Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

NGÀY ẤY VẪN CÒN


Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Miền Tây Nam bộ phát xuất nhiều tôn giáo, mang tính thời cuộc lẫn trạng huống tâm linh khi đất nước chìm vào tao loạn. Pháp và Nhật có mặt đồng nghĩa loạn lạc có mặt.

I.- Trước tình cảnh thống khổ điêu linh của bá gia trăm họ, những phong trào chống Pháp nổi lên, đồng thời cũng nổi lên những tôn giáo nội sinh, mang âm hưởng Phật giáo, nhưng lại là Phật giáo quần chúng nông dân; chính vì thế, truyền bá đạo đức ở mức độ khế cơ, bằng những thi văn dễ hiểu, Đức Huỳnh Phú Sổ đã là một hiện tượng có một không hai, không những trên vùng đất Nam bộ, ngay cả hiện nay, trên thế giới chưa từng có một vị giáo chủ chưa đến 20 tuổi đã có hàng triệu tín đồ quy ngưỡng, truyền bá giáo lý đơn giản, dễ hiểu, chỉ cần tu Nhân, mang trọng trách tứ ân, vừa xây dựng xã hội, vừa tu luyện nhân thân, vừa bảo vệ tổ quốc, vừa phát triển kinh tế lúc bấy giờ.Tinh thần "học Phật tu nhân" cũng từ đó phát sanh.

Ngày 18 tháng 5 năm 1939 (tức năm Kỷ Mão) đầu thế kỷ 20, tại làng Hòa Hảo, một thanh niên ốm yếu  sanh ngày 25 tháng 11 năm 1920 - Kỷ Mão,  quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo, đó là đức  Huỳnh Phú Sổ. 

Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (4 tháng 7 năm 1939), tức vừa tròn 19 tuổi, Ngài đứng ra cử hành lễ "đền linh Khứu Sơn trung thọ mạng" khai đạo, lấy tên là Phật giáo Hòa Hảo, vừa là tên quê hương của Ngài, vừa có ý nghĩa là "hiếu hòa" và "giao hảo", lại mang một hàm nghĩa là đạo Phật ở làng Hòa Hảo.

Do uy tín trước số tín đồ đông đảo lúc bấy giờ, Ngài nằm trong tầm ngắm của Pháp, từ đó Ngài trãi qua nhiều truân chuyên,

Ngày 18 tháng 8 năm 1940, Ngài bị quản thúc tại Sa Đéc,sau đó, chuyển qua Cần Thơ.

Ngày 28 tháng 7 năm 1940, nhà cầm quyền Pháp đưa Đức Huỳnh Phú Sổ vào bệnh viện Cần Thơ và sau đó chuyển lên nhà thương điên Chợ Quán tại Sài Gòn.

Tháng 6 năm 1941, Đức Huỳnh Phú Sổ bị đưa đi quản thúc ở Bạc Liêu...

II.- Mặc dù Ngài quan tâm đến vận mệnh đất nước, kết hợp với nhiều tổ chức yêu nước để chống Pháp, nhưng vẫn không quên khuyến nông, phát triển và đoàn kết khối tín đồ. Hiện nay,các nhà nghiên cứu Tôn giáo và kinh tế nông nghiệp cũng như phát triển xã hội đã đánh giá cao về tinh thần đoàn kết, phát triển nông nghiệp và từ thiện xã hội đứng đầu trong nước. Mặc dù trình độ dân trí vùng đồng bằng Nam bộ nói chung và An Giang, Châu Đốc nói riêng, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, và còn quá nhiều bất cập so với những tình thành lớn trong nước, thế nhưng, cộng đồng tín đồ Đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã thể hiện tinh thần đạo đức cá nhân và cộng đồng xã hội vượt trội. Họ đã sống đúng tinh thần Tôn sư dạy bảo; đơn giản hóa nghi lễ; nhiệt tình trợ giúp xã hội. Những bếp ăn tình thương trong các bệnh viện, những quán cơm chay bình dân, những cây cầu nông thôn, nhà tình thương, giúp học bổng cho học sinh nghèo, chu cấp xe lăn cho người tàn tật, cung cấp nước ngọt cho vùng bị ngập mặn...nhũng việc làm thực tế đó, người tín đồ đạo Phật giáo Hòa Hảo luôn đi đầu, và đi trong thầm lặng.
Cộng đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo không ai còn xa lạ với anh Tư Hòa và anh Tư Mắt kính, người mà luôn có mặt khắp nơi trên những chuyến từ thiện. Cặp "song đao hợp kiếm" đó, anh Tư Mắt kính đã mất đi vĩnh viễn một người bạn đồng hành. Giờ đây lẽ loi, một thân vạn dặm khắp nẽo đường đến với người dân nghèo khổ. Có những người như cặp vợ chồng anh Đoàn Minh Hùng, buôn bán hàng rong, mở lớp dạy từng con chữ, lo từng bữa ăn cho học sinh nghèo tại Tân Phú, hoàn toàn miễn phí. Cặp vợ chồng trẻ, chị Hồng - anh Thiện cũng dang tay đón nhận nuôi dưỡng trên 70 cụ già neo đơn, trẻ em tàn tật tại xã Phú Hữu, Nhơn Trạch Đồng Nai, một vùng xa dân cư, quanh năm ruộng phèn ngập mặn, quận 12, thầy thuốc "nhân dân" luôn đón nhận những bệnh nhân không đủ tiền chạy chữa, bất cứ giờ nào, cho dù chiều tối, công nhân ra khỏi chỗ làm, đến, thầy Đông y Lợi luôn sẵn lòng chữa trị. Xin phép lập phòng thuốc từ thiện, nhưng chưa đủ tiền xây dựng phòng ốc tương đối, vì thế, bên con chái tole nóng bức, bệnh nhân vẫn hoan hỷ cảm thông với thầy. Còn nhiều, rất nhiều những tín đồ đạo Phật giáo Hòa Hảo thầm lặng xả thân với cộng đồng xã hội, Bản thân họ luôn sống mẫu mực theo lời dạy của tôn sư ...

Ai? Ai đã làm nên những tâm hồn nhân đạo đó? Dĩ nhiên nhân  cách của một đấng giáo chủ có một tác động không nhỏ trong cuộc sống của tín đồ. Tuy nhiên, Đức Huỳnh giáo chủ không bao giờ tự nhận về mình một quả vị Thần thánh, ngài đã từng bảo: "ta chỉ là đệ tử trung thành của đức Phật Thích Ca".

III.- 18-5-1939 (Kỷ Mão)  -  18 - 5 -2017 (Đinh Dậu) 78 năm qua cứ như vẫn là hôm nay, tinh thần khai đạo của đức Huỳnh giáo chủ luôn sống mãi trong tâm khảm của những tín đồ đạo Phật giáo Hòa Hảo. Ngày này  trên khắp cộng đồng tín đồ, long trọng tổ chức kỷ niệm.

 Sáng 12-6 (tức 18-5 âm lịch), tại An Hòa tự (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tổ chức Đại lễ kỷ niệm 78 năm ngày Đức Huỳnh Giáo chủ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo.

Sáng 12/5, tại cư xá Bắc Hải, quận 10, SG, Ban trị sự Phật giáo Thành phố cũng long trọng tổ chức kỷ niệm 78 năm khai đạo của đức Thầy.

Vùng ven đô như huyện Nhơn Trạch, xã Phú Hữu, nhà nuôi dưỡng các cụ, cũng trên 700 tín đồ khắp nơi về dự lễ kỷ niệm trước một ngày chính thức.

Tinh thần "tốt Đời đẹp Đạo" đã thể hiện rõ đối với cộng đồng tín đồ đạo Phật giáo Hòa Hảo trong xã hội ngày nay. Cho dù 18/5/1939 hay 18/5/2017, mãi mãi về sau vẫn là mới ngày hôm nay, nghĩa là NGÀY ẤY VẪN CÒN. Vẫn còn một đạo Phật đi vào xã hội như đạo Phật giáo Hòa Hảo, song hành với một đạo Phật tín ngưỡng do chư Tăng duy trì hàng ngàn năm qua trên mãnh đất chữ "S" này.

MINH MẪN
12/6/2017 (18/5/Đnh Dậu)






















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét