Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
CÒN LẠI TRONG TA
Cái con hẽm cụt tại ngã tư Trung Chánh, điểm cuối cùng cho cuộc sống của tôi, bây giờ cũng không còn có chổ để kiếm sống, tôi bị tước đoạt tận cùng như cây chuối lột hết các lớp bẹ bên ngoài,còn trơ cái lỏi trong suốt, nhưng vẫn tiếp tục sống, mỗi ngày cái lỏi vẫn nhú ra thêm!
17 năm trước, sau 10 năm học tập cải tạo, về, tôi chọn nghề bơm quẹt ga ở vỉa hè, ít vốn, nhẹ, không bon chen; Những tháng đầu, cuốc bộ đi về mỗi ngày 10km, lon cơm và bình nước đủ dùng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Hai bên vệ đường, trước mặt tiền nhà thiên hạ là nơi tạm trú hằng ngày cho cuộc sống, cứ mãi di chuyển mỗi khi chủ nhà đuổi, 3 năm cuối, chủ nhà mở cửa hàng xe gắn máy,tôi chọn con hẽm kế quán cơm chay, ngồi thỏm sâu vào trong, cách đường lộ hơn mươi thước, có lẽ yên phận, không đụng chạm, phiền phức đến ai, hình như cũng chẳng ai thấy mình; Không bàn ghế, ngồi bệch xuống đất như mấy mụ bán chợ trời núp dưới gốc cây. Sau những năm tháng cần cù, tôi đã có chiếc xe Honda cũ kỷ. Do lâu năm sống vỉa hè, tuy ở trong sâu, vẫn có khách tìm đến.thế là tôi vẫn hiện hữu tại ngã tư ấy, như mấy mụ buôn ve chai, mấy chàng xe ôm, mấy cô buôn gánh bán bưng, những ông cụ già còng lưng vì xấp vé số trên tay, đám anh chị chích chót, đám trẻ con lượm bịch ni lông, tất cả tầng lớp tận cùng xã hội, mỗi ngày góp mặt tạo nên khung cảnh sống động như cái sống động của thời kinh tế thị trường!
Con đường Xuyên Á mở rộng, nhà cửa hai bên đua nhau lên tấm, nghèo lắm cũng được một tầng, có nơi đổ năm sáu tấm, trông đẹp mắt. Ai không có tiền lên lầu ở mặt tiền đường, bán, chui vào hẽm, ra miền quê, nhường lại bộ mặt trù phú phát triển cho kẻ có tiền. Trước đây độ dăm ba năm, đường hẹp, nhà hai bên lụp sụp, đóng cửa,phần lớn họ đi về thành phố làm ăn, từ ngày kinh tế mở cửa, hai bên đường đều tìm cách kinh doanh, kẻ có tiền đổ vào đầu tư buôn bán, người không vốn, cho mướn mặt bằng; Những chiếc xe đò cũ cũng phải bán ve chai, không cho đăng kiểm, xe taxi thuộc đời mới nhất lưu hành nhộn nhịp; Ba gác, cyclo bị bắt khi lưu hành tại đại lộ thành phố; người người đua nhau làm kinh tế, kẻ bỏ tiền quá nhiều, nguồn lợi thu lại không tương xứng, sự phát triển trên bề mặt xã hội hào nhoáng, trong khi , đời sống người dân ở mức thiếu hụt lung tung, kinh doanh lớn lỗ lớn, làm ăn nhỏ lỗ nhỏ, vỡ nợ, đóng cửa, nhiều kẻ không vốn, muốn mau giàu, làm ăn phi pháp, thụt két, lừa đảo, tham ô đều bị bắt; Báo chí thường cung cấp cho người dân thấy những cảnh bát nháo khắp mọi ngỏ ngách trong nước. Việt kiều muốn về làm ăn, họ ngần ngại, buổi giao thời mở cửa luôn có điều bất trắc, bất cứ quốc gia nào cũng vậy; Nhà nước cũng điên đầu, dọ dẩm từng bước, chính sách thay đổi luôn luôn cho hợp tình thế. Không ít kẻ phất lên như diều gặp gió, cũng lắm người từ thượng lưu tuột xuống trung lưu, tầm trung lưu ngấp nghé ngưỡng cửa hạ lưu; cuộc sát phạt không khoan nhượng của kinh tế thị trường; Thời bao cấp kẻ ít vốn có thể sống dể dàng, thời kinh tế thị trường nhiều tiền đôi khi khó xoay xở
Khi mặt trời trốn sau các cao ốc hướng Tây, đạo quân lao động chân tay cũng lũ lượt lếch thếch trở về, một bộ mặt xã hội về đêm xuất hiện, hai bên đường, hàng quán bày bán cơm tấm, nước giải khát, nghêu sò ốc hến, vài xị đế đủ giải sầu cho dân chân lấm tay bùn, đủ thứ dịch vụ cho sinh hoạt về đêm, người Miên, dân lang bạt các tỉnh về thành phố kiếm sống, tìm một hiên nhà đâu đó để ngã lưng; Không khí oi bức ngột ngạt, cái huyên náo , nhộn nhịp và âm thanh ầm ỉ ban ngày, cũng dịu dần lúc màn đêm bao phủ .
Những năm gần đây,mấy tay có lưng vốn, hùn nhau mở xí nghiệp sản xuất quẹt gas nội địa, giá rẽ mạt, một ngàn đồng mua được hai cái, có khi xài chưa hết gas đã bỏ, hư, chất lượng kém, mấy tay bơm quẹt như chúng tôi phải ngồi trơ mõm, anh em đi bơm dạo, may ra đủ tiền cơm, dân quê hà tiện, bơm lại xài bền hơn mua mới,làng bơm quẹt vì vậy sống nhờ dân nghèo, ở thành phố, thà mua một ngàn xài xong vứt bỏ còn hơn bơm lại một ngàn! Dân lao động tận cùng xã hội, kể cả cyclo, ba bánh cũng đổ về ngoại ô kiếm sống. Cái con hẽm từ thời Bảo Đại đến nay, không ai ngó ngàn đến, chỉ dùng làm nơi đổ rác, ngày nay thiên hạ cũng tận dụng trong cơ chế thị trường, mới biết tấc đất tấc vàng, nghe đâu một tay nào đó, mướn giá cao, bỏ ra hàng chục triệu để mở bi-da cá độ, có em út phục vụ đủ kiểu, vì vậy con hẽm được rào dậu kỷ, có bảo vệ, tôi phải ra đứng trên vỉa hè! Ngẩm lại đời mình, chả lẽ không còn đất dung thân!
…Về 17 năm. Có gia đình, có việc làm, vẫn không có hộ khẩu, đóng góp mọi nghĩa vụ tại địa phương vẫn là phó thường dân; Chiếc xe sắp phế thải để làm chưng đi lại cũng bị Công An giao thông tịch thu vì đậu trên vỉa hè trong chiến dịch làm đẹp thành phố; Cái nghề tận mạt lương thiện cũng khai tử vì cơ chế thị trường, con hẽm tôi xem như địa chỉ thường trú cũng bị xóa sổ; Tôi nhìn những người tha phương từ Campuchia nằm lăn lóc khắp vỉa hè, tự mình còn chút an ủi, dẫu sao, cái hàng ba tôi ngũ mỗi đêm của nhà mình, vẫn tránh được mưa và muỗi mòng; Sáng ngồi vỉa hè, tối ngũ hàng ba, chiều la cà các quán cũng thú vị.
Bây giờ kiểm lại đời mình, lắng nghe chấn động lực nội tâm để âm thanh cuộc sống đời thường nhạt dần, hoạt cảnh xô bồ của sự sát phạt trong cơ chế thị trường cũng mỏng đi dưới ánh sáng của niềm tin đời mình; Loại bỏ tất cả những gì xung quanh cuộc sống dính mắc, tôi, tôi hiểu ra rằng, tôi vẫn còn có cái tôi để tâm sự chính mình, không sợ ai tước đoạt nữa, một con hẽm riêng tư và mầu nhiệm mãi mãi còn đây !
MINH MẪN
05/10/03
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét