Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

HOẰNG PHÁP LỢI SINH


Hoằng Pháp thị gia vụ, đó là tiêu điểm cho ngành truyền giáo trong đạo Phật.Tại sao Hoằng Pháp lợi sanh? Đó là một mệnh đề hay hai mệnh đề: Hoằng pháp - Lợi sanh?


KINH TẾ:
Từ thời Đức Phật sanh tiền đến thế kỷ 15 sau Tây lịch, Ấn độ nói riêng và thế giới nói chung, tiềm năng kinh tế nằm trong lòng đất, đại dương còn dồi dào. Nông nghiệp chưa khai thác hết lợi tức của đất màu, ngư nghiệp chưa tận thu từ biển cả; Lâm nghiệp còn nhiều hứa hẹn từ núi rừng; Dân số còn quá thấp so với diện tích địa cầu. Đất hoang còn trống; nhu cầu tiện nghi chưa cao. Con người gắn liền với thiên nhiên và muôn thú. Chính vì thế kinh tế chưa phải là điều bận tâm của nhân loại.

Xã hội còn sinh hoạt đơn lẻ, kinh tế phần lớn tập trung vào doanh thương, các nhà buôn đường xa trao đổi hàng hóa xuyên qua biên giới. Các doanh nhân địa phương không phát triển mạnh như hiện nay, bởi lẽ, ngoài nông nghiệp truyền thống, các ngành nghề khác chưa phát triển quy mô, mức thu nhập người dân còn hạn chế, nhu cầu hưởng thụ không phổ biến. Tâm hồn con người giản dị và gần gũi với thiên nhiên; đạo đức nhân cách còn coi trọng; Người dân các nước châu Á có khuynh hướng sùng bái ngẫu tượng. Các tôn giáo cổ nặng về cúng tế, nhất là tại Ấn độ, chiếc nôi của các Thần linh, tạo cho quần chúng an phận, an phận kiếp người cũng như an phận giai cấp, đào sâu tính bất bình đẳng trong xã hội mà ngày nay vẫn còn một số quốc gia chưa xóa nhòa.
Chính những cám dỗ đời thường là một trong những lực kéo con người xa rời đạo đức xã hội và đạo đức tâm linh. Như vậy, nhu cầu chính yếu hiện nay không phải là Đạo đức tín ngưỡng mà là quyền lợi vật chất. Điều oái oăm, càng phát triển khoa học, nhu cầu càng tăng, kinh tế các quốc gia lâm vào khủng hoảng. Tuy GDP vững mạnh như Nhật Bản, thế mà qua cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới, năm 2009 tăng trưởng âm 4.3% và dự đoán 2010 sẽ tăng trưởng âm 1%. Mỹ giảm 5% năm 2008, thì Việt Nam tăng 0,3%. Phần lớn các quốc gia phải đối đầu với thiên tai, bạo động, xuất khẩu, biến đổi khí hậu cộng thêm khan hiếm dầu mỏ và ô nhiễm môi sinh.


Trước 1975, miền Nam, một gia đình năm sáu người con là chuyện thường, việc học hành và đời sống gia đình không bị khủng hoảng. Một người có thể làm nuôi sống nhiều miệng ăn. Bác phu cyclo làm vài cuốc, cất xe, về nhậu; nông dân làm một vụ mùa sống cả năm; thầy giáo nuôi nhiều con ăn học thành tài…thời chiến đã thế, nhưng lúc đất nước thanh bình, cuộc sống lại chật vật; không riêng tại quê nhà, một số quốc gia đang phát triển cũng chịu chung số phận, chạy nước rút để kịp theo các quốc gia công nghiệp tiến bộ. Dĩ nhiên dân số trên tinh cầu gia tăng, một số quốc gia chậm tiến không kiểm soát được sanh đẻ; đồng bào sắc tộc cũng không ít con trong một gia đình. Các gia đình Ấn, Nepal, châu Phi…và những quốc gia ảnh hưởng tôn giáo cấm ngừa và phá thai, không hạn chế việc sinh sản. Đồng bào miền cao của Việt Nam cũng thế, riêng các thị tứ Việt Nam, gia đình đông con lắm cũng từ bốn đến ba người, phần lớn là một hoặc hai theo lời kêu gọi của nhà nước.Việc dân số gia tăng và kinh tế mỗi ngày một hạn hẹp khi mà mọi tiềm năng đã bị tận dụng.

Thế giới dùng dầu hỏa làm nguồn nhiên liệu chính cho cơ giới và mọi sinh hoạt xã hội, các nước bắt đầu chạy đua khai thác, một số quốc gia có trữ lượng dầu khá lớn, liền bị các nước lớn chèn ép, tận thu hoặc khống chế, vì thế, dầu trở thành mục tiêu cho các quốc gia đánh giá sức mạnh về kinh tế của chính mình. Các quốc gia trên đà phát triển cần tiêu thụ lượng lớn dầu, đã làm nghiêng lệch cán cân phân bố trên thế giới về nguồn dầu, tạo khủng hoảng kinh tế và tài chính do giá dầu liên tục tăng nhanh và tác động thị trường trên nhiều mặt. Như năm 2004, giá dầu tăng trên 55 USD một thùng. Một khi dầu tăng thì vàng tăng, ngược lại có khi giá trị ngoại tệ như dollar lại giảm.Năm 2008, giá dầu tăng 147/USD/thùng, khủng hoảng tài chính, tín dụng đẩy nền kinh tế thế giới vào cơn suy thoái Tuy nhiên không hẳn giá nhiên liệu khủng hoảng nhất thiết phải kéo theo sự khủng hoảng mọi mặt, ví dụ năm 2006, mặc dù giá dầu liên tục biến động, kinh tế thế giới vẫn được phục hồi và tăng trưởng, châu Á trở thành biểu tượng trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.Dầu hỏa trở thành nguồn nhiên liệu chính quyết định sự hưng vong của một quốc gia phát triển.

Những thế kỷ 19 trở về trước, kinh tế các quốc gia mạnh được đánh giá bởi thị phần thuộc địa chiếm được, nguồn giao thương hàng hóa và tăng gia sản xuất; Pháp là một trong những nước bành trướng thuộc địa mạnh nhất sau đệ nhị thế chiến. Sang thế kỷ 19, Pháp chiếm Algerie, chiếm Nam kỳ 1867-1874, sau đó Pháp chiếm Bắc kỳ năm 1884, Trung kỳ 1885 để lập chế độ bảo hộ, đặt chế độ bảo hộ Campuchea năm 1863 thành lập Liêng Bang Đông dương 1887. Trong hai thế kỷ 19-20, thuộc địa Pháp đứng sau đế quốc Anh. Diện tích thuộc địa Pháp chiếm 12.347.000km2, dân số thuộc quyền cai trị của Pháp là 2.543.000 người lúc bấy giờ.
Anh quốc cũng thống trị quần đảo Turks, Caicos, nam Georgia, nam Sandwich, quần đảo Pitcairn, Caymon, Falkland,, Montserrat, Hồngkông…

Trước và sau thế chiến, các cường quốc tìm thị trường bằng cách thống trị thuộc địa qua tôn giáo và vũ lực.

Mãi đến khi thế giới chia làm hai cực: Tư Bản và Cọng sản; Tư bản phát triển kinh tế theo hướng đại chúng, Cọng sản thiết lập kinh tế theo hướng tập trung. Lúc bấy giờ kinh tế trở thành trọng điểm phát triển xã hội; mọi ngành nghề theo đó phát triển, và nhu cầu hưởng thụ cũng gia tăng.
*
* *
HOẰNG PHÁP
Thưở sinh tiền, Đức Phật chú trọng đến tính giác ngộ và sự bình đẳng.xóa mọi giai cấp và hủ tục lỗi thời, đề cao mọi người đều có giá trị như nhau, kể cả phụ nữ và trẻ em. Chính vì thế, sau khi chứng ngộ, Đức Thích Ca thấy được tính bình đẳng trong mỗi chúng sanh, vì mê chấp mà có sai biệt nghiệp lực. Suốt 49 năm hoằng hóa, mục đích của Ngài khai thị cho mọi người thấy được khả năng trí tuệ của mình hầu chủ động trong cuộc sống.
Sinh hoạt thường ngày của Tăng đoàn, ngoài giờ hóa duyên, Thiền định, chư Tăng tỏa ra khắp nơi để hoằng truyền chính pháp. Đức Thế tôn từng bảo – vì lợi ích cho chúng sanh, quý thầy hãy đi khắp nơi, không đi hai người một chỗ…
Lợi sanh trong giai đoạn khởi phát truyền bá giáo pháp Đạo Phật là như vậy. Đức Phật muốn nhân loại khôi phục tánh giác để thấy được giá trị cao quý của kiếp người. Ngài bảo: "Không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn".
Do giới Tăng lữ của Bà La Môn nắm địa vị tế lễ tín ngưỡng cấu kết với quan quyền, hoạch định ra giai cấp, chia xã hội làm nhiều thứ bậc ảo tưởng để thống trị xã hội. ( Rig Veda ghi rằng: tu sĩ Bà La Môn sinh ra từ miệng Thượng Đế, giới lãnh đạo và binh sĩ sinh ra từ đôi bàn tay Ngài, đôi chân sinh ra thương gia, hai bàn chân Ngài ranh ra tôi tớ cho xã hội.) Qua nhiều ngàn năm như thế, người dân Ấn tin rằng vị thế trong xã hội của mình đã được an bày, do đó, chấp nhận một cách an phận bởi truyền thống gia phong. Ngược lại, Trung Hoa cũng chia xã hội làm bốn giai cấp, nhưng giai cấp ở Trung Quốc không tùy thuộc giòng tộc mà tùy thuộc ngành nghề trong cuộc sống, Sĩ-Nông-Công-Thương. Khi mà kinh tế xã hội ổn định thì vị thế kẻ sĩ được đề cao tôn quý, lúc khủng hoảng gạo cơm thì: Nhất nông nhì sĩ ( nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ) Giai cấp trong xã hội Trung Quốc không cố định khi mức sống và ngành nghề đổi thay.

Do phân định giai cấp mà con người bị đóng khung, an phận trong giai cấp của mình, không có óc cầu tiến, vượt thoát! Trong xã hội tùy mỗi thời đại phát sanh thêm những ngành nghề khác nhau, cho dù lao động chân tay hay lao động trí thức, cho dù doanh thương hay giáo dục, tất cả đều có giá trị như nhau, không thể đề cao giai cấp nầy, liệt hạng giai cấp khác để phân hóa xã hội, tạo hận thù tranh đấu như bầy gà bôi mặt đá nhau.

Hoằng pháp vào thời Đức Phật hiện tiền đem lại lợi ích cho nhân sinh bằng cách khôi phục giá trị tuyệt đối đời người mà không còn tùy thuộc sâu nặng bởi Thần linh. Ấn Độ không có khuynh hướng hưởng thụ, xem cuộc sống là cỏi tạm, họ chú hướng về tâm linh, nhưng một loại tâm linh nô lệ hóa bởi tha lực. Đây là sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo tại Ấn. Có những người chưa nắm vững giáo lý đạo Phật, vội cho Đức Phật cóp nhặt tư tưởng của Bà La Môn giáo; nhưng xét kỷ, hai hệ tư tưởng hoàn toàn cách biệt; Vệ đà, một học thuyết hình thành khá sớm do nền văn minh của Aryans từ Trung Á truyền sang. Bấy giờ Vệ Đà có bốn lãnh vực: Rig Vệ Đà, đề cao sự hiểu biết, Yajur Veda chú trọng về tế tự, Samma Veda thiên về mật chú thi ca, và một loại Veda học giả chuyên nghiên cứu nội điển. Cho dù lãnh vực nào, người ta vẫn chấp nhận có một đấng sáng tạo. Người thờ lửa thì tin thần lửa lả chủ tể cuộc sống, đất, nước, gió cũng vậy đều là những vị thần chủ quản mà tín đồ tuyệt đối tin tưởng. Phật giáo không đề cập đến đấng hóa sinh, không chấp nhận bốn giai cấp mà những tôn giáo có trước đã phân định. Tính bình đẳng và tự giác của Phật giáo đã san bằng mọi bất công trong nền tín ngưỡng đương thời. Đây là nét cá biệt độc đáo từ tinh thần cách mạng của Đức Phật. Chính vì sự quan trọng cần phải giải phóng sự nô lệ đức tin để đưa con người lên vị trí chủ thể, Phật giáo xem việc Hoằng Pháp đem lại lợi ích cho nhân sinh là điều tối cần: HOẰNG PHÁP LỢI SINH
Qua nhiều thế kỷ, Phật giáo truyền sang nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia nặng về vật chất, lấy lợi nhuận làm cứu cánh, lấy hưởng thụ làm hạnh phúc, dùng tiện nghi làm thước đo sung túc, xem danh lợi địa vị khoa bảng làm thước đo thành đạt.Tiếp tục đẩy xa giá trị cơ bản của con người ra khỏi ý thức thăng hoa.Với kinh nghiệm thực dụng đó, các tôn giáo phương Tây, từ tổ chức nội bộ đến sinh hoạt cộng đồng tín hữu, đều liên kết vật chất song hành với đời sống tín ngưỡng. Một linh mục quản xứ được hưởng những quyền lợi như một cán bộ nhà nước, có cả chế độ hưu bổng do giáo hội quy định. Tín đồ có quyền làm giàu mà không mang mặc cảm tham đắm vật chất như một tín đồ Phật giáo. Giáo hội Kito có ngân hàng và tích lũy tài sản. Một tu sĩ cũng như tín đồ Kito giáo vừa có dức tin vừa có quyền hưởng thụ mọi phong phú vật chất. Thệ Phản giáo, sau khi tách khỏi Vatican, cải cách tín điều, phương pháp hành trì, kể cả phương pháp truyền bá. Mặc dù Anh Quốc xem như thủ phủ của Thệ Phản giáo, nhưng Mỹ là mãnh đất màu mỡ để trên 250 giáo phái Tin Lành song hành với quân đội phát triển đến các quốc gia tham chiến, như Vatican từng là bóng với hình bên quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Và sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt,từ 1990, Tin lành giáo ồ ạt xâm nhập một cách linh hoạt vào Việt Nam qua ngã Lao động xuất khẩu, những thuyền nhân và công nhân làm thuê các nước, đã được Tin Lành giúp đỡ bước đầu, biến họ thành những người truyền giáo đắc lực sau khi hồi hương. Dĩ nhiên vật chất là phương tiện dễ dàng cho việc cấy hạt giống đức tin vào cộng đồng nghèo khó. Ông bà thường bảo: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Các công nhân trong nước, họ sẳn sàng hổ trợ thêm một suất tiền tương đương lương mỗi tháng nếu chấp nhận gia nhập Hội Thánh. Nơi miền cao, miền sâu và khu phố nghèo thiếu, họ luôn có mặt giúp đỡ vật chất. Ngay cả tu sĩ Phật giáo như Huệ Nhật, cũng do sự giúp đỡ bước đầu khi ra khỏi tù, Huệ Nhật đã biến thành Mục sư không cần đắn đo suy nghĩ, bởi vì , theo Huệ Nhật, ông ta đã được ơn kêu gọi của Chúa, nhưng thật ra đương sự đã được ơn chiếu cố bởi tài chánh đi trước! Tại Metro supermarket ở Q.12, một nhóm thanh niên công khai truyền bá đức tin giữa chợ, kèm theo những hứa hẹn về lợi dưỡng, họ ca ngợi Thượng đế một cách cuồng nhiệt. Họ có quyền quảng cáo tôn giáo của họ, cho dù quảng cáo theo cách mì ăn liền. Điều chúng ta muốn nói là họ rất thực dụng, vật chất và đức tin song hành, chứ không quá lý tưởng như Phật giáo, đem những giáo lý cao siêu nói với những người đang thiếu gạo cơm.
Như thế, các tôn giáo trong những quốc gia phát triển đã ý thức được tính thực dụng vào công cuộc truyền bá, họ đã thành công khá dễ dàng trong các quốc gia nghèo và trình độ thấp. Một số quần chúng Phật tử, cũng chấp nhận phương pháp nầy để gửi gấm niềm tin trong quyền lợi.

LỢI SINH HOẰNG PHÁP
Sau năm 1975, số lượng tín đồ Phật giáo không phát triển bao nhiêu nếu không nói bị thất thoát, Phật giáo không có bản thống kê hàng năm về số lượng tín đồ phát triển và tín đồ bỏ đạo, trong khi đó Thiên Chúa giáo tại Việt Nam tăng 5%, Tin Lành kể cả 20 giáo phái đang có mặt tăng 15%. Thiên Chua Giáo tuy phát triển chậm nhưng vững chắc. Tin Lành tuy ồ ạt phát triển nhưng căn bản giáo lý, tín điều không thấm sâu vào tín hữu; trong khi đó, ngành Hoằng pháp của GHPGVN sinh hoạt nặng về hình thức. Các khóa giảng sư và bồi dưỡng giảng sư thường làm theo quán tính, không đào sâu phương thức hoằng pháp, nghệ thuật hoằng pháp, đối tượng hoằng pháp và chỉ tiêu hoằng pháp. Những bài giảng chung chung giữa một đại chúng có quá nhiều trình độ khác nhau, chẳng khác nào vung vãi hạt giống trên thửa đất, có cả cỏ, đá, rác rếnh… không cần biết kết quả ra sao, để sau khi ra về, không ai còn nhớ được điều gì đã nghe. Vị giảng sư xem như đã hoàn thành nhiệm vụ Hoằng pháp.

Đã từ lâu, Phật giáo vẫn hoằng pháp theo kiểu truyền thống cầu may mà không nhắm đến hiệu quả cần phải đạt được. Ban Hoằng pháp nói chung và vị giảng sư nói riêng, chỉ thuyết giảng nơi nào đã có Phật tử và đạo tràng đó đã huy động Phật tử đến nghe. Với số Phật tử của một đạo tràng nào đó, không cần phải thuyết pháp theo lối chung chung mà phải có lớp bồi dưỡng giáo lý theo từng trình độ. Phật giáo chưa chủ động đi thẳng vào cộng đồng dân cư chưa hiểu đạo, cộng đồng như thế họ mới cần công tác hoằng pháp của các giảng sư; Phật tử các chùa họ chỉ cần những khóa tu và giáo lý căn bản.
Việc Hoằng pháp đến cộng đồng dân cư, hay nói cách khác, Phật giáo đi vào xã hội, không thể không chú ý đến những nhu cầu cần thiết của người dân. Nói như thế, có thể những vị bảo thủ cho rằng, Phật giáo là Phật giáo, không như các tôn giáo khác, không cần chiêu dụ. Đây là vấn đề đáp ứng nhu cầu, giải quyết những nhu cầu tối thiểu trước khi cho họ nghe giáo lý. Nghĩa là chúng ta phải đem đến vật chất lẫn tinh thần cho người nghe. Không ai có thể ngồi nghe pháp mà bụng đói và gia đình đang thiếu ăn.
Có vị lại hỏi – quý thầy đều sống nhờ vào sự cúng dường của bá tánh thì lấy đâu để quý thầy giúp đỡ những kẻ thiếu ăn? Chúng ta giúp cần câu chứ không chỉ cho con cá, nghĩa là, Phật giáo không chỉ biết đem lý thuyết đến cho người dân mà còn phải biết hòa nhập vào xã hội qua nhiều lĩnh vực cụ thể. Vệ sinh thường thức, kỷ thuật gieo trồng, kiến thức môi sinh, hạnh phúc hôn nhân, giáo dục trẻ con, kinh tế tài chánh, quản trị, tổ chức, huấn nghệ…Một quan niệm ăn sâu vào cộng đồng Phật giáo là người biết tu không cần làm giàu, không lo huởng thụ, không thiết vật chất, vì vậy họ bảo an bần lạc đạo!
Chúng ta phân biệt rõ hai lãnh vực, một bộ phận chuyên tu, không bận tâm đến vật chất để tâm hồn thanh thoát chú tâm vào đạo lực. Một bộ phần hoằng pháp, còn phải giao tiếp với xã hội, còn phải cần đến những phương tiện sống và phương tiện truyền bá, vì thế, bộ phận nầy phải trang bị kiến thức tổng quan cho một giảng sư, hoặc một chuyên viên mà không đòi hỏi ở một tu sĩ, có thể là một tín đồ, giúp giảng sư hổ trợ cho quần chúng những nhu cầu của họ. khuynh hướng xã hội của Hoằng pháp không phải là khuynh hướng đem của cải vật chất để lót đường cho việc truyền bá mà phải là khuynh hướng xây dựng xã hội song hành với việc pháp thí.

Gần đây, một nhóm độ 30 sinh viên và cựu sinh viên Vạn Hạnh, trẻ, khóa 5, khóa 6, thành lập nhóm hoằng pháp thiện nguyện, giúp một số chùa mở các khóa tu, hướng dẫn trẻ con sinh hoạt cộng đồng, tại một số vùng xa, các tỉnh lỵ. Nhóm nầy sinh hoạt theo nhiệt tâm của tuổi trẻ mà chưa có một phương án bảo vệ sự tồn tại độc lập vừa lâu vừa dài cho nhóm để không bị tùy thuộc vào kinh tế và bị chi phối bởi kinh phí mỗi lần công tác xa. Ngoài công việc tạo sinh khí cho những khóa tu hoặc sinh hoạt với trẻ con, nhóm nầy vẫn chưa giúp cho người dân về kiến thức phổ thông trong đời sống như vệ sinh, môi trường, hoặc khích lệ phát triển sinh kế; nhóm nầy cũng chỉ đến với cộng đồng phật tử có sẳn ở các chùa mà chưa chủ động đi thẳng vào quần chúng chưa có đạo; dẫu sao, với thiện chí của tuổi trẻ như thế, không được Giáo hội đào tạo cho nghiệp vụ hoằng pháp và hổ trợ phương tiện tài chánh, đã lăn xả vào đời, là một việc cần tán thán và còn cần phải bổ túc thêm những khiếm khuyết!

Sinh hoạt xã hội cũng như đề án kinh doanh của thế gian, trong một tổ chức, phải hướng đến mục đích, có chỉ tiêu và có thời hạn nhất định, để từ đó rút tỉa kinh nghiệm cho một chu kỳ mới, không thể làm có lệ, được chăng hay chớ. Xã hội ngày nay là xã hội cạnh tranh, kể cả tôn giáo, nếu thụ động là tự mình rút lui khỏi sân chơi, an phận là dẫm chân tại chỗ. An bần lạc đạo không có nghĩa mình phải nghèo mới sống vui với đạo. Đức Phật không cấm chúng ta làm giàu, chỉ cấm làm giàu bất chính thiếu đạo đức mà thôi. Và cấm hưởng thụ quá mức nhu cầu, vì cần phải chia xẻ với đồng loại. Nếu an phận và nghèo thì lấy gì bố thí giúp đỡ kẻ khốn cùng hoạn nạn tai ương? Tam thường bất túc là những nhu cầu của một hành giả không quá thừa mứa, vừa đủ hoặc thiếu chút ít để khỏi sanh tâm tham luyến chứ đâu phải không có quyền làm ra tiền. Làm giàu không có nghĩa không an bần. Làm giàu để có điều kiện giúp đỡ xã hội, an bần là kiểm soát nhu cầu cá nhân .
Chính vì thế, Hoằng pháp ngoài trang bị kiến thức giáo lý, trình độ và nghệ thuật diễn giảng trên pháp tòa, mà còn có nghệ thuật hòa nhập quần chúng, thích nghi với đối tượng, có nội dung thích ứng với đối tượng và lắng nghe nhu cầu cũng như tâm tư của đối tượng, điều nầy đòi hỏi người hoằng pháp phải có lý tưởng xã hội, và khi nhập cuộc hành sự, phải có định mức và thời lượng để đánh giá kết quả hầu rút kinh nghiệm cho việc làm tiếp theo, chứ không làm theo tùy hứng và vụ mùa.
Phật giáo ngày nay có khuynh hướng Từ Thiện xã hội rất cao, nếu Hoằng pháp biết kết hợp với các sinh hoạt Từ Thiện như thế, sẽ có kết quả tốt hơn. Các tôn giáo bạn cứu trợ thiên tai, bố thí chẩn bần, thường khoanh vùng, hạn chế trong giáo dân, ngược lại, với tinh thần từ bi của Phật giáo, các đoàn từ thiện vào bất cứ nơi nào có nhu cầu, không phân biệt lương giáo; Làm một cách vô tư để hoàn thành hạnh nguyện Bồ tát mà không cần biết kết quả thế nào. Dĩ nhiên cái nghèo cái đói là bệnh trầm kha, cứu trợ chỉ là giai đoạn nhất thời, công việc như thế chỉ là muối bỏ biển. Ích gì khi mỗi hộ được vài ký gạo và vài phẩm vật chi dụng trong ít hôm mà người nhận họ không cần biết của ai và họ có lợi ích gì sau những phẩm vật đó. Tôn giáo bạn có lý khi dùng những món quà cứu trợ làm điều kiện để truyền bá tín ngưỡng. Phật giáo không lợi dụng vật chất để khống chế tâm linh người thọ nhận; Người làm từ thiện quên rằng nếu món quà ít ỏi đến với một người, biết kèm theo lời khuyên về đạo đức, lợi ích đó lớn hơn và công việc từ thiện sẽ giá trị hơn. Lâu nay các đoàn từ thiện của Phật giáo làm công tác vãi thực phẩm xuống biển mà không cần biết dưới nước có những gì và loại thủy tộc nào cần thứ gì!
Làm phải biết mục đích và đối tượng, phải nắm được kết quả ít nhất trên 50%, không phải có lợi cho Phật giáo thêm được tín đồ mà có lợi cho người thọ nhận có thêm đạo đức, từ thiện như thế mới đủ ý nghĩa.
Đài Loan và Nam Triều Tiên, tu sĩ đã thực hiện và áp dụng được Lợi Sinh để Hoằng pháp. Phật giáo không chủ động đi tìm tín đồ nhưng khi trở thành tín đồ, người Phật tử không được các sư giúp gì về những mấu chốt trong cuộc sống ngoài lời khuyên từ bi, thương người, bố thí, nhẫn nhục…Một cặp hôn nhân trẻ cần sự hướng dẫn về bảo vệ hạnh phúc gia đình.; Một doanh nghiệp thành công cần sự giáo dục đạo đức nghiệp vụ; một thương gia cần sự cố vấn tính trung thực từ vị thầy; người làm kinh tế cần Phật giáo hổ trợ về kiến thức, kế hoạch và sự tương trợ trong cộng đồng Phật tử…Nghĩa là lý tưởng xã hội phải có trong lý tưởng hoằng pháp, bởi vì, Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác; Thế gian pháp tức là Phật pháp. Vì thế, không thể bảo người tu không dính vào đời sống thế gian, chỉ biết thọ nhận mà không lăn xả hy sinh. Chỉ thụ động mà không năng động. Tinh thần Phật giáo là tinh thần năng động chứ không thụ động.

Như vậy, Hoằng Pháp Lợi sinh của những thế kỷ kinh tế còn dồi dào, đất rộng người thưa, nhu cầu vật chất chưa cấp thiết. Ngày nay, mọi vấn vấn đề trong cuộc sống đều đảo ngược thì Lợi Sinh để Hoằng Pháp cũng là việc cần xét đến, nhất là tại xã hội còn nghèo như Việt Nam chúng ta, một sân chơi đang được cạnh tranh khá mạnh của những tổ chức tôn giáo khá vững và rất linh hoạt. Lợi sinh cả vật chất lẫn tâm linh.
MINH MẪN
30/01/10

1 nhận xét:

  1. Kính Cư sĩ Minh Mẫn,

    bài viết bị khá nhiều lỗi chính tả và kỹ thuật, mong bác xem lại để hoàn thiện bài viết.

    QT

    Trả lờiXóa