Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

* HIẾN CHƯƠNG VÀ VI HIẾN

"Hiến chương" là các luật lệ, quy định mang tính cơ bản của một tổ chức. Quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong một tổ chức...

1.- Hiến chương của Phật giáo là cương lĩnh của một Giáo hội, quy định quyền hạn, trách nhiệm cho các ban ngành từ Trung ương xuống đến cấp hạ tầng.

Quốc gia có Hiến pháp, Tôn giáo có Hiến chương, tổ chức có nội quy, Tăng đoàn có thanh quy giới luật... Tất cả các thành viên nằm trong khuôn khổ của tổ chức đều phải tuân thủ chấp hành nghiêm túc.

Giáo hội trang nghiêm - thanh tịnh - ổn định và phát triển đều nhờ vào việc thực thi nghiêm túc, đúng, trong khuôn khổ của Hiến chương và Quy chế hoạt động.

Thế nhưng, Trung ư
ơng Giáo hội phía Nam,v/p 2 đã có những công văn chỉ đạo vượt khỏi quyền hạn quy định, tự cho phép ra những văn bản cũng như chỉ đạo trực tiếp xuống các cơ sở Giáo hội Tỉnh thường bị thiên lệch, gây trăn trở cho Tăng Ni địa phương cũng như tạo thêm rạn nứt trong giới lãnh đạo Phật giáo Tỉnh, vốn đã manh nha nhiêu chia rẽ.

Nếu áp dụng đúng quy định của Hiến chương và quy chế của Trung ương, cán bộ lãnh đạo Giáo hội Trung ương sẽ tránh được những việc sai trái do tự thân mệnh danh là Giáo hội (cứ nghĩ mình là Giáo hội, Giáo hội là mình) chỉ đạo như một quyền lực tối cao và tất yếu buộc BTS Phật giáo cấp Tỉnh phải tuân thủ. Những mệnh lệnh như vậy, nếu có, chúng chỉ xuất hiện trong những kỷ nguyên phong kiến, độc tài lạc hậu... thời đại đó đã qua khá lâu. Ngày nay dân trí nâng cao và quyền hạn của giới lãnh đạo thế tục cũng bị giới hạn bởi Hiến pháp và những văn bản dưới Hiến pháp.

Một Tổng Thống ở nước Tư bản tiên tiến, mọi quyết định phải được sự chuẩn thuận của Thượng và Hạ nghị viện. Chính sự ràng buộc lẫn nhau mà giới lãnh đạo khó sai phạm, không vượt quyền lãnh đạo gây khốn khổ cho dân.

Tôn giáo cũng thế, riêng Phật giáo, trước 1975 là GHPGVNTN và sau 1981, GHPGVN ra đời cùng với sự có mặt của Hiến Chương. GHPGVN hiện nay, cứ mỗi 5 năm Đại hội, Giáo Hội đều đón nhận sự góp ý của mọi giới trong Phật giáo để chỉnh sửa cho phù hợp với thực trạng xã hội và Tôn giáo.

Tuy thế, những tu sĩ cán bộ lãnh đạo Giáo hội chưa được đào tạo qua hành chánh, làm việc theo cá tánh và bản năng, vượt qua quy chế và Hiến chương, đã tạo những lủng củng cho địa phương và lắm lúc ách tắt Phật sự.

2.- Trong Hiến chương được tu chính mới nhất gồm có:
CHƯƠNG V
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

Điều 19: Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động giữa hai nhiệm kỳ. Hội đồng Trị sự có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như sau:... Trong 28 điều thuộc quyền của Hội đồng Trị sự có điều thứ:

4. Tổ chức hướng dẫn, quản lý, điều hành, chỉ đạo các mặt công tác của các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương; ban hành Quy chế, Nội quy để cụ thể hóa và thực thi theo các quy định của Hiến chương, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

5. Được quyền phân công, luân chuyển nhân sự tham gia Ban Trị sự trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong trường hợp Ban Trị sự cấp tỉnh, thành thiếu nhân sự.


Điều 5 đã quy định rõ vấn đề nhân sự trường hợp cấp Tỉnh thiếu thì Trung ương trao đổi với cơ quan nhà nước để phân bổ. Có nghĩa nếu địa phương không thiếu hụt nhân sự thì Trung ương chỉ chuẩn y nhân sự và chức vụ do BTS PG cấp Tỉnh đề bạt. Nhưng hiện nay, hầu như các Tỉnh thành phía Nam, những nhân sự trong BTS PG Tỉnh muốn tranh quyền tranh chức, thường trực tiếp đến văn phòng 2 phía Nam để nhờ sự can thiệp và bảo bọc. Chính việc này đã gây xáo trộn không nhỏ tại Phật giáo địa phương. Đáng ra, Trung ương Giáo hội nên tìm hiểu kỹ từ BTS PG địa phương thay vì chỉ nghe một phía.

Trong điều 22 quy định:
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoạt động theo Hiến chương và Quy chế hoạt động do Hội đồng Trị sự thông qua, được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn chứng.

Như vậy, BTT Hội đồng Trị sự chỉ hoạt động theo Hiến chương và quy chế hoạt động do Hội đồng Trị sự thông qua, được Ban Thường trực Hội đồng chứng minh ấn chứng, chứ không thể hoạt đồng theo sự tùy hứng và thành kiến, tình cảm cá nhân đối với thuộc cấp.

CHƯƠNG VI
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CẤP TỈNH, THÀNH

Điều 31: Nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh là Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử tại địa phương có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn có "tâm và tầm", có uy tín, năng lực làm việc, nhất là đạo hạnh tốt như điều 31, chương VI của Hiến chương thì Giáo hội các cấp, có sự trưởng dưỡng và thành đạt Phật sự tốt hơn hiện nay; những nhân sự phạm giới, mất nhân cách, thâm lạm công quỹ như những nhân vật tại BTS PG BRVT cùng một số địa phương khác, chắc chắn không thể tồn tại trong BTS mà v/p2 Trung ương cố tình áp đặt một cách độc đoán lên các BTS cấp Tỉnh.

Trình tự, thủ tục cơ cấu nhân sự Ban Trị sự phải tuân theo nguyên tắc:
1. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp tỉnh nhiệm kỳ mới phải tiến hành dân chủ, công khai, đầy đủ thành phần đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn tỉnh.


Cũng thế, nhân sự tham gia BTS PG Tỉnh đều do sinh hoạt công khai, dân chủ của Phật giáo Tỉnh mà không thể có sự chỉ đạo, cơ cấu từ cấp Trung ương áp đặt.

4. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, quản lý, điều hành các mặt công tác Phật sự của các Ban trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện và các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương. Đối với các vấn đề không xử lý được, Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh đệ trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoặc các Ban, Viện Trung ương để được hướng dẫn giải quyết.

Trường hợp nội bộ có sự bất đồng không tự giải quyết được thì phải nhờ Trung ương hướng dẫn chứ không phải nhờ Trung ương trực tiếp can thiệp sâu vào nội bộ cấp Tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH của Hội Đồng Trị sự TW:
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CẤP TỈNH
TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

QUYẾT ĐỊNH
..............................

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

CHƯƠNG I
CƠ CẤU TỔ CHỨC - NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN

...........................
Điều 3: Ban Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:

5. Ấn định số lượng thành viên Ban Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự theo quy định của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

7. Đệ trình Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội tuyên dương công đức hay Yết ma cử phạt đối với các thành viên trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện.


Thế thì nhân sự phạm nhiều điều quá ư trầm trọng, theo giáo luật, gọi là tứ Ba La Di, vẫn được Trung ương v/p 2 Giáo hội chỉ định vào phó trực BTS cấp Tỉnh thì sao? Phải chăng Trung ương không xét đến quá trình sinh hoạt của nhân thân đương sự mà vì một lý do nào đó cố tình cơ cấu đương sự vào BTS cấp Tỉnh để làm mất thanh tịnh và tình đoàn kết Giáo hội địa phương? Trách nhiệm của BTS PG Tỉnh cũng chưa hề đệ trình lên Ban Tăng sự Trung ương để xét duyệt hành vi phạm trọng giới của nhân sự thuộc BTS PG cấp Tỉnh, một phần lỗi do BTS cấp Tỉnh để Trung ương không nắm rõ nhân thân của đương sự.

Điều 4
Các kỳ họp toàn Ban Trị sự hoặc Ban Thường trực phải được tiến hành trong tinh thần dân chủ, thảo luận và bàn bạc, cùng nhau xây dựng đoàn kết theo tinh thần lục hòa của Đạo Phật.


Như vậy từ Hiến chương cho đến quy chế hoạt động đều đặt trên tinh thần dân chủ, công khai và Lục hòa của Đạo Phật.

Đối với những thành viên Ban Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, khi có thư mời họp nhưng không tham dự, hoặc tự ý bỏ họp mà không có lý do trong 3 lần thì xem như tự ý bỏ việc và chịu trách nhiệm trước toàn Ban Trị sự; Ban Trị sự có thể bổ nhiệm thành viên khác để thay thế, thông qua một phiên họp của toàn Ban Trị sự và có biên bản hợp lệ.

Theo điều 4 của quy chế hoạt động do quyết định của chủ tịch Hội Đồng trị sự Trung ương ký, thì nhân sự đang được v/p 2 chỉ định vào phó thường trực PG cấp Tỉnh BRVT, đã vi phạm trên 3 lần vắng mặt, có nghĩa tự ý bỏ việc, thế mà BTS PG BRVT không mở cuộc họp toàn ban, lập biên bản để tìm người thay thế. Đây là lỗi BTS PG BRVT.

Điều 6: Trong thời gian giữa 2 kỳ họp của Ban Trị sự, Trưởng Ban Trị sự chịu trách nhiệm lãnh đạo chung, Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng phối hợp giải quyết các công việc quan trọng như quyết định bổ nhiệm Trụ trì, mở Đại Giới đàn, tuyển chọn Giới tử, mở Trường Trung cấp Phật học, giới thiệu Tăng Ni đi học, hành đạo, dự kiến nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo cấp tỉnh... đều phải thực hiện đúng theo tinh thần các nghị quyết Trung ương và nghị quyết Đại hội Phật giáo cấp tỉnh. Để đảm bảo tính công khai, dân chủ, Trưởng ban Trị sự chủ trì cuộc họp của Ban Thường trực Ban Trị sự để hội ý giải quyết. Các công tác Phật sự chỉ được triển khai thực hiện khi được đa số hoặc quá bán thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự biểu quyết thông qua bằng một nghị quyết.

Điều 6 cũng quy định dự kiến nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo cấp Tỉnh đúng theo tinh thần nghị quyết của Trung ương và cấp Tỉnh, Trưởng BTS PG BRVT đã tổ chức cuộc họp công khai, dân chủ, đã được đa số thành viên Thường trực của BTS PG Tỉnh biểu quyết, thế nhưng, nhân sự vi phạm quy chế và giáo luật vẫn được HĐTS Trung ương, v/p2 áp đặt BTS PG BRVT phải cơ cấu thành phần bất hảo vào, vì thế BTS PG Tỉnh và chính quyền có vẻ không hài lòng.

CHƯƠNG III
Điều 18: Quỹ hoạt động của Ban Trị sự do vị ủy viên Thủ quỹ Ban Thường trực Ban Trị sự đảm nhiệm. Mọi nguồn tài chánh được tập trung vào quỹ của Ban Trị sự. Việc thu chi do Trưởng ban Trị sự ký duyệt với tư cách là chuẩn chi viên.


Nếu có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý như vậy, tại sao một thành viên của BTS PG BRVT vẫn thâm lạm công quỹ gần cả tỷ bạc V.N?
                                                                                                                           * * *
Trên nguyên tắc, nhân sự được Thường trực BTS PG Tỉnh họp, quyết định, chỉ được quyền công bố vào buổi lễ chính thức của Đại hội, nhưng v/p 2 Trung ương dùng quyền bắt buộc công bố ngay buổi họp trù bị, để rồi một lần nữa, công bố trong buổi lễ chính thức; làm như thế vừa lủng củng, vừa vi Hiến. Trong 15 phút nghị luận về nhân sự, thầy phó chủ tịch HĐTS kiêm trưởng ban Tăng sự - Thích Thiện Pháp, không tham dự, để thầy Huệ Trí, trưởng Ban Pháp chế thay mặt và áp đặt Nhuận Trí vào BTS PG cấp Tỉnh.

Quy chế và Hiến chương quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn từ cấp Trung ương đến các địa phương; nhưng hầu như đa số các vị lãnh đạo Giáo hội hành sử theo cá tính hơn là nguyên tắc.

Lợi ích nhóm, tình cảm cá nhân và cả nể... với nhiều lý do khác, Hội Đồng Trị sự phía Nam đã xen vào nội tình địa phương một cách độc đoán, công khai, thiếu dân chủ, kể cả dân chủ mang tính xã hội và dân chủ theo giáo luật nhà Phật. Đó là chưa xét đến vấn đề công cử nhân sự vào Ban ngành Trung ương thiếu phẩm chất thân giáo, thiếu khả năng và kiến thức chuyên môn, tạo sự thiếu tâm phục của Tăng Ni, tín đồ.

Có những tu sĩ thắc mắc - tham gia Giáo hội, tu sĩ và các chùa được lợi ích gì ngoài việc đóng góp tài vật hàng năm, chẳng những thế, đã tham gia Giáo hội, có nghĩa cơ sở vật chất thuộc vào tài sản Giáo hội, chính vì thế không tránh khỏi một vài nơi, kẻ nắm quyền đã tước đoạt một cách công khai, dựa vào quyền hạn điều hành để lấy chùa, tẩn xuất trụ trì, thay vào người khác có đủ điều kiện... hơn. Tại Sài Gòn hiện nay, không thiếu trường hợp tranh chấp tài sản thuộc Giáo hội như thế, chùa Hồng Liên, Bình Thạnh, HT Thiện Ngộ, sau khi viên tịch, thầy Thiện Ý trụ trì chùa Từ Quang Thủ Đức, được đồng môn chấp thuận kế thừa, nhưng do bàn tay ẩn mặt bố trí vị khác chiếm đoạt, không có hộ khẩu, không có tạm trú, thế mà vẫn ngang nhiên chiếm đoạt chùa Hồng Liên. Tất cả những hành sử như thế, lạm quyền vi phạm Hiến chương, quy chế Giáo hội đã xuất hiện khắp nơi.

Một số HT thượng và chư tôn đức thắc mắc, một vị đầu ngành Tăng sự cần đức độ và giới đức thanh tịnh, đáng ra như HT Viên Giác, HT Tắc An, HT Minh Thông... đủ tiêu chuẩn cho Tăng Ni kính trọng, lại không được tôn cử. Phật giáo hiện nay đâu thiếu những bậc chân tu, đức độ, phải chăng nghiệp vận Giáo hội là như vậy.

Một số vị chỉ sợ chính quyền mà không sợ BTS. Giáo hội quyết định thì không chấp hành, nhưng chỉ cần an ninh triệu hồi làm việc thì riu ríu nghe theo. Ví dụ thầy Giải Thiện BTS PG huyện Tân Thành, BRVT, sau khi mãn nhiệm, không chịu bàn giao con dấu, đến khi chính quyền hỗ trợ, mới chịu thi hành.

Những việc tranh chấp chức quyền, chạy chọt địa vị trong Phật giáo, luôn được giải quyết bởi nhà nước mới được êm xuôi. "Chúng Trung Tôn" hiện nay là thế?

Việc trong nội tình Phật giáo rất nhiêu khê, khó mà bộc bạch, thà là các địa phương, nhưng không thể chấp nhận Trung ương cầm quyền mà vi Hiến là điều cần xét lại để Giáo hội được -trang nghiêm -thanh tịnh -đoàn kết và ổn định như tiêu chí Giáo hội đưa ra.

MINH MẪN
31/5/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét