Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

* THỂ THỨC MỘT VĂN BẢN

Có lẽ Giáo hội cũng đã từng tổ chức những lớp học về hành chánh, đó chỉ là nguyên tắc hành chánh: Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; Quy trình soạn thảo văn bản và ngôn ngữ hành chính; soạn thảo và thực hành các loại văn bản hành chính thông thường (công văn, quyết định, tờ trình, báo cáo, biên bản, thông báo, thông bạch v.v.). Quản lý văn bản đến và đi.
Văn thư – hành chính văn phòng: Nghiệp vụ thư ký văn phòng, Văn Thư Lưu Trữ, Soạn Thảo Văn Bản, thông tin thư viện, Thiết bị văn phòng…. ngôn ngữ hành chánh trong phạm vi tôn giáo -văn phong của văn bản...
1.-  Những khóa học hành chánh như thế, cũng mang tính tổng quát, chung chung, để thư ký, phó thư ký văn phòng nắm vững nguyên tắc trình bày từng văn bản, hình thức trình bày. Nhưng, hành chánh trong Tôn giáo không chỉ áp dụng nguyên tắc khuôn mẫu, còn một vấn đề không kém quan trọng, đó là tinh thần Tôn giáo thể hiện trong văn bản, để người đọc phân biệt được thế nào là văn bản hành chánh nghiệp vụ - đời thường và hành chánh Tôn giáo chuyên biệt.
Có rất nhiều sai phạm tại một số BTS cấp Tỉnh, huyện, xã cũng như chùa khi ra một văn bản, không phân biệt thế nào là thông tư, thông bạch, thông cáo... văn phong, ngôn ngữ mang tính giải trình, kêu gọi... dài dòng lê thê. Có những chùa, bên trong nội dung dàn trải hết nhiều trang giấy, chưa đủ, lấp đầy ngoài mặt phong bì, xen lẫn những câu thơ, văn vần có tính cải lương; cho dù là tâm thư, nhất là vào mùa Vu Lan, kiến thiết xây dựng, tô tượng đúc chuông... không cần phải dài dòng văn tự.
Trở lại văn thư của Trung ương Giáo hội, v/p 2,qua công văn286 /CV/HĐTS, ngày 25 tháng 5 năm 2017, về việc yêu cầu thu hồi Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp; chẳng những thế, mang tính đe dọa, hậm hực, vu khống, chụp mũ...
Dĩ nhiên người ký văn bản, đứng đầu ngành, dù trưởng hay phó, không hẳn là tác giả của văn bản, thường thì thư ký hoặc phó thư ký soạn thảo, đệ trình ấn ký. Nhưng dẫu sao, khi đặt bút ký, cũng phải đọc lại, không những xem nội dung mà còn xét đến văn phong, ngôn ngữ đủ thể hiện ở một tầng bậc, cấp độ tương xứng. Vậy công văn 286/CV/ HĐTS do ai soạn thảo?
Tổng thư ký Giáo hội nằm ở phía Bắc, phó thư ký nằm ở phía Nam. Dù Tổng hay phó đều có một trình độ nhất định, phải qua cấp ba Trung học phổ thông, hoặc đại học, trên đại học. Chẳng những thế, là một tu sĩ, còn phải qua trường lớp Phật học từ cao đẳng trở lên tương đương đại học Phật giáo. Giáo hội không  bao giờ đưa người thiếu trình độ thế học vào đảm nhiệm chức thư ký Trung ương Giáo hội.
Phía Bắc, TT Tổng thư ký, tuy chưa phạm phải sai lầm về nguyên tắc hành chánh nghiệp vụ, nhưng có một vài sai lầm nhỏ về hành xử, tuyển chọn, cung cử nhân sự phía sau hậu trường, ngoài luồng, cũng như phạm phải vụ ký hợp đồng với bộ Thủy sản đánh bắt thu mua cá phóng sanh trái với tinh thần phóng sanh của Phật giáo.
Phía Nam, phó thư ký là Thích Thiện Thống, quá khứ đã có nhiều sai phạm về đời sống, nhân thân của một tu sĩ, nhưng chả hiểu thế nào lọt vào phó thư ký kiêm trưởng phòng hành chánh v/p 2. Tiếp theo có nhiều cách hành xử lạ lùng đối với Ni giới - cả tình cảm lẫn áp đặt.
Công văn 286 chắc chắn phải do chánh văn phòng kiêm phó thư ký phía Nam soạn thảo. Bởi lẽ, nếu một cư sĩ hay ai khác làm theo nhiệm vụ thì không hề có ngôn từ ẩn chứa căm phẫn và lên án nặng nề như một sự trừng phạt của gia chủ đối với Osin hay địa chủ ác ôn đối với nông nô...
2.- Hãy tìm hiểu công văn 286/CV/HĐTS ngày 25/5/2017 gửi BTS PG BRVT.
a.- "v/v yêu cầu thu hồi kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhiệm kỳ 2017-2022".
Không nên dài lê thê  như thế mà nên tóm tắt là: "tr/y kỷ yếu PGBRVT 2017-2022". Bên trong muốn triển khai thế nào thì cứ triển khai ý chính.
b.- ..."nhưng nội dung tham luận của ĐĐ Thích Thiện Thuận mang tính xây dựng thì ít mà đả phá và xuyên tạc thì nhiều, đặc biệt là vượt ngoài khuôn khổ cho phép của bài tham luận tại Đại hội Phật giáo cấp tỉnh."...
Thay vì viết: nội dung bài tham luận không thích hợp cho một Đại hội Phật giáo cấp tỉnh"...
Bởi vì quy tội nội dung tham luận là đả phá và xuyên tạc mà không đủ dẫn chứng đả phá thế nào, xuyên tạc thế nào, một công văn ăn nói bông lông như thế không phải tầm của một công văn; vượt  ngoài khuôn khổ cho phép - vậy khuôn khổ cho phép nằm ở Quy chế, Hiến chương hay nghị quyết nào? Chính công văn này mới vượt ngoài khuôn khổ cho phép của một văn bản hành chánh.
c.- "Ban thường trực HĐTS nhận được rất nhiều phản hồi của chư tôn giáo phẩm, Tăng ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước phản ảnh nội dung tham luận nêu trên. Ban Thương trực HĐTS có ý kiến và yêu cầu:..."
Thiết nghĩ, một công văn mang tính chỉ đạo, không nhất thiết dẫn chứng ý kiến phản hồi một cách "lấy bóng đè gió" như thế. Chả khác nào đám trẻ đánh nhau,  đứa bị thua nói - tao về tao méc ba tao... lấy uy của ba mình đe đứa khác. Đây là công văn hành chánh chứ không phải thư tình tâm sự, phân bua dài  lê thê...
d.- "Các ý kiến, phát biểu tham luận tại đại hội là để hiến kế, mang tính xây dựng tổ chức Giáo hội địa phương vững mạnh. BTS GHPG tỉnh, thành sẽ nghiên cứu và đưa vào chương trình hoạt động Phật sự của địa phương...
Công văn chỉ đạo đâu cần phải giải thích ý nghĩa của một tham luận như thế, vì ai cũng đã hiểu mục đích của tham luận là gì rồi.
"Theo quy luật khách quan, trong xã hội hoặc tổ chức, những biểu hiện tiêu cực của một ít cá nhân là điều không tránh khỏi, nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt, bản chất của số đông vẫn tích cực, vẫn tốt.
Đọc đoạn văn này cứ tưởng là lý luận chính trị Mác Lê. Cho dù cá biệt, cũng cần nêu ra để tránh vết xe đổ cho đồng đội, bởi bản chất tiêu cực cho dù là cá biệt, như bệnh ung thư dễ lây lan, phòng bệnh hơn chữa bệnh, tại sao không can đảm lắng nghe để khắc phục? Chưa nói đến tệ nạn tiêu cực hiện nay là cá biệt hay không cá biệt. Tại sao phải che đậy, không dám đối mặt với thực tế?
"Đại Đức Thích Thiện Thuận đã dùng hiện tượng cá biệt để đánh đồng bản chất của số đông theo kiểu "quơ đũa cả nắm", gây hoang mang dư luận, xúc phạm tập thể Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương”.
Chính lời này của công văn mới là đánh đồng, "quơ đũa cả nắm". Toàn bộ bản tham luận của thầy Thiện Thuận, gây hoang mang cộng đồng mạng, bản tham luận trở thành cơn sốt, "hot" nhất hiện nay, khiến ai đã nghe đến văn bản này đều ùn ùn đi tìm tham luận của thầy Thiện Thuận mà đọc, tạo thành đợt sóng thần ,mà sau đó, tình cảm đọc giả vẫn thiên về người bị kết án. Họ đã xem những nhân sự cấu thành công văn là kẻ tội đồ làm mất uy thế của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo phía Nam hiện nay. Thiện Thuận không xúc phạm tập thể Giáo hội mà công văn là ngọn roi quất ngược về "chính chủ".
e.- "Từ ngày thành lập GHPGVN đến hôm nay... phủ nhận sự quyết tâm của lãnh đạo Giáo hội trong suốt 35 năm qua."
Lại thêm việc quy tội một cách rên rỉ như năn nỉ van xin. Chả ai phủ nhận quyết  tâm của giới lãnh đạo GH, cũng như chả ai quên những vết nhơ trong quá khứ mà một vài cá nhân lãnh đạo hiện nay trong Phật giáo đã sai phạm, chính những giới trọng của "Tứ Ba La Di" mới là không đủ nhân cách của một tu sĩ chứ không phải sự nói thẳng nói thật của tham luận làm mất đạo lực và uy tín của Giáo hội.
f.- "Ban Thường trực HĐTS yêu cầu BTS PG BRVT thực hiện: -tiến hành thu hồi toàn bộ số lượng kỷ yếu..-buộc ĐĐ Thiện Thuận tháo gỡ... BTS và ban biên soạn kỷ yếu phải chịu trách nhiệm... BTS tỉnh phải nghiêm túc xử lý... HT Trưởng BTS, Ban nội dung và ĐĐ. Thích Thiện Thuận phải có bản kiểm điểm trước Ban thường trực HĐTS
Như đã phân tích trong bài "Đỉnh cao trí tuệ", việc chỉ thị thuhồi toàn bộ kỷ yếu là việc bất khả thi, chỉ kẻ mộng du mới có chỉ thị nửa vời như thế.
Buộc ĐD Thiện Thuận tháo gỡ bài tham luận trên các Website cũng chuyện hăm dọa nói đùa cho vui với con trẻ.
BTS và Ban biên tập kỷ yếu phải chịu trách nhiệm mà không nêu trách nhiệm thế nào, cũng là lối "nhác ma" trẻ con.
BTS phải nghiêm túc xử lý ĐĐ Thiện Thuận khác nào BTS tự vả vào mặt mình mà nói - tôi xin chừa nói dối, tôi xin chừa tính quan liêu hách dịch, tôi xin chừa tánh nói thẳng nói thật...
HT TBTS, Ban nội dung và ĐĐ T.Thiện Thuận phải có bản kiểm điểm trước Ban TT HĐTSchẳng khác nào thời phong kiến quân chủ bắt dân nằm dài trước công đường đánh roi phạt vạ rồi khoanh tay xin lỗi - con xin chừa - con không dám nữa...
3.Văn phong công văn 286 là một chỉ thị kiêm phân bua, tâm sự, giải trình, đi đến quy tội và định ra hình phạt, cứ như là cha mẹ trước khi phạt vạ con, giải thích lòng vòng để kết tội và bắt con tự giác xin lỗi. Hệ thống hành chánh có giai tầng từ Trung ương xuống các cấp; một công văn chỉ đạo không như thế được, nếu có chăng chỉ là nội bộ sơn môn. Nhân vật làm văn bản này chả khác bài báo "Nhận thức chuẩn mực" quy tội cho sư Nhật Khương với bài "Ni đoàn thời đức Phật". Nội dung vu khống chụp mũ mà đáng ra, nếu nội dung tham luận sai phạm, ngoài chức năng Trung ương chỉ đạo, còn mang tâm giáo huấn từ bi của kẻ trên đối với người dưới (theo giai cấp hành chánh), xét ra, HT Trưởng BTS PG BRVT tuổi đời lẫn tuổi đạo vẫn đáng bậc thầy của những vị đang cầm quyền Trung ương phía Nam. Địa vị chức quyền không thể muốn nói sao thì nói, muốn ra uy hống hách như người thế tục đối với nhân viên thuộc cấp, không nên có với hệ thống hành chánh của Tôn giáo.
Tham luận có quyền nêu ra cả hai mặt - tích cực lẫn tiêu cực trong một tổ chức, nhất là trong tổ chức Tôn giáo không nên che đậy. Ngay cả tôn giáo toàn cầu như Giáo hội La Mã, Đức Giáo Hoàng còn can đảm đứng ra nhận và xưng thú 7 núi tội mà quá khứ Giáo hội đã sai phạm. Lẽ nào một Giáo hội Phật giáo trong nước, phía Nam, phủ trùm quyền uy mà không dám đứng ra nhận một công văn sai phạm như thế, khi chỉ nghĩ kẻ khác làm sai?
Cái khác với một tổ chức thế  tục, Tôn giáo cho dù là hành chánh, cũng phải thể hiện tâm từ và độ lượng qua thân giáo, ngôn từ khiêm tốn ở mức nhất định; "không thể đằng đằng sát khí". Nếu cán bộ Phật giáo chịu khó bỏ ra vài giờ trong ngày để hành trì tu dưỡng thì sẽ không mắc phải lỗi lầm đáng tiếc. Gương của cố HT Tăng thống GHPGVNTN, cố HT chủ tịch HĐTS T.Trí Tịnh, Đức Pháp chủ T.Phổ Tuệ và còn nhiều những bậc chân tu đang điều hành Giáo Hội, luôn là bóng mát cho toàn bộ Tăng tín đồ gửi gấm niềm tin và sự tôn kính, có thế hình bóng Giáo hội mới khắc sâu vào tâm khảm Tăng tín đồ, và xứng đáng là Thiên nhân chi Đạo sư, nhiếp chúng thuần dưỡng đạo phong.
Tóm lại, một công văn dù là hành chánh, phải: - gọn nhẹ - cô đọng - đạo tình - mang hương vị tôn giáo - nghĩ đến hiệu quả của một văn bản khi công bố mới tránh được phản tác dụng; như quảng cáo không công cho bài tham luận của v/p BTS PG tỉnh BRVT vừa rồi. Không nhất thiết phải tâm sự lê thê để đi đến kết luận không giống ai. Tại sao công văn của cả một Ban Thường trực HĐTS, không ai thấy được sự khiếm khuyết và bất khả thi như thế? Phải chăng tất cả đều chung một tâm khảm?

MINH MẪN

2/6/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét