Bất cứ trong một tổ chức nào, từ chính trị đến xã hội,
từ Tôn giáo đến đoàn thể…đều cần có một lý thuyết nền tảng vững chắc để làm cơ
sở triển khai mọi sinh hoạt.
Đạo Khổng thường đề cao “Tam cương, ngũ thường”, “chánh
nhân quân tử”. Đạo Lão hướng đến chân nhân;Đạo gia quan niệm con người là tiểu
vũ trụ, mang đủ tính chất của một vũ trụ.Ngũ hành là nguyên lý căn bản của mọi
sự vật.Bà La Môn giáo xem con người là một tiểu ngã nằm trong Đại ngã, cần phải
trở về với Đại ngã.Kito giáo lấy Bác ái làm nền tảng sống trong xã hội loài người
khi chiêm niệm hướng tâm về Thượng đế; và Phật giáo, cho dù đời sống nhân sinh
hay hướng đến thoát ly tam đồ đều lấy “Từ bi” làm cơ bản cho mọi hành hoạt.
***
“Từ bi” là chữ quá quen thuộc trong nhà Phật, quen đến
độ con người không còn nhận thấy tầm quan trọng để áp dụng vào đời sống. Từ ngũ
giới đến thập thiện, từ lục phàm đến tứ Thánh,từ nhân sinh đến Bồ Tát…đều mang
đậm tính chất của Từ bi.Từ bi không những thương người, thương vật mà cả đến thực
vật, khoáng vật.Đối với con người và động vật hạ đẳng không được sát hại, ngay
cả thực vật và khoáng vật cũng không triệt phá vô cớ.Theo khảo nghiệm của một
nhà khoa học, thực vật vẫn có cảm tính nhạy bén.Những minh sư có tuệ nhãn cũng
nhìn thấy khoáng vật có linh khí.
Những hành giả chân chính, đến ngụ tại gốc cây cũng
xin phép, hái rau củ cũng ngỏ lời.Hành giả chân chính là một chân nhân thượng đẳng.Tuy
nhiên, trong xã hội con người không thể áp dụng một cách tuyệt đối vì còn có mối
tương quan dị biệt về tập quán, về giáo dục…
Một phật tử sống trong gia đình, không thể áp dụng từ
bi theo lối tiêu cực; ví dụ thương con không có nghĩa chiều con thái quá đưa đến
hư hỏng.Vì tương lai của đứa con hư hỏng,la rầy đánh đập không có nghĩa là thiếu
lòng từ, như vậy “từ bi” cần phải có “trí tuệ”; phải hiểu cách áp dụng Từ bi
đúng từng trường hợp.
Một quan niệm sai lầm khi thấy việc sai trái của ai
đó mà không nỡ góp ý vì sợ họ buồn, hay sợ xen vào nhân quả người khác,đó không
phải là Từ bi.Trong cuộc sống mỗi người nhìn một vấn đề khác nhau do tập quán,
tập khí, lòng đố kỵ ghen tỵ…họ thấy là họ đúng, đương nhiên đó là quyền cá
nhân; trong phạm vi Phật giáo không cho phép chúng ta nhìn một hiện tượng, một
vấn đề bằng sự tỵ hiềm, đố kỵ, ghen ghét hoặc vô trách nhiệm. Để nhận định đúng
vấn đề, cần đặt trên căn bản của lòng từ và trí tuệ. Cho dù một sự kiện khác biệt
với cá nhân hay tập thể, dùng lòng từ và trí tuệ sẽ thấy vấn đề đúng sai của một
hiện tượng; khi cá nhân đi quá đà về nhận định, hành sử sai lệch về nhân cách,
chúng ta không thể vì lòng từ để mặc một cách vô trách nhiệm.Chúng ta bị ám ảnh
về nhân quả, ai làm nấy chịu, không xen vào nhân quả của người khác, nói thế Bồ
tát vào đời để làm gì? Xác định khi can thiệp một vấn đề vì lòng từ cho mọi người
sáng tỏ tránh lầm lẫn hay vì lòng đố kỵ cá nhân.Như vậy cùng một hành động đúng
hay sai do tâm niệm được xây dựng bằng trí tuệ và lòng từ bi hay do tâm đố kỵ.
Sợ đau không dám mạnh tay mổ xẻ ung nhọt, tất nhiên
ung nhọt sẽ ăn luồng trong cơ thể. Mổ xẻ là liệu pháp tối cần để phục hồi sức
khỏe. Trong một tập thể có những thành phần sai phạm, nếu nội bộ không đủ can đảm
chỉnh huấn, phải cần đến ngoại lực. Không nên tự ái khi người ngoài phơi bày những
ung nhọt, đó là thiện tri thức cần phải cảm ơn, để tránh cho nhiều người mê lầm
tiếp tay.
Gần đây Phật giáo có quá nhiều vấn đề tai tiếng bởi
một vài cá nhân, những người lợi dụng dẫm đạp Phật giáo cũng có, cũng không thiếu
những tấm lòng muốn góp ý xây dựng bằng cách dơ cao đánh khẽ; chúng ta phải
bình tâm nhìn nhận vấn đề cả hai, cảm ơn kẻ nặng lời cho ta tỉnh ngộ, không
quên ơn những ai có tấm lòng bảo vệ Phật giáo, tất cả đều là ân nhân.
Ta cũng không cần chỉ trích, phê phán, nhục mạ một
ai đó khi họ không dính đến ta, không xúc phạm ta,không làm hại uy tín của tập
thể ta, làm như thế là tạo nghiệp ác.
***
Lòng từ càng thâm sâu, trí tuệ càng thẩm thấu. Không
một hành giả, thánh nhân nào đạt quả vị mà thiếu lòng từ. Từ bi là năng lượng
bao trùm vạn hữu, Từ bi là tố chất của nguồn sáng phát sanh tuệ giác. Hai Tôn
giáo tuy có hai ngôn từ khác nhau: “từ bi và Bác ái”, thông thường ta nghĩ “từ
bi” là tình thương bao quát mọi loài, còn “bác ái” chỉ hạn chế trong cuộc sống
giữa con người với con người, nhưng thực tế với tầm nhìn của những bậc chứng đắc,
năng lượng của Từ bi và bác ái đã phủ trùm vũ trụ.Có những sinh thức nhẹ, vừa
thoát xác đã nhập vào luồng sáng cảm thấy tràn đầy tình thương, những người chết
lâm sàng đều cảm giác như nhau. Trong “tử thư Tây tạng” cũng đề cập đến Bardo,
trạng thái trung ấm tùy luồng sáng mờ tỏ mà linh thức theo phước duyên nhập
vào. Những linh thức nhẹ nghiệp, được hòa nhập vào ánh sáng cực tỏ với một tình
thương ấm áp khó tả.
Từ bi ở thế gian chỉ là tình thương đồng loại,lòng tốt
với mọi loài, nhưng với vũ trụ nó là một trường lực từ ái cuốn hút những linh
thức siêu nhẹ. Như vậy, Từ bi là nền tảng căn bản trong cuộc sống của một Phật
tử và gốc rễ cho mọi hành giả tiến nhập vào Phật thể.
Trí tuệ là nguồn sáng của tâm thức song hành với từ
bi. Từ bi mà thiếu trí tuệ sanh ra ủy mỵ thậm chí vô trách nhiệm.Trí tuệ không
có Từ bi dễ đưa đến hành động thiếu cân nhắc, thậm chí tác hại.Bi và trí là đôi
chân vào đời vững chắc, là đôi cánh cho hành giả tiến vào tâm thức uyên sâu,
không bị lạc dẫn bởi ngũ ấm ma.
Khi hành giả thành công nhập vào pháp giới thì Bi và
Trí chỉ là một, như ánh sáng và nhiệt lượng
của một ngọn lửa.
Người con Phật trang bị đầy đủ Trí và Bi sẽ không bị
lòng đố kỵ, ghen ghét trước mọi vấn đề trong cuộc sống. Bi giúp ta trầm lắng,
Trí giúp ta suy xét thì tập khí không thể nào xen lẫn làm cho ta nhận định sai
lệch.
MINH MẪN
26/7/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét