Trên 10 tiếng từ địa phận Hà Giang về địa phận Lào Cai để đến Sapa, thực ra, nếu không ngừng dọc đường để phân phát quà cho trẻ con miền thượng du thì thời gian cũng sẽ ngắn hơn. Cũng thế, từ Sapa về Điện Biên cũng từng ấy thời gian.
Hà Giang Diện tích: 3.068 km², dân số: 771.200 người, thì Lào Cai diện tích 6.383.9km2, dân số 656.900 người, đồng bào gồm có Việt, H'Mông, Tày, Dao, Thái... (1 thg 7, 2013 - wikipedia),
"Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái. Tỉnh lị là thành phố Lào Cai, cách Hà Nội 330 km.
Với 25 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Trong đó Người Việt chiếm số đông, có mặt khá sớm và đặc biệt chiếm tỉ lệ cao trong những năm 1960 bởi phong trào khai hoang và cán bộ được điều động từ thành phố Hải Phòng các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam... lên. Trong số các dân tộc khác thì đông hơn cả là Người H'Mông, Tày, Dao, Người Dáy,... Người Hoa chiếm tỉ lệ đáng kể. Chính sự phong phú về đời sống các dân tộc đã tạo ra một bản sắc riêng của Lào Cai. Việc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cùng phối hợp tiến hành khai thác Du lịch về cội nguồn chính là phát huy thế mạnh này và đã thu hút được sự quan tâm của du khách.
Là tỉnh miền núi cao, đang phát triển nên Lào Cai còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây sẽ là điều quan trọng tạo nên một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.
Khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200 m - 1.800 m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các sắc tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa.
Dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà của Việt Nam - và có khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên hấp dẫn nhiều nhà khoa học, khách du lịch.
Lào Cai có nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản như mận Bắc Hà, rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi, cá tầm..."
Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu thuộc Vân Nam (Trung Quốc) tách nhau qua sông Nậm Thi cũng là một điểm du lịch thú vị."
*****
Qua những di tích của Hà Giang và Lào Cai, đoàn dần về Điện Biên. Từ Lào Cai về Điện Biên theo đường bộ là 270.18km, theo đường chim bay là 123km.
Suốt đoạn đường núi đồi, thỉnh thoảng có chòm xóm dân cư vùng thấp, tụ tập cư dân sinh sống bằng nông nghiệp, không rời rạc như các vùng cao Hà Giang. Vài trẻ con chăn trâu chăn bò, hoặc tìm sống lây lất qua những sườn đồi bằng những rau rừng. Trên xe còn một số đồ, chị Chung và Việt Ly quyết định "giải phóng" cho bằng hết, cứ nhìn thấy trẻ con lang thang là tấp xe vào. Trẻ con nơi đây hình như quen với hình ảnh của du khách cho quà, nên khi thấy xe dừng lại là chúng chạy đến. Du khách không mang quà như đoàn từ thiện, bánh kẹo là quà vặt để du khách làm quen với lũ trẻ. Chỉ riêng đoàn từ thiện của Việt Ly - cô Chung mới lỉnh kỉnh nào bánh kẹo, nón mũ, áo quần, tập vở, đồ chơi, giày dép, bình đựng nước. Riêng đồ phụ họa của Việt Ly cho trẻ là búp bê, kẹp tóc cho cháu gái, xe, batman, cho cháu trai, và bong bóng màu. Chúng thích nhất, không chỉ túi quà to đùng mà chỉ cần gói bánh Kinh Đô và đồ chơi là đủ mãn nguyện. Nơi núi đồi hoang vu, xa thị thành, xa phố chợ, làm gì có những loại quà đặc biệt lạ lẫm như thế. Những toán khách phượt người nước ngoài phần nhiều, họ di chuyển bằng xe hai bánh máy nổ, hành lý đơn giản là chiếc ba lô trên lưng, làm gì họ có đủ quà cáp cho trẻ vùng cao. Thỉnh thoảng, có những đoàn từ thiện của chùa, họ chỉ đi những vùng thấp và không xa phố chợ. Gần đây, đoàn từ thiện của chùa Khánh An ra Mèo Vạt, quà cũng không nhiều và phân phối chung chung chứ không chú trọng riêng cho trẻ con như đoàn của nhóm Từ Tâm - Hiểu và Thương lần này. Năm khi mười họa mới có chuyến đột xuất như thế. Riêng nhóm Từ Tâm thì định kỳ thường niên do vợ chồng Việt Ly hoạch định từng chuyến. Có những chuyến tại miền Tây Nam bộ thì đóng giếng, xây cầu, riêng miền Tây Bắc thì chú trọng trường mầm non để có điểm cho trẻ con quy tụ, có người chăm nom để bố mẹ lên nương rẫy, có chỗ cho các cháu vui chơi giải trí. Tuy chưa bằng phố chợ thì ít ra cũng thú vị cho trẻ con lần đầu biết thế nào là cầu tuột, thế nào là ghế quay.
Trời mưa lất phất, gió heo mây lành lạnh, trẻ con co rúm trong manh áo mỏng hoặc tấm ni lông bạc màu, Việt Ly nghĩ đến những tấm đi mưa cho chuyến sau để trẻ con chăn trâu hoặc đi học, đi lao động nơi các mỏ khoáng sản, đủ che cái lạnh thấm xương thấu thịt. Còn nhiều và rất nhiều những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống cư dân miền núi, không chỉ áo quần tập vở, đồ chơi, nhưng tầm tay có hạn, khả năng tự nguyện khi mà nhà nước còn chưa đáp ứng nỗi những nhu cầu cho dân vùng núi. Tại sao muối là điều tối cần mà chả ai nghĩ đến? Loại tro mặn đốt từ gốc cây, hay những mảng đất đượm vị muối được cư dân tận dụng vẫn không đủ đáp ứng cho cơ thể lao động nặng.
Mùa nắng trên vùng cao như Hà Giang thì thiếu nước, thiếu gạo, quanh năm ngô bắp là thực phẩm chính. Mùa Đông thì toàn bộ phía Bắc đều rét cóng, trâu bò phải ủ ấm có lúc còn chịu chết thì trẻ con sẽ biến thành hình nhân ướp đá, chỉ còn cặp mắt khờ khạo quan sát chung quanh để được biết là chúng còn sống. Bên trong căn nhà vách nứa không đủ cản từng cơn gió núi mang khối lạnh xé da. Bếp lửa đỏ rực xông khói căn nhà thế mà chưa đủ hơi ấm cho những con trẻ lăn lóc trên nền đất. Dĩ nhiên những vùng mà ít ai bén mảng đến thì đời sống còn quá nhiều khó khăn, nhất là lương thực, thực phẩm và áo quần cho lũ trẻ. Có lẽ cơ thể chúng thích nghi với thời tiết từng mùa như động vật ngủ Đông vùng Bắc cực. Thời tiết khắc nghiệt, và đời sống cơ cực thiếu thốn mọi điều, đó là một trong những lý do dân số người sắc tộc phát triển khá chậm so với người Kinh. Thế nhưng, họ vẫn cố bám nương bám đất trên những đỉnh núi chót vót cứ như sinh khí lừng lững giữa trời là nguồn sống thiêng liêng của nhiều đời cha ông để lại cần phải bảo lưu.
*****
Theo chương trình hoạch định của Tuấn thì từ 21 đến 28 sẽ hoàn tất, nhưng do một số điểm chưa hoàn thành để đoàn đến tiếp nhận và khánh thành, nên có thể dư ra một ngày. Khi đoàn về đến Điện Biên, ngày hôm sau vào trường mầm non xã Tìa Đình, lớp mẫu giáo thôn Tào La, trời đổ mưa, đường trơn trượt, xe thắng sẽ không kiểm soát được, vì vậy Thông giảm thật chậm tốc độ để từ từ dừng lại. Thế là xe nằm lại giữa chừng thôn bảng, vào không được, ra không xong, các thầy cô phải đưa đoàn trú đêm tại nhà sàn của cư dân địa phương. Bên ngoài mưa rả rích, gió phành phạch vách phên, bên trong, đoàn quây quần một cách hạnh phúc và thú vị khi tận hưởng nếp sinh hoạt và có một giấc ngủ theo phong cách của đồng bào thiểu số. Thế là lại chậm thêm một ngày, thay vì dự tính sẽ về Sơn La ngay chiều hôm vào Tào La. Số đã định thì đành chịu vậy.
Đoàn ai cũng mệt phờ phạc nhưng chả ai than vãn, nét tươi cười hoan hỷ luôn xuất hiện từ người lớn tuổi nhất cho đến nhỏ tuổi nhất. Cũng may, đoàn hoàn tất khánh thành trường mầm non Tìa Đình. Đáng ra, Thông và Cún là hai anh em vất vả thường xuyên, ngoài lúc khuân vác quà cáp, giúp đoàn mọi việc, còn gặp cảnh nhiêu khê, bùn đất phủ đầy, suốt 7 ngày đường, hết 5 lần rửa xe từ tiền túi mà Thông không hề phiền hà. Gặp phải cảnh dở khóc dở cười tại thôn Tào La, Thông phải ngủ lại để giữ xe và đồ đạc, quà cáp. Đoàn thầm mong sáng mai trời ngưng mưa, họa hoằn xe mới ra được. Trời cứ sụt sùi thế này có khi đoàn phải lưu trú tiếp một ngày trong vùng hẻo lánh cô quạnh. Thông vui tính, phụ họa có cô Chung, tuy tuổi gần 70 mà cứ nhiệt tình như hồi còn trong bộ đội. Những lúc đường còn xa, cô Chung cứ đề nghị Thông hát, từ phía sau xe, bản sao giọng "Lệ Rơi" cất lên như đoàn đang lọt vào âm hưởng xa lạ, lạc điệu, không ra dân ca mà cũng chẳng phải tân cổ giao duyên. Cứ thế mà Cún vô tư cất giọng "ểnh ương, ngáo ộp" làm cả xe được một trận cười vỡ bụng. Cu cậu biết mình lỡ đà, thế là yêu cầu anh Thông hát, Thông lại chuyển qua cho người khác. Thế là trên xe ai cũng phải trở thành ca sĩ bất đắc dĩ, nhưng nào ai đáp ứng cái yêu cầu áp đặt đó, cô Chung giọng khàn khàn của người vừa mổ bướu cổ, lại tự biên tự diễn những bản nhạc đỏ nằm lòng từ trong quân ngũ. Thay đổi không khí, Việt Ly tiếp những bản nhạc xưa trước 1975 thời còn trai trẻ, rồi đến anh Duy, kể chuyện. Cu Bờm tuy không hát, cứ yêu cầu anh Thông, giọng cu Bờm ảnh hưởng âm điệu tiếng Mỹ, nói tiếng Việt không dấu cứ như người Thượng, chưa nói đến những từ mà Bờm chưa thông thạo. Ăn cơm, Bờm nhờ mẹ hay bố cho thêm chén cơm, Bờm lại nói: - Cho con vay thêm chén cơm...
Xe chưa đến Điện Biên mà cô Chung và Thông đã bảo sắp đến thôn "Tào Lao", xã "Tày Đình". Những âm từ của dân tộc thiểu số, đôi khi nghe trài trại tiếng Việt một cách dí dõm hài hước. Theo cô Chung, kế hoạch kỳ này Tuấn hoạch định sát nút nên đoàn không có thời giờ nghỉ ngơi, suốt ngày ngồi trên xe, trưa không ăn không nghỉ, chỉ có Thông là tay lái kiên cường suốt cả tuần không biết mệt.
MINH MẪN
30/7/2017 (CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét