Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

CẢI TỔ CÁC CẤP GH


Giờ cho đến Đại Hội PG TW kỳ 6 còn 4 tháng nữa nếu không có vấn đề ngoài ý muốn; các cấp Giáo hội hạ tầng lần lượt tổ chức Đại hội, hầu hết đều được lưu nhiệm, nếu có thay đổi thì thay đổi mang tín hiệu đi xuống hơn là một bộ mặt đầy hứa hẹn để PG địa phương được lột xác, trổi dậy.

Một dấu hiệu đáng mừng là hầu hết các BTS đều tự quyết định nội bộ, Mặt trận và Ban Tôn giáo không can dự trực tiếp vào, ngoại trừ Tỉnh Đồng Tháp! Tại sao các cấp đều lưu nhiệm?

Cơ bản là:
-Họ không nhận được chỉ thị từ cấp trung ương hay những người có quyền để chỉ đạo việc thay đổi nội bộ; cấp quận chờ cấp Tỉnh, Thành phố ra lịnh; cấp TP hay cấp Tỉnh chờ TW bật đèn xanh;
-Cấp TW thì an phận, vì các ngài thuộc hàng đại Lão, mất hết nhuệ khí và không muốn phiền phức vì thay đổi cơ cấu một khi những nhân sự mới nằm ngoài tầm kiểm soát thì nhân sự đó có quyền phát huy tính sáng tạo và năng động trong công việc; sẽ vượt quyền họ hoặc làm rách việc của họ, ảnh hưởng vị thế của họ.
-Họ sợ trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi.
Các ngài không thấy tầm quan trọng phát huy PG song hành với thời đại trong lòng dân tộc, nhất là sự tương tác giữa PG và tổ quốc như hình với bóng. Không thể có một đất nước phồn vinh, tiến bộ mà một phần linh hồn dân tộc lại dẫm chân hoặc thoái hoá. Cái trì trệ hiện nay do cấp lãnh đạo GH TW an thân thủ phận!

Cái lợi mà các ngài nghĩ: Như thế cũng được rồi, GH sinh hoạt đều và ổn định như thế là tốt còn hơn cải tổ đưa đến xáo trộn…

Cái hại liền theo sau mà không chịu nhìn. Không phải các cấp hạ tầng cơ sở đều vận hành tốt, ngoại trừ Thừa Thiên-Huế, Đà Nẳng và một vài tỉnh phía Bắc tương đối, ngoài ra hầu hết sự hiện diện của BTS chỉ là hình thức, là khung sườn, vì thế, tính thụ động, hưởng nhàn của các vị trưởng BTS, tính lạm quyền cầu lợi của các thuộc cấp biến tổ chức GH thành cửa quyền, mãnh đất mầu mỡ cho loại cỏ độc phát triển.
Thế nào là sinh hoạt đều và ổn định? Các chùa mỗi ngày đều thực hiện hai thời công phu bái sám, hàng tháng Bố Tát, hay Phật sự của BTS trôi chảy và phát triển??? Nếu sinh hoạt cá thể của các am tự viện từ ngàn xưa đến ngàn sau vẫn thế thì đó là sinh hoạt tín ngưỡng, chứ đâu phải sự đều đặn của Phật sự GH. Ngày nay công tác nổi trội trong PG là làm Từ thiện, mỗi ngày công tác nầy mỗi phát triển và đóng góp không nhỏ cho xã hội, chả lẽ vì thế mà gọi là phật sự trôi chảy đều! Hình như phần lớn các ngài chưa quen điều hành một cổ máy hành chánh, cộng thêm tính thụ động, vì thế các ban ngành trong hệ thống GH vẫm ì ạch, nhất là sinh hoạt hành chánh, Pg chỉ làm quen hơn 50 năm nay thôi; trước 1963,PG tuy có các sơn môn, các hội đoàn cũng được gọi là GH như GH Tăng già Bắc Việt, GH Tăng già Nam Việt…thực tế sinh hoạt và điều hành thiên về tông môn pháp phái truyền thừa hơn là một tổ chức hành chánh. Và dĩ nhiên, các môn phái đó, bậc trưởng thượng đứng đầu một giòng phái, chư tôn đức chức sắc như A Xà Lê giáo thọ…đều là tại vị vĩnh viễn, bởi lẽ mang tính tượng trưng cho tư chất đạo đức và trí tuệ hơn là quyền hành thế tục; do tính mặc nhiên đó trở thành mặc định mỗi khi nắm một chức vụ hành chánh trong GH hiện nay. Một số lớn chư tôn đức nắm quyền trưởng BTS hầu như tại vị vĩnh viễn, và tự mình cảm nhận đó là một vị thế bất khả xâm phạm, một loại bất khả xâm phạm không do hiến định mà do cả nể và tính tôn ti trật tự trong tôn giáo cộng với tính tham quyền cố vị.

Một điều mà phần lớn trong giới tăng ni hiện nay đặt vấn đề: Nếu thay đổi, thì ai là người tương xứng ngồi trong vị thế đó? Nếu HT Thanh Tứ, HT Trí Tịnh lên hàng chứng minh thì ai đủ uy tín thay vào đó?Nếu HT Trí Quảng không nắm quyền trưởng BTS PG TP HCM thì ai là người đủ tầm vóc thế chỗ…? cứ như thế, các tỉnh thành cũng lâm vào một tình trạng quán tính.

Đơn cử hai tỉnh trong 64 tỉnh thành PG cả nước, Buôn Mê Thuộc và Quảng Trị, hai ngài trưởng Ban Trị Sự đều lớn tuổi, bệnh hoạn, kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ nhưng không hề hoạt động hay điều hành, đôn đốc thuộc cấp cho phật sự địa phương trôi chảy, chư tăng thuộc cấp không có quyền quyết định công việc theo khả năng và sáng kiến của mình nếu các ngài Trưởng Ban không đồng ý, vô tình các ngài đã kềm hãm sự phát triển của PG nói chung. HT trưởng Ban Hoằng Pháp TW đề cử giảng sư về cao nguyên thuyết giảng, HT Hồng Từ, trưởng BTS không chấp nhận, Phật tử đề nghị cung thỉng giảng sư nổi tiếng về thuyết pháp, ngài cũng phủ bác; HT Chánh Liêm, trưởng BTS PG Quảng Trị cũng thế, tăng ni có khả năng không được thuyết giảng. Gần đây có cuộc họp của PG Quảng Trị chuẩn bị cho Đại Hội PG Tỉnh vào ngày 22-23/7 sắp tới, Tăng ni, cư sĩ thỉnh ý để HT được an dưỡng vì bệnh hoạn và tuổi tác, cung thỉnh ngài lên hàng Chứng minh, qua bao nhiệm kỳ và một số chức vụ kiêm nhiệm xem như những huân chương danh dự, ngài không làm được bất cứ việc nào, thế nhưng ngài không chịu từ nhiệm. Một chức vụ như Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng còn có thời gian nhất định, ngược lại PG vẫn duy trì một tập tính phong kiến lỗi thời như thế làm sao có thể thay da đổi thịt và phát triển trước trào lưu toàn cầu hoá hiện nay?

Có người đặt vấn đề: Ai sẽ là người thay thế? Quảng Trị còn ai?Tuy ngài không làm được việc nhưng cũng không gây tác hại cho PG Quảng Trị như một sốTỉnh thành khác.

Qua sư kiện trên ta thấy sự lo xa như thế không căn bản, bởi vì: Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ, chợ chẳng bỏ không bữa nào. Không sợ PG thiếu người mà chỉ sợ thiếu người can đảm tự biết khả năng của mình và có can đảm từ nhiệm hay không. Hiện nay PG có trên 600 tăng ni đã và đang lấy học vị tiến sĩ, rất nhiều tu sĩ tốt nghiệp cao cấp Phật học, chả lẽ không thể đảm đang phật sự chăng? sở dĩ những tăng ni trẻ không muốn hồi hương để tham gia phật sự vì:
- Ngại khó và quen tiện nghi vật chất mà TP lớn đã cung ứng
- BTS không trọng dụng, sợ vế địa phương bị đố kỵ tị hiềm, gây khó khăn
Quảng Trị có trên 800 tăng ni tu học tại TP HCM, thế nhưng không ai chịu về, nhất là nằm dưới quyền của những vị cố chấp, thiếu trình độ, lạc hậu.
Không có HT Chánh Liêm nầy cũng có HT Chánh Liêm khác, thà không có , còn hơn có mà như không! Ngài đang khiếu kiện lên văn phòng 2 TW, nhưng chưa biết TW sẽ ngã về Ngài hay vì sự phát triển của PG tỉnh nhà.
Vấn đề cải tổ các cơ cấu hạ tầng là một quá trình lâu dài vì quá dài lâu những tập tính tiêu cực đó đã trở thành như hình với bóng của những chức sắc tham quyền cố vị. Đời sống riêng tư của tu sĩ PG hiện nay, không nhiều thì ít cũng va vầp những cái không toàn hảo, nhưng quan trọng hiện nay đòi hòi một cán bộ chức sắc của GH phải năng động, sáng tạo và có khả năng làm việc; Nếu một vị trưởng BTS yếu kém về mặt thể chất cũng như khả năng, muốn tại vị lâu dài, ít ra các ngài cũng phải chấp nhận một trợ lý giỏi hoặc ban cố vấn để thay ngài mà làm việc. Hiện nay ở Quảng Trị ai là người có uy tín và năng lực làm việc?

Được biết một số vị ngại uy tín TT Thiện Tấn, tuy ngài có tháo vác, can đảm và bộc trực, phải chăng tình hình PG Quảng Trị hiện nay cần năng lực trước nhất?. khi cổ máy vận hành tốt đẹp, mọi sự đi vào nề nếp thì hãy xét lại uy tín của cán bộ hành sự nếu uy tín đó không quá đáng để báo động.
Ngài Trí Hải tuy xuất thân từ Huế, nhưng thời gian có mặt tại Quảng trị đủ để tăng ni xác định khả năng và uy tín của ngài đứng ra đảm đang phật sự, có lẽ tăng tín đồ PG Quảng Trị phần lớn không ai phủ nhận, tuy nhiên,trở ngại chính vẫn là HT đương nhiệm trưởng BTS T. Chánh Liêm có biết lượng sức lượng tài của mình để nhường lại cho người khác tạo công việc phật sự trôi chảy chăng?

Nói là thế, chả lẽ tăng tín đồ PG Quảng Trị đành bất lực trước một lão tăng đau ốm bất tài như thế? Cái ưu thế hiện nay của PGQT là không bị chính quyền thao túng,Ban Tôn Giáo rất tôn trọng các ngài, PGQT có thể tổ chức nhiều cuộc tiền đại hội để quyết định số phận PG tỉnh nhà, cần có sự đoàn kết để vực dậy PG trên mãnh đất quá khứ nhiều chiến sử và giáo sử ( Lavang). Hiện nay, nếu chư tăng Quảng Trị còn ngần ngại, cả nể nhau thì cư sĩ có quyền đứng ra vận động và tác động cung thỉnh các ngài ngồi lại quyết định.

Tình hình PGVN hiện nay nói chung, các bậc chân tu ẩn thân nơi chốn già lam hoặc thâm sơn cùng cốc, không muốn vướng vào hệ lụy trần tục; các bậc tăng già có trình độ, có nhân cách lại không ham muốn những hư danh hoặc không muốn đảm đương trách vụ , sợ đụng chạm những kẻ cố bám víu hư danh; vì thế tình hình PG hiện nay do đa số những người thiếu khả năng mà thừa tham dục điều hành, đưa con thuyền PG vào chốn cùng quẩn, đang đối diện với vực thẳm. thậm chí uy tín và nhân cách một số vi tăng sĩ còn đứng sau những cư sĩ có tâm đạo và có bản chất hướng thuợng. Vì thế, hiện nay, một số cư sĩ từ trí thức đến bình dân đang nổ lực góp phần tác động cho PG được tốt đẹp hơn theo khả năng và lãnh vực của mình.
Các cấp GH hạ tầng chưa đủ lực để cải tổ toàn bộ thì ít ra cũng đổi thay một số mặt yếu kém để làm nền cho một đại hội PG TW sắp tới. Một khi TW đạt được một đổi thay nhất định, từ đó truyền ngược sức sống về các địa phương để phục chỉnh không muộn.
Ai cũng nghĩ mình là trưởng tử Như Lai, nhưng ngôi nhà Như Lai đang bị bào mòn, hư nát bởi những trưởng tử thoái hoá.

MINH MẪN
15/7/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét