Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009
VẤN ĐỀ NGÔI THÁP VNQT
Suốt gần một tháng nay, nhiều bài phản ánh về ngôi Tháp Việt Nam Quốc Tự trên mạng liên thông quốc tế báo động và phản đối về Quyết định của UBND TP bán cho Mã Lai để xây trung tâm Tái chánh.
Người Phật tử không tin là sự thật khi nghe như vậy!
Người không phải Phật giáo cũng không tin là mình đã nghe như thế!
Nhưng sự thật đã như thế khi một số vị đã được HT Từ Nhơn cho xem văn bản Quyết định của UBND TP
Một tiếng thở dài ngao ngán như chấm dứt mọi ý kiến trước một quyết định thiếu khôn ngoan của những người tự nhận là khôn ngoan khi làm mất lòng dân!
UBND TP, khi ký quyết định, chắc chắn phải xin ý kiến trung ương, vì đây là cơ sở tôn giáo mà nhà nước đang có quá nhiều tai tiếng về việc xâm phạm tài sản Tôn giáo.
Tháp VNQT hiện nay là một phần nhỏ của trên 45 ngàn m2 đất của PG. Năm 1964 PG được chế độ đệ nhị Cộng hoà cấp, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu, nhưng chưa kịp xây dựng, HT Tâm Giác tạm thời kiến tạo ngôi bảo tháp ngay góc của khu đất - Trần Quốc Toản ( tức 3/2 bây giờ) và Lê Hồng Phong. Sau 1975, nhà nước trưng dụng phần lớn số đất để xây rạp hát và khu du lịch Kỳ Hoà, khoản 3ngàn mét đất còn lại có ngôi tháp, nên nhà nước chưa tiện tận dụng, mãi ba năm nay mới được trao lại để HT Từ Nhơn trụ trì. Tuy ngôi tháp chưa hoàn chỉnh theo dự án, nhưng người dân TP đều biết đó là một biểu tượng của PGVN, dù chưa đủ tầm vóc cho một Việt Nam Quốc Tự.
Trong buổi giao thời, phần lớn cơ sở tôn giáo bị tận dụng cho công ích, các tôn giáo đành chấp nhận cho việc chung, ví dụ các cơ sở giáo dục và từ thiện, nhưng không hợp lý và khó coi khi những cơ sở đó biến thành tụ điểm vui chơi, kinh doanh…
Những tưởng bao sai phạm do tính quan lại, chủ quan của giới cầm quyền địa phương, bất chấp tình cảm thiêng liêng của quần chúng, bất chấp biểu tượng tinh thần cao quý của tôn giáo trong thời gian tiếp quản, nhưng mãi hơn 30 năm sau, vẫn chưa biểu lộ được động thái tôn trọng sở hữu của nhân dân và cơ sở của tôn giáo; chình vì thế mà xẩy ra bao cuộc khiếu kiện của người dân, đó không phải là lỗi của nhân dân.
Ba ngàn mét đất không phải là khó tìm ngay tại TP lớn để làm việc công ích, trong khi đó những khu rộng lớn của Quân khu 7 từ Bộ Tổng Tham Mưu cũ chạy dài gần đến Phú Nhuận, khu đất từ ngã sáu công trường Dân chủ chạy giáp Hoà Hưng và vô số nơi trong Thành phố HCM thuộc vào tay những quan chức lớn TW không hề bị sức mẻ. Đất ở Q.9, Q.12, Q.2. Q.7…còn rất nhiều tại sao không xử dụng.
Trong lúc nhà nước đăng cai tổ chức Vesak biểu lộ tôn trọng một tôn giáo có nền tín ngưỡng đồng hành cùng dân tộc thì tại TP HCM lại tịch thu một vị trí biểu tượng của PG để thiết lập cơ sở Tài Chánh, làm cho quần chúng cảm nhận có cái gì đó thiếu nhất quán và không thật tâm. Phải chi lấy một khu đất trống hay một cơ sở vô danh tiểu tốt cũng tạm chấp nhận, Tháp VNQT là thể diện của một PGVN, tuy Giáo Hội PGVN không thành lập biểu tượng đó, nhưng đã kế thừa một biểu tượng của PG mà tăng ni Phật tử đã đổ bao xương máu bảo vệ sự hiện hữu của mình trước mưu đồ tiêu diệt PG của chế độ nhà Ngô.
Hồi giáo triệt tiêu PG ở Ấn cũng như bắn phá hai bức tượng cổ tại A Phú Hãn vì tính đố kỵ tôn giáo, nhà nước VN đã chính thức có văn bản tôn trọng quyền sở hữu tôn giáo cũng như tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, thế mà các địa phương vẫn thường xuyên vi phạm những điều nhà nước công bố, để mọi người thấy rằng những tuyên truyền xuyên tạc nhà nước VN từ những kẻ chống đối ở hải ngại là có cơ sở!
VNQT là niềm tự hào của PGVN, là biểu tượng tinh thần PG bất diệt, là thể diện của một tôn giáo sống chết với dân tộc; nhà nước hiện nay vẫn tự nhận là nhà nước nhân dân, chả lẽ vì cái lợi nhỏ nhoi đành phủ nhận giá trị của PG, một bộ phận của nhân dân mà nhà nước thường ca ngợi? Tôn trọng nhân dân là phải tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp của nhân dân, huống nữa sĩ diện của PG bị xem nhẹ như cây khô vỉa hè muốn dẹp lúc nào tùy ý. Sĩ diện một tôn giáo dân tộc cũng có nghĩa sĩ diện một dân tộc, hà cớ khi quyết định chọn VNQT để bán cho nước ngoài làm cơ sở Tài Chánh mà không nghĩ đến uy tín của một thể chế? Quốc tế sẽ nghĩ gì một nhà nước xem thường sĩ diện của một tôn giáo như thế!
Giá như PGVN tự động dâng hiến ngôi tháp đó để nhà nước làm việc công ích, lòng tự trọng và tư cách của một nhà lãnh đạo đất nước không ai dám chấp nhận hà huống cưỡng bức để tước đoạt mà không cần biết đó là sự xúc chạm đến tín ngưỡng và danh dự của một tôn giáo như thế.
Về phía Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thật khó hiểu, im lặng chấp hành đồng nghĩa thái độ của kẻ thừa hành, cho dù quyết định đó xúc phạm đến thể diện của cha ông chúng ta, đức tin chúng ta và tôn giáo chúng ta. Ngay cả quyền lợi và thể diện của chúng ta mà không đủ khả năng và bản lãnh bảo vệ thì nói gì đến làm lợi cho đất nước hay đồng hành cùng dân tộc.
Lịch sử PGVN đã từng có những Thiền sư can đảm ngăn cản vua chúa làm sai, từng có những vị thẳng thắn đóng góp ý kiến xây dựng đất nước cho dù chói tai. Từng có những tu sĩ ngửng mặt chứ chưa hề khoanh tay cúi đầu trước những mệnh lệnh mất lòng dân. Không riêng PGVN mà PG Tây Tạng, PG Miến Điện cũng thể hiện sự can cường trước quyền lực sai trái, tuyệt nhiên chúng ta không chống đối mà chỉ góp ý khi nhà lãnh đạo đi quá xa những lợi ích của dân tộc, đồng thời PGVN cũng từng có những Thiền sư chung tay với các nhà lãnh đạo để chấn hưng kinh tế, chính trị và đối đầu trước ngoại xâm. Như thế , PG đồng hành chứ không có nghĩa thừa hành.
Người lãnh đạo tinh tế, không những tôn trọng cơ sở của PG mà tôn trọng cả sĩ diện PG cho dù giới lãnh đạo PG chưa tương xứng, để cho thế giới thấy được phong cách độc lập của PG đối với nhà nước.
Ít ra, trước quyết định của UBND TP, Giáo Hội Trung Ương hoặc BTS Thành Hội nên có văn bản công khai phổ biến yêu cầu TP xét lại việc phá ngôi tháp VNQT; cho dù nhà nước hoán đổi một khu đất khác rộng lớn hơn cũng không thể, biểu tượng và sĩ diện một tôn giáo không thể là món đồ mua bán đổi chác.
Vụ Toà Khâm sứ Hà Nội, chỉ là cơ sở nhỏ, xem như tòa Đại sứ của một quốc gia bỏ hoang, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội muốn quản lý, thế mà đích thân Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm hỏi và lắng nghe, UBNH TP Hà Nội phải cử người đến nói chuyện với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để thương lượng giải quyết.
VNQT là bộ mặt của PGVN, thế mà chỉ cần một văn thư đưa xuống buộc PG chấp hành mà không cần nghe tiếng nói của GH hay của đồng bào PG, đó là thái độ quan liêu, xem thường đức tin và tình cảm của PGVN, vì nhà nước biết rằng có hỏi ý kiến thì các sư cũng không dám nói khác hơn!
Không hiểu các quan chức UBND TP HCM đưa ra vấn đề nầy trước khi quyết định, ai là kẻ chủ xướng? Hãy xem lại quan hệ chính trị và tư cách đạo đức cũng như kiến thức lãnh đạo có phải tiếp tay cho những kẻ bên ngoài có cớ chống đối VN?
Và khi trung ương được đệ trình, ai ký duyệt, có nghĩ đến tâm lý quần chúng và phản ứng tôn giáo trong cũng như ngoài nước trước những tai tiếng chưa phai nhòa? Cho dù PG là một bộ phận của dân tộc, cho dù các nhà lãnh đạo PG hiện nay không đủ uy tín, nhưng ít ra nhà nước nên tỏ thái độ tôn trọng với khối quần chúng PG khi quyết định vấn đề trọng đại như thế.
Nhà nước không chủ trương làm mất lòng dân, không chủ trương xâm phạm tài sản nhân dân, chỉ có cán bộ các địa phương xa mặt trời làm bậy, thế thì VNQT ngay bộ mặt TP thì sao?
Một ngôi tháp Báo Thiên bị Kitô giáo phá bỏ, xây dựng nhà thờ
Một Ngôi tháp VNQT bị phá bỏ để xây cơ sở kinh doanh Tài chánh
Hai vấn đề nầy khác nhau chỗ nào?
Nhà nước sẽ trả lời với tòa Tổng giám Mục Hà Nội thế nào khi bảo đó là đất của chùa khi giải quyết toà Khâm sứ mà nhà nước lại phá tháp VNQT để kinh doanh???
Đừng thêm những tai tiếng không cần thiết khi VN đang hoà nhập vào cộng đồng quốc tế
Hy vọng một quyết định sáng suốt hơn từ chính phủ trung ương cũng như những nhà lãnh đạo biết bảo vệ uy tín của một chế độ khi sự việc chưa quá trể!
MINH MẪN
18/3/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét