Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
CANH TÂN PGVN (Bài thứ 6)
Tái Tạo hay Lập thành?
Trong buổi tiếp chuyện với luật sư Võ Văn Quới, một nhân sĩ trí thức âm thầm góp công phiên dịch kinh điển cho PG Phát Triển ( PG Đại Thừa), ông có nhận định như hầu hết nhận định của PG đồ hiện nay về ngôi nhà Phật Pháp, chúng ta lắng nghe ý kiến riêng của ông về việc canh tân PG, một mô hình tuy viễn tưởng, nhưng vẫn là tâm nguyện của một Phật tử đối với tiền đồ PG và Dân Tộc.
Trong văn phòng không được rộng tại quận Phú Nhuận, ông tiếp tôi bằng sự ưu ái thâm tình, khi tôi đặt vấn đề Canh Tân PGVN, ông đem hình ảnh Thiết kế Đô Thị ra ra làm mẫu:
…” Mỹ muốn chỉnh trang Đô Thị, họ không cần giải tỏa, quy hoạch, nới rộng lộ giới phải bồi thường phiền phức, gây xáo trộn, cản trở đời sống người dân, họ xây dựng một TP khác với mô hình mới, tiện nghi hơn, khoa học tiến bộ hơn, dĩ nhiên đẹp và trật tự hơn, tối tân hơn. mọi người sẽ chọn một TP hiện đại chứ không ai muốn bảo thủ những nơi thiếu phương tiện và nhiều bất tiện…”
Vâng, nhà quản lý và thiết kế Đô thị họ có quyền và có khả năng chọn một mặt bằng khác để thực hiện cấu trúc xây dựng qua một tập thể Kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm. Thời gian và tiền bạc không khống chế họ, họ được phép và có giấy phép để thực hiện công trình; đó là những cơ sở vật chất được cấu kết theo mô hình vật chất.
Phật giáo VN hiện nay là một tòa lâu đài cổ, Giáo hội PGVN hiện nay là ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng, các cột trụ vững chắc không thể chống đỡ ngôi nhà, vì tất cả trên 80% bị rệu mục. Nhưng bằng khoáng Đỏ đã xác định chủ quyền ngôi nhà hiện tại là ngôi nhà GHPGVN duy nhất của PG VN, nghĩa là ngoài ngôi nhà hợp lệ nầy, không một ngôi nhà nào của PG mang tầm vóc tương đương được chấp nhận!
Lời Nói Đầu của Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam viết: …”Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là tổ chức Giáo Hội duy nhất đại diện cho tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước…”
Lời xác định trong phần Nói Đâu đã quyết định một không gian duy nhất cho một Giáo Hội duy nhất tồn tại, ngầm hiểu rằng tất cả mọi tổ chức Giáo Hội PG khác đều bất hợp pháp, không được luật pháp VN cho phép.
Cũng trong Lời Mở Đầu Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước 1975 tự xác định:
…” Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc…”
Ngoài việc xác định vi thế của hai tổ chức GHPG nói trên, các chuẩn định khác đều có nội dung giống nhau.
Qua câu xác định vị thế của mình giữa lòng dân tộc, GHPGVNTN trước 1975 ngầm bảo rằng mình là một phần của dân tộc, dân tộc còn, nhân loại còn là mình còn, những tổ chức GHPG khác có cùng tính chất như trên thì không thể có hai GHTN giống nhau, Phật Giáo Thống Nhất của Hòa Thượng T. Tâm Châu tuy cùng danh xưng với PG Ấn Quang, nhưng tính chất đã khác nhau, nếu giống nhau về tính chất và vị thế trong cộng đồng dân tộc và nhân loại, nhưng khác danh xưng thì GHPGVNTN cũng chẳng là sự cá biệt riêng của GHPGVNTN. Như vậy GHPG trước 1975 không tự xem mình là GH duy nhất, tức là còn có những khoản không gian để mọc lên cho bất cứ GH nào.
Tình hình PGVN sau 1975, cũng như bất cứ tổ chức đoàn thể, tôn giáo nào trong xã hội đều được hợp nhất và duy nhất như sự thống nhất của đất nước về lãnh thổ và lãnh đạo. Tất cả mọi Tôn Giáo, đoàn thể, ngành nghề cũng đều chung quy vào một tổ chức duy nhất, đó là Mặt Trận Tổ Quốc. Như thế, tùy tình hình chính trị và quan điểm điều hành của mỗi thể chế mà tôn giáo nói riêng và các đoàn thể của người dân nói chung, hoặc thống nhất một mối như hiện nay hoặc tự do nẩy lộc đâm chồi như trước kia; Mỗi tình trạng xã hội có những cái hay và cái dở; nếu trình độ dân trí cao thì xã hội tự do như thế giúp cho mọi hình thái được tinh anh phát tiết và sắc màu xã hội sinh động hơn, nếu dân trí chưa đủ cân bằng với những tự phát như thế thì những bất toàn sẽ đua nở như sự đua nở của những tâm địa đen tối, đưa đến bạo loạn, xáo trộn như tình hình Miền Nam VN trước 1975 và cái loạn Hồi giáo cực đoan hiện nay; Ngược lại, một xã hội được điều hành thông qua một tổ chức duy nhất và chặt chẽ, nó sẽ trật tự hơn, nhưng sự sáng tạo và nét linh động sẽ bị giới hạn bởi tính thụ động và bị động, như chậu hoa bị gọt tỉa, uốn nắn, tuy đẹp, nhưng cành lá và sự phát triển của thân cây cũng bị hạn chế theo cái quan điểm của người chăm sóc. Tình hình xã hội VN hiện nay cũng thế, mọi tổ chức và sinh hoạt bị hạn chế trong một khuôn khổ nhất định, nhưng bù lại, mọi sinh hoạt có trật tự hơn, ổn định hơn và vì thế an ninh hơn, tuy không tránh khỏi những tiêu cực phát sanh.
Thế thì một Đô Thị mới như ý kiến của Luật sư Võ Văn Quới được phát triển như thế nào? Hiến chương của GHPGVN hiện nay và luật pháp CHXHCNVN hiện nay chưa có một không gian trống thoáng để một Đô thị phát triển song hành.
Giả thử luật pháp VN cho phép một GHPG khác phát sanh, liệu tầm vóc GH đó có tương xứng với GH hiện hành hay chỉ là hình thái nhánh con, bởi lẽ phần lớn chư tôn túc đã được huy động tham gia GH hiện tại, ngay cả một tổ chức PG trước 1975 với danh xưng GHTN trong nước hiện giờ, ngoài nhị vị đại Lão Hòa Thượng T.Huyền Quang và T. Quảng Độ, nhân sự cũng chẳng còn ai có uy tín và khả năng khi TT.Tuệ Sĩ, Thiện Hạnh rút lui, thì nhân sự đâu để lập một GH khác song đôi có uy tín và tầm vóc?
Trước 1975, tại miền Nam VN cũng thế, đã từng có những GHPG như Thiền Tịnh Đạo Tràng, Tịnh Độ cư sĩ, GH Lục Hòa Tăng Cổ Sơn Môn, GH Tăng Già Khất Sĩ…cũng chỉ là những vệ tinh của GHPGVNTN lúc bấy giờ, không đủ tầm vóc và khả năng phát triển song hành, nhưng một phần nào đó cũng góp phần đa sắc cho bộ mặt PGVN.
Giả thử một GH mới được khai sanh hợp pháp, hiện nay trong nước ai là người đủ uy tín và tầm vóc để huy động nhân sự hay là tác nhân thu hút những thành viên mới, mà thành viên mới hiện nay không ai nằm ngoài tổ chức GH đương nhiệm; Một bậc uy đức nào đó khởi xướng lập thành để thu hút nhân sự khác thì đe dọa sự tồn tại của GH hiện nay, liệu Ban tôn Giáo và Mặt Trận có chấp nhận? và một GH như thế có nằm trong sự quản lý của Mặt Trận hay ngoài vòng cương tỏa? Nếu tự do đứng ngoài Ban Tôn Giáo thì các tôn giáo hội đoàn khác cũng sẽ rút khỏi Mặt Trận, chắc chắn đó là điều nhà nước hiện nay chưa muốn nghĩ tới. Và nếu một GH mới thành lập vẫn chịu sự điều động và kiểm soát của Ban Tôn Giáo thì cần gì có thêm GH nào nữa?
Hiện tại, những bậc chân tu không thiếu, nhưng đủ uy đức để đa số quần chúng Phật tử trong và ngoài nước biết và kính trọng, chỉ có hai HT: - T.Nhất Hạnh và T. Thanh Từ; Thiền sư Nhất Hạnh tuy vang danh lừng lẫy nhưng gặp phải một số chống đối ở trong nước. Riêng HT Thanh Từ, với bản chất ôn tịnh, ngài không bao giờ muốn tổ chức, thành lập những việc không cần thiết cho việc chuyên tu. Ngày xưa cũng như hiện nay, ngài không nhận một chức vụ nào trong GH hay tham gia những công tác huyên náo; Hoà Thượng Quảng Liên hoàn toàn không đủ uy tín với tăng ni phật tử. HT Thiện Bình chỉ tạo được một ít sự kiêng nể tại Khánh Hoà. HT Thiện Nhơn, Bình Định có năng lực nhưng rất ít được ai biết đến. Còn một số vị chân tu ẩn danh thì không bao giờ có ý muốn ra nhận lãnh trách vụ nào trong GH, chứ đừng nói đứng ra thành lập GH mới.
Như vậy việc Thiết kế một đô thị mới cho ngôi nhà PGVN khó mà hình thành. Ta thử đặt vấn đề Chỉnh trang đô thi: Nếu GHPGVN hiện tại được xem là ngôi nhà xuống cấp, việc duy tu là sự chắp vá cũng đã vất vả, đòi hỏi thời gian; nhưng mặt bằng của PG có trương độ của một Đô thị, thì việc chỉnh trang lại càng đòi hỏi một quyết tâm và kế hoạch đồng bộ, tự thân PG khó có thể chuyển mình như ý mà cần có sự hổ trợ của Quốc vương Hộ Giáo. Quá trình lịch sử tại VN cũng như các quốc gia PG trước kia cũng đã minh chứng; bất cứ tôn giáo nào, cho dù được quần chúng mà thiếu sự hổ trợ của Hộ giáo từ Vương quyền, cũng khó mà phát triển như ý.
Một tôn giáo như thế nào để được sự hổ trợ từ thế lực?
- Nếu một tôn giáo có khả năng bảo vệ và phát triển quyền lực thế tục như các Độc Thần giáo thì tôn giáo đó được quyền lực và vũ lực kết cấu để cả hai song hành tồn tại.Có giai đoạn tôn giáo bị lạm dụng, cũng có lúc tôn giáo thao túng quyền lực thế tục, biến giáo quyền thành thế quyền, quá khứ Vatican, hiện tại là Hồi giáo, chẳng những tôn giáo cầm quyền quốc gia mà còn phát triển tội ác bởi cực đoan, đem lại nhiều khốn đốn cho dân chúng bởi quan điểm Giáo luật hẹp hòi, đi ngược lại tinh thần Tự do-Dân chủ mà bước đầu họ hô hào.
-Nếu một tôn giáo mang nội tố Tình thương- xã kỷ, bất vụ lợi để hướng thượng, văn hoá và đạo đức tự thân tôn giáo đó đủ và có khả năng xây dựng một xã hội an bình, một tinh thần yêu nước, cộng thêm một minh quân có tâm đạo, vì tiền đồ tươi sáng của đất nước, thì chắc chắn tôn giáo đó được sự trợ lực từ chính sách nhà nước để phát triển hầu đem lại lợi ích cho một dân tộc.Và dĩ nhiên, điều đó đã xẩy ra, được minh chứng bởi các triều đại Trung Quốc, VN, Nhật Bản, Ấn độ, Srilanka, Miến, Lào, Campuchea, Thái…và vì thế, tôn giáo đó đã một thời gian dài đem lai an bình thịnh trị cho đất nước họ.
-Nếu một tôn giáo được nhà nước lạm dụng để duy trì quyền lực, tôn giáo đó chết, nếu tôn giáo được nhà nước nâng đỡ như một thần tượng, tôn giáo đó sẽ lạm phát quyền lực.
Tuy nhiên, cái gì tốt quá cũng hoá xấu, những tăng sĩ PG lúc bấy giờ cũng vì quá được ưu đãi, đã lạm dụng thế quyền, đưa PG vào tệ nạn của thế tục.Lý -Trần-Lê một thời PG cực thịnh và đem lại cực thịnh cho đầt nước, đồng thời nhiều tệ nạn phát sanh, thậm chí triều đình phải làm Điệp Độ để kiểm soát, khảo thí kinh điển để loại bớt tăng nhân. Tăng lữ chiếm phân nữa tục nhân. dẫn đến các chùa giàu có ruộng đất phải dùng dân nghèo làm công cho chùa gọi là Tam Bảo nô!, dĩ nhiên quần chúng sẽ đau khổ, nhưng chưa đến nổi biến thành những lực lượng tranh chấp như PG Nhật Bản; Thời đại Bình An (794-1192) Phật giáo phát triển thành một thế lực hùng mạnh đe dọa cả triều đình đương thời.Sở dĩ PG được hưng thịnh, phần lớn nhờ ân đức của Thái Tử Shòtoku Taishi (574-622) quy tín và nâng đỡ; Qua những triều đại bảo hộ PG thành quốc giáo, đến triều Thiên Hoàng Nguyên Minh (661-721) đã ban hành Pháp lệnh gồm 27 điều để khống chế PG; xuất gia phải có sự chấp thuận của quan địa phương và hạn chế người xuất gia, chẳng hạn năm 696 Nữ hoàng Trì Thống quy định mỗi năm chỉ cho 10 người xuất gia vào ngày 30/12, phải thuộc một số kinh quy định và tập sự 3 năm Lúc bấy giờ, hoặc PG cấu kết với thế quyền, hoặc khống chế thế quyền, nếu thế quyền không lợi dụng được PG, khống chế được PG; Thời đại Đào Sơn và Giang Hộ, các lãnh chúa vừa trấn áp PG vừa cấu kết với một số tông phái, đưa quốc gia lâm vào nội chiến, thậm chí một số tòng lâm môn phái giao chiến bị tiêu diệt như giáo đoàn Cao Dã sơn, Thạch Sơn Bản Nguyện tự, Tỷ Duệ sơn…bị thiêu sống, sát phạt hằng vạn người.
Một minh quân là người lãnh đạo đất nước sáng suốt biết nâng đỡ PG mà không thao túng cũng như không bảo hộ quá mức; biết tạo điều kiện cho cái hữu dụng của nhà Phật được phát triển và hạn chế cái tiêu cực do những tục tăng tham quyền cố vị lạm dụng, có nghĩa không khống chế nhưng cũng không giao khoán, có như thế PG mới có ích cho xã hội.
Tình hình PGVN hiện nay qua 30 năm đã quen lối mòn bao cấp, mặc dù trung ương không can dự quá sâu vào nội bộ GH như trước kia, nhưng tự thân những vị lãnh đạo PG cứ quen chờ lệnh, không dám có sáng kiến sợ phạm thượng. Cứ ỷ y mọi sự có đảng và nhà nước lo, thế là bám trụ hưởng nhàn, GH biến thành nhà an dưỡng cho tuổi già và vùng kinh doanh béo bở cho những tu sĩ có tâm hồn thế tục!
Tình trạng PGVN hiện nay khó mà xây dựng một Đô thị mới song hành mà phải phác thảo một kế hoạch chỉnh trang Đô thị, cho dù phải chắp vá, để chờ đợi cơ duyên chín mùi, có những cán bộ PG trẻ, năng động, can đảm đổi mới Tư Duy,lúc bấy giờ PGVN mới được lên đời như PG Nhật Bản một thời gian dài quá ư ngán ngẩm do chiến loạn đói khổ, PG bị tục hoá, phá trai phạm giới, vì thế quần chúng và quan quân có nhu cầu tâm linh để trốn chạy những phiền muộn bất trắc trong cuộc sống, do đó một phong trào PG mới ra đời, chuyên tu và nghiêm trì giới hạnh, sáng lập những pháp hành đơn giản thích hợp với trình độ quần chúng như Tịnh Độ tông, Thời tông, Nhật Liên tông, Lâm Tế tông và Tào Động tông…
Tình trạng PGVN hiện nay gần giống như vậy, tâm lý quần chúng trong đời sống hiện tại cũng như thế, có khác chăng là VN đang có hoà bình, nhưng tâm hồn nhân dân chưa được an bình, và tâm chứng tu sĩ chưa được bình thường, luật pháp VN có vẻ khác thường, con đường thoát cho PGVN hiện nay không thể lập thành mà là tái tạo sức sống cho PGVN, đòi hỏi các thành viên trong GH, các tu sĩ trong pháp phái phải có ý thức giới luật, không những làm nền tảng cho đạo đức xã hội, vận mệnh cho PG trước trào lưu tha hoá của toàn cầu, điểm tựa cho tín đồ mà còn là sinh mạng cho một dân tộc, một đất nước đang lên; Chính phủ và GH, cán bộ và tu sĩ đều đi xuống, vận mệnh dân tộc không thể vươn lên!!!
MINH MẪN
20/7/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét