây dựng, luôn phát triển cơ sở vật chất làm cho tín đồ quá mệt mỏi. Chính vì thế tín đồ nghèo muốn đến chùa cũng phát ngại. Nói như thế không phải tất cả các chùa đều đòi hỏi tiền của từ tín đồ. Có những chùa bao trọn gói trong thời gian tu học cho vài ngàn tín đồ mà không hề kêu gọi đóng góp như chùa Hoằng Pháp. Trong nước được mấy chùa như thế. Nhu cầu tu tập của quần chúng ngày càng phát triển khi mà cuộc sống quá nhiêu khê tác động tâm lý đến đời sống tâm linh của họ. Một số đến chùa, học hỏi giáo lý, nắm vững nghi lễ, xét thấy đến chùa gặp nhiều phiền phức, một số đến chỉ bàn chuyện gia đình, nói chuyện thế gian và ngại cúng dường khi kinh tế eo hẹp, do vậy họ tự động lập nhóm để tu tại gia, luân phiên tụng niệm. Trong và ngoài nước cũng đều như vậy, vì thế họ không muốn thỉnh mời chư Tăng chứ không phải cách ly chư Tăng. Tu sĩ đại diện Tam bảo để hoằng pháp, giúp đỡ quần chúng về tâm linh, nhưng không ít một số tu sĩ đã đánh mất niềm tin quần chúng, quần chúng đến chùa chỉ biết lễ Phật và cúng dường, ít được nghe thầy giảng đạo. Tệ nạn nầy không chỉ cá biệt mà phát triển tràn lan trong và ngoài nước. Những chùa thuần túy tu tập và hướng dẫn giáo lý cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho tín đồ một cách vô tư, rất ít. Riêng tại Sài gòn, số chùa gắn bó tạo được niềm tin cho bổn đạo, đếm trên đầu ngón tay.

Với tình trạng quần chúng cách ly Tăng Bảo, hãy tự xét lại nhân thân tu sĩ, đừng vội kết án quần chúng là ngoại đạo. Không ngoại đạo nào bỏ công đi tụng niệm luân phiên mỗi đêm hàng chục năm nay, kể cả trước 1975, mà không hề lồng giáo lý ngoại đạo vào. Và những nhóm lập Ban hộ niệm tại gia cũng chưa hề tụng kinh ngoại đạo hay giảng giải ngoại đạo. Có những người tuyên bố chỉ quy y nhị Bảo thôi, hẳn nhiên điều nầy không đúng, nhưng nói lên tinh thần chán nản của quần chúng đối với một số tu sĩ biến chất. Rất tiếc họ chưa có duyên gặp được những bậc chân tu vẫn hiện diện khắp nơi. Đây không phải là điều đáng báo động cho Phật giáo về những sinh hoạt độc lập của cư sĩ, mà tiếng chuông cảnh tỉnh để tu sĩ nhìn lại chính mình. Hiến chương Giáo Hội cũng không đặt vấn đề nhóm cư sĩ tu tại gia như thế, vì vậy không cần phải cảnh giác đối với họ. Nếu thích thì họ đã cải đạo sang tôn giáo khác có ai cấm, cần gì phải ngụy trang Ban hộ niệm tư gia? Đây là điều đáng mừng khi mà phần lớn nhà chùa không thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, họ tự tìm lối đi để giữ vững niềm tin đối với Tam Bảo. Sự báo động không cần thiết khi mà quần chúng ngày càng phát triển niềm tin đối với Phật giáo qua nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau; Vấn đề là chư Tăng nói riêng, Giáo hội nói chung, có phương án đáng tin cậy để hướng dẫn họ trở về đúng chánh pháp và giữ vững niềm tin của họ trước trào lưu cài đạo và cám dỗ vật chất hiện nay.

Tóm lại đó là những hiện tượng đáng mừng trước niềm tin của quần chúng đối với Phật giáo, điều đáng lo mà không chịu lo là phong trào cải đạo hiện nay đang phát triển khắp nơi, từ miền Thượng du Bắc Việt cho đến đồng bằng Nam bộ, tại sao ta không đặt vấn đề mà cứ phải đặt vấn đề đối với tín đồ của chúng ta???

MM

10/10/2011

BẢN CHẤT CAO QUÝ


Sáng 25/9/2011, tại nhà hàng chay HOA KHAI số 124 Nguyễn Cư Trinh Q. 1, TP Hồ Chí Minh, cuộc tọa đàm “Ẩm Thực Chay” do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Ẩm Thực Chay thuộc “Trung Tâm Unesco Phát Triển Văn Hóa Ẩm Thực” tổ chức.

Khách mời trên dưới 200 vị, đặc biệt – TT Tiến Sĩ Thích Nhật Từ và BS Nguyễn Kim Hưng ( Giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP HCM ) là hai vị khách trực tiếp trả lời cuộc phỏng vấn trong buổi tọa đàm. Vào đề, Bs Nguyễn Kim Hưng được MC đặt câu hỏi đầu tiên. MC thay mặt BTC luân phiên đặt câu hỏi cho hai vị, xoay quanh vấn đề lợi ích của việc thực dưỡng chay. Với kiến thức uyên bác và chuyên môn của hai cử tọa, đã đem lại sự hưng phấn cho buổi tọa đàm. Mặc dù việc ăn chay hiệu quả thiết thực cho sức khỏe, môi trường và kinh tế từ lâu đã được xác định. Ngày nay vẫn còn không ít người có quan điểm ăn chay sẽ thiếu sức khỏe, BS Nguyễn Kim Hưng dẫn chứng một nhà văn đạt hai giải Nobel, là người ăn chay trường và sống trên 80 tuổi. Những trẻ em ăn chay từ bé luôn có chỉ số thông minh hơn. Bác sĩ Kim Hưng cũng lập lại câu nói của các Thánh nhân: Tất cả chúng ta đều cao quý, nhưng do quan niệm thiếu chính đáng mà tự chúng ta trở thành thiếu cao quý.
Mạnh Tử nói : “Nhân chi sơ – tính bổn thiện” Đưc Phật dạy: “ Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tính”…Các Thánh nhân đều xác định tánh cao quý trong con người nói riêng và mọi loài chúng sanh nói chung. Thế nhưng, một khi đánh mất sự cao quý đó, do chính hành động, lời nói ý nghĩ của chúng ta tạo nên. Những điều kiện đánh mất sự cao quý đó, cũng chỉ là hiện tượng nhất thời trong cuộc sống của một tập quán xã hội nhất định. Một góc độ nào đó, tùy thuộc quan niệm đạo đức xã hội đánh giá sự cao quý hay không cao quý của một thành phần trong xã hội đó. Riêng lãnh vực thực dưỡng, cổ nhân đã bảo: “ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn” điều nầy nói lên tính chất đạo đức và nhân cách cao quý của việc ăn uống. Sống để mà ăn mang tính tham lam thô bạo của động vật hạ đẳng. Con người có ý thức và có lý tưởng cao quý hơn, vì thế việc ăn uống chỉ là phương tiện nuôi sống chứ không phải mục đích tối thượng để sống. Tuy là phương tiện để sống, nhưng sống như thế nào qua những phương tiện đó nó không tác hại đến môi trường sống chung quanh, nó không để lại những di chứng cho sức khỏe, không đánh mất lòng nhân ái của một con người, và không tổn hại đến phần tâm linh của một sinh vật thượng đẳng. Đó là một vấn đề mà khoa học ngày nay đang quan tâm, báo động về sự hủy hoại môi trường, hiệu ứng nhà kính và bệnh tật lan tràn.
Ăn chay không phải là vấn đề mới đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia châu Á, cũng không là cũ đối với nguy cấp ngày nay trên hành tinh xanh của nhân loại. Chư Tổ đã sớm ý thức về sức khỏe và lòng từ trong việc ăn uống, vì vậy trên 90% Phật giáo Việt Nam đã trường chay. Hàng trăm nhà trí thức, khoa học gia, chính trị gia trên thế giới đã ăn chay. Xã hội âu Mỹ cũng đang trên cao trào xử dụng thực vật thay thế động vật. Một người thánh thiện thì mọi hành động đều thánh thiện. Một người cao quý không thể nuôi dưỡng và tăng trưởng sự cao quý bằng xác chết của động vật; ăn tạp mọi sinh vật, nuôi dưỡng thân mạng bằng những sinh vật thấp kém thì mình không thể trở thành cao thượng. chén cơm trắng không thẻ chan bằng máu của cúng sanh, sự tanh hôi và lòng nhẫn tâm đã không cho phép những tâm hồn cao quý nuôi thân như thế. Chúng ta đã bị vị giác và lòng tham đanh lừa để hậu quả đưa đến là bệnh tật bản thân và khổ đau cho mọi loài chung quanh. Cuộc sống cần có hạnh phúc, mục đích của con người là mưu cầu hạnh phúc nhưng chúng ta xây đắp hạnh phúc bằng những yếu tố không hạnh phúc, vì sự cao quý của con người đã bồi đắp bởi những yếu tố không cao quý. Một vóc dáng thanh lịch trang phục một bộ cánh sang trọng nhưng tâm hồn tham muốn sinh mạng của chúng sanh, thì đó cũng chỉ là một nghĩa địa di động của kiếp người. Họ không đau xót trước tiếng kêu la khi xẻ thịt của một con vật đưa lên bàn tiệc thì làm sao có lòng từ thật sự đối với sự đau khổ của đồng loại , chính vì thế mà hòa bình không tồn tại trên hành tinh của chúng ta. Động vật sống bằng thực vật, con người ăn lại động vật, có nghĩa gián tiếp ăn thực vật, tại sao chúng ta khộng sống trực tiếp từ thực vật mà phải thông qua bộ máy tiêu hóa nhiều bệnh tật của động vật??? Sự khôn ngoan của cuộc sống là nuôi dưỡng bằng thức ăn không bệnh tật, không sống trên đau khổ của mọi loài và nuôi cơ thể bằng những thực phẩm tinh khiết. Tuy là thực phẩm chay, nhưng hình dáng và tên gọi giả mặn cũng đã đưa vào tâm thức người ăn một vi tế sinh trược của sự sát hại và nuôi dưỡng lòng tham bởi vị giác.
Một thân thể thanh khiết phải được nuôi dưỡng bởi sự thanh khiết, một tâm hồn cao thượng phải được tích lũy tính chất cao thượng, một cuộc sống cao quý không thể nuôi dưỡng bởi những điều thiếu cao quý, trong đó có lòng từ ái, sự công bằng trước mọi sinh mạng, sức khỏe tự thân và bao vệ môi sinh cho cộng đồng cần được tôn trọng vì mình và cộng đồng là một.
Việt Nam ngày nay, phong trào ăn chay đang phát triển. Hà nội cũng đã xuất hiện gần chục nhà hành chay, miền Tây Nam bộ là nơi người dân trường chay khá đông, quán chay xen kẽ với quán nhậu. Tại Sài Gòn, ngoài nhà hàng, quán chay bình dân, còn nhiều điểm phát cơm chay miễn phí cho người lao động. Ở Mỹ Đình đã có gian hàng triển lãm chay thì tại TP Hồ chí Minh cũng nhiều lần xuất hiện nhiều gian hàng chay tại công viên 2/9. Nhiều cuộc tọa đàm về ăn chay. Chị Nguyễn thị Ngọc Trâm – “Trung Tâm Unesco phát triển văn hóa ẩm thực” đang tổ chức các lớp hướng dẫn nấu chay, cấp học bổng khuyến khích các thành viên trong việc nấu và phổ biến ăn chay. Đúng ra Phật giáo nên chủ động việc nầy qua sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Ngày nay, người dân Việt ý thức về sức khỏe nên tham gia ăn chay thường xuyên như để tẩy ruột, nhưng phần lớn Phật tử đã tự nguyện chay trường. Nếu cuộc sống bằng dinh dưỡng thực vật đơn thuần không qua gia vị chế biến thì sức khỏe bảo đảm hơn và việc dinh dưỡng bằng thực vật được các tôn giáo chấp nhận thì sẽ tiêt giảm nhiều phí phạm trong việc chăn nuôi, giải quyết được nạn thiếu ăn hiện nay trên thế giới.
Con người là sinh vật cao quý, thời gian dài sự cao quý bị đánh mất cũng bởi các giác quan tham muốn và ý thức lệch lạc về dinh dưỡng, tự mình hạ thấp giá trị sinh mạng ngang bằng các loài động vật hạ đẳng cũng bởi do nuôi thân mạng bằng tố chất của động vật hạ đẳng. Đó chỉ là giai đoạn, thực sự Bản chất chúng ta vẫn là cao quý khi chúng ta ý thức và phục hồi lại hành trạng cao quý từ Thân-khẩu-ý của chúng ta. Ăn chay là cách thể hiện bản chất cao quý ấy.


MINH MẪN
25/9/2011

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

THÁNG NGÀY LANG BẠT


Ba hôm nay, trời rả rích mưa, gió lất phất lạnh, từng sợi nước nghiêng nghiêng giữa khung trời mờ đục. Ai từng sống ở miền Trung nước Việt mới cảm nhận được cái thấm thía buồn tận xương. Mùa Đông nhận chìm cảnh vật miền Trung trong cơn rét, trong mưa phùn, trong con nước ngập ngụa cánh đồng. Ở Mỹ không có những ấn tượng như thế, nhưng lữ khách vẫn man man nỗi nhớ quê nhà.

Cô Trang ( Tâm Nghiêm), Bé lớn, Bé nhỏ và Y đã làm chuyến đi qua các bang Philadelphia, New Yersey, New York..đưa lữ khách vào vùng ấn tượng. Bắt đầu khởi hành từ 17 giờ chủ nhật, đến Eden hơn nửa tiếng, hẹn gặp nhau ở quán chay Thanh Vân. Anh Trường, người mà được quần chúng Phật tử ở Virginia quý mến bởi tính bộc trực, năng động, nhiệt tình, đang là hội phó hội Quản trị chùa Hoa Nghiêm, đưa lữ khách đến giới thiệu nhiều bạn bè, đã kết nối ngày giờ cho chuyến đi xuyên bang ở Mỹ. Người khởi xướng chuyến đi nầy là Lệ Trí, nhưng sức khỏe của cọng bún không cho phép L.T tham gia cuộc hành trình. Nhân ngày lễ Lao Động, là dịp hướng dẫn lữ khách tham quan. Cái lề mề chậm chạp của phụ nữa lắm khi cũng cần thiết, chình vì thế, mãi đến 22 giờ mới rời khỏi nhà để trực chỉ Phila.Thành phố lên đèn làm rực rỡ downtown kiều diễm. Đường vào Thành phố với những dãy nhà khiêm tốn cổ kính, ảm đạm, trầm lắng thì vài phút sau, xuất hiện các tòa cao ốc lấp lánh vạn ánh đèn sao trên nền trời trong vắt. Cho dù khu phố cổ hay khu phố hiện đại cũng mang âm hưởng kiến trúc Kito giáo, Independence và Geogia khai thai từ Hy Lạp.
Đánh xe một vòng để “cởi ngựa xem hoa”, Trang lái xe chạy theo Police để tìm hotel qua đêm. Một phòng hai giường cho một đêm ngã lưng chẳng có chi sang trọng, thế mà cũng phải 200 đô. Ai cũng mệt mỏi, Hồng Y vừa vào phòng, chưa kịp thay đồ đã chiếm một góc nệm, phủ kín chăn đi tìm cỏi lạ! Sau khi no đầy một giấc, cô ta lên giọng như người chủ động sắp xếp: “bên nầy Bé lớn, Bé nhỏ và H.Y một giường, còn bên kia là thầy và chị Trang nằm xoay đầu mà ngủ”
Ôi lạy Phật, câu phán vừa dứt, lữ khách như bềnh bồng trên mây. Thật bối rối chẳng biết đâu mà gỡ. Tuy mệt mỏi và thèm ngủ, cũng phải đợi ai đó sắp xếp sao cho hợp lý. Trang kéo tấm drap và mền xuống trải một góc cho Bé lớn và Trang, dĩ nhiên cái giường mênh mông trắng toát kia để dành lữ khách. Lạy Phật, cứ ngỡ thiếu giường nằm, thế mà vẫn thừa. Lữ khách chọn một góc để tĩnh tọa từ 2 giờ khuya đến 6 giờ sáng. Một bưổi sáng nắng ấm mang hơi mát từ biền vào, đánh thức mọi người, lại có một phen cười ầm chế nhạo :” ngủ ngồi”. Ở Việt Nam từng ngủ vỉa hè, khi qua Mỹ cũng hai lần ở vỉa hè mà không được ngủ. Một hôm thầy Trụ trì đi vắng, giao khóa chùa nhưng không có khóa phòng, sau khi được vài vị mời đi chơi, về không vào phòng được, cứ thế mà suốt đêm đi lên chùa, xuống nhà Tăng cách nhau độ 30m như đi tuần thời chiến. loạn.

Qua con đường feeway từ Phila để vào New York cũng phải mất 3giờ lái xe. Trục lộ giao thông ở Mỹ như màng nhện, xe chạy như mắc cửi, tốc độ không dưới 80 miles, tương đương 120m/h. Người ở Mỹ mấy chục năm vẫn không thể biết hết đường đi lối lại. Chiếc máy định vị léo nhéo dẫn đường, trên màn hình nhỏ, mũi tên xê dịch theo từng cung đường quanh co. Tiếng nhắc nhở đều đều như ma xó ngồi bên cạnh. Đi đâu cũng do máy hướng dẫn, con người thời đại tân tiến lệ thuộc vào sự chỉ đạo và công năng của máy móc, vì thế cuộc sống xã hội công nghiệp biến con người thành cổ máy sinh hoạt đều đều, vội vã và lập lại. Đổ xăng, đi shopping, book vé, tìm hiểu mọi vấn đề đều do máy móc giúp đỡ.

Đường hầm chui qua sông đủ cho hai làn xe chạy cùng chiều, bên kia cũng có đường hầm cho luồng xe ra khỏi phố, kết nối giữa New jersey và New York, dài gần 3km với một hệ thống thông hơi hiện đại, được mang tên Tunnel Holand do kỷ sư Hòa Lan thực hiện công trình. New York cũng có đường hầm Lincoln. Không lâu sau, một thành phố với những cao ốc tòa tháp chọc trời xuất hiện như thách thức không gian. Gửi xe vào public parking, đoàn người đi bộ qua phố Tàu, khu phố sầm uất nhộn nhịp cứ như ngày hội. Phong cách sinh hoạt nơi đây khác hẳn với Hoa Thịnh Đốn. Người và xe chen chúc, không ai nhường ai. Trong Thành phố mà cứ như ngoài xa lộ, xe chạy bạt mạng, vì thế, xe Taxi nào cũng làm đai vịn cho khách. Họ có thể bắn nhau chỉ vì xe trước cản trở xe sau, New York là thành phố duy nhất ở Mỹ phân nửa dân số không có xe riêng, phần lớn đi xe công cộng. New York có hệ thống tàu điện ngầm nổi tiếng. Xe Taxi vàng gồm hơn 13 ngàn chiếc của tư nhân, chiếm phần lớn, ngoài ra một số xe chạy khách không có bảng hiệu, hoạt động nhộn nhịp, đã giải quyêt việc đi lại trong Thành phố. Cáp treo ở Manhattan. Có cả xe cyclo, xe ngựa và xe đạp. Tàu điện ngầm…việc giao thông đa dạng đã giúp sinh hoạt cư dân New York trôi chảy nhịp nhàng. Thế nhưng, sự sinh hoạt vẫn chưa thể hiện nét văn hóa từ tốn, trầm lắng, lịch sự như Washington DC. Hoa Thịnh Đốn không có nhà chọc trời biểu lộ nét cao ngạo, nhưng chung quanh nhà dân là những vườn cây, thảm cỏ và sau lưng là rừng xanh phủ bóng.

Một nhà hàng nổi tiếng của Tàu, khách đến sau phải chờ hàng chục người từ nửa tiếng trở lên mới có thể vào, sau khi họ nhận thẻ hẹn giờ. Mười năm về trước, phố Tàu thường xảy ra tranh chấp đẩm máu giữa một số băng đảng Tàu và Ý và cũng chỉ ở Phố Tàu là nhơ bẩn như hầu hết phố Tàu khắp nơi trên thế giới. Sinh hoạt tại New York, người người vội vã, đi đứng, ăn nói…đều nhanh vội, vì thế, xe chạy trong Thành phố cũng không chậm hơn được.
Trời nhá nhem, đường phố lên đèn, trung tâm thương mại, truyền thông, giải trí phần lớn tập trung tại New York đã làm cho New York trở thành miền đất hứa trên xứ cờ Hoa. Giá sinh hoạt đắt đỏ, thế nhưng vẫn rất ít người muốn rời xa Nữu Ước. Ngọn gió chiều từ bến cảng xoa dịu không khi oi nồng trong ngày để dọn đường cho bầu trời đêm nhiều cám dỗ, một thành phố sống về đêm. Mỗi bang có một phong cách sinh hoạt và giải trí khác nhau. Chẳng hạn tại Cali tuy Thành phố rộng lớn của Mỹ, vẫn có nhịp sống và khí hậu mang dáng dấp châu Á. Mùa hè, có những sinh hoạt lành mạnh cho học sinh; có khu Festival để các nghệ sĩ và nghệ nhân biểu lộ tài năng. Cư sĩ Nguyên Giác đã đưa lữ khách đến Laguna Beach, (hàng năm, ba tháng hè đều mở cửa) để xem hội họa của những nữ họa già nua say mê trên giá vẽ. Các gian hàng trưng bày sản phẩm mỹ nghệ thủy tinh, đất sét…Cũng có nơi, ca sĩ nổi tiếng độc diễn lộ thiên để phục vụ quần chúng một cách say sưa. San Francisco lại mang âm hưởng của núi rừng Tây nguyên Việt Nam quanh năm lạnh lẽo, dệt cảnh thơ mộng với mây phủ đỉnh cầu Cổng Vàng. Ngược lại một Texas hâm hấp nóng không thua miền Trung nước Việt, vào mùa Hè gió Hạ Lào mang hơi lửa lùa sang Quảng Bình Quảng trị. Phần nhiều cư dân tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, ra đường ăn mặc đơn giản, phụ nữ có khi mặc quần short áo thun dắt chó nghêu ngao giữa phố. Lắm người chạy bộ, cởi xe đạp đều đeo earphone nghe nhạc hoặc không thiếu phụ nữ béo phì thịt chảy từ mắt cá trở lên như cái bao bộng nước, thế mà tay vẫn cầm lon coca tay cầm gói French Fries ngoàm ngoằm liên tu. Thực phẩm Hoa Kỳ quá nhiều dinh dưỡng, chất béo và ngọt luôn được xử dụng. Thủ Đô không có khu Casino, không có tụ điểm đen đỏ hay dạng kinh doanh sát phạt, nhưng vẫn tồn tại khu vực Mỹ đen nhiều phức tạp. Hoa kỳ quá rộng, múi giờ từng vùng khác nhau, Washington DC sau Việt Nam 13 tiếng, Cali chậm hơn DC 3 giờ thì Texas cách Việt Nam đúng 12 tiếng…Hoa Thịnh Đốn phủ xanh bởi rừng cây bạt ngàn thì Cali được mọc đầy nhà cửa dưới cái nắng chói chang…

Suốt ba tháng được anh em book vé đi viếng khắp nơi. Anh HQ và BND sắp xếp đi Cali, từ đó được biết cư sĩ N.G, cs T.D, cs Mật Nghiêm và thăm viếng nhiều chùa, đến Sacramento, San Francisco. Chị T.T và chùa Quang Đức bao vé về Houston mới được biết Louisiana, New Orleans, biết chùa Việt Nam của HT Nguyên Hạnh. Anh em Phật tử tại Virginia như anh Long thường đưa đi DC để tham quan tòa Bạch Ốc, nhà Quốc Hội, tượng đài chiến tranh Nam Triều Tiên, Việt Nam và đệ nhị thế chiến…Tham dự buổi tối pháo hoa dịp Quốc Khành Hoa Kỳ…Những Phật tử tâm huyết giao lưu tại nhà anh Thu, anh Kh, lắng nghe được tâm nguyện của họ về sinh hoạt Phật giáo tại Mỹ, những canh cánh lo âu của họ trước những phong cách bán Tăng bán Tục của vài vị đã đánh mất niềm tin quần chúng. Anh Quỳnh anh Tâm và nhiều anh chi em đã tạo những tiện nghi cho chuyến trở về Việt Nam không thể quên. Bs Trần Đoàn, hội trưởng chùa Hoa Nghiêm chủ tịch hội Phật Giáo Bắc Mỹ, người tạo nhịp cầu cho lữ khách qua Mỹ, hai ông bà cũng lo quà cáp cho chuyến đi về; một độc giả như B.N tận mãi Houston cũng quan tâm về chi phí trong thời gian lữ khách lưu lại Mỹ.…còn nhiều và còn rất nhiều những tấm lòng.

Bao nhiêu buồn vui lẫn lộn trong cộng đồng Phật tử, nhưng rồi một vài Tăng trẻ có học cũng tạo được niếm tin cho họ; Những trí thức Phật tử cũng cố gắng xiển dương Phật Pháp trong khả năng hạn chế. Một Đạt Lai Lạt Ma, một sư ông Nhất Hạnh cũng nhen nhóm được đức tin từng vùng trong cư dân bản xứ. Phật giáo vẫn còn tràn đầy sức sống trên đất nước Hoa Kỳ do chư Tăng của các quốc gia khác ngoài Việt Nam. Chư Tăng Lào, Myanmar, Bangladesh, Hàn quốc, Đài Loan, Tây Tạng…đã tạo được niềm tin cho tín đồ qua cách sống Tăng đoàn hòa hợp và giới luật tinh nghiêm, vì những vị đó không giữ tiền riêng, không có chùa riêng. Một cách nhìn chung, quần chúng Phật tử Việt Nam vẫn còn những niềm tin kiên cố với Phật giáo. Mặc dù cuộc sống khó nhọc, họ vẫn nghĩ về quê hương với những gia cảnh rách nát, những trẻ thơ vô tội và những cụ lão cô đơn. Tuy họ thất vọng một số chùa nhưng vẫn nhiệt tâm cúng dường khi hữu sự. Có những cụ bà từ Cali qua Virginia mất 5 giờ bay, cũng chỉ để làm bánh bán kiếm tiền cúng dường các sư Khất sĩ, chạy vạy mượn tiền để chùa khỏi bị nhà bank kéo vì thiếu nợ thì ,trong khi đó sư trụ trì lại đi tìm đất để mua bán kinh doanh.
Buồn vui trên xứ người luôn là động lực để họ đến với Đạo. Hy vọng một số tu sĩ thiếu phẩm hạnh đừng tạo thêm hố ngăn cách giữa họ với Đạo. Tại DC, một vài nhóm anh em Phật tử lập thành Đạo tràng tu tập tại gia khi mà đến chùa trở thành một phiền não đối với họ. Trong và ngoài nước hiện nay, cư sĩ tu hành rất tinh chuyên.
*
* *
Trên đường về, Bé lớn đã thay tay lái cho Tâm Nghiêm chạy suốt đêm, tuy 26 tuổi mà khôn ngoan đáo để. Với giọng Quảng Trị vùng Lao Bảo, nhiều âm khó nghe, thế mà vẫn tía lia hồn nhiên. Từ lúc đi đến khi về , trên xe ngập tràn tiếng cười. H.Y lai ngây thơ đến độ :” Thành Phật sớm quá cũng khổ cho chúng tôi” những câu ngây ngô của H.Y làm cho Trang và Bé lớn nổ dòn sặc sụa giữa đêm mưa trơn trượt. Bé nhỏ con của Trang thì lặng lẽ, nghiêm nghị, nói toàn tiếng Mỹ, mẹ nói tiếng Việt nó cố gắng lắm cũng chi nói bập bẹ vài tiếng xen một tràng tiếng bản xứ, cứ như người Thượng nói tiếng Việt. Ba giờ sáng đến chùa Phật Quang của thầy Kiến Như, ngôi chùa cải biên từ nhà Chúa. Ngôi nhà thờ thuộc loại cổ nằm trong danh bạ di tích, nhường lại cho nhà chùa. Rồi trời vẫn mưa, dạ khách vẫn đi trên con đường vây bủa màn đêm. Chưa bao giờ vùng Virginia có cơn mưa dầm như thế, đến nỗi một số vùng ngập lụt, động đất; mưa dầm đến với Virginia như chưa bao giờ có mặt lữ khách đến với cộng đồng Phật giáo hải ngoại tợ cơn bảo ngầm.
Mưa rồi cũng sẽ nhường cho chân trời nắng ấm, những uẩn khúc trong lòng Phật tử cũng sẽ nhường lại cho niềm tin chính đáng khi cộng đồng Phật giáo hải ngoại có những bậc chân sư.
Ngày cuối chia tay để trở về nửa vòng trái đất bên kia đại dương, thì bầu trời ráo tạnh như chưa bao giờ trũng nước, tia nắng chiều chói chang, lữ khách vẫn được mời cơm khách. Từ chùa đến Eden non một tiếng, Eden nhộn nhịp như những vùng có đông người Việt. Trên chiếc bàn bốn người ngoài góc sân, Mai lớn lẫn Mai Lệ Trí cùng xuất hiện. Mai lớn chỉ vừa biết nhau ba ngày, Mai nhỏ đã quen ba tháng, tất cả do anh Trường kết nối “vòng tay lớn” . Bốn người trao đổi về đạo lý nhà Phật, bốn người mang bốn tâm trạng khác nhau của mỗi gia cảnh, cũng như cả triệu kiều bào sống tha hương, đều lúng túng giữa Đạo và Đời, đều nặng lòng với sinh hoạt tín ngưỡng chưa có lối thoát mà một vài vị giảng dạy mâu thuẩn nhau. Trên những gương mặt ấy, vẫn còn rạng ánh sáng tâm linh như bầu trời Virginia chưa từng phủ lạnh mưa dầm. Cuối chân trời không một gợn mây.

MINH MAN
09 / 9 / 2011