Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
HAI LOẠI HẠNH PHÚC
Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ (thuộc Chương 5: Bản chất hạnh phúc)
Hạnh phúc có hai loại, hạnh phúc thế gian và hạnh phúc siêu thế. Hạnh phúc thế gian thuộc về các giác quan, làm cho con người tăng trưởng lòng ích kỷ, nuôi lớn bản ngã và kéo dài sự chấp mắc trói buộc trong vòng luẩn quẩn khổ đau. Ngược lại, hạnh phúc siêu thế là cảm giác làm cho lòng vị kỷ chết đi, lòng vị tha được chuyển nở, sự dấn thân giúp đỡ người khác và hành vi lợi ích cho đa số, cộng đồng, chư thiên và loài người được mở rộng hơn. Dĩ nhiên hạnh phúc siêu thế không bao giờ nuôi lớn bản ngã mà làm cho người đó có thái độ hỷ xả về những gì mình đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Hai khái niệm hạnh phúc này tạo ra hai khuynh hướng và từ đó tạo ra sự khác biệt giữa một người được gọi là phàm phu chạy theo hạnh phúc thế gian, và một người là thánh nhân chạy theo hạnh phúc siêu thế.
Ví dụ, đối với người nghiện cờ bạc thì các hạnh phúc giác quan khác như mắt quan sát phim ảnh, cảnh đẹp du lịch mọi nơi, hoặc nhìn ngắm hình thái màu sắc kiến trúc nghệ thuật... gần như không có gì lôi cuốn. Trước mắt anh ta, hạnh phúc duy nhất là được ngồi trên sòng bài, ăn những đồng tiền “của thiên trả địa”, không là thành quả của mồ hôi nước mắt. Cho nên dù có được cũng không biết cách giữ.
Năm 2003 khi sang Úc, chúng tôi được các Phật tử dẫn vào một tòa nhà nguy nga lộng lẫy như cung điện. Họ không cho chúng tôi biết đó là nhà gì. Vào bên trong, các cánh cửa được làm bằng vàng, đính những viên kim cương óng ánh, hồ nước phun lên với nhiều màu sắc rực rỡ của đèn. Quang cảnh lóa mắt dễ làm cho phản ứng hưởng thụ của con người bắt đầu được chuyển nở. Đó là sòng bạc nổi tiếng nhất nước Úc. Đi tham quan một vòng, chúng tôi có dịp quan sát nhiều gương mặt phản ánh hạnh phúc lẫn khổ đau. Người cười hân hoan, sung sướng; kẻ thì gục đầu xuống, chán nản, buồn bã. Một bà già hơn tám mươi tuổi đánh bạc bằng thẻ tín dụng. Chúng tôi đứng thử nửa tiếng kiên nhẫn xem bà chơi, càng chơi càng thua, đến khi hết tiền trong thẻ bà mới ra về. Báo chí đăng đã từng có người Việt vào chơi đến độ bỏ quên con mình trên xe hơi đang khát nước và rất đói. Cuối cùng, đứa bé đã chết. Thoả mãn hạnh phúc đặt trên các ảo giác thông thường làm cho những trách nhiệm của người làm cha, làm chồng, một công dân xã hội có thể bị bỏ quên. “Tứ đổ tường” là cách thức làm cho con người, thay vì được hưởng hạnh phúc, lại giết chết hạnh phúc.
Đó là cách phân loại hạnh phúc. Khi đi ngược lại hạnh phúc thuộc giác quan thì lòng vị kỷ sẽ không có mặt. Đức Phật Thích Ca từ bỏ hạnh phúc dục tính, từ bỏ ngôi vị đông cung thái tử để tìm hạnh phúc mang tính siêu thế, trả giá bằng những lận đận khổ đau trên suốt chặng đường tu tập khổ hạnh. Cuối cùng Ngài tìm được sự giác ngộ thật sự, để lại giá trị cho nhân loại xưa, nay và mãi về sau. Như vậy, hạnh phúc không phải là một sản phẩm, một món hàng có thể được mua bằng tiền bạc. Hạnh phúc có thể đạt được bằng thái độ, những hành vi cao cả vị tha hơn là những gì thuộc về giác quan.
Hạnh phúc thế gian, mặc dù có những trường hợp phát xuất từ ảo giác, nhưng ước mơ trên bản chất vẫn là cách thức để giúp cho con người đạt được hạnh phúc. Vì thế, nguyên lý trước nhất là nuôi lớn hạnh phúc bằng những ước mơ đẹp. Theo tâm lý học Phật giáo, ước mơ có ba loại:
- Ước mơ lương thiện phản ánh về cuộc đời tốt đẹp, thanh cao, những đóng góp cao cả...
- Ước mơ sống xa hoa, phung phí, hưởng thụ, không phù hợp quy luật đạo đức và luật pháp của xã hội.
- Ước mơ trung tính, nhiều người không muốn tìm hạnh phúc cũng không muốn khổ đau, họ giữ tâm chai lỳ thụ động trước những biến cố. Gần giống như những người chứng đạo dửng dưng trước những biến cố của cuộc đời, nhưng họ không dửng dưng mà chai lỳ thụ động.
Trong ba dạng ước mơ đó, chỉ có dạng đầu tiên là ước mơ đẹp, góp phần tạo nên hạnh phúc thật sự trong cuộc đời.
Tào Tháo có lần bị đuổi đánh tả tơi, ông phải dẫn đội kỵ binh trốn chạy. Đường đi đến nơi ẩn náu cách xa mấy chục dặm. Tất cả binh sĩ đều mỏi mệt. Tào Tháo nhanh trí nghĩ ra một cách, ông lợi dụng ánh nắng chang chang phản chiếu trên mặt đường tạo ảo giác dòng nước đang gợn sóng từ xa, điều này kinh đại thừa gọi là “dương điện” và nói rằng nước đang nằm phía trước. Binh lính tin lời và nỗ lực đi tiếp. Khi đến nơi, dĩ nhiên nước không có nhưng rất may có nhiều rừng cây để đoàn kỵ binh nghỉ ngơi thoải mái, nhờ đó họ đã đi đến điểm mà Tào Tháo muốn đến.
Có những ước mơ dù khoảng cách của nó đối với hạnh phúc thật sự là khoảng cách không đến được, ví dụ như dòng nước mà Tào Tháo và đoàn kỵ binh nhìn thấy là dòng nước ảo, không có thật, nhưng nếu không nhờ dòng nước ảo này chắc rằng đoàn kỵ binh sẽ không còn cảm hứng nào để đi tới phía trước, và đặc biệt là có thể bị đánh một cách tức tưởi và chết đau khổ từ phía sau. Một ước mơ đẹp, ước mơ uống ngụm nước sau những ngày mỏi mệt dưới trời nắng gắt làm cho đoàn quân có thêm sức lực đi đến phía trước một cách thành công. Do đó, có những trường hợp ước mơ chỉ là ước mơ không bao giờ thành hiện thực, vì không được nuôi lớn bởi những hành vi tạo tác, hay nói cách khác, nó đơn thuần chỉ phản ánh sự cầu nguyện, lời ước muốn, kết quả không bao giờ có mặt.
Kinh Pháp Hoa đưa ra những hình ảnh phương tiện về chặng đường hạnh phúc mà con người đạt được trên nền tảng những ước muốn đẹp. “Hóa thành dụ”, “thành” thuộc về vật lý, tượng trưng cho trạng thái Niết bàn trong nhà Phật, từ đó mà có thuật ngữ “Niết bàn thành”. Khái niệm “Niết bàn thành” làm cho rất nhiều người không theo đạo Phật hiểu lầm Niết bàn như một cảnh giới vật lý. Thực ra, nó là trạng thái tâm lý khi các dòng chảy của tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến không còn nữa thì hạnh phúc tự động xuất hiện, giống như khi ánh sáng thổi vào thì bóng tối tự động biến mất. Nơi nào có Niết bàn thì tất cả dòng chảy của khổ đau tự động tan biến. Nhưng để đạt được Niết bàn, kinh điển Đại Thừa mong mỏi là Niết bàn của Phật tính, khác hoàn toàn với Niết bàn của các vị Bồ tát và A La Hán, nên các Tổ, chư Phật đã phương tiện đặt ra ba chặng đường hạnh phúc khác nhau để người đi có cảm giác con đường với những ước muốn đẹp dễ dàng thực hiện. Khi đã an thân hưởng hạnh phúc của quả vị A La Hán, đức Phật mới nói rằng đây chỉ là giai đoạn một, chặng đường thứ hai còn nằm phía trước và do đó phải có ước mơ đẹp về chặng đường thứ hai để tiếp tục có được hạnh phúc của nó. Cứ như vậy, hạnh phúc dần dần xuất hiện, và hạnh phúc cuối cùng cao nhất sẽ có mặt.
Thực hiện ước mơ đẹp thì hạnh phúc mới thật sự, dù những ước mơ đó chưa chín chắn, trọn vẹn, nhưng vẫn làm cho con người có nghị lực kiên cường để vượt qua tất cả gian lao thử thách. Để đạt được những ước mơ đó, nhà Phật dạy phải hỗ trợ chúng bằng những hành vi tạo tác, cầu nguyện suông không mang lại kết quả nào. Câu chuyện Trung Hoa kể về một anh bạch diện thư sinh tài giỏi. Trên đường lên kinh ứng thí, anh ta mỏi mệt nên xin tá túc ở ngôi nhà bên vệ đường của một bà lão. Vừa đặt lưng xuống giường, anh chàng ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, anh thấy mình đỗ trạng nguyên, được vua cử dẫn đầu đoàn quân xung trận giết giặc. Chiến thắng trở về, anh được vua khen thưởng và gả công chúa. Giấc mơ đẹp đang diễn ra thì bà lão gọi anh dậy ăn cháo. Đây là những ảo giác hạnh phúc trong giấc mơ, điều này không nguy hiểm.
Thiền tông Trung Hoa nói “Những ước mơ khi đang thức mới nguy hiểm, vì người ta ước mơ dựa vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân”. Nếu những ước muốn đó không thành sự thật thì sự dằn xé sẽ rất lớn, trong khi ước mơ trong lúc ngủ chỉ đem lại cảm giác tiếc nuối. Vì thế, người tu phải biết từ bỏ những mộng mị trong khi đang mở mắt.
Kinh điển Pàli thường đề cao vai trò của chủ nghĩa hành động. Hành động là tác nhân đem lại hạnh phúc. Đức Phật đưa ra hình ảnh: “Không thể nào lấy sữa từ sừng của con bò cái, vì sừng không có chức năng tạo ra sữa”. Trong cuộc đời, khi thức, nhiều người vẫn mơ có được sữa tươi từ sừng, nghĩa là chỉ mơ mộng mà không làm, do đó không đạt được kết quả.
Như vậy, để có hạnh phúc thì điều kiện cần là phải tìm tác nhân dẫn đến hạnh phúc. Còn mơ mà thiếu tác nhân thì hạnh phúc vĩnh viễn vẫy tay chào. Trong vài thế kỷ đầu, khi kinh Pháp Hoa có mặt, chỉ có tất cả hai mươi sáu phẩm. Phẩm Bồ Tát Quan Thế Âm và phẩm Đà La Ni được đưa vào sau này. Nhưng rất tiếc trong thực tế, Phật tử Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đều xem trọng phẩm này và biến nó thành nghi thức tụng niệm trong chùa, dẫn đến quan niệm cho rằng đây là bài kinh mang lại hạnh phúc an lành, trong khi những triết lý cao siêu lại ít được biết tới. Như phương pháp ngũ quán, phương pháp quán ngũ âm, hoặc hạnh nguyện ứng thân vô bờ bến của Bồ tát Quan Thế Âm thì lại không được nhấn mạnh, phân tích.
Phương thức tìm tác nhân dẫn đến hạnh phúc, câu đáng tâm đắc là: “Ưng dĩ Bà la môn thân đắc độ giả, tức hiện Bà la môn thân nhi vị thuyết pháp”. Bà la môn giáo là ý thức hệ tôn giáo đối lập với đạo Phật. Nơi nào đạo Phật phát triển thì ảnh hưởng của Bà la môn bị giảm. Do đó, Bà la môn xem đạo Phật như một cái gai. Bồ Tát Quan Thế Âm với hạnh nguyện độ thân tuyệt vời, mang thân, hình ảnh, ý thức hệ của Bà la môn để giáo huấn quần chúng về Phật đạo, mang lại hạnh phúc lâu dài.
Phật giáo Việt Nam có cơ hội lớn, sống trong nghịch cảnh để làm bồ tát đạo. Nếu không có Đề Bà Đạt Đa thì đức Phật đã không là đức Phật. Sự tương phản của Đề Bà Đạt Đa làm cho hình ảnh của đức Phật ngày càng cao thượng. Khó khăn của hoàn cảnh làm cho người đạo Phật đang hành đạo trong khó khăn trở nên nổi bật hơn.
Vượt lên trên phương diện chính trị, hành giả Phật giáo vì hạnh phúc của chúng sanh mà tùy cơ, tùy duyên ứng dụng “Ưng dĩ cộng sản thân, xã hội chủ nghĩa thân di đắc độ giả, tức hiện cộng sản thân, xã hội chủ nghĩa thân nhi vị thuyết pháp”, hoặc “Ưng dĩ nhân quyền thân di đắc độ giả,...” đều được. Vấn đề cần lưu ý là “ưng dĩ” theo cách thức nào thì mới là bảo vệ Phật pháp. Tùy duyên hoàn toàn không phải là ba phải, vì tùy duyên nhưng không lấy học thuyết chủ nghĩa đó làm chân lý của mình. Đạo Phật có học thuyết riêng, có chủ nghĩa riêng, có chân lý riêng, có cách thức phục vụ nhân sinh riêng. Mục đích cuối cùng là hạnh phúc thật sư.
Tu tập biến những ước mơ đẹp trở thành cơ năng để cảm thụ hạnh phúc là một điều nên làm. Tùy duyên nào cũng phải được hướng dẫn bởi trí tuệ thì mới giữ được gốc, đạo Phật gọi là “tùy duyên bất biến”, để có bất biến phải có trí tuệ. Bản chất ước mơ chỉ là công cụ kích thích, làm cho con người phấn chấn, tạo được lý tưởng tốt, dấn thân một cách kiên định. Bằng không, thì cả chỉ mãi mãi là những tòa lâu đài trên cát.
Phải nhìn vào những cứu cánh của sự vật hơn là những đánh giá vào biểu hiện hời hợt của nó. Ý thức hệ Phật giáo nào phục vụ cho dân tộc thật sự thì hãy dựa vào hệ quả mà nó mang lại. Dù nhân danh cỡ nào đi nữa, nhưng không mang lại hạnh phúc cho con người, cho cuộc đời thì tất cả những danh nghĩa đó chỉ vứt đi. Một lần Hòa thượng Thích Thanh Từ sang Mỹ thuyết pháp, đã gặp biểu tình rất đông, cho rằng Hòa thượng là đại cộng sản, các chùa cô lập không dám mời về, nên Hòa Thượng phải giảng ở công viên. Khi đó, một câu nói rất hay của Hòa thượng được đăng trên tạp chí: “Nếu mang một danh nghĩa và cho rằng nó phản ánh bản chất của đạo Phật, ngoài danh nghĩa đó không còn là đạo Phật thì ta đang đi trên con đường tà chứ không phải hoằng pháp lợi sinh”. Sau câu nói đó, người ta càng chống đối Hòa Thượng nhiều hơn nữa. Về Việt Nam, ngài đã ra hàng loạt tác phẩm “Hoằng pháp trong bão táp”.
Dù bị gán ghép vào việc này việc nọ, nhưng là người con Phật thì phải bản lĩnh, có tinh thần xây dựng và tìm giải pháp thật sự cho con đường hạnh phúc. Đạo Phật không chạy theo bất cứ chủ nghĩa nào. Đạo Phật tùy duyên vào từng hoàn cảnh xã hội để làm trách nhiệm hoằng pháp mà đức Phật để lại gia tài tâm linh lớn cho chúng ta. Là người con Phật, chúng ta có quyền ước mơ đẹp về điều đó.
Nói cách khác, quan niệm hạnh phúc trong Phật giáo được đặt nền tảng trên đời sống đạo đức, dĩ nhiên vượt ra khỏi những khuynh hướng hưởng thụ mà không đạt đến lợi ích an vui cho cộng đồng. Hạnh phúc đặt trên nền tảng của lòng vị kỷ sẽ mang lại khổ đau cho đa số. Đó là khuynh hướng không bao giờ được tán đồng và cần được loại trừ đối với những người có tinh thần hướng đến con đường giác ngộ và giải thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét