Tên Miến Điện có lẽ không xa lạ với người Việt Nam nhưng đất nước Miến Điện thì vẫn còn rất ít người Việt đặt chân đến. Xứ sở này đang trên con đường chuyển đổi từ lối suy nghĩ của giới lãnh đạo đến các nơi chốn du lịch. Không bao lâu nữa Miến Điện nói chung và thành-phố-ngàn-tháp Bagan nói riêng sẽ là một trong những điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Hoàng hôn trên bình nguyên “ngàn tháp Bagan.” (Hình ATNT Tours & Travel)
Yangon, Mandalay, Bago-Kyaiktiyo, Inle Lake, Bagan là những nơi nổi tiếng về di tích đền đài, mỗi nơi mỗi vẻ. Nhưng nói về những nơi làm say mê những nhà nhiếp ảnh với những thắng cảnh bình minh và hoàng hôn thì phải kể đến hai thành phố ngàn tháp Bagan và hồ thiên nhiên Inle. Đây là những “thiên đường săn ảnh” cho những ai thích chụp hình nghệ thuật.
Bagan chỉ cách Yangon hơn 1 giờ bay về phía Bắc. Xưa kia Bagan đã từng kinh đô của đế quốc Miến Điện dưới triều đại Pagan. Trải qua hơn ngàn năm, bây giờ Bagan chỉ còn là thành phố có chút bụi bặm của những con đường nhỏ và những di tích chùa tháp còn sót lại trên bình nguyên Bagan. Con sông mẹ Ayeyarwady của Miến Điện ngoằn ngoèo chảy từ phương Bắc xuống đi qua khu Old Bagan lẫn New Bagan xen lẫn với các tòa tháp Pagoda cổ kính đã tạo cho không gian Bagan một nét đặc thù kỳ lạ. Có đến thành phố Bagan, có nhìn tận mắt không gian của thành phố này người ta mới có thể hình dung ra được một quần thể chùa tháp vô cùng rộng lớn của Phật giáo Tiểu Thừa đã hiện diện tại Miến Điện từ hàng ngàn năm trước.
Chiều về trên thành phố ngàn tháp Bagan (Hình ATNT Tours & Travel)
Từ trên máy bay người ta đã có thể nhìn thấy cả một rừng tháp và chùa cổ trên cánh đồng mênh mông Bagan. Những kiến trúc khác nhau của các tu viện và chùa, trải qua 55 triều đại vua chúa đã tạo cho Bagan một hình ảnh khác biệt với tất cả thắng cảnh trên thế giới. Người ta đã đếm được hơn 4,000 ngôi chùa, tháp, tu viện vẫn còn hiện diện ở đây dù rằng một nửa pagoda và tu viện đã bị sụp đổ theo thời gian.
Tại Bagan vào bất cứ thời điểm nào, dù là bình minh, hoàng hôn, trưa nắng hay dưới những cơn mưa, ở đây luôn tạo ra những hình ảnh không gian khác nhau làm lôi cuốn và say mê người thưởng ngoạn. Sáng sớm tinh sương, khi tiếng gà gáy vừa cất tiếng thì đoàn người săn ảnh đã nhộn nhịp đi tìm một nơi cao để có thể ngắm nhìn cảnh mặt trời lên trên các đỉnh tháp Pagoda. Người ta phải biết chọn lựa ngọn tháp nào để leo lên tầng cao nhất. Con đường leo lên tháp không dễ dàng chút nào, một lỗ hổng vừa đủ cho một người kích thước trung bình xoay xở trèo lên. Nếu bạn là người “quá khổ” thì hơi vất vả, cũng may ít người Việt chúng ta có kích thước người Samoa nên ai cũng lên trên đỉnh tháp được.
Chùa Tháp Ananda tại Old Bagan. (Hình ATNT Tours & Travel)
Chắc chắn một điều là nếu bạn không có người hướng dẫn chụp ảnh chuyên nghiệp (photographic tour guide) thì chưa chắc bạn đã tìm được những nơi “đúng chỗ” để chờ đón cảnh bình minh lên trên các đỉnh pagoda. Từ tháp cao hơn 40m chúng ta có dịp nhìn thấy cả một rừng tháp nhô lên khỏi “khu rừng ngàn tháp,” nhìn chung quanh đâu đâu cũng là Tháp. Những vệt sương dài phủ ngang các đỉnh tháp khi ánh nắng mặt trời chưa lên, tạo ra hình ảnh mờ ảo của không gian sương, tháp và những con đường ngoằn ngoèo khiến cho người xem một cảm giác huyền bí len nhẹ vào trong niềm suy tư của mình.
Không gian này thay đổi theo từng giây phút khi mặt trời lần lần ló dạng. Từng quả khinh khí cầu dần dần bay lên cao hiện ra từ cuối chân trời càng làm cho không gian Bagan thêm nét đẹp. Ở đây, du khách được thưởng ngoạn trọn vẹn thắng cảnh “ngàn tháp Bagan” dưới chân. Tôi không biết từ trên cao đó, du khách sẽ cảm nhận cái đẹp của rừng tháp Bagan như thế nào nhưng phải trả 275 Mỹ kim cho 45 phút để được bay lên trời cao thì cũng không phải là một số tiền nhỏ.
Nhưng bình minh chỉ là một phần cảnh đẹp của Bagan. Thông thường thì muốn thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn ở đây thì người ta lại phải chọn một đỉnh tháp cao khác, có góc nhìn về hướng tây. Bagan là một trong những thành phố Á Châu nổi tiếng về cảnh hoàng hôn trên cánh đồng Chùa Tháp, một hình ảnh ít ai có thể quên được.
Chùa Tháp Shwezigon gần phố cổ Bagan. (Hình ATNT Tours & Travel)
Ngoài ra, ngôi chùa Ananda Temple với những di tích tượng Phật cao 9.5m, hình dáng kiến trúc của ngôi tháp vàng Shwezigon, tháp trắng Thatbyinnyu và tháp Shwesandaw cũng là những nét kiến trúc độc đáo mà các nhà chụp ảnh nghệ thuật không chịu bỏ qua.
Tháp chùa vàng Shwezigon Pagoda nằm trên bờ ngạn sông Ayeyarwady là một ngôi Tự tháp nổi tiếng của Bagan. Được xây dựng vào thời đại của vua Anawrahta thế kỷ 11, ông là một vị vua nổi tiếng trong triều đại Bagan xưa kia. Theo truyền thuyết, người ta đã đặt “Xá lợi Răng Đức Phật” trên lưng một con voi trắng và thả voi đi. Chỗ nào voi dừng chân, không chịu đi nữa thì người ta sẽ chọn nơi đó xây ngôi Tự Tháp. Voi trắng đã đi qua sông và dừng chân lại tọa điểm nơi ngôi chùa tháp Shwezigon hiện hữu bây giờ. Chùa được xây 5 tầng bậc và kiến trúc theo hình thể biểu đồ Mandala. Tầng trên cùng là stupa (bảo tháp) được xây theo hình dáng quả chuông với đỉnh tháp (hti) như là hình dáng cây dù. Ngày nay, Shwezigon Pagoda trở thành một di tích Phật giáo nổi tiếng tại Bagan mà du khách thường thăm viếng để biết về câu chuyện Voi trắng và Xá lợi Răng Đức Phật.
Tượng Phật đứng (9.5m) cao lớn uy nghiêm và hai Thần Nat ngay cổng vào Ananda Temple. (Hình ATNT Tours & Travel)
Một ngôi chùa khác cũng rất nổi tiếng tại Bagan là Ananda Pagoda. Chùa được xây vào năm 1091 và có kiến trúc khác hẳn các ngôi chùa khác! Ananda Pagoda mang biểu tượng cho ngọn núi Ganhamandana, một trong bốn ngọn núi huyền thoại và linh thiêng của Ấn Độ giáo. Chùa có bốn cửa ở bốn phía Đông Tây Nam Bắc. Bước vào trong mỗi cửa, du khách nhận thấy ngay bốn tượng Phật đứng uy nghiêm và cao gần 10m, tượng Phật được thiết kế đứng ngay giữa trung tâm chùa. Mỗi tượng Phật đều đứng trong một tư thế khác nhau và mang một ý nghĩa khác nhau. Đây cũng là một ngôi chùa được rất đông Phật tử khắp nơi trên thế giới đến du ngoạn chiêm bái.
Thành phố ngàn tháp Bagan không chỉ là một vùng đất du lịch lý thú về lịch sử, kiến trúc Phật giáo Tiểu thừa và Hindu Ấn Độ mà còn là vùng đất làm say mê những ai thích thú về chụp ảnh nghệ thuật chùa tháp và thiên nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét