Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

TỪNG BƯỚC SAI LẦM

 

Mãi đến bây giờ, hiện tượng thầy Minh Tuệ vẫn còn dậy sóng, không phải dậy sóng theo kiểu các nghệ sỹ, ca sỹ,chính trị…Hậu quả “nồi cơm điện” tràn ngập từ dân dã đến trí thức (như giáo sư Ngô Bảo Châu) từ trong nước đến nước ngoài, từ nội bộ đến cộng đồng mạng, qua các Tôn giáo bạn…thẩm thấu vào nghệ thuật phim ảnh,ca nhạc, điêu khắc, thời trang, công sở…giới ủng hộ, tán thán lấn át nhóm chống đối phát ngôn bừa bãi.Do đó, những vấn đề bất lợi về thầy Minh Tuệ đều không tránh khỏi phản ứng gay gắt từ phía ủng hộ.

Riêng trong nội tình Phật giáo VN, ngoài những phát ngôn tùy hứng của một số sư thiếu ý thức về thầy Minh Tuệ, lấy luật giới của cửa Phật, lấy nghi tắc của Giáo hội để đánh giá, chỉ trích một người đã tự nhận mình không phải tu sỹ thuộc Giáo hội Phật giáo là việc làm vô lý. Hình thức y bá nạp, khất thực, khổ hạnh đã có trước khi đức Phật xuất hiện từ các giáo phái ngoài Bà La Môn,do vậy không thể đánh giá thầy Minh Tuệ bắt chước y khất sỹ hay bất cứ gì liên quan đến Phật giáo ngoài giới đức thầy đã nghiêm trì.Phê  bình, chỉ trích, hạ nhục, đố kỵ một người không phải trong tổ chức mình để làm gì?

Văn thư do Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN vừa ra, đã hứng chịu nhiều phản ứng từ nội bộ đến xã hội do thiếu tinh tế.Đã thế, chưa lắng dịu, lại thêm việc khiển trách buộc sư Minh Đạo phải sám hối trước BTS Thị xã Phú Mỹ, lên Tỉnh hội Bà Rịa Vũng Tàu, chưa đủ, phải lên Trung ương Giáo hội văn phòng 2 Thiền viện Quảng Đức chỉ vì sư Minh Đạo có ý tán thán, đồng thuận việc chân tu khổ hạnh của thầy Minh Tuệ.Quỳ và lạy của sư Minh Đạo nhận một lỗi vì tán thán bậc đạo đức không thuộc hệ thống Giáo hội, phải chăng là có tội?Sư xin rút lui mọi chức vụ trong tổ chức đã dấy lên sự quý kính sư và phỉ báng Giáo hội.Hình ảnh này  đã bất lợi cho các sư nắm quyền sinh sát.Các sư ngồi chứng minh cho sư Minh Đạo quỳ lạy sám hối liệu giới đức có xứng cho sự lễ lạy đó?

Việc tán thán, khen ngợi là quyền bất cứ ai dành cho bất cứ đối tượng, tổ chức tốt đẹp nào.Hiến chương Phật giáo, nội quy Tăng sự, giáo luật nhà Phật, Hiến định nhà nước không hề cấm cản. Một tu sỹ ngoài phạm tội “Tứ Ba La Di” đều có thể sám hối những phạm giới khác, nhưng việc tán tán một công hạnh khó làm không phải là tội theo luật.Nếu bảo sư Minh Đạo vi phạm tổ chức (nếu có quy định) thì hành chánh không có buộc quỳ sám hối như Tôn giáo.Hình ảnh sư Minh Đạo quỳ sám hối đã làm xúc động xã hội, từ đó có những phản ứng, phê phán gay gắt.Phải chi, sư Minh Đạo được mời lên tâm sự khuyên nhủ không nên làm như thế, không đúng với chủ trương của GH thì đâu có tiếp thêm dầu vào lửa!

Tinh thần từ bi được thấm nhuần, dù lãnh vực hành chánh hay Tôn giáo, Tăng sai phạm nếu không quá đáng, tình huynh đệ đồng môn đâu phải xử lý như thế.”thảo phủ địa”là hình ảnh đạo đức bề trên đối với kẻ dưới, lòng vị tha dễ cảm hóa mọi đối tượng; vị tha là đức từ bi có sẵn trong mạch sống của đạo Phật, sao không áp dụng mà đem quyền lực hành chánh áp dụng cho đối tượng không đáng tội thì chả trách xã hội phẩn nộ. Mình làm ngơ tai điếc, miễn thể hiện quyền lực kẻ trên được sao! người bị xử như thế liệu có tâm phục khẩu phục???

Làm hành chánh và nắm quyền hành chánh lẫn lộn hành xử Tôn giáo là việc tai hại thấy rõ.Làm hành chánh nếu áp dụng đạo đức Tôn giáo thì mọi việc được ân nghĩa.Do tâm lý quyền lực trong tay mà các sư thiếu chuẩn mực đạo đức trở thành thẩm phán thế tục. Nặng về hành chánh quá, dễ bị oan sai.Phật giáo không phải là một tổ chức hành chánh. Thời Phật tại thế, Giáo hội mang tính giáo đoàn hỗ trợ cùng nhau tu tập.Xã hội ngày nay Giáo hội mang tính tổ chức hành chánh, do vậy các sư lẫn lộn giữa hành chánh và Tôn giáo khi hành xử; muốn tránh khỏi nhuốm màu thế tục, đòi hỏi người làm hành chánh Tôn giáo phải tu tập thật sự và áp dụng đạo đức nhà Phật vào công việc để thấu tình đạt lý, không tạo bất mãn cho Tăng ni.Một vài địa phương do sự lạm quyền trong hệ thống PGVN, làm việc theo tư ý, thiếu đạo đức, đã gây đau khổ, khốn đốn cho Tăng ni cô thế không ít.

Thật tréo nghoe khi mà người mang tiếng giảng sư sai lệch giáo lý về nhân quả,sửa một trong 5 giới quan trọng và cơ bản của Phật giáo. Muốn triệt hạ kinh tế xã hội bằng việc nói lên tác hại của cà phê và trồng cà phê, chống karaoke, đi du lịch…tinh thần nô dịch Tàu kết tội Lý Thường Kiệt đánh Tàu là hổn,vì coi Tàu là anh, VN là em.Còn nhiều điều không đúng với Phật giáo thì không thấy có một xử lý thích đáng nào, đó là thắc mắc rất nhiều trong xã hội nếu so với việc xử lý sư Minh Đạo.Giáo hội hãy xem lại những việc làm đã gây tai tiếng trong quần chúng.

Ai đã từng theo dõi mạng xã hội đủ biết dân chúng ngày nay nhìn PGVN với ánh mắt thế nào! Từ Chân Quang, Nhuận Đức và nhiều xàm Tăng vô danh đã làm họ  ngao ngán,rất may người mà “mâm nào” cũng có, việc gì cũng xen vào, nay im hơi lặng tiếng đã bớt một sự phẩn nộ của quần chúng, họ đâu biết rằng những thành phần đó chỉ là hạt các trong sa mạc vô số bậc chân tu ẩn danh, cũng không ít Tăng ni dù không ẩn tu, vẫn sinh hoạt bình thường trong các chùa, các tu viện như hệ thống Trúc Lâm, hệ thống Làng Mai, hệ thống Đạo Phật Khất sỹ Việt Nam…luôn giữ được mạch pháp và truyền thống oai nghi, đáng ra mạng xã hội nên đề cao để định hướng niềm tin cho người dân, thánh thiện hóa xã hội còn hơn để những con nhang mê muội chỉ biết vỗ tay khi xàm Tăng làm trò cười mà không học được gì chánh pháp.Nhà chùa là nơi truyền bá đạo đức hướng về mạch sống tâm linh chứ không phải chỗ làm hề giải trí hay đảo nghich lý nhân quả của Phật giáo.

Trên 2.000 năm đạo Phật có mặt, lúc thạnh lúc suy, thạnh về mặt tu tập chứng đắc và phổ biến rộng đạo lý trong nhân gian, suy là không còn có mặt rộng rãi như thời Lý-Trần đóng góp an bình cho đất nước. Ngày nay thạnh về mặt cơ sở vật chất, đầy đủ phương tiện phát triển, kể cả tu sỹ hàng chục ngàn Tăng tướng, nhưng rất tiếc thiếu phẩm chất cần thiết cho nội lực thăng hoa.Quy luật tương phản cái này thạnh thì cái kia phải suy, vật chất ngoại tướng thạnh thì nội chất tâm linh phải cạn.

Phải chăng hiện tượng xáo trộn hiện nay của Phật giáo Việt Nam báo hiệu một điềm không sáng sủa, và càng lo hơn nếu các chân sư chứng đắc không còn hiện diện.Nói là vậy, “cùng tất biến, biến tất thông”.Mong rằng cán bộ hành chánh trong Phật giáo nên cân nhắc khi ra văn bản, khi xử lý một việc để tránh “thù ngoài, giặc trong” cho tín đồ giữ được niềm tin, Tăng ni bình tâm tu học.

Thật đau lòng khi nói lên sự thật “từng bước sai lầm”

 

MINH MẪN

 29/5/2024

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

HIỂU NHAU

 

Gấn một tháng nay, hiện tượng thầy Minh Tuệ gây xôn xao trên mạng xã hội, trong và ngoài nước; tức một hiện tượng cá nhân trong một góc nhỏ của một đất nước nhỏ so với thế giới, đã vượt qua biên giới quốc gia, một số người nước ngoài kể cả chủng tộc khác cũng đã quan tâm, muốn về Việt Nam để tận mắt xem thầy Minh Tuệ thế nào. Ngoài ra dư luận trái chiều bất nhất không cùng một điểm chung, đó là lý do gây xôn xao chống đối của một số bình luận viên.

Phật giáo là một Tôn giáo thế giới, tồn tại hàng ngàn năm và đã được nhân loại chấp nhận, do giáo lý vượt trên mọi cảm quan thế tục.Chuyện lục đục trong giới tu sỹ, đã có từ thời Phật còn tại thế. Không một Tôn giáo nào tránh khỏi tai tiếng vì một vài thành phần thiếu nghiêm túc. Phật giáo Ấn Độ ngoài  lý do bị Hồi giáo triệt tiêu, Bà La Môn áp đảo, còn một yếu tố khác đã không tồn tại trong lòng quần chúng, đó là nhân cách tu sỹ. Tổng quan chỉ là việc thạnh suy tất yếu. Một Tôn giáo suy nơi này sẽ thạnh nơi khác,lúc này thạnh, lúc khác suy, lịch sử thế giới đã minh chứng.

Du nhập vào Việt Nam hơn 2.000, cũng từng có thời kỳ cực thịnh, đóng góp hữu ích cho đất nước và an lành cho xã hội, Phật giáo từng sản sanh những bậc anh minh, những đạo sư nổi danh, những bậc chứng đắc còn lưu dấu, đó là điều đáng nói; chả lẽ những trang sử vàng son đó không đủ làm phai mờ một vài nét hoen ố do vài cá nhân thiếu nhân phẩm?

Trong Tôn giáo, nhất là đạo Phật, vô lượng pháp môn tu, Phật pháp là bất định pháp, mang tính uyển chuyển nên sắc vẻ muôn màu. Không nên đem nguyên tắc của pháp môn này đánh giá pháp môn khác, pháp hành này chỉ trích pháp hành khác. Mỗi hành giả có một công hạnh khác nhau, tiêu chuẩn chung là giới luật nếu là hành giả tu theo Phật giáo.

Chuyện các sư ở chùa, xây dựng cơ sở vật chất, điều hành tổ chức, sinh hoạt xã hội là chuyện đương nhiên trong thời buổi hiện tại. Đâu thể lấy hình ảnh thầy Minh Tuệ để đối chiếu và áp đặt làm tiêu chuẩn, cũng không thể lấy sinh hoạt của một Tôn giáo để bài trừ công hạnh của một cá nhân như thầy Minh Tuệ , vì thầy xác nhận mình chỉ là công dân tập tu đang thực hành lời Phật dạy, không thuộc tổ chức của GHPGVN, tức là không liên hệ gì đến GHPGVN; Một số thầy đứng trên lập trường và tiêu chuẩn trong tổ chức Phật giáo phê phán , không nên có.Khi phát biểu trên mạng xã hội, không nên ra ngoài phạm vi để đụng chạm Tôn giáo khác.

Cần dè dặt khi phát ngôn. Ông Hoàng Duy Hùng phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà ngoại giao, đề cập đến ông Thích Chân Quang, là cao Tăng trong Phật giáo Việt Nam xin đính chính, ông ấy nếu có chỉ là danh Tăng (người nổi tiếng thuyết giảng không đúng chánh pháp) đã bị Ban Hoằng pháp khiển trách.

Trên mạng xã hội, một vài youtuber, tiktoker…không hiểu nhiều về giáo lý và công hạnh của tu sỹ Phật giáo nên đã đi quá xa làm đụng chạm đến tổ chức Phật giáo khi so sánh đề cao thầy Minh Tuệ; các bạn có thể đề cao công hạnh của thầy Minh Tuệ mà không nên lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá chung.Một số tu sỹ tai tiếng không đại diện cho toàn bộ Tăng ni PGVN, chưa nói những tai tiếng do hiện tượng không đúng với thực chất để đánh giá.

Thầy Minh Tuệ không phải mới xuất hiện mà đã 6 năm. Việt Nam cũng từng xuất hiện nhiều thầy tam bộ nhất bái, đi từ Nam ra Bắc, cũng từng có nhiều vị chân tu khổ hạnh, đâu có gì lạ, do mạng xã hội thổi bùng, chúng ta lên tiếng vô tình làm ngọn lửa tràn lan. Cứ mặc nhiên im lặng đâu có đợt sóng Thần như ngày nay.

Tóm lại, đứng ở góc độ này để phê phán một góc độ khác chưa hẳn đúng. Hiện tượng chỉ là hiện tượng trong một giai đoạn, thực chất mới là giá trị lâu dài.Cả phía mạng xã hội, một số đánh giá, so sánh chưa đúng về thầy Minh Tuệ và tu sỹ PGVN, cũng vậy, một vài tu sỹ bốc đồng tự ái khi mạng xã hội đề cao quá mức thầy Minh Tuệ, vội lấy tiêu chuẩn giáo luật để chỉ trích phê phán một hành giả đã nhận là người không phải tu sỹ, không đứng cùng giới tuyến, hà cớ chỉ trích!

Riêng văn bản của Hội Đồng Trị sự GHPGVN cũng đã gây phản ứng không chỉ mạng xã hội, ngay cả ông Nguyễn Thanh Sơn nhà ngoại giao là một Phật tử trí thức cũng lấy làm tiếc những lời lẽ trong đó.Phải chi có một cố vấn pháp lý và giáo luật thì tránh những sai sót không đáng có. Thực ra Giáo hội có thiện chí trong vấn đề này, nhưng lời lẽ thiếu tế nhị.Ban ngành, tổ chức nào cũng cần có cố vấn, ngay cả Tổng thống, Thủ tướng, vì người đứng đầu ngành không phải là toàn năng.

Hy vọng Giáo hội chỉnh đốn những tu sỹ phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây tai tiếng không đáng có, nội tình hướng đến tu tập nhiều hơn. Mạng xã hội cũng không nên lấn sân sang tổ chức GHPGVN nói chung và Tăng ni nói riêng. Xã hội Việt Nam là một vườn hoa nhiều sắc màu, không thể thuần nhất như ý muốn, cuộc sống cũng thế, không ai đòi hỏi tất cả mọi hiện tượng  phải theo ý mình.

Một vị nhận xét, quần chúng là nước, PGVN là con thuyền vượt sóng, nếu không chuẩn mực thì thuyền chìm xuống đại dương mà Ấn Độ là một điển hình.

Do không hiểu nhau nên không thông cảm cho nhau; Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh từng nói có "Hiểu mới có Thương", thì làm gì có tranh chấp lẫn nhau!

 

MINH MẪN

27/5/24

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

HIỆU ỨNG KÉP

 

Thời gian qua, mạng xã hội tạo  sự kiện quá hot về hiện tượng sư Minh Tuệ, từ đó, dư luận trái chiều liên tục phát sóng đa phần có khuynh hướng tôn kính hình ảnh khổ hạnh của một nhà sư bộ hành 6 năm qua một số tỉnh thành; tuy nhiên cũng có một vài phản ứng trái chiều bình phẩm không tốt về công hạnh của một công dân mang tên Lê Anh Tú với tên gọi Minh Tuệ.

Trước nhất xin xác định sư Minh Tuệ là một công dân bình thường, có ăn học, có nghĩa vụ và chức việc trong xã hội; khi ý thức về cuộc sống, đã xuất gia học đạo, từng thường trú tại tu viên Chơn Như của cố HT T. Thông Lạc.Tham khảo kinh điển Nikaya, luật tạng bắc truyền, sống hạnh khất sỹ; sau khi thấm nhuần giáo lý nhà Phật, người phát nguyện sống theo hạnh đầu  đà từ thời Phật còn tại thế.Sau hai lần xin quá giang xe xuôi ra miền Trung không được, tự phát nguyện suốt đời bộ hành cho đến ngày nay.Và không tự nhận mình là sư, chỉ xưng con với mọi người.

Qua thời gian dài vẫn giữ trai tịnh, ăn ngày một bữa, không giữ tiền, ngủ ngồi, không trụ xứ nhất định; nắng mưa dãi dầu để thử sức mình với đức kiên nhẫn,bị chúng đánh mà vẫn vui vẻ, khiêm tốn xưng hô, không tự nhận mình là tu sỹ phật giáo để khỏi liên lụy uy tín của nhà chùa, nhưng vẫn là sư, vẫn là tu sỹ dưới mắt mọi người dân…Bấy nhiêu đức tính đủ cho quần chúng hiểu được thế nào là một bậc chân tu.

84 ngàn pháp môn, tùy căn cơ mỗi hành giả thích hợp, không thể nói pháp nào, hạnh nào cao hơn pháp nào.Dó tính cố chấp đố kỵ nên phân biệt, chỉ trích, phê phán một công hạnh không hợp với mình.Đáng ra chúng ta không thc hiện được những công hạnh khó làm mà người khác làm được, phải hoan hỷ tán dương mà nhà Phật gọi là tùy hỷ công đức. Sư Minh Tuệ không hề phê phán, chỉ trích ai, vì sư tự nhận là người đang học, đang tập những lời Phật dạy.

Gọi là “thằng ba trợn ôm nồi cơm điện” “ Ô, đây là Thánh nhân của tôi”… là ngôn từ đố kỵ không nên có ở miệng một tu sỹ, tu mục đích Thánh hóa nhân cách chả lẽ tu để thành ma đố kỵ???

Một phê phán cũng từ miệng một tu sỹ khác: “Tu không ở một chỗ, ôm bác đi lòng vòng” chứng tỏ người phê phán không hiểu gì về đa hạnh của một bậc xuất ly…còn rất nhiều phê phán bằng ngôn từ khó nghe nơi cửa miệng đồng tu; rồi một số được thầy mình mớm ý để những con nhang cuồng tín không biết sai đúng cũng lớn tiếng chỉ trích dạy đời sư Minh Tuệ.

Dĩ nhiên lượng người công tâm bênh vực sư Minh Tuệ nhiều hơn kẻ chống đối.Một hiện tượng chưa bao giờ có tại VN, người dân quét đường cho sư đi qua, hàng trăm người theo sư qua địa phận của mình, được công an giao thông giữ trật tự đủ để thấy sự sáng suốt của người dân phân biệt đúng sai, chánh tà.

Ngoài thành phần chống đối và ủng hộ, một vài người đem so sánh sự sinh hoạt của các tu sỹ theo nếp sống Thiền môn hiện nay, cũng không đúng.Mỗi người có một công hạnh, một nghĩa vụ, một hoàn cảnh khác nhau; không thể bảo các tu sỹ đều sống kiểu sư Minh Tuệ khi mà Phật giáo trở thành một Tôn gíao có tổ chức gắn kết với nhịp sống xã hội. Các sư ở chùa có nhiệm vụ riêng ở chùa, việc nhân cách cá nhân không đại diện cho một người mang danh tu sỹ. Bất cứ một tập thể nào cũng không tránh khỏi vài cá nhân thiếu chuẩn mực đạo đức, không vì thế quy chụp chung cho tập thể tu sỹ.Hình ảnh sư Minh Tuệ là một trong hai mặt của tập thể tu sỹ  Phật giáo, không cái nào hơn cái nào, chúng bổ túc điều chỉnh cho nhau để không đi quá đà trong sinh hoạt tập thể. Người trí biết tiếp thu cái hay để điều chỉnh cho nhân cách của mình; phủ nhận cái hay là bảo thủ, kiến thủ, giới cấm thủ sẽ bị cuộc sống đào thải.

Qua ồn ào trên mạng xã hội, GHPGVN ra công văn gửi đến các cấp GH, trong đó viết: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng phẩm vật, thức ăn và tiền tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến GHPGVN”…Đoạn văn có hai vấn đề: thứ nhất sư Minh Tuệ không hề nhận tiền,việc dâng cúng là quyền của bá tánh; thứ hai GHPGVN là một thực thể có tầm vóc và uy tín, một cá nhân sư Minh Tuệ không thể làm lay đổ một tập thể thì dư luận nếu có ảnh hưởng chăng là ảnh hưởng đến những vị thiếu nhân cách.

“…tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của Tăng ni, Phật tử GHPGVN”…thật ra không chỉ do sư Minh Tuệ mà họ dùng clip câu view, trước hiện tượng sư Minh Tuệ cũng có quá nhiều tai tiếng một số sư Tăng trong hệ thống GHPGVN rồi, hãy tự trách về quản lý tu sỹ và giáo dục Tăng ni của Ban Tăng sự, ban Pháp chế.Không có tai tiếng làm gì có hiện tượng câu view. Ngay cả một tu sỹ giảng sai giáo lý nhân quả, mang nhiều tà kiến hù dọa tín đồ để cúng dường đủ thứ.. rất nhiều năm mà GH vẫn mặc nhiên, gây tai tiếng uy tín cho Phật giáo không ít thì vấn đề câu view hiện tượng sư Minh Tuệ là chuyện đương nhiên.

...”liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chận hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN”

Đây là một ý kiến mang tính độc đoán cửa quyền quan liêu trong một xã hội tự do phản biện.Pháp luật có quy định nào cấm đoán các trang mạng xã hội phản ảnh thực trạng xã hội ? Nếu đưa ra quy định này hạ tầng sẽ suy diễn lệch lạc làm sai chủ trương, làm khó cơ quan chức năng, địa phương lúng túng lúc sư Minh Tuệ đi qua khi quần chúng đến ngưỡng mộ đông đảo.Nếu sợ các trang mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPVN thì tự mình giải quyết tháo gở sao lại phải yêu cầu chính quyên?

Tóm lại, so với công văn của Ban Tôn giáo chính phủ về hiện tượng sư Minh Tuệ rất dè dặt và tế nhị thì ngược lại văn thư của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN có quá nhiều mâu thuẩn sai sót dễ gây phản ứng kép hiện nay trên mạng xã hội.Tốt nhất, hãy ổn định nội bộ, tránh những tai tiếng nội bộ, trong sạch hóa nội bộ, tự khắc sóng yên biển lặng không cần phải lo sợ các trang mạng xã hội hiện nay.

 

MINH MẪN

17/5/24