Con đưởng đất đỏ chạy ngang trước cổng chùa, rẽ tay mặt, qua vài căn nhà có vườn cây, chiếc cổng sắt đóng hờ, gọi vài tiếng, người đàn bà trên dưới 60 dáng vẻ chân quê chất phác, nghiêng đầu, rũ mái tóc vừa gội, nhìn ra cổng, nụ cười thân thiện dù chưa biết người đến tìm mình là ai.
- Dạ xin phép cho hỏi phải đây là nhà cô Năm?
- Dạ, tôi đây, mời anh vào nhà.
Căn nhà “tình nghĩa” gồm phòng khách độ 9m2, phòng ngủ chỉ độ 6m2, còn lại nhà bếp và nhà vệ sinh tổng cộng chu vi chưa tới 50m2, Tuy chật nhưng TV, tủ lạnh khá đầy đủ tiện nghi. Ngồi trên ghế salon cũ kỷ, bà đối diện, vẫn xõa tóc xuống vai cho cháu bé độ 5 tuổi chải tém đủ kiểu, cháu chải đi, chải lại có lẽ không vừa ý với cách trang điểm của mình.
- Đây là cháu ngoại của chị?
- Dạ không, trẻ lối xóm qua chơi.
- Chị được mấy cháu?
- Dạ có một gái, nó vừa về Sài gòn.
Trao đổi lòng vòng mà không hề thắc mắc người đối diện là ai, đến tìm mình với mục đích gì, kể cũng lạ, chả lẽ người dân quê thật tình đến độ khó hiểu!
- Thưa chị, cho phép tôi hỏi vài việc của chùa mà có lúc chị từng đến công quả một thời gian. Nghe đâu chị từng nấu ăn cho chùa, phục vụ chùa cũng như lo cho thầy, vậy lý do nào chị không đến chùa nữa?
- Lại nụ cười hồn hậu nở trên môi, chị nói tiếp: có nhiều việc buồn, mình cảm thấy hết duyên, thôi tu ở nhà cũng được.
- Nghe đâu chị nấu đồ ăn cho thầy, thầy không ăn mà còn hất đổ?
- Vấn đề còn nhiều phức tạp lắm chú ơi.
- Chị là một trong những người Phật tử đầu tiên của chùa Linh Quang?
- Dạ, lúc đầu còn ít người lắm, độ hơn chục người.
Muốn hỏi thêm, nhưng chả hiểu bà ta thế nào đó mà cứ ngần ngừ không muốn trả lời, chả khen mà cũng chả chê ông thầy, bà ta tỏ ra không hài lòng vấn đề gì đó. Tôi cám ơn xin kiếu từ.
***
Ra phía sau chùa, cách khoảng hơn vài mươi bước chân, hỏi thăm người đàn bà đang hái ổi, khế trong sân vườn.
- Thưa bác, đây có phải là nhà Phật tử của chùa Linh Quang?
- Vâng, có việc gì vậy, xin mời vào nhà.
Người dân quê rõ dễ mến, dễ thân thiện. Nếu ở thành phố, người lạ hỏi như thế, họ luôn đề phòng và không dám đường đột mời vào nhà. Bên trong căn nhà không lấy gì làm sang trọng, có lẽ vùng đất đỏ đã làm cho nhà nhà nhuốm màu cáu bẩn.Ông cụ có lẽ ngoài 50, mặt ửng đỏ, nhâm nhi vài chung rượu thuốc với bạn lối xóm, đưa mồi bằng đĩa ngô rang.
- Mời anh ngồi.
- Thưa anh, tiện việc đến thăm chùa Linh Quang, đi thăm vài gia đình tin Phật, thật đường đột đến mà không báo nên đã tạo sự ngỡ ngàng cho gia đình, xin anh thứ lỗi.
Ông ta từ tốn, cười cười, nói chẫm rãi theo kiểu lão già 80 say thuốc lào.
- Anh muốn tìm hiểu điều gì?
- Dạ, gần đây nghe nói chuyện lộn xộn chi đó, anh cho biết nguyên nhân thế nào?
- Ở đây tai mắt nhiều lắm, ngày mai công an mời lên chưa biết thế nào, cũng xoay quanh việc chùa thôi, xong việc, về chùa hẳn nói chuyện, cảm phiền anh.
Chả khai thác được gì, nhờ chủ nhà chỉ hướng đến nhà ông Hưởng. Đối diện nhà ông ta là con đường đất chạy thẳng vào xóm, cách hai căn nhà là nhà ông Hưởng. Tuy khoảng cách ngắn nhưng đến nhà thứ ba cũng phải vài mươi bước chân. Đất nhà vườn bề ngang mỗi lô cũng độ 20m, cây cối sum suê, tươi mát. Căn nhà xây kiểu mẹ bồng con. Gặp người đàn bà đứng tuổi đang quét dọn.
- Xin bác cho hỏi – đây là nhà ông Hưởng?
- Vâng, ông nhà tôi đi đám cưới có lẽ mai mới về, lên tận Đà Lạt.
- Vậy bác cho phép xin được hỏi, trước đây bác Hưởng là trưởng Ban hộ tự của chùa Linh Quang?
- Vâng.
- Thế sao bác không làm nữa?
- Ông thầy không nói được, lôi thôi lắm. Ăn rồi lo đi đánh tennis, rằm đem hàng tấn cá ngừ về phát cho toàn bộ Phật tử. Ông ta xúi Phật tử chống nhau…
Vừa nói xong, người đàn ông vận bộ âu phục màu tối sậm, chiếc Future màu xanh két chạy vào sân, trông dáng người cao ráo phong độ, nói giọng Huế. Người đàn bà giới thiệu thế nào đó, ông ta vào nhà gần nửa tiếng mới ra chào hỏi.
- Anh là nhà báo có giấy tờ gì chứng minh không? Tôi không biết anh có phải phe ông Thiện Thành hay không, nhưng tôi vừa về hơi mệt, hẹn anh sáng mai gặp.
Tôi ngỡ ngàng về trình độ và cách giao tiếp, ăn nói của người đàn ông từng là Trưởng ban hộ tự. Thầm nghĩ, ông làm gì có quyền xét hỏi giấy tờ tôi, công an cũng chỉ hỏi giấy tùy thân của một công dân nếu tôi đang phạm pháp. Chỉ có Thông tin văn hóa mới có quyền hỏi giấy chứng minh tác nghiệp khi đương sự vi phạm hoặc mượn danh vi phạm chức năng nghề nghiệp. Kiến thức luật pháp như thế chưa đủ tầm để chất vấn. Cho dù là phe ông Thiện Thành hay phe nào, mình hiểu thế nào cứ trình bày sự thật như thế có gì mà phải sợ. chỉ có tâm mờ ám mới ngại tiếp xúc, ngại bộc lộ việc làm bất chánh của mình. Thất vọng, tôi ra về, ngày hôm sau cũng chả cần đến tìm hiểu làm gì.
MINH MẪN
05/12/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét