Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
VĂN HIẾN - VĂN HÓA VÀ SỰ PHÁ SẢN
Đất nước Nhật trải qua một thiên tai thế kỷ, qua cơn thiên tai đó, không chỉ là hậu quả của một địa chấn trên xứ sở mặt trời, tiếp đến một cơn TÂM Chấn liên lũy đối với lương tri nhân loại.
Nhật có nền văn hóa lâu đời, không những từ thời đại Joomon mà trước đó, trải dài nhiều thiên niên kỷ. Cũng như một số quốc gia Đông Nam Á, Nhật chịu một phần ảnh hưởng văn hóa Trung hoa xa xưa; Nhật tiếp nhận văn hóa phương Tây, đã kết hợp hài hòa hai nền văn minh Á Âu để chấn hưng một đất nước chịu nhiều thiệt hại sau cuộc chiến mà Hiroshima và Nagasaki còn lưu tàn tích. Có giả thuyết bảo rằng, người Nhật ảnh hưởng giòng máu Triều Tiên, nhưng truyền thuyết bảo rằng do Tần Thủy Hoàng buộc thần dân tìm thuốc trường sinh bất tử, những Thần dân đó không quay trở lại, chọn những quần đảo nầy làm nơi trú thân, từ đó lập nên đảo quốc Nhật Bản. Theo các sử gia, Nhật Bản có mặt trên 5.000 năm trước công nguyên, nghĩa là có trước Tần Thủy Hoàng, vì đời Tần đó chỉ trước công ngưyên gần 4 thế kỷ. Các sử gia cũng tìm thấy đặc tính của hai nền văn hóa Bắc và Nam Á châu tàng ẩn trong văn hóa Nhật. Thổ dân của đảo vốn là Ainu, bị di dân nầy đẩy lùi để chiếm cứ lãnh thổ. Cũng như hầu hết các quốc gia thủ đắc sức mạnh quân sự, Nhật có tư tưởng quân phiệt, bành trướng xâm lăng.Với tinh thần quân phiệt Nhật Bản hình thành trong thời kỳ Duy Tân Minh Trị (1868-1910), mọi quyền hành nằm trong tay Thiên Hoàng và tập đoàn quân phiệt. Nhật đã mở cuộc xâm lăng Trung Quốc vào năm 1894-1895. Chiến đấu với Nga hoàng năm 1904-1905. Năm 1931 quân phiệt Nhật khiêu khích xâm chiếm Mãn Châu, miền Đông Bắc Trung quốc. Chiến tranh châu Á 1941-1945. Khi Liên xô thắng cuộc tại Mãn châu, buộc Nhật phải từ bỏ dùng quyền lực đi xâm lăng các quốc gia khác. Cùng thời gian đó, các nước châu Á bị Nhật chiếm đóng, giành được độc lập; ngày 17/8/1945 Cộng hòa Indonesia tuyên bố độc lập, Myanmar, Lào, Campuchea, Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của Nhật. Mỹ giải phóng Philippines, Anh và Úc giải phóng Malaysia, Bắc Triều Tiên do Liên Xô giải phóng, Nam triều Tiên do Mỹ thực hiện. Thế chiến thứ hai Nhật thất bại hoàn toàn, buộc phải đầu hàng vô điều kiện.
Sau những thất bại về quân sự do chủ soái Yamagata Aritomo đề xướng chính sách “ Lân Bang Binh Bị Lược” được Minh Trị Thiên Hoàng chuẩn thuận, nhà tư tuởng chiến lược Fukuzawa Yukichi, đưa ra kế hoạch cải cách chính trị, canh tân kỷ nghệ và lai giống nhân chủng để tiếp nhận nền văn minh Tây phương; trong đó chú trọng nền giáo dục cá nhân, có sức mạnh thể chất và tính khí võ sĩ đạo, trung thực ngay thẳng…trong vòng 30 năm, nước Nhật trở thành một đại cường quốc. Một số phụ nữ Nhật quan hệ với các chính khách, các nhà khoa học nổi danh để lấy chủng tử thông minh của thế giới; Thế hệ về sau của người Nhật cao to đĩnh đạc và trí tuệ.
Trải qua quá trình phấn đấu với cuộc sống hải đảo, người Nhật phải vận dụng mọi tiềm năng để tự tồn, chính vì thế mà phát sanh ra óc xâm lược, thôn tính lân bang. Bất cứ quốc gia nào mang quân xâm lược đều không tránh khỏi tội ác diệt chủng, Nhật cũng thế, gây ân oán quá nhiều đối với các nước thuộc địa. Đơn vị 731 của Nhật đã sát hại trên 300.000 người dân tại Nam Kinh Trung quốc, Nhật làm chết đói hơn hai triệu người dân miền Bắc Việt Nam; ngược đãi hành hạ tù binh Mỹ và Philippines gần một triệu người đi bộ trên đoạn đường dài 100km từ Bataan về trại O”Donnell,. Phụ nữ các nước bị đô hộ đều bị quân phiệt Nhật xử dụng làm công cụ giải khuây tình dục. Cưỡng bức hành dâm loạn luân trong gia đình, những nạn nhân như thế sau đó đều bị giết, kể cả trẻ con.
Một dân tộc sống trên ốc đảo như thế, khi đi xâm lược mở mang bờ cỏi, tất phải thô bạo để bảo vệ quyền lực, nhưng một sự thô bạo quá đáng mất hết tính người. Có giả thiết cho rằng, trận chiến thế giới lần thứ hai do Nhật xâm chiếm Mãn Châu vào năm 1931 khơi mào và từ hậu quả thế chiến đó, thế giới đã chia làm hai cực: Tư bản – Cộng sản do Mỹ và Liên xô cầm đầu. Nhưng một khía cạnh khác của cuộc chiến, người ta cho rằng chính Nhật đối đầu với Mỹ vào ngày 07/12/1941 do đô đốc Yamamoto Isoroku tấn công vào Trân Châu Cảng và các thuộc địa của Âu châu tại Tây Thái Bình Dương và Đông Á. Trong hai cuộc chiến thế giới, các đế quốc chủ trương phát triển tài nguyên khoáng sản để xây dựng công nghiệp, phát triển kinh tế cho quốc gia mình, được gọi là đế quốc, thực dân, do đó, chủ nghĩa Cộng sản đã phát sinh để giải quyết vấn đề bất công của kẻ mạnh và óc tư hữu, nhưng khi áp dụng chủ nghĩa như thế suốt thế kỷ trên các nước theo chủ nghĩa xã hội, không những không giải quyết tính bất bình đẳng mà lại phát sinh ra một thể chế phong kiến mới, một loại tư bản mới bất bình đẳng nhiều hơn, và quần chúng trở thành nạn nhân bị thua thiệt nhiều hơn, cuộc sống khốn đốn hơn. Cho dù cuộc chiến nào để giải quyết vấn đề, cuộc chiến tòan diện hay cuộc chiến cục bộ khu vực, người dân vẫn là bia chắn, hy sinh nhiều nhất, đau khổ nhiều nhất. lấy sinh mạng con người để thực hiện ý đồ xâm lược, bành trướng chủ nghĩa. Trước kia Hiroshima, cư dân tại chỗ là 381.000 người. Khi hứng chịu quả bom, dân Hiroshima thiệt mạng hết 140.000 người và hàng năm có hàng trăm người chết bời nhiễm phóng xạ. Nagasaki cũng thế, cư dân có 200.000 mà phải chịu tổn thất hết 70.000 ngàn người và 60.000 người bị thương tật. Qua tổng kết của Liên Hiệp Quốc sau thế chiến, vào năm 1965, số người hy sinh:
Tại châu Âu: Anh 320.000 người
Liên xô 27.000.000 người
Mỹ 325.000 người
Ý 400.000 người
Đức 9.700.000 người
Nam Tư 1.600.000 người
Tiệp khắc 364.000 người
Anh 320.000 người
Pháp 520.000 người
Balan 6.0280.000 người
Tại Á châu – Thái bình Dương:
Việt Nam : 2.000.000 người
Triều Tiên : 1.000.000 người
Nhật : 2.200.000 người
Ấn độ: 2.587.000 người
Indonesia : 4.000.000 người
Mỹ : 300.000 người
Trung quốc : 20.000.000 người.
Từ ngày có loài người xuất hiện, chiến tranh bộ tộc, chiến tranh khu vực, chiến tranh quốc gia, chiến tranh nội bộ, chiến tranh thế giới… luôn luôn xẩy ra như là để cân bằng nhân số trên tinh cầu nầy.
Các đế quốc đối xử bất công hà khắc và thô bạo đối với quần chúng các thuộc địa, đã đẩy tinh thần dân tộc bản địa lên thành cao trào đấu tranh một mất một còn, vì thế các thuộc địa phần lớn đã giành được độc lập.
*
* *
Sau khi Nhật đầu hàng vô điều kiện và dưới sự bảo hộ của Mỹ, người dân Nhật gặm nhấm mối nhục hờn; Hình thái chào nhau xuôi tay cúi mình về phía trước thể hiện nỗi kham chịu nhẫn nhục để nhắc nhau về ý thức phục hồi giá trị tiềm lực của con dân đảo quốc mặt trời luôn mọc ở biển Đông. Tiềm lực kinh tế và khả năng quân sự trở về số không, người dân Nhật đã lầm lũi lao động phục hưng cuộc sống để phải san sẻ gánh nặng bệnh tật, quái thai do hậu quả của nhiễm phóng xạ, mà hàng chục ngàn dân đang gánh chịu; đào luyện nhân cách, giáo dục tuổi trẻ theo khuynh hướng khoa học, chấn hưng đất nước sau 30 năm để trở thành một đại cường quốc đứng thứ nhì trên thế giới. Một đại cường không chỉ về mặt khoa học kỷ thuật mà còn thể hiện qua nghệ thuật, ít có quốc gia nào có được. Từ nghệ thuật ẩm thực, cắm hoa, hội họa, trà đạo, võ thuật, kiến trúc, tôn giáo, trang phục; phần lớn nghệ thuật Nhật Bản ảnh hưởng tinh thần Thiền của Phật giáo, vì thế, phật giáo cũng góp phần không nhỏ trong cuộc sống và kỷ nghệ Nhật; sân vườn là một khoản không gian nhỏ cho mỗi tư thất, thu hẹp sự phóng tâm để tự tồn trong một thực tại, có những cảnh trí đơn điệu nhưng gói trọn nhiều ý tưởng Thiền đạo thanh thoát nói lên việc hãy an lạc trong hiện hữu của tầm tay. Chính tinh thần thanh cao của Phật giáo, kết hợp nghĩa khí của võ đạo mà sản sanh từng lớp hào khí samurai , giáo dục nhân dân có tinh thần liêm khiết, dũng khí, tự trọng. Tuy nhiên, khi Nhật chối bỏ một vài khía cạnh văn hóa truyền thống để hòa nhập với văn hóa Tây phương, cũng là lúc đánh mất một phần phẩm chất đạo đức tâm linh mà dân tộc Á Châu đáng trân trọng. Ví dụ lấy tết dương lịch thay cho tết cổ truyền. Những ngôi làng ngư phủ Nhật Bản là những ngôi làng kỷ nghệ đánh bắt cá voi, được xem là loại văn hóa ẩm thực, một sinh vật biển thuộc loài có vú, được ngư dân các quốc gia châu Á kính trọng, thờ cúng khi Ông bị lụy, bởi đây là sinh vật luôn giúp người đi biển gặp nạn, ngư phủ Nhật đã ảnh hưởng tính thực dụng, đánh mất sự trân quý của ngư nghiệp, kỷ nghệ ngư nghiệp mỗi năm xẻ thịt hàng vạn tấn cá voi. Đứng về phía tâm linh, tất cả loài động vật có vú đều có đẳng cấp tâm linh cao, ý thức và tình cảm cũng sâu sắc thông minh hơn. Nhật cũng có những món ăn cầu kỳ mà được gọi là văn minh, như ăn cá sống và chế biến tinh vi những món ăn của cuộc sống trưởng giả. Tuy vi phạm những khía cạnh đạo đức tâm linh ngỡ chừng vô hại nhưng thấm vào máu thịt quy luật nhân quả không lường.
*
* *
Dù là một quốc gia tiến bộ, văn minh cùng cực, vẫn không tránh khỏi những thiên tai bởi luật nhân quả quá khứ tạo tác; tuy nhiên chính sách giáo dục nhân cách cá nhân và ý thức cộng đồng của Nhật đã làm cho thế giới nghiêng mình ngã nón.Trước hoảng loạn mà vẫn điềm tĩnh, trước đói rét mà nhân cách không đánh mất. Biết đến lượt mình, phần quà sẽ không còn đến tay, người dân Nhật vẫn chờ đợi trong trật tự, cúi đầu cám ơn khi người phát quà cứu trợ ra dấu hết hàng. Một đứa trẻ 9 tuổi mất cha lẫn mẹ trong thiên tai, đói lạnh nhiều ngày, thế mà vẫn không nhận phần quà cho riêng mình khi người cảnh sát biếu riêng, em đem nộp cho nhân viên phân phối thực phẩm để tôn trọng sự công bằng. Quốc biến mới biết tôi trung, gian nan hoạn nạn mới biết nhân cách của một con người. Qua nhân cách của nạn nhân thiên tai Nhật Bản, mới thấy được tinh thần tự trọng của người dân và ý thức cộng đồng của một dân tộc và có lẽ cũng chỉ là một dân tộc duy nhất trên hành tinh nầy, cả thế giới kính cẩn thầm phục. Tất cả nạn nhân đối diện với đói, lạnh giữa màn trời chiếu đất mà vẫn từ tốn, trước cái chết được báo trước mà 50 chuyên viên vẫn chấp nhận lao vào vùng phóng xạ, trong khi đó, Tokyo và các tỉnh phía Nam Nhật, các ngoại kiều hốt hoảng tìm cách rời xa đảo quốc mà họ đang được cưu mang, đào tạo, học hỏi và tiến thân trong lúc an bình!
*
* *
Như một số nước Đông Nam Á, Nhật Bản có bề dày lịch sử hình thành văn hiến qua tiến trình văn hóa, nhưng xứ mặt trời mọc đã làm kinh ngạc thế giới từ khoa học cho đến giáo dục nhân cách cộng đồng, từ thiên tai cho đến nghệ thuật len lỏi khắp ngỏ ngách cuộc sống. Từ chính trị cho đến kinh tế…Một lãnh đạo giỏi phải nuôi sống 125,77 triệu người trên một quần đảo không sống bằng nông nghiệp. Các tệ nạn được hạn chế tối đa để khi nói đến Nhật, thế giới chỉ thấy ánh mặt trời phương Đông rạng tỏa.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có chiều dài và bề dày lịch sử văn hóa làm nên văn hiến hơn 4.000 năm. Tuy chiến tranh liên miên từ phía Bắc, nhân dân ta bị đầy lùi xuống đến Nam quan thời ấy, phần đất Lĩnh Nam, Quảng Châu nay là tỉnh lỵ của Quảng Đông Trung Quốc, Quảng Tây, lên tới động Đình hồ và xa hơn là Ngũ Lĩnh vào tay địch, dân Bách Việt bị đồng hóa bởi Hán tộc, có lần Đại đế Quang trung dự tính thu hồi, thế mà cha ông ta, vẫn không đánh mất nề nếp gia phong, duy trì tình làng nghĩa xóm. Nhuộm răng bó tóc. Có những ngôi làng phần lớn là bà con giòng tộc phát triển sinh sống tại chỗ. Cha mẹ, con cháu, dâu rể…đều sông chung trong đại gia đình; tôn ti trật tự trong xã hội vẫn được tồn tại.; Con cháu luôn hiếu thảo, vợ chồng luôn trung tiết. không hề có vụ ly dị bỏ nhau cho dù chồng đi xa bao năm vẫn chờ đợi, hình ảnh hòn vọng phu đã nói lên điều đó. Một đám ma đi qua, mọi người đứng lại ngã nón. Một cụ già được người trẻ dìu dắt qua đường hay nâng đỡ vật mang nặng. học trò cho dù thành danh trong xã hội, vẫn luôn nhớ ơn và thăm thầy mỗi khi có dịp. Cán bộ, nhân viên làm việc tận tụy, không ăn cắp thời gian để mưu cầu việc riêng. Lãnh đạo luôn nghĩ đến phương cách làm lợi và chấn hưng đất nước, cuộc sống luôn liêm khiết. Đối với động vật luôn thương quý săn sóc. Tôn giáo chuyên cần đúng chức năng để tự thăng hoa và giúp xã hội thăng hoa, xứng đáng là điểm tựa tinh thần cho quần chúng. Nhân dân cần cù , hưởng thụ trên công sức và sở hữu tài sản từ công lao chính đáng. Tuy an phận thủ thường, không phát triển nhiều về vật chất nhưng thủ đắc một tâm hồn trong sáng và cuộc sống an lạc thanh cao. Giặc đến, hy sinh hết mình và nhiệt tình huởng ứng lời kêu gọi của vua quan, hội nghị Ziên Hồng đã nói lên tinh thần đó.
Sau thế chiến thứ nhất, các quốc gia Tây Âu, để phát triển kỷ nghệ, đòi hỏi tài nguyên khoáng sản, nhiên liệu cung ứng cho máy nổ và nguyên liệu cho việc sản xuất cơ giới, họ bắt đầu đi xâm chiếm các quốc gia khác làm thuộc địa dưới danh nghĩa khai hóa, bảo hộ. Việt Nam ta quen với nếp sống đơn thuần của cổ truyền, nay đối diện với phương tiện hiện đại, văn minh và nền văn hóa xa lạ, quần chúng bắt đầu khởi ý vọng ngoại. Pháp và một số người ngoại quốc có mặt tại Việt Nam, tạo một hưng phấn cho lớp trẻ thành phố, họ dễ dàng tiếp thu học hỏi những cách gọi là văn minh tiến bộ. Họ thích cầm muỗng nĩa hơn là cầm đũa. Cách giao thương, làm ăn cũng xa lạ, trường học và cách giáo dục không như thầy giáo trường làng , thầy trò ngồi trên tấm phản, mà họ có bàn ghế hẳn hòi, chữ viết trên tấm bảng đen cũng ngắn gọn, dễ nhớ. Họ không búi tóc như cha ông mình, áo quần không lụng thụng như chiếc áo the và chiếc quần cháo lòng có thể nhốt thêm con heo vào đó vẫn còn thừa. Họ không đi lại bằng xe bò hay đi bộ nữa mà chiếc xe hai bánh tự đạp, rồi dần dà xe bốn bánh máy nổ. Họ không đánh nhau bằng cung tên dao rựa nữa mà biết xử dụng súng đạn. Họ thưởng thức món ăn phương Tây để thay cho mắm tôm. Họ gửi con vào nhà giữ trẻ để có thời gian đi làm. Người vợ không ngồi chờ đồng lương của chồng đem về mà chủ động góp phần tạo cuộc sống chung sung túc hơn. Một số người đã gửi bố mẹ già vào viện dưỡng lão; con vào nội trú… tất cả đều bị xã hội hóa, vì thế tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm dần dần bị phai nhạt. Khi mà tai nạn ngoài đường, mọi người đều vô cảm, không ra tay cứu giúp, ngại liên lụy phiền phức, khi mà học sinh đánh nhau, mọi người dửng dưng, khi mà thầy giáo lạm dụng nữ sinh, khi mà tội phạm phát triển từ xã hội đến học đuờng, từ cơ quan đến gia đình như là chuyện bình thường thì lạ gì biến một xã hội thành một đấu trường mạnh được yếu thua, làm sao tìm được sự hy sinh vô ngã của những tấm lòng vị tha! Lòng tốt biến thành việc đáng ngờ, kẻ thánh thiện không có đất dung thân, mọi tệ nạn, tội phạm nhởn nhơ trước pháp luật, công lý không được bảo vệ đúng mức; người dân thấp cổ bé miệng luôn thiệt thòi trước kẻ có quyền lực, địa vị. Xa xưa cha ông ta còn nghèo đói nhưng Voi không bị sát hại dã mang chỉ vì lấy cặp sừng. Hổ nuôi không bị đầu độc để bán cho thương lái. Gấu nuôi không bị chặt tay và hành hạ hàng ngày chỉ vì nguồn lợi cá nhân.
Xã hội ta ngày nay, cuộc sống người dân không đến nỗi quá đói nghèo như Bắc Hàn, Myanmar, Campuchea, Ấn Độ…thế nhưng có những kẻ thiếu lương tâm đã cho phép rãi đinh ngoài lộ. Những phần quà cứu trợ bão lụt bị đưa ra chợ trời; bắt và hành hạ trẻ con, người già đi xin ăn để hưởng lợi. lừa gạt thiếu nữ đem đi bán. Trong khi nhiều người tật nguyền như khiếm thị, cụt tay chân, họ không sống bám xã hội, thì vẫn không thiếu những kẻ lừa đảo cướp giựt từng tấm vé số trên tay những kẻ bất hạnh đó. Chỉ cần vài phân vàng, chúng có thể đánh đổi một mạng người. Là người tình ngày hôm trước, trở thành nạn nhân ngày hôm sau của kẻ tán tận lương tâm chỉ nhìn thấy của. Con giết cha mẹ, vợ giết chồng. Dùng quyền hạn, nghiệp vụ chiếm đoạt tài sản của dân…Vô số sự kiện xầy ra hàng ngày như thế, nếu bảo là do đói nghèo thì là loại đói nghèo về giáo dục đạo đức từ gia đình đến học đường, từ xã hội đến ý thức dân tộc. Vô số cách làm nghèo đất nước, ngay cả bộ phận giáo dục, mỗi năm đều thay đổi sách giáo khoa mà đáng ra một chương trình giáo dục có thể từ năm năm trở lên mới chỉnh sửa, thế nhưng, chỉ chỉnh sửa vài giòng có thế hủy bỏ bộ sách hàng trăm nghìn đồng mà đáng ra con em lớp sau có thể xử dụng tiếp bộ sách của lớp đi trước. Phụ huynh vốn nghèo, phải tốn thêm một khoản tiền để mua sách mới, dĩ nhiên sách sũ hàng trăm nghìn đó chỉ đáng vài nghìn để bán ve chai. Mỗi năm tận dụng bộ sách cũ thì số tiền chi cho một năm học mới trên toàn quốc sẽ giúp nhiều gia đình đỡ vất vả hơn, và con em cũng không bị thất học.
*
* *
Trách nhiệm về sự phá sản bắt nguồn từ một chính sách và ý thức của mọi người dân. Tôn giáo cũng chịu một phần trách nhiệm quan trọng. Quy luật thịnh suy là điều tất yếu cho mọi nền văn hiến và văn hóa, mọi hiện tượng của cuộc sống. Đánh động sự hủy diệt một nền văn hóa bị vong thân, lai căn, tạp nham cũng có nghĩa xét lại quá trình biến chuyển ý thức của một dân tộc. Phải chăng hiện tượng hủy diệt một nền văn hóa nhân bản của dân tộc ta, báo hiệu “cùng tất biến” cho một nền văn hóa mới để đoạn tuyệt với nền văn hiến hàng ngàn năm qua? Ngày nay, khó có một quốc gia nào khi hội nhập, đón nhận nền văn hóa khác mà có thể duy trì được nét cao đẹp vốn có của mình, nhưng cũng khó có một quốc gia nào tiến bộ khoa học, có thể dung nhiếp giữa tính thực dụng của xã hội công nghiệp với đạo đức truyền thống của một dân tộc như Nhật Bản. Văn hóa Nhật không khác với văn hóa việt Nam lắm, khi chữ Hán là chữ thông dụng trong xã hội xa xưa thì ông cha ta cũng đã biến thể từ Hán ra Nôm, khi du nhập giao tiếp với phương Tây thì chữ quốc ngữ cũng được tận dụng. Nhật dùng Kanji làm cơ bản, biến ra Hiragana và Katakana như một đơn thể giản dị hóa và cũng xử dụng Romaji trong văn bản hành chánh. Nhật Bản chọn Phật giáo làm tôn giáo chính và Thần đạo làm tín ngưỡng thông dụng, thì Việt Nam cũng trên 60% là Phật giáo và phần lớn là đạo thờ ông bà. Thành hoàng Thổ địa cũng là dạng Thần đạo cải biên. Một số phát âm giữa Việt và Nhật gần như đồng âm, ví dụ “liên lạc” người Nhật đọc là “renraku”. Tình cảm gia tộc vẫn còn ít nhiều duy trì gia phong của châu Á. Tiến bộ khoa học kỷ thuật của Âu Mỹ không phải hoàn toàn là một thiên đường cho các quốc gia châu Á; nền văn hóa châu Á cũng không thể pha tạp với văn hóa của xã hội công nghiêp thực dụng Tây phương. Các nhà lãnh đạo cần chắt lọc khi đón nhận văn minh xa lạ. Tôn giáo cổ truyền cũng góp phần chỉnh đốn nề nếp tâm linh cho xã hội không điên đảo. Đã đến lúc xã hội cần báo động những suy thoái văn hóa đưa đến hủy diệt nền văn hiến mà cha ông đã vun đắp.
*
* *
Qua thiên tai Nhật bản đã cho thấy một nếp văn hóa cộng đồng và nhân cách tự thân rõ nét đến kinh ngạc làm cả thế giới, kể cả văn minh công nghiệp cũng phải kính nể. Không phải tự dưng được thừa hưởng nền văn hiến của cha ông nếu các nhà giáo dục Nhật không triển khai và duy trì đặc tính khả kính đó trong cuộc sống thường nhật của người dân. Và nếu cha mẹ, ông bà không gia công bảo tồn nếp sống gia tộc thì người Nhật cũng như chúng ta ngày nay, tự mình xóa dấu quá khứ để vong thân cho hiện tại, thể hiện lai căn trên mái đầu nhiều màu tóc của lớp trẻ ngày nay. Một tôn giáo như đạo Phật tại Nhật, nếu không nghiêm túc thân giáo, không hoàn chỉnh nội lực, không cập nhật kiến thức giáo dục và phương cách truyền bá, hành hóa thì Phật giáo cũng khó tạo nét nghệ thuật tăng thẩm mỹ cho cuộc sống của người dân Nhật. Một số nét văn hóa tương đồng trong quá khứ giữa Việt Nam và Nhật, nhưng vẫn còn cách xa về nhân cách giữa Nhật và Việt Nam ngày nay, như một cách xa quá ư nhột nhạt khi mà Nhật viện trợ cho Việt Nam quá ư hào phóng, lúc Nhật lâm nạn, chúng ta cũng hào phóng gửi tặng 200.000 đô, chỉ bằng bữa tiệc nhậu của các đại gia hay một phần mười sự hoang phí của các công tử, con ông cháu cha tại Việt Nam đua đòi xe hơi đời mới hàng tỷ đô. Nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các doanh nghiệp góp thêm 800.000 đô để có một triệu cũng không đến nỗi thể hiện tấm lòng nghèo đói của chúng ta trước một đất nước từng là ân nhân lớn của dân tộc Việt. Trong khi đó, người dân Việt Nam hàng ngày đều tự nguyện đóng góp, trong đó, nhóm Khiếm Thị Thiện Nguyện Hốc Môn tình nguyện mỗi thành viên đóng góp một ngày thu nhập tương đương 20.000đ V.N để gửi tặng người dân Nhật.
Chúng ta nghèo không hơn một số quốc gia trong khu vực, không đói hơn châu Phi, nhưng chả lẽ thể diện của một quốc gia nghèo đến độ bằng một bữa tiệc nhậu của đại gia?. Văn hiến, văn hóa và sự phá sản của một dân tộc như thế sao???
MINH MẪN
30/3/2011
Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011
TÌNH CẢM DÂN TỘC VỚI SINH VẬT HUYỀN THOẠI
Hơn nửa năm nay, vấn đề cụ rùa được cư dân mạng theo dỏi bằng một tình cảm trân quý và xót xa.
Hết họp đến bàn luận, thảo kế hoạch rồi lập phương án, một chuyện nhỏ như thế mà gần một năm chưa có kết quả cụ thể, trong khi sức khỏe và vết thương của cụ rùa ngày một xấu đi. Toàn dân vất vả cho cuộc sống, thế mà họ vẫn quan tâm đến cụ rùa một cách chân thành, họ sốt suột, không biết phải làm gì để góp phần cứu nguy cụ, ngược lại, cán bộ chuyên ngành lại không có phương án kịp thời để giải quyết vấn đề; thế mà, gần đây, Vietnam Net được ông Tiến sĩ dỏm trả lời khi phỏng vấn sự việc của Hồ Gươm:
Xin ông cho biết việc "đánh đồng" rùa truyền thuyết trong lịch sử và "cụ" rùa ở hồ Hoàn Kiếm hiện nay có sai lệch thế nào?
Tiến sĩ Vũ Thế Long: Truyền thuyết là những câu chuyện mà người ta đồn đại, đó không hẳn là một sự thật khoa học. Ta có thể tham khảo truyền thuyết để hiểu được tiền nhân gửi gắm lại điều gì cho mai sau qua cái truyền thuyết ấy.
Chuyện rùa hồ Hoàn Kiếm mà truyền thuyết lưu lại xét về mặt sinh học hoàn toàn là không có thật. Đừng mơ hồ chuyện đó.
Quan niệm "cụ" rùa đang thỉnh thoảng hiện hữu ở hồ Hoàn Kiếm là rùa thiêng huyền thoại có thể đem đến nguy hại vì rất có thể "cụ" rùa sinh học rồi cũng có thể chết đi theo quy luật tự nhiên mà cụ rùa trong tâm thức, tình cảm của người dân thì cần sống mãi, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tâm thức dân ta là một chuyện còn sự có mặt của một con vật đang tồn tại lại là chuyện khác. Đừng lẫn lộn. Vật chất tồn tại theo quy luật của tự nhiên. Sinh vật có sinh có tử là chuyện thường tình. Có gì mà phải làm rùm beng lên! Đừng tự huyễn hoặc mình và chớ thổi to những chuyện mê tín dị đoan lên.
Rùa chết thì chôn hay đem cho bảo tàng lưu giữ để mọi nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu. Đó là chuyện bình thường. Có gì mà đảng phải sợ? Trừ phi đảng làm nhiều điều trái với lòng dân...
Chuyện truyền thuyết dị đoan thể hiện cái tâm thức của con người và có thể chỉ là gửi gấm của tiền nhân đến mai sau về ý chí gìn giữ độc lập dân tộc thôi. Nó chỉ có giá trị về tinh thần, hoàn toàn không có thật.
Việc duy nhất chúng ta nên tính đến bây giờ là khẩn trương tìm mọi cách cứu "cụ". Nếu không hậu quả sẽ khôn lường. "Cụ" Rùa chết thì đảng sẽ chết theo
Theo VietNamNet.
Ai từng theo dõi trang mạng, đều đọc được những phản ứng của nhân dân trước thái độ tắc trách và ngôn từ vô cảm của một Tiến sĩ có đầu nhưng không có óc và thiếu trái tim. Người dân không tin ông ta là người Việt Nam, nếu là Việt Nam thì là kẻ vô thần của những thế kỷ trước.
Vũ Thế Long xác định truyền thuyết là sự đồn đại, không thật? Nếu thời gian sau mất dấu cụ rùa, con cháu có xem cụ rùa hồ gươm là một truyền thuyết như khủng long và những sinh vật thời tiền sử? Khi mà con người không chứng minh được những huyền thoại do tiền nhân để lại, đều xem chúng là truyền thuyết không có thật. Nếu quan niệm đó phát xuất của giới bình dân, có thể tạm chấp nhận; nhưng một trí thức và nhà khoa học có quan điểm như thế khi chưa nắm vững nguồn gốc gọi là truyền thuyết, vội phủ nhận, đó là loại “trí thức hồ đồ” hay có thể hiểu là loại “hồ đồ trí thức”. Ngày nay khoa học đã chứng minh được rất nhiều truyền thuyết mà tiền nhân đã nói, truyền thuyết như thế không thể là huyền thoại không thật.
Ba ngàn năm trước, đức Phật bảo vũ trụ có ‘tam thiên đại thiên thế giới’, trong nước có ‘vi trùng’, có những ‘thế giới có hai mặt trời, hai mặt trăng’… ai cũng cho là huyền thoại. Và Vatican ngày nay không thể bảo Galileo và Bruno là ảo tưởng khi cho rằng trái đất tròn và quay quanh mặt trời. Như vậy, truyền thuyết, huyển thoại không hẳn là đồn đại mà vì trình độ chưa đủ tầm với. Có những phim giả tưởng trở thành sự thật một thời gian sau khi tiến bộ khoa học đủ khả năng minh chứng. Một trí thức hay một nhà khoa học chân chánh, không vội phủ nhận những gì mà mình chưa đủ trình độ nắm bắt.
Vũ thế Long chưa trang bị cho mình một kiến thức tổng quát khi được gọi là Tiến sĩ. Nhà Phật từng bảo: Nhất thiết duy tâm tạo. Nghĩa là tất cả do tâm mà có. Gốc đa, ông Táo, mình tin linh là nó linh, Linh bất linh tại ngã, thế tại sao Vũ Thế Long bảo:
Tâm thức dân ta là một chuyện còn sự có mặt của một con vật đang tồn tại lại là chuyện khác. Đừng lẫn lộn. Vật chất tồn tại theo quy luật của tự nhiên.
Vũ thế Long lại đem luận cứ Duy vật ra để tách rời Tâm thức dân tộc và sự có mặt của một linh vật là hai phạm trù biệt lập. Thảo nào não bộ của Vũ thế Long và bằng Tiến sĩ là hai cái không tương xứng nhau.
Chuyện rùa hồ Hoàn Kiếm mà truyền thuyết lưu lại xét về mặt sinh học hoàn toàn là không có thật. Đừng mơ hồ chuyện đó.
Căn cứ vào đâu mà Vũ thế Long bảo là không có thật, đừng mơ hồ chuyện đó? Chính quan niệm: Vật chất tồn tại theo quy luật của tự nhiên, mới là chuyện mơ hồ. Ngày nay, duy vật biện chứng phải đồng hành cùng duy tâm mới giải quyết được những tồn tại mà gọi là khách quan đó, đang đi vào bế tắt vì quan điểm biên kiến. Nếu duy vật biện chứng có khả năng giải quyết mọi vấn đề trong đời sống mà không cần có sự can thiệp của tâm thức thì Xã Hội Chủ Nghĩa đã phát triển vượt bậc.
Một đất nước mà trí thức như Vũ thế Long có tầm nhìn quá nông cạn, thảo nào đất nước không phát triển nỗi.
Chuyện rùa hồ Hoàn Kiếm mà truyền thuyết lưu lại xét về mặt sinh học hoàn toàn là không có thật. Đừng mơ hồ chuyện đó.
Chuyện Vũ Thế Long mà truyền thuyết gia tộc là nông dân hay quan quyền, xét về mặt sinh học di truyền cũng hoàn toàn là không thật. đừng mơ hồ chuyện đó???
Sinh vật có sinh có tử là chuyện thường tình. Có gì mà phải làm rùm beng lên! Đừng tự huyễn hoặc mình và chớ thổi to những chuyện mê tín dị đoan lên.
Vâng, sinh vật có sinh có tử là chuyện thường tình. Có gì mà phải làm rùm beng lên! Ừ nhỉ bản thân Vũ thế Long, gia đình vợ con bố mẹ, anh chị, bè bạn Vũ thế Long có sinh có tử cũng là chuyện thường, sao phải hốt hoảng đi bác sĩ chỉ vì cơn sốt hoặc cái đau răng nhỉ?
Rùa chết thì chôn hay đem cho bảo tàng lưu giữ để mọi nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu. Đó là chuyện bình thường. Có gì mà đảng phải sợ?
Vũ thế Long chết thì chôn hay đem bỏ vào hồ tẩm xác cho sinh viên thực tập nghiên cứu, có gì mà gia nhân phải sợ đến độ khóc lóc ầm ỷ?
Chưa nói tới ngôn từ xúc phạm một linh vật 700 năm tuổi mà toàn dân tôn kính gọi bằng cụ, thì Vũ thế Long gọi bằng con vật? Nếu là con vật như thế vẫn giá trị hơn một con người của Vũ thế Long, vì một con vật biểu tượng cho tính kiên nhẫn và sự sinh tồn của một dân tộc, được toàn dân tôn kính thì con vật đó giá trị hơn một Tiến sĩ vô cảm, vô tri.
Trước nỗi xót xa theo dõi từng ngày về sức khỏe cụ rùa, nhân dân ta thể hiện một tình cảm sâu sắc đối với linh vật gắn liền lịch sử dân tộc; chính nhờ tình cảm dân tộc đó mà dân ta đã thắng bao cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Một con người không có tình cảm với người và loài vật thi không xứng đáng với con cún trong gia đình chứ chưa nói đến một tình tự dân tộc đã trải qua bao thăng trầm mà dân tộc và vật linh như Long Lân Quy phụng từng tồn tại trong tâm tư của nhân dân ta, họ đã thể hiện tình cảm và sự tri ân tiền hiền liệt tổ. Kẻ không biết tri ân, không có tình cảm cho dù là con vật nuôi, thì không thể được xem là con người đạo đức chứ chưa nói đến là một trí thức của một dân tộc nặng về ân nghĩa. Trên trang mạng hằng ngày có hàng ngàn sự phản hồi của cư dân mạng, trong đó hầu hết là các em học sinh, sinh viên đều quan tâm, đó là chuyện đáng mừng của thế hệ trẻ còn lương tri của một dân tộc. Thế hệ của Võ thế Long được giáo dục theo chiều kích duy vật thuần túy nên giá trị con người chỉ còn phân nửa. Rất may, con người như Vũ thế Long không có nhiều trong xã hội ta. Đất nước ta vẫn còn nhiều trái tim nhân ái, hy vọng cán bộ chuyên ngành động vật sớm nhiệt tâm trong việc cứu giúp cụ rùa.
Tinh thần trách nhiệm và lòng ưu ái đối với mọi sinh vật thể hiện trình độ văn minh của một dân tộc. Nhân dân ta không thiếu, vì quá khứ tình cảm và ân nghĩa của dân tộc ta trải dài trong 4.000 năm văn hiến, nếu bất trắc xẩy ra một tuýp người lạc loài như Vũ Thế Long, chúng ta hãy xem đó là loại biến đổi gen dị tật của một dân tộc.
TÌNH CẢM DÂN TỘC VỚI SINH VẬT HUYỀN THOẠI luôn thể hiện hàng ngày trên báo mạng cho chúng ta một niềm tin rằng dân tộc ta vẫn còn đủ tình cảm đứng trước mọi phong ba bảo táp đối với dân tộc.
MINH MẪN
07/3/2011
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)