Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

* KÝ SỰ: NỞ HOA MIỀN TÂY BẮC (KỲ 3)



Vừa rời khỏi Pó Ngần, đoàn xuống núi để chuyển đến Bắc Cạm, đây là điểm trường cùng xã Khau Vai huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, do gia đình bs Minh Duy và Việt Ly tài trợ đứng tên một thành viên trong gia đình. Năm nào cũng có chuyến từ thiện vùng Tây Bắc, năm nào gia đình bs Minh Duy cũng tài trợ đứng tên cho một thành viên nào đó trong gia tộc, có lẽ muốn hồi hướng phước báu cho thân tộc.

Cũng như Pó Ngần, địa điểm thiết lập trường mầm non khá hẹp, nằm trên khoảnh đất tựa lưng vào vách núi, qua cơn mưa trước ngày khánh thành thì đất chuồi làm sạt vách sau nhà vệ sinh. Phòng ốc bê bết đất sình. Đoàn lên đến điểm cũng là lúc không ai còn vẻ tươm tất như lúc ở khách sạn qua đêm. Các cô giáo đi tìm nước cho đoàn rửa ráy tay chân. Áo quần điểm xuyết những vệt đất đỏ cứ như là mẫu trang phục thời thượng. Dĩ nhiên với địa hình giữa lưng trời, mọi phương tiện không thể đầy đủ, những tấm ván lót tạm để quà, vài chiếc bàn tới tuổi răng rụng, ngoài ra là rừng ngô và gió núi. Em Tuấn chịu khó tìm đến những nơi đìu hiu như thế này cũng xứng đáng với tấm lòng tài trợ của các mạnh thường quân ở phương xa, và công sức lẫn tài vật của cô Chung, gia đình Việt Ly và những ai tháp tùng cùng đoàn chấp nhận nhiều gian khó. Nếu đoàn đi vào mùa khô thì đỡ vất vả.

Tấm áp phích treo lên, ban tổ chức xoay như chong chóng. Cu Bờm ngồi bơm bong bóng, Việt Ly, chị Chung sắp xếp quà, bs Minh Duy phụ với các em lắp ráp đu quay, cầu tuột, các cháu và gia đình xúm xít chờ đợi đến giờ "hạnh phúc", để rồi, đoàn cùng với địa phương cắt băng khánh thành một cách vội vả để kịp xuống núi tránh cơn mưa rừng.

Con đường lầy lội cũng chẳng khá hơn Pó Ngần. Đồng bào H'mong chờ đoàn đến như chờ một sự kiện hy hữu nhất trong đời của cư dân vùng đỉnh núi. Quà cáp cũng như ở Pó Ngần, đối với các cháu và thân nhân của các cháu, đây là món quà trong mộng. Vài thành viên trong đoàn phải tập cho các cháu biết khoanh tay cám ơn, và vẫy tay chào đoàn để đi về. Các cháu không biết tiếng "Kinh" nên cứ ngơ ngác.

Có lẽ nơi đây, không như đồng bào Tây Nguyên, vùng Kontum, sau khi nhận quà, họ đều cám ơn Thượng Đế đã sai người mang đến tặng phẩm. Ngay khi nhà nước đưa giòng điện vào đến thôn xóm cách Komtum gần 30km, người đứng đầu Tin Lành tặng cho mỗi nhà một bóng đèn, thế là họ đã cám ơn Thượng Đế rối rít mà không cần biết chi phí đường điện từ ngoài bắt vào là của ai. 

Một vùng khác cũng tại Tây nguyên, nhà nước cấp cho xe máy cày loại nhỏ, thế là chả bao lâu chiếc xe trở thành đồ phế liệu. Một mạnh thường quân tặng cho con trâu làm phương tiện sống, một tuàn sau cả làng được một chầu nhậu thoải mái vì Thượng Đế đã đáp ứng đúng một nhu cầu "cái bụng". 

Đa phần đồng bào sắc tộc Tây nguyên được miền xuôi lên tiếp tế thường xuyên, đường dễ đi hơn hướng Tây Bắc, đã tạo cho họ tính ỷ lại trông chờ hàng cứu viện. Sau cơn lụt nặng, đoàn từ thiện mang quà vào tận thôn, một số thanh niên ngồi đong đưa trên nhà sàn vừa nhìn đoàn vừa nghe nhạc điện thoại, cứ như việc tiếp tế là nhiệm vụ Thượng Đế đã giao phó cho người miền xuôi.

So với cuộc sống của đồng bào sắc tộc, Tây Nguyên vẫn còn khá và đủ điều kiện hơn Tây Bắc. Những vùng cao của Tây Bắc chưa có điện, chưa có nước sạch, thậm chí có những vùng chưa có đất gieo mạ vì núi đá. Hình như chưa có đoàn từ thiện nào lên đến vùng "cửa trời" như thế, nên cư dân nơi đây nhìn đoàn có vẻ lạ lẫm, rụt rè e ngại. Các em cũng sắp hàng trật tự theo sự hướng dẫn chứ không xô bồ như trẻ một vài nơi miền xuôi.

Nhà nước cũng từng kêu gọi đồng bào xuống vùng thấp hơn để cuộc sống được dễ dàng, nhưng họ vẫn cố bám trụ từ nhiều đời theo cha ông. Chính quyền địa phương cho biết, những ngôi làng đồng bào vùng thấp, qua một đêm họ đã bị dụ đi sạch. Thế là nhà nước phải chi viện lương thực cầm chân họ ở lại. Chính quyền xã vùng núi tỏ ra khó khăn nhiều, lương cán bộ cũng như giáo viên chả hơn đồng bằng bao nhiêu, nhưng việc đi lại từ vùng núi này qua vùng núi nọ thật nhiêu khê, vì thế, họ phải đem cả gia đình lên ở chung. Những cô thầy một năm chỉ được một hai lần phải về xuôi để thăm viếng gia đình. Các thầy cô giáo thương học sinh miền cao như chính đồng bào thương rẫy ngô vườn tược của họ, không ai muốn rời xa nơi mình đang sinh hoạt.

Đứng ngoài so sánh thì cư dân thị thành sung sướng gấp ngàn lần họ, đủ mọi tiện nghi sinh hoạt cũng như đi lại, nhưng chắc gì cư dân miền núi đã thấy gian khổ khi mà nương rẫy, núi rừng vẫn còn là bầu bạn với thiên nhiên dịu vợi! Họ hạnh phúc khi ngô trúng mùa, họ vui khi mưa cho hạt nước để uống, và họ no bụng với gói "mén mèn" chan nước suối qua bữa. Họ cũng biết se chỉ để dệt vải, mỗi sắc tộc có một trang phục khác nhau, như Nùng "U" phía sau lưng nổi một cục vải, chả hiểu để làm gì. Ngược lại người Thái trắng thì bện trên đầu một lọn tóc dẹp như các cụ người kinh bó tóc củ tỏi phía sau ót. Và một bản làng của tộc Nùng, dọc đường xe, người nam họ trang phục áo quần màu đen cài nút vải giữa ngực trông lịch sự khác hẳn đồng bào miền cao. Phụ nữ Thái trắng mặc áo màu trắng và có cổ hình chữ V ở phía trước. Khăn đội đầu có màu trắng trơn. Phụ nữ Thái trắng mặc váy quấn, đen trơn và có thắt lưng, thỉnh thoảng có vài phụ nữ mặc áo của miền xuôi nhưng vẫn quấn xà rông. Mỗi bộ tộc đều có một trang phục khác nhau, mặc dù giao tiếp nhau qua thời gian khá lâu, họ vẫn giữ được nét văn hóa đặc thù của riêng họ.

Một ngày mỏi mệt nhưng vui, đoàn hạ sơn để về tìm chỗ nghỉ ở Đồng Văn, cách đó vài trăm km. Vậy là đoàn đã trải qua ba ngày đường hít thở khí trời thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ và nét đẹp của rừng núi Tây Bắc - Hà Giang, nơi mà vùng biên địa có nhiều di tích đi vào lịch sử.


MINH MẪN
21/7/2017















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét