Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009
kỷ Niệm Ngày Sinh Của Đức Huỳnh Phú Sổ
25/11. âm lịch hàng năm, được tín đồ Hoà Hảo cử hành trọng thể kỷ niệm này ra đời của Đức Huỳnh giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo.
Ngài sinh ngày 15/11 năm 1920 ( Kỷ Mùi ) tại làng Hoà Hảo. Con của cụ ông Huỳng Công Bộ.Do sức khỏe kém, học hết tiểu học theo chương trình Pháp Việt, Ngài nghĩ học, lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh, từ đây, ngài tu theo Bửu Sơn Kỳ Hương của đức Phật thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên ). Ngài ra truyền Đạo chưa đến 20 tuổi. Dùng phương trị bệnh để hoằng Đạo nên trong vòng 2 năm, lượng số tín đồ trở nên đông đảo. Truyền thuyết bảo rằng Đức Phật thầy đã mượn xác Ngài để dạy bá tánh vạn dân tu thân giúp nước theo tinh thần Tứ Ân Hiếu Nghĩa của nhà Phật.
Giáo lý Hòa Hảo được thể hiện trong những bài sấm kệ do Huỳnh Phú Sổ biên soạn, bao gồm 6 tập:
1. Sấm khuyên người đi tu niệm
2. Kệ của người Khùng
3. Sấm giảng
4. Giác mê tâm kệ
5. Khuyến thiện
6. Những điều sơ học cần thiết của kẻ tu hiền
Có thể nhận thấy giáo lý Hòa Hảo là sự tiếp thu và nâng cao tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương của Đoàn Minh Huyên, gồm phần "Học Phật" và phần "Tu nhân":
• Phần "Học Phật": chủ yếu dựa vào giáo lý đạo Phật song được giản lược nhiều và có thêm bớt đôi chút. Tinh thần chính là khuyên tín đồ ăn ngay ở hiền.
• Phần "Tu nhân": theo giáo lý Hòa Hảo tu nhân có nghĩa là tu "tứ ân hiếu nghĩa"- đó là 4 điều Đoàn Minh Huyên, đã chỉ ra, bao gồm Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào nhân loại, Ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Đạo Hòa Hảo khuyên tín đồ vừa học Phật vừa tu nhân để tạo nên công đức. Có công đức để trở thành bậc hiền nhân. Song, họ đặc biệt yêu cầu tín đạo phải tu nhân, cho rằng việc tu hành phải dựa trên đạo đức, trước hết đạo làm người: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên (Không có tu nhân thì không thể học Phật, hoặc học Phật mà chẳng tu nhân thì cũng vô nghĩa); Dụng tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên tu viễn ký (Muốn tu thành Tiên Phật trước hết phải tu đạo làm người, đạo người mà không tu thì Tiên Phật còn xa vời)(KIWI).
Trong thời đất nước bị ngoại xâm thống trị, với lòng thương dân mến nước, ngài cùng tín đồ tham gia chống Pháp và mất tích vào năm 1947. Tín đồ vẫn tin rằng Ngài sẽ trở lại để tiếp tục hoằng dương đạo Pháp. Vì thế, tín đồ Phật Giào Hoà Hảo vẫn tiếp tục duy trì giềng mối sinh hoạt tu thân cứu nước, giúp đồng bào để lập công bồi đức chờ ngày thầy trò đoàn tụ.
Tuy Đạo Hoà Hảo là một tông Phái riêng biệt, nhưng sinh hoạt tín ngưỡng, vẫn chọn Tịnh Độ làm gốc, Đức Thích Ca làm Bổn sư giáo chủ cỏi Ta bà nầy; Qua các nghi thức, họ vẫn xưng niệm tôn hiệu Bổn sư và Hồng danh A Di Đà.
Trong đời sống tu tập của tín đồ, họ rất trung kiên và thành kính. Xưa kia, Đức thầy khuyên bổn đạo trai kỳ, ngày nay, phần lớn họ đã trường chay. Ngoài ra, họ tham gia công tác từ thiện rất đắc lực mà những tôn giao có mặt trong nước chưa sánh kịp.
Phật tử Hoà Hảo đã thành lập Bếp ăn tình thương cho một số vùng, tại TP HCM có hội Từ Thiện Nhân Hoà và Bảo Hoà mỗi ngày cung cấp trên năm ngàn suất ăn chay miễn phí cho các bệnh nhân, thân nhân người bệnh, các y bác sĩ, lao công trong bệnh viện. Họ có xe cứu thương chuyên chở miễn phí cho các bệnh nhân cấp cứu, giúp kẻ cơ nhở và cung cấp áo quan cho những gia đình nghèo có thân nhân quá vãng. Với tinh thần xã hội từ thiện như thế, ngoài TP HCM, họ phát triển bếp ăn tình thương và hội Từ Thiện các tỉnh, tuy nhiên họ cũng gặp khó khăn một vài nơi khi xin phép sinh hoạt thiện nguyện như thế.
Họ cũng thường xuyên giúp đồng bào vùng sâu vùng xa mổ mắt miễn phí, cung cấp xe lăn, xây cầu, đào giếng, làm nhà và những việc công ích khác.
Tổ chức Phật giáo Hoà Hảo không có tu sĩ lãnh đạo mà lãnh đạo bởi các Đồng đạo được đề cử. Sau năm 1975, Hoà Hảo bị thu hẹp trong phạm vi sinh hoạt thuần túy tín ngưỡng tại gia, đến 1999, được Ban Tôn Giáo chính phủ chấp thuận tính pháp nhân, do cụ ông Nguyễn văn Tôn đứng đầu lãnh đạo, từ đó mọi sinh hoạt tương đối rộng rãi.
Qua buổi lễ kỷ niệm 89 năm ngày sinh Đức Thầy, quần chúng tín đồ Hoà Hảo vân tập về các Ban Trị sự xã khá đông. Những dãy cờ và đèn kéo dài nhiều cây số hai bên đường về đêm trông đẹp mắt. Xen lẫn ngôi sao và cây thông Noel của Kito giáo nằm dọc lộ. Tại trụ sở Ban Đại Diện PGHH tỉnh An Giang; sáng 25/11/Mậu Tý, bảy chiếc xe hoa trong đó có xe Long Mã, cung nghinh đức Thầy từ tổ đình Hòa Hảo về, có sự tham dự của chính quyền cấp tỉnh.UBMTTQ trung ương và các ban ngành đều gửi hoa chúc mừng.Trên ba ngàn tín đồ và quan khách một số tỉnh, thành xa cũng về chung vui. Tại TP HCM đã có 15 chiếc xe đưa quần chúng về dự, Tại chùa Cây Xanh làm cổng Tam Quan khá bắt mắt thì chùa An Hoà tại trụ sở Trung ương làm tháp đèn cao trên 10m, nằm trên toà sen di động ngược kim đồng hồ.
Về tổ chức nghi lễ tôn giáo cũng như nghi thức hành chánh rất gọn.Tuy Đạo Hòa Hảo chủ trương thờ tấm trần điều màu nâu, nhưng tại An Hoà tự vẫn có tôn tượng Bổn sư, Hộ Pháp và chư tổ.
Nghi lễ và tổ chức
Đạo Hoà Hảo chủ trương tu tại gia hơn là đi lễ chùa. Họ chủ trương giúp đỡ người nghèo hơn là cúng tiền xây chùa hay tổ chức lễ hội tốn kém. Những buổi lễ được tổ chức rất đơn giản và khiêm tốn, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Họ cho đó là những sự phung phí thay vì dùng tiền đó dể giúp đỡ những người thực sự cần đến.
Đạo Hòa Hảo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và cả việc đời. Không có nơi thờ công cộng, trung tâm của đạo ở làng Hòa Hảo gọi là tổ đình cũng chỉ mang tính gia tộc. Đạo này không xây dựng chùa chiền, không có tượng ảnh thờ. Vật thờ của đạo Hòa Hảo là miếng vải đỏ (trần điều) trên bàn thờ (còn gọi là trang thờ) đặt ở gian chính giữa và xây một bàn thông thiên ở sân trước của nhà. Việc thờ phụng này thể hiện tư tưởng của Phật giáo: "Phật tại tâm, tâm tức Phật". Đạo Hòa Hảo thờ Phật, ông bà tổ tiên và các anh hùng tiên liệt có công với đất nước, không thờ các thần thánh nếu không rõ nguyên nhân.
Lễ vật khi thờ phúng cũng rất đơn giản chỉ có hoa và nước lạnh (nước mưa, nước lọc tinh khiết). Ban đêm đốt đèn ở bàn thờ trong nhà và bàn thờ thông thiên. Khi thờ tín đồ chỉ đọc sấm giảng do thầy Huỳnh Phú Sổ soạn, không phải đọc kinh Phật và niệm lục tự Nam-mô-a-di-đà-Phật với mục đích tĩnh tâm.
Ngoài ra đạo Hòa Hảo còn có một số quy định về tôn giáo và quan hệ gia đình, xã hội. Ví dụ người nhập môn phải tuyên thệ trước Tam Bảo, nam tín đồ phải để vấn tóc (búi) để giữ hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên, tín đồ phải thực hiện ăn chay từ thấp đến cao (6 đến 10 ngày trong 1 tháng hoặc trường chay như đạo Cao Đài, những ngày ăn chay mặn phải kiêng ăn thịt 12 con giáp, ngày tín đồ phải 2 lần cầu nguyện và khấn lạy trước bàn thờ (sáng, tối). Lời khấn nguyện khi cúng lễ của tín đồ Hòa Hảo là câu Nam mô nhất nguyện, Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân hoàng, Liên hoa hải hội, thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an. (KIWI)
Với hệ thống hành chánh hiện nay. Tại TW có BTS GHPGHH, Cấp tỉnh có Ban Đại Diện, nhưng cấp quận huyện lại không có; về đến xã thì có BTS xã. Không mang nặng hình thức tôn giáo thờ phượng, lại chú trọng đời sống tín ngưỡng hoà nhập. Nhờ giáo lý ngắn gọn dễ hiểu, thích hợp với trình độ nông dân, nên PGHH thành công và ăn sâu vào xã hội nông nghiêp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tinh thần Đồng đạo đáng nói nhất. Dù kẻ xa lạ, họ vẫn vui vẻ tay bắt mặt mừng, chăm sóc chu đáo cho nhau. Nhà trù chu cấp cơm ăn, nước rót tụ do. kể cả thuốc men, kinh sách đều miên phí.
Tuy PGHH là một tông phái của Đạo Phật như Tịnh Độ cư sĩ của đức Tôn Su Minh Trí; nhưng khác hơn Tịnh Độ cư sĩ, ngoài việc chu cấp thuốc từ thiện, Tín đồ Hoà Hảo còn làm nhiều việc công ích khác một cách hăng hái tự nguyện. Đời sống tu hoc tại gia rất chuẩn với lời Phật dạy. Chủ trương tự túc sinh kế để giúp nhau mà không thọ nhận cúng dường; hoà nhập với xã hội theo tinh thầnb Tứ nhiếp Pháp để mang đạo vào đời, làm từ thiện để đưa đời vào đạo, thế nhưng, PGHH cũng chưa được Phật giáo truyền thống của chư Tăng xem như một hệ phái ruột thịt; PGHH đã sống hoà nhập vào quần chúng dễ hơn càc sư tăng, vì thế ,làng Mai được xem là Phật giáo Ứng dụng thì Hoà Hoả là đạo Phật thực dụng.
Nhờ nhiều tông môn khác nhau, mang tính dân tộc sâu sắc, những tôn giáo nội sinh như thế, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc an sinh xã hội, xứng đáng là tôn giáo dân tộc. Tuy tín đồ Hoà Hảo trên dưới ba triệu, phần lớn quy tụ vùng Tứ Giác Long Xuyên, nhưng một thời lẫy lừng danh sử chống ngoại xâm, giờ đây bắt tay vào xây dựng cuộc sống giúp đỡ đồng bào nghèo khổ trong đất nước. Ước gì, PGHH và PG truyền thống kết hợp để hoằng truyền thì Đạo Phật Việt Nam không bị đình trệ như hiện nay.
Một tinh thần xã kỷ vị tha của Đức Phật đã được Đức Huỳnh giáo chủ áp dụng để hoà nhập tương trợ đồng bào là thế mạnh của Phật giao nội sinh; vì thế Tứ Ân Hiếu Nghĩa là tôn chỉ của Phật giáo dân tộc vùng Đồng Bằng phì nhiêu của tổ quốc đang được nẩy nở thăng hoa.
MINH MẪN
22/12/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét