Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

ƯỚC VỌNG


Sau một năm quảng bá, chuẩn bị, 1.000 năm Thăng Long Hà Nội cũng đã đi qua với nhiều âu lo, nhiều phấn chấn lẫn`tiếc nuối, từ đó, điểm qua những ưu khuyết làm kinh nghiệm cho những bước về sau!

Trên quảng trường, có lẽ khu vực Lăng Hồ Chí Minh là nơi rộng nhất tại trung tâm Thủ đô, nên đã chọn nơi đây làm lễ mít ting, diễu hành; Qua trang trí và màu sắc, không có gì là cầu kỳ phải quá tốn kém. Các quan chức nhà nước và Đảng ngồi hàng ngang trên Lăng. Có người thắc mắc, tại sao chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không ngồi ngay chính giữa tấm phông có in biểu tượng cổng Văn miếu mà ngồi lệch một bên? Cũng có một giải thích: một bên kia là đại diện cho Đảng do ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư đứng song song với ông Triết, nên biểu tượng Thăng Long phải nằm chính giữa hai ông! Nếu thế thì cái bục phủ màu đỏ nơi ông Triết ngồi nó làm lệch hẳn phần trống trải của ông Mạnh, thiếu cân xứng; đó là xét về mặt hình thức sắp xếp vị trí.
Phía sau lưng của các quan chức trung ương, nhìn toàn diện, vẫn là tổng thể của cái Lăng, nó không biểu tượng cho ý nghĩa của trọng tâm chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Thay vì có một tấm phông lớn phủ che phần Lăng, mang biểu tượng của Đại lễ hoặc hình ảnh của Thánh vương Lý Thái Tổ, người khởi lập Thăng Long mà đại lễ đang chủ xướng, sẽ có ý nghĩa hơn! Lấy cái Lăng ( nhà mồ)làm lễ đài thì hơi bất tiện.


Cuộc diễu hành đầu tiên là các lực lượng vũ trang, bán vũ trang và các ngành chuyên môn. Các sư các cha, các soeur đi sau lưng đoàn thể phụ nữ!
Các đại biểu Kiều bào vận sắc phục đặc trưng của mỗi nước sở tại thì quốc gia chính thức tổ chức cuộc lễ không có một đoàn thể biểu trưng sắc phục quốc túy của Việt Nam xa xưa như áo dài the khăn đóng!

Điều nổi bậc của các đơn vị diễu hành, tất cả đều dương cao hình Hồ chủ tịch, tạo cho khán giả có cảm tưởng đây là lễ chào mừng sinh nhật của bác hay ngày thu hồi độc lập, đáng ra phải mang biểu tượng của một thời quá khứ hào hùng của dân tộc mà các tiền nhân có công dựng nước, giữ nước qua các triều đại! hoặc ít nữa mỗi đơn vị nên mang một biểu tượng riêng của mình, chứ đoàn nào cũng ảnh Bác, xem ra nghèo nàn quá.


Một khẩu hiệu lớn đối diện lễ đài: Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, nó không nói lên cốt lõi của đại lễ, thậm chí, khẩu hiệu đó xuất hiện hàng ngày khắp nơi, quá quen thuộc, đã không còn tạo được sự chú ý của mọi người!

Điều mà ai cũng đều biết, Lý triều khởi sự chấn hưng đất nước đã bắt nguồn từ công ơn to lớn của Thiền sư Vạn Hạnh, một kiến trúc sư vĩ đại của dân tộc; Ca ngợi Lý Thái Tổ mà không nhắc đến Vạn Hạnh là một thiếu sót đáng ngờ! Nếu không được Phật giáo ươm mầm thì không có những minh Vương của Lý Trần như lịch sử đã minh chứng. Những triều đại thiếu đạo đức Phật giáo, ít nhiều, người dân cũng chịu lắm tai ương! Thế mà, ngay Thủ Đô Thăng Long, không hề có tên của Vạn Hạnh hay những Quốc sư từng góp phần chấn hưng đất nước, ngược lại, nhiều tên đường mà người dân còn ngỡ ngàng, chưa hề biết đến một lý lịch trích ngang của những nhân vật đó! Dĩ nhiên, thiếu vắng tên Vạn Hạnh, Khuôn Việt…trên các con đường tại Thủ đô không phải là một sơ suất! và càng không thể vô tình khi cuộc lễ nói đến Thăng Long mà không có một biểu tượng nào của Triều Lý trong cuộc lễ. Duy nhất trong các xe hoa, chỉ có xe của Du Lịch Thể Thao mà biểu tượng chùa Một cột đã được cách điệu! ngược lại, đa phần xe hoa đều dương cao hình ảnh Hồ chí Minh!

Lý Thái Tổ là một khai quốc sư đời Lý, lại đứng sau các lực lượng vũ trang, thì làm sao nêu được cái vĩ đại của tiền nhân và nói lên cốt lõi của buổi lễ! Vì thế, khán giả có cảm tưởng là biểu dương lực lượng vũ trang hơn là làm nổi bậc công trạng chư tiền hiền liệt tổ hoặc nói lên tính minh triết suốt 214 năm của triều đại Lý.

Qua lời thuyết minh cho các đoàn diễu hành, luôn nói đến nét hào hùng chiến đấu chống ngoại xâm mà không nêu được nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt xã hội qua các triều đại từ thời ấy đến nay, để làm nền tảng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời hội nhập và hòa bình! Nếu phải biểu dương thời đại HCM giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm thì cũng phải nói đến các triều đại từng chống Nguyên Mông, đem lại độc lập tự cường, xây dựng xã hội đạo đức hạnh phúc cho toàn dân suốt bốn thế kỷ trong quá khứ, thoát ách đô hộ ngàn năm giặc Tàu! Suốt 1.000 năm từ Lý Thái Tổ đến nay, chỉ có thời đại HCM thôi sao? Ngoài lịch sử hào hùng chống ngoại xâm, nét văn hóa truyền thống Đại Việt là gì , sao không được đề cập? chẳng lẽ Việt tộc chỉ biết chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu???

Trong đoàn diễu hành, các đơn vị cầm cờ đỏ sao vàng thì đoàn Phật giáo, nếu các sư cầm cờ năm màu của Đạo Phật, có lẽ hay hơn, nói lên tính đa dạng của xã hội và truyền thống tâm linh của Phật giáo. Rất tiếc, điều nầy không xẩy ra!

Hình như thiếu vắng danh sách tham dự đại lễ một số những nhà làm văn hóa đương đại có tầm vóc trong xã hội Việt Nam hiện nay!

Tuy ngày 10/10 là ngày cuối của hơn tuần lễ chào mừng 1.000 năm Thăng Long, nhưng là ngày chính thức. Trước đó đã có những sinh hoạt văn hóa cộng đồng như triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh, chương trình hòa nhạc Hội nhập quốc tế, trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long Hà nội, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long Hà nội, khai mạc triển lãm nghề gốm Bát Tràng, biểu diễn võ thuật cổ truyền, biểu diễn âm nhạc và vô số tiết mục khác ở các quận huyện thị xã; Các hoạt động mang tính bề mặt lịch sử như thế đồng nghĩa với lễ hội cộng đồng mà chưa nói lên được bề dày và chiều dài lịch sử kể từ 1010 đến nay; Có nghĩa đã có một giai đoạn tiếp nối từ thời đại nhà Lý đến triều đại Hồ chí Minh bị trống vắng! vì thế chưa thể hiện được tính liên tục và kế thừa suốt ngàn năm qua. Buổi diễu hành tuy có rầm rộ, nhưng mang tính của một lễ Quốc Khánh hơn là thể hiện chiều sâu của ngàn năm Thăng Long, vì thế ý nghĩa của hào quang Thăng Long xa xưa bị chìm khuất trước các lực lượng vũ trang thời đại. Do vậy không còn ý nghĩa 1.000 năm Thăng Long Hà nội như từng quảng bá!
Điều nầy do Ban Tổ chức thiếu kết hợp với các nhà sử học, văn hóa hoặc giả các nhà văn hóa, lịch sử chưa nắm hết các yếu tố đặc thù của các triều đại Lý Trần chảy dài suốt ngàn năm qua để làm nên sử thi Đại Việt hôm nay! Trong những yếu tố từng làm rạng danh Việt sử, không thể thiếu bóng dáng Phật giáo và các Quốc sư, danh Tăng đương thời; Loại bỏ yếu tố liên kết và dung môi ấy là cắt rời lịch sử, người dân sẽ mất căn bản tính liên lũy của lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước và tự hào đã thiếu vững chắc.

Đoàn Kiều bào từ xa về thăm quê, được đưa đi tham quang nét đẹp của Vịnh Hạ Long, viếng nét hùng tráng của Bái Đính, thăm di tích Đền Đô, được hướng dẫn viên giải thích về lịch sử nhưng bỏ trống phần cơ bản tâm linh tạo nên một Thánh vương Lý Thái Tổ và nền tảng Phật giáo mà chùa Tiêu đã un đúc cho Lý Công Uẩn. Nghĩa là du khách chỉ nắm bắt phần vật chất mà không hiếu chiều sâu tâm linh. Chính tâm linh mới làm nên lịch sử! Cũng thế, du khách được tham quan thành cổ Thăng Long, một vài mẫu vật là chứng tích văn hóa quá khứ, du khách không hiều tại sao văn hóa Lý khác với Trần và hiện nay qua các vật dụng, phải chăng yếu tố tinh thân quyết định vật chất? Chưa nói đến một thiếu sót cơ bản là chùa Một cột biểu tượng văn hóa thời Lý, một biểu tượng đặc thù mà thế giới ngày nay khi nhìn chùa Một cột là biết Việt Nam! 1.000 năm Thăng Long mà du khach không được đến thăm biểu tượng đó!
Tóm lại, những gia trị tinh thần và các danh tăng có công hưng thịnh dân tộc đều không được đề cập trong đại lễ cũng như trên các ngã đường Thủ Đô Thăng Long Hà nội!

Trình bày chiều dài lịch sử đã như thế thì bề dày chắc hẳn quá ư mỏng manh, làm sao quốc tế hình dung được truyền thống kiên cường, yêu nước, đạo đức và văn hóa một thời của cha ông chúng ta xưa và nay? Chả lẽ thế giới chỉ biết Việt Nam từ thời điểm Điện Biên phủ đến 1975? Do căn bản đạo đức của cha ông bị phai mờ trong xã hội mà tình trạng bạo hành và bạo lực đang trên đà phát triển trong một dân tộc vốn hiếu hòa, hiện nay!

Xét chiều sâu là như thế, nhưng về hiện tượng của đại lễ vẫn thành công một số nhất định.
Không ai có thể đo lường được số người tham dự đêm 10/10 tại khu vực Mỹ Đình. Ngay cả Ban Tổ chức cũng không lường trước số người như thế. Do tính chủ quan của BTC mà đoàn Kiều bào và 11 tập đoàn nước ngoài đã không vào được sân Vận động Quốc Gia Mỹ Đình dự đêm hội Văn Hóa Nghệ Thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ngay cả một số diễn viên cũng bị ách tắt, không đến trình diễn được. Xe Kiều bào và cảnh sát giao thông dẫn đường nằm cách địa điểm hơn 500m, công an Thành Phố Hà nội được huy động đến mà không vào được, đành phải bó tay. Gần 3giờ sáng ngày 11 xe đoàn Kiều bào mới được giải phóng đề về lại khách sạn Kim Liên. Vô số người nằm la liệt trên các bãi cỏ từ nhiều ngày qua. Trong vòng bán kính 3km, điện thoại không liên lạc được. thóat khỏi lượng người để ra về phải 5km mới thông thoáng. Bốn hướng đều nghẽn người như thế. Tuy đó là một thất bại nhò không tiên đoán trước của BTC nhưng một thành công lớn mà trên 500.000 người từ các tỉnh thành và địa phương đổ về tham dự. Với số người như thế mà không có một đáng tiếc xẩy ra là một thần kỳ của ngành an ninh Việt Nam. Vì sự háo hức phấn khởi mà không ai nghĩ đến sự dẫm đạp nhau khi có sự cố!

Suốt 10 ngày diễn ra đại lễ, khí trời trong mát, nếu mưa xuống, chắc chắn không có nơi trú ẩn cho quần chúng và nhất là những người ăn nằm vất vưởng chờ dự lễ; Chẳng những thế, Thần Kim Quy còn xuất hiện thường xuyên trên mặt hồ Hoàn Kiếm.
Điều đáng tiếc là sự cố container và bão lũ miền Trung đã giảm niềm vui cho cuộc lễ. Nhưng dẫu sao, kết thúc nhiều ngày lắm mệt mỏi của các ban ngành trong an toàn tuyệt đối cũng đã là thành công quá kinh nghiệm của Việt Nam

Không tổ chức nào hoàn mỹ tuyệt đối, không sơ suất nào giống sơ suất nào; Tất cả đều có sự cảm thông. Nhưng qua cuộc lễ để nhà nước Việt Nam rút thêm kinh nghiệm, cần gắn bó với đại bộ phận cư dân lao động sở tại để họ góp phần quan tâm và hiểu biết ý nghĩa của lễ hội; cần khôi phục văn hóa cha ông để bảo vệ dân tộc trước trào lưu tha hóa và bạo lực; nâng cao văn hóa quan hệ, giao tiếp, ẩm thực trên tầm mức tao nhã, đây là trách nhiệm của bộ phận văn hóa, giáo dục,lịch sử; để dân tộc ta duy trì nét đặc thù có độ tuổi Văn Hiến hàng ngàn năm qua!

Và, một góp ý nhỏ của bộ phận lớn quần chúng Phật giáo, xin xây dựng tượng đài Quốc sư Vạn Hạnh, đặt tên đường Vạn Hạnh và những Quốc sư có công với đất nước trong Thủ Đô, ngang tầm với những nhà cách mạng đương thời; vì Phật giáo không thể cắt rời với lịch sử phát triển của dân tộc. Những thể chế miền Nam trước 1975 cũng từng có những con đường mang tên các Quốc sư.

Cơ sở Già Lam tự viện của Phật giáo phát triển không mang ý nghĩa giáo dục quần chúng và phát triển tâm linh nếu đạo đức học Phật giáo không góp phần truyền nhập vào cuộc sống xã hội. Một tượng đài Bồ Tát thích Quảng Đức được tái dựng tại TP HCM, một vị Bồ Tát dùng thân mình làm đuốc cảnh tỉnh một chế độ còn được sùng phụng như thế, hà cớ những Quốc sư làm rạng danh dân tộc, khôi phục và bảo vệ chủ quyền đất nước suốt hàng trăm năm lại bị chôn vùi trong sử sách?

Một Ước vọng khả thi không thể ngoài tầm tay của một chế độ!!!

MINH MẪN
11/10/2010

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

VỚI NHỮNG TẤM LÒNG



Qua gần 10 hôm trên Thăng Long đất mẹ, đoàn Kiều bào trở về trong vòng tay thân yêu của dân tộc, đất trời cũng ưu đãi những tia nắng ấm cho bao người con tha hương được thong dong trên nẽo đường phương Bắc!

Nơi quê hương đất khách, con mẹ Âu Cơ cũng từng được ưu ái quan tâm của các Sứ Quán mình; có những buổi sinh hoạt, phổ biến cho nhau nghe về tình hình đất nước. Tinh thần một ngàn năm Thăng Long-Hà nội cũng được khuyến khích cộng đồng Kiều bào về tham gia; Không tham gia sao được khi mà những chính khách thế giới sẵn sàng đón nhận lời mời của đất nước chúng ta.Chúng ta không những hiếu khách mà bản thân những người con tha phương lập nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong tinh thần tưởng nhớ tiên tổ cội nguồn; Cho dù chúng ta ra đi với những lý do nào, kinh doanh thương mãi, lưu trú sau thời gian hợp tác lao động, tỵ nạn kinh tế, hoảng loạn trong buổi giao thời…như ngày tết đón ông bà hay ngày kỵ giổ cha ông, chúng ta phải trở về dưới mái nhà chung còn nhiều dị biệt, chung tay thể hiện tình máu mủ con mẹ Âu Cơ; chúng ta có quyền ngẩng mặt, hãnh diện nhìn đời với những hào hùng của giòng máu cha ông. Chúng ta có một ông cha minh triết Lý Thái Tổ, đã phục hồi tinh thần Đại Việt trước áp lực nặng nề từ phương Bắc; Một Thánh vương xác định tính tự chủ, độc lập của một đất nước bé nhỏ nằm cạnh một khối người đầy tham vọng. Chính từ đó, chúng ta có văn hóa, có chính trị, có tập tục và luật pháp biệt lập của một quốc gia độc lập!

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Tiền nhân, nhà nước tổ chức chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội một cách hoành tráng; Những Kiều bào háo hức tham gia, ngay cả buổi diễn tập diễu hành, đáng ra chỉ thích hợp cho lứa tuổi đôi mươi, thế mà các anh chị trên dưới bảy mươi cũng năng nỗ tập luyện. Họ hò hát trên chuyến xe đi tham quan các thắng cảnh, họ líu lo hoạt náo trên các nẽo đường xa, họ thân thiện cứ như ruột thịt lâu năm gặp lại mặc dù họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới; chẳng những thế, họ còn hẹn gặp nhau kỷ niệm 2.000 năm Thăng Long vào Thiên niên kỷ sau! Những ngày lưu trú trên đất Hà Thành, họ sống với tâm trạng trẻ thơ một cách dễ thương, họ không còn nhớ mình đang là ông bà của đám cháu chắt không nói được tiếng mẹ đẻ. Có những ông nói tiếng Việt một cách khó khăn, thế mà như em bé tập nói để kẻ chuyện vui cho đoàn khi xe lăn bánh.

Chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội là dịp cho Kiều bào khắp nơi gặp nhau để thể hiện tấm lòng yêu nước; chinh vì thế, khi nghe Đại lễ diễn ra giữa giông bão mà đồng bào ruột thịt miền Trung đã tổn thất nhiều sinh mạng, họ quyên góp tổng cộng bốn xe trên một trăm triệu mà vẫn cảm thấy chưa đủ; rồi đêm chiêu đãi của ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một lần nữa, Kiều bào các quốc gia lại tự nguyện đóng góp thêm, mở đầu là đoàn Cọng Hòa Sec với 50 triệu đồng VN. Sau khi anh Miên Đức Thắng đọc thơ Bầu ơi thương lấy Bí cùng, thêm một Kiều bào ủng hộ năm ngàn USD, cứ thế mà thi nhau ủng hộ đồng bào miền Trung lụt bão. Đấy, tâm lòng của Kiều bào đối với đất nước quê hương đã là thế, thử hỏi đất nước trãi qua bao cuộc thăng tầm, sao khỏi đau xót mà cha ông chúng ta đã phải đương đầu gánh vác! Có xa quê sống với xã hội bất đồng ngôn ngữ, bất đồng tập quán, mới thấy quê hương là hồn sống của mỗi người. Tuy vật chất thừa mứa trên đất khách mà họ vẫn thèm cọng rau, thìa mắm của quê mình. Họ yêu quê hương không chỉ lặng thầm nỗi nhớ hằng đêm sau một ngày kiếm sống, họ nhớ đến ruột thịt mẹ cha, anh em còn vất vả trên quê hương; họ tích góp tiền mồ hôi, ăn nhín nhịn thèm, gửi về giúp đỡ quê nhà. Họ sẵn sàng đóng góp theo lời kêu gọi của Sứ quán thông qua ban Đại diện Kiều bào sở tại; họ làm tất cả để quê hương được phồn vinh. Và tinh thần yêu nước đó cũng nhen nhóm trong một số người thiếu cởi mở, một số người chỉ biết trách móc đỗ lỗi cho nhau mà không hành động cụ thể cho quê hương được thay da đổi thịt. Cho dù yêu nước dưới bất cứ thể trạng nào, tất cả Kiều bào đều mang giòng máu Âu Lạc; Ngay cả con cháu Lý Long Tường ( giòng tộc triều Lý) đã ra đi 7 thế kỷ trước, không nói được tiếng Việt, thế mà họ cũng phải quay về tìm lại tông tích tổ tiên. Tình dân tộc thiêng liêng trên từng ngọn cỏ. Có thể ai đó không vừa lòng trong cuộc sống của quê mình, nhưng khi ra đi, ai cũng xốn xang nhớ về nguồn cội.

Chỉ 10 ngày sống nơi lòng đất Thủ đô, gần 200 Kiều bào có nhiều ấn tượng. Từ cách tiếp đón đến cuộc gặp gỡ quan chức Trung Ương, từ việc phục vụ ăn uống, tham quan của các địa phương khi đoàn đến, cho đến tận mắt xem làng nghề thủ công, các thắng cảnh di tích, thành cổ Thăng Long…đều tạo một kỷ niệm trong từng cảm nghĩ của Kiều bào; Nhất là, khi Thăng Long Hà Nội hãnh diện một kinh thành văn minh của dân tộc ngàn năm trước, thì Hạ Long Quảng Ninh tự hào một di sản thế giới của vạn năm sau. Rồng Thăng hay Rồng Giáng đều là tinh thần dân tộc, tinh thần con Rồng cháu Tiên. Mỗi quốc gia mỗi dân tộc đều tạo cho mình một huyền thoại để giáo dục con cháu duy trì nòi giống, Việt Nam có quyền tự hào một Thánh Gióng, một Âu Cơ- Lạc Long trong truyền thuyết và một Lý Thái Tổ trong lịch sử hiện thực để yêu quê, bảo vệ đất nước toàn vẹn lãnh thổ như cha ông đã làm.

Lý Thái Tổ trên sách vở,tinh thần yêu nước trong tuyên truyền vẫn chỉ là gió thoảng trên tầng mây, nhưng có đến với cổ thành Thăng Long và hiện vật từ lòng đất, mới thấy nền văn minh của dân tộc và nét văn hiến của cha ông, một minh triết của ngàn năm trước còn vang bóng giá trị đến ngan năm sau.

Trong các chuyến tham quan, anh chị em Kiều bào thể hiện tinh thần tự giác khá cao. Các anh chị trong Ban Điều hành Việt kiều nước ngoài đã tỏ ra tháo vác trong việc sắp xếp chuyến đi như anh Hùng, anh Cường; năng động như chị Thủy Cọng Hòa Séc, dí dõm dễ thương như chị Ngọc xứ mặt trời ( Nippon) và còn nhiều người trên các chuyến xe khác đã làm sinh khí nhộn nhã, tưởng chừng họ đã qua đào tạo từ Gia Đình áo lam, Hướng Đạo hay Thành đoàn…Không dễ gặp nhau khi mọi người là một quốc tịch khác nhau. 1.000 năm Thăng Long là dịp hội tụ để họ thể hiện tấm lòng.Và họ tri ân nhà nước đã tạo điều kiện cho họ có những ngày hít thở sinh khí, sống trên quê hương mà những năm tháng qua, họ có cảm giác bị lưu đày trên đất khách. Nếu nhà nước và nhân dân, nếu Kiều bào và tổ quốc đều duy trì tinh thần tương thân hữu hảo như thế mãi mãi thì lo gì sự đoàn kết không là một khối, những áp lực từ mọi phía chỉ là cá lòng tong rỉa rói bợn nhơ trên thân tàu Đại Việt.
Sự quan tâm của nhà nước đối với những người con xa quê là một an ủi lớn, giúp cho Kiều bào luôn gắn bó với quê hương. Tuy 10 ngày bận rộn trên đất mẹ, Kiều bào vẫn cảm thấy thoải mái trước sự ưu ái của chính phủ và sự thân thiện của người dân khi đoàn đặt chân tham quan.

Như vùng Rồng Giáng ( Hạ Long) các núi đá nằm rãi rác che chắn giông bảo cho Vịnh,
Như vùng Rồng Thăng ( Thăng Long), Hà Nội, sông Hồng, sông Lô, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đuống, sông Đáy, sông Kim Ngưu…,những hồ như hồ ba mẫu, hồ bảy mẫu, hồ Hoàn Kiếm, Quan sơn, Thủ Lê, Thiền Quang, Hữu Hiệp, Trúc Bạch, Trúc Bạch, hồ Tây..bảo vệ sinh khí cho cư dân;
Cũng thế, Kiều bào rãi rác khắp nơi như những vệ tinh cung ứng hổ trợ cho đất nước những tài năng, kiến thức, kinh nghiệm để một dân tộc hòa nhâp, vững mạnh trên mãnh đất màu mỡ bốn ngàn năm! Tinh tự dân tộc luôn có sẳn trong những người con xa quê, hiệu quả chăng là do chính sách đúng để kết đoàn những người con ưu tú đó. Và dù xa quê, Kiều bào luôn hướng về đất nước bằng một tấm lòng rộng mở. Chính sách chỉ là kích hoạt, kết gắn keo sơn tinh thần yêu nước phải thông qua dung dịch Tôn giáo mà Đạo Phật là hồn sống làm nên triều đại Lý Trần. Cháu con ngày nay cho dù phủ phục hết lòng trước tiền nhân, cũng chưa xứng với công đức dựng nước, giữ nước của bậc Thánh vương triều Lý. Kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long và sự góp mặt của cháu con chỉ là mặt nổi của tấm lòng, phần sâu thẳm cần thiết là tình tự dân tộc của những thế hệ kế thừa làm rạng rỡ giống nòi Đại Việt. Điều này đang nằm trong khả năng của những Việt Kiều tiếp thu kiến thức khoa học của các quốc gia sở tại làm phong phú cho quê hương đang phát triển.

Sau đại lễ này, Kiều bào mỗi người một ngã, trở về đời sống thường nhật nơi xứ người, nhưng sẽ mang theo nhiều kỷ nệm và quyết tâm, để làm cái gì đó to lớn hơn là những đồng tiền máu xương đã đóng góp. Chắc chắn việc tri ân đất nước, tri ân Tổ tiên không thể thiếu trong mỗi chúng ta. Tổ tiên đã làm nên lịch sử, thế hệ cháu con tại sao là không thể như tinh thần một Đại Việt Thăng Long?

MINH MẪN
09/10/2010

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

ĐỀN ĐÔ – BẮC NINH !!!!!!!


Kiều bào hơn 30 quốc gia trên thế giới đã về Thủ đô nhân mùa lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà nội.

Ngày 30/9, tất cả đã có mặt, và được đón về khách sạn Kim Liên. Ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 10, tất cả các đoàn Kiều bào được tập dợt tại đường Bắc Sơn, sơ duyệt diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Và những ngày sau đó được Ban Tổ chức đưa đi thăm viếng thắng cảnh, các khu di tích có liên quan đến triều đại Thánh Vương Lý Thái Tổ.

Ngày mồng 3, sau điểm tâm sáng, gần 200 Kiều bào lên 4 chiếc bus, có cảnh sát giao thông dẫn đường, hướng về Hoa Lư; Ninh Bình cách Hà nội 93km, một tỉnh cực Nam miền Bắc. Đoàn đến Ninh Bình hơn tám giờ sáng, viếng thăm Đền thờ vua Đinh và vua Lê. Đám lau sậy mà Đinh Tiên Hoàng ấu thời chiêu quân lập trận giả với trẻ chăn trâu trong làng, nay vẫn còn lưu tích. Một chú trâu 7 năm tuổi, được lão dân địa phương đem ra làm cảnh cho du khách ngồi cưởi, chụp hình.Một em thanh niên Mỹ đứng cạnh trâu mà không chịu leo lên, vì sợ trâu nặng! chú trâu cũng rất ngoan, cũng đã giúp chủ có được vài trăm nghìn trong sáng hôm đó. Đền thờ vua Đinh, vua Lê đều thấp, tạo một không gian u trầm linh hiển. Quanh vườn cây cao bóng mát, cảnh trí sạch và xanh, thoảng một khí trời trong lành dễ chịu.

Khi đoàn vào Bái Đính ( một âm trại của Bái Đinh, có nghĩa giòng tộc nhà Đinh trôi giạt về đây, luôn hướng về cố đô để tưởng nhớ một thời oanh liệt của Đinh triều) Bái Đính cách Ninh Bình 15km thuộc cố đô Hoa Lư, xã Gia Sinh, Gia Viễn. Chùa có hai hạng mục, khu chùa cổ xây từ 1136 chiếm 27ha và ngôi mới xây trên 80ha. Hướng dẫn viên du lịch thuyết minh cặn kẽ địa danh. Từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác khi du khách tận mắt trông thấy những kỳ quan của đất nước mà mọi thứ nơi đây đều được ghi vào sách kỷ lục quốc gia. Quả chuông nặng 36 tấn, phải dùng cán chày gỗ, dài 2m, nhiều người góp sức vào mới thỉnh nên những tiếng chuông vang xa tận núi đồi và đồng bằng lân cận. Chuông treo trên bảo tháp cao, phía dưới mặt chuông cách khoán 1m5 là trống đồng đường kính phải 3m. nặng 70 tấn. Gió núi lộng vào tháp chuông như cố đẩy xa âm vang đến từng cành cây kẽ đá. Hai dãy Đông lang – Tây lang an vị 500 Thánh tượng La Hán cao 2m bằng đá xanh, mà thuyết trình viên du lịch nêu thắc mắc tại sao từ 108 anh hùng Lương sơn Bạc, lại chuyển sang đến 500 vị La Hán! có lẽ vị thuyết minh nầy cứ ngỡ có sự liên hệ giữa Lương Sơn Bạc với các vị La Hán của Phật giáo; cũng thế, họ hiểu không chính xác khi giải thích 500 vị trên đây đều được gọi là Tôn giả như Tôn Hành Giả được nói ngắn gọn! Các hướng dẫn viên khá thấu triệt lịch sử các thắng cảnh, nhưng chưa nắm vững giáo lý Phật giáo nên còn nhiều lúng túng.

Đoàn lên đến Đại Hùng Bửu Điện, tuy đang chỉnh trang, nhưng điện thờ Tam Thế vẫn toát hiện nét uy nghiêm của Tam Tôn. Tất cả các thánh tượng đều được dát vàng. Những Thánh tượng Phật tổ, Quán Thế Âm, Tam Thế, Di Lặc đều bằng đồng khối nặng trên 90 tấn. Tượng Hộ Pháp ( ông Thiện, ông ác, cao 5.5m, nặng 12 tấn, chắn ngay tiền sảnh trước khi vào nội viện xác định uy nghi của chốn già lam.

Cổng Tam Quan hùng tráng và đẹp, chẳng hiểu thế nào lại chắn tấm bảng bên cạnh quảng cáo Dê núi, gà đồng, cơm cháy, thịt Cầy…làm giảm mỹ quang của chốn tâm linh. Sau ngày đất nước mở cửa, các tỉnh phía Bắc rộ nở món ăn “dân tộc” Thịt cầy, tiểu hổ, dê núi mà cứ xem như một tự hào; Các nước văn minh không ai thích ăn thịt chó và càng không thích ăn những loại cầu kỳ như thú hoang quý hiếm, thì chúng ta lại xem những loại đó như một nền văn hóa ẩm thực của dân tộc. Tổ tiên ta, Hà nội cũng như Huế, từng là cái nôi của văn hóa, trong đó văn hóa ẩm thực và văn hóa giao tiếp đã nâng giá trị văn minh dân tộc lên tầng bậc cao trong thời phong kiến; Ngày nay, văn hóa hiện thực trong xã hội ta cần phải điều chỉnh, tạo cho nhân dân ý thức đạo đức xã hội mới mong luật pháp được tôn trọng và cách sống của người dân được thanh nhã hơn!

Phật Thiên thủ Thiên nhãn, cao 9.57m, nặng 80 tấn, màu vàng kim óng ả dưới ánh sáng của những ngọn đèn neon trông thật huyền nhiệm; ngôi chùa Pháp chủ và chùa Tam Thế cũng mang sinh khí u linh trầm mặc bên trong nội điện, nhưng phô diễn nét hùng tráng giữa núi đồi và đất trời bao la. Toàn cảnh Bái Đính tự thân xác định một uy lực linh địa cho con cháu tộc Việt như Thánh Vương Lý Thái Tổ từng chọn Đại La làm đế vượng ngàn đời cho cháu con! Thật không ngoa nếu bảo Bái Đính là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, vì các hạng mục đều đạt đỉnh điểm đáng kinh ngạc.

Chung quanh Ninh Bình, cố đô Hoa Lư được vây quanh nhiều ngọn núi đá đứng sững như bức tường thành bao bọc kinh thành, một thành trì chiến lược ngăn giặc ở thế thủ của triều chính Đinh và tiền Lê, nhưng khi hòa bình, đất nước cần phát triển, Hoa Lư trở thành cản địa, vì thế Thánh vương Lý Thái Tổ đã thể hiện tính thao lược của một kiến trúc sư, một địa lý sư, vượt bao rừng núi sông ngòi để dựng nên cơ nghiệp Đại La mà hàng ngàn năm sau cháu con vẫn còn thừa hưởng, giá trị chiến lược vẫn còn hữu dụng đến hôm nay.
Rời Ninh Bình khi bóng chiều êm dịu. Quốc lộ thoáng rộng nằm giữa rưộng đồng bát ngát bắp xanh; xe Bắc Nam vẫn xuôi ngược, nhưng sẳn sàng nép lề cho đoàn hướng về Thành phố. Vòng đai Hà nội phát triển hạ tầng giao thông khá nhanh, mỗi ngày mỗi khác lạ; cư dân hai bên đường trước đây, làng mạc được lùi vào xa, dành cho vành đai xa lộ ngút ngàn tầm mắt. Cuộc sống người dân vẫn lặng lẽ, mọi sinh hoạt vẫn bình thường, chỉ có cư dân phố chợ tương đối phát đạt.

*
* *

Bắc Ninh, cách Hà nội 31km, Đông Bắc của Thủ đô, vẫn là địa danh xa lạ còn nằm trên bản đồ đối với người dân các tỉnh phía Nam, như những vùng đất ngoại vi Hà nội, người ta vẫn nghĩ thế, mức phát triển chỉ cầm chừng, nhưng, theo báo cáo của ông Phó chủ tịch UBND tỉnh ( Nguyễn Nhân Chiến) trong buổi gặp gỡ kiều bào trưa ngày 04/10/2010. khách tham quan ngạc nhiên khi biết, với diện tích 824km2, dân số 1.1 triệu,mà GDP đạt 1.800USD/người, và dự kiến sẽ là 3.500USD trong năm năm tới. So với các quốc gia phát triển trong khu vực, mức tổng sản lượng như thế chưa phải cao, nhưng giá sinh hoạt hiện nay cả nước, vẫn khá hơn nhiều tỉnh thành. Hình như Bắc Ninh có một diện tích nhỏ nhất so với các tỉnh; Tuy vậy, Bắc Ninh có một nền văn hiến lâu đời nhất. Thành Luy Lâu, chùa Dâu, chùa Phật Tích… cái nôi của Phật giáo thời Đinh Lê. Chính nơi đây, phát xuất một Thánh vương làm rạng rỡ cho dân tộc. Bắc Ninh hàng năm có 300 lễ giổ

Xe quẹo vào Đền Đô; nét kiến trúc các cổng và tường thành, đã làm cho du khách phải lưu ý. Tuy đồng bằng, khí hậu thoáng mát dễ chịu, nhưng nơi đây, mang tải một sinh khí mà người nhạy cảm, có thể cảm nhận sự huyền nhiệm linh thiêng! Nếu Bái Đính là trung tâm phô diễn kiến trúc sung mãn, thì Đền Đô là nơi hội tụ linh khí ngàn xưa.

Đây là đền thờ tám bậc quân vương đời Lý. Khai mở triều Đại là Lý Thái Tổ. kế nhiệm là Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, và Lý Chiêu Hoàng.
Lý Thái Tổ là một Thánh nhân, vì thế sự xuất hiện của Ngài cũng mang nhiều huyển bí.Ngài là con tinh thần của Thiền sư Vạn Hạnh và là đệ tử ưu tú của ngài Lý Khánh Vân; Được un đúc trong môi trường giáo dục Từ bi và Trí tuệ của Phật giáo, Lý Công Uẩn sớm phát triển tư chất siêu xuất khác thường. Là cư dân và xuất thân từ Bắc Ninh, Đền đô là nơi thờ tự tám bậc minh vương và 6 vị Hoành hậu thời Lý.

Trong thời gian phục vụ tiền Lê, Lý công Uẩn tỏ ra trung trực, công minh và hòa ái, vì thế rất được lòng nội triều giữa lúc Lê Long Đĩnh giết anh là Lê Trung Tông để chiếm ngôi, sống sa đoạ, tàn bạo, tham dâm vô độ. Cũng thời gian nầy, trong nước xẩy ra nhiều hiện tượng khác thường báo hiệu Lê mạt phải chấm dứt. Đồng thời do sự vận động của Thiền sư Vạn Hạnh, chuẩn bị tâm lý chính trị và được hậu thuẩn của nội triều, cũng như muôn dân, và Đào Cam Mộc khẩn thiết khi triều chính không vua, vì thế, Lý Công Uẩn lên ngôi vào ngày 2/11/năm Kỷ Dậu tức 21/11/1009.sau khi Lê Long Đĩnh qua đời.

Vừa nhiếp chính, Lý Thái Tổ vổ an thần dân, xóa tội ngục hình, ban tặng bô lão, miễn giảm thuế quan…và nhiều công tác từ thiện khác; Cùng lúc, Lý Thái Tổ thăm dò ý dân để di đô mà chiếu dời đô ngày nay được phổ biến rộng rãi.

Chủ trương của Thánh vương Lý Thái Tổ lấy dân làm trời ( ý dân là ý trời). lấy Nhân làm gốc để điều hành vận nước, chính vì thế Lý Thái Tổ đã mở đầu một triều đại thuần lương thịnh vượng.Vì dân no đủ và vua thương dân thì xã hội ắt thái bình, nhân dân trên dưới một lòng…Điều đồng nhất trong tám đời vua triều Lý, đều chọn Đạo Phật làm tôn giáo chính; Phật giáo phát triển làm nền tảng đạo đức cho xã hội.

Cô thuyết trình viên giải thích đặc tính của từng triều đại nhà Lý. Bảy đời vua đều thuần hậu lâu bền, thể hiện tính thân dân và quý dân, luôn giúp đỡ người nghèo. Thậm chí vua Lý Nhân Tông khuyến bảo sau khi Ngài băng hà, không để quá ba ngày, không lập lăng tẩm tốn kém nhân dân, và phải xả tang miễn chế. Thời phong kiến mà vua anh minh đến thế thì con cháu nghìn sau há chẳng noi theo thánh hiền!

Tuy giọng thuyết minh chưa đủ gợi cảm, nhưng sự uyên thâm lịch sử, người thuyết minh đã nêu được tính ưu việt của Thánh Vương Lý Thái Tổ cũng như các đời vua Lý kế tục, làm cho du khách lắng nghe say mê và xúc động trước những hành hoạt đạo đức của cha ông.

Thăng Long là ngôn từ ám chỉ Rồng bay lên, không là một lý thuyết tưởng tượng như người sau giải thích. Sử liệu xa xưa từng bảo Thánh Vương Lý Thái Tổ đã nhìn thấy rồng xuất hiện nên chọn Đại La làm kinh đô Thăng Long. Trong Đền Đô, người hướng dẫn đã cho du khách thấy những bức ảnh kỳ lạ xuất hiện trên nền Đền Đô vào những dịp lễ hội. một vầng mây vàng, dợn sóng như rồng cuộn hoặc một khối đỏ sáng trên góc mái đền, bốn tấm hình có bốn dạng xuất hiện khác nhau cũng vào những ngày lễ hội giổ Tiên Đế như thế. Những bức ảnh do du khách đột xuất ghi hình lại, càng làm cho đoàn Kiều Bào tăng thêm niềm tin nơi cỏi tâm linh. Hai hình nhân người sắc tộc từng giúp vua cũng được tôn thờ tại đền.
Bên hiên tây, một bia đá đã bị Pháp bắn phá mặt trước, không còn đọc được chữ, nhưng năm 1946, các nhà sử học đã kịp thời ghi chép lại nên ngày nay được biết bia đó là chiếu di đô của triều Lý.

Hình như tất cả những ai có mặt tại chỗ, khi nghe thuyết minh về triều Lý, tất phải xúc động và cảm kích ân đức của cha ông chúng ta, một đấng anh mình, đem lại độc lập cho dân tộc suốt 214 năm tại vị; Chiếu di đô cũng tròn 214 chữ ứng với thời gian tồn tại đó.

Sau khi nghe và thấy những dấu tích của tiền nhân một cách cụ thể, đoàn đến lễ bái chùa Tiêu Sơn, nơi mà Thiền sư Vạn Hạnh từng trụ trì, và Đức Bà Phạm Thị, người sanh ra Lý Công Uẩn, cũng từng công quả tại Tiêu Sơn, sau khi Lý Công Uẩn chào đời, bà đã khuất núi, từ đó, Thiền sư Vạn Hạnh và Thiền sư Lý Khánh Vân có trách nhiệm huấn dục vị ấu chúa tiềm phục.
Trong chùa Tiêu Sơn, tôn thờ nhục thân của Thiền sư Như Trí.Thiền sư là vị trụ trì đời thứ 15 kể từ Vạn Hạnh Thiền sư theo giòng phái Trúc Lâm. Mặc dù gần 300 năm, nhục thân ngài vẫn không bị hủy hoại bởi khí hậu và thời gian; Sau khi phát hiện Ngài viên tịch trong bảo tháp, ni Sư Đàm Chính nhờ chuyên gia chỉnh phục lại một cơ phận của thân thể bị phân hủy, Hiện báu thân được tôn thờ tại Tổ đường chùa Tiêu Sơn.

Trên một dốc núi cao hơn mặt biển 70m, chùa Tiêu sơn ẩn mình dưới bóng cây của núi rừng. Chùa bị chiến tranh tiêu hủy hoàn toàn, Sư bà Đàm Chính từng hồi tu tạo. Sư bà đúc một pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh, trên dốc núi, cao 8m mặt hướng về kinh đô Thăng Long; Tuy xa, nhưng khách thập phương vẫn đến lễ bái; Người ta chỉ biết đây là nơi xuất thân của Lý Công Uẩn, nhưng ít ai biết công trạng một thiền sư Vạn Hạnh đã un đúc Lý Công Uẩn trở thành một Minh Vương thánh thiện, và hình như ai đó cố tình quên sự liên hệ giữa Phật giáo và Triều đại nhà Lý, xem nhà Lý như một thể chế chính trị anh minh đột phá! Chính vì thế, trong dịp viếng Tiêu Sơn, Đại Đức Thích Tâm Hiệp đã có cuộc trao đổi về công hạnh của Thiền sư Vạn Hạnh và đức tin truyền thống của một dân tộc có huyết thống tổ tiên ngàn đời.

Nếu Thăng Long- Hà Nội là kinh đô khai mở thời kỳ độc lập tự cường cho dân tộc thì Bắc Ninh là chiếc nôi sản sinh ra Lý Công Uẩn, người con ưu tú cho dân tộc. Tiêu Sơn là Tòng Lâm ẩn tàng các Thánh Tăng, để từ đó làm nền tảng giáo dục cho một Thánh vương anh minh, chúng ta cần phải trân trọng tưởng nhớ!

Những người con xa quê hương, bất cứ lý do gì, ai cũng có lần thổn thức hướng về quê nhà như con cháu dòng họ Lý khi bị Trần Thủ Độ ngược đãi, sát hại phải tha phương lập nghiệp hơn 700 năm trên đất Cao Ly, thế mà, ngày nay, năm 1994, Lý Xương Căn, đời thứ 31 của Lý Long Tường, tìm về từ đường họ Lý ở Bắc Ninh lễ bái tổ tiên, hàng năm đều như thế, đó là hậu duệ của Lý Long Tường và Lý Nghĩa Mẫn. Huống nữa, Kiêu bào của chúng ta, trên đất khách quê người bôn ba kiếm sống, sao khỏi chạnh lòng nhớ đến quê mẹ qua mấy mươi năm xa cách; Dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long là lúc gợi nhớ ân sâu tiên tổ cho cháu con ngày nay ngưỡng mặt nhìn đời, người Việt tha phương cũng như họ Lý hậu duệ đều được mời về tham dự. Họ cởi mở tấm lòng, chuyện trò râm ran suốt đoạn đường du ngoạn. Một Kiều bào Lào kể lại những gian nan đối phó với Fulro và tiếp tế cho cách mạng tại Biên giới Lào Việt, có lúc phải hy sinh tài sản lẫn mạng sống. Kiều bào Thái hồi tưởng lại thời đệ nhất Cọng Hòa, Thái trục xuất toàn bộ kiều dân về Hà nội khi biết họ là những cứ địa hoạt động cho cách mạng…Các cư dân những quốc gia Âu Châu không có những kỷ niệm gắn bó như thế, nhưng lại gắn bó với dân tộc bằng những bữa cơm rau cà dưa mắm; nhớ từng cọng rau, từng con đường, từng cơn mưa lũ; Và hầu hết có một điểm chung khi xa quê, họ gắn bó với đức tin tôn giáo. Cộng hòa Sec mặc dù đã tạo dựng được mấy ngôi chùa, nhưng chưa có thầy trụ trì thường xuyên, từ Việt Nam qua vào những dịp lễ lớn, họ tha thiết có một vị sư làm ngọn lửa sưởi ấm kẻ ly hương; một ước vọng tuy đơn gỉan nhưng khó toại nguyện.Đoàn Kiều bào Sec đa phần là những Phật tử.

Kiều bào phấn khởi khi nhìn quê hương thay da đổi thịt, khi thấy cơ sở hạ tầng phát triển không ngừng, người dân phố thị tấp nập khắp phố đêm, những ngày lễ như thế nầy, vào Thành phố là một cực hình cho xe cộ; nhưng thôn quê vẫn còn cơ cực với ruộng ngô, thửa lúa, vì khí hậu thất thường nên mùa màng thất bát, mức thu nhập vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra; Nhà nước cố tạo công ăn việc làm cho người dân, cho công nhân bằng những hãng xưởng, nhưng tiếc thay, công nghiệp hóa không phải là con đường duy nhất để phát triển và giải quyết đời sống cho người dân, ngược lại xí nghiệp nhà máy đã đem lại nhiều hậu quả khó lường cho môi sinh hiện tại. Bão lũ luôn đe dọa đất nước, vì thế đời sống người dân cũng bấp bênh như con sóng biển xô bờ; Nhân dịp một ngàn năm Thăng Long, vào mùa mưa gió, nhà nước dự tính bỏ ra số tiền lớn để đẩy cơn mưa ra khỏi Hà Thành, nghe đâu một ai đó, tuyên bố trên T.V là sẽ đầy lùi được mưa bảo vào thời gian diễn ra đại lễ, dù nhà nước tin hay không, họ vẫn âm thầm giúp đỡ; Chung quanh Hà nội vẫn có những cơn mưa, Quảng trị trở vào cũng đang hứng chịu mưa dầm gió rét, thế mà khí trời Hà nội mấy hôm nay vẫn dễ chịu, những hạt bụi nước li ti từ trên cao như làm sạch khói bụi phố phường, không đủ thấm ướt kẻ đi ngoài phố. Khí trời tuy lạnh với cư dân phía Bắc, nhưng vẫn ấm lòng lữ thứ hồi hương; họ đang đặt từng bước chân sung sướng hạnh phúc trên quê mẹ; họ nhìn kỷ từng con phố thân quen, từng hoa ngâu nở vội; Mặt nước hồ Gươm xanh đen mà họ vẫn thấy trữ tình; Một vài người dân không toại nguyện với thực tề thì những Việt kiều lại thấy các chướng duyên là những thơ mộng khác thường.

Bước chân trở về luôn là hạnh phúc, người ở lại luôn hướng đến ra đi; Phải chăng cuộc sống là một hợp thể của mâu thuẩn?
Cho dù mâu thuẩn hay không, con dân đất Việt phải trân quý, bảo vệ tài sản của cha ông để lại, ghi nhận công ơn to lớn của tổ tiên nhân 1.000 năm Thăng Long thưở ấy!Vì ngàn năm sau thưở ấy biết còn chăng!

MINH MẪN
04.10.2010

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

RỪNG ĐỎ THĂNG LONG


Qúy Thu – Trọng Thu hay Mạnh Thu, ngày hôm nay của Thăng Long ngàn năm trước, đã mang âm hưởng khí trời cay nghiệt do chính con người tạo ra!

“ Máy bay đã vào không phận Hà nội, hạ thấp cao độ để chuẩn bị đáp xuống sân bay Nội Bài; nhiệt độ bên ngoài là 32, xin quý khách trở về chỗ ngồi, thắt giây an toàn, lưng ghế thẳng , để đảm bảo kết thúc chuyến bay an toàn, xin quý vị vui lòng tắt tất cả đồ dùng điện tử…”

Giọng tiếp viên hàng không Jet star thông báo, khách ngồi sát cửa sổ chăm chú nhìn xuống những ô ruộng vườn bao quanh từng khóm nhà san sát nhau; những nhánh sông màu đục lượn quanh; cảnh vật hiện ra dưới ánh nắng dễ chịu như một bản đồ tô điểm nhiều màu, nói đúng hơn là tấm vải bá nạp mang nhiều sắc thái sống động!

Khi máy bay ra khỏi không phận SG, nhà cửa xe cộ chìm khuất, một màu xanh của biển trải thảm mênh mông. Từng lọn bông mây nằm lơ lững giữa trời để phơi nắng. Trên độ cao nhất định, bên dưới cánh máy bay chỉ toàn màu trắng đục, cứ như máy bay bềnh bồng giữa khoảng không yên ả để trốn chạy cuộc sống náo nhiệt của hạ giới!

Từ trên cao mới thấy không gian bao la, biển cả mênh mông, núi sông một dãy, cơ đồ quý giá do cha ông vun bồi xương máu cho con cháu có được hôm nay; Mùa Thu bước vào tháng cuối, những thập niên trước chiên tranh, Thu Hà nội mang dáng dấp kiều diễm của nàng Thơ; Thu Hà nội từng phủ lớp sương mờ tinh anh vào buổi sáng; mặt hồ Gươm là đà màu trắng phiêu bồng, và đất trời miền Bắc hít thở hơi mát trong lành mỗi độ Thu sang! Thi ca nhạc họa không tiếc lời ca ngợi vẻ đẹp của Thu như tuổi dậy thì! Ngày nay, Thu không dịu vợi của không khí mát lạnh mơn trớn, khí trời oi nhưng nắng ấm dễ chịu so với nắng hạ vừa qua.

Phố phường Hà nội mỗi ngày một nhộn nhịp. Hàng quán ăn nhậu xuất hiện từng con hẽm. Người dân Hà thành khấm khá tự bao giờ! Ngoài những đại gia nổi, có bao nhiêu đại gia chìm thể hiện qua nếp sống hưởng thụ se sua. Lớp trẻ Hà nội ngày nay mọi sinh hoạt hơn hẳn dân SG, không còn một dấu vết gì trong thời thắt lưng buột bụng của XHCN. Nếu không về ngoại ô hoặc không để ý đến những trẻ em, cụ già sống lây lất bằng những nghề mọn, buôn vặt thì ai cũng ngỡ Việt Nam là quốc gia đã phát triển; Đêm 30 tháng 9,chuẩn bị cho sáng hôm sau khai mac đại lễ đón mừng Ngàn Năm Thăng Long, các phố lớn, cảnh sát giao thông vất vả điều hòa lưu lượng xe cộ một cách kiên nhẫn. Trên các vĩa hè giờ đây không còn cho người đi bộ; Người dân cứ đổ ra đường như trẩy hội mùa hoa. Hàng vạn bóng điện hạt tiêu kết tủa đủ dạng như tấm thảm nhung treo dọc hai bên phố. Công nghệ điện tử làm cho ánh sáng đèn điện chảy xuống từng cơn nhiều dạng đẹp mắt. Hồ Tây ẩn hiện cổng chùa Trấn Quốc nằm khuất giữa cái nhộn nhịp; hồ Trúc Bạch và các công viên không còn khoảng trống của ngày thường. Hồ Gươm và công viên Đức Lý Thái Tổ trang trí sặc sỡ; nhiều sân khấu lộ thiên trình diễn các tiết mục phục vụ quần chúng. Ra khỏi Thủ đô mới thấy được không khí mát dịu vì không còn tắt đường.

Khác với đêm 30, sáng mồng một quần chúng đổ về hồ gươm và lễ đài chính ở tượng Thánh vương Lý Thái Tổ, không đông lắm, có lẽ học sinh vẫn phải đến trường và công nhân viên chức chưa được nghỉ lễ! Phần lớn là thanh thiếu niên và những người từ các tỉnh thành đổ về. Các người lớn tại Hà Thành thản nhiên như một sự kiện thường nhật. Một ông chủ kiosque băng dĩa bảo: “chúng tôi ở đây có bao giờ qua đến cầu Thê húc hay bờ hồHoàn Kiếm, vi hằng ngày vẫn vậy thôi”; cũng thế, từ Giáp Bát, chúng tôi gọi xe ôm về lễ đài chính, bác tài xế hỏi: “ lễ đài ở đâu.”tôi ngạc nhiên về thái độ hờ hững của người dân lao động tại Hà nội đối với ngày trọng đại như thế. Chả trách, từ 5 giờ sáng, bác tổ trưởng khu phố Tân Mai gọi bà con treo cờ mà hết ngày khai mạc lễ, khu phố vẫn im ắng như mọi ngày.Bác tổ trưởng đích thân đem cờ và cán tre leo lên treo từng nhà cho khu phố! Cả thế giới đều biết ngàn năm Thăng Long của Việt nam, các tỉnh thành đều nghe nói nhiều về chi phí cho cuộc lễ, nhưng dân Hà nội, nhất là người lao động họ chỉ quan tâm đến thu nhập mỗi ngày, chiều về có gạo cho con ăn, có tiền để trang trãi nợ đời! cũng như Vesak 2008 và các sự kiện mang tầm vóc quốc tế diễn ra tại Thủ đô, trở thành sinh hoạt chính trị không liên qua đến họ, những sự kiện đó là bổn phận của nhà nước và những tổ chức liên hệ; Nhưng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long không thể như thế, vì đây là một niềm tự hào của dân tộc mà cha ông ta đã gầy dựng, nhà nước thực hiện tưởng nhớ tiền nhân thì quần chúng phải có bổn phận hưởng ứng như ngày giổ cha ông chúng ta.

Cuộc sống Hà nội ngày nay lộ rõ nét giữa giai cấp giàu tiền và quần chúng sa cơ, đầu tắt mặt tối! Sự xô bồ ở bến xe Giáp Bát, dân chạy xe chỉ thấy có khách và quan tâm đến những khách sang trọng, lưu ý đến mặc cả có lợi phía nhà xe mà không cần biết khách đó về dự lễ hay xã hội đang có sự kiện trọng đại; họ cũng chẳng cần biết Lý Thái Tổ là ai; điều nầy quần chúng không có lỗi, nhưng cũng không phải nhà nước thiếu quảng bá, do cuộc sống quá chênh lệc mà người dân không hiểu nguyên nhân nào một số người phất lên nhanh đến thế, số đại gia Hà nội nhiều hơn cả Sài gòn hiện nay; chính vì thế mà một số người cố vươn lên bằng những hành động phi pháp.

Số quan khách tham dự tại lễ đài chính, ngoài quan chức trung ương và một số tỉnh thành, một số doanh nghiệp thành đạt, khách mời nước ngoài, các sứ quán, người dân tham dự đứng vòng ngoài có cảnh sát cơ động canh gác cách xa tượng đài 500m. các ngã đường vào đều cấm xe lưu thông; Tuy lượng người tham dự sáng khai mạc không đông lắm, nhưng quanh bờ hồ Gươm cũng không còn chỗ để kẻ đến sau chứng kiến cụ Rùa nổi lên đón mừng đại lễ. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là điềm lành, tuy cụ rùa không được giấy mời mà vẫn tự nguyện trồi lên đúng lễ khai mạc.

Tờ bướm phát cho quần chúng theo dỏi chương trình suốt 10 ngày lễ, ngoài 5 sân khấu chung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm trình diễn nghệ thuật, triển lãm các hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà nội, triển lãm thư pháp, còn có biểu diễn các mẫu áo dài dân tộc, biểu diễn võ thuật, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long-Hà nội, đua xe và bóng đá…Điều làm nhiều người ngạc nhiên là có ngày khai mạc nhưng không có ngày bế mạc; ngày cuối cùng là duyệt binh và đêm hội văn hóa nghệ thuật.

Một lễ hội mang tầm vóc quốc gia và truyền thống hào khí của cha ông là một điều cần thiết đê con cháu biết giữ gìn lãnh thổ biên cương, vì thế việc tốn kém là điều hiển nhiên, nhưng việc tốn kém cho bộ phim “ Đường đến thành Thăng Long” đem lại nhiều tai tiếng là việc đáng tiếc!

Sáng khai mạc, trời thật đẹp, không nắng gắt mà cũng chẳng mưa như những ngày trước đó, Quảng Trị, Huế và các tỉnh phía Nam lại tầm tả suốt ngày; Từ Ninh Bình, hai xe hoa mang tượng Thánh vương Lý Thái Tổ lúc còn mặc Long Bào và một tượng mang hình xuất gia, cố chạy nhanh về Thủ đô tham dự, nhưng trể mất ba tiếng. Tại Ninh Bình, kinh đô Hoa Lư cũng cờ xí tung bay; những ngọn núi trùng điệp, dựng đứng như khối đá biểu tượng hào khí địa linh, vẫn cón mang màu xanh của của rừng núi, thế mới biết tấm lòng, tầm nhìn chiến lược, và khí lực của một đế vương ngàn năm trước vượt núi băng rừng, phương tiện giao thông, vận chuyển chưa có, đã khai lập một đế đô tồn tại hàng ngàn năm sau. Ngàn năm trước chưa có phố phường sầm uất, ngàn năm sau nhà cửa dọc ngang; Vì sao Thánh vương có được tầm nhìn như thế để Hà nội ngày nay là một thành phố có nhiều sông hồ tắm mát thủ đô! Và địa thế bao bọc kinh kỳ cho dân tộc vượng phát!

Một Thăng Long-Hà nội đắc địa đã làm nền tảng văn hóa cho dân Hà Thành; Những cư dân chính thống Hà nội có một nét đặc biệt tinh tế, lịch lãm trong cung cách giao tế ứng xử; Họ hiếu khách nhưng khách khó mà hiểu họ muốn gì; họ xởi lỡi nhưng không dễ hòa nhập, họ trau chuốt lời ăn tiếng nói nhưng khó mà bộc bạch tấm lòng cho ai hiểu; trước chiến tranh, Hà nội có một nếp văn hóa ẩm thức sang trọng, nhưng giờ đây, một số người đã xem thịt cầy là văn hóa ẩm thực thực dụng một cách đau lòng! Thăng Long- Hà nội cũng từng là trung tâm văn hóa chính trị sáng chói nhiều thế kỷ, từng tạo sự kính nể cho giặc phương Bắc, dẫu sao, Hà nội đã đi vào sử sách làm nên truyền thống cho một dân tộc mà cháu con ngày nay cần ghi nhớ noi gương. Hà nội ngày nay liệu có đủ khả năng làm nên ấn tượng đặc thù cho thế hệ con cháu của ngàn năm sau như cha ông chúng ta từng đã!!!

Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà nội ngày nay, dù đứng góc độ nào, kẻ chống đối xuyên tạc hay người ủng hộ, cũng đều không thể phủ nhận một sáng kiến làm nổi bậc tiền hiền mà ngàn năm qua bị bụi mờ lịch sử chôn vùi. Kỷ niệm nầy cũng sẽ đi vào lịch sử, khi mà màu đỏ của rừng cờ tung bay khắp nơi trên quê hương, tuy chưa đi vào tất cả lòng người dân Thủ đô hiện tại. Vẫn là rừng đỏ Thăng Long!

MINH MẪN
02.10.2010