Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo
khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân.
Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
Lão sống trên chiếc thuyền, trôi giạt hoặc tấp ở đâu đó bất định, nhưng khi cần gặp lão thì cũng không khó. Người ta chỉ việc đứng bên sông, gọi lớn “ông già ơi, ông già ơi!” thì trước sau gì cũng sẽ thấy lão xuất hiện. Không ai biết tên lão, có hỏi lão cũng chỉ cười mà lặng thinh, nên cứ gọi lão là “ông già.” Những bệnh lặt vặt thời tiết, tai nạn cấp cứu… thì trong làng đã có các thầy thuốc bậc trung, bậc hạ, không thiếu. Chỉ các bệnh nan y mà những lang y của làng không chữa nổi, người ta mới rước lão già ấy vào làng, hoặc chịu khó đem bệnh nhân ra bờ sông, đưa lên thuyền của lão để được chữa trị. Mà đã đến tay lão thì bệnh gì cũng khỏi. Cho nên, dù lão chưa bao giờ xưng là y sĩ, bác sĩ, cũng chưa có một bảng hiệu hay giấy chứng nhận, bằng hành nghề, giấy giới thiệu, bảng tuyên dương… nào cả, thiên hạ vẫn mặc nhiên gọi lão một cách tôn kính là “thần y.” Sự xưng tụng ấy không đến tai lão, hoặc có đến nhưng lão bỏ ngoài tai. Tôn hiệu ấy là để nói với nhau khi vắng mặt lão, chứ khi trực tiếp gặp lão, người ta vẫn cứ gọi hai chữ thân mật, gần gũi: “ông già.”
Một hôm có chàng trai trẻ lặn lội từ xa, những mấy ngày đường, đến bên sông, chờ đợi thuyền của lão tấp vào bờ, liền xin được làm học trò của lão. Lão vẫn còn ngồi trên thuyền, im lặng không nói gì, chỉ tiếp tục lui hui nơi bếp lò với một món thuốc nào đó. Chàng tuổi trẻ quỳ sụp dưới đất, tỏ vẻ khẩn khoản, mong cầu. Một chặp, lão già mới nói, tay không ngưng làm việc:
“Ta chưa hề nhận học trò.”
“Con từ làng xa tìm đến thầy, mong thầy phá lệ nhận con, vì nếu thầy không truyền dạy, mai sau nghề của thầy sẽ thất truyền.”
Lão già cười nhạt:
“Con tưởng rằng tay nghề của ta chỉ ở nơi những rễ cây, lá thuốc này hay sao?”
Chàng thanh niên hơi lúng túng, rồi lại nhanh miệng nói:
“Dạ, dạ.. dĩ nhiên không phải chỉ nơi lá thuốc, mà thầy còn châm cứu, bấm huyệt, hướng dẫn thể dục, vận động… con từng nghe như vậy.”
Lão già im lặng. Một lúc, lão vừa chế một loại thuốc vào một cái lọ nhỏ, vừa hỏi:
“Vì mục đích nào mà con muốn học thuốc?”
Chàng thanh niên mừng rỡ, trả lời ngay:
“Dạ, vì lòng hiếu với mẹ, muốn học nghề thuốc để chữa trị bệnh nan y của mẹ.”
Lão già ngưng một lúc lâu, rồi nói, giọng lạnh nhạt:
“Thế à! Bệnh thế nào mà gọi là nan y?”
“Thưa, từ ngày cha của con bệnh nặng, qua đời, mẹ con không ngủ được nữa. Mà chứng bệnh ấy, cũng là chứng bệnh mà cha con mắc phải suốt nhiều năm trước khi mất. Con nghĩ nếu con không học ngành y để chữa bệnh cho mẹ, e có ngày…”
“Không sao đâu,” lão già nói. “Con muốn học gì thì cứ học, bệnh của mẹ con không liên quan gì.”
“Thưa, ý của thầy là thế nào? Dù con có học y dược cũng không chữa trị được cho mẹ hay sao? Thầy chấp nhận con làm học trò rồi, phải không thưa thầy?”
“Không. Ta đã nói ta không nhận học trò.”
“Vậy… thầy nói bệnh của mẹ con không liên quan là ý thế nào, con không hiểu. Có phải là chính thầy cũng không chữa được?”
Lão già xua tay, nói:
“Ý ta là mẹ của con không sao, sẽ còn ở đời nhiều năm nữa chờ đợi chính tay con chữa. Còn việc con học ngành Y… ta cho là không thích hợp. Dù ta có dạy, con cũng không thể là một y sĩ giỏi.”
Chàng thanh niên sửng sốt, trố mắt nhìn lão già một lúc; rồi cúi đầu nhìn đăm đăm dưới đất, sắc diện thay đổi từ đỏ ửng sang tím ngắt… Một hồi lâu, chàng im lặng đứng dậy, từ từ quay đi. Lão già nhìn theo, lắc đầu.
*
Quyết tâm học ngành thuốc cho kỳ được để chữa trị cho mẹ, và cũng để chứng minh cho lão “thần y” thấy rằng lão đã sai, chàng thanh niên tìm đến nhiều vị danh y khác để cầu học. Với trí thông minh chỉ trên trung bình nhưng nhờ chịu khó, và biết tranh thủ nhân tâm, chàng đã lần lượt chiếm được sự tin yêu của nhiều vị y sư với từng chuyên khoa khác nhau; đến nỗi hầu như các y sư đều tận lực dành thời gian và tâm huyết để truyền hết sở học và kinh nghiệm của họ cho chàng.
Mười năm sau, chàng thanh niên trở thành một danh y chữa bá bệnh, mở phòng mạch thật lớn ở thành phố. Không những chữa bệnh, danh y này còn biết cóp nhặt và pha trộn các môn thiền vận động, chú tâm nơi hơi thở và các động tác của thân như thái cực quyền, du-già (yoga), khí công, dưỡng sinh, võ thuật… để lập nên một môn phái gọi là Thiền Y, với châm ngôn “Tự trì, tự trị.” Lý thuyết và sự thực hành của Thiền Y không có gì mới lạ, vì chỉ là sự vay mượn rồi chế biến từ các môn Thiền, Võ và Y đã có sẵn từ ngàn xưa; nhưng hậu ý của Thiền Y là đánh bạt đi tất cả những thiền sư và y sư khác, bằng chủ trương mọi người đều có thể tự hành trì, tự chữa trị, mà không cần thiền sư hay y sư (tự trì, tự trị). Đã có một số môn sinh đến học môn Thiền Y này, với hy vọng tiến đến trình độ “vô sư” – nghĩa là có thể tự độ, tự trị. Nhưng mánh khoé của môn chủ Thiền Y mà đám môn sinh không thể nào biết được, đó là kéo họ ra khỏi vòng ảnh hưởng của các thiền sư và y sư khác, qui tụ về dưới sự dẫn dắt của mình để họ được “tự trì tự trị” mà kỳ thực, suốt cả đời họ vẫn không thể tự độ hay tự trị, vẫn không thể ra khỏi vòng ảnh hưởng của Thiền Y.
Ngoài khả năng chữa bệnh và môn thể dục tổng hợp Thiền – Y, môn chủ còn được các môn sinh ca tụng lòng hiếu thảo, tôn kính gọi “sư phụ” bằng một mỹ danh khác là “Hiếu Y,” tức một y sĩ nổi tiếng vì lòng hiếu, đã dành hết tâm chí và thời gian học ngành Y chỉ vì muốn chữa trị cho mẹ.
Sau mười năm cặm cụi học Y, rồi mười năm nỗ lực tạo danh tiếng, ảnh hưởng của Hiếu Y vẫn còn rất hạn chế, chưa đúng với ý nguyện. Môn sinh theo học vẫn còn lác đác, mà trong số đó cũng chẳng ai xuất sắc; phòng mạch chữa bệnh treo bảng to lớn, mà bệnh nhân cũng xấp xỉ ngang bằng với các y sĩ chung quanh; chưa có gì gọi là nổi trội. Môn sinh của Hiếu Y còn tìm cách mời những thiền sư và y sĩ khác đến nghe môn chủ thuyết giáo, diễn đạt về Thiền Y, mục đích là mượn sự có mặt của các thiền sư và y sĩ kia mà nâng cao uy tín của Hiếu Y. Nhưng rồi những lọc lừa ấy cũng không qua mặt nổi các thiền sư và y sĩ thực thụ. Đâu vẫn hoàn đó, vì thực chất kiến giải và trình độ của Hiếu Y chỉ là sự vay mượn, cóp nhặt.
Thực ra, điều mà Hiếu Y mong mỏi là danh vọng phải hết sức lẫy lừng để cho tiếng đồn có thể lan đến chiếc thuyền của lão thần y trên sông. Nỗi căm giận và lòng tự ái năm xưa, mỗi khi nhớ lại, Hiếu Y vẫn thấy trong lòng sôi lên sùng sục.
Ngày ấy, phòng mạch vắng khách, môn sinh rủ nhau đi dự tiệc vui chơi ở nhà bằng hữu, Hiếu Y cảm thấy nỗi cô đơn trống vắng như bao trùm cả cuộc đời. Khi môn sinh và bệnh nhân quây quần chung quanh, Hiếu Y có cảm giác mình là trung tâm vũ trụ, được mọi người ngước nhìn và lắng nghe với lòng ngưỡng mộ; nhưng khi họ rời khỏi, chàng là con số không, chẳng là gì cả.
Tại sao, tại sao ta chẳng là gì, chẳng thể nào là y sĩ giỏi… như lời lão thần y nói năm xưa! Không thể kềm lòng được nữa, Hiếu Y lặng lẽ lên đường, tìm đến con sông ngày ấy, nơi cách xa phòng mạch của chàng đến mấy trăm dặm.
Lúc ấy là lúc thuận tiện cho Hiếu Y gặp lão già, vì thuyền đang neo bên sông. Lão già vừa xắc những rễ lá đã phơi khô, vừa canh lửa sắc thuốc trong cái siêu nhỏ. Hiếu Y xin được lên thuyền, ngồi nơi mũi thuyền, nhìn chăm chăm vào lão già, nói giọng ngạo nghễ:
“Ông nói tôi không thể là y sĩ giỏi. Bây giờ tôi là danh y, là hiếu y, khắp thiên hạ ai cũng biết.”
Lão già ngưng một chốc, rồi tiếp tục làm thuốc. Hồi lâu, lão nói, giọng rất đỗi từ bi:
“Đã hai mươi năm qua rồi, những gì ta dạy con năm ấy, con vẫn chưa lãnh hội được sao, thật đáng tiếc!”
Hiếu Y đứng bật dậy, nổi sung nói:
“Ông chưa dạy tôi điều gì, tôi chưa học ông cái gì cả! Tất cả thành tựu của tôi là do tôi, do sức và trí của chính tôi! Tôi đến đây hôm nay là để nói ông biết điều ấy, rằng tôi đã thành công, đã là một danh y, không những thế, còn là một hiếu y!”
Nói rồi, Hiếu Y dợm quay đi, tính rời thuyền, thì lão già cười bật lên một tràng. Hiếu Y dừng chân, quay lại chờ đợi xem lão muốn nói gì. Lão thần y vừa cười, vừa nói:
“Nổi tiếng chưa hẳn là giỏi. Ta đã nói rồi, con không thể nào là một lương y, một y sĩ giỏi.”
Hiếu Y đỏ bừng sắc mặt, giận căm, nói không ra lời; nghiến hai hàm răng, hai nắm tay xiết lại, như thể muốn giết lão thần y cho bõ ghét. Nhưng rồi Hiếu Y cũng tự chế, cố gắng nuốt hận, nhảy phóc lên bờ, bỏ đi. Lão già từ thuyền con nhìn theo, lắc đầu.
Mười năm sau, Hiếu Y trở lại bờ sông. Bây giờ chàng đã là y sĩ trên năm mươi tuổi, trong khi lão thần y đã chín mươi ngoài. Thất thểu, dè dặt, bước lên thuyền, thấy lão già đang chăm chú vê những viên thuốc tễ, Hiếu Y quỳ sụp xuống lòng thuyền, khóc òa, khóc thảm thiết. Lão già ngừng làm việc, rửa tay, lau tay, im lặng một lúc, lão nói, giọng đầy thương yêu:
“Thoắt cái đã ba mươi năm qua rồi. Chuyện gì đã xảy ra cho con?”
Hiếu Y lại khóc rống lên, vô cùng thảm não. Phải một lúc lâu mới hết nức nở, Hiếu Y bắt đầu kể lể:
“Năm đó rời khỏi đây, con trở về thành phố để tiếp tục chữa bệnh thì không may đưa lầm thuốc làm chết một người; phòng mạch bị niêm phong không cho hoạt động, nhà cửa phải bán đi để đền bồi nhân mạng, phần con phải đi tù 9 năm. Ra khỏi tù, trắng tay, vợ con đi đâu mất biệt tìm không ra. Chỉ còn mẹ già sống nương nơi nhà một môn sinh thân tín. Tất cả những gì con gầy dựng nên đều mất hết, mất tất cả. Suốt nhiều ngày qua, con như kẻ khùng điên, đầu óc mơ hồ, mang mang, dường như không còn ý thức hay suy nghĩ một điều gì. Nỗi đau khổ, khốn đốn cùng tột đã đẩy con đến một trạng thái thật trống rỗng, trống rỗng… Cho đến mấy hôm trước, sau một giấc ngủ dài trong mệt mỏi, con thức dậy thì chợt nhớ đến thầy, nhớ đến những gì thầy dạy con năm xưa… Thưa thầy, xin hãy dạy con, cho con biết con phải làm sao? Tại sao con không thể là lương y, là y sĩ giỏi?”
Lão già im lặng, pha trà, đưa tay ra dấu mời Hiếu Y. Gió mơn man lùa nhẹ trên mặt sông rộng. Một đàn cá trồi lên mặt nước, chép chép miệng, gợn những vòng sóng nhỏ gần nơi chiếc thuyền có hai lão già ngồi im. Lá vàng lác đác rụng xuống bờ sông. Mặt nước yên tĩnh, in dấu từng cụm mây trắng cuồn cuộn giữa bầu trời xanh ngát.
“Thiền không thể thất niệm; Y không thể thất đức,” lão già nói.
Hiếu Y im lặng, cúi đầu, chờ đợi nghe tiếp.
“Con là người dạy Thiền, phối hợp Thiền vào Y thuật thì không thể nào có sự thất niệm đưa đến nhầm lẫn, sơ xuất trong trị liệu,” lão già nghiêm khắc nói.
“Dạ, con biết, con biết lỗi,” Hiếu Y ngoan ngoãn đáp.
“Về chuyện thất đức trong ngành Y, ta không nói con có mưu ý gì trong việc thủ lợi qua chữa trị. Ta chỉ muốn nói rằng, cái đức của y sĩ là ở lòng thương, ở niềm xót xa đối với người khổ bệnh. Thiếu cái đức này, không thể nào là lương y, là y sĩ giỏi; mà chỉ là một kẻ biết dùng y thuật.”
Lão già ngưng, châm thêm nước sôi vào bình trà nhỏ. Không gian thật yên tĩnh. Chỉ nghe gió nhẹ đưa qua đám lau sậy bên bờ, tạo nên những tiếng xào xạc nho nhỏ, êm dịu. Lão già tiếp:
“Năm ấy lần đầu gặp ta, con đã vội vàng tỏ ý muốn được kế thừa y nghiệp; ta hỏi con vì mục đích gì mà học y, con trả lời là học để chữa bệnh cho mẹ,” lão già thở dài, tiếp “cả lý tưởng lẫn mục đích đều đã chệch, đã sai ngay từ ban đầu. Lý tưởng và mục đích của kẻ học Y là tìm ra phương thuật hay diệu dược để chữa trị tất cả bệnh hoạn của thế gian; vì lòng thương đối với kẻ bệnh khổ mà dấn thân vào con đường chữa trị, cho thuốc; không vì sự nghiệp hay y nghiệp nào khác, cũng không vì cá nhân ai mà nguyện làm y sĩ. Con vì mẹ mà muốn học y dược, tốt, chí hiếu! Nhưng không đủ. Đức của y sĩ phải bao trùm cả bá tánh thiên hạ, không phải vì cha, mẹ, anh chị em, thể diện gia tộc, cũng không phải để làm rạng rỡ cái tông môn, tông đường nào hết. Cũng thế, một thiền sư, đặt chân trên đạo lộ giải thoát là để cứu mình, cứu người ra khỏi biển khổ vô tận của thế gian, không phải vì sự nghiệp của ông Phật, ông Tổ nào khác.”
Hiếu Y nghe đến đó, giật mình, bừng tỉnh, sụp lạy lão già ngay nơi lòng thuyền. Giọng chàng rưng rưng xúc động, lòng như mở ra cả một khung trời bát ngát vô biên:
“Thưa thầy, con đã hiểu, con đã hiểu.”
Lão già đưa tay nâng Hiếu Y dậy, vỗ về, khích lệ:
“Con có thể bắt đầu dấn thân từ hôm nay, như một lương y, một y sĩ giỏi. Con sẽ vượt hơn ta rất xa. Những gì ta không làm được, con sẽ làm được. Ta, một chiếc thuyền nan trôi giạt bờ này bờ kia, chỉ có thể cứu chữa cho vài người hữu duyên; nhưng con, khổ bệnh cùng khắp nhân gian đang chờ đợi thiện thủ diệu dược của con.”
Hiếu Y ôm lấy chân lão già, không nói nên lời, lòng tràn ngập hạnh phúc và niềm tri ân. Một lúc, Hiếu Y đứng dậy, dợm bước, nhưng sực nhớ ra điều gì, đứng lại, rụt rè nói:
“Thưa thầy, con còn một điều che giấu thầy, xin cho con được thổ lộ.”
“Không cần. Ta biết rồi. Mẹ con vẫn chưa hết bệnh. Con sẽ trị được cho bà ấy bằng chính cái tâm ban sơ của con. Một khi tâm con đã chuyển, tất cả mọi diệu thuật sẽ theo đó mà được vận dụng một cách thiện xảo. Ta không còn điều gì để truyền dạy cho con. Con đã có tất cả. Hãy lên đường.”
Khi Hiếu Y ra đi, lão già từ chiếc thuyền con, nhìn theo, mỉm cười. Lão lặng lẽ thu xếp mọi thứ trên thuyền, rồi ngồi xếp bằng, bắt đầu đi vào đại định.
Kể từ lúc ấy, cái tên Hiếu Y không còn nghe đến trên đời; nhưng đâu đó trên khắp các làng mạc, phố thị, ven biển, rừng sâu, sông dài và sa mạc bỏng cháy, xuất hiện một lương y tuyệt vời.
Vĩnh Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét