Bên bờ vực tử sinh
Ngày xửa ngày xưa, ở Ấn Độ cổ có một người đàn ông vì chán ghét cõi đời hiểm ác
nên đã tìm đến cửa Phật, quy y Phật giáo. Tuy rằng thân đã xuất gia, nhập không môn,
nhưng trong tâm ông vẫn quyến luyến ngoại giới, bị ái dục ràng buộc, thường dùng dầu
thơm sát lên thân thể, dùng nước nóng để tắm. Ông thích có làn da thơm tho, lựa chọn đồ ăn,
tâm bị chôn vùi bởi vật chất, như bị dây mơ trói thân thể vậy, không lúc nào tự tại. Mặc dù
trên hình thức đã xuất gia, thụ giới, nhưng về hành vi và cảnh giới thì vẫn là phàm phu
tục tử, cách thánh đạo Niết Bàn còn xa lắm.
Khi ấy tại nước Ma La có một tôn giả tên là Upagupta, là một nhà sư đạo hạnh có
tiếng. Vị tỳ kheo mới xuất gia này rất hâm mộ danh tiếng của Upagupta nên đã tới
diện kiến. Tôn giả hỏi ông: “Ông không quản đường xá xa xôi tới đây làm chi?”
“Tôi mộ danh ngài mà tới. Mong được nghe tôn giả từ bi khải thị yếu chỉ Phật Pháp”.
Tôn giả Upagupta quan sát căn cơ của ông, biết ông còn bị ái dục trói buộc, không
thể giải thoát, bèn hỏi ông: “Ông có thể hoàn toàn nghe theo lời giảng của tôi, chấp
nhận giáo huấn của tôi, chiếu theo ý chỉ của tôi mà làm hay không?”
“Tôi nhất định có thể, hết thảy đều chiểu theo lời dặn dò mà làm”.
“Nếu ông có thể sinh tín tâm, tôi trước tiên dạy ông thần thông, sau đó thuyết
Pháp cho ông”, tôn giả nói.
“Học thần thông trước, tuyệt quá!”
Vậy là tôn sư dẫn ông lên núi, dạy ông học tập thiền định, lại dặn dò ông phải tuyệt
đối phục tùng. Tôn giả vận dụng lực thần thông, hóa ra một cây đại thụ, nói: “Ông
cần phải trèo lên cái cây này”. Vị tỳ kheo kia liền nghe lời tôn giả trèo lên cây đại
thụ, nhưng nhìn xuống dưới thấy một cái hố lớn, sâu không lường được, lúc này tôn
giả bèn nói: “Giờ thả hai chân của ông ra”. Vị tỳ kheo chỉ còn cách nghe lời buông
hai chân ra, lúc này tôn giả lại lệnh ông bỏ hai tay ra. Vị tỳ kheo chỉ dám bỏ một tay
ra, nhưng tôn giả bảo phải bỏ nốt tay kia ra, tỳ kheo cực kỳ sợ hãi, nói: “Nếu lại bỏ
tay ra, sẽ rơi xuống hố mà chết”.
“Ông đã có lời ước hẹn với tôi, hết thảy tuân theo dạy bảo của tôi, giờ lại hối hận
rồi sao?” Vị tỳ kheo không còn cách nào, đành buông tâm không nghĩ gì nữa, bỏ nốt
tay kia ra, liền rơi vào cái hố sâu, vừa sâu hoắm vừa đen ngòm. Lúc này ông hồn
xiêu phách lạc, toàn thân lạnh ngắt, mở mắt ra nhìn thì thấy cái cây và chiếc hố đã
biến đâu mất. Sau đó, tôn giả bắt đầu thuyết Pháp cho ông. “Giờ tôi hỏi ông, khi
ông buông nốt tay ra để rơi xuống, ông còn thấy thế gian có gì đáng để thích
nữa không?”
“Tôn giả, đã tới bước ngoặt sinh tử, hết thảy đều không còn gì đáng thích nữa”.
“Là như thế. Hết thảy mọi thứ thế gian, đều là hư ảo hết. Khi sắc thân ảo diệt, ái dục
cũng theo đó mà ảo diệt. Nếu ông có thể nhìn thấu sắc thân vô thường, thoát khỏi ái
chấp trói buộc, thì sẽ giải thoát khỏi nó. Ưa thích là căn nguyên của phiền não sinh tử,
hãy cẩn thận với nó, tinh tấn tu hành, chớ mất bản tâm, sẽ thành chính Đạo”.
Vị tỳ kheo lúc này đột nhiên tỉnh ngộ, từ đó tĩnh tâm suy ngẫm, chuyên cần tinh tấn,
chứng đắc quả vị La Hán. Thế gian con người thật thật giả giả, hư hư thực thực, do
con mắt thịt chúng ta nhìn không chính xác, mới lấy ảo làm thật, tham hưởng khoái
lạc nhất thời, chỉ vì sai biệt một niệm, kết quả rớt vào vực thẳm không đáy.
Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Biết được pháp sinh diệt.
Kinh Pháp Cú kệ 113
Đôi Bờ Tử Sinh
Tử sinh, sinh tử đôi bờ
Vì chưng sợi tóc hững hờ.. gió đưa!
Ngàn sau cho tới ngàn xưa
Khi con mắt đói dây dưa cảnh trần
Để lòng lạc lối phong vân..
Tàn tro, ngỡ kiếp giai nhân mặn mà!
Tử sinh sóng vỗ ta bà
Hồn giăng kín những âm ba bổng trầm
Đường về mỗi lúc xa xăm
Cõi uyên thuở nọ biệt tăm dấu hài.
Tử sinh, sinh tử miệt mài
Lao xao mưa, nắng... bên ngoài, bỏ quên..
Thăng trầm mấy độ xuống lên
Hồn phong sương đợi bình yên một ngày ?
Tử sinh, sinh tử vần xoay
Đời chưa mỏi gối còn xây mộng bền.
Sắc thinh.. cuồn cuộn thác ghềnh
Nào ai nhớ cõi không tên trở về.
Bên ni hạnh ngộ bên tê
Ngờ đâu, một niệm Giác, mê chuyển dời
Tử sinh, sinh tử mù khơi.
Trần tâm khép cửa, một trời Như Lai.
Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét