Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

* NỖI NIỀM TRĂN TRỞ




Sau Đại hội Phật giáo Thành phố, chuẩn bị chưa đầy 10 ngày nữa là Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 8 năm 2017-2022, tại Hà Nội.

Trong cuộc gặp hành lang, một số vị Tôn túc vẫn còn ưu tư cho tiền đồ Phật giáo khi mà tổ chức Giáo hội hiện nay còn quá cồng kềnh, nặng về hình thức mà chưa chu toàn đúng mức về nhân sự trong 13 ban ngành thuộc hệ thống Giáo hội.

Hẳn nhiên từ từ cũng sẽ thay đổi, nhưng thay đổi từ từ là bao lâu thì chưa ai quyết đoán được, vì còn bị ràng buộc bởi những cơ chế chằng chịt thiếu thông thoáng. Đứng về mặt tổ chức có dung mạo tầm vóc quốc tế thì Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng đã có thế đứng và niềm tin đối với một số quốc gia Phật giáo; nhưng thật tình mà nói, do một bộ phận ngoại giao quốc tế được chỉ đạo sắp xếp bài bản để Phật giáo Việt Nam mạnh dạn bắt tay và tạo niềm tin với các quốc gia bạn, Điều này khỏi phải bàn.

Trở lại nội tình qua những nhiệm kỳ vừa rồi, Giáo hội có vài tiến bộ, nhưng tiến bộ không có nghĩa thay đổi chủ trương và cung cách bố trí nhân sự. Cứ 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm họp bàn rút tỉa kinh nghiệm, lắng nghe phản ảnh, không có nghĩa tất cả đều được tiếp thu và thực hiện. Chỉ riêng thành phần nhân sự từ Trung ương đến các địa phương, một vài khâu cứ như dẫm chân tại chỗ.

Đại hội Phật giáo Thành phố vừa rồi, vẫn còn vài quận huyện chưa tổ chức Đại hội, nội tình còn nhiều mắc mứu, buộc lòng Thành phố phải thông qua để hoàn thành nguyên tắc hành chánh chuẩn bị cho đại hội toàn quốc. Không riêng Thành phố, ngay cả một số tỉnh thành vẫn phải thông qua đại hội cho dù một vài quận huyện chưa có đại hội chính thức.

Địa phương đã như thế, Trung ương cũng gặp những trở ngại ở một số tỉnh thành đến nay chưa hoàn tất thủ tục tổ chức Đại hội, có nghĩa Đại hội Phật giáo toàn quốc là cổ xe buộc lòng phải cán qua những chướng ngại vật của chính tổ chức mình để tiếp tục tiến đến chương trình hoạch định trước cả năm.

Hiện nay, Phú Yên và Hải Phòng là hai Tỉnh gặp nhiều khó khăn trong nội tình Phật giáo, vẫn chưa tiến hành Đại hội. Giáo hội hiện nay chưa có một quy định nghiêm túc cho một vị lãnh đạo đầu ngành cấp tỉnh hay cấp quận, huyện với thời gian cho một nhiệm kỳ nhất định. Thiết nghĩ, một vị trưởng Ban trị sự đảm trách hai nhiệm kỳ là quá đủ. Tăng Ni trẻ tốt nghiệp học viện ra trường ngồi chơi, trong khi đó, có vị đảm nhiệm chức trưởng ban tại vị suốt đời mà chả thay đổi được bộ mặt Phật giáo địa phương. Tỉnh Bình Phước, HT Nhuận Thanh là một vị thế bất khả chuyển nhượng. Ngoài những đệ tử, khó ai có thể xen vào sinh hoạt cho dù những vùng xa xôi, vì thế mà Tin lành có đất phát triển. Đó là một ví dụ, hầu như đa số các tỉnh có những vị lớn tuổi làm trưởng BTS đều củng cố địa vị bằng tay chân thân tín như thế. Dĩ nhiên Tăng Ni trong tỉnh để được yên thân, không ai dám lên tiếng. Từ đó suy ra, hiện nay một số tỉnh chưa hoàn tất Đại hội cũng do nội tình tranh chấp, bất khả chuyển nhượng.

Với tuổi đời và tuổi đạo, các ngài nên lui về an trú tu tập để giáo huấn quần chúng, nhường lại cho tuổi trẻ năng động và sáng tạo góp phần phát triển Phật giáo nước nhà. Một khi các bậc cao niên mãi lo quyền lực địa vị thì hậu phương tất yếu trống vắng việc hành trì làm bóng mát cho đồ chúng, từ đó, Phật giáo chỉ còn lớp vỏ hào nhoáng, thiếu sức sống từ đạo lực miên mật mà chư Tổ xa xưa đã từng.

Định chế trong Hiến chương và pháp quy trong Giáo hội đã có một khoản trống quy định nhiệm kỳ có thời hạn để Phật giáo được thay da đổi thịt, chính vì thế mà các ngài tại vị vĩnh viễn. Từ cái vĩnh viễn đã tạo sự rạn nứt nội bộ trong BTS cấp tỉnh. Ngày càng tỏ ra sự bất lực trong vấn đề giải quyết nội bộ mà HĐTS chưa thể hiện được giáo quyền cần có. Một tổ chức dù thế gian cũng không thể có sứ quân một vùng, hà huống Phật giáo là tôn giác tự giác, xem đời là giả tạm thế mà ngôi vị quyền lực của BTS lại là vĩnh viễn có thật.

Cũng chưa muộn để Giáo hội duyệt xét lại nhân thân của từng vị đảm nhiệm chức vụ, tuổi tác, uy tín, đạo hạnh trong tôn giáo là điểm cơ bản khác với thế tục. Muốn Phật giáo lớn mạnh, gần 40 năm đủ để mạnh dạn thực hiện thay ngôi đổi việc những vị không làm tròn nhiệm vụ trong 2 nhiệm kỳ hoặc tạo mất đoàn kết trong tổ chức, hoặc đứng đầu một ban ngành quan trọng mà nhân thân chưa trọn giới đức. Có thể hiện giáo quyền thì công việc Phật sự mới trôi chảy. Tính cả nể chỉ tương nhượng trong gia môn , khi ra công đường phải tuân thủ giáo luật.

Hẳn nhiên còn rất nhiều vấn đề phức tạp hiện nay trong nội tình Phật giáo, từ Trung ương đến địa phương, quyết tâm thay đổi vẫn có thể vượt qua những chướng ngại đó, vì một tương lai cho PGVN xứng tầm quốc tế, mong HĐTS xắn tay vào việc.

Đại hội Phật giáo toàn quốc nằm trong thời điểm thiên tai tại các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Chương trình đã hoạch định trước cả năm nên không thể thay đổi, tuy nhiên, việc cứu trợ vẫn được một số chư Tăng, Phật tử tiếp tục góp phần xoa dịu niềm đau nỗi khổ cho đồng bào.

Thực hiện hoàn chỉnh nhân sự trong Đại hội song song với việc dang tay cứu trợ thiên tai đều là nhiệm vụ của người con Phật, Chắc chắn, sau Đại hội toàn quốc, những lợn cợn tại một số tỉnh thành sẽ được giải quyết dứt điểm, để tránh làm tiền lệ cho những Phật giáo tỉnh thành khác về sau.


MINH MẪN
08/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét