Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009
BUỒN VỀ TÂY TẠNG
Từ năm 1959 trốn thoát khỏi bàn tay sắt Trung Cộng, Đức Đạt Lai Lạt Ma và đoàn tùy tùng cùng một số người dân trốn qua biên giới Trung Ấn, được sự can thiệp của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, chính phủ Ấn cho chính phủ lưu vong Tây Tạng một vùng đất dung thân.
Suốt gần nửa thế kỷ lưu đày, Tây Tạng vẫn cố duy trì văn hoá đặc thù của mình, và cũng là nét văn hoá PG mang màu sắc Thần bí, chẳng những thế, Tây Tạng còn bảo lưu tính khoa học và phát triển có hệ thống trong nội bộ tu sĩ về Y học, giáo dục, văn hoá, tín ngưỡng; Trong quá khứ cũng như hiện tại, Tây Tạng đã giữ được sự tôn kính và ngưỡng mộ của quốc tế đối với một đất nước dân không đông, đất không rộng; bị áp lực nặng nề bởi chính sách triệt tiêu của khối lực Trung Cộng, vẫn duy trì được sắc tộc mà đáng ra đã bị tiêu diệt từ lâu.
Dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người dân Tây Tạng vẫn giữ được thái độ ôn hoà và đấu tranh ôn hoà để giữ vững sắc thái dân tộc, không được độc lập thì cũng phải được tự trị như Hồng Công, nhưng Bắc Kinh không hề nhân nhượng; thẳng tay một cách không thương xót đối với dân tộc hiếu hoà, tiêu diệt văn hoá, xoá sạch địa giới một cách có hệ thống, họ cố gắng đồng hoá dân Tây Tạng với Tàu, nhưng qua 50 năm vẫn chưa đạt kết quả như ý, ngoại trừ kiến trúc tân thời hầu pha loãng nếp văn hoá kiến trúc của nhân dân Tây Tạng.
Với một chính phủ lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi rao giảng khắp nơi về tinh thần tu học PG, gặp các lãnh tụ thế giới để đạo đạt nguyện vọng bảo vệ Tây Tạng; cố gắng giáo dục những công dân Tây Tạng vượt biên sang Ấn Độ để duy trì văn hoá đặc thù và đào tạo các Lạt Ma kế thừa, thuần tuý bằng hành động ôn hoà và vị tha! Ngài biết rằng những người dân của ngài còn lại trên quê hương đang chịu tù tội; các tu sĩ hướng về ngài cũng không tránh khỏi ách cùm gông, ngài vẫn hướng về và cầu nguyện cho họ.
Nhưng Bắc kinh không hề buông tha, nhà cầm quyền đã thao túng hoàn toàn về tín ngưỡng của nhân dân Tây Tạng; Gần 10 năm trước Trung Cộng đã bắt giam và đưa đi biệt tích về một hoá thân của vị Bang Thiền Lạt Ma; lên án lãnh đạo các quốc gia tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma; không chấp nhận đối thoại trực tiếp với vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng; gần đây, Bắc Kinh lại đưa ra tiêu chuẩn quy định về Hậu Thân của một Thánh tăng Tây Tạng, một việc làm ngớn ngẩn thuộc lãnh vực tâm linh; xen quá sâu vào tín ngưỡng tôn giáo Tây Tạng; Dĩ nhiên với thân phận cô thế, yếu đuối, nhân dân Tây Tạng không thể chống cự, nhưng với truyền thống tâm linh sâu sắc như Tây Tạng, họ không dể quy phục.
Đài VOA loan tin, dân Tây Tạng chống Trung Cộng đăng cai thế vận hội Olympic 2008, cũng như đã từng có một thanh niên Tây Tạng tự thiêu phản đối Trung Quốc,đó là tiếng kêu giữa sa mạc không nên có khi mà suốt thời gian dài Tây Tạng vẫn giữ được thái độ ôn hoà; Bởi vì dù có chống thế nào thì Bắc Kinh vẫn không từ bỏ việc đăng cai như thế, và không bao giờ từ bỏ đất nước đẹp đẽ như thế; thà rằng cứ ôn hoà như Đức Đạt Lai Lạt Ma để nhân dân trong nước bớt bị đàn áp, tự mình giữ nét phong hoá một cách thầm lặng trước nanh vuốt của kẻ xâm lược.
Chuyện lạ, trước việc xâm lăng vô lý của Bắc Kinh như thế, trước mưu đồ xoá sạch văn hoá và dân tộc Tạng như thế, trước việc đàn áp dã man đối với người Tạng hằng ngày, thế mà các nước lớn từng rêu rao Dân chủ, Nhân quyền, các tổ chức đấu tranh Tự do… vẫn im hơi lặng tiếng trước một dân tộc hiền hoà có một nền văn hoá, tôn giáo đặc thù của nhân loại đang bị mất dần trên bản đồ thế giới.
Dân số Tây Tạng không đủ đe dọa chính sách bành trướng của Bắc kinh, nhưng tinh thần tín ngưỡng tôn giáo của tộc Tạng vẫn luôn vững với thời gian khi mà thế giới ngày càng biết nhiều về người Lãnh đạo tinh thần của họ. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tranh thủ được cảm tình với thế giới, và nhân loại đang ngưỡng mộ nét văn hoá trên vùng cao ảnh hưởng của Hy Mã Lạp Sơn; Đáng ra Bắc Kinh nên cởi mở hơn, biết bảo vệ di sản văn hoá tộc Tạng và dành cho Tây Tạng một quy chế đặc biệt để người dân Tây Tạng không xem Trung Quốc là một kẻ thù mà cảm thấy mình đang sống hài hoà bên cạnh sự bao bọc của nước đàn anh, có như thế sắc thái đa văn hoá trong một đất nước mới đồng bộ phát triển.
Ai có tâm hồn đồng cảm, đều buồn cho số phận của Tây Tạng khi Bắc Kinh ngày càng bộc lộ tính độc tài xuyên thủng đức tin tôn giáo và nguồn mạch tâm linh của dân tộc Tạng. Tín ngưỡng và tôn giáo là lãnh vực tâm linh, không thể bị chi phối bởi bàn tay chính trị; một nhà chính trị khôn ngoan hãy giúp cho tín ngưỡng của dân tộc phát triển tự nhiên chứ không thể uốn nắn tín ngưỡng theo khuynh hướng chính trị như uốn nắn cụm cây hoa làm đẹp cho việc trang trí chế độ. Nhân loại hãy thầm nguyện cầu cho Tây Tạng, một dân tộc hiếu hoà và đạo đức, luôn được tồn tại như loài hoa đẹp trong cộng đồng nhân loại.
MINH MẪN
09/8/07
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét