Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

* TÍNH TƯƠNG QUAN TRONG PHẬT GIÁO


Tương quan là có quan hệ qua lại với nhau, tương cận là mối tương quan gần gũi nhất. Vấn đề này, mang tính tương tác mà trong Phật giáo gọi là: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thi cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”
Trong cuộc sống từ thực vật cho đến động vật, luôn có sự tương quan chặt chẽ với nhau, có nghĩa không có cái gì độc lập, cách biệt mà không ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng đến nhau. Do mối tương quan như thế, khi giải quyết vấn đề khổ đau hiện tại và sanh tử miên trường, nhà Phật đã quan tâm đến không chỉ tự thân mà còn những điều kiện chung quanh, có nghĩa mình không thể trốn chạy, tự cô lập mà phải giải quyết vấn đề trên mối tương quan tương tác một cách hài hòa, tránh trường hợp mất cân đối đưa đến khủng hoảng và trầm trọng hơn. Nơi đây ta xét về phương diện tu tập, hành trì:
1/ Tính Cộng hưởng – câu nói “ăn cơm có canh, tu hành có bạn” đủ thể hiện lên tính chất giao hảo, tương liên. Trong tập thể đạo tràng, tuy có những ý kiến, tính tình trái chiều, đó là cá nhân, nhưng quan trọng là kinh nghiệm hay sự trải nghiệm trên đường tu tập chia sẻ cho nhau, hỗ trợ nhau những mắc mứu, những kinh nghiệm hay những hạn chế. Đó mới chỉ là vấn đề hiện tượng, ngoài ra “năng lượng” thanh tịnh góp phần không nhỏ trong sinh hoạt và hành trì tập thể.
Một hành giả có năng lực mạnh và năng lượng thanh tịnh, tự khắc hóa giải mọi chướng ngại chung quanh hoặc cảm hóa người và vật dễ dàng.
Trong quá trình hành trì, hành giả chưa thoát khỏi tập khí của kiết sử, khi vào sơ định, các ảo ảnh thường xuất hiện, nếu không có minh sư hay bậc kinh nghiệm đi trước hướng dẫn, hành giả có thể bị vướng mắc vào những hiện tượng, ảo giác mà cứ ngỡ là đạt được cảnh giới nào đó. Cũng những hiện tượng xuất phát trong lúc thiền định mà hành giả đã nhuần nhuyễn 10 Ba la Mật, thì đó là linh ảnh được hoàn thiện bởi tâm thức thanh khiết.
Ví dụ, người tu có lúc cảm thấy, lòng phát khởi nhẹ nhàng hoan hỷ, thư thái, đó chưa phải là lòng từ, hoan hỷ thư thái thật sự. Các tập khí từ tạng thức, hạt giống nào mạnh nhất, đủ điều kiện sẽ tự phát khởi trước nhất. Những người có hạt giống dục ái mạnh, khi tâm định mà chưa diệt được tập khí thì hạt giống ái dục nổi lên khiến dục vọng càn quấy mà cứ tưởng do phước báu tu tập được chư Thiên cung ứng Tài – sắc – danh – thực – thùy tha hồ hưởng lạc. Hành giả đã bị ngũ ấm ma lạc dẫn mà không biết. Ngày nay xuất hiện rất nhiều dạng như thế. Tham-sân-si-mạn-nghi… cũng đều như vậy, vì những hạt giống bất toàn chưa được hóa giải từ “mạt na thức”, làm sao đưa đến “bạch tạng thức”. “Khi bạch tạng thức” hoàn hảo thì tâm thông vạn cõi với “thế giới hoa tạng”. Ngoại trừ - Hoan hỷ địa (tâm ý hoan hỷ): ở quả vị này, Bồ Tát đạt được sự an lạc thanh tịnh sau khi đã đoạn trừ kiến hoặc và đã chứng đắc Nhân không, Pháp không. Bồ Tát trải qua con đường tu tập phần lớn thông qua thực hành về Bố thí Ba la mật để đưa tâm thoát khỏi sự sợ hãi, khiếp nhược thì hiện tánh hoan hỷ mới thật sự của quả vị Bồ Tát.
2/ Để xây dựng tòa lâu đài, nền móng cần vững chãi, cũng thế, để vượt tránh những chướng duyên, hành giả cần trang bị đôi chân “phước và huệ”. Những hành giả chuyên tu định huệ mà thiếu nền tảng phước báu, sẽ luôn gặp chướng duyên bên ngoài, hoặc luôn bị ngũ ấm nội tại lạc dẫn, nếu hành giả thoát được những chướng duyên đó, ví như cây khô mọc trên đất cứng:-“càn huệ địa.Tuy “càn huệ địa” đã diệt dục ái, căn cảnh chẳng vướng. Tâm thuần trí tuệ sáng tỏ 10 phương, chỉ là cái huệ khô khốc nên gọi là “càn huệ địa”.
Ngược lại, hành giả thông qua hạnh “Bố thí” ba la mật, thì nền tảng phước báu đó hỗ trợ phần lớn cho việc tiến đến giải thoát.
3/ Để tiến đến quả vị toàn giác, Đức Phật không thể bỏ qua giai đoạn “nhân thừa”. Nhân thừa là nền tảng cơ bản xây dựng cuộc sống trong xã hội. Sự tương quan trong gia đình, xã hội, thầy trò mà kinh Thiện sinh đã hướng dẫn rõ về trách nhiệm, bổn phận của người học Phật tu nhân để tiến dần lên quả vị giải thoát. Chính vì thế, đức Huỳnh Phú Sổ đã áp dụng sát giáo lý nhà Phật vào cộng đồng tín đồ trong cuộc sống “phước thí”. Các sư theo hạnh giải thoát thì tín đồ thực hiện hạnh bố thí một cách đa dạng. Chúng ta không lạ khi thấy cuộc sống nghèo nàn tại miền Tây Nam bộ, thế mà cộng đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo vẫn nhiệt tình thực hiện Bố thí Ba la Mật trong mọi giai tầng lớp xã hội hiện nay.
Thí có 3 dạng: Tài thí - pháp thí – vô úy thí, cho dù dạng thí nào cũng cần có trí tuệ phân biệt đi kèm với lòng từ, mới tránh được tiếp tay cho sai lầm tội lỗi. Giúp nghèo đói vì họ không đủ điều kiện tìm kế sanh nhai chứ không phải nghèo do sa đọa dục lạc; các hạnh thí khác cũng thế. Theo lý tương tác, người khổ cũng như mình khổ, do thế Bồ Tát đau khổ vì chúng sanh khổ đau. Đại nguyện Địa Tạng luôn vào địa ngục, nếu ngài không vào thì ai vào – còn một chúng sanh trong cõi địa ngục thì ngài sẽ không bao giờ thành Phật. Sự là thế, đồng với lý là tâm còn một vọng niệm sinh khởi, còn tập khí vi tế thì chưa thể giải thoát. Đại nguyện của Bồ Tát –“ngũ trược ác thế thệ tiên nhập” Lý sự viên dung, đó là tính tương tác tự thân cũng như tương tác trong hiện tượng sinh diệt, luân hồi.
Ngũ giới thập thiện là những điều kiện ắt có và đủ để nhân cách thăng hoa tự thân và chuyển hóa y báu. Thế gian, người hùng luôn mang tâm niệm cải hóa xã hội nhưng xã hội không bao giờ toàn thiện. Thánh nhân cải hóa tự thân thì mọi sự chung quanh sẽ được cải hóa, vượt qua mọi chướng duyên.
***
Tuy nhà Phật nói đến 3 cõi 6 đường, mang tính trừu tượng, thật ra, trong mỗi cá thể đều có đủ tính chất đó;
4/ 3 cõi: Dục giới – sắc giới – vô sắc giới, thông thường ai cũng nghĩ đó là cảnh giới trong thiên hà vũ trụ. Tư tưởng này chư Tổ ảnh hưởng không ít tư tưởng Bà La Môn giáo. Kinh tạng nguyên thủy không nói rõ từng cảnh giới mà chỉ là trạng thái của tâm giới. Sở dĩ có dục giới (cõi dục) là vì có sắc giới, do có sắc mà dục phát sinh, đó là luật tương tác; hành giả tâm vắng lặng, ái nhiễm không còn thì trạng thái vô sắc giới xuất hiện. Như vậy, ba cõi Dục-sắc-vô sắc cũng chỉ là trạng thái tâm thức; muốn thăng hoa nhân cách và giải thoát, hành giả giải quyết dứt điểm ba trạng thái này từ tâm thức.
5/ 6 đường: Theo luận giải từ xưa của Phật giáo Bắc truyền, 6 cõi là Thiên-nhơn-atula-địa ngục-ngạ quỷ-súc sanh. Đó là những cảnh giới trừu tượng đối với cuộc sống hiện thực, nhưng cuộc sống hiện thực vẫn mang đủ tính chất của 6 cõi, hãy nghe luận giải của một pháp sư:
Chư Phạm-thiên còn là hạng phàm-nhân (chưa phải là bậc Thánh-nhân) sinh trong cõi trời sắc-giới hoặc cõi trời vô-sắc-giới nào, có tuổi thọ sống lâu bao nhiêu đi nữa, đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời ấy, đều phải chết, rồi tái sinh kiếp sau trong cõi khác tùy theo thiện-nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau.
* Trong cõi trời sắc-giới, nếu vị phạm-thiên nào không chỉ hưởng sự an-lạc trong cõi trời ấy, mà còn tiếp tục thực hành pháp-hành-thiền-định, dẫn đến chứng đắc bậc thiền nào thấp hơn, hoặc ngang bằng, hoặc cao hơn thì vị phạm-thiên ấy sau khi chết, chắc chắn bậc thiền ấy sẽ cho quả tái sinh kiếp-kế-tiếp trong cõi trời sắc-giới hoặc cõi trời vô-sắc-giới tương xứng với quả của bậc thiền ấy như sau:
* Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm nào thấp hơn thì vị phạm-thiên ấy sau khi chết, bậc thiền sắc-giới-thiện-nghiệp thấp ấy cho quả là bậc thiền sắc-giới-quả-tâm thấp ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc-giới thấp hơn, tương xứng với quả của bậc thiền sắc-giới thấp ấy.
* Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền cũ thì vị phạm-thiên ấy sau khi chết, chắc chắn bậc thiền sắc-giới thiện-nghiệp ngang bằng ấy cho quả là bậc thiền sắc-giới quả-tâm ngang bằng ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau trở lại trong cõi trời sắc-giới ấy.
* Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm nào cao hơn thì vị phạm-thiên ấy sau khi chết, chắc chắn bậc thiền sắc-giới-thiện-nghiệp cao ấy cho quả là bậc thiền sắc-giới-quả-tâm cao ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc-giới cao hơn, tương xứng với quả của bậc thiền sắc-giới cao ấy.
* Nếu vị phạm-thiên nào không chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào thì sau khi chết, dục-giới đại- thiện-nghiệp của kiếp trước cho quả tái sinh kiếp sau xuống cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 1 trong 6 cõi trời dục-giới.
*Trong cõi trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên, khi vị phạm-thiên hết tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất, chết tại cõi trời ấy, dục-giới đại-thiện-nghiệp từ kiếp thứ 3 trở lui về trước sẽ cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới, sinh làm người hoặc sinh làm chư-thiên trong cõi dục-giới.
* Trong cõi trời vô-sắc-giới, nếu vị phạm-thiên nào không chỉ hưởng sự an-lạc trong cõi trời ấy, mà còn tiếp tục thực-hành pháp-hành-thiền-định, dẫn đến chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới ngang bằng, hoặc cao hơn bậc thiền cũ, mà không thể chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thấp hơn bậc thiền cũ, bởi vì không có đối-tượng-thiền-định, thì vị phạm-thiên ấy sau khi chết, chắc chắn bậc thiền vô-sắc-giới-thiện-nghiệp ngang bằng ấy sẽ cho quả là bậc thiền vô-sắc-giới-quả-tâm ngang bằng ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau trở lại trong cõi trời vô-sắc-giới ấy.
* Nếu vị phạm-thiên nào chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới-thiện-tâm cao hơn bậc thiền cũ thì vị phạm-thiên ấy sau khi chết, chắc chắn bậc thiền vô-sắc-giới-thiện-nghiệp cao hơn ấy sẽ cho quả là bậc thiền vô-sắc-giới-quả-tâm cao hơn ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau trong cõi trời vô-sắc-giới cao hơn, tương xứng với quả của bậc thiền vô-sắc-giới cao ấy.
* Trong cõi trời vô-sắc-giới Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên tột đỉnh, vị phạm-thiên ấy chỉ có thể chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới-thiện-tâm ngang bằng với bậc thiền cũ là bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiện-tâm mà thôi, không thể chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới bậc thấp, bởi vì không có đối-tượng.
Khi vị phạm-thiên ấy hết tuổi thọ lâu dài suốt 84.000 đại-kiếp trái đất, sau khi chết, chắc chắn bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiện-nghiệp cho quả là bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái sinh kiếp sau trở lại cõi trời vô-sắc-giới cũ Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên ấy.
* Nếu vị phạm-thiên ấy không chứng đắc lại bậc thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiện-tâm cũ thì sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp của kiếp trước cho quả tái sinh kiếp sau xuống cõi thiện-dục-giới, sinh làm người trong cõi người hoặc sinh làm chư-thiên trong cõi trời dục-giới.
Như vậy, mỗi chúng-sinh là phàm-nhân vẫn còn luẩn quẩn quanh vòng-tử-sinh-luân-hồi trong 3 giới 4 loài (thai-noãn-hóa-thấp).
* Dù cõi thấp tột cùng trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp, bị thiêu đốt không ngừng trong suốt thời gian lâu dài không sao kể được, cũng đến lúc mãn quả của ác-nghiệp, thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục Avīci, rồi tái sinh kiếp sau nơi cõi khác tuỳ theo quả nghiệp của họ.
* Dù cõi cao tột đỉnh trong cõi trời vô-sắc-giới Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-thiên hưởng quả an-lạc trong suốt thời gian 84.000 đại kiếp trái đất, cũng đến lúc hết tuổi thọ, rồi cũng phải tái sinh kiếp sau xuống cõi dục-giới.
Cho nên, *đối với tất cả chúng-sinh còn là hạng phàm-nhân chưa phải là bậc Thánh-nhân, vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài từ vô thuỷ đến vô chung.
Cho nên, trong tam-giới gồm có 31 cõi (Riêng chư thiên gồm 26 loài ở trong ba cõi giới khác nhau: Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Loài người và bốn loài đau khổ thì ở trong cõi Dục giới. Như vậy, tổng cộng là 31 loài, chỉ là nơi tạm-trú của tất cả chúng-sinh mà thôi, chắc chắn không có cõi nào gọi là nơi thường-trú của chúng-sinh nào cả.
Như vậy, nếu hành-giả nào thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới-thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới-thiện-tâm, hành-giả ấy sau khi chết, chắc chắn chỉ có bậc thiền thiện-nghiệp nào cao nhất có quyền ưu tiên, có cơ-hội ưu tiên cho quả là bậc thiền quả-tâm ấy gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái sinh kiếp-kế-tiếp trong cõi trời sắc-giới hoặc cõi trời vô-sắc-giới tương xứng với bậc thiền quả-tâm ấy. Các thiền thiện-nghiệp bậc thấp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp, không có cho quả được nữa…
***
Ngũ thừa Phật giáo:
Là năm con đường hay năm phương pháp đi đến giác ngộ, tùy theo căn cơ và trình độ của từng cá nhân chọn phương pháp thích hợp để ứng dụng tu có kết quả, ứng dụng ngũ thừa Phật giáo:
Nhân thừa: Nếu muốn ứng dụng nhân thừa việc trước tiên phải phát tâm quy y Tam bảo, đây chính gieo duyên với Phật, Pháp, Tăng trong nhiều đời. Bước kế tiếp là thọ trì năm giới, đây chính là nền tảng của Phật giáo nhằm xây dựng cho con người có một nhân cách hoàn thiện của một con người thực sự là người.
Thiên thừa: Con đường sanh lên cỏi trời nếu người đó thực hiện mười pháp thiện (thập thiện) gọi thông thường là Thập thiện nghiệp đạo được chia làm 2 phần: tiêu cực và tích cực.
MƯỜI ĐIỀU LÀNH TIÊU CỰC VÀ MƯỜI ĐIỀU LÀNH TÍCH CỰC
10 điều thiện tích cực là tạo duyên tương tác với cuộc sống tương quan giữa mọi chúng sanh.
Kết quả của pháp tu thập thiện là hành giả sau khi thân hoại mạng chung được sanh về cõi trời.
Thinh văn thừa: Đây Pháp nền tảng giáo lý đạo Phật nó đưa hành giả từ phàm đến thánh, phải thông qua Tứ thánh đế, và 37 phẩm trợ đạo Tứ Niệm xứ - Tứ Chánh cần - Tứ như ý Túc - Ngũ căn - ngũ lực - Thất Bồ Đề phần - Bát chánh đạo -
 Duyên giác thừa: Đây là con đường của hành giả tu theo 12 nhân duyên
 Bồ Tát thừa: hành Bồ Tát hạnh thông qua lục độ ba la mật
Tuy nói ngũ thừa, thực chất trong mỗi con người đều có khả năng và tính chất của ngũ thừa, được xem là trạng thái tâm thức chứ không chỉ là cảnh giới sai biệt ngoài hiện tượng. Để giải quyết bất thiện, Phật giáo đưa ra tiêu chuẩn thiện là tâm thiện, hành thiện và ý thiện, lời nói ý nghĩ có lợi cho mình, cho người và cho chúng sanh, đó là tạo thập thiện nghiệp. Nghiệp cũng có:
  • Thuận sanh nghiệp: là nghiệp đem lại trong kiếp kế tiếp.
  • Hiện báo nghiệp: Là nghiệp gây ra trong kiếp hiện tại và có kết quả tức thì.
  • Hậu báo nghiệp: đời nầy tạo nghiệp đời sau mới có quả.
  • Vô hiệu nghiệp: Nghiệp tạo ra theo lẽ phải bị quả báo nhưng không đủ yếu tố phát khởi nên trở thành vô hiệu.
Khả năng báo ứng của nghiệp:
  • Cực trọng nghiệp: Đây là nghiệp tạo tội ngũ nghịch (Giết cha, giết Mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật bị thương chảy máu, Phá hoà hợp Tăng).
  • Cận tử nghiệp: Nghiệp nầy đến lúc thân sắp mất mới phát khởi.
  • Tập Quán nghiệp: Thói quen trong một đời hay nhiều đời do tập quán để lại.
  • Tích lũy nghiệp: do nhiều đời nhiều kiếp tạo nên mỗi lần mỗi tích trở thành nghiệp.
***
Giải quyết mọi tương quan, tương tác: khác với mọi tôn giáo quan tâm đến phụng thờ Thần tượng, và lễ nghi cầu khẩn, Phật giáo chỉ chú hướng vào hoán cải nghiệp thức tự thân và đưa ra những tiêu chuẩn cho hành động, ý nghĩ và lời nói tạo môi trường thuận lợi tốt đẹp cho cá nhân và cuộc sống chung quanh. Mọi việc trong cuộc sống do chính ta làm chủ. Giải quyết được nghiệp thức cá nhân cần giải quyết mối tương quan trong xã hội. Xã hội là mối tương quan y báu, chánh báu của những sinh loại đang có mặt, đồng thời tồn tại.
Con người ở cõi Nam Thiện Bộ Châu này, có tính chất đặc biệt hơn tất cả mọi chúng sinh trong 3 cõi khác về 2 cực: là Cực thiện và Cực ác. Vì thế thực hiện hạnh thí là điều kiện tiên quyết trên con đường hành trì mà Đông Thắng thần châu –Tây Ngưu hóa châu – Bắc cu lô châu không thể thực hiện. Cõi trời quá sướng, địa ngục quá khổ cũng khó có điều kiện thực hiện hạnh thí, nghĩa là giải quyết mối tương quan đồng trụ (cộng nghiệp) để làm nền tảng phước báu tiến tu đạo nghiệp.
Kết: Ngay khi Phật còn tại thế, từ lúc chứng đắc cho đến nhập diệt, Ngài luôn gắn bó với sự tương quan trong cuộc sống, ban ngày đi gieo duyên hoằng hóa, chiều về thuyết giảng cho chư Tăng, đầu canh khuya giải đáp thắc mắc cho chư Thiên, chính vì thế, giáo pháp để lại cho hàng xuất gia cũng như tại gia, không hề cách ly cuộc sống, nếu cách ly là cách ly tâm niệm ái dục. Từ đó, chúng ta thấy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Do mối tương quan sâu xa đó, hãy nghe một đoạn kinh giữa Phật và chư Thiên như sau:
Trong Lục Đạo luân hồi thì cõi chư Thiên là cõi nhiều phước báu và thần thông nhất, họ có thể nhìn thấy, thấu hiểu được suy tư, tâm trạng của cõi người. Sự hạn chế duy nhất của chư Thiên chỉ là chưa Liễu Tri được các Pháp và diệt trừ được các lậu hoặc để ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Họ hân hoan chào đón sự ra đời của Thế Tôn, hộ trì Thế Tôn và chánh pháp. Giữa chư Thiên và Thế Tôn có nhưng quan hệ rất đặc biệt mà không cõi nào có được.
* Thời gian Thái tử Tất Đạt Đa tu khổ hạnh, chư Thiên đã tiếp năng lượng để duy trì mạng sống cho Thái tử.
*Sau khi Thái tử đắc đạo, thỉnh cầu Thế Tôn thuyết pháp nơi thế gian chính là chư Thiên.
*Luôn hộ trì Thế Tôn và những người tu theo chánh pháp trong thế gian.
* Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, hộ trì Tam Bảo chính là chư Thiên. Ở đâu có người tu chánh pháp, có người với lòng bi mẫn sâu sắc đều cảm ứng đến chư Thiên. Sự màu nhiệm đầy màu sắc thần thông cũng là do chư Thiên cảm ứng gia lực hộ trì cho người trong thế gian.
* Thế Tôn thường dành thời gian giữa đêm (khoảng từ 22h đến 2 giờ sáng) để vấn đáp với chư Thiên đến hỏi đạo.
* Khi thỉnh Thế Tôn thuyết pháp, chư Thiên luôn cung kính, khiêm hạ với Thế Tôn
Am Tranh (S.i.8)
(Vị Thiên):
Ngài không có am tranh,
Ngài không có tổ ấm,
Ngài không có dây giăng,
 
Ngài thoát khỏi hệ phược.
(Thế Tôn):
Ta không có am tranh,
Ta không có tổ ấm,
Ta không có dây giăng,
Ta thoát khỏi hệ phược.
(Vị Thiên):
Con nói am là gì?
Nói tổ ấm là gì?
Nói dây giăng là gì?
Nói hệ phược là gì?
(Thế Tôn):
Ông nói am là mẹ,
Nói tổ ấm là vợ,
Nói dây giăng là con,
Nói hệ phược là ái.
(Vị Thiên):
Lành thay, Ngài không am!
Lành thay, không tổ ấm!
Lành thay, không dây giăng!
Lành thay, Ngài thoát phược!
Cho Gì? (S.i,32)
(Vị Thiên)
Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc?
Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả?
Xin đáp điều con hỏi?
(Thế Tôn):
Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,
Cho xe là cho lạc,
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả,
Ai giảng dạy Chánh pháp,
Vị ấy cho bất tử.
Chúng sanh qua 6 nẻo luân hồi, từng là thân bằng quyến thuộc lẫn nhau, do mối tương quan đưa đến tương tác lẫn nhau, phải có trách nhiệm đồng cam cộng khổ với nhau, từ đó đạo Phật phát khởi lòng từ và trí tuệ để dẫn dắt chúng sanh dần thoát ly khổ ải. Như vậy, đi tu không có nghĩa tiêu cực tìm hạnh phúc an lạc cho riêng mình, mà mình đặt trong trong niềm đau nỗi khổ của chúng sanh để tiến tu đạo nghiệp và đem đạo nghiệp đến cho chúng sanh cùng tiến tu. Đó là mối tương quan chắc thật và trách nhiệm của người con Phật.

MINH MẪN


03/02/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét