Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

ĐÔI BỜ KẾT NỐI


Nghi kỵ, chia rẻ, lòng tham đem lại bao khổ đau bởi chiến tranh, các Tôn giáo chưa đủ năng lực cảm hóa lòng người, mặc dù Tôn giáo có mặt trong nhân loại từ hàng ngàn năm qua, nhưng Tôn giáo vẫn còn khép kín trong phạm trù Tín ngưỡng, phục vụ tín lý, tôn sùng niềm tin, bỏ quên cộng đồng sinh hoạt xã hội.

Hòa nhập không bị hòa tan là một đặc tính của Tôn giáo. Sắc thái Tôn giáo luôn là biểu tượng trong không gian. Tháp nhà thờ cao trong bầu trời là tâm hướng thượng, mái chùa quê thầm lặng sau lũy tre làng là thu mình hướng nội nhìn lại chính mình.Thanh âm lảnh lót chuông nhà thờ như vang vọng vinh danh Thượng đế, âm ỷ tiếng chuông chùa là đà len vào thôn xóm như đánh thức tình người.

Con người mãi tô bồi cho hình thức lý tưởng, say mê thực dụng quên nhiệm vụ Tôn giáo khi đến trần gian, xa dần xa dần lời khấn nguyện lúc chịu phép thụ phong chức sắc, “ khấn nguyện trọn đời chịu nghèo khó” nhưng khó mà nghèo; quên lý tưởng phát tâm khi xuống tóc bước vào cửa Phật: “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn..”nhưng khó mà độ chính bản thân, phiền não sân hận hơn thua tràn đầy nhục thể!!!...chính là yếu tố đánh mất lý tưởng ban đầu, xây bức tường ngăn cách giữa Tôn giáo và xã hội.

Mua bó rau vài chục đồng vẫn trả giá, biết đâu là công sức người trồng và người bán chẳng đáng giá bó rau; bức tường vô tình vì quen sự tính toán đã ngăn cách  cảm thông với nhau, thì chả trách xã hội giàu nghèo vẫn còn quá cách biệt tình người.

Những chuyến từ thiện từ Nam ra Bắc dang tay cứu giúp đồng bào cơ  nạn là nền văn hóa giao tiếp cảm thông, phá tan bức tường ngăn cách vô hình; nghèo  cảm thông nghèo từ miền Tây sông nước thì sá gì chiếc cầu kết nối hai bờ.

Chùa thường xây cất bất cứ nơi đâu, không giành riêng cho một khu vực có tín đồ, thường hòa hợp với cộng đồng đa Tôn giáo, làm từ thiện bất cứ nơi nào, không phân biệt Lương giáo; thể hiện văn hóa giao tiếp từ lúc đạo Phật có mặt.Cầu xây dựng trước nhà thờ Công giáo không những kết nối hai bờ mà còn kết nối tình người giữa hai tôn giáo từ lâu chưa có sự giao tế tương thân

Miền Tây sông nước, bao tấm lòng vượt khó mương rạch, làm nên cầu kết nối hai bờ.

Các đoàn từ thiện nơi phố thị, trong đó có chư Tăng tổ chức, đặc biệt, cây cầu hình thành bằng tấm lòng hiện hữu ngay trước cổng giáo đường Công giáo,nơi miền sâu, vùng xa hẻo lánh.

Đức Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Sài gòn Giuse Nguyễn Năng chia xẻ trước các chức sắc Tôn giáo: Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, nhân sỹ trong buổi họp mặt, ca ngợi trước việc làm của một Thượng Tọa.

Cuộc sống, quá khứ cũng như hiện tại trong xã hội ta,tình cảm đã bị chia cắt  trong một số ít người sùng phụng Tôn giáo. Chiếc cầu là một biểu tượng không những vượt qua sự ngăn cách địa lý mà còn xóa tan thành kiến trong tình người; biểu tượng lòng nhân ái, sự bao dung với tâm vô phân biệt của người con Phật.

“Đức cha Phan xi cô kêu gọi xóa tan bức tường ngăn cách vô hình, hãy xây một nền văn hóa gặp gỡ, hãy xây một cây cầu đừng xây bức tường ngăn cách chúng ta!làm tê liệt chúng ta, giết chết chúng ta…”

Những tâm hồn thoáng đạt, chân chánh tràn đầy tình người, thường xóa tan tính đố kỵ, ngờ vực; “lạy Chúa từ tôn, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”

Tôn giáo là một tình người. –“Chúa ở cùng anh chị em”, có nghĩa trong anh chị em đều có Chúa; Phật giáo nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ngôn ngữ tuy khác bản chất cùng đồng.

 Thập kiết sử trong Phật giáo dạy rõ những hạt giống làm cho ta đọa lạc, ngăn cách chia rẽ anh em; người tu là người buông xả bản ngã, hòa hợp với đồng loại, hòa nhập với thiên nhiên. Cái vô ngã cao quý Phật dạy, do nghiệp lực chúng sanh biến thành bản ngã to lớn, làm nên bức tường vô hình ngăn cách, nhìn nhau bằng cặp kính đa màu .

Thánh Phan Xi Cô hiện thân sự nghèo khó hòa mình với đời sống cơ hàn thì Phật giáo buông xả để hiển lộ Chân Như Phật tánh, phá tan bức tường ngăn cách giữa mình và vạn loại.Một hình thức kết nối hai bờ Mê – Vọng; chiếc cầu của một Thượng Tọa xây dựng trước cổng nhà thờ Công giáo là một biểu tượng hiện thực vào đời sống, ĐÔI BỜ KẾT NỐI,,không lạ!

 

MINH MẪN

21/12/2024

 

 

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

CÙ LAO THÚ VỊ


Ngày 7 và 8 tháng 11 năm Giáp Thìn, cũng trùng ngày dương lịch tháng 12 năm 2024, chùa Liên Trì thuộc ấp Đông Thạnh,xã An Thái Đông,huyện Cái Bè,tỉnh Tiền Giang tổ chức húy kỵ Tổ khai sơn cùng chư tiền hiền liệt tổ truyền thừa duy trì và phát triển ngôi Tam bảo đến hôm nay.

Chùa  hiện tại do thầy Tịnh Huệ trụ trì, thầy Tâm Thông thừa nhiệm quản lý, chăm sóc mọi sinh hoạt trong tự viện. Tuy nằm trên vùng đất bốn bề bao quanh sông nước, dù bị cô lập về địa lý, nhưng sinh hoạt của người dân nơi đây được kết nối  đất liền bằng ghe đò, xuồng máy.

Chính do bị cô lập trên vùng đất được xem là hòn đảo lớn, chùa nhìn ra sông, hướng mặt trời lặn, yên ả lạ thường.Tuy không phải là cổ kính, cũng chả mang dáng dấp kiến trúc tân thời nặng nề như các ngôi Tam bảo nơi phố thị rộn ràng.Những chú tiểu quê vẫn ngày cắp sách đến trường, ngoài giờ, được cô Mỹ Hiền hướng dẫn thêm Anh ngữ .Tăng phong đạo cách nơi đây được quần chúng ngưỡng mộ tôn kính.

Trang trí ngoại điện đơn giản, hoa đèn, quả vị,thực phẩm khá sung túc mang hương vị miền quê. Quần chúng địa phương quy tụ chật cả khuôn viên mà ngày thường, vườn cảnh hoa viên vẫn không phủ lấp sự trống trải sân chùa.

Bến sông trước mặt chùa, khi trời lặn, bên kia sông xóm nhà là một khối sương mờ được viền sáng bởi bóng chiều tà, phản chiếu dưới bóng nước tạo thành thế giới đảo ngược hư hư thực thực, tương thích với thế giới ảo ảnh trên không gian tâm thức.

Âm thanh đại Hồng chung sáng chiều lướt mặt sóng vươn xa, nhẹ nhàng len vào từng thôn xóm, báo hiệu sinh hoạt một ngày bắt đầu hoặc chấm dứt một ngày lao động; chim chóc cũng rời tổ tìm mồi hoặc bay về ủ ấm bầy con chờ hơi ấm.

Liên Trì mang dáng dấp chùa quê thời bình, xóa nhòa vết loan thời chinh chiến mà tiền hiền liệt Tổ ra công dựng xây.Những lễ hội đánh thức năm tháng đã chìm lắng cho người dân trên vùng đất cù lao còn nhớ những tháng ngày bon chen với cuộc đời vẫn còn có một góc tâm linh mang hồn dân tộc trên quê hương.

Trong thời kinh tế thị trường báo hiệu nhiều khó khăn, người dân khắp nơi, kể cả xa xôi như Bà Rịa Vũng Tàu, TP Ho chi Minh, các tỉnh lân cận  vượt khó, có mặt góp vui cho lễ hội.Cuộc sống cho dù thế nào, đức tin cũng không hề suy giảm.Dân địa phương, một số anh em chạy vòng ngoài, đưa đón khách Tăng rất nhiệt tình.

Ngoài số phẩm vật tín đồ các nơi dâng cúng, đặc biệt, gia đình bác Tư Tây ( còn gọi là bác Tư Liên),ở xã Mỹ Lương hai người con gái, con dâu cũng nhiệt tình phục vụ.

Một cuộc lễ trang nghiêm, không kèn trống ồn ào, thật đáng nhớ.

                                                      ***

Một đêm trú lại chùa quê, sân sau nhộn nhịp lửa hồng,bóng người làm bếp như  ong vỡ tổ. Trên căn gác hẹp, chư Tăng đàm đạo những tháng ngày chưa được mở lòng; từng nhóm nhỏ chia nhau tâm sự.

HT Hoằng Nghi, tuổi ngoài 80,đệ tử của cố HT Trí Tịnh, có tầm nhìn khá thoáng, ngài quan niệm: “chùa có chi sống nấy, không vận động xin xỏ, không nhận của bá tánh quá nhiều, tiền có thể nhận chút ít cho dân vui, không quá  mười ngàn đồng, không tích lũy. Xưa kia chư tổ tự túc cuộc sống mà vẫn tu chứng đắc; HT Phổ Tuệ, pháp chủ mà vẫn ra đồng cày cuốc, uy đức rạng rỡ, ,tuệ trí hơn người. Cổ đức thường khuyên – thâm tín chư Phật giai sung mãn, chỉ sợ mình không lo tu chứ đừng lo đói. Người thật tu, không giàu có nhưng chẳng đói bao giờ. Chính lo làm giàu, lo tích lũy, BON CHEN DANH LỢI TÌNH nên nội lực suy giảm, đánh mất chơn tâm, hiện tướng phàm tục mới bị quần chúng chê trách.”

Một xã hội, một tập thể bị nhuộm đen thì ai cũng như ai, không có một điểm sáng.Trong tăm tối ấy bổng xuất hiện một hiện tượng khác thường, không bị ô nhiễm, tức nhiên do bảo thủ bản ngã, óc đố kỵ phát khởi, cảm thấy bị xúc phạm không đồng bản chất, liền chống đối không chấp nhận, cho dù hiện tượng đó có tốt cách mấy.Trong rừng hoang, một con khỉ lạ xuất hiện, bầy khi rừng sẽ tấn công đối tượng lạ, đó là chuyện thường!

Nói như thế không phải hầu hết, cũng có những tâm hồn thoáng đạt, biết nhìn và chấp nhận cái hay, cái tốt của một hiện tượng mà chính mình không làm được, nhưng quá ít những vị cầu tiến.

Thành hội Thành phố, Giáo hội thường có  khóa tu 10 ngày tại Việt Nam Quốc Tự cho chư Tăng ni, bồi dưỡng trụ trì hầu chỉnh đốn Tăng phong đạo cách, lấy lại uy tín cho tu sỹ. Liệu đạt bao nhiêu phần trăm nếu tu sỹ không tự mình hướng nội phản quang??? Xưa kia, chưa có các trường Phật học, chưa có Tiến sỹ, cử nhân..lớp gia giáo trong chùa, thầy dạy cho đệ tử, ngoài kinh điển còn oai nghi Tăng cách, khi ra trụ trì quý thầy xứng đáng là bậc Thiên nhân sư, nhờ vậy mà trải qua bao thời cuộc thăng trầm, mạng mạch Phật giáo vẫn tồn lưu.

 Ngày nay, một vị Tiến sỹ sau khi du học về, thường phát ngôn lệch lạc, thiên về thế học, nặng về duy lý tục đế, lạc dẫn giáo lý, kinh điển, suy diễn theo hiện tượng;  cơn đau của đức Phật sau khi ăn tô cháo nấm chân heo của Thuần Đà, một tiến sỹ bảo là đức Phật bị ung thư bao tử, Tiến sỹ khác tốt nghiệp từ Đài Loan bảo La  Hán vẫn còn mộng tinh, Tiến sỹ khác xuất thân từ đại học Nalanda bảo La Hầu La con của thái tử Tất Đạt Đa lấy tên từ sao La Hầu…còn nhiều vị do thu nạp kiến thức một chiều, nặng về  thế trí nên suy diễn quá xa kinh điển.

Khoa bản, học vị trở thành danh ảo thời đại. Đức Phật, chư tổ không có một bằng cấp, thậm chí không biết chữ như lục tổ Huệ Năng đều là nhân tố trường lưu Phật pháp gần ba ngàn năm qua.Nếu ta viết: TS Huệ Năng, TS Thich Ca, TS Ananda, TS Ca Diếp…nghe vướng tai thì ngày nay hai chữ Tiến sỹ đứng đầu họ Thích đã trở thành hãnh diện, cho dù bằng TS mua, TS thuê viết, TS danh dự…

Một vị từ nước ngoài về quê thăm thầy, hãnh diện giới thiệu: “con đã tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Tôn giáo học. Thầy nghe xong , hỏi lại – thầy tốt nghiệp TS vậy đức Phật tốt nghiệp bằng gì?

Xã hội phát triển, con người phát triển, đương nhiên tôn giáo cũng phải phát triển tương thích với kiến thức thời đại. Phật giáo không thể theo nếp gia giáo xa xưa. Việc cập nhật kiến thức để triển khai giáo lý chứ không phải đi ngược lại kinh điển. Muốn không bị thế học và thế trí lạc dẫn, tu sỹ cần hướng nội hành trì để duy trì giềng mối đạo đức và trí tuệ. Thuần về kiến thức thế gian sẽ đi vào vết xe DANH-LỢI-TÌNH mà vô số người đã sa ngã, tức Phật pháp suy đồi như hiện nay.

                                          ***

Một HT cao niên miền Tỉnh trải qua nhiều thờii kỳ, un đúc nhiều kinh nghiệm giúp cho Tăng trẻ có một định hướng, nhưng liệu những kinh nghiệm đó đủ lay động thế hệ Tăng ni ngày nay, không những bị cuốn hút vào đời sống thực dụng, còn bị ràng buộc trong một tổ chức nặng về pháp lý và hành chánh, thời gian đâu để phản tỉnh quy chân?

Giữa đêm trường, lời tâm sự của bậc chân tu cao niên, giữa rộn ràng lễ hội, giữa không gian miền quê bao la, như những hạt mưa trong mùa khô hạn lọt thỏm trên giòng sông vây quanh, vẫn là đêm trên một cù lao thú vị, đáng nhớ!

 

MINH MẪN

12/12/2024