Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

*LẠM DỤNG DANH XƯNG


Báo Nhân Dân ngày 22-1-2017 tường thuật cuộc gặp và trò chuyện của nhà báo Nguyễn Như Phong với TT T.Huệ Đăng tại Lâm Đồng, sau đó TT đích thân đến tòa soạn để trò chuyện tiếp với phóng viên.

Trong tựa đề bài báo viết:Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh
“Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước”. 

****
Nhà báo kể về giờ giấc sinh hoạt thường ngày, cách ăn uống và làm việc của thầy Huệ Đăng. Ca ngợi dùng nội lực Yoga để tiêu diệt khối U, ung thư dạ dày...
", Trung tâm Sivanada Yoga Vedante Quốc tế thuộc Học viện Yoga Vedante Forest đã cấp bằng cho ông với tước hiệu là “Bậc thầy Yoga”.
Chuyện Thượng tọa luyện Yoga, tìm ra phương pháp “thở bằng xương sống”, vốn bị thất truyền từ gần 2.000 năm, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một phóng sự khác.
......Ở Việt Nam, có lẽ chưa có một vị Thượng tọa nào lại có thể giảng giải 21 bộ Kinh Phật mà không cần sổ sách, giấy tờ. Và sau này người ta cứ mang băng ghi âm mà Thượng tọa đã giảng, gỡ ra rồi in thành sách...."
Có lẽ nhà báo chưa biết nhiều về những cao Tăng trong Phật giáo đã từng diễn giảng hàng trăm bộ kinh chứ không chỉ 21 bộ như nhà báo tán thán.
"Tôi để ý thấy ở đầu giường của Thượng tọa có bức ảnh một nhà sư mặc áo vàng, nét mặt trang nghiêm, đang cầm bát đi khất thực.Nhìn bức ảnh này, tôi ngờ ngợ vì thấy quen quen.Tôi hỏi Thượng tọa, người này là ai? Thượng tọa nói luôn: “Đó là Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh”.
Tạm ngưng nơi đây để tìm hiểu về danh xưng "ĐẠI BỒ TÁT - A LA HÁN":
A LA HÁN là một trong 4 quả Thanh Văn, một trong 10 hiệu của Như Lai.Dịch là Ứng, Ứng cúng,ứng chân, sát tặc, bất sinh, vô sinh,vô học, chân nhân.Chỉ bậc Thánh đã dứt Kiến hoặc và Tư hoặc trong ba cõi, chứng được tận trí, xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường của người đời. Tóm lại gồm ba nghĩa:-Sát tặc, bất sinh,Ứng cúng.
BỒ TÁT:Từ gọi tắt của Bồ Đề Tát Đỏa...hàm ý là người cầu đạo, cầu đại giác, người có tâm cầu đạo rộng lớn. Bồ Tát là chỉ cho người tu hành trên cầu Vô thượng Bồ Đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sanh bằng tâm từ bi,tu các hạnh ba la mật và trong vị lai sẽ thành tựu quả Phật.
Bồ Tát giải thoát ngũ nghĩa: Hoa Nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao nêu 5 nghĩa giải thoát của Bồ Tát:
1. Sinh tử bất năng phược, nghĩa là chúng sanh bị sống chết trói buộc, nhưng Bồ Tát không bị sống chết trói buộc.
2. Cảnh tướng bất năng phược, cảnh tướng chỉ cho tất cả tướng của cảnh giới, nghĩa là Bồ Tát tuy thấy tất cả cảnh giới, nhưng không bị dính mắc.
3. Hiện hoặc bất năng phược. Hiện hoặc là cái thấy phân biệt trước mắt. Nghĩa là Bồ Tát không để vướng mắc vào cái đối tượng mình thấy trước mặt, và biết rõ cái tâm hay thấy cũng là không.
4. Hữu bất năng phược. Hữu chỉ cho các pháp có tạo tác mà Bồ Tát thấy không nên không chấp trước.
5. Hoặc bất năng phược, nghĩa là Bồ Tát thấy suốt mê vọng tức chân như, phiền não tức bồ đề nên chẳng dính mắc.
Bồ Tát địa, bồ Tát gia vị, Bồ Tát đạo...(Phật Quang Đại từ điển)
Như vậy, Bồ Tát rất nhiều dạng nghĩa, nhưng tựu chung mọi công hạnh của Bồ Tát đều vì lợi ích cho chúng sanh và chí hướng đưa đến giải thoát. Cái thấy, cái biết của Bồ Tát không bị dính mắc vào ngũ trược ác thế.Xấu tốt, thiện ác...đều không thể tác động tâm của hành giả Bồ Tát. Bồ Tát không thấy có tốt xấu, thiện ác mà chỉ duy nhất lòng từ cứu độ chúng sanh và trí tuệ hướng đến giải thoát.
                                                            ****
Thông thường, làm lợi ích cho cộng đồng xã hội, hoặc giúp đỡ ai đó đều được coi là Bồ Tát hạnh. Nhưng lợi cho người này hại cho kẻ khác thì không thể xem đó là công hạnh của một hành giả Bồ Tát.Vì Bồ Tát không bao giờ đem lại khổ đau cho bất cứ chúng sanh nào.Khi hành xử, công hạnh của một hành giả Bồ Tát  luôn đi kèm với trí tuệ, nghĩa là Từ bi phải có trí tuệ.Đối với thế gian, bênh vực giúp đỡ kẻ này làm thiệt hại khổ đau cho kẻ khác, nếu chính nghĩa thì được xem là nghĩa hiệp, là anh hùng... chứ không thể là một Bồ Tát. Giải phóng một dân tộc khỏi ách bị trị được xem là anh hùng dân tộc, hoặc những từ ca ngợi cao cả khác mang tính thế tục. Vì thế, thầy Huệ Đăng áp dụng chữ đại Bồ Tát trong trường hợp này hơi quá đáng và cường điệu.
A LA HÁN theo định nghĩa trên thì cũng khó mà thích ứng với chủ đề bài báo nêu ra.“Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La Hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Theo hiểu biết của thây Huệ Đăng như thế thì chưa đủ nghĩa của một vị Alahan hay một hành giả Bồ Tát đạo.
Cũng trong bài báo, thầy Huệ Đăng bảo:-"từ bỏ cuộc sống đang yên bình để dấn thân vào con đường mịt mù chông gai, gian khổ, từ đó tìm ra con đường giành độc lập cho dân tộc. Con đường của Người cũng là đi theo chân lý của Đức Phật. Người là một vị Đại Bồ Tát tái sinh, đã nhập thế, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, Điều này giống Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cung vàng điện ngọc, ngai vàng, vợ đẹp con ngoan, đi tu hành tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh."
Tuy hai hành trạng giống nhau, nhưng không thể đánh đồng cả hai là một, vì một đàng từ bỏ vinh hoa phú quý tìm đường giải thoát chúng sanh, một đàng từ bỏ cuộc sống yên bình ra đi tìm đường cứu nước là hai hình ảnh của mặt trời và ngôi sao.Giải thoát chúng sanh là không làm một chúng sanh nào đau khổ.Giải phóng dân tộc đành rằng là hành động cao cả, nhưng vẫn còn có những chúng sanh chết chóc tang thương, làm sao mà đánh đồng như thế?Yêu nước thương nòi mà hy sinh đời tư thì đó là anh hùng dân tộc (cũng tùy góc nhìn).Hy sinh đời tư để giải thoát muôn loài, đem lại an lạc cho chúng sanh thì đó là hành trạng của một bậc Thánh.
Thầy giải thích hình ảnh của vị đi khất thực rồi kết luận như sau:
Đã có nhiều người cho rằng, Ngài mang bát đi khất thực ở Thái Lan đó là cách che mắt mật thám, thật ra không phải như vậy. Đi khất thực ngoài ý nghĩa nhận sự cúng dường của chúng sinh còn là một hình thức tu thiền, đi để cảm nhận được cuộc sống vất vả lầm than, đi để mà suy ngẫm về số phận của chúng sinh. Nhà sư đi khất thực chỉ được đi theo một con đường luôn hướng về phía trước và không được quay ngược trở lại, đây chính là ý nghĩa đích thực của việc đi khất thực. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã lên tàu bôn ba năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, đã đi sẽ không quay trở lại, mà chỉ về khi đã tìm ra chân lý”.
Chả hiểu thầy biết thế nào về luật nghi của một vị khất sĩ mà đem so sánh chập choạng như thế, muốn kéo chân lý nhà Phật xuống mức tầm thường thế tục?
..."Rồi Thượng tọa cho tôi xem những tập bài giảng, bài nói chuyện và tham luận của ông về tư tưởng Phật giáo của Hồ Chí Minh, Trần Nhân Tông và của Phật Thích Ca Mâu Ni, Thượng tọa luôn giữ quan điểm rằng, giữa 3 người này có một nét chung đó là tìm đường cứu dân, cứu nước bằng chân lý Phật pháp."
Thầy phát hiện tư tưởng Hồ Chí Minh bằng chân lý nhà Phật hay "duy vật biện chứng" của Mác Lê?
Người bộc bạch: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Cái ham muốn này của thầy chả có gì đặc biệt vì 90 triệu dân Việt Nam có ai ham muốn khác hơn?
Dưới cặp mặt của một hành giả Bồ Tát đạo, tất cả chúng sanh đều là con đỏ, không phân biệt thân thù, không vướng mắc oán hận; một giáo lý siêu thoát làm sao có thể so sánh với hành trạng của thế tục?
Trần Nhân Tông là một anh hùng dân tộc, là vị vua sống theo tinh thần nhà Phật. Sau khi hoàn thành sứ mạng bảo vệ đất nước, ngài trở lại con đường giải thoát, đó là 2giai đoạn khác nhau, không thể lập lờ so sánh như thế.

Kết: Vấn đề đời tư của thầy, kinh doanh, kinh tế tự túc là một trong ngũ minh của nhà Phật cho phép cư sĩ tại gia thực hiện. Một tu sĩ có sứ mệnh hoằng pháp cũng có thể chấp nhận những công việc liên quan đến lợi dưỡng. Giới luật nhà Phật cấm tỳ kheo canh tác, mua bán...dành cho những bậc xuất trần, chuyên tu miên mật đi đến giải thoát. Quyền riêng tư mỗi người, nhưng không vì thế tự hãnh diện là một nhà khoa học trong công việc cấy "meo giống" chờ bằng khen của nhà nước, tự mãn trong việc sáng tác, diễn giảng hay bất cứ điều gì mà đó là việc tất yếu của người mang sắc tướng Như Lai.
Cá nhân có thể nói năng thế nào cũng được, nhưng một khi là nhà sư đã phê bình nhà báo Nguyễn Như Phong không hiểu nhiều về Phật giáo thì thầy đừng nên phát biểu những vấn đề liên quan đến giáo lý nhà Phật áp dụng cho thế tục một cách lệch lạc linh tinh.
Những gì Nguyễn Như Phong ca tụng thầy chỉ là ảo danh, không vì thế mà tự mãn làm hại uy tín của một nhà sư.

MINH MẪN
07/9/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét