Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009
TÔN GIÁO VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ
Đã đến lúc vấn đề “Tôn Giáo Là Gì” không cần phải đặt ra nữa, bởi lẽ, các nhà Duy vật cổ đại đã bảo: sự sợ hải sinh ra Thần Thánh,và, bổ sung một cách toàn diện, L.Phơbách dàn trải Tôn Giáo phát xuất từ các mặt tiêu cực lẫn tích cực trong lĩnh cực tình cảm, xúc cảm, và mong ước! Tuy nhiên, góc độ thực dụng và hiện tượng, K.Marx nhận xét: Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, nó là tinh thần của trật tự không có tinh thần…
Thật ra, tất cả những định nghĩa và nhận xét về tôn giáo của Karl Marx, F.Angel và những nhà Duy Vật từ thế kỷ XIX trở về trước, nó chỉ đúng 50% trong tình huống hiện nay, có nghĩa vào thời điểm của các nhà nhận định lúc bấy giờ, hoàn toàn chính xác, bởi lẽ, phương Tây, Kitô giáo thống trị toàn cõi, một tôn giáo độc quyền duy nhất, vì thế, nó phát sanh những bất toàn của một thể chế độc tài, độc đoán, chi phối cả thế quyền, làm cản trở bước tiến của những cá nhân cũng như xã hội có óc tiến bộ; Do thế tục hoá giáo quyền, đã phát sanh nhiều lực lượng chống đối hầu đưa tôn giáo trở lại vị thế ban đầu, đồng thời tránh tình trạng xa rời giáo chế hiến định.
Vào thế kỷ 12, Pierre Valdes, một đại gia Pháp, noi theo nếp sống nghèo, đi sát với dân chúng, bán hết gia sản để sống hạnh nghèo khó mà hầu hết các tu sĩ khi chịu chức Linh Mục đều phải khấn nguyện, nhưng tập đoàn tu sĩ đã sống “khó mà nghèo”, đã thế, Giáo hội ngày càng giàu, lợi tức thu từ thuế má, đất đai chiếm được, thậm chí, những tín điều, nghi tế cũng được Giáo Hội làm phương tiện kinh doanh; sống sa đoạ, gây phẩn nộ trong lớp quần chúng thuần tín, từ đó phong trào chống nhà thờ đã phát sinh, và phát sinh ra hệ phái Tin Lành, rồi Chính Thống giáo, Anh Giáo…Dĩ nhiên trong lúc hổn loạn về giáo quyền, thế kỷ 14 phát sanh ra 3 Giáo hoàng, hai vị ở La Mã và một vị ở Pháp, không ai phục tùng ai, cả ba đều chứng tỏ uy quyền, rút phép thông công lẫn nhau. Sau những khủng hoảng, thế kỷ 16, được Luther dành quyền trực tiếp đọc kinh Thánh cho tín đồ mà trước kia, chỉ có giáo sĩ mới có quyền lưu giữ và diễn giảng.
Qua một vài hiện tượng đó cho thấy, Tôn giáo lúc bấy giờ quả là tệ hại, đem lại nhiều cuộc thanh trừng, Thánh chiến lẫn nhau, không những Giáo hội lạm quyền, khống chế thế quyền, mà ngay cả thế quyền cũng lạm dụng tôn giáo để thống trị và bành trướng thế lực, ví dụ Constantinople , Henry VIII, và những vua chúa lúc bấy giờ, những giai đoạn tranh quyền, vua theo giáo phái nào, buộc dân phải theo giáo phái đó, cứ mỗi lần thay ngôi đổi chủ là một lần người dân phải cải đạo hoặc máu đổ thịt rơi; Xã hội Tây Âu chìm trong thời đại đen tối!
Từ những biến thái của tôn giáo, buộc các nhà cải cách chính trị, khoa học,văn hoá, xã hội phải xét lại bản chất của tôn giáo; chính vì thế, biện chứng Duy vật xem tôn giáo là cái siêu thực nhưng rất thực, vì tôn giáo đã tạo một cảm giác an toàn cho tín hữu ở một thế giới siêu thực, nhưng tôn giáo đã tranh thủ những quyền lực và quyền lợi ở thế gian rất thực. Những cảm giác an toàn siêu thực đó, Marx gọi là thuốc phiện ru ngủ quần chúng trước những khổ đau thực tại.
*
* *
Sau thế kỷ XIX, chính sách xâm lược thuộc địa tiếp nhận nhiều nền văn hoá ngoài Kitô trong các quốc gia phương Đông, các nhà nghiên cứu sử, triết đặt lại vấn đề giá trị văn hoá tôn giáo mà bấy lâu, Kitô giáo đã cho họ một cái nhìn phiến diện đầy thành kiến. Anh Quốc vô cùng ngạc nhiên khi đối diện với tôn giáo tín ngưỡng Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng; Với tinh thần trân quý giá trị minh triết của các nền văn hoá Á Châu, Anh quốc đã thu gom những tàng thư quý báu, cũng như thâm nhập sâu vào đời sống tâm linh của các hiền giả, yogi, Guru để thẩm thấu giá trị tâm linh một cách nghiêm túc và khoa học. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp… cũng từng dẫm chân lên mãnh đất mầu mỡ tâm linh châu Á trên bước đường viễn chinh thuộc địa, nhưng khám phá được tinh yếu của nền minh triết Đông phương chậm hơn và thẩm thấu ít hơn mãi đến gần cuối thế kỷ XX, Pháp mới công khai đón nhận Phật giáo như một model thời trang cho đức tin và văn hoá xã hội. Ngày nay, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Nga…đều đón nhận Phật giáo như một nếp sống hoà bình và văn hoá nhân bản.
Như thế, những khái niệm tôn giáo như:”Tôn giáo là sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong nỗi cô đơn của mình, tôn giáo là sự cô đơn, nếu anh chưa cô đơn thì anh chưa từng có tôn giáo…” “Tôn giáo là sự phản ảnh hoang đường vào trong đầu óc con người những lực lượng bên ngoài, cái mà thống trị họ trong đời sống hàng ngày…” hay: “Tôn giáo là niềm tin vào cái siêu nhiên…”
Những khái niệm đó, đã phải dừng lại trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, khi Phật giáo trăm hoa đua nở tại Âu Mỹ với tinh thần Đại Thừa, cũng như nguyên thủy Phật giáo.
Phật giáo gặp gỡ tinh thần cách mạng xã hội Âu Mỹ trên một điểm chung: loại thần linh ra khỏi quyền tự do chọn lựa niềm tin của con người. Văn hoá, xã hội, khoa học…phục vụ cho đối tượng duy nhất là con người thì không thể để con người bị thống trị bởi bất cứ thần lực siêu nhiên nào ngoài cuộc sống.
Đức Phật tuyên bố: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Phật là con người trí tuệ, áp dụng trí tuệ trong cuộc sống, không dùng niềm tin thiếu kiểm chứng. Không áp đặt niềm tin lên bất cứ ai. Ai cũng là Phật, ai cũng có khả năng trí tuệ như nhau, nếu biết khai thác.Vì thế, người Phật tử lấy “Duy tuệ Thị Nghiệp” làm hành trang vào đời; chính vì thế, có thể xem Đức Phật không phải là giáo chủ , vì đạo Phật không phải là một tôn giáo theo tập quán của tín ngưỡng phương Tây. Nếu là một tôn giáo thì là tôn giáo không có thần linh. Elbert Einstein đã xem đức Phật là nhà khoa học, những nhà giáo dục hiện đại xem đức Phật là nhà mô phạm hoàn hảo…
Phật giáo không thống trị con người bằng đức tin mù quáng. Khi mà Liên Hiệp Quốc cũng như những quốc gia tiến bộ đều xác định quyền làm người và giá trị bình đẳng giữa con người thì ba ngàn năm trước, Đức Phật đã bảo: Không có giai cấp khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn!
Về quan hệ kinh tế, tài chánh, xã hội, tuy Liên Hiệp Quốc cố gắng xoá bỏ ranh giới giàu nghèo giữa các quốc gia, thế mà lục địa đen vẫn còn một bộ phận dân chúng đói ăn; tỷ phú và homless vẫn còn ranh giới cách biệt. Âu Mỹ hiện nay là một hình thức Xã Hội Chủ Nghĩa tiến bộ thế nhưng vẫn chưa đạt được một xã hội lý tưởng, bởi vì, một xã hội chỉ phát triển thuần túy về khoa học vật chất, thiếu chú trọng giáo dục tâm linh thì việc bất công và khổ đau vẫn tồn tại.
Tinh thần Lục Hoà, Tứ nhiếp pháp của Đạo Phật giúp cho những tập thể hành trì, cộng đồng tu sĩ trong các tu viện thành những mô hình bình đẳng, vị tha đầy tính xã hội;
Vấn đề giáo dục trong Phật giáo, truyền đạt và gợi ý luôn giúp tánh tò mò học hỏi hơn là áp đặt từ chương. Đức Phật khuyên đừng vội tin bất cứ điều gì, dù là di chỉ của Thánh nhân để lại, dù là bậc đáng kính được nhiều người tin, dù là truyền thống tín ngưỡng… mà hãy tin những gì sau khi nhận xét hợp lý. Có 4 phương cách nắm bắt chân lý mà không tuỳ thuộc vào phương tiện truyền đạt: Y Pháp, bất y nhân – y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa – Y nghĩa bất y ngữ - Y trí Bất y thức. Phật từng ví giáo pháp như chiếc bè qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng ( Nhất thiết tu đa la như tiêu nguyệt chỉ ), do vậy người tin Phật không bị cố chấp bảo thủ.
Kinh tế gia đình cũng thế, Phật dạy, sau khi trích phần tích lũy, chừa phần bố thí, cúng dường, phần cho cuộc sống gia đình, còn phần cho đầu tư kinh doanh;
Trong đạo đức xử thế cũng như đạo đức kinh doanh, người Phật tử luôn áp dụng đúng tinh thần Lục Hòa và Tứ Nhiếp Pháp. Tự thân đã thế, trách nhiệm từ đơn vị gia đình đến cộng đồng xã hội đều được áp dụng Tứ Ân hoặc tinh thần kinh Thiện Sanh;
Một tập sự xuất gia , cũng đã có trách nhiệm với ngôn cách và đạo phong qua 24 oai nghi; quan tâm từ sinh vật bé nhỏ dưới chân cho đến trách nhiệm với đàn việt.
Thời Phật còn tại thế, đã bao lần góp ý với các vua về chính trị, phương cách an dân giúp giải quyết xung đột giữa hai lâng bang, thời nay, cũng có một tu sĩ Việt Nam đứng ra hoà giải giữa Maoist và quốc vương Nepal, có những cao tăng hướng dẫn những chính khách cách an tâm giữa những lúc loạn tâm; đi sâu vào các giới chức chính quyền, quốc hội của những quốc gia tiến bộ để xây dựng một phong cách lãnh đạo…Không chỉ một Thiền sư Vạn Hạnh, một Khuông Việt…chấn hưng đất nước, giúp tổ quốc vững vàng trước ngoại xâm, mà trong những quốc gia, Phật giáo phát triển, chư Tăng cũng góp ý cho nhà nước những phương cách giáo dục, lãnh đạo và chính trị; Phần lớn, chư Tăng tham gia chính trị bằng phong thái quốc sư chứ không vì tham quyền cố vị, lịch sử chứng minh, quốc sư không thao túng , nắm quyền lãnh đạo, vì hạnh nguyện tu sĩ không tham đắm thế gian, nhưng phải có ý thức chính trị chứ không sinh hoạt chính trị; dĩ nhiên, đâu đó vẫn có những tu sĩ phàm tục còn ham muốn quyền lực một cách cá biệt.
Trong cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu, một nhà sư Tây Tạng cũng giúp cho các doanh gia, chính trị vượt qua cơn lốc chao đảo.
Đức quốc cũng nhanh tay biến tổng hành dinh quân đội cũ thành trường Phật Học ứng dụng Âu châu để đưa đất nước vượt qua trào lưu đe dọa khủng bố và bạo động. Đó là cái khôn của giới lãnh đạo, ngăn ngừa tội phạm bằng phương tiện giáo dục chứ không chỉ dùng quyền lực phạt vạ khi phạm tội đã xẩy ra!
Quan trọng nhất, khi mà Thần học là nền tảng suốt 20 thế kỷ làm điểm tựa cho mọi mặt trong xã hội, lâm vào bế tắc trước sự tiến bộ vượt bậc của khoa học thực dụng, đưa xã hội Âu Mỹ vào cuộc khủng hoảng tâm lý, chính Phật giáo đã quân bình giữa tâm linh và vật chất cho nếp sống thực dụng phương Tây khi sự có mặt của một Đạt Lai Lạt Ma, một Nhất Hạnh, và những cao Tăng của Đài Loan…( dĩ nhiên những thập niên 60 cũng đã có mặt HT Thiên Ân, viện trưởng viện đại học Đông Phương , đã giúp cho giới trí thức thâm nhập vào Đạo Phật ).
Trên lãnh vực từ thiện, những tu sĩ từng khu vực, từng quốc gia, nhất là hệ phái Đại thừa, thừơng đến với vùng thiên tai, các dân tộc thiểu số; mở trường giúp các cô nhi và người khuyết tật. Riêng Phật giáo Đài Loan, đã có Ni sư Chứng Nghiêm lãnh đạo một guồng máy từ thiện xuyên quốc gia với tầm cở quốc tế, đóng góp rất nhiều về y tế, giáo dục…Đồng thời, cố HT Tuyên Hoá cũng đã thành lập được cơ sở giáo dục từ câp tiểu học lên đến đại học hoàn toàn miễn phí, giúp cho những mầm non có hoàn cảnh tiến thân thiếu điều kiện. Hệ thống giáo dục của Vạn Phật Thánh Thành: tiểu học gọi là Dục Lương, trung học là Bồi Đức và đại học là Pháp giới, đào tạo học sinh, sinh viên thành một nhân tài có đạo đức lãnh đạo xã hội;
Những cộng đồng tu sĩ Phật giáo nguyên thủy, tuy không tham gia từ thiện xã hội triệt để, tự thân cũng góp phần mô phạm từ thân giáo, khẩu giáo cho quần chúng học theo. Cho dù nguyên thủy hay đại thừa, tu sĩ đều góp phần hoàn thiện xã hội về nhân cách, tâm đức,trí tuệ làm căn bản đạo đức cho đất nước.
*
* *
Sự khác nhau cơ bản của mỗi tôn giáo mà việc hội nhập xã hội đưa đến tác dụng hay tác hại. Một quan điểm về đấng sáng tạo chủ quản sinh sát, thì tập thể thừa hành gọi là Giáo hội, cũng mang tính bao biện thống lĩnh quần chúng thụ tạo; Thuận duyên, có thể chi phối cả thế quyền, sanh ra độc quyền, độc đoán mà lịch sử đã để lại những vết nhơ của nhà thờ trong những thời đại đen tối của Ấu châu; Một khi quá tay thao túng thì mầm mống phản kháng phải phát sanh, đó là lý do biến sanh những hệ phái Chính Thống giáo, Anh Giáo, Tin Lành và trên 250 hệ phái Cơ đốc giáo. Một giáo thuyết chưa thoát khỏi luật tương đối, giá trị hành tàng là những xung đột ngấm ngầm chờ dịp phát sanh. Ví dụ: Giáo Hoàng vô ngộ khi đứng trên toà Phero tuyên bố, những Hồng y, giám mục, tu sĩ có kinh nghiệm tự thân và trí tuệ tư duy sẽ đâm ngờ vực. Điều đó đã nhận chìm bao nhân tài khoa học của nhân loại khi lý thuyết khoa học không theo luận điểm của toà thánh. Chưa nói đến những tu sĩ đều là người được ơn kêu gọi và soi sáng của Chúa chấp nhận đời sống độc thân để phụng sự, thực tế cho thấy chỉ có những tín hữu cuồng nhiệt mới tin đó là sự thật, ngày nay phương tiện truyền thông đại chúng đã phơi bày những lề thói tầm thường của con rối thụ tạo được Chúa chọn! còn biết bao tín điều, tín lý, kể cả giáo lý, kinh thánh cần phải cập nhật hoá để thích nghi với kiến thức thời đại, nếu thế , phải chờ vài thế kỷ nữa mới có một công đồng Vano 3.
Những thế kỷ mà Âu châu, mọi mặt trong xã hội đều do nhà thờ quản lý, biến trần gian thành nước Chúa, hay thế tục hoá nước Chúa tại trần gian, đã bộc phát bao cuộc Thánh chiến, xung đột Tin Lành, Hồi giáo, hàng triệu thường dân chết cho Chúa, chính vì thế, các nhà chính trị, các nhà thiết kế xã hội, các nhà giáo dục …phải đặt Tôn giáo lên bàn xét lại, tất yếu phải đến, 1879, phe tả nắm quyền, đoạn giao với nhà thờ, tách biệt tôn giáo với nhà nước. những năm trước đây, dưới triều đại Jacques Chirac, bộ giáo dục đã cấm tôn giáo xuất hiện trong trường học qua các biểu tượng như khăn trùm đầu Hồi giáo, Thánh giá của Kitô giáo. Một số quốc gia cũng hạn chế hoạt động của Vatican tại bản địa. Tuy nhiên, sau đệ nhị thế chiến, Mỹ dẫn đầu thế giới, cũng đã nuôi dưỡng và kết cấu với Tin Lành, thay cho áo đen từng bắt tay với viễn chinh Pháp, truyền đạo sang Nam Hàn để làm rào cản Bắc Triều, hình như Tin Lành khó cạnh tranh với Vatican khi đệ nhất, đệ nhị Cộng hoà miền Nam ViệtNam chịu ảnh hưởng của các Cha. Sau 1975, Tin Lành qua ngã Hàn Quốc, phát triển phía Nam Việt Nam rầm rộ như chốn không người.
*
* *
Những quan hệ của Tôn giáo trong mọi mặt xã hội, tốt hay xấu, tuỳ thuộc vào giáo lý cơ bản và giáo thuyết thoát tục hay không. Chính những khuyết tật trầm trọng mang tính chủ quan của Kitô giáo vào những niên đại cách mạng về trước, đã cho một K.Marx, một F.Angel, một Phơbach và những nhà duy vật có cái nhìn bất toàn về tôn giáo, nếu xem Phật giáo cũng là một tôn giáo.
Sự thật, khó xếp loại Phật giáo vào một vị trí nhất định, nếu là tôn giáo, đạo Phật không có một giáo chủ quyền năng ban phước giáng hoạ, thống lãnh tín đồ; Nếu là khoa học, Phật giáo không có phòng thí nghiệm, không có hệ thống cơ giới, không có lý thuyết tương đối, không mò mẫm thử nghiệm cho những giá trị nhất thời…; Nếu là lý thuyết gia, Phật giáo không lụy vào nhị nguyên; Nếu là chính trị, Phật giáo không có lối hành xử biên kiến thế tục. Và nếu là khoa học không gian, Phật giáo đã xác định sự hình thành, cấu hình, vị trí và lượng số giang hà vũ trụ. Toán số, đạo Phật cũng đã nói đến đơn vị tận cùng của biên độ vật thể - mạt na, thố mao trần, vi trần, thủy trần…
Trung tâm vấn đề đối với đạo Phật là con người. Suốt Tam tạng kinh diển, Đức Phật đều nêu cao giá trị của con người. “ Nhơn thân nan đắc” “ Con người là tối thượng trong mọi loài” “ chỉ có con người mới đủ yếu tố để thăng hoa tâm linh” “Đức Phật ra đời cũng vì nhân loại trên tinh cầu nầy”…
Đạo Phật không hứa hẹn một thế giới lý tưởng nếu không thuần thiện hoá thê giới hiện thực
Đạo Phật không có cơ chế Xin và Cho mà chỉ có cơ chế Tự quyết.
Đạo Phật không có thái độ thụ động chờ đợi mà phải xắn tay nhập cuộc
Điều nầy đã trả lời cho vấn đề : Ph.Anghen nói,- Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ảnh hư ảo vào trong đầu óc con người của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sông của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế .
Đồng thời Marx từng bảo, sở dĩ tôn giáo phát sanh là do phương tiện sản xuất và công cụ lao động yếu kém cộng thêm sợ hải, nhưng Đức Thích Ca là một Thái tử, không yếu kém về vật chất, không khiếp nhược về tinh thần; Và những quan hệ xã hội của Phật giáo ngày nay trong mọi chủng tộc, thuần tính xả kỷ vị tha, tham gia chừng mực mà không thao túng. Tinh thần Phật giáo mang tính chuyển hoá mà không tước đọat; tôn trọng mà không kiêu ngạo chủ quan.
Trong thời đại hội nhập, Phật gíao cũng hoà nhập để góp phần hoàn thiện cuộc sống, xây dựng một thiên đàng tại thế thay vì một thế giới huyển hoặc cho tương lai. Con người là đơn vị cơ bản để tịnh hoá cuộc đời, Đó là nét đặc thù của Phật giáo với những quan hệ xã hội.
MINH MẪN
18/6/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét